Võ hậu nghe tin Lư Đầu mất mạng ải Lâm Đồng bị chiếm thì kinh hoảng nhào xuống đất bất tỉnh. Khi tỉnh dậy, Võ hậu truyền hỏi kế sách thì Lâu Sư Đức bước ra tâu:
- Hạ thần xin tiến cử một người có tài thuyết khách, đó là gián nghị đại phu Địch Nhân Kiệt. Võ hậu không còn cách nào khác, đành phải nghe theo, triệu Địch Nhân Kiệt vào triều hỏi han. Địch Nhân Kiệt liền tâu:
- Bệ hạ tuổi đã cao, hưởng lộc như thế cũng đủ rồi, xin nhường ngôi lại cho Lư Lăng vương là con của tiên đế, về mà hưởng an nhàn là hau hơn hết. Tuy nhiên nếu muốn tôi đi thuyết phục thành công thì phải hạ ngục Võ Tam Tư và anh em Trương Quân Tả thì mới xong.
Võ hậu suy nghĩ một lúc, biết chậm trễ một chút anh em Tiết Cương vào được thành thì mình sẽ chết không đất mà chôn, vì thế đành phải gật đầu y tấu,truyền chỉ bắt Võ Tam Tư, Trương Quân Tả Trương Quân Hữu. Địch Nhân Kiệt thấy vậy mới chịu đến trại quân Đường xin ra mắt Tiết Cương, vái một cái rồi nói:
- Tôi xin nói một lời thẳng, chẳng biết nguyên soái có dám nghe không?
Tiết Cương đáp:
- Nếu thuận theo đạo lý thì tôi đâu dám cãi, bằng không tôi chẳng dám nghe.
Địch Nhân Kiệt gật đầu, hỏi ngay tại sao lại dựng cờ Trung Hiếu vương. Khi nghe Tiết Cương đáp là để báo hiếu cha mẹ, tận trung với nước, Địch Nhân Kiệt cười, nói:
- Tôi xin được giải nghĩa cho nguyên soái biết. Tổ phụ nguyên soái có công lao nên tiên đế trọng dụng, phong đến tước vương, nhờ vậy nguyên soái mới được thừa ấm làm tổng binh Đăng Châu chứ không phải nhờ tài năng. Như thế triều đình hậu đãi lắm rồi. Vậy mà tướng quân không bằng lòng, ra tay cướp pháp trường chém tri phủ Tây An, Trương Quân Tả cố tình hãm hại nhưng thánh thượng chẳng chịu nghe theo mà còn ban chùy vàng thì là biệt đãi hơn người khác nhiều rồi. Tướng quân không nghĩ đến điều đó, lén đến Trường An xem đèn, giết nội thị mà tiên đế cũng bỏ qua thì càng nên nghĩ lại mới phải. Tướng quân đã không hối lỗi mà còn kết giao với thảo khấu làm cho tiên đế kinh sợ băng hà thì có tội hay không có tội?
Thấy Tiết Cương ngồi im không cãi được câu nào Địch Nhân Kiệt nói tiếp:
- Võ hậu bắt cha, anh và gia quyến tướng quân hạ ngục, đúng ra tướng quân chỉ cần ra mặt nhận lỗi thì đâu đến mức phải chết gần ba trăm nhân mạng, chẳng phải là bất hiếu bất mục hay sao? Nay dù có tiếng của Lư Lăng vương nhưng vẫn là phản nghịch bởi vì Lư Lăng vương chưa tức vị, lấy gì phong cho tướng quân làm Trung Hiếu vương? Nay tướng quân muốn chiếm Trường An phò tiểu chúa thì tôi không dám chống lại nhưng phải dùng cờ đại Đường nguyên soái mới có chính nghĩa làm cho người khâm phục.
Tiết Cương nghe vậy giật mình, bước xuống bái tạ, xin nghe theo lời dạy. Khi ấy Địch Nhân Kiệt mới yên lòng cho biết Võ hậu đã chịu nhường ngôi, tống giam ba tên gian thần rồi. Tiết Cương nghe xong cả mừng, lập tức sai quân dẹp bỏ cờ Trung Hiếu vương, dựng cờ đại Đường nguyên soái rồi sai quân tướng cấp tốc đến Phòng châu đón Lư Lăng vương về tiếp nhận ngai vàng. Địch Nhân Kiệt thấy việc đã xong, từ giã về Trường An báo cho bá quan biết mà tiếp giá.
Chẳng bao lâu Lư Lăng vương về đến Lâm Đồng, được Tiết Cương cùng các anh hùng phò vào Trường An, có bá quan và rất đông dân chúng đứng hai bên đường bày hương án nghênh đon. Lư Lăng vương lên ngôi xong lấy hiệu là Đường Trung tông như cũ, tôn Võ hậu làm hoàng thái hậu; lập Vi hậu làm chánh cung; phong cho Địch Nhân Kiệt làm thiếu bảo; Lâu Sư Đức làm lại bộ thương thư; Từ Hiền làm Anh Quốc công; Ngụy Húc làm thái bảo; Tiết Cương làm Trung Hiếu đại nguyên soái; Tiết Cường được thế tập chức cha làm Lưỡng Liêu vương; Tiết Hiếu làm Hồng La đô đốc; Tiết Giao làm phò mã đô úy; Tiết Đẩu làm Thanh Châu tổng binh; Tiết Quỳ làm Vô Địch tướng quân; Ngũ Hùng làm Nam Dương hầu; Hùng Kỳ làm Bình Tây hầu; còn lại các tiểu anh hùng được thế tập chức tước của phụ thân.
Riêng Trình Giảo Kim thấy tuổi tác đã già nhất định không làm quan, được Trung tông ban cho một trăm vạn lượng vinh quy về Sơn Đông dưỡng lão. Sau đó Trung tông còn ban lệnh đại xá khiến thiên hạ đều khen ngợi.
Sau khi phong thưởng xong, Tiết Cương quỳ khóc tâu việc Từ Thanh và Dư Vinh thế mạng cho Tiết Giao và xin được giết ba tên gian thần báo thù cho toàn gia. Trung tông bằng lòng ngay; phán bảo:
- Trẫm giao ba tên ấy cho Trung Hiếu vương toàn quyền xử trị, khi nào tế Thiết Ngưu phần xong sẽ mang hài cốt tổ phụ về Sơn Tây mai táng. Từ Thanh và Dư Vinh có nghĩa đều được phong hầu.
Tiết Cương tạ ơn vua, cùng Trình Giảo Kim đến thiên lao bắt ba tên gian thần mang ra Thiết Ngưu phần. Trình Giảo Kim đứng ra làm chủ tế, xong xuôi lui ra cho Tiết Cương mổ bụng anh em Trương Quân Tả, lấy tim gan để lên bàn làm tế vật.
Tiết Cương định giết luôn Võ Tam Tư nhưng Trình Giảo Kim bước ra nói:
- Võ Tam Tư chỉ nghe theo lệnh mà thi hành, không phải cừu nhân thì đừng nên giết.
Tiết Cương nghe theo, truyền đánh Võ Tam Tư ba chục roi, mắng nhiếc thậm tệ chứ không giết. Để báo thù, Tiết Cương sai bắt hết gia quyến họ Trương gần ba trăm người hành hình, sau đó mới thõa mãn tính đến việc phá Thiết Ngưu phần lấy hài cốt. Bọn quân sĩ tận lực không sao phá hay giỏ nổi tấm sắt trên mặt, may sao Phàn Lê Huê biết việc bay đến niệm chú một một trận cuồng phong, sai âm binh giúp sức mới thành công được. Anh em họ Tiết nhìn xuống thấy đâu đâu cũng là xương trắng, chất chồng thành đống thì ngẩn ngơ chẳng biết làm sao.
Tiết Cương đành phải treo bảng cáo thị, hứa phong làm tổng binh cho ai biết chính xác hài cốt của Lưỡng Liêu vương, bằng không sẽ chém hết những quân sĩ và thợ thuyền tham dự vào việc xây dựng Thiết Ngưu phần trước kia.
Cáo thị vừa dán thì có một viên lão tướng là Vương Lục xin vào ra mắt, nói:
- Trước kia tôi lẻn vào chỗ quân sĩ, để riêng từng cặp vợ chồng gần nhau, còn bao nhiêu rải rác hết chung quanh vì thế có thể chỉnh chính xác hài cốt của từng người một.
tTiết Cương ả mừng, vì Vương Lục không muốn làm tổng binh nên thưởng cho ngàn lượng vàng thay vào. Nhờ vậy Tiết Cương lấy hài cốt toàn gia đâu đó chẳng bị lầm lẩn, mang về Sơn Tây an táng và thủ chế ba năm. Từ Thanh và Dư Vinh vì cha mẹ đã mất nên không chức quan, đều xin lên núi tu hành. Riêng Trình Giảo Kim ngồi trong phủ tự nghĩ:
- “Ta kết bạn với ba mươi sáu người nay đều chết hết, đến nay đã được một trăm lẻ hai tuổi, thấy bao nhiêu là việc đổi đời, từ La Thông tảo bắc đến Tiết Nhơn Quý chinh đông rồi Tiết Đinh San chinh tây, nay lại có Tiết Cương phục nhà Đường thì vui biết mấy, phúc phận biết là chừng nào.”
Nghĩ vậy nên Trình Giảo Kim vỗ tay cười ngất một hồi, bất ngờ bị nghẹn hơi nhào xuống chết thẳng cẳng. Đó chính là “tiếu sát”, tức cười mà chết. Trình Thiết Ngưu thấy cha vì cười mà chết thì đau lòng vô cùng, than khóc không thôi, cho rằng vừa được thái bình chưa hưởng chút phú quý nào đã vội bỏ con cháu mà đi.
Trình Thiết Ngưu than khóc chẳng dứt, cố gượng viết biểu tâu vào triều. Trung tông cũng thương xót truyền chỉ cho ba quan đến điếu tế đầy đủ, được mang linh cữu về Sơn Đông mai táng.