Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Cổ Tích >> Truyện cổ Tày - Nùng

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 23113 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Truyện cổ Tày - Nùng
nhiều tác giả

CHÀNG NHO SĨ VÀ CÓC THẦN

Chàng nho sĩ ấy, nhà tuy nghèo nhưng rất chăm học. Ban ngày  chàng vào rừng hái củi đem bán để lấy tiền mua gạo và mua dầu  đèn. Ban đêm chàng cặm cụi đọc sách cho đến lúc gà hàng xóm  gáy lần thứ hai mới đi ngủ. Nhà cửa chàng chỉ là một túp lều con,  tài sản chỉ có một con dao quắm và một chồng sách. Làm bạn với  chàng chỉ có một con cóc tía, những buổi chàng học khuya con cóc  nhảy ra quanh quẩn ở dưới chân chàng, đớp gọn những con muỗi  bay vo ve. Thấy cóc quấn quít bên mình, chàng nho sĩ rất mến cóc,  mỗi bữa ăn, chàng không bao giờ quên dành cho cóc một miếng  cơm. Những lúc lên rừng hái củi chàng thường bắt cào cào châu  chấu, hay con bọ ngựa đem về cho cóc ăn thêm. Cóc được chăm  nom nên ngày càng lớn.
Chàng nho sĩ rất sáng dạ, trong sáu năm dùi mài đèn sách,  chàng học thuộc gần hết mười lăm pho sách quí của các bậc thánh  hiền. Thấy chàng học giỏi, người làng thầm mong cho chàng sau  này sẽ đỗ trạng nguyên.
Năm ấy, nhà vua mở khoa thi chọn trạng, sĩ tử khắp các  phương trời đều tấp nập về kinh dự thi. Thấy chàng nho sĩ vào  kinh, cóc tía xin được đi theo.
Sáng hôm sau, chàng cùng cóc tía lên đường. Ông chủ đi đến  đâu, cóc tía nhảy bước một đi theo kịp đến đó. Đi mãi, đi mãi, một  ngày kia, hai thầy trò cóc đến một cái lều bỏ không ở ven rừng vắng vẻ. Chàng nho sĩ thấy trong lều có một người chết, bên cạnh  có một gói sách và một bọc quần áo. Chàng đoán chắc người này  cũng là một sĩ tử lên kinh dự thi, sờ vào người thấy mạch còn đập  nhè nhẹ, chàng nho sĩ cố loay hoay tìm cách cứu chữa. Thấy chàng  có nhiệt tâm, cóc liền ghé tai nói nhỏ :
- Ông ơi ! Con xem bộ nó là người không có thủy chung gì cả,  hạng này nếu không phải là gian phi thì cũng là kẻ bội bạc, cứu nó  làm gì !
Chàng nho sĩ nhìn cóc rồi nghiêm nghị nói :
- Gặp kẻ hoạn nạn mà không cứu chữa, không phải là người  quân tử, dù có khó nhọc bằng mười, ta cũng không thể bỏ được.  Nếu nó chưa đến ngày tận số mà được sống lại thì ta lại có thêm  một người bạn đường càng hay chứ sao...
Thấy chàng nói vậy, cóc tía bèn bảo :
- Nếu ông đã quyết thì ông cứ cứu nó, còn thuốc thì ông không  phải chạy tìm đâu cả. Cóc có hòn ngọc cải tử hoàn sinh đây.
Nói đến đây cóc liền nhả ra một viên ngọc trong sáng như kim  cương, hình dáng tựa trứng chim. Cóc nói :
- Ông hãy để viên ngọc này vào mũi người chết thì người chết  lập tức sẽ sống lại.
Chàng nho sĩ nhận lấy viên ngọc rồi làm y như lời. Quả nhiên  được một lúc người ấy dần dần hồi tỉnh. Chàng nho sĩ mừng quá  đến gần đỡ người lạ ngồi dậy hỏi họ tên, quê quán rồi kết làm bạn.  Chàng mở cơm nắm mời bạn ăn rồi cùng nhau lên đường.
Hai người và cóc tía đi thêm ba ngày nữa thì tới kinh thành.
Đến kinh thành, cóc bảo chàng cho mình đi dạo một lượt đến  chiều sẽ về. Chàng nho sĩ và người bạn ngồi ở quán ăn uống nói  chuyện trò vui vẻ.
Người bạn bỗng hỏi :
- Hôm nọ, tôi đi đường xa bị cảm nặng, các bạn đồng hành của  tôi bỏ tôi nằm lại ở lều. Nếu không có anh ra tay cứu chữa thì tôi  đã hóa ra ma mất rồi. Công ơn của anh sau này tôi xin đền đáp.  Không biết anh có thuốc linh đan hay phép thuật gì mà cứu sống  được tôi vậy ?
Chàng nho sĩ mỉm cười móc túi lấy viên ngọc thật thà nói :
- Tôi có viên ngọc cải tử hoàn sinh này đây, tôi chỉ cần đặt viên  ngọc này và mũi thì người chết dù tắt thở đã ba ngày cũng sống lại  tức khắc.
Nghe ân nhân nói, hắn tỏ bộ lễ độ xin được cầm viên ngọc xem  một lúc. Khi cầm ngọc trong tay hắn làm bộ mân mê, ngắm nghía  rồi lừa khi ân nhân sơ ý bỏ vào túi, vơ vội lấy hành lý, chạy ù ra  đường phố, trà trộn vào đám đông. Mất ngọc, chàng nho sĩ đuổi  theo kêu la ầm ĩ, nhưng hắn đã nhanh chân lẩn vào các ngõ ngách  của kinh thành còn tìm làm sao được, đành trở lại quán ăn thẫn  thờ ngồi chờ cóc. Một lúc lâu, cóc trở về. Cóc giẫm chân nói :
- Con đã bảo ông đừng cứu chữa cho nó mà, nếu nó là người tốt  thì các bạn cùng đường chắc không bỏ nó nằm chết ở giữa nơi rừng  vắng ấy. Nhưng sớm muộn, viên ngọc đó sẽ trở về thôi, bây giờ ông  hãy mau mau vào tâu vua để sau này nhà vua xét xử hoàn lại cho  ta viên ngọc.
Nghe cóc nói, chàng nho sĩ vào triều tâu với nhà vua và nói rõ  đặc tính của viên ngọc cho vua nghe. Vua hứa là sẽ xét tìm hộ  chàng viên ngọc và bắt phạt kẻ gian phi. Đêm hôm ấy, công chúa  con vua tự nhiên ngã lăn xuống giường chết ngất đi. Nhà vua và  hoàng hậu vội gọi thầy thuốc tới cứu chữa, sau khi thăm bệnh,  thầy thuốc bảo là công chúa bị bệnh nặng không thể cứu chữa  được. Hoàng hậu lăn lóc kêu than, nước mắt trào tuôn như suối,  nhà vua ngồi nhìn con gái sắp đến lúc qua đời, ruột gan rối tựa  bòng bong. Chợt nhà vua nhớ tới viên ngọc cải tử hoàn sinh của  chàng nho sĩ bị mất cắp lúc chiều, bèn ra bảng tìm danh y và  thông báo khắp kinh thành : “Ai cứu sống công chúa sẽ được tuyển  làm phò mã”. Tin đó tới tai cóc tía. Cóc tía nói với chủ :
- Hay lắm ! Đây là dịp tốt để ta lấy lại viên ngọc và tìm ra kẻ  cắp, và đây cũng là cơ hội hiếm có để ông làm nên. Sáng mai tên  ăn cắp ngọc đội lốt “thầy danh y” sẽ vào cung chữa bệnh cho công  chúa. Ông hãy tìm cách xin vào đi lẫn theo đám quan triều đình  vào cung thăm công chúa. Khi nào thấy ai đem viên ngọc ra thì  ông lập tức đến tâu vua xin cho bắt giam kẻ đó lại.
Chàng nho sĩ nghe theo. Sáng hôm sau, chàng đi lẫn vào hàng  các quan văn võ cùng vào cung thăm công chúa. Cóc tía cũng nhảy  bước một đi xen vào trong hàng.
Giữa lúc ấy lính canh cổng dẫn vào cung một người tự xưng là  danh y có thể cứu sống được công chúa trong khoảnh khắc. Chàng  nho sĩ nhìn kỹ, nhận ra đúng là kẻ ăn cắp viên ngọc của mình hôm  trước, chàng lặng thinh theo sát nó.
Không chậm trễ, “Danh y” rút ở trong túi ra một viên ngọc làm  phép hoa chân múa tay đọc thần chú rồi đặt viên ngọc vào mũi  công chúa. Nhưng vô hiệu, công chúa vẫn nằm yên, lạnh ngắt.  Hắn lúng túng, xoay đi trở lại viên ngọc nhiều lần. Cuối cùng vẫn  không sao làm cho công chúa sống lại. Vua và hoàng hậu vô cùng  sốt ruột.
Giữa lúc đó, chàng nho sĩ rẽ đám đông tiến lại trước mặt nhà  vua, chàng vừa nói vừa chỉ vào mặt “Danh y” :
- Tâu bệ hạ, trước hết xin bệ hạ hãy cho bắt giam tên này lại.
Nhà vua sực nhớ tới lời thưa kiện hôm qua, bèn ra lệnh bắt giữ  “Danh y” lại.
Chàng nho sĩ cầm lấy viên ngọc rồi chỉ vào cóc - bây giờ đã nằm  gọn trên bàn tay của chàng - giảng giải cho mọi người nghe :
- Đây là viên ngọc cải tử hoàn sinh và đây là cóc thần. Chỉ có  cóc thần và tôi mới dùng được viên ngọc này để cứu sống người  chết. Hôm qua tên kia đã cướp giật lấy viên ngọc của tôi. Nhưng  hắn không biết rằng hắn không đời nào sử dụng được viên ngọc  nếu không có sự đồng ý của cóc thần. Nhờ ơn nhà vua, nay đã lấy  lại được viên ngọc, tôi sẽ xin cứu sống công chúa.
Nhà vua hứa hẹn :
- Tốt lắm ! Nếu nhà ngươi cứu sống được con ta thì ta quyết giữ những lời đã hứa.
Chàng nho sĩ nhẹ tay đặt viên ngọc vào mũi công chúa. Quả  nhiên, công chúa bỗng cựa mình và dần dần hồi tỉnh. Nhà vua và  các quan reo mừng. Hoàng hậu nước mắt chảy ròng ròng cúi xuống  ôm chầm lấy công chúa. Công chúa tủm tỉm cười, nhìn khắp lượt mọi người xung quanh. Chàng nho sĩ lấy lại viên ngọc bỏ vào mồm  cóc tía. Cóc tía nuốt ngay vào bụng.
Thấy công chúa đã được cứu sống, nhà vua bèn nhận chàng  nho sĩ làm phò mã. Tiệc cưới được tổ chức ngay chiều hôm đó. Và  cũng trong chiều hôm đó nhà vua sai đao phủ dẫn thằng ăn cắp  ngọc ra pháp trường.
Hai hôm sau, cuộc thi văn bắt đầu, chàng nho sĩ không quên  bước vào trường thi, công chúa chúc cho chồng đỗ cao. Chàng đã  làm được bài văn hay nhất trong đám sĩ tử và được các quan  chung khảo chọn làm trạng nguyên.
Trạng lại được toàn thể triều thần tôn lên giữ chức phó tể  tướng.
Chàng nho sĩ bắt đầu đi vào cuộc đời vinh hiển. Phó tể tướng  lại càng yêu mến cóc tía và giữ con cóc tía luôn bên cạnh mình.
Sau này cóc tía còn giúp chàng dẹp được giặc, đem lại cho  muôn dân một cuộc sống thái bình.

Theo lời kể của cụ Hoàng Đức Tô
xã Việt Hồng, Hòa An, Cao Bằng

<< HÒ KÍNH THÁN | TÌNH BẠN >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 960

Return to top