Nghe Tiết Nhơn Quý hỏi đến viên tướng mặc giáp trắng, Diêm vương nói ngay:
- Chính là nguyên soái, còn ai khác nữa? Còn bạch hổ là tướng tinh của nguyên soái, mỗi khi nguy cấp thì mới xuất hiện.
Nhơn Quý giật mình hỏi tiếp:
- Như vậy hóa ra tôi là Bạch Hổ tinh xuống trần? Tiểu tướng kia là ai, có tài gì mà bắn chết được tôi?
Lần này Diêm vương cười đáp:
- Tiểu tướng ấy là Tiết Đinh San, con trưởng của nguyên soái.
Nhơn Quý ngẩn người ra suy nghĩ một lúc, chợt nhớ lại thì nói ngay:
- Phải rồi, chính là hài tử bắn nhạn ở Đinh sơn mấy năm trước. Sao nó sống lại được mà giết tôi, chẳng lẽ nó không biết tôi là phụ thân hay sao?
Diêm vương thở nhẹ giải thích:
- Trước kia nguyên soái cứu con mà thành giết thì nay Tiết Đinh San cũng thế, muốn cứu phụ thân mà thành ra hại mạng. Tiết Đinh San được thần tiên cứu sống, sau này cha con sẽ gặp nhau nhưng cũng vì thế mà thành oan oan tương báo, gieo nhân nào gặp quả nấy thôi.
Nói xong, Diêm vương sai quỷ sứ dẫn hồn về dương thế, ở lâu nơi chốn địa phủ chẳng tiện. Nhơn Quý vẫn còn bâng khuâng trong lòng, bái tạ xong liền theo tên quỷ ra khỏi điện Sum La. Chợt có một nữ lão nhân đứng ngang đường dâng chén trà giải khát. Nhơn Quý không biết đó chính là loại trà lú hồn, uống xong lập tức quên hết các việc vừa qua.
Nhơn Quý toan hỏi tên quỷ sứ còn bao lâu nữa thì chợt có tiếng reo mừng:
- Nguyên soái đã tỉnh lại rồi!
Nhơn Quý vội mở mắt ra nhìn, quả nhiên tám anh em kết nghĩa đều đứng chung quanh, người nào cũng nhìn mình tỏ vẻ hết sức vui mừng. Thái Tông nghe tin này vô cùng hớn hở, cùng Từ Mậu Công và Trình Giảo Kim đến ngay soái phủ thăm hỏi, nghẹn ngào nói:
- Nguyên soái mê man mấy ngày nay làm cho trẫm ăn ngủ chẳng yên. Nay trời đất cho qua cơn nguy ngập thì cừ yên tâm mà tịnh dưỡng, đừng nghĩ gì đến chinh chiến mà tổn hại tâm thần.
Nhơn Quý nghe vậy liền hỏi về chiến sự mấy ngày qua. Từ Mậu Công cho biết:
- Tuy mấy hôm liền Tô Bảo Đồng có dẫn quân đến khiêu chiến nhưng vì không còn phi đao nên khí thế cũng giảm sút, chẳng hung hăng như trước.
Nhơn Quý liền quay lại nói với các anh em:
- Hiện giờ tôi đã khỏe rồi, các hiền đệ nên ra sức đốc thúc quân sĩ canh phòng cho cẩn mật, chẳng nên ra trận mà thiệt mạng oan uổng. Khi nào tôi khỏi hẳn sẽ cùng hắn đối địch sau.
Tám vị tổng binh xin nghe theo. Từ Mậu Công cũng đưa Thái Tông về cung nghỉ ngơi.
Khi ấy Tô Bảo Đồng khiêu chiến luôn mấy ngày không được thì thay đổi sách lược, dặn dò các bộ tướng:
- Các ngươi cứ vây cho chặt, ta sẽ nhân lúc này về núi tu luyện lại chín lưỡi phi đao.
Dặn xong, ngày hôm sau Tô Bảo Đồng lên ngựa đi liền. Khi ấy Từ Mậu Công đoán quẻ cũng biết được chuyện này nhưng vẫn ngán ngại Thiết Bảng đạo nhân và Phi Bạt thiền sư nên không dám xuất quân phá vòng vây, chờ Nhơn Quý khỏi hẳn rồi mới tính phương kế vẹn toàn được.
Tuy Nhơn Quý đã tỉnh nhưng vết thương bị nhiễm độc quá sâu, phải uống thuốc hơn ba tháng mà chưa hết hẳn.
Nhờ thời gian kéo dài nên Tô Bảo Đồng đủ thời gian luyện lại chín lưỡi phi đao, nhân tiện ghé kinh đô xin Liêu chúa cấp cho mình một số quân tướng, rầm rộ kéo tới Tỏa Dương thành hợp sức bao vây. Tô Bảo Đồng biết Tiết Nhơn Quý chưa khỏi hẳn nên cũng không cần khiêu chiến cho mệt, cùng hai vị quốc sư trấn giữ cửa đông rất chắc chắn, không cho bất cứ ai thoát về Trung Nguyên cầu cứu.
Thái Tông chưa hết lo lắng về bệnh tình của Nhơn Quý, nay lại được biết Tô Bảo Đồng đã luyện lại phi đao và thêm quân vây hãm thì thất kinh hồn vía, vội cùng Từ Mậu Công lên thành quan sát địch tình. Từ Mậu Công thấy trùng vây càng chặt chẽ thêm thì tâu với Thái Tông:
- Hiện giờ quân Liêu quá đông mà nguyên soái chưa khỏi hẳn thì dù có xuất hết quân cũng không chống nổi. Vì thế phải cho người về triều lấy quân tướng thì mới mong thoát được tình thế nguy cấp này.
Thái Tông gật đầu tán thành nhưng thở dài não nuột nói:
- Quân sư tính vật rất đúng nhưng biết ai là người có thể phá được trùng vây?
Từ Mậu Công thong thả tâu:
- Hạ thần biết một lão tướng có thể hoàn thành được việc này, chỉ sợ không chịu đi mà thôi.
Thái Tông sốt ruột hỏi thì Từ Mậu Công cười ruồi đáp:
- Chính là người vượt vòng vây lần thứ nhất khi tảo bắc và lần sau ở Đông Liêu. Tuy nhiên bệ hạ phải dùng kế khích tướng thì may ra lão tướng ấy mới nhận lời.
Thái Tông nghe vậy biết ngay là ai, truyền gọi Trình Giảo Kim đến phán bảo:
- Quân sư muốn tiến cử Trình vương huynh vuợt vòng vây về triều cầu cứu, chẳng biết vương huynh có hết lòng vì trẫm không?
Trình Giảo Kim thất sắc, quì xuống tâu:
- Ai là trung thần mà không hết lòng vì quân vương, nhưng hiện giờ tôi tuổi già sức yếu, mà muốn về Trường An thì phải ra cửa phía đông, làm thế nào qua mặt mấy lưỡi phi đao của Tô Bảo Đồng được? Đó là quân sư muốn giết tôi chứ chẳng phải tiến cử.
Thái Tông liền theo kế khích tướng của Từ Mậu Công, gật đầu nói:
- Phải lắm! Trẫm cũng thấy Trình vương huynh tuổi cao sức yếu, thương pháp lại chẳng bằng nổi các tiểu vương thì còn đánh chác gì với Tô Bảo Đồng nữa. Trẫm rất sợ vương huynh nộp mạng cho hắn làm nhục đến triều Đường, nhưng quân sư cứ tiến cử nên đành phải hỏi chứ biết chắc là vương huynh làm sao dám xông pha như trước kia?
Từ Mậu Công nói thêm vào:
- Sở dĩ hạ thần tiến cử là vì đoán quẻ biết Trình vương huynh phúc lớn thọ nhiều. Như mấy lần trước vẫn vượt thoát được mà có sao đâu?
Trình Giảo Kim tức quá cãi lại:
- Lão mũi trâu này nói một mà chẳng biết hai. Khi tảo bắc thì Tô Luân Xa đóng binh không đúng khuôn phép, lại được Tạ Ánh Đăng giúp đỡ nên mới vượt thoát. Còn khi chinh đông, Cáp Tô Văn đã mất phép phi đao nên ta mới đánh dạt được mà chạy. Nay Tô Bảo Đồng lợi hại hơn vậy nhiều lần thì đi chẳng tiếc gì, chỉ sợ mang nhục cho nhà Đường mà thôi.
Thái Tông gật đầu khen, nói tiếp:
- Đó là Trình vương huynh quá khiêm nhượng nên mới cho Tô Bảo Đồng là lợi hại. Thật ra vương huynh thừa sức vượt vòng vây nhưng trẫm không muốn là vì sợ Tô Bảo Đồng chê nhà Đường hết người, phải dùng tới mấy lão già làm trò cười cho thiên hạ.
Trình Giảo Kim nghe vậy tức quá, râu tóc vểnh lên, nói ngay:
- Sao hắn dám chê bọn lão tướng chúng tôi làm trò cười cho thiên hạ? Tuy tôi đã cao tuổi nhưng mỗi ngày còn ăn hết một đấu gạo, chống cự cả ngàn quân, còn hơn mấy tướng trẻ nhiều. Đã vậy tôi quyết ra đi một phen cho hắn biết mặt.
Thái Tông thấy Trình Giảo Kim trúng kế cười thầm, lập tức viết chiếu giao cho. Trình Giảo Kim hăm hở cầm búa tiến ra cửa thành, còn cố ngoái lại dặn Từ Mậu Công:
- Quân sư cứ lên thành mà xem võ nghệ của lão tướng này.
Nói xong, Trình Giảo Kim từ biệt các quan văn võ rồi nói với con là Trình Thiết Ngưu:
- Phụ thân đi chuyến này chẳng biết may rủi ra sao, con ở lại thành cố gắng hộ giá lập công để đừng hổ thẹn với danh tiếng họ Trình nhà ta từ bấy lâu nay.
Từ biệt con xong, Trình Giảo Kim lên ngựa truyền quân sĩ ra mở cửa thành. Từ Mậu Công chờ Trình Giảo Kim ra khỏi lập tức sai quân đóng cửa thành lại, hộ giá Thái Tông lên địch lâu quan sát. Trình Giảo Kim quay lại thấy cửa thành đóng thì tức quá, lớn tiếng mắng:
- Tên mũi trâu bội bạc, chưa gì đóng cửa thì lỡ có gì ta làm sao chạy vào được. Rõ ràng hắn có thù oán với ta chi đây mới lập mưu dùng tay quân Liêu giết cho bõ ghét.
Trong khi Trình Giảo Kim còn đang mắng chửi Từ Mậu Công thì quân tướng Tây Liêu đã nhìn thấy, hô hoán nhau xông lại vây chặt. Trình Giảo Kim vào cửa chết thì gắng gượng quát lớn:
- Các ngươi có mau về báo cho Tô Bảo Đồng nguyên soái là có Lỗ quốc công Trình Giảo Kim muốn nói chuyện hay không?
Tô Bảo Đồng nghe báo Trình Giảo Kim chỉ đi có một mình thì hơi kinh ngạc, lập tức cưỡi ngựa xông ra mắng lớn:
- Ngươi thật cả gan mới dám ra đây. Có chuyện gì thì nói cho mau để còn chịu chết.
Trình Giảo Kim vênh mặt nói:
- Bởi vì phi đao của ngươi quá lợi hại mà quân Đường chúng ta không mang theo tướng tài nên khó chống cự nổi. Ta vâng lệnh vua Đường về Trường An triệu vài ba tướng tài đến đây giết ngươi, vì thế ta muốn nói cho biết trước mà đề phòng.
Tô Bảo Đồng cười gằn nói:
- Ngươi có giỏi thì vượt qua trùng vây thử xem.
Trình Giảo Kim không thèm để ý, đặt điều nói tiếp:
- Hiện giờ ở Trường An chúng ta còn hai danh tướng, một có thể lên trời, một có thể xuống đất như chơi. Ngoài ra ta còn một đứa tiểu tôn sử dụng cây búa sáu mươi người khiêng. Nếu ta mời hết đến đây thì các ngươi chẳng còn đất để mà chôn. Ngươi sợ thì giết ta đi, đừng để ta thoát mà rước lấy cái chết oan uổng.
Tô Bảo Đồng nghe vậy nghĩ thầm:
- “Trên đời này làm gì có người nào tài ba như thế. Chắc vua tôi nhà Đường hết lương nên lấy cớ cho người về Trường An. Ta cứ cho hắn đi rồi cướp hết lương thảo xem làm gì được".
Nghĩ vậy nên Tô Bảo Đồng bằng lòng cho Trình Giảo Kim đi qua trùng vây. Trình Giảo Kim lại kèo nài bằng được một lệnh tiễn rồi mới chịu đi, đắc ý chạy thẳng về Trường An. Lý Trị nghe báo Trình Giảo Kim một mình một ngựa trở về thì biết là có việc chẳng lành, vội vàng ra đón tiếp.