Xưa có một anh chàng mồ côi cha, rất hiền lành, nhưng vì ngốc nghếch nên người làng thường gọi là thằng Ngốc. Mẹ anh thấy anh thua bè, kém bạn thì thương con. Một hôm, bà gọi Ngốc lại, giúi cho một túi bạc và dặn:
- Nay con đã lớn tuổi nhưng để khỏi thua anh kém chị, con hãy đi học bao giờ học được một cái khôn thì con trở về!
Ngốc nghe lời mẹ, cầm túi bạc lên đường, anh chàng đi mãi đến một phố nọ. Tới đầu chợ thấy một đám đông xúm quanh hai người đang gõ "phèng phèng" bán thuốc. Anh bèn dừng lại xem, một lúc lâu thấy hay hay bèn đến xin gõ giúp "phèng phèng" để được học nghề, hứa sẽ xin biếu túi bạc. Hai người này là ông thầy chuyên chữa bệnh và bán thuốc, thấy Ngốc đến học liền vui vẻ nhận lời.
Từ đó, ngày ngày anh theo thầy ra chợ cầm dùi gõ.
Hai thầy dạy anh các môn thuốc và cách chữa nhiều loại bệnh. Ngốc chịu khó học, nhưng vì học trước quên sau, nên trong ba năm trời anh chỉ nhớ được có mỗi một môn chữa mắt.
Anh cho là mình đã học được cái khôn, chợt nhớ tới lời mẹ dặn lúc ra đi, bèn từ giã hai thầy trở về nhà.
Bà mẹ thấy anh học được nghề chữa mắt hết lòng khen ngợi, đi đến đâu, bà cũng khoe tài chữa thuốc của con. Hồi ấy có phú ông ở làng bên nghe tin Ngốc chữa mắt giỏi, bèn cho người đến mời anh chữa cho con gái một của mình bị đau mắt từ lâu chữa mãi không lành. Phú ông hứa:
- Con gái ta bị đau mắt đã hơn ba năm nay, các thầy thuốc nổi tiếng trong vùng quanh đây đã bó tay, nếu anh chữa khỏi thì ta gả nó cho anh.
Nhờ bài thuốc đã học được, Ngốc làm cho đôi mắt của cô gái trở lại trong sáng như xưa. Nàng hết lời cảm ơn Ngốc và bằng lòng lấy anh. Thế là Ngốc không mất gì mà cũng lấy được vợ đẹp và giầu.
* * *
Nhưng sau thời kỳ trăng mật, vợ Ngốc mới hay rằng chồng mình ngoài bài thuốc chữa mắt chẳng có tài nghề gì nữa. "Không những thế, chồng mình lại còn tỏ ra u mê đần độn"! Nàng bụng bảo dạ thế. Về phần Ngốc từ ngày lấy được vợ giàu, anh cũng chẳng đi làm thuốc, cứ nằm dài ở nhà. Năm bảy lần vợ khuyên chồng phải đi tìm người bệnh để chữa kẻo quên mất nghề. Ngốc nghe lời vợ, thỉnh thoảng cũng ra đi, nhưng mỗi lần trở về, vợ hỏi thì anh đáp:
- Thấy mắt ai cũng sáng như mắt cú mèo ấy, tôi biết chữa cho ai?
Thấy thế nàng lại bảo chồng:
- Nhà ta ở gần chợ, nhưng ta chưa có đủ vốn để mở cửa hiệu. Chàng hãy tạm đi làm vài chuyến "buôn đầu chợ, ăn cuối chợ" rồi sau sẽ hay.
Sáng hôm sau, Ngốc nhận bạc rồi đi ra chợ. Sẵn bạc trong tay, hắn đến đầu chợ mua bánh ăn, rồi lại lân la xuống cuối chợ mua quà ngồi chén. Tối về, vợ hỏi thì hắn vỗ bụng trả lời:
- Theo lời nàng, tôi đã lên đầu chợ mua quà bánh ăn chán rồi, lại xuống cuối chợ ăn nữa đến ngấy cả mồm rồi đây.
Nghe vậy, vợ Ngốc buồn quá. Nhưng vẫn cố thử một lần nữa. Phiên chợ sau, nàng lại làm một gánh vải tấm cho chồng đi bán. Nàng dặn:
- Chàng cố tìm chỗ đông người mà bày hàng nhé...
Ngốc gánh vải tấm đi loanh quanh từ đầu chợ đến cuối chợ, thấy chỗ nào cũng chỉ lèo tèo vài chục người. Nhìn sang quả đồi phía cuối chợ, thấy đông người, Ngốc liền gánh hàng đến bày ở sân. Nhưng chẳng có ai mua cho hắn cả, hóa ra đấy chỉ là một trường học. Chiều đến, Ngốc trở về nhà bảo vợ:
- Hừ! Vì tôi làm theo lời nàng nên đâm ra ế hàng. Tôi cố chọn chỗ đông người nhất để bày hàng, nhưng đám đông ấy chỉ giỏi nô đùa, chứ không chịu mua gì cả.
Vợ gặng hỏi, mới biết là chồng bày hàng vải ở trước lớp học. Nàng nén bực bội đành bảo chồng ở nhà để dạy chồng học khôn cái đã. Một hôm, nàng trao cho chồng hai thỏi vàng là vốn riêng của mình, đem đi đổi bạc để thêm vốn đi buôn chuyến khác.
Cầm trong tay hai thỏi vàng, Ngốc đi đến gần bờ sông, bỗng anh thấy một đôi ngỗng phủ nhau. Con ngỗng trống mổ vào đầu con mái rồi đạp lên người làm con ngỗng chìm xuống nước. Thấy vậy, Ngốc cho là hai con ngỗng đánh nhau và thương hại cho con ngỗng sắp chết đuối, hắn liền ném hai thỏi vàng rơi tòm xuống vực sâu và thích chí reo cười vì thấy mình đã can được đôi ngỗng.
Về đến nhà, hắn khoe tíu tít với vợ rằng mình đã làm được một việc thiện to bằng trời. Hỏi đến vàng, hắn mới sực nhớ là đã trót ném xuống sông.
Đến đây nàng mới thấy chồng quả là đần độn tột bực, không thể nào trở thành người khôn được, nàng than thân trách phận, giận cho số kiếp đã làm vợ một thằng chồng ngu ngốc. Nàng nghẹn ngào bỏ nhà ra đi một mạch đến bờ sông định tìm nơi mà chồng nàng đã ném hai thỏi vàng, liệu có thể lội xuống mà tìm được chăng. Đến đầu làng nàng trông thấy hai chàng trai cắm một bông hoa coi(1) trắng muốt trên một bãi phân trâu rồi vừa đi vừa cười khúc khích. Thấy thế nàng bất giác chạnh lòng nhớ tới câu hát:
Bióoc noọng đây lại chắp khỉ vài,
Mi cần sau chỉnh vai pây dai.(2)
Biết là họ trêu trọc mình, nàng càng tủi thân, không nghĩ đến chuyện dò hai thỏi vàng nữa, nàng toan gieo mình xuống sông cho hết một đời. Nhưng vừa đến bến, nàng gặp một chàng trai tay cầm cái sàng múc nước sông lên sàng đi sàng lại. Thấy lạ, nàng hỏi:
- Hỡi anh chàng kia! Sàng nước để làm gì vậy ?
- Hôm qua tôi lỡ đánh rơi cái kim xuống đây, tôi sàng nước để tìm, thế mà tìm từ sáng đến giờ vẫn chưa thấy.
Nàng nghĩ bụng : “Thì ra, trong thiên hạ, còn có kẻ ngu đần hơn chồng ta. Chồng ta tuy ngốc nhưng có lẽ chưa đến nỗi như anh chàng này”.
Sau đó, nàng trở lại nhà, vừa đi vừa nghĩ : “Xem thử chồng ta ra sao mà lại không dạy bảo được ? Có công mài sắt có ngày nên kim...”
Về tới nhà, nàng bèn gọi chồng đến bảo :
- Chàng ơi ! Chàng chớ buồn rầu vì đã trót làm mất hai thỏi vàng, người làm ra của mà, chứ của không làm ra người. Từ hôm nay, chàng hãy cố gắng học hành ít lâu, thiếp xin hết lòng giúp đỡ.
Thấy vợ khoan hòa và dịu giọng Ngốc thấy yên lòng. Chàng nghe lời vợ, ngày đêm đóng cửa lại học chữ “Thánh hiền”. Nàng nhẫn nại dạy học từng chữ, cầm tay chồng tập từng nét.
Được vợ âu yếm ân cần chỉ bảo, Ngốc ta học có phần tiến tới. Anh đọc luôn mồm, viết luôn tay không biết mỏi. Đang ăn anh cũng để sách trước mặt mà ôn. Đêm đến lúc lên giường đi ngủ, anh còn đọc nhẩm lại bài. Cứ như thế dần đần anh đã biết làm thơ, làm phú.
Ba năm trôi qua. Ngốc đã học thông hết hòm sách của vợ. Thấy chồng học ngày càng tấn tới vợ càng sốt sắng dạy chồng. Khi chồng đọc hết hòm sách của mình, nàng mượn hòm sách của bố về cho chồng đọc. Lại mười tuần trăng nữa trôi qua, Ngốc đã đọc thông hòm sách của bố vợ.
Cuối năm ấy nhà vua mở khoa thi, nàng thấp thỏm đưa chồng lên Kinh, Ngốc vui vẻ vác lều chiếu vào trường. Qua mấy kỳ văn bài của anh làm rất trôi chảy. Thật không ngờ hôm tuyên bố kết quả, anh đỗ trạng nguyên !
Vợ chồng vinh quy bái tổ, mẹ anh ra đón, bà cầm tay con vui vẻ nói :
- Các con của mẹ thật là khéo dạy bảo nhau nên người.
Theo lời kể của ông Vương Viết Khoảng
Đồng Đăng, Lạng Sơn