Ngày xưa ở làng nọ có một lão pản* nhà giàu nứt đố đổ vách, và rất hám sắc. Tuy tuổi đã ngoài năm mươi và đã có bốn vợ, hắn vẫn chưa lấy làm thỏa mãn. Đã nhiều lần hắn bỏ tiền bạc ra để dụ dỗ vợ người khác.
Thấy chị vợ nhà kia xinh đẹp, lão pản có ý tòm tem, hắn đã thả lời trêu ghẹo, nhưng bị chị ta mắng thẳng vào mặt. Thấy cảnh nhà chị nghèo khó, hắn bỏ tiền ra mua chuộc cũng không lay được lòng người đàn bà. Tuy vậy hắn vẫn tìm mọi cách để đưa con mồi vào tròng.
Một hôm lão pản gọi chồng chị ta đến bảo :
- Ta cần xẻ một trăm tấm ván để lát cái nhà. Thấy anh làm ăn cẩn chận, cần cù, ta định nhờ anh mộ thợ xẻ giúp ta số ván ấy, nay ta trao cho anh một trăm lạng bạc để anh làm cho ta.
Anh nhà nghèo chưa hiểu được thâm ý của lão pản, nên trả lời :
- Tôi nhận sẽ đi mộ thợ cưa ván giúp ông. Nhưng một lạng bạc mua được những hàng chục tấm ván sao ông lại trao cho tôi nhiều bạc như vậy ? Nhỡ tôi vô ý làm mất bạc thì lấy gì mà đền. Khi nào cần bao nhiêu tôi sẽ đến nhận với ông bấy nhiêu.
Nhưng lão pản bảo :
- Anh cứ cầm cả để lấy tiền ăn đường và trả công xá cho thợ.
Anh nhà nghèo đành cầm lấy gói bạc rồi về nhà kể chuyện lại với vợ, chị vợ anh chỉ cười khẩy, rồi nói thật cho chồng rõ dã tâm của lão pản.
Nghe vợ nói, anh nhà nghèo mới “tương kế tựu kế” tìm cách tiêu không của lão trăm lạng bạc. Buổi chiều hôm ấy, sau khi bàn mưu với vợ xong, anh xách khăn gói ra đi, biết lão pản đứng rình ở ngoài cửa, anh nói to cố ý để cho hắn nghe :
- Tôi đi lâu lắm thì cũng chỉ khoảng nửa tháng là cùng. Nếu ở nhà có gặp khó khăn thì lên tìm lão pản nhé, ông ta rất tốt với vợ chồng mình, cô chớ ngại.
Anh nhà nghèo vừa đi được một lúc thì lão pản đã tìm cách lẻn vào nhà, hắn rón rén ôm lấy chị. Chị đẩy hắn ngã xuống giường, hắn giúi luôn vào tay chị hai mươi lạng bạc và nói :
- Biếu cô số tiền, cô đừng kêu la nhé !
Vợ anh nhà nghèo nói :
- Không mấy khi ông chiếu cố tới nhà, chúng ta hãy làm bữa cơm ăn xíu dẹ* rồi sẽ hay.
Thấy chị ta có chiều ưng thuận, hắn lấy làm mừng lắm ngồi đợi. Một lúc lâu chị bưng cháo thịt gà lên nhà trên mời hắn. Hắn ngồi vào bàn vừa ăn vừa buông lời lả lơi đùa cợt. Chị cũng giả vờ nói nói cười cười, làm cho hắn càng mê mẩn tâm thần.
Bỗng ở ngoài có tiếng gõ cửa, mỗi lúc một gấp, lão pản và vợ anh nhà nghèo ngừng nhai, ngừng đùa, lắng tai nghe. Nghe rõ tiếng gọi của anh nhà nghèo, lão pản cuống cuồng. Chị cũng giả vờ cuống quýt. Hắn đứng lên ngó trước ngó sau để tìm chỗ trốn, chị giúi hắn vào xó cửa nhưng hắn run lên cầm cập muốn được trốn chỗ kín hơn, chị vội vàng quay lại mở ngay cái tủ cho lão chui vào đấy và khóa lại cẩn thận, rồi ra mở cửa đón chồng.
Anh nhà nghèo vào nhà nói to với vợ, cố ý để lão pản nghe tiếng.
- Thật không may cho ta, số bạc của lão pản rơi vào tay bọn kẻ cướp mất rồi. Tôi phải van lạy chúng mãi, chúng mới tha chết cho về đây. Bây giờ biết bán chác cái gì để trả nợ được.
Chị vợ vờ thở dài, luôn mồm kêu tiếc của. Anh chồng lại nói tiếp :
- Cả nhà ta chỉ còn có cái tủ đứng kia là đáng giá, hay là mai ta đem đến bán cho lão pản để trừ nợ.
Nói rồi hai vợ chồng đi ngủ.
Sáng sớm hôm sau, hai vợ chồng anh nhà nghèo khiêng cái tủ sang nhà lão pản. Mụ vợ cả của hắn hỏi giá, anh đáp :
- Cái tủ này với giá một nghìn lạng bạc không hơn không kém, nếu nhà bà không mua thì tôi đem bán cho nhà quan lớn... Để tôi về lấy chìa khóa cho bà xem bên trong.
Khi mụ vợ cả đến xem tủ, thì tiếng của lão pản từ trong tủ nói rõ ra :
- Bà nó đâu ! Bao nhiêu bạc cũng phải mua nhÐ ! Kh«ng th× tao chỊt ®Ây ! C¸i tí mµ ri vào tay lão quan thì tao cũng toi mạng với nó thôi !
Mụ đoán ngay chồng mình đi chòng ghẹo vợ người để bị bắt nhốt vào tủ. Mụ đành phải cắn răng lấy một nghìn lạng bạc trao cho vợ chồng anh nhà nghèo để lấy cái tủ gỗ mọt. Khi còn một mình với cái tủ, mụ quát :
- Cái thằng dê già kia ! Mày đi làm bậy bạ với vợ người ta rồi bị chồng nó bắt nhốt vào tủ phải không ? Nói mau kẻo tao đem dìm xuống sông ngay bây giờ.
- Nhà hãy mở tủ cho tôi ra ngoài kẻo tôi chết ngạt bây giờ.
Mụ lấy chìa khóa mở tủ, lão pản lóp ngóp bước ra, bị mụ túm ngay lấy tóc giúi xuống đánh túi bụi. Lão đành phải van lạy vợ, thú thật mọi điều.
- Thôi đừng đánh tôi nữa. Đau lắm rồi ! Từ nay tôi xin chừa.
Theo lời kể của ông Lăng Trung Hảo
Huyện Văn Lãng, Lạng Sơn