Quan Sơn Nguyệt ăn, uống như vũ bão, Ngọc Phương ở bên cạnh cứ cười, đợi chàng ăn xong nàng mới thốt:
– Ta không ngờ cái bụng của ngươi to quá, chẳng kém bụng một con heo nái. Nếu sớm biết như vậy, thì ta đã chuẩn bị một số lượng thực vật nhiều hơn, để ngươi không kêu la thiếu thốn.
Quan Sơn Nguyệt bật cười khanh khách:
– Đủ lắm rồi, cô nương! Tại hạ rất no, bình sanh chưa lần nào ăn no như hôm nay.
Ngọc Phương lại cười:
– Thế ra, từ lâu rồi, ngươi luôn luôn ăn đói? Chỉ có lần nầy thôi, ngươi mới ăn đầy đủ số lượng? Vậy là ngươi lớn lên, bằng vào cái đói chứ không nhờ ăn no, uống đậm!
Họ cười với nhau, Ngọc Phương mất dần cái vẻ lạnh lùng lúc ban đầu, tuy nàng chưa tỏ rõ sự thân thiện.
Bỗng, Quan Sơn Nguyệt đưa tay ký trên đầu mình kêu một tiếng cốc, thốt:
– Đáng chết! Đáng chết thật!
Ngọc Phương giật mình:
– Việc gì thế?
Quan Sơn Nguyệt tặc lưỡi:
– Tại hạ chỉ cố ăn, quên mời cô nương! Lại ăn sạch sành sanh, không dành phần cho cô nương ...
Ngọc Phương cười xòa:
– Ăn ráo trơn ráo trọi rồi mới nhớ đến ta, ngươi chẳng thấy là quá muộn và vô ích hay sao chứ?
Quan Sơn Nguyệt cúi đầu, giấu vẻ thẹn.
Ngọc Phương lại nói tiếp:
– Nói vậy chứ, không sao đâu. Ta không ăn cũng chẳng quan hệ gì đó.
Xem ngươi ăn, ta cao hứng quá, cũng nghe no rồi.
Quan Sơn Nguyệt trố mắt:
– Cô nương có ý tứ gì, nói lên câu đó?
Ngọc Phương đáp:
– Ngươi là tri âm của ta. Giả như ta có công khó tìm các thức ăn cho ngươi, mà ngươi chỉ ăn qua loa, lấy lệ, thì ta buồn biết bao nhiêu? Ngươi ăn thành thật, ăn nhiều như vậy, là hưởng ứng sự chí tình của ta. Tự nhiên, ta cao hứng, và khi con người cao hứng, dù không ăn gì cũng cảm thấy no lòng, no với niềm vui tràn ngập.
Dù nàng nói như thế, Quan Sơn Nguyệt vẫn không hết áy náy, tự trách mình quá thô lỗ, kém tế nhị.
Ngọc Phương an ủi luôn:
– Phàm là anh hùng, hảo hán, thì cái khí khái, lắm lúc khó tránh cương mãnh, thô bạo, chẳng những trong hoạt động, mà cả đến cái ăn cái uống cũng biểu hiện cá tính đó ít nhiều. Ngươi không nên thắc mắc, chính ta lại hoan nghênh lối ăn uống như vũ bão của ngươi lắm chứ.
Rồi nàng lại ôn tồn bảo:
– Chắc là ngươi mệt mỏi nhiều. Vậy, hãy nghỉ ngơi một lúc đi.
Nàng lấy một vuông khăn lụa, nhúng nước, trao cho Quan Sơn Nguyệt.
Quan Sơn Nguyệt tiếp lấy, tạ ơn nàng, rồi lau mặt mày. Bổng chàng giật mình, thần sắc lộ vẻ kinh ngạc.
Ngọc Phương lấy làm lạ, hỏi:
– Ngươi làm sao thế?
Quan Sơn Nguyệt hỏi lại:
– Cô nương ... cô nương không sợ nước à?
Chàng nhớ lại sự việc đã qua, bất cứ người nào của Vạn Ma Sơn Trang ở trên thuyền ngày đó, đều sợ nước như sợ rắn rết. Rồi bây giờ, Ngọc Phương dám nhúng khăn vào nước, trao khăn ướt cho chàng. Như thế, phải là một sự kiện lạ lùng.
Ngọc Phương mỉm cười đáp:
– Trong Vạn Ma Sơn Trang chỉ có nam nhân là không được để nước vấy vào mình, còn nữ nhân thì tha hồ mà vọc, mà nhúng.
Quan Sơn Nguyệt đi từ kinh ngạc nầy đến kinh ngạc khác:
– Sao lại có việc khác biệt như vậy?
Ngọc Phương giải thích:
– Chủ nhân nói rằng nam nhân được cấu tạo bằng đất, mà đất thì không thể vấy nước, đất đẫm nước tất phải rã rời ...
Quan Sơn Nguyệt thất vọng. Trong tâm chàng, niềm thắc mắc lớn lao qua những ngày rày, là sự sợ nước của người trong Vạn Ma Sơn Trang. Chàng mong mỏi khám phá ra được sự bí mật đó, dịp tốt đã đến, nhưng Ngọc Phương lại giải thích rất ngây ngô, chàng chung quy vẫn thắc mắc như thường.
Tuy nhiên, chàng không lộ vẻ gì chứng tỏ là quá tha thiết với vấn đề đó, nhiều lắm là chàng để lộ phần nào sự kinh dị do hiếu kỳ mà có vậy thôi. Rồi chàng hỏi:
– Còn nữ nhân? Chất gì cấu tạo nên nữ nhân?
Ngọc Phương cười nhẹ:
– Ngươi đoán thử xem!
Quan Sơn Nguyệt đáp gọn:
– Nước, nước cấu tạo nên nữ nhân!
Chàng còn đoán cái gì khác nữa, nữ nhân không sợ nước, thì đúng là nước rồi.
Ngọc Phương bật cười ròn rã:
– Hay ghê! Hay hết sức! Ngươi có cái lối nói năng giống chủ nhân vô cùng!
Ta không ngờ một chàng trai có tâm tình cứng rắn như ngươi, mà cũng đưa ra một luận điệu như vậy!
Quan Sơn Nguyệt giả vờ ngây ngô, hỏi:
– Thế chủ nhân của cô nương nói làm sao?
Ngọc Phương đáp:
– Chủ nhân nói rằng, nữ nhân là nước, bất quá người nói hơi rành rẽ hơn ngươi một chút vậy thôi. Chủ nhân nói thêm rằng, thứ nước cấu tạo nên nữ nhân, có pha trộn nhiệt tình và tàn nhẫn.
Quan Sơn Nguyệt ừ hử lấy lệ. Vấn đề do Ngọc Phương vừa nêu ra đó, không gây được một hứng thú nào nơi chàng. Do đó, chàng chuyển hướng câu chuyện, tìm một đề tài khác để tranh luận, rồi nhân cuộc tranh luận, chụp sơ hở của đối tượng, khai thác mà phăng lần manh mối về việc nam nhân Vạn Ma Sơn Trang sợ nước. Chàng hỏi:
– Còn chủ nhân? Có sợ nước không?
Ngọc Phương đáp:
– Tự nhiên là không sợ.
Quan Sơn Nguyệt sáng mắt lên:
– Vậy chủ nhân thuộc phái nữ.
Ngọc Phương điểm một nụ cười, gật đầu:
– Mà làm sao ngươi biết được chủ nhân là nữ?
Quan Sơn Nguyệt đáp:
– Không sợ nước, thì là nữ rồi chứ gì? Không sợ nước là được cấu tạo bằng nước chớ không bằng đất, dù có ướt át cũng chẳng rã rời kia mà!
Ngọc Phương lại cười:
– Ngươi đoán đúng! Nhưng, không hoàn toàn đúng. Và cái phần còn sai đó hiện tại thì ta không thể giải thích tường tận cho ngươi hiểu được. Sau khi gặp chủ nhân rồi, ngươi sẽ hiểu, tự nhiên mà hiểu.
Quan Sơn Nguyệt chớp mắt:
– Giả như chủ nhân của cô nương đúng là nữ nhân, thì tại hạ rất sợ gặp người.
Ngọc Phương hỏi gấp:
– Sao kỳ vậy?
Quan Sơn Nguyệt cười nhẹ đáp:
– Tại hạ có nghe giọng nói của chủ nhân cô nương. Bằng vào giọng nói mà đoán người, tại hạ nghĩ rằng chủ nhân cô nương có dung mạo đáng khiếp lắm. Có thể vì dung mạo không gây nổi thiện cảm đó, mà chủ nhân hành động quái dị, nghịch thường.
Ngọc Phương chớp mắt:
– Ngươi có thể nghe âm thinh mà đoán dung mạo người được à?
Quan Sơn Nguyệt gật đầu:
– Tại hạ thấy, đoán như thế không sai lắm. Tại hạ từng gặp rất nhiều nữ nhân, trong lứa tuổi thanh thiếu, những nàng ấy không đến đổi xấu xí, họ có âm thanh rất êm dịu, lời nói của họ lọt vào tai ngọt như mật rót ...
Ngọc Phương vụt biến sắc mặt:
– Gặp chủ nhân rồi, tốt hơn hết là ngươi đừng đề cặp đến nữ nhân, tránh được điều đó là ngươi có lợi. Ta cũng nên tỏ cho ngươi biết là chủ nhân không có dung mạo như ngươi tưởng tượng đâu. Bất cứ nữ nhân nào trong số quen biết với ngươi, nàng ấy có xinh đẹp đến đâu, đem so sánh với chủ nhân thì vẫn còn kém, kém ít nhất cũng mười phần, nếu ta có nói kém trăm phần hẳn là ngươi không tin.
Và thinh âm của chủ nhân không đáng sợ như ngươi vừa nói đó ...
Quan Sơn Nguyệt giật mình:
– Vậy cái âm thinh mà tại hạ nghe lọt, tại bờ sông hôm đó, chẳng phải là do chủ nhân ngươi phát ra sao?
Ngọc Phương trầm gương mặt:
– Chính chủ nhân phát ra âm thinh đó. Nhưng, chẳng phải là giọng thật ...
Quan Sơn Nguyệt lấy làm kỳ. Một người làm gì có thể phát âm dưới nhiều giọng? Chàng hỏi:
– Chủ nhân có nhiều âm điệu như vậy à?
Ngọc Phương «hừ» một tiếng:
– Ít nhất cũng hơn mười âm điệu, cho ngươi biết. Cái giọng mà ngươi nghe tại bờ sông hôm ấy, là thứ giọng chủ nhân dùng để nói năng với kẻ dưới tay.
Quan Sơn Nguyệt trố mắt:
– Âm thinh thật của chủ nhân như thế nào?
Ngọc Phương trầm gương mặt lượt nữa:
– Ta hy vọng ngươi không có dịp nghe.
Quan Sơn Nguyệt còn muốn hỏi gì nữa, nhưng Ngọc Phương đã thu dọn những chén bát trước mặt, cho có khoảng trống, đoạn bảo:
– Đừng hỏi nhiều! Ta cho ngươi biết bao nhiêu việc đó, kể cũng quá đáng rồi đó, đáng lẽ thì ta phải giữ bí mật, ngươi hiểu chưa? Bây giờ, cứ ngủ đi, ngủ gấp. Chúng ta chỉ có hai giờ để ngủ thôi, không nên phí phạm.
Nàng vươn tay, điểm dưới nách Quan Sơn Nguyệt, trong khi chàng phòng bị, bởi chàng đoán chắc thế nào nàng cũng làm cái việc đó, sau lúc chàng ăn xong.
Cho nên, thấy nàng vừa chớp tay, chàng né mình tránh liền.
Ngọc Phương chuyển bàn tay từ dưới nách ra trước ngực, nơi đó là tử huyệt, nếu điểm trúng bất cứ huyệt nào là Quan Sơn Nguyệt ít nhất cũng thọ thương nặng. Bất giác, nàng thu hồi công lực.
Nhưng, trước một dịp may như vậy, khi nào Quan Sơn Nguyệt bỏ qua?
Lập tức, chàng vươn tay chụp theo, trúng cổ tay nàng.
Mạch môn của nàng bị chế trụ, nàng bị dồn vào cái thế thụ động, hoàn toàn chịu sự sai xử của chàng.
Ngọc Phương biến sắc mặt, cử ngay bàn tay kia lên. Vô ích, ngón tay nàng có chạm vào mình Quan Sơn Nguyệt thật, dù vậy chẳng làm gì chàng nổi, bàn tay của nàng như mất hết công lực, chạm vào mình chàng nhẹ như tay trẻ nít sờ. Bởi Quan Sơn Nguyệt chuyền công lực sang qua nàng, ngang mạch môn, lực đạo của chàng phá tan kình lực của nàng, biến tay nàng mềm dịu như bún.
Nàng càng biến sắc hơn, kêu lên:
– Ngươi định làm gì chứ?
Quan Sơn Nguyệt đáp:
– Tại hạ không làm gì cả. Bất quá, tại hạ không muốn làm hình nộm trong tay cô nương, như trước vậy thôi.
Nàng hét lớn:
– Nhưng, ngược lại, có lợi cho ngươi! Ta muốn tốt cho nên mới biến ngươi thành hình nộm chứ!
Quan Sơn Nguyệt điểm một nụ cười:
– Tại hạ không chịu ơn một cách hồ đồ như thế, cô nương đừng bận tâm lo liệu cho tại hạ. Nếu bắt buộc tại hạ phải nằm trên lưng cô nương, cho cô cõng thêm vài hôm nữa, thì thà giết tại hạ còn hơn. Tại hạ thích chết hơn làm làm một tên phế thải. Bây giờ nên đặt điều kiện đi.
Ngọc Phương trợn tròn đôi mắt:
– Điều kiện gì?
Quan Sơn Nguyệt đáp:
– Cô nương chỉ cách cho tại hạ giải khai huyệt đạo về hạ bộ của tại hạ, cho tại hạ hành động tự do, thì tại hạ sẽ buông tha cô nương. Bằng không, thì luôn cô nương cũng chẳng nhích động được một bước nhỏ, y như tại hạ vậy!
Ngọc Phương lắc đầu:
– Không được! Chủ nhân phân phó, ta phải làm như thế, ta đâu dám trái lịnh?
Quan Sơn Nguyệt thuyết phục:
– Cô nương yên trí, chấp nhận điều kiện đi. Đến trước mặt chủ nhân rồi, tại hạ sẽ lãnh phần giải thích, chịu trách nhiệm hoàn toàn, nếu chủ nhân hẹp hòi quở phạt.
Ngọc Phương cười khổ:
– Chắc gì chủ nhân chịu nghe ngươi giải thích? Thôi thì ngươi cứ giết ta đi là ổn tiện ...
Thấy nàng lộ vẻ cương quyết, Quan Sơn Nguyệt biết là chẳng khi nào nàng chấp nhận để cho chàng được tự do, giả như chàng cũng quyết làm trái ngược lại ý của nàng, thì nàng dám tự sát lắm. Bất giác, chàng lỏng bàn tay, rồi thở dài thốt:
– Tại hạ không biết Vạn Ma Sơn Trang có thủ đoạn xử trí những thuộc hạ như thế nào? Tuy nhiên, còn một vấn đề cuối cùng nầy, tại hạ hy vọng cô nương giải đáp ...
Ngọc Phương kinh ngạc. Nàng không tưởng Quan Sơn Nguyệt có thái độ cởi mở đối với nàng như vậy. Nhìn chàng một chút, nàng hỏi:
– Ngươi muốn biết điều chi?
Quan Sơn Nguyệt chỉnh sắc mặt nghiêm trang, cất tiếng:
– Vấn đề tại hạ muốn biết, là mục đích chân chính của chủ nhân cô nương, tại sao không để tại hạ đi đứng tự do, mà lại bắt cô nương phải cõng về căn cứ?
Ngọc Phương chớp mắt:
– Chứ ta đã chẳng nói với ngươi rồi đó sao? Chủ nhân muốn cho ngươi giữ nguyên công lực khi về đến Vạn Ma Sơn Trang.
Quan Sơn Nguyệt trầm giọng:
– Có đích xác đó là lý do duy nhất không?
Ngọc Phương gật đầu:
– Phải! Đến Vạn Ma Sơn Trang rồi, ta sẽ giải huyệt cho ngươi, ngươi khôi phục hành động, ta bảo đảm vũ công của ngươi không hề bị mảy may ảnh hưởng do sự tê liệt dọc đường.
Quan Sơn Nguyệt trầm ngâm một lúc lâu, đoạn thở dài, thốt:
– Tuyển chọn cô nương vào công tác nầy, quả thật chủ nhân biết dùng người lắm. Sự thành thật của cô nương hiện rõ nơi gương mặt, không ai biết được có một ngụy tạo nào!
Nói như thế, là chàng hoài nghi Ngọc Phương giả vờ, dù chàng nhượng bộ trước niềm kiên quyết của nàng, chàng vẫn cho là nàng giả vờ niềm kiên quyết đó. Giả vờ, hay sự thể chẳng đặng đừng, cũng thế thôi. Chàng cho rằng làm việc đó, nàng có phần nào miễn cưỡng, bởi không dám trái lịnh của chủ nhân, thì còn làm chi hơn là bắt buộc phải lấy giả làm thực?
Tuy nhiên, Ngọc Phương vẫn cãi:
– Chẳng có gì đáng cho ngươi hoài nghi cả, sự thực là thế đó, ngươi càng suy diễn càng làm nhọc tâm tư thôi, không ích lợi gì.
Quan Sơn Nguyệt cười nhẹ:
– Thì tại hạ cũng cố mà tin là sự thực đó. Bất quá, tại hạ thắc mắc ở điểm này, là rõ ràng hành trình chỉ đòi hỏi thời gian một ngày thôi, mà chủ nhân cô nương lại dùng cái lối đón rước khách như thế nầy, để kéo dài thời gian thành ba hôm. Cô nương nghĩ có đáng lấy làm lạ chăng? Có ai đón tiếp khách lại mong cho khách đến chậm? Làm mọi cách cho khách diên trì trên con đường phó ước?
Ngọc Phương thoáng giật mình, hỏi:
– Tại sao ngươi có ý tưởng đó?
Quan Sơn Nguyệt mỉm cười:
– Trước hết, chúng ta hãy tính xem, trong ngày hôm nay đi được bao nhiêu dặm đường ...
Ngọc Phương đáp chận:
– Đại khái, độ bảy trăm dặm.
Quan Sơn Nguyệt thốt:
– Trong vùng Tứ Xuyên, trừ Vu Sơn ra, chẳng có một khu núi non nào chiếm khoảng rộng bảy trăm dặm. Tại hạ lại tin rằng hiện tại chúng ta không giẫm chân lên đất địa Vu Sơn, bởi lẽ giản dị nhất là tại hạ quen thuộc vùng núi non đó như lòng bàn tay. Huống chi, ven vùng Vu Sơn, còn có một con sông!
Nếu tại hạ đoán không lầm, thì nơi đây là vùng Kim Phật Sơn, giáp giới hai địa phương Xuyên và Kiềm. Vạn Ma Sơn Trang ở tại đây sao?
Ngọc Phương lắc đầu:
– Không phải đâu!
Quan Sơn Nguyệt mỉm cười:
– Tại hạ nhận ra, suốt ngày nay, chúng ta chạy loanh quanh mãi trong vùng.
Ngày mai, còn phải chạy loanh quanh như vậy nữa, để cuối cùng sang ngày kia thì đùng một cái, chúng ta đến nơi, cái nơi đó chỉ cách nơi nầy độ mấy dặm, mấy mươi dặm là cùng. Và nơi đó, hẳn là Nghiêu Long Sơn!
Ngọc Phương biến sắc kêu lên:
– Ngươi ... làm sao ngươi biết ...
Hiển nhiên, Quan Sơn Nguyệt hoàn toàn đúng. Thần thái của Ngọc Phương chứng minh điều đó một cách hùng hồn.
Chàng cười hì hì, đáp:
– Cô nương hỏi làm gì? Hãy đáp cho tại hạ biết đi. Có phải sơn trang ở tại Nghiêu Long Sơn chăng?
Ngọc Phương nín lặng.
Quan Sơn Nguyệt hỏi để mà bắt bí nàng, chứ cần gì chàng nghe nàng các nhận?
Chàng lại cười, tiếp luôn:
– Lấy hành trình một ngày, nhân lên gấp ba, để tỏ ra địa phương ở rất xa, phải vượt đúng ba ngày đường, với toàn tốc lực, điều đó có dụng ý gì, hở cô nương?
Ngọc Phương thừ người một thoáng, rồi đáp bâng quơ:
– Ta có biết đâu! Chủ nhân bảo sao, ta làm y như vậy thôi.
Quan Sơn Nguyệt suy nghĩ một chút, nói:
– Nếu chủ nhân muốn thế, thì tại hạ không nên buộc khó cô nương làm gì.
Bất quá, ngày mai, chúng ta không cần đi đâu hết, tránh khỏi vất vả vô ích trọn một ngày. Chúng ta cứ ở đây đợi đúng ngày, đúng giờ, ba ngày qua rồi, thì đi thẳng về Nghiêu Long Sơn.
Ngọc Phương lại lắc đầu:
– Điều đó, ta không dám chủ trương đâu. Ta phải tuân hành mạng lịnh của chủ nhân.
Quan Sơn Nguyệt mỉm cười:
– Lần nầy, cô nương cứ nghe lời tại hạ đi, tại hạ bảo đảm là cô nương không hề bị quở phạt.
Ngọc Phương làm gì tin được lời nói đó.
Nhưng từ đâu đó, trong chỗ khuất kín, một âm thinh vọng ra:
– Chẳng cần phải đợi đủ ba hôm. Hiện tại, ngươi có thể khởi hành. Hạn cho ngươi vào giờ ngọ ngày mai, phải đến sơn trang. Này, gã họ Quan kia, ngươi là một tay khá đấy!
Nghe âm thinh đó, Ngọc Phương biến sắc, bởi chính là âm thinh của chủ nhân Vạn Ma Sơn Trang, thứ âm thinh tàn khốc, lạnh lùng, mà chủ nhân dùng đối thoại cùng thuộc hạ.
Quan Sơn Nguyệt gọi to:
– Chủ nhân đã có mặt quanh quẩn nơi đây, tại sao không xuất hiện để gặp nhau?
Người trong chỗ khuất cười lạnh, đáp:
– Giờ gặp mặt, nơi gặp mặt, là vào giờ ngọ ngày mai, đâu phải bất cứ tại đâu và trong bất cứ phút giây nào!
Câu nói không dài lắm, tiếng đầu nghe gần, tiếng cuối cùng nghe xa, chứng tỏ đối tượng vừa thốt vừa rời cục trường, câu nói dứt là người cũng đã khá xa rồi.
Quan Sơn Nguyệt gọi to hơn:
– Chủ nhân chấp thuận cho tại hạ tự mình di động chứ?
Từ xa xa, chủ nhân đáp vọng lại:
– Nếu ngươi không sợ nhọc, thì tùy tiện làm sao cũng được.
Chủ nhân đi xa rồi, sự việc cũng chẳng can gì đến nàng, mà Ngọc Phương vẫn sợ, hiện tại nàng còn sợ như thường.
Quan Sơn Nguyệt cười nhẹ, trấn an nàng:
– Người ta đã đi rồi, cô nương bình tịnh lại đi chứ, sợ gì mà sợ dài lâu thế?
Ngọc Phương lộ vẻ lo:
– Thật ta không tưởng là chủ nhân lảng vảng quanh vùng. Hôm nay ta nói với ngươi quá nhiều lời, mà lại toàn là những việc thuộc phạm vi bí mật trong trang ... Đáng lẽ ta không nên nói với ngươi ...
Quan Sơn Nguyệt lắc đầu:
– Cô nương càng nói, tại hạ càng khó hiểu! Cho dù là những điều đó thuộc phạm vi cơ mật đi nữa ...
Ngọc Phương càng lo lắng nhiều hơn, hấp tấp chận lời:
– Ta đã mấy phen khuyến cáo ngươi, ít nói năng một chút nhưng ngươi cứ hỏi dồn mãi! Trong sáu nàng hầu cận chủ nhân, ta là người cẩn thận hơn hết, thế mà hôm nay cái lưỡi của ta ngứa ngáy lạ lùng ... Chẳng rỏ ma trù quỷ ám làm sao mà ta không còn dè dặt như thường ngày ...
Quan Sơn Nguyệt bật cười khan:
– Ma trù quỷ ám là lẻ đương nhiên, bởi Vạn Ma Sơn Trang là nơi nặng mùi tà khí, một nơi tụ tập quỷ ma, phát xuất những trò quỷ ma kia mà! Không lạ lùng chi đâu, cô nương ơi!
Ngọc Phương nổi giận:
– Ta đang lo chết đây, ngươi vui sướng gì mà đùa cợt chứ?
Quan Sơn Nguyệt cười hì hì:
– Ai bảo cô nương lo rối lên rồi quýnh quáng như kiến bò quanh chén nóng?
Nếu chủ nhân cô nương có ý trừng phạt, thì đâu phải đợi đến lúc về đến Sơn Trang mới ra oai? Theo tại hạ thấy thì, quý chủ nhân phải xuất thủ ngay từ lúc đầu rồi. Người không xuất thủ là không quở trách đó.
Ngọc Phương cau mày:
– Ngươi không biết được đâu! Chủ nhân cố kỵ nhất là sự nói lén nói lút sau lưng người ... Dĩ nhiên nói lén lút như vậy là bình luận người, mà bình luận trong chiều hướng không đẹp lắm ...
Quan Sơn Nguyệt lại cười:
– Nếu chủ nhân là một nữ nhân, thì những gì cô nương nói hôm nay với tại hạ, chẳng phải là những lời bình luận xấu, quý chủ nhân không quở trách cô nương được. Nhớ lại xem, cô nương nói toàn là những sự tốt cho người kia mà!
Vậy tại hạ khuyên cô nương cứ an tâm.
Ngọc Phương không tin tưởng như chàng vừa nói đó. Nàng hỏi:
– Chưa bao giờ ngươi gặp chủ nhân, dù chỉ là một lần, dù trong phút giây ngắn ngủi, thì làm sao ngươi biết được người?
Quan Sơn Nguyệt cười khanh khách:
– Có thể quý chủ nhân là một người phi thường, nhưng một người dù là phi thường, vẫn do xương thịt cấu tạo, như vậy là vẫn còn lẩn quẩn trong thường tình, thử hỏi có ai nghe thiên hạ nói tốt cho mình mà oán ghét thù hận kẻ nói tốt đó chăng? Tại hạ nghĩ, phi thường ở các tài năng, song vẫn bình thường ở tự ái.
Ngọc Phương khoát tay:
– Ngươi nói bậy rồi! Chủ nhân chúa ghét những lời nịnh bợ.
Quan Sơn Nguyệt cười nhẹ:
– Đối diện mà nói, thì là nịnh bợ, cách mặt mà phê bình, đó là tôn kính. Chủ nhân không thích được nịnh bợ, song chẳng lẽ cấm đoán luôn người khác tỏ sự tôn kính?
Ngọc Phương cúi đầu, trầm ngâm một lúc. Rồi nàng thốt:
– Quả thật hôm nay chủ nhân có thái độ hơi khác thường! Từ lâu, mời khách là có hạn lệ ba hôm. Dù cho khách đến sớm hơn một giờ, một khắc, cũng chẳng bao giờ phá lệ ...
Quan Sơn Nguyệt cứ cười luôn:
– Bởi có chỗ diệu dụng, nên quý chủ nhân đặt thành lệ ba hôm. Song, chỗ diệu dụng đó, bị tại hạ khám phá rồi, thì còn giữ lệ làm quái gì nữa? Cho nên, cuộc tương hội càng diễn ra sớm, càng hay. Chúng ta đi đi, cô nương!
Ngọc Phương không đi liền, mà lại hỏi gấp:
– Diệu dụng đó như thế nào?
Quan Sơn Nguyệt đáp:
– Giả như cô nương không biết đi, tốt hơn hết, cô nương không nên hỏi làm gì. Bởi đương nhiên rồi tại hạ cũng tỏ bày cho mà biết. Có điều, nếu cô nương biết, thì có thể chủ nhân sẽ sanh tâm nghi kỵ.
Ngọc Phương động tính hiếu kỳ, nhưng lại e dè, niềm sợ hãi thoáng hiện nơi đôi mắt. Nàng thốt:
– Nếu vậy, thì ta không hỏi làm chi. Từ đây đến Vạn Ma Sơn Trang con đường còn độ bảy tám trăm dặm dài, ta đi thì không khó khăn lắm, chỉ sợ ngươi không đủ sức vượt qua. Ngươi nghĩ sao?
Quan Sơn Nguyệt cười lớn:
– Tại hạ dù là vô dụng, song có lý nào vô dụng đến độ kém một nữ nhân?
Ngọc Phương nhìn xéo chàng một thoáng:
– Ta có ý tốt với ngươi đó nhé. Ngươi thử suy nghĩ xem, vượt qua đoạn đường dài bảy tám trăm dặm, lúc đến đích rồi, ngươi phải thần suy lực giảm, như vậy làm sao vào được ngục tối Vong Hồn?
Quan Sơn Nguyệt «hừ» một tiếng:
– Nếu lúc đến nơi, tại hạ giữ nguyên tinh thần phấn khởi thì chỉ sợ không vượt nổi cái ngục quái dị đó. Cho nên, tại hạ hy vọng khi đến Vạn Ma Sơn Trang, càng mệt nhọc càng có lợi, mệt nhọc đến độ không còn cử động nổi lại càng hay.
Ngọc Phương trố mắt, nửa tin nửa ngờ, toan nói chi đó, Quan Sơn Nguyệt khoát tay, rồi tiếp nối:
– Nếu cô nương không muốn mất sự tin cậy của chủ nhân thì đừng hỏi gì nhiều nữa. Hãy giải khai gấp huyệt đạo nơi đôi chân của tại hạ đi. Rồi chúng ta chuẩn bị khởi hành.
Ngọc Phương lại do dự, chưa chịu xuất thủ.
Quan Sơn Nguyệt gắt:
– Chủ nhân cô nương đã phân phó như vậy, chẳng lẻ cô nương không tuân?
Ngọc Phương không còn biết làm sao hơn, đành đưa tay giải huyệt cho chàng.
Quan Sơn Nguyệt tung mình đứng lên, lập tức chạy đi về phía trước mặt, đồng thời gọi vọng lại:
– Đi chứ, cô nương! Nghiêu Long Sơn ở về phía Tây Nam, con đường đó nhất định là tại hạ không lầm lạc được.
Ngọc Phương cứ sợ chàng lạc lối, cấp tốc chạy theo sau.
Không lâu lắm, nàng vượt qua mặt chàng.
Quan Sơn Nguyệt nghiến răng gia tăng tốc lực, quyết bắt kịp nàng.
Cả hai một trước một sau, cùng thi đua mà chạy, thân hình lao đi vun vút như hai mũi tên, lúc ngày tranh sáng trong khi đêm còn muốn giữ tối tăm, thì cả hai nhìn xa xa thấy lờ mờ một tòa núi. Và không lâu lắm, vầng thái dương đã phóng những tia sáng đầu tiên vượt đỉnh cao hơn.
Ngọc Phương mệt, hơi thở không tiếp nối điều hòa, còn Quan Sơn Nguyệt thì nhễ nhại mồ hôi. Nàng không dám đề nghị dừng chân nghỉ mà chàng cũng nhất định chạy luôn. Họ chỉ còn cách sơn cước độ hơn dặm đường.
Quan Sơn Nguyệt trông thấy Ngọc Phương nhợt nhạt thần sắc, cực kỳ tiều tụy, nàng nhọc phờ đến độ mặt tím lại, bất giác sanh lòng bất nhẫn, thốt:
– Chúng ta dừng chân một chút đi, cô nương! Đã đến nơi rồi còn lo ngại gì nữa.
Ngọc Phương trầm giọng:
– Không cần thiết! Từ đây lên đỉnh núi, còn hơn hai mươi dặm nữa đó, mà lại không có lối đi, muốn đến tận nơi, chúng ta phải hoàn toàn nhờ thuật khinh công. Ngươi đã cho rằng càng mệt nhọc càng có lợi cho ngươi, thì ta cũng cố gắng giúp ngươi được toại nguyện. Bởi, ta ước mong ngươi không bỏ cuộc ngay tại cửa ải thứ nhất hoặc thứ hai, trong Hắc Ngục Vong Hồn.
Thay vì dừng lại, thốt xong, nàng vọt mình đi, nhanh hơn trước.
Quan Sơn Nguyệt giật mình, tiến nhanh lên, sánh đôi với nàng mà chạy.
Đến chân núi, Ngọc Phương đâm đầu vào vùng đá lởm chởm mà tiếp tục phóng mình, cứ mỗi cái nhảy là nàng vượt độ ba bốn trượng xa, và nơi đặt chân lại nhọn hơn mũi đao, kiếm. Giả như nàng đặt chân sai một phân thôi, thì chắc chắn là phải trượt xuống hố sâu, lòng hố cũng lợp đầy đá nhọn.
Vượt như thế được mấy mươi trượng, bất thình lình trong một cái nhảy cao, thay vì đáp xuống như trước thì thân hình nàng mềm lại, tợ hồ mất lực, sau đó rơi xuống như chiếc lá rụng.
Quan Sơn Nguyệt kinh hãi vươn tay ra, chụp áo nàng.
Máu từ miệng nàng phún ra, bắn vào đầu, vào mặt chàng.
Nàng mở đôi mắt, lờ đờ nhìn chàng, thốt qua giọng yếu ớt:
– Đừng quan tâm đến ta. Ngươi cứ lên trên đó đi. Ta đã hiểu cái dụng ý của chủ nhân rồi. Hắc Ngục Vong Hồn là nơi chứa chất đầy khủng bố, nơi đó con người hành động hoàn toàn bằng tâm cơ, ý thức, chứ không sử dụng công lực như tại các chiến trường. Nơi đó, chỉ có những ảo cảnh, do ảo tưởng mà sanh ra.
Ai vào đó với tâm thần càng ổn định thì ảo cảnh càng dễ hiện ra và hiện với mức độ khủng khiếp càng cao. Bởi, tâm thần có ổn định thì tưởng tượng mới phát sanh.
Còn như ngươi quá mệt nhọc, thì đến chỗ dừng chân rồi, ngươi còn biết có mỗi một việc là nghỉ ngơi, đối với ngoại cảnh, ngươi không buồn quan tâm đến ...
Quan Sơn Nguyệt điểm một nụ cười, mang nàng đến một tảng đá bằng phẳng, đặt xuống đó, rồi làm mấy động tác cứu tỉnh nàng hoàn toàn, giúp nàng tiêu trừ lao nhọc, khôi phục nguyên trạng.
Ngọc Phương thở phào, dần dần nàng nghe trong mình khoan khoái trở lại.
Tuy nhiên, nàng luôn miệng giục:
– Ngươi đi đi! Đừng quan tâm đến ta! Cứ để ta ở đây, bất quá sau một lúc ta sẽ khỏe lại. Chẳng có gì đáng lo cả.
Quan Sơn Nguyệt lại cười, thốt:
– Cô nương yên trí, đến đó chậm một chút cũng chẳng sao. Tại hạ lưu lại đây với cô nương một lúc nữa.
Một lúc sau, chàng lại tiếp:
– Những gì cô nương vừa nói đó, có đúng thật, song chỉ đúng một phần thôi.
Mệt nhọc quả có làm cho con người quên đi ngoại cảnh, song điều cốt yếu chẳng phải nằm trong sự kiện đó đâu.
Ngọc Phương thoáng giật mình, nhưng nàng không hỏi chi.
Quan Sơn Nguyệt tiếp luôn:
– Thoát lực quá độ rồi, cô nương không còn dụng lực nữa được, dù để làm một cử động nhỏ. Vậy cô nương cứ để tại hạ mang luôn lên trên đó.
Thốt xong, không đợi nàng phát biểu ý kiến, chàng bế xốc nàng lên, vọt đi liền.
Ngọc Phương cố vùng vẫy, không khứng để cho chàng mang đi như vậy.
Nàng luôn miệng phản đối:
– Buông ta ra! Đặt ta xuống ngay! Ngươi làm cái điệu nầy, chủ nhân trông thấy, ngươi cũng mất mạng luôn với ta!
Quan Sơn Nguyệt cười hì hì:
– Chủ nhân của cô nương đâu có quá hẹp hòi mà sanh ghen vì các việc nhỏ mọn nầy? Nếu người là nam nhân, thì có ghen cũng hợp lý, bởi ai lại để người đẹp nằm trong tay một nam nhân khác, khi người đẹp đó lệ thuộc vào mình?
Nhưng, chủ nhân của cô nương vẫn là nữ nhân như cô nương kia mà!
Ngọc Phương không đáp, nơi khóe mắt, lệ trào ra từng hạt.
Nàng thương cảm? Vì nguyên nhân nào? Nàng đổ lệ cho ai, cho chính nàng, hay cho Quan Sơn Nguyệt?
Chỉ có nàng mới hiểu nổi những điều phức tạp đang phát sanh nơi tâm tư, phức tạp hiện ra nơi gương mặt nàng.