Đậu Tiên Đồng và Kim Định nghe Cao tông phán truyền thì thất kinh hồn vía, mỗi người ôm một đứa con chạy ra pháp trường khóc ngất. Trình Giảo Kim thấy vậy liền bước ra tâu:
- Hiện giờ chưa bình Tây Liêu xong nên quân tướng còn cần dùng tới. Để đối phó với Tô Bảo Đồng thì chỉ có Phàn Lê Huê đáng mặt đối địch mà thôi, vì thế hạ thần xin bảo tấu cho Đinh San khoi chết, truất các tước vị xuống làm thường dân, mặc thanh y đi bộ tới Hàn Giang quan cầu Phàn Lê Huê xuất binh. Nếu thành công thì cho ề quân ngũ đoái công chuộc tội, bằng thất bại thì chém đầu cũng chưa muộn.
Cao tông bằng lòng, hạ chỉ cứ theo đó mà thi hành. Khi Đinh San đi rồi, Trình Giảo Kim lại tâu với Cao tông phong cho Phàn Lê Huê làm Đại tướng quân tước Oai Ninh hầu, ban cho cẩm bào ngọc đới theo đúng phẩm chức. Phàn Lê Huê được nhà vua trọng dụng thì rất vừa lòng, từ đó trở đi hết lòng luyện tập quân mã để chờ ngày xuất chiến.
Riêng phần Tiết Đinh San lủi thủi đi bộ tới Hàn Giang quan, trải qua biết bao nhiêu khó nhọc, dầm mưa dải nắng mới tới nơi. Thấy hình dạng tiều tụy của Đinh San, bọn quân sĩ nhất định không cho vào, mặc cho Đinh San năn nỉ hết lời. Bất đắc dĩ Đinh San phải đứng chờ ngoài cổng, chẳng dám kêu khóc tiếng nào. Đinh San chờ đến sáng hôm sau mới thấy Phàn Lê Huê xuất quân đến giáo trường tập luyện.
Phàn Lê Huê đội mũ phụng quan, mặc bào gấm, mang ngọc đới, cưỡi ngựa hoa tung hết sức oai phong, chung quanh có quân tướng tiền hô hậu ủng khiến cho Đinh San hổ thẹn quá chẳng dám nhìn lên. Phàn Lê Huê liếc một vòng, thấy Đinh San đứng nép bên đường thì liền dừng ngựa, truyền lệnh cho quân sĩ:
- Tên mặc áo xanh kia đáng nghi lắm. Mau bắt hắn giải vào giáo trường cho ta xét hỏi.
Bọn kỳ bài vâng lệnh, xúm lại trói Đinh San dẫn theo đoàn quân. Khi đến giáo trường, Phàn Lê Huê thăng trướng, truyền áp giải Đinh San đến trước mặt, bắt phải quỳ xuống. Đinh San tức quá nói luôn:
- Ta phụng thánh chỉ đến đây triệu ngươi xuất binh, cũng coi như sứ thần, chẳng lẽ ngươi trở mặt không nhận ra sao mà bắt quỳ?
Phàn Lê Huê gật đầu nói:
- Thì ra ngươi là tên vong ân bội nghĩa đó sao? Nếu có thánh chỉ thì mau đưa ra để ta còn lập bàn hương án tiếp chiếu.
Đinh San chỉ nghe khẩu dụ của Cao tông nên khi Phàn Lê Huê hỏi vậy thì cứng họng không đáp nổi một lời. Phàn Lê Huê lấy cớ ấy truyền nữ binh đè Đinh San ra đánh một trăm roi. Được năm mươi roi, Phàn Lê Huê thấy Đinh San đau quá chết giấc thì liền cho dừng lại, gọi một tên kỳ bài mà dặn:
- Ngươi đưa thế tử về nhà chữa chạy cho khỏi vết thương rồi nói hắn phải xin được thánh chỉ thì ta mới chịu xuất quân.
Tên kỳ bài vâng lệnh, cõng Tiết Đinh San về nhà tìm thuốc thang thoa vào các vết thương. Tiết Đinh San nhục quá chỉ muốn chỉ cho xong nhưng nghĩ lại mẹ già còn đó, nỗi oan giết cha chưa rửa sạch nên mím môi mà sống. Sau khi vết thương đã lành hẳn, Đinh San liền trở về Bạch Hổ quan xin thánh chỉ. Cao tông đã được Từ Lương dặn trước nên giả vờ giận dữ, mắng lớn:
- Trẫm đã cho ngươi có dịp chuộc tội vậy mà về tay không thật là coi thường mệnh vua. Mau mang hắn ra chém đầu cho trẫm.
Chờ quân sĩ xúm lại bắt trói, khi ấy Từ Lương mới bước ra tâu:
- Thế tử là người anh hùng, rất có lợi cho việc chinh tây, vì thế hạ thần xin bảo tấu một lần nữa. Nay bắt Đinh San phải đi bảy bước lạy một cái, đến Hàn Giang quan cầu bằng được Phàn Lê Huê ra quân thì mới thôi.
Cao tông nghe theo, truyền Đinh San theo đó thi hành. Từ Lương sợ Đinh San uất ức quá làm bậy nên bước xuống an ủi:
- Tôi bảo tấu cho hiền đệ là muốn một công hai việc, vừa hóa giải mối giận hờn của Oai Ninh hầu vừa giúp cho hiền đệ có cơ hội đoái công chuộc tội. Vì vậy hãy cố gắng một phen.
Đinh San rơi nước mắt cho biết Phàn Lê Huê đòi phải có thánh chỉ nhưng Từ Lương gạt đi, nói:
- Đó là do Phàn tiểu thư quá tức giận hiền đệ nên làm khó vậy thôi. Nay hiền đệ bảy bước một lạy thì sẽ hồi tâm, còi đòi thánh chỉ làm chi nữa.
Đinh San bất đắc dĩ phải nghe theo, đeo một cái túi mây sau lưng có để sẵn nhang đèn, cứ bảy bước giở xuống bái vọng một lạy, trăm bề khổ sở mới tới được Hàn Giang quan. Khi đến nơi, đầu gối của Đinh San đã sưng ù lên đỏ lòm, tay chân bủn rủn, chẳng còn chút khí lực nào. Đinh San chợ nhìn thấy viên môn treo cờ tang thì hết sức kinh nghi, hỏi ngay quân giữ cửa. Bọn này cho biết Oai Ninh hàu chẳng biết vì sao lâm bạo bệnh, đã chết ba ngày nay rồi.
Đinh San nghe vậy thất kinh hồn vía, ngã ra bất tỉnh hồi lâu. Khi tỉnh dậy, Đinh San ngước mặt lên trời than dài rồi xin vào bái lạy linh cửu để tỏ tấm lòng trước khi trở về triều chịu chết. Phàn phu nhân ở trong nhà nghe tiếng Đinh San khóc rống thì liền chạy ra, chỉ mặt Đinh San mắng lớn:
- Súc sinh! Ngươi vong ân bội nghĩa làm cho con ta tức đến sinh bệnh mà chết, nay còn dám vác mặt tới đây khóc lóc giả nhân giả nghĩa nữa sao.
Nói xong, Phàn phu nhân truyền nữ binh cầm roi ra đánh. Đinh San sợ quá đành phải chạy ra ngoài, liều mạng trở về Bạch Hổ quan. Lúc ấy Phàn Lê Huê mới giở nắp quan tài bước ra, nói với mẹ:
- Con giả chết để dọa hắn một phen, chẳng ngờ hắn sợ quá bỏ về triều. Nếu không tâu trước e rằng mắc tội khi quân.
Phàn phu nhân khen phải, hối Phàn Lê Huê viết tấu biểu rồi sai người hỏa tốc mang về Bạch Hô quổn. Cao tông xem biểu xong cả cười, cùng với Trình Giảo Kim bàn việc đối xử với Đinh San. Vì thế khi Đinh San vào triều lạy khóc kể đầu đuôi thì Cao tông giả vờ nổi giận, mắng:
- Ngươi thật là gian xảo. Lần trước đòi phải có thánh chỉ, lần này lại nói Oai Ninh hầu chết rồi thì không thể tin được.
Nói xong, Cao tông truyền mang Đinh San ra chém đầu. Trình Giảo Kim liền bước ra bảo tấu lần nữa, tâu:
Có lẽ Phàn tiểu thư chưa hết cơn tức giận nên mới bày ra vậy. Bây giờ bắt Đinh San cứ ba bước một lạy cầu cho Phàn tiểu thư sống lại thì mới tha chết.
Cao tông bằng lòng, truyền lệnh xuống, Đinh San bái tạ xong vẫn muốn xin chiếu chỉ cho chính thức, Cao tông cũng nhận lời luôn, viết chiếu xuất binh giao cho Trình Giảo Kim mang đến Hàn Giang quan. Phàn Lê Huê nghe tin này thì cười nói:
- Ta phải làm nhục hắn ba phen thì mới hả lòng, báo thù cho những lần khốn khổ trước.
Trong khi ấy Đinh San không còn cách nào khác, cứ ba bước là lạy một lần không hề bỏ sót nên đi rất chậm. Trình Giảo Kim cầm chiếu chỉ đi ngựa nên vượt qua mặt nói với Đinh San:
- Lão mà lạy như vậy chỉ nửa ngày là lăn ra chết, thế tử còn trẻ thì cố gắng một lần cho trót. Lão sẽ cầm chiếu thư đến khóc lạy, may ra Phàn tiểu thư sống lại chăng?
Đinh San thấy Trình Giảo Kim nói xong lập tức thúc ngựa đi ngay thì rất nghi ngờ nhưng đành để trong lòng, chỉ cầu cho Phàn Lê Huê đừng chết thì mình mới bảo toàn được tính mạng.
Vì thế Đinh San vẫn không bỏ một lạy nào, vất vả khổ sở vô cùng mới tới được Hàng Giang quan, ôm linh cửu Phàn Lê Huê mà khóc ngất, hết lời cầu hãy sống lại. Phàn Lê Huê nằm trong quan tài nghe vậy cũng hơi động lòng nhưng tức giận vẫn còn nên không chịu ra mặt. Đinh San khóc rống đến đêm thì mệt quá gục xuống ngủ ngay tại chỗ.
Chợt có cơn gió lạnh thổi tới, Đinh San giật mình tỉnh dậy, tiếp tục khóc nói:
- Tiểu thư ôi! Sao nàng không sống lại để cùng nhau hội ngộ?
Đinh San khóc kể một hồi, chợt quan tài có tiếng động rồi Phàn Lê Huê mở nắp ra liếc Đinh San một cái tỏ vẻ vẫn chưa cam tâm. Đinh San vả mừng, vội dỡ Phàn Lê Huê ra khỏi quan tài, gọi a hoàn đến săn sóc tắm rửa. Phàn phu nhân nghe tin ấy chạy đến giả vờ cảm tạ trời đất, tíu tít hối thúc bọn a hoàn, chẳng thèm nhìn tới Đinh San vẫn còn đang quỳ xin tạ tội. Phàn Lê Huê thấy vậy hơi cảm động, chỉ mặt mắng luôn:
-Dù cho ngươi nói thế nào đi chăng nữa thì vẫn là kẻ vong ân phụ nghĩa. Nếu không có thánh thượng thì ta quyết giết ngươi trả hận. Ngươi mau ra công quán báo cho Trình thiên tuế biết mai này ta sẽ đến soái đường tiếp chỉ, sửa soạn tiến binh.
Đinh San nghe vậy cả mừng vô cùng, vội vàng bái tạ rồi đi ra công quán. Ngày hôm sau, Phàn Lê Huê lập hương án, tiếp nhận thánh chỉ xong liền bàn với Trình Giảo Kim:
- Trước kia Tiết Ứng Luân bị Đinh San mắng nên mới bỏ đi. Nay tôi và thiên tuế kéo binh về trước phục chỉ, sai Đinh San phải đích thân đến đó tạ lỗi hay thuyết phục bằng được Ứng Luân mới thôi.
Trình Giảo Kim nghe theo, sai Đinh San điểm một ngàn quân kéo tới Ngọc Túy sơn thu phục Tiết Ứng Luân.