Ngày xưa có một đôi bạn tồng* một người tên là Voòng và một người tên là Liòng. Từ ngày còn bé, đôi bạn đã chơi với nhau rất thân. Lớn lên, đôi bạn học cùng một trường, cùng chung đèn, chung sách, chung giường, mọi người đều khen tình bạn thắm thiết của họ.
Khi đã có vợ, hai người vẫn thân mật không kém gì ngày còn trẻ. Vào đời, họ đều làm nghề buôn tuy mỗi người mở cửa hiệu ở một thị trấn khác nhau nhưng vẫn thường đi lại thăm nhau. Chẳng bao lâu cả hai đều trở nên khá giả.
Một hôm, không may nhà Liòng bị cháy, bao nhiêu hàng hóa tư trang đều bị thiêu ra tro, hai vợ chồng Liòng đến xin làm công cho nhà Voòng. Hai vợ chồng Voòng muốn cấp vốn cho Liòng để làm ăn nhưng Liòng không nhận. Chàng nói :
- Vận hạn tôi chưa hết. Bạn hãy cho chúng tôi ở lại đây làm công ít lâu đã.
Tuy gọi là làm công nhưng hai vợ chồng Liòng vẫn được coi vào hàng quý khách. Tài buôn bán thành thạo và giao dịch rộng rãi của Liòng trong ba năm đã làm cho số vốn nẩy nở gấp năm gấp sáu trước.
Một hôm, Voòng chia hẳn một nửa số lãi để Liòng đem về gây dựng lại cơ nghiệp. Liòng vô cùng cảm động trước tấm lòng của bạn và nhận số bạc ra về.
Vốn chịu khó, chăm chỉ, nên chẳng bao lâu, hai vợ chồng Liòng lại trở nên giàu có không kém những năm trước khi nhà chưa bị cháy. Hai vợ chồng luôn luôn đi lại nhà Voòng và tình bạn càng thắt chặt thêm.
Nhưng cũng từ đây Voòng trở nên chơi bời xa xỉ, mặc dầu vợ nhiều lần can ngăn nhưng Voòng vẫn chứng nào tật ấy. Cửa hàng của Voòng dần dần thu hẹp và rồi cuối cùng Voòng bị vỡ nợ. Trước cảnh sa sút, một hôm Voòng từ biệt vợ để sang nhờ vả Liòng.
Khi bạn ngỏ ý xin góp vốn, Liòng tỏ ra ngần ngại. Chàng dùng lời nói khéo để từ chối, chỉ nhận cho bạn làm Sứ dè* nhưng cũng không để cho bạn tự do nắm lấy việc chi thu. Thấy thái độ của Liòng đối với bạn thân, mọi người cho Liòng là người bội bạc quên mất lòng tốt của Voòng trước đây đối với mình.
Vợ Voòng ở nhà, khi chồng vừa đi được chừng một tháng thì nhận được ngay một số bạc khá lớn kèm theo một bức thư, trong thư có nói rõ rằng số tiền ấy là của Voòng gửi về để ở nhà nhen nhóm xây dựng cửa hàng. Rồi hàng tháng chị vẫn đều đặn nhận được tiền của chồng gửi về. Thấy nói chồng đã tu tỉnh chị càng chăm lo làm ăn để khỏi phụ lòng chồng. Cửa hàng của chị ngày càng phát đạt, ai qua lại cũng mừng thầm cho nhà Voòng đã dần dần trở dậy.
Số tiền của chồng gửi về sau càng nhiều hơn trước. Chị càng bấm chí làm ăn, cửa hàng của chị lúc này đã gần bằng một nửa ngày xưa. Chị bèn viết thư mời chồng về để cùng nhau làm ăn.
Thực ra, tất cả thư của chị gửi cho chồng đều không lọt đến tay Voòng, hơn nữa thói hư tật xấu của Voòng vẫn chưa hết, Voòng vẫn đàn đúm với bạn bè không nghĩ gì đến vợ con.Tiền công mà Liòng trả cho được bao nhiêu chàng đều nướng sạch vào sòng bạc hoặc vào quán rượu. Số tiền mà vợ Voòng nhận được đều đặn hàng tháng chính là do Liòng chu cấp. Thư gửi cho vợ Voòng cũng do Liòng sai người viết. Còn thư của vợ Voòng gửi tới thì Liòng giữ lại không đưa cho Voòng.
Thấy bạn vẫn chưa hồi tâm, Liòng một mặt khuyên bảo nhưng mặt khác tỏ ra ngày một riết róng với Voòng. Liòng thường xem xét sổ sách cẩn thận làm cho Voòng khó mà bớt được trong khi thu phát. Sở dĩ Liòng không muốn cấp vốn ngay cho bạn vì sợ bạn tiêu pha mất đi. ở bên nhà, vợ bạn đã xây dựng được cửa hàng, chàng cũng không cho bạn biết e bạn lại trở về phá phách, chàng cũng giấu vợ bạn những thói hư tật xấu của chồng.
Hàng của Liòng về ngày càng nhiều. Liòng phải thuê nhiều người chuyên chở bốc vác, chàng nhờ Voòng giúp thêm cho mình công việc chuyển vận. Voòng nhận lời và từ đó lao mình vào công việc nặng nhọc, chàng đỡ chơi bời hơn trước.
Theo lệnh của Liòng : ai chuyển được nhiều hàng thì được lĩnh nhiều tiền công nên Voòng tỏ ra cố gắng và dè sẻn để có tiền dành dụm. Dần dần chàng đã biết quý mồ hôi nước mắt của mình, khi phải bóp chắt từng đồng, thì thường hối hận những lần vung tay quá trán.
Trong hai tháng trời, Voòng dành dụm được ba lạng bạc. Một hôm chàng ngỏ ý nhờ Liông gửi giúp về cho vợ, chàng nghẹn ngào nói :
- Tám tháng trời, ở bên này, tôi chưa để dành được một đồng một lạng gửi về nhà, không biết bấy lâu vợ con tôi sinh sống như thế nào. Càng nghĩ lại tôi càng hổ thẹn về những việc mình làm bấy lâu. Tôi nhờ bạn hãy giúp tôi chuyển số tiền này về cho vợ tôi để nó có tiền ăn đường sang đây cùng tôi làm lụng mưu sinh.
Liòng nói :
- Nếu bạn có ý muốn đón vợ sang đây thì tôi sẽ cho người đi đón, ba lạng này, bạn hãy giữ mà tiêu.
Voòng đáp :
- Nếu vậy, tôi nhờ bạn giữ hộ, tôi không cần chi tiêu gì thêm.
Thấy bạn đã tỉnh ngộ, Liòng bàn :
- Bạn sang bên này đã lâu, vợ con bạn ở nhà chắc mong lắm. Nếu bạn cần về ít lâu, tôi xin biếu bạn ít tiền ăn đường.
Voòng cảm động nói :
- Bây giờ tay không trở về tôi không muốn. Bạn hãy cho tôi ở lại đây làm công hai năm nữa, khi nào dành dụm được một số bạc làm vốn sẽ về cũng chưa muộn.
Liòng lấy ra một cái túi bạc trao cho Voòng, và nói :
- Tôi xin biếu bạn một ít tiền về làm vốn đây ! Mong bạn chớ chối từ, của tôi cũng như của bạn.
Cầm túi bạc, Voòng nghĩ tới ngày xưa mình giúp Liòng một số vốn nhiều gấp ba gấp bốn. Nhưng chàng cũng vui lòng nhận rồi từ biệt ra về.
Về tới quê, Voòng lủi thủi đi qua dẫy phố, cố tìm mãi mà không thấy nhà cũ. Chàng thổn thức : “Hay là trong cảnh thiếu thốn vợ mình đã bán nhà ra đi ? Hay là trong lúc khổ sở, vợ mình đã đi lấy chồng khác ? Hay là... hay là...”
Đầu óc quay cuồng, lòng chàng như se lại, sau đó Voòng tần ngần đứng lại trước một cửa hàng rộn rịp nhất. Giữa lúc đó vợ chàng đã nhận ra được chồng. Một tiếng reo :
- Kìa ! Anh đã về ! Bố các con đã về !
Rồi bỏ mặc khách hàng, người đàn bà ấy rối rít gọi các con ra đón bố. Voòng mới biết cửa hàng này là của mình, chàng rưng rưng nước mắt ôm lấy mấy đứa con. Vợ chàng kể cho nghe mọi việc từ ngày chồng bước chân ra đi. Voòng càng nghe càng ngạc nhiên. Xem lại các thư từ, chàng mới hiểu rằng đó là Liòng, bạn mình đã bí mật gửi về giúp để làm vốn trong những ngày được đồng nào chàng nướng sạch đồng ấy. Voòng hết sức cảm phục Liòng. Cũng từ đấy tình bạn lại càng thắm thiết.
Theo lời kể của ông Vương Viết Khoảng
ở Đồng Đăng, Lạng Sơn.