Hai tướng về trại báo tin cho Nhơn Quý biết đã bị lừa, đêm qua chỉ lấy nhầm lục lạc giả mà thôi. Thấy Nhơn Quý hết sức ưu phiền, Tần Hán liền nói:
- Khi hạ sơn, sư phụ tôi có cho biết sẽ lấy Phiên nữ làm vợ. Nay quả có Điêu Nguyệt Nga, nhưng vì cái lục lạc ấy quá lợi hại thì chẳng biết có phải không? Tôi xin về núi hỏi lại cho rõ, nếu biết cách đối phó thì mới thắng được.
Nhơn Quý bằng lòng nên Tần Hán đằng vân đi ngay cho kịp. Đậu Nhất Hổ thấy vậy phân vân nghĩ thầm:
- “Mình cũng vì Tiết tiểu thư mà suýt mất mạng, chẳng hiểu có nhân duyên hay không? Chi bằng ta theo hắn nhờ hỏi dùm một thể.”
Nghĩ xong, Đậu Nhất Hổ liền độn thổ đuổi theo, đến một ngọn núi cỏ xanh tươi, tùng bá rậm rạp thì gặp nhau. Nhất Hổ bèn nói:
- Sư đệ vì việc lương duyên mà về núi, nhân tiện hỏi dùm nhân duyên của tôi được không?
Tần Hán chưa kịp đáp thì chợt có một lão nhân đầu tóc bạc phơ chống gậy đi tới, hỏi vì sao mà tới núi này. Tần Hán và Đậu Nhất Hổ bèn tỏ thật là muốn biết việc nhân duyên khiến lão ấy cười ngất, nói:
- Đây là Càn Khôn sơn, ta là Nguyệt lão cai quản việc nhân duyên. Hai ngươi muốn biết thì cứ hỏi ta, cần gì phải về núi cho xa?
Đậu Nhất Hổ và Tần Hán nghe vậy cả mừng, theo lão nhân vào một động đá, lấy sổ ra xem xét. Trong sổ ghi rõ Đậu Nhất Hổ sánh duyên cùng Tiết Kim Liên còn Tần Hán thì lấy Điêu Nguyệt Nga rất rõ ràng. Nguyệt lão thấy Tần Hán có vẻ băn khoăn thì cười nói:
- Sở dĩ nhân duyên của hai ngươi trắc trở là vì so ra tướng mạo của hai ngươi chẳng xứng với nhan sắc của người vợ tương lai. Bây giờ muốn việc thông suốt thì phải nhờ tới các tiên trưởng đứng ra mai mối mới xong.
Hai người hết sức mừng rỡ, bái tạ Nguyệt lão xong thì chia tay, Tần Hán về núi còn Đậu Nhất Hổ trở lại quân doanh. Khi Tần Hán vừa vào động, Vương Thiền lão tổ hỏi ngay:
- Ngươi về núi là vì việc của Điêu Nguyệt Nga có phải không?
Tần Hán càng mừng thêm, vội quỳ xuống tỏ thật lòng mình. Vương Thiền lão tổ gật đầu nói:
- Con với Điêu Nguyệt Nga có duyên trời định nhưng vì là đệ tử của Kim Đao thánh mẫu nên không thể sơ sài được, phải nhờ người đứng ra làm mai mối mới xong.
Tần Hán nghe vậy nhảy tưng lên, lập tức theo sư phụ đằng vân đến động Trước Ẩn, xin vào ra mắt Kim Đao thánh mẫu. Nghe xong đầu đuôi, Kim Đao thánh mẫu có vẻ phân vân vì hình dung thấp lùn, tướng mạo xấu xí của Tần Hán. Chợt khi ấy đồng tử vào báo cho biết:
- Có một thần nhân ba mắt đến cửa động xin vào nói chuyện.
Thánh mẫu và lão tổ liền ra cửa nhìn xem, nhận ra đó là Nhân Huân sứ giả thì không dám coi thường, tiếp đón vào trà nước. Nhân Huân sứ giả nói ngay:
- Nguyệt lão đã biên tên Đậu Nhất Hổ và Tiết Kim Liên, Tần Hán với Điêu Nguyệt Nga làm vợ chồng nhưng tôi e rằng hai vị tiểu thư chẳng khứng thuận với lẽ trời nên qua đây cho mượn hai báu vật là Mê Hồn sa và Biến Hình phù, hoàn tất hai mối lương duyên ấy.
Kim Đao thánh mẫu thấy có sứ giả thiên đình đứng ra lo liệu thì không dám cãi, bằng lòng tác hợp việc hôn nhân. Nhân Huân sứ giả liền trao hai báu vật cho Tần Hán, dặn đưa Biến Hình phù cho Đậu Nhất Hổ sử dụng. Tần Hán chẳng còn gì mừng hơn, lập tức đằng vân về trại Đường giao một báu vật cho Đậu Nhất Hổ rồi dặn cách thi hành. Đậu Nhất Hổ nghe xong, hớn hở cầm Biến Hình phù đi ngay.
Đêm hôm ấy, Tần Hán đằng vân đi qua ải Huyền Võ, trốn vào một chỗ tối, chờ bọn a hoàn đi ngủ hết mới rón rén bước tới gần giường gấm, lấy Mê Hồn sa nhắm mặt Nguyệt Nga quạt mấy cái khiến mĩ nhân ngủ như say như tỉnh, lửa dục bốc lên bùng bùng. Vừa lúc ấy Điêu Nguyệt Nga thấy có một nam nhân tướng mạo tươi tốt bước tới gần thì dằn lòng không nổi, ôm nhau mà vầy duyên cá nước, ngủ say đến tận sáng.
Khi tỉnh dậy, Điêu Nguyệt Nga thấy Tần Hán nằm cạnh mình thì biết đã thất thân, ngồi bật dậy mặc quần áo rồi gục đầu khóc mãi không thôi. Điêu Ứng Tường nghe tiếng con khóc liền chạy vào, hỏi mấy câu mà Điêu Nguyệt Nga chẳng chịu trả lời. Tần Hán nằm trên giường thấy vậy liền nói vọng ra:
- Nhạc phụ chớ giận, chúng con đã thành vợ chồng rồi. Xin từ từ sẽ ra bái lạy.
Điêu Ứng Tường nổi giận, nhào tới nắm cổ Tần Hán lôi xềnh xệch ra ngoài, mắng như tát nước rồi sai quân mang ra chém đầu. Bọn quân sĩ chưa kịp xúm lại, chợt có một vị thánh mẫu cưỡi hạc từ trên trời bay xuống, gọi dừng tay lại. Điêu Nguyệt Nga nhìn lên, thấy sư phụ thì vội chạy ra làm lễ nghênh đón. Thánh mẫu liền nói với Điêu Ứng Tường:
- Lệnh ái với Tần Hán vốn có túc thế lương duyên, vì thế sứ giả thiên đình mới cho mượn Mê Hồn sa để kết liễu mối tình cho xong chứ không phải là Tần Hán làm càn đâu. Vả lại Tần Hán là cháu của Tần Thúc Bảo, con của phò mã Tần Hoài Ngọc, là đệ tử của Vương Thiền lão tổ thì danh giá chẳng kém chi ai. Vì thế nếu tổng binh bằng lòng quy thuận triều Đường thì vẹn cả đôi bề, chẳng mất công danh phú quý mà còn được rể cao sang.
Điêu Ứng Tường nhìn sang thấy Điêu Nguyệt Nga cúi mặt không nói thì biết không thuận không xong, nên gật đầu xin theo. Tần Hán mừng quá chạy ra làm lễ gọi nhạc phụ, hớn hở không sao tả xiết. Dù đã ưng thuận nhưng Điêu Ứng Tường thấy mặt Tần Hán vẫn còn tức giận, gằn giọng nói:
- Ngươi thật súc sinh, vì thánh mẫu mà ta tha chết cho, nếu không đã mất mạng lâu rồi, còn nhơn nhơn đắc ý được sao. Ngươi mau về báo với Tiết nguyên soái sửa soạn sẵn sàng, đêm nay ta sẽ đưa con qua hợp cẩn.
Tần Hán bái tạ, vội vàng quay về trại thuật lại mọi việc cho Nhơn Quý biết, cùng các tướng treo đèn kết sửa soạn tân phòng đâu đó. Đang khi bận rộn, chợt có quân sĩ vào báo là có Đào Hoa thánh mẫu đến muốn nói chuyện. Nhơn Quý biết đây là sư phụ của Tiết Kim Liên nên cùng con gái bước ra tận ngõ nghênh đón, mời ngồi trà nước. Đào Hoa thánh mẫu ngồi một chút liền đề cập đến việc chính:
- Theo sổ Nguyệt lão thì lệnh ái nguyên soái với Đậu Nhất Hổ có tiền duyên với nhau từ kiếp trước. Nguyên soái lại có lời hứa trước kia thì nay nên nhân dịp vui này cho hai người nên duyên một thể, chẳng biết có được không?
Nhơn Quý nghe vậy có vẻ không vui còn Kim Liên cũng cúi mặt buồn bã. Đào Hoa thánh mẫu ý hai người đều chê tướng mạo Đậu Nhất Hổ thấp lùn xấu xí, nên cười nói:
- Nhất Hổ đã được sư phụ ban cho tiên dược cải hình biến tướng trở thành một trang nam nhi oai phong đường đường. Như thế chẳng lẽ không xứng đôi vừa lứa hay sao?
Nhơn Quý giật mình, truyền gọi Đậu Nhất Hổ vào xem thử. Khi ấy Đậu Nhất Hổ giắt Biến Hình phù vào người nên hóa thành một tướng quân đường đường uy vũ, thân hình cao bảy thước. Nhơn Quý xem qua rất vừa ý, lại biết Đậu Nhất Hổ cũng là con cháu họ Đậu trước kia nên nhận lời ngay. Tiết Kim Liên thấy phụ thân bằng lòng thì cũng không dám cãi. Đào Hoa thánh mẫu thấy việc đã xong, từ biệt về núi, không ở lại dự tiệc vui của đệ tử.
Đêm ấy nơi trại Đường tưng bừng không kể xiết, quân tướng được một bữa no say vui vầy. Sau khi động phòng xong, Đậu Nhất Hổ biến trở lại thấp lùn như cũ, nhưng Kim Liên biết đó là tiền duyên túc số, lại thấy Nguyệt Nga xinh đẹp hơn mình cũng ưng chịu Tần Hán thì không nghĩ ngợi gì cả. Chính Điêu Nguyệt Nga nhìn vào cái gương Kim Liên lấy Nhất Hổ cũng được an ủi đôi phần.
Ngày hôm sau, Điêu Ứng Tường đón quân mà nhà Đường vào ải, dâng kế sách:
- Đường đến kinh thành chẳng còn bao xa, tuy nhiên phía sau còn mười bảy trại đóng rải ra bốn phía, nếu chưa trừ hết mà vội tiến binh thì sau này rất khó vận lương thảo.
Nhơn Quý gật đầu khen phải, chia binh tướng ra làm mười bảy đạo đi chiêu an, trại nào không thuận theo thì đánh phá thành bình địa. Trong vòng một tháng mười bảy trại đã dẹp yên, Nhơn Quý mới tính tới việc tiến binh thẳng tới kinh thành Tây Liêu. Khi ấy Lang vương là Hấp Tất Xích cũng đã nghe tin Điêu Ứng Tường gả con cho địch, dâng ải đầu hàng, hiện quân Đường đang rầm rộ tiếng đến thì kinh hãi đến chết giấc, hồi lâu mới tỉnh lại được.
Lang vương chưa biết tính sao thì có một đại thần là Tây vương Tử Chi Tống bước ra tâu bày:
- Nước đến đâu thì có đất ngăn đến đón. Tuy Tiết Nhơn Quý của đại Đường anh hùng cái thế thật nhưng chưa chắc đã hơn nổi Dương Phàm nơi Bạch Hổ quan. Vì thế xin bệ hạ cho thêm quân tướng ra đó chống giữ, khi nào có thời cơ sẽ khôi phục lại những ải quan đã mất.
Lang vương chuẩn tấu, hạ lệnh cho các tướng theo đó thi hành.
Trong khi ấy Nhơn Quý giao quyền trấn thủ Huyền Võ quan cho Điêu Ứng Tường, kéo hết đại quân đến Túc Dương hạ trại đóng binh. Đêm ấy Đậu Tiên Đồng hạ sinh một đứa con trai rất bụ bẫm đặt tên là Tiết Dũng. Nhơn Quý cả mừng cho quân nghỉ ngơi ba ngày mới kéo đến Báo Vĩ hạ trại, nơi ấy Kim Định lại hạ sinh được một đứa con trai hồng hào khỏe mạnh, được Liễu phu nhân đặt tên là Tiết Mãnh. Nhơn Quý cho quân nghỉ thêm ba ngày nữa, sau cùng mới rầm rộ kéo đến Bạch Hổ quan hạ trại.
Ngày hôm sau, Tần Hán và Đậu Nhất Hổ được lệnh của Nhơn Quý, đồng kéo quân đến trước thành khiêu chiến. Nguyên tướng giữ ải này là Dương Phàm, mặt đen như lọ nồi, mày lớn mắt to, sức mạnh muôn người khó địch, không những có võ nghệ cao cường mà còn được tiên gia truyền thụ pháp thuật lợi hại nên cả một vùng đất Tây Liêu chẳng ai dám đối địch.
Nghe báo có quân Đường đến khiêu chiến, Dương Phàm vội nai nịt, cưỡi Ô Chuỳ mã, cầm Kim Điện đại đao hùng hổ xông ra đánh luôn. Một mình Dương Phàm đánh với hai tướng không thua kém nhưng thấy lâu không thắng được nên thừa cơ lấy bảo bối Kim Kỳ tử quăng lên. Đậu Nhất Hổ và Tần Hán không kịp phòng bị đã trúng Kim Kỳ tử, đau quá hè nhau bỏ chạy. Sau đó Nhơn Quý sai một lúc mười hai viên tướng ra đánh đều bại trận, hao tổn không biết bao nhiêu quân sĩ.
Nhơn Quý cả giận dẫn Tần Mộng và La Chương điểm quân xông ra. Dương Phàm vừa thấy mặt Nhơn Quý liền mắng:
- Con trai ngươi cướp vợ ta thì ta sẽ lấy đầu cha nó mà báo thù trả hận, như thế mới công bằng.
Nhơn Quý nghe vậy không sao kiềm được cơn giận, múa kích đâm nhầu, có La Chương và Tần Mộng trợ chiến. Dương Phàm không sao chống nổi với ba tướng, vội lấy Kim Kỳ tử quăng lên. Nhơn Quý còn đang thất kinh hồn vía, chợt trên đầu xuất hiện một con Bạch hổ nhe răng múa vuốt vồ lấy Kim Kỳ tử ném xuống đất. Dương Phàm thấy bảo bối bị Bạch hổ ngăn trở thì cũng kinh hãi, vội hiện ba đầu sáu tay, mặt xanh nanh nhọn, múa đao chém vùn vụt. Khi ấy Nhơn Quý đã hoàn hồn, liền lấy Xuyên Vân tiễn ra bắn một phát trúng cái đầu bên trái. Dương Phàm kinh hoảng vội vàng thu phép quay ngựa chạy dài.
Đêm hôm đó Dương Phàm ra ngoài xem thiên văn, thấy Bạch Hổ tinh rọi thẳng vào trại quân Đường thì biết Nhơn Quý là tinh tú ấy xuống trần, không thể dùng cách đánh thường tình mà giết được. Suy nghĩ một chút, Dương Phàm chợt nhớ ra nơi ấy có một ngọn núi tên là Bạch Hổ, mừng rỡ tự nghĩ:
- “Tên núi này phạm vào bảng mạng của hắn thì là tử địa. Ngày mai ta sẽ giả thua dẫn dụ hắn lên núi ấy, chắc có thể giết được ngay.”