Một kỵ sĩ độc hành dọc theo bờ Hoàng Hà tiến tới.
Kỵ sĩ, chính là Quan Sơn Nguyệt, sau biến cố tại khách sạn cấu kết thâm thù với bọn Vô Cực Kiếm Môn, rời chỗ cũ, cùng Lưu Tam Thái đến nơi này.
Còn không xa lắm là đến bến Phong Lăng, một bến sông hữu danh mà phàm ai có đặt chân lên địa phương này, cũng phải viếng qua cho biết.
Không đến Phong Lăng Độ, là cầm như bình sanh chưa biết Hoàng Hà như thế nào.
Hiện tại, Lưu Tam Thái đã tách rời chàng, đi tìm thuyền sang sông, còn lại một mình chàng, dừng ngựa tại đó, nhìn trăng, nhìn nước.
Phải, lúc đó, trăng sáng chiếu diệu mặt sông, bởi thời gian về đêm, một đêm thanh tịnh phi trường, dù đứng cạnh bờ sông, gió vẫn rì rào nhẹ thổi ...
Gió không lớn, sông nước vẫn trập trùng, sóng như ngàn đời nhấp nhô, mặt sông chẳng bao giờ bình lặng.
Sóng vỗ bờ, bọt sóng bắn lên, trăng rọi sáng như ngàn hoa bạc, biến rồi hiện, hiện rồi biến, qua những lượt sóng vỗ, sóng lùi lùi rồi tràn tới để cuộn trở lại ra khơi.
Nhìn sông dài, mênh mông sóng nước, trong khung trời rộng, có trăng sáng, có gió rì rào, bất giác Quan Sơn Nguyệt sanh niềm cảm khái, cất tiếng ngâm nga bài Phú Xích Bích của Tô Đông Pha.
Càng ngâm nga, chàng càng cao hứng, cuối cùng thì cái hứng dâng tràn, ngập cả tâm tư, chàng hú vọng một tiếng dài, tỏ rõ cao trào khoan khoái.
Con ngựa giật mình, chồm hai vó trước, suýt hất chàng xuống đường. Cũng may, chàng tinh thông kỵ thuật, nên kịp thời kềm vững thân mình.
Nhưng, vừa trấn định con ngựa, bỗng tai chàng nghe Lưu Tam Thái rú lên một tràng tiếng thảm phía trước. Tiếng rú đó báo hiệu rõ ràng Lưu Tam Thái đang gặp tai nạn bất ngờ.
Quan Sơn Nguyệt giật mình, vội thúc chân vào hông ngựa.
Con ngựa cất vó, phi nước đại tiến tới liền.
Thực ra, trong chuyến hành trình gần như vô mục đích này, chàng chỉ muốn độc hành, chàng đi, chẳng biết đi đâu, đi cho hết thời gian thừa thãi trước khi đến nơi ước hội với Phi Lạc Đà.
Nhưng, Lưu Tam Thái hết lời cầu khẩn xin được theo chàng. Y viện dẫn lý do, từ sau khi biến cố xảy ra, chắc chắn là bọn Âm Tố Quân oán hận vô cùng và sẽ tìm mọi cách sát hại y. Mà y thì tự biết mình chẳng phải là đối thủ của bọn Âm Tố Quân, nên không thể lư lại địa phương tiếp tục khai thác ngôi khách sạn như ngày nào. Y cần nhờ sự che chở của chàng, dù chàng đi khắp phương trời góc biển, y cũng chẳng màng gian lao cực khổ, quyết đi theo chàng.
Trong cuộc hành trình Lưu Tam Thái hết lòng săn sóc chàng như thuộc hạ thân tín săn sóc chủ nhân. Mọi nhu cầu, mọi sự việc đều do Lưu Tam Thái chu biện, chàng không phải bận tâm lo liệu. Do đó, chàng cảm thấy nhẹ nhàng phần nào.
Dần dần, chàng nhận ra, Lưu Tam Thái rất cần thiết cho chàng, không có chiếu liệu trước sau, thì hẳn chàng cũng phải vất vả không ít.
Từ cái chỗ cần thiết, chàng đi dần đến chỗ mến thích Lưu Tam Thái.
Giờ đây Lưu Tam Thái rời chàng, đến bến Phong Lăng tìm thuyền, lại gặp tai họa bất ngờ, tự nhiên chàng nôn nóng, muốn biết y đã gặp điều gì bất trắc, đến đổi phải rú thảm lên như vậy.
Ngựa chàng sải nhanh, không lâu lắm, chàng nghe vó ngựa từ phía trước vọng lại. Dưới ánh trăng, chàng nhận ngay chính là con ngựa của Lưu Tam Thái, nhưng ngựa không người! Thế thì Lưu Tam Thái ở đâu?
Chàng vươn tay chụp lấy dây cương, con ngựa kia, kéo nó quay đầu lại cùng chạy theo chàng.
Thoáng mắt sau đó, chàng đã thấy Lưu Tam Thái đang giao thủ với một nữ nhân vận áo đỏ. Lưu Tam Thái ở dưới đất, nữ nhân ngồi trên mình ngựa. Lưu Tam Thái tay không, còn nữ nhân cầm ngọn roi, quất xuống mình y liên hồi.
Nói là giao thủ không đúng lắm, sự thật thì nữ nhân cứ bổ roi xuống mình Lưu Tam Thái, y vừa né tránh, vừa đưa tay chụp roi, y không tránh khỏi những ngọn roi ác liệt, lại không tài nào chụp trúng ngọn roi. Nhưng, y cố liều chịu đòn, xông vào mãi, vừa xông vào, y lại bị ngọn roi đánh hất ra, ra ngoài xa rồi, y lại xông vào. Y phục của y rách nát, da thịt hầu như cũng rách nát, máu me rơi đổ, nhuộm đỏ y phục, nhuộm đỏ mặt đường.
Quan Sơn Nguyệt chưa đến nơi, đã hét to:
– Dừng roi ngay!
Nữ nhân dừng tay liền.
Nhưng Lưu Tam Thái kêu to:
– Lệnh chủ đừng can thiệp! Cứ để cho tại hạ liều với con người đáng bỉ này ...
Một ngọn roi vút xuống, trúng mặt y, làm ngưng ngang câu nói.
Nữ nhân quát lớn:
– Ngươi còn nói một tiếng vô lễ nữa, ta đánh vỡ miệng ngươi ngay!
Ngọn roi lướt qua, lưu lại một vệt máu nơi má Lưu Tam Thái.
Đau quá, Lưu Tam Thái càng sôi giận gầm lên:
– Ta mắng! Ta mắng ngươi với tất cả những lời nặng nhất trong ngôn ngữ nhân loại, xem ngươi làm gì ta! Ngươi đánh ta chết, ta cũng mắng, ta mắng đến hơi thở cuối cùng ...
Nữ nhân thoáng biến sắc, không tưởng là gặp phải một kẻ gan lỳ chẳng sợ chết là gì. Nàng rít lên:
– Được! Ngươi muốn chết, ta cho chết!
Nàng vung tay, ngọn roi trở lên sắp sửa giáng xuống.
Nhưng, Quan Sơn Nguyệt đã lướt đến, đứng tại trung gian.
Nữ nhân nhích động cánh tay, ngọn roi rung chuyển, vừa giáng xuống, chợt nhận thấy cái đích là một người khác, nàng dừng tay liền. Thu roi về, nàng hét:
– Tránh ra, để ta đánh hắn, chừng nào hắn chịu câm mồm ta mới buông tha!
Quan Sơn Nguyệt trầm giọng:
– Đành rằng y không nên mắng như vậy, song cô nương dùng hình phạt đó, trừng trị y, thiết tưởng cũng tàn nhẫn lắm!
Nữ nhân không đáp, lại vung tay.
Ngọn roi rít gió, sắp sửa bổ xuống đầu Lưu Tam Thái. Song nghĩ sao chẳng rõ, nàng lại buông tay xuống, rồi trừng mắt nhìn Quan Sơn Nguyệt, gằn từng tiếng:
– Ngươi định chịu tội thay cho hắn à? Đừng liều lĩnh vô lý như vậy, ta không đánh kẻ vô cớ. Hãy bước qua một bên, chọc ta thì khổ đấy!
Lưu Tam Thái nhảy choi choi, hét:
– Hèn hạ! Ti tiện! Ta thách ngươi đó, ngươi dám đánh Lệnh Chủ, ta phục ngươi suốt đời!
Nữ nhân «hừ» một tiếng, quét ngọn roi ngang qua cổ Quan Sơn Nguyệt.
Quan Sơn Nguyệt điểm nhẹ một nụ cười, vẫn đứng nguyên tại chỗ, hoành tay chụp đầu roi.
Đầu roi bị Quan Sơn Nguyệt chụp trúng, thế đánh bị ngăn trở rồi, chàng dùng lực quá mạnh, cái chụp đó là dội đầu roi, chấn động bàn tay của nữ nhân.
Song, nàng cũng giật được ngọn roi vuột khỏi tay Quan Sơn Nguyệt.
Nữ nhân không tưởng là đối phương có công lực thâm hậu như vậy, trố mắt nhìn một lúc, đoạn «hừ» một tiếng, hỏi:
– Ngươi tên họ gì? Nói nhanh cho ta biết!
Quan Sơn Nguyệt chưa kịp đáp, Lưu Tam Thái mỉa mai:
– Xú nữ ti tiện kia, đến Lệnh Chủ Minh Đà mà cũng chẳng biết, thì còn chen đứng trên giang hồ lam gì nữa?
Nữ nhân «xì» nhẹ:
– Ta có giành giựt giang hồ với ngươi đâu? Ta có bao giờ xưng mình là khách giang hồ đâu? Tại sao ta lại phải biết đến những kẻ vô danh chứ?
Đáp lại cái giọng mỉa của Lưu Tam Thái, nàng có xúc phạm phần nào đến cá nhân của Quan Sơn Nguyệt, song điều đó có cần gì, bởi trên giang hồ, người ta quen với giọng trịch thượng đó lắm rồi, trước khi so tài, họ so cái lý, họ tranh nhau thốt những lời cao hảnh, cốt dằn mặt đối phương. Cho nên, có người dùng lời thẳng mà đấu lý với nhau, cũng có kẻ dùng cái sáo để phớt ngọt song bên trong lại xỏ đậm.
Lưu Tam Thái sôi giận, càng hét lớn:
– Ngươi là cái quái gì, dám xúc phạm đến Lệnh Chủ? Ngươi bất quá chỉ là một tiện tỳ trong một gia đình nào đó, nhiễm thói cao hãnh của chủ nhân, buông tính ngông cuồng! Giở mồm giở miệng, kẻo mất mạng oan uổng đấy!
Y chưa cho là đủ, lại tiếp luôn:
– Làm gì ngươi dám xưng là khách giang hồ? Bất quá quen tay vút roi đuổi gà dọa chó, chứ tài ba chi mà ngươi dám lạm dụng mấy tiếng giang hồ?
Y quên đi, quen tay đuổi gà dọa chó mà nàng đánh y tơi bời, thế là y còn kém gà, kém chó!
Người phương Bắc có lối sống nghề biểu diễn vũ nghệ, cỡi ngựa, bắn tên, động tác của họ tuyệt đẹp, song chẳng có phần thực dụng, khách giang hồ chân chính, nhìn qua biết ngay họ thuộc thành phần bán nghệ nuôi thân. Song, những người không biết vũ công lại rất khoái xem họ biểu diễn, và thời thượng thì họ rất được hoan nghinh trong giới bình dân.
Lưu Tam Thái ghép nữ nhân vào thành phần đó, cốt để chọc tức nàng cho bõ ghét, chứ thực ra, y cũng thừa nhận nàng có tài nghệ rất khá, ít nhất cũng trên y mấy bậc. Tuy nhiên, y cho rằng nàng không thể thủ thắng trước Quan Sơn Nguyệt, do đó y dám nặng lời khinh miệt nàng.
Nữ nhân không giận, trái lại còn điểm nụ cười mỉa, hỏi:
– Thế ngươi cho rằng, hễ là người trên giang hồ, thì ai ai cũng phải trọng vọng à? Người giang hồ quý lắm sao?
Nàng không đợi Lưu Tam Thái nói gì, lại tiếp luôn:
– Mẹ ta từng nói với ta, người trên giang hồ chẳng ai tốt cả, cho nên ngăn cấm ta giao du với họ. Các ngươi có phải là người giang hồ không? Nếu phải, ta không nói chuyện với các ngươi nữa đâu!
Lưu Tam Thái nổi giận:
– Mẫu thân ngươi là cái quái gì? Bằng vào đâu lại dám cho rằng tất cả người trên giang hồ đều xấu?
Nữ nhân trầm gương mặt, nhìn Lưu Tam Thái như nhìn quái vật, một lúc lâu, nàng quắc mắt gằn từng tiếng:
– Ngươi dám mắng mẹ ta? Mắng ta, còn được chứ mắng mẹ ta thì quá lắm rồi đấy! Nếu ta không cho ngươi một bài học, ngươi sẽ chẳng bao giờ chừa bỏ cái tánh lỗ mãng đó, động mở miệng là mắng người!
Tiếp liền theo câu nói, nàng vung tay. Ngọn roi rít gió kêu một tiếng vù, đầu roi quét đến Lưu Tam Thái.
Quan Sơn Nguyệt nạt khẽ, hoành tay thuận theo thế, chặt mạnh xống tay xuống đường roi.
Chàng muốn nhân cứu Lưu Tam Thái, chụp luôn đường roi, đoạt lấy, cho nàng hết hung hăng nữa.
Nhưng, nữ nhân có thủ pháp vô cùng linh hoạt, nàng trầm bàn tay xuống một chút, đầu roi chếch lên, hơi xéo ra ngoài tránh cái chặt của Quan Sơn Nguyệt, đoạn giữ nguyên tư thế đó quét luôn qua cho trọn đà.
«Trót!» Đầu roi lướt qua mặt Lưu Tam Thái, lưu lại một vệt máu dài. Lần này, nàng đánh trúng vào yếu huyệt, đường roi tuy mạnh, làm Lưu Tam Thái đau, song không đến đổi lảo đảo người. Vậy mà y ngã xuống, vì đầu roi đã chạm vào huyệt đạo. Y ngã xuống, nằm bất động luôn.
Quan Sơn Nguyệt cực lỳ sôi giận, thấy không còn nương tay được nữa, vội nhảy xuống ngựa đồng thời thét lớn:
– Cô nương xuống ngựa đi! Tại hạ phải giáo huấn cô nương một phen mới xong!
Nữ nhân «xì» một tiếng:
– Ta xuống ngựa để làm gì? Ta không sợ ngươi đâu, có điều mẹ ta dặn ta, đừng bao giờ vô duyên vô cớ mà gây sự với ngoại nhân. Ngươi chưa mắng ta, thì ta chẳng cần sửa trị ngươi. Nếu ngươi muốn ta xuống ngựa, đánh với ngươi, thì cứ mắng ta một tiếng đi! Mắng một tiếng thôi, cũng đủ cho ta viện lý do đó mà đánh ngươi!
Quan Sơn Nguyệt sững sờ. Bỗng dưng mà chàng phải mắng nàng, thì mắng thế nào được? Mà không mắng thì nàng không xuống ngựa, như vậy làm sao chàng giáo huấn nàng, để báo hận cho Lưu Tam Thái?
Nàng chỉ muốn cá nhân đối với cá nhân, chứ không chấp nhận một sự can thiệp do liên quan mà có!
Chàng nhận thấy nàng này kỳ quái thật! Song nàng đã nói như vậy, chàng làm sao hùng hổ với nàng được nữa chứ? Nếu thách thức nàng mãi, chẳng hóa ra chàng lỗ mãng, thích gây sự sao?
Chàng phì cười, hỏi:
– Thế ra, cô nương đánh vị bằng hữu của tại hạ, là do y mắng cô nương chứ chẳng phải cô nương cao hứng mà đánh?
Nữ nhân «hừ» một tiếng:
– Đương nhiên rồi! Ta đã nói, mẹ ta không cho ta vô duyên vô cớ gây sự với ai cả mà! Cho ngươi biết, ta chẳng bao giờ xuất thủ đánh ai trước cả!
Quan Sơn Nguyệt cười nhẹ, không nói gì thêm, quay mình bước đến cạnh Lưu Tam Thái vừa nâng y lên vừa dùng năm sáu phương pháp giải huyệt cho y.
Nhưng, lạ làm sao, chàng giải khai được tất cả các huyệt đạo chỉ trừ một huyệt nơi hông y. Huyệt đó vẫn bế tắc như thường, dù chàng vận dụng tận sở năng, cũng chẳng làm sao cho có kết quả. Một điều lạ lùng nữa, là rõ ràng nàng đánh vào mặt Lưu Tam Thái, thế mà một huyệt đạo nơi hông y lại bị điểm! Nhãn quang của Quan Sơn Nguyệt cũng linh hoạt lắm chứ, tại sao chàng không nhận ra kịp?
Thấy chàng loay hoay mãi, nữ nhân mỉm cười, thốt:
– Thủ pháp đó, do mẹ ta sáng chế đấy! Ngươi không làm sao giải khai được đâu, đừng cố gắng vô ích! Nếu bây giờ, ngươi bảo đảm là hắn sẽ không mắng ta nữa, ta sẽ giải cho hắn liền. Nếu không, hắn sẽ chịu cái cảnh toàn thân bất toại suốt đời!
Quan Sơn Nguyệt bất bình trầm giọng:
– Y mắng cô nương mấy tiếng, thiết tưởng cũng chẳng có gì quá đáng, cô nương lại nở hạ thủ đoạn độc ác đối với y à?
Nữ nhân cười hì hì:
– Ta đã nói rồi mà, hắn mắng ta, ta còn chịu được, bằng cớ là trước khi đến đây, ta cũng đánh hắn vậy, song ta có điểm huyệt hắn đâu? Tại hắn mắng đến mẹ ta đấy, tự nhiên ta phải trừng trị hắn nặng hơn chứ? Ngươi không hiểu cái đạo lý ấy à?
Nàng dừng lại một chút, rồi tiếp luôn:
– May mà hắn vô lễ trước mặt ta, chứ nếu mẹ ta nghe lọt câu mắng, thì mười mạng hắn cũng phải ra ma, đừng nói là một hắn!
Quan Sơn Nguyệt nổi giận thực sự:
– Mắng một câu, mà phải mất mạng? Thế ra lệnh đường quả là một nữ ma vương, hiếu sát hung ác phi thường!
Chàng tin chắc là nghe chàng phê phán mẹ như vậy, nữ nhân sẽ xuất thủ, cho nên vừa thốt xong, chàng ngưng thần, giới bị sẵn sàng đối phó. Ngờ đâu nữ nhân chỉ cười, hì hì, thốt:
– Ngươi đừng nói thế chứ! Sự thực thì, mẹ ta có làm gì đâu mà ngươi mắng?
Câu nói của ngươi bất kính lắm đấy, song ta bỏ qua cho ngươi! Có điều, ta khuyên ngươi, từ nay nên ăn nói thận trọng một chút, đừng bao giờ phê phán ngoại nhân một cách hồ đồ như vậy mà thành nông nổi!
Quan Sơn Nguyệt «hừ» lạnh:
– Lịnh đường không hiếu sát, sao lại chực giết những ai mắng bà?
Nữ nhân lắc đầu:
– Mẹ ta chẳng bao giờ giết người. Ta chưa chừng thấy mẹ ta giết ai. Chỉ vì, trong gia đình ta, ai ai cũng tôn kính bà, chẳng ai dám nói nặng bà, chứ làm gì có việc dám mắng bà?
Nàng dừng lại một chút, đoạn tiếp:
– Tuy nhiên gọi bà là Nữ Ma Vương, như ngươi vừa thốt đó, kể ra cũng đúng phần nào. Đúng danh hiệu, chứ sai rất xa về hành động bởi bà không khi nào giết người ít nhất cũng từ lúc bà còn nhỏ đến bây giờ. Còn từ đây về sau, thì ta chưa dám chắc.
Quan Sơn Nguyệt trố mắt:
– Danh hiệu lịnh đường là chi?
Nữ nhân đáp:
– Huyết La Sát! Cái danh hiệu nghe thì ghê gớm thật, song bà chưa từng nhúng tay vào máu!
Huyết La Sát?
Quan Sơn Nguyệt cố moi ký ức, cũng chẳng hình dung con người mang danh hiệu đó. Bởi, chàng chẳng hề nghe ai nói đến bà ta!
Trong khi chàng suy nghĩ, nữ nhân giục:
– Ngươi quyết định đi chứ? Nếu ngươi chần chừ một lúc nữa, thì huyệt đạo đó sẽ bế tắt vĩnh viễn, chính ta cũng vô phương cứu hắn.
Quan Sơn Nguyệt chẳng biết làm sao hơn, đành gật đầu:
– Được rồi! Tại hạ xin bảo đảm, y sẽ không mắng lịnh đường nữa.
Nữ nhân tiếp gấp:
– Luôn cả ta, hắn cũng không được vô lễ!
Quan Sơn Nguyệt bực tức, song chẳng dám chậm trễ:
– Luôn cả cô nương! Cô nương yên trí!
Nữ nhân cười nhẹ, vung roi, quất khẽ xuống mình Lưu Tam Thái.
Hứng ngọn roi đó, Lưu Tam Thái cử động được liền. Vừa rồi bị điểm huyệt, toàn thân bất động, song y vẫn nghe rõ câu chuyện giữa nữ nhân và Quan Sơn Nguyệt. Y đã thấy Quan Sơn Nguyệt không giải huyệt cho y được, sự kiện đó chứng tỏ thủ pháp của nữ nhân cũng độc đáo lắm cho nên bây giờ, được trả về tình trạng bình thường, y không dám mắng nàng nữa.
Quan Sơn Nguyệt thở phào, đoạn hỏi:
– Lưu huynh! Sự tình làm sao đến nỗi Lưu huynh và vị cô nương kia xô xát với nhau thế?
Nữ nhân lộ vẻ không vui, trầm giọng chặn lại:
– Ta đã giải huyệt cho hắn rồi, vậy là huề người còn truy cứu nguyên nhân làm chi chứ!
Quan Sơn Nguyệt chỉnh nghiêm sắc mặt:
– Không, cô nương ạ! Tại hạ không thể bỏ qua, tại hạ nhất định phải truy nguyên, để biết sự tình như thế nào. Nếu vị bằng hữu của tại hạ sái quấy, cô nương trừng trị như vậy là đáng lắm. Còn như lỗi về phần cô nương, thì tại hạ phải giải quyết trường hợp một cách công bằng mới được. Chẳng lẽ để cho cô nương tự ý hoành hành, gặp lại ai cũng hống hách?
Nữ nhân cười lạnh:
– Ngươi muốn giao thủ với ta?
Quan Sơn Nguyệt cương quyết:
– Nếu lỗi về phần cô nương, tại hạ phải cảnh cáo cô nương một lần, để từ nay về sau, cô nương nên hòa dịu với người trong thiên hạ.
Nữ nhân «hừ» một tiếng:
– Ta quấy ngươi cảnh cáo ta, còn như hắn quấy? Ngươi để yên cho hắn?
Quan Sơn Nguyệt giật mình:
– Cô nương ... đã đánh y rồi ...
Nghĩa là chàng không cần quở trách gì Lưu Tam Thái nữa, bởi nữ nhân đã hạ thủ rồi.
Nữ nhân nhướng cao đôi mày, chừng như sắp sửa phát tác suy nghĩ một chút bỏ qua ý định đó, chỉ thốt:
– Ta không sợ ngươi đâu, bất quá ta không muốn mang tiếng là uy hiếp kẻ vô cô, bởi dù sao ngươi cũng chẳng liên quan gì đến vụ này.
Dừng lại một chút, nàng gật đầu, tiếp:
– Được rồi! Ngươi muốn truy cứu, cứ hỏi hắn! Ta không ngăn trở.
Lưu Tam Thái do dự một chút, rồi thốt:
– Đến bến Phong Lăng, tại hạ không mất công nhiều, tìm được một chiếc thuyền bằng lòng đưa chúng ta sang sông, dù đang đêm. Tại hạ lập tức trở lại chỗ cũ, báo tin cho Lệnh Chủ hay. Ngờ đâu, đi đến đây, tại hạ bỗng nghe tiếng hú. Tiếng hú nghe hãi hùng quá, con ngựa giật mình, nó chạy loạn lên, đâm sầm vào ngựa của vị cô nương đó ...
Nữ nhân «hừ» lạnh:
– Chỉ có vậy thôi à? Thế thì giản đơn quá!
Lưu Tam Thái phẫn nộ:
– Chứ còn sao nữa? Trước khi hai ngựa chạm nhau, tại hạ đã thấy rõ, và có gọi gấp cô nương hãy lách ngựa tránh qua một bên. Cô nương chẳng chịu nghe, lại còn vung roi quất vào mình tại hạ rơi xuống đường liền. Còn con ngựa thì hoảng sợ, chạy luôn.
Nữ nhân lại «hừ» một tiếng nữa:
– Khá đấy, thì ra ngươi cũng còn nhớ phần nào sự việc. Song ta hỏi ngươi lúc đó, ngươi gọi ta như thế nào?
Lưu Tam Thái sững sờ không nói được những tiếng gì kế tiếp.
Nữ nhân sôi giận:
– Sao ngươi nín lặng? Ngươi không dám nói ra, phải không? Ngươi không dám ta nói hộ ngươi! Ngươi gọi to:
«Cái mụ thối có tránh đường cho ta không?» Ngươi gọi thế nghĩa là gì? Ta bao nhiêu tuổi, mà ngươi gọi là mụ này mụ kia?
Hay ngươi muốn mắng luôn mẹ ta, sanh con không giáo huấn, để con cỡi ngựa cản đường ngươi? Cho ngươi biết, đánh ngươi một roi, kể ra ta cũng nhân đạo lắm đấy! Không oan uổng gì cho ngươi đâu!
Lưu Tam Thái giám giận nhưng không dám làm gì? Y nuốt giận mà chịu cái khổ ấm ức trong tâm.
Quan Sơn Nguyệt đã hiểu sự tình như thế nào rồi.
Thì ra, chỉ vì Lưu Tam Thái ăn nói bất nhã, nàng hận, đánh một roi, Lưu Tam Thái vừa đau vừa chạm tự ái, phản công. Thế là cuộc xô xát phát sanh ra ngay!
Chàng mỉm cười thốt:
– Câu nói đó, nghe ra thì cũng có phần nào bất kính thật, song trên giang hồ, người ta thường dùng lắm cô nương ơi! Khách giang hồ vô tâm mà thốt lên, chứ chẳng có ác ý chi cả. Tại hạ bảo đảm là lúc gọi như vậy, Lưu huynh không có ý mắng cô nương đâu.
Nữ nhân trừng mắt:
– Giang hồ là cái quái gì đối với ta chứ? Thói quen gì kỳ quái thế, mở miệng là xúc phạm đến người? Thảo nào mà mẹ ta chẳng bao là trên giang hồ, chẳng có một kẻ nào tốt cả!
Bây giờ Quan Sơn Nguyệt mới quả quyết là nàng mới đặt chân lên kiếp giang hồ. Nàng có vẻ ngây ngô quá, Quan Sơn Nguyệt chẳng những không bực lại còn cao hứng đối thoại với nàng.
Cái hứng đó phát sanh, do chàng gặp một con người có tư tưởng đặc dị, chứ chẳng phải do sự gặp gỡ của một nữ nhân xinh đẹp.
Ngoài ra vũ công của nàng cũng đáng được chàng chú ý đến, nhất là nàng có thủ pháp linh diệu, cách điểm huyệt của nàng độc đáo vô cùng.
Chàng không giải huyệt được cho Lưu Tam Thái, hơn thế chàng đã dùng tuyệt kỹ «Phân Quang Bố Ảnh», mà vẫn không chụp trúng ngọn roi của nàng ...
Còn một nguyên nhân khác, không kém quan trọng, là lai lịch của Huyết La Sát, mẹ nàng. Đương nhiên, con như vậy, thì mẹ hẳn phải là một cao thủ vũ lâm.
Nhưng, bà là ai? Vì lý do gì, bà lại oán hận khách giang hồ, đến độ cho rằng tất cả đều là những con người xấu?
Trong phút giây, chàng nảy sinh cái ý muốn gặp Huyết La Sát. Gặp bà ta, cũng chẳng khó khăn gì, chàng chỉ cần đánh nàng hạ được nàng, là mẹ nàng ra mặt báo thù cho con. Chàng tự lượng sức mình, có thể hạ nàng dễ dàng.
Giá như bà ấy xuất hiện, trách cứ chàng, tại sao sanh sự với con gái bà, thì chàng viện dẫn lý do trừng trị nàng để báo hận cho Lưu Tam Thái.
Nghĩ đi, nghĩ lại, chàng cảm thấy bất tiện quá!
Nữ nhân kia xa lạ đối với chàng lại không thù không oán, đã mấy lần nàng từ chối giao đấu với chàng, bây giờ tìm cách nào sanh sự với nàng được? Chẳng lẽ cứ xuất thủ, đánh dồn nàng mặc dù nàng không muốn có cuộc đánh nhau?
Làm như vậy thì còn gì sanh dự của một nam nhân, chứ đừng nói là kém tư cách anh hùng hảo hán!
Nhất định là Quan Sơn Nguyệt không thể áp dụng phương pháp đó rồi.
Bây giờ chỉ còn có cách là gợi chuyện với nàng, rồi tùy cơ hỏi han về mẫu thân nàng.
Xem ra, nàng còn ngây ngô quá, chắc chắn là nàng không thấy được cơ mưu của chàng.
Quan Sơn Nguyệt nghĩ như vậy rồi, điểm nhẹ một nụ cười hỏi:
– Tuy là người trên giang hồ, tại hạ không hề mở miệng là mắng người, dù việc mắng người như thế không có ác ý và cũng rất thông thường, huống chi, mới đây cô nương vung roi đánh tại hạ, mà tại hạ chẳng giận chẳng hoàn thủ, cô nương có nhìn nhận tại hạ là người tốt chăng?
Nữ nhân «hừ» một tiếng:
– Ta có đánh ngươi đâu? Bất quá, ta giá roi, để bảo ngươi tránh ra xa xa thôi, ta bảo ngươi tránh, mà ngươi không chịu tránh, bắt buộc ta phải giá roi đó, đừng vu cho ta cố ý đánh ngươi!
Quan Sơn Nguyệt lại cười:
– Cô nương đánh bằng hữu của tại hạ, tại hạ cũng bỏ qua luôn, không hề trách cứ cô nương, cũng như không hề đánh lại để trả thù ...
Nữ nhân lại «hừ» một tiếng:
– Ai cấm người trách cứ? Ai cấm ngươi trả thù? Ngươi hỏi ta như thế, có phải là người hối hận chăng? Nếu hối hận, ngươi cứ đánh ta đi, đánh mà trả thù cho bằng hữu!
Quan Sơn Nguyệt mỉm cười:
– Cần gì phải đánh nhau, cô nương? Nào phải có đánh nhau mới giải quyết được trường hợp? Cho cô nương biết, có lúc người ta vì bằng hữu mà dám gây nên những cuộc đổ máu đó! Song, riêng tại hạ thì, tại hạ không thích đánh nhau, bởi tại hạ không phải là một khách giang hồ xấu xa, tại hạ không hành động xấu xa được!
Nữ nhân «xì» một tiếng:
– Ngươi cứ khoe khoang ngươi mãi! Ta đã nói người trên giang hồ không tốt, ta tin như vậy, dù bây giờ ngươi nói là ngươi tốt, ta vẫn cho ngươi xấu như thường, bởi ta nghĩ mẹ ta chẳng bao giờ nói sai.
Nàng dừng lại một chút, rồi tiếp:
– Ngươi cho rằng, vì bằng hữu, thiên hạ dám gây nên cuộc đổ máu, ta khó hiểu quá. Tại sao thế chứ?
Quan Sơn Nguyệt điềm nhiên đáp:
– Vì trên giang hồ, đạo nghĩa là điều tối trọng, ai ai cũng gìn giữ đạo nghĩa, người tốt có đạo nghĩa của người tốt, hạng xấu có đạo nghĩa của hạng xấu, không gìn giữ đạo nghĩa, thì chẳng phải là khách giang hồ đó cô nương. Bất quá, đạo nghĩa của hạng này, khác với đạo nghĩa của hạng kia, đạo nghĩa của hạng tốt là chánh khí, đạo nghĩa của hạng xấu là tà tâm. Hai kẻ có tà tâm, hợp nhau, bênh vực nhau, tức là họ có đạo nghĩa với nhau. Cũng như hai kẻ gìn giữ chánh khí, hợp nhau, bênh vực nhau, tức là họ có đạo nghĩa với nhau. Cho nên, người ta vì bằng hữu mà trả thù, báo hận, gây nên cuộc đổ máu, là vì đạo nghĩa đối với nhau.
Nữ nhân mỉm cười:
– Thế ra cuộc sinh hoạt trên giang hồ cũng có ý tứ khá đấy chứ!
Quan Sơn Nguyệt gật đầu:
– Đương nhiên! Trên giang hồ, tình bằng hữu rất quý, mà cũng rất cần, chính cái sự tương thân, tương trợ lẫn nhau, giúp nhiều người tạo dựng cơ nghiệp lớn lao. Không có bằng hữu, đừng mong xuôi ngược khắp đó đây, hành hiệp ...
Nữ nhân chận lại:
– Thôi được! Thôi, được rồi, ngươi khỏi phải nói nhiều. Ngươi nói vậy, nhưng mẹ ta lại chẳng cho là vậy, mà ta thì tin mẹ ta hơn tin ngươi! Dù sao, ta cũng tin người trên giang hồ không tốt.
Quan Sơn Nguyệt hỏi:
– Lệnh đường phê phán người trên giang hồ như thế nào?
Nữ nhân bĩu môi:
– Không tốt chứ còn như thế nào nữa? Gian manh này, xảo trá này, quỷ quyệt này, nham hiểm này, suốt ngày, suốt tháng, quanh năm, chuyên lừa gạt lẫn nhau, rồi cừu thù, rồi oán hận, rồi chém giết nhau, truyền đời, truyền kiếp, tạo cái cảnh oan gia tương báo, vĩnh viễn trầm mình trong nghiệp chướng! Bởi thế, người trên giang hồ đều yểu thọ, chưa chết sớm mai, không chắc gì còn sống đến chiều ...
Quan Sơn Nguyệt cười hì hì:
– Lịnh đường nói cũng hợp đạo lý lắm đó. Nhưng, bà chỉ nhắm vào một khía cạnh mà luận về toàn thể, do đó, lời phê phán của bà không được xác thực. Cô nương phải biết, trên giang hồ, cũng như trong bất cứ giới nào, cũng có vui, cũng có buồn, cũng có thanh cao, cũng có hèn hạ, có tốt, có xấu, có chánh, có tà, chứ nào phải chỉ có một hạng duy nhất đâu? Lịnh đường chỉ nhắm vào hạng xấu, nên thấy toàn những điều xấu, tự nhiên không nhận được cái tốt của khách giang hồ.
Còn như có sự tranh chấp đến thành cừu hận, cừu oán, là vì một số người hèn hạ ganh tỵ, đố kỵ, tham danh thích lợi, không dung dưỡng được nhau, cứ tìm nhau mà loại trừ, mà thanh toán, giành để đứng giữa dòng đời, tự nhiên họ phải dùng mọi thủ đoạn để thỏa mãn tham và dục. Cho nên người học võ, trước khi xuất đạo trên giang hồ, phải chọn con đường tiến. Chọn đúng con đường chánh, là được đòi truyền tụng đáng mặt hiệp sĩ, chọn nhầm con đường tà, là bị đời liệt vào hạng gian hùng.
Nữ nhân cười mỉa:
– Ngươi đã chọn con đường nào đó?
Quan Sơn Nguyệt giật mình, không tưởng là nàng hỏi một câu hiểm hóc như vậy. Trước câu hỏi đó, bất cứ ai cũng khó đáp, chẳng riêng gì một mình chàng.
Nói rằng mình theo con đường chánh, thì lấy gì chứng minh? Mình đã làn nên những thành tích gì? Nói suông thì ai tin? Còn như nói rằng mình theo con đường tà, thì ai có can đảm dám nói như vậy?
Vả lại, trên giang hồ, đâu dễ dàng phân tách một hành động của ai đó, để phê phán chính xác người chủ động theo chánh, hay theo tà? Bất cứ sự tình nào cũng có uẩn khúc bên trong, khi nào chưa thấu đáo những uẩn khúc đó, thì đừng ai tự hào là mình phê phán đúng!
Lâu lắm, chàng mới đáp:
– Bất cứ ai trên giang hồ cũng không thể chứng minh chính xác con đường mình chọn, bởi chẳng có tiêu chuẩn nào rõ rệt, cho nên đời có việc lấy bạo trừ bạo, lấy hung diệt hung, nếu bằng vào khởi sơ mà luận người, thì con người lấy hung bạo diệt trừ hung bạo, là hung bạo rồi, là tà rồi. Còn như chờ đợi lâu hơn, chờ cái kết quả của việc làm, thì cái hung bạo của một người, có thể ngăn chận sự hung bạo của số đông, cái hung bạo của một người đó mang lại thanh bình cho xã hội, thì con người đó không hẳn là hung bạo, như vậy là không tà, mà không tà là chánh rồi còn gì? Tóm lược lại, tại hạ khó đáp câu hỏi của cô nương lắm!
Nữ nhân lại hỏi:
– Ngươi nói, trên giang hồ, có vui, có buồn, có sướng, có khổ vậy ngươi thuộc thành phần vui sướng, hay thành phần buồn khổ?
Quan Sơn Nguyệt thở dài:
– Thực tình mà nói, một du hiệp chân chánh trên giang hồ, chẳng bao giờ vui sướng được. Bởi, con người trải thân san lấp mọi bất công trên đời, lấy sự việc xóa tan mọi bất bình cho đồng loại, làm bổn phận, thì khi nào vui sướng được nếu đời còn đầy dãy những bất công? Cô nương phải biết, những sự bất công vẫn có từ muôn thuở, có từ trước, có hiện nay, và sẽ xảy ra trong nghìn sau. Một du hiệp chân chánh luôn luôn quên mình để cứu trợ thế nhân, thì khi nào có những vui sướng riêng tư được? Họ vui khi nhân loại an bình, họ buồn khi người đời khổ lụy ...
Chàng kết luận:
– Tại hạ chỉ là một phần tử trong nhân loại đại đồng, mà nhân loại đó không có thành phần riêng biệt, nhân loại có còn điêu linh, thống khổ, nếu có vui, chỉ một số ít vui, số ít đó vị kỷ, chú trọng đến cá nhân, số ít đó không có nghĩa gì bên cạnh đa chúng khổ đau, và đời còn quá nhiều người đau khổ, thì đừng hỏi tại hạ thuộc hạng người vui sướng hay buồn khổ.
Nữ nhân trầm mơ, tựa hồ hiểu lầm, mà mường tượng hoang mang, như triết lý của Quan Sơn Nguyệt quá xa vời, còn lâu lắm mới len lỏi nổi vào tâm trí nàng.
Nàng không hỏi dồn chàng nữa, ít nhất cũng về việc đó, rồi nàng chuyển sang đề khác, hỏi:
– Vừa rồi, gã kia gọi ngươi là Minh Đà Lệnh Chủ, ta chẳng hiểu Minh Đà Lệnh Chủ là cái quái gì? Tên họ của ngươi chăng?
Quan Sơn Nguyệt mỉm cười, lắc đầu:
– Không! Minh Đà là một cái hiệu, một biểu ký, mà Lệnh Chủ là người nắm giữ cái biểu ký đó. Dùng biểu ký để giao tiếp với giang hồ, là một sự thông thường, giang hồ gọi nhau bằng biểu ký, chứ ít ai xưng hô ngay tên họ với nhau.
Chứ tên họ của tại hạ là Quan Sơn Nguyệt. Một vầng trăng sáng, soi ngàn dặm quan sơn!
Ngàn dặm quan sơn! Một vừng trăng sáng! Chừng như nữ nhân thích những danh từ đó quá, mắt nàng bừng sáng, miệng nàng cười nụ, giọng nàng ấm hơn, nàng gật gù hỏi:
– Chắc ngươi có danh lớn trên giang hồ? Ta nghe ngươi giải thích cái tên của ngươi, nghe hay vô cùng!
Quan Sơn Nguyệt cười nhẹ:
– Danh mà chi, cô nương! Cái danh nào, dù to, dù nhỏ, cũng chỉ là hư hư ảo ảo, chuốc lấy hư danh vào thân, chỉ khổ vì hư danh đó, chứ nào có lợi ích gì?
Thân không danh là thân nhàn, thân có danh là thân khổ. Bởi danh liệt thì thân bại, giữ cho danh đừng liệt, có khác nào đầu độc khoảng thời gian sống trên cõi tạm này?
Nữ nhân tặc lưỡi:
– Chắc ngươi có nhiều bằng hữu!
Quan Sơn Nguyệt lắc đầu:
– Cái đó là hẳn không rồi! Có thể nói tại hạ là người cô độc nhất đời, tại hạ luôn luôn tịch mịch, giữa thị thành đông đúc cũng như tại rừng núi âm u! Tại hạ đi đơn, về chiếc, bạn đường là một con vật bốn chân, tại hạ lấy vũ trụ làm nhà lấy cỏ cây làm bạn, sớm chợ chiều thôn, ngày rừng, đêm núi, bềnh bồng, phiêu dạt một tấm thân côi.
Nữ nhân buông nhẹ một tiếng thở dài:
– Rồi ngươi có buồn chăng?
Nàng tiếp:
– Theo ta, ta rất thích cái sống của ngươi! Giả như ngày sau, ta trở thành một khách giang hồ, ta sẽ chọn cái sống của ngươi, cái sống vô câu vô thúc, không cảm tình ràng buộc, không danh lợi triền miên, tự tại, thung dung giữa trời mây trăng nước, thích đâu là dừng lại, chán đâu là rời đi.
Nàng mơ màng, nhìn ra xa xa, ngoài trời mờ mờ sáng, lại thở dài, tiếp luôn:
– Nhưng, còn mẹ ta! Khi nào bà lại chấp thuận cho ta hưởng cái thú sông hồ?
Quan Sơn Nguyệt khuyến khích một câu:
– Cô nương sai rồi, lịnh đường nói phải đó, tuyệt đối cô nương nên nghe lời giáo huấn của lịnh đường, và hãy bỏ cái mộng trở thành khách giang hồ ... Giang hồ rộng bao la, song chẳng phải là nơi một nữ nhân chen mình, đặt chân. Phạm vi của nữ nhân là khung cảnh gia đình, thế giới của nữ nhân, là môn hộ, đừng bao giờ nghĩ đến việc hòa mình vào cuộc sống náo nhiệt, của hạng người chuyên lừa trước, dối sau!
Nữ nhân trừng mắt, sôi tánh quật cường:
– Không, mẹ ta cấm, mặc mẹ ta, ta nhất định phải trở thành một khách giang hồ! Trước kia, ta cũng có gặp một số người trên giang hồ, họ là những kẻ vô dụng, chuyên hiếp yếu, bức kém hoặc giả ăn nói hoang đường, khoác lác.
Quan Sơn Nguyệt trố mắt:
– Cô nương ghét, cô nương hạ sát họ?
Nữ nhân mỉm cười:
– Ai giết họ làm gì! Mẹ không cho ta tùy tiện giết người, ta làm sao cải lịnh mẹ! Ta chỉ đánh mỗi người mấy roi, cảnh cáo thôi.
Quan Sơn Nguyệt gật gù:
– Vậy là phải đó, cô nương! Mạng con người, nào phải là con kiến, con trùn, con dế đâu mà động một tý là giết?
Rồi chàng tiếp:
– Cô nương rút roi xem vừa đẹp, vừa nhanh, vừa lợi hại, tại hạ hết sức khâm phục! Dám hỏi cô nương, đang đêm, một mình ở tại khoảng đường thanh vắng như thế này, hẳn cũng có mục đích gì chứ?
Nữ nhân cười nhẹ:
– Mục đích gì? Bất quá, hôm qua, ta đi thăm dì ta, bởi gấp trở về nhà, nên đi luôn trong đêm, chẳng cần chờ sáng ngày đấy thôi.
Nàng tiếp luôn, tự giới thiệu:
– Ta họ Lạc, tên Tiểu Hồng, nhà ta ở bên kia bờ Hoàng Hà ...
Quan Sơn Nguyệt hấp tấp thốt:
– Thế là cô nương đang tìm thuyền sang sông, do đó mới gặp vị bằng hữu của tại hạ! Đang đêm, muốn tìm một con thuyền, chẳng phải là việc dễ đâu, cô nương. Hiện tại, bọn tại hạ đã thuê được một con thuyền, và sắp sửa sang sông đây, nếu cô nương không thấy có gì trở ngại thì chúng ta nên cùng sang chung thuyền! Tại hạ thành thật mời cô nương đó.
Lạc Tiểu Hồng chớp mắt, cười tươi:
– Được vậy là hay lắm! Nhà ta cũng khá rộng, có nhiều phòng trống. Nếu qua bờ đối diện, các ngươi không tìm được nơi tạm trú qua đêm, thì cứ ở lại nhà ta, rồi chừng nào muốn đi thì đi!
Quan Sơn Nguyệt tỏ vẻ cảm kích:
– Cô nương có hảo ý, bọn tại hạ xin đa tạ, song tại hạ nghĩ, lịnh đường không thích những người trên giang hồ, chỉ sợ bọn tại hạ đến đó, sẽ gặp nhiều bất tiện.
Lạc Tiểu Hồng khoát tay:
– Đừng sợ! Chẳng có gì ngươi phải lo ngại. Nếu ta biết được ngươi ứng phó dễ dàng «Tiên Pháp Linh Xà» của ta, chắc chắn là bà sẽ hoan nghinh tiếp ngươi đó. Bà thường nói, trong thiên hạ, rất ít người tránh được đường roi Linh Xà của ta, ngươi tránh được là ngươi có hạng lắm đấy.
Nàng tỏ vẻ cương quyết hơn, gằn từng tiếng:
– Đi! Phải đi với ta, về nhà ta! Ta nhất định phải đưa ngươi đến gặp mẹ ta, cho người biết được cái kẻ tránh dễ dàng tiên pháp của ta.
Bây giờ thì nàng đối thoại với vẻ thân mật rồi, Lưu Tam Thái ôm mặt đau bước tới, ngăn chặn Quan Sơn Nguyệt:
– Lệnh Chủ! Thêm việc không bằng bớt việc. Lệnh Chủ nên nhớ là còn cái ước hẹn tại Đại Tán Quan, không thể chậm trễ được đấy!
Y tỏ rõ chẳng có mảy mai tình cảm đối với Lạc Tiểu Hồng. Không có tình cảm cũng chẳng sao, bởi song phương hoàn toàn xa lạ không tình cảm với nhau là lẽ tự nhiên. Chẳng những y không có tình cảm đối với nàng mà y lại biểu lộ ác cảm rõ rệt. Y mượn cái cớ đến gặp Đại Tán Quan để ngăn chặn Quan Sơn Nguyệt theo Lạc Tiểu Hồng về nhà nàng. Y không muốn Quan Sơn Nguyệt giẫm chân lên cái bẫy thân tình mà nàng vừa đưa ra, bởi y cho lời mời mọc đó của nàng là một cạm bẫy, không hơn không kém.
Nhưng, chừng như Quan Sơn Nguyệt đã hiểu cái ý của y, và không đồng tình lắm, chàng vừa khoát tay vừa mỉm cười, đáp:
– Tại hạ biết rồi, Lưu huynh! Thời gian còn dài, vả lại tại hạ không lưu lại nhà nàng lâu, chắc không đến đổi dang dở hạn kỳ.
Lưu Tam Thái chẳng biết làm sao hơn, đành dắt ngựa đến trước mắt nàng đoạn thốt:
– Đã vậy, tại hạ xin đi trước.
Y nhảy lên lưng ngựa, ra roi, con ngựa vọt liền. Quan Sơn Nguyệt và Lạc Tiểu Hồng theo sau.
Không lâu lắm, họ đến bến đò, nơi đó có một con thuyền chực sẵn. Chủ thuyền là một chủ nhân, chuẩn bị xong xuôi mà đợi mãi không thấy Lưu Tam Thái trở lại, nên nằm trước quang mũi ngủ vùi.
Lưu Tam Thái phải đánh thức lão dậy đoạn cả ba cùng dắt ngựa xuống thuyền.
Thuyền tách bến tung ra giữa dòng sông.
Cả ba không ai nói với ai một tiếng nào.
Lưu Tam Thái ngồi thu mình một góc, niềm oán hận tràn lòng. Y đã bị Lạc Tiểu Hồng đánh suýt vỡ mặt mày, vậy mà Quan Sơn Nguyệt không hề trừng trị nàng, cho y được hả dạ.
Lạc Tiểu Hồng ngồi yên một chỗ, tịch mịch đến khó chịu, muốn gợi chuyện cho vui, nhưng thấy chẳng ai muốn nói gì, nàng đành im lặng, mà im lặng lại bực bội quá, nàng bèn cất tiếng ca. Giọng nàng trong trẻo, hồn nhiên vang lên ấm dịu vô cùng.
Quan Sơn Nguyệt thầm nghĩ nàng còn ngây thơ quá.
Một lúc sau thuyền ra đến giữa dòng sông, từ nơi đó nhìn vào hai bờ, dưới ánh đem mờ, hàng cây giăng mắc u buồn.
Bỗng Lạc Tiểu Hồng ngừng ca rồi kêu lên:
– Lão nhân ơi! Chèo thuyền như thế này, biết đến thời gian nào mới vào bờ?
Nghe nàng kêu lên, Quan Sơn Nguyệt và Lưu Tam Thái giật mình quay nhìn ra sau lại, thấy lão nhân cầm chèo, nhưng mái chèo không nhích động, con thuyền trôi theo dòng nước. Quan Sơn Nguyệt linh cảm có sự bất thường, bởi qua sông thì thuyền phải chỉ mũi vào bờ, cứ để cho thuyền trôi đi như thế?
Lão nhân nghe Lạc Tiểu Hồng kêu lên như thế, điềm nhiên đáp:
– Thuyền đi như vậy là vì các vị chưa trao số tiền sang sông!
Quan Sơn Nguyệt có phần nào phẫn nộ đáp:
– Nhưng thuyền nào đã đến bến đâu, mà lão trượng đòi tiền sang sông?
Có cái đạo lý nào cho phép lão trượng đòi tiền công trước khi hoàn thành sự việc?
Lão nhân bình tĩnh thốt:
– Các vị nói cũng phải, song các vị thử nghĩ lại xem, ai ai cũng cỡi ngựa, một khi đến bờ các vị lên ngựa, ra roi, thì lão phu còn làm sao chạy theo kịp mà đòi tiền? Chẳng hóa ra lão phu bỏ giấc ngủ để làm cái việc vô công à?
Quan Sơn Nguyệt sừng sộ:
– Thế lão trượng cho rằng bọn này là phường vô lại à? Chuyên lừa gạt thiên hạ hay sao chứ?
Lão nhân cười nhẹ:
– Các vị hiểu cho các vị, lão phu cứ biết cho lão phu, làm cái nghề này, chỉ mong được dịp rước khách sang sông, kiếm tiền nuôi sống, được dịp mà làm, làm lại không công, thì lấy gì mà sống chứ? Việc gì cũng thế nắm chắc trong tay là hơn.
Rồi lão trầm giọng, kết thúc:
– Nói gì thì nói, các vị nên trao tiền ra là hơn.
Quan Sơn Nguyệt toan phát tác, nhưng chàng nghĩ lại, dù sao thì lão nhân cũng cao tuổi quá rồi, đáng bậc cha chú, nếu chàng hành hung thì còn chi là lễ độ? Vả lại, biết đâu từ trước đến giờ, lão có cái lệ đòi tiền công như thế? Hoặc giả cũng có một vài người nào đó, đã quỵt tiền của lão, nên bây giờ lão thận trọng, tính việc chắc cho lão trước như vậy? Chàng dằn lòng, hỏi:
– Được rồi! Vậy lão trượng định lấy bao nhiêu tiền?
Lão nhân thản nhiên đáp:
– Mỗi người, hai ngàn lượng, ba người là sáu ngàn lượng. Lượng bạc đấy chứ chẳng phải lượng vàng đâu, các vị đừng ngán.
Quan Sơn Nguyệt, Lưu Tam Thái và Lạc Tiểu Hồng suýt ngảy dựng lên.
Qua sông một chuyến, mỗi người phải trả hai ngàn lượng bạc. Còn gì phi lý hơn chứ? Nếu không phải là kẻ cướp mượn cớ rước đưa hành khách để dễ bề bóc lột?
Lưu Tam Thái nóng tính hơn hết, kêu lên:
– Một chuyến sang sông, tiền công hai ngàn lượng? Lão trượng nói đùa đấy chứ? Có nhiều lắm cũng không thể hơn mười lượng được! Chừng như lão trượng mất lý trí rồi vậy?
Lão nhân buông mái chèo, «hừ» một tiếng:
– Lúc gọi đò, khách nhân không mặc cả giá sang sông, điều đó chứng tỏ là khách nhân mặc nhiên ưng thuận cho lão phu tùy định giá. Làm cái nghề này, lâu lâu mới gặp một vài người hào phóng, kiếm được mối lời, khi nào lão phu lại bỏ qua cho được? Bởi, để cho lão phu tùy định giá, là hào phóng rồi chứ gì?
Lưu Tam Thái nổi giận:
– Im lão đi! Không ai nghe được những lời phi ký của lão đâu!
Lão nhân bật cười ha hả:
– Sáu ngàn lượng bạc. Ha ha! Số tiền cũng khá đấy! Được số tiền này, lão phu bỏ nghề cũng vừa. Lão phu sẽ cưới một người vợ trẻ, rồi chờ nó mang thai, sanh con, lão phu sẽ cho con học hành, lớn lên nói thi đỗ, làm quan, vinh hiển tổ tông, nói nuôi lão phu đầy đủ, lúc lão phu chết, nó tống táng trọng hậu. Khách nhân thấy đó, sáu ngàn lượng bạc cũng chẳng nhiều chi đâu!
Lưu Tam Thái sững sờ, tự hỏi lão chèo đò này có điên hay không, và y thầm nghĩ không thể giản lý với lão được rồi.
Quan Sơn Nguyệt bình tịnh thốt:
– Lão trượng nói có lý đấy. Bởi không hỏi giá trước thì bọn tại hạ phải bằng lòng với bất cứ giá nào do lão trọng định. Tuy nhiên đã là khách lữ hành bọn tại hạ không tiện mang nhiều tiền theo mình, cho nên không thể ứng phó số bạc sáu ngàn lượng.
Lão nhân khoát tay:
– Tiền không sẵn, cũng chẳng sao. Nếu các vị có châu ngọc nơi mình, cứ giao cho lão phu một hạt, tương đương với cái giá sang sông chung cho ba vị.
Quan Sơn Nguyệt mỉm cười:
– Lão trượng tinh mắt lắm đấy! Tại hạ cũng định trao cho lão trượng một hạt châu để bù vào số bạc.
Chàng lấy trong mình ra một chiếc bao, từ từ mở.
Trong bao có rất nhiều hạt châu, chàng lấy một hạt trao cho lão nhân.
Lão nhân đưa tay tiếp lấy liền.
Thừa dịp đó, nhanh như chớp chàng chụp vào mạch môn của lão.
Nhưng lão nhân thản nhiên, đưa tay kia giật hạt châu.