Bọn lâu la vừa toan ra tay chém đầu Tiết Đinh San thì chợt có một lão tướng phóng ngựa như bay lên núi, miệng gọi lớn:
- Hãy dừng tay!
Nguyên lão tướng này là Trình Giảo Kim, khi nghe báo Tiết Đinh San bị một nữ tướng bắt về sơn trại thì ngạc nhiên vô cùng, gạn hỏi cho rõ. Bọn quân sĩ liền kể lại:
- Đó là một nữ tướng chừng mười sáu tuổi, dung nhan hoa nhường nguyệt thẹn, võ nghệ chẳng kém nam nhi. Trước khi giao đấu nữ tướng có ngỏ ý muốn kết duyên phu phụ nhưng nguyên soái không bằng lòng. Vì thế có lẽ nữ tướng cố ý bắt về sơn trại ép duyên.
Trình Giảo Kim nghe xong liền bàn với Liễu phu nhân:
- Bọn thảo khấu quen thói hung hăng, vì thế Đinh San lành ít dữ nhiều. Tôi sẽ lên núi tìm cách thuyết phục cứu Đinh San về, nếu không được thì đành đứng ra làm mai cho xong. Như thế bảo toàn được tính mạng mà còn thêm người trợ giúp việc chinh Tây.
Tiết Kim Liên nghe vậy rất tức giận, đòi ra đánh báo thù chứ không chịu để anh bị người ép buộc. Tuy nhiên Liễu phu nhân nghĩ khác, thở dài nói:
- Nữ tướng đã có phép thần thông bắt được Đinh San thì ngươi có ra trận cũng thất bại mà thôi. Chi bằng để Trình thái tuế tự ý thu xếp cho mau. Còn thời gian mà đi cứu phụ thân cùng thánh thượng đó mới là điều quan trọng.
Trình Giảo Kim nghe vậy mới cưỡi ngựa một mình chạy lên, may sao vừa đúng lúc. Thấy bọn lâu la phân vân không biết có nên nghe theo không, Trình Giảo Kim liền nói lớn:
- Các ngươi mau vào báo có ta là Lỗ quốc công đến, có chuyện muốn thương lượng.
Lâu la nghe nói mới sai một tên chạy vào báo tin. Đậu Tiên Đồng nghe nói đó là Lỗ quốc công thì không dám khinh thường, mời vào trại trà nước, hỏi trước:
- Chẳng hay lão quốc công muốn thương lượng việc gì?
Trình Giảo Kim tận mắt thấy Tiết Đinh San suýt bị chém đầu thì biết thuyết phục không xong, cười nói:
- Lão đến đây chẳng có việc gì khác là muốn đứng ra tác hợp cho hai người. Tuy danh phận khác nhau nhưng về tuổi tác thì rất xứng đôi vừa lứa, bỏ qua dịp may này rất uổng.
Đậu Tiên Đồng nghe ậy đỏ bừng cả mặt, cúi đầu không đáp. Trình Giảo Kim biết ý cười ngất, nói luôn:
- Đây là việc trọn đời, vì thế mỗi bên phải có người lớn đứng ra tác thành mới đúng lễ nghi, xin cho biết để lão định liệu.
Đậu Tiên Đồng nghe nói cố nén ngại ngùng. Thưa:
- Thiên tuế đã thương tưởng thì tôi chẳng dám chối từ. Hiện nay cha mẹ chúng tôi đã chết hết, vì thế thiên tuế phải nói với anh tôi là Đậu Nhất Hổ thì mới trọn vẹn.
Khi ấy Đậu Nhất Hổ đứng dưới đất nghe rõ mọi việc, tức cười thầm, tự nghĩ:
- “Vốn ta muốn bắt em gái Tiết Đinh San làm vợ, dè đâu em ta lại muốn làm vợ nó. Đây là duyên phận do trời định nên có muốn cũng không xong, từ chối cũng không được, đành phải bằng lòng cho yên chuyện.”
Vì thế khi Trình Giảo Kim nói Đậu Tiên Đồng mời đại huynh ra nói chuyện thì Đậu Nhất Hổ thò đầu lên, vui vẻ chào hỏi. Trình Giảo Kim thấy vậy nửa kinh hãi nửa vui mừng, nghĩ thầm trong bụng:
- “Người này có phép địa hành tài giỏi chẳng khác gì Thổ Hành Tôn khi giúp Khương Tử Nha phạt Trụ dựng nhà Chu. Nếu là địch thủ thì rất khó đối phó, bằng duyên phận tốt đẹp thì nhà Đường thêm một tướng tài càng hay.”
Vì thế Trình Giảo Kim hắng giọng khen:
- Tài địa hành của tướng quân quả thật sánh với thần tiên. Nếu tướng quân bằng lòng việc hôn nhân cho muội muội thì hay biết mấy.
Đậu Nhất Hổ đã nghe rõ mọi việc nên không trả lời, sai quân cởi trói dẫn Tiết Đinh San vào. Trình Giảo Kim vui vẻ nói ngay:
- Lão tuân lệnh phu nhân lên đây mai mối nguyên soái nghĩ sao?
Chẳng ngờ Tiết Đinh San cau mặt đáp:
- Hiện giờ thân phụ và thánh thượng đang bị nguy khốn ở Tỏa Dương thành, nếu không coi trọng mà lo việc hôn nhân thì thành người bất hiếu bất trung. Tôi khó nghe lời được.
Trình Giảo Kim cố thuyết phục là việc này chẳng phạm vào đạo lý, nếu có thêm Đậu Tiên Đồng và Đậu Nhất Hổ giúp một tay thì việc giải vây càng thêm thuận lợi, còn Liễu phu nhân là cũng có thể thay mặt cho cha được.
Tiết Đinh San cúi mặt nghe Trình Giảo Kim giảng giải một hồi, tự nghĩ:
- “Khi sắp hạ sơn, sư phụ có dặn thể nào cũng gặp lương duyên. Nay Đậu tiểu thư xinh đẹp như trăng rằm, lại có võ nghệ cao cường giúp ta một tay trong việc chinh Tây thì còn gì bằng?”
Nghĩ xong, Tiết Đinh San gật đầu bằng lòng khiến Trình Giảo Kim cả mừng, bàn cho hợp cẩn ngay ngày hôm ấy. Đậu Nhất Hổ cũng thuận theo, sai thả La Thông ra rồi đón Liễu phu nhân lên núi chứng kiến hỉ sự. Đêm hôm ấy trai tài gái sắc vầy duyên cá nước hết sức mặn nồng, tâm đầu ý hợp. Còn quân tướng đôi bên cũng được một bữa vui say suốt đêm.
Sáng hôm sau, Đậu Nhất Hổ đem hết số lâu la của mình họp vào quân ngũ rồi nổ pháo hiệu xuất phát, chỉ trong ba ngày đã tới thẳng ải Giới Bài đóng dinh hạ trại. Từ khi quân Đường bị bao vây ở Tỏa Dương thành, Tô Bảo Đồng đã cho quân chiếm lại các ải, cắt đặt việc trấn giữ như trước. Tướng giữ ải Giới Bài tên Vương Bất Siêu, tuy tuổi đã chín mươi mà còn tráng kiện phi thường, da hồng tóc bạc, sức mạnh chẳng suy giảm, sử dụng cây bát xà mâu nặng đến một trăm hai chục cân hết sức lợi hại.
Vương Bất Siêu nghe tin quân Đường kéo đến thì rất tức giận, hết lời trách Tô Bảo Đồng để Trình Giảo Kim vượt vòng vây. Tuy nhiên Vương Bất Siêu không hề sợ hãi, lập tức nai nịt dẫn quân xông ra khiêu chiến ngay. La Thông định xin ra đánh thì chợt có một tướng nhỏ tuổi chạy ra, cúi đầu xin được lập công dầu. Đinh San nhìn lại thấy đó là Trình Thiên Trung.
Vương Bất Siêu đứng chờ hồi lâu thấy có một tướng nhỏ cầm búa xông ra thì cười ngất một hồi rồi mới hỏi:
- Con cái nhà ai thì mau xưng tên ra đi để ta còn đưa xuống âm phủ cho mau.
Khi nghe đáp xong, Vương Bất Siêu còn cười lớn hơn nữa, coi Trình Thiên Trung chẳng ra gì. Thiên Trung tức giận vung búa xông tới chém một nhát rất mạnh. Bất Siêu liền đưa xà mâu ra đỡ khiến cây búa của Trình Thiên Trung bật văng trở lại suýt nữa trúng vào mặt. Thiên Trung thấy sức mạnh của Bất Siêu thì biết không chống lại nổi, quay ngựa chạy về chịu tội.
Tiết Đinh San cho là việc thắng bại lẽ thường, không bắt tội Trình Thiên Trung, sai La Thông ra đánh báo thù. Nghe La Thông xưng danh, Vương Bất Siêu không dám lớn lối như trước, hỏi lại:
- Có phải là La Thông tảo bắc trước kia không? Nếu đúng thì ngươi cũng có chút danh tiếng nhưng nay gặp ta thì chẳng thể giữ được tính mạng đâu.
La Thông nghe vậy liền múa thương đánh luôn. Hai bên giao đấu kịch liệt làm cát bụi tung bay mù mịt, hơn năm chục hiệp mà không phân thắng bại. Quân tướng hai bên thấy vậy đồn nổi trống khua chiêng trợ oai khiến hai tướng càng hăng hái, lăn xả vào nhau đánh cho đến khi gần muốn kiệt lực vẫn chưa chịu thôi. Khi ấy hai tướng đều ngồi trên lưng ngựa cầm lăm lăm võ khí tìm sơ hở mà đánh chứ không sao múa nổi nữa.
Tiết Đinh San thấy vậy sợ La Thông đuối sức nên cho quân gõ chiêng gọi về. La Thông nghe tiếng chiêng, vừa quay đầu lại liền bị Bất Siêu đâm trúng một xà mâu vào hông, lòi cả ruột ra ngoài. Tiết Đinh San chưa kịp cho người ra cứu thì La Thông đã chạy về trước trận, hổn hển nói:
- Nguyên soái hãy cho nổi trống tiến binh, nếu tôi không giết được tên giặc già này thì nhục biết mấy.
Nói xong, La Thông cắt một lá cờ buộc chặt vào bụng cho ruột đừng sổ ra ngoài, giục ngựa chạy trở lại giao chiến tiếp. Vương Bất Siêu nhìn thấy vậy thì thất kinh hồn vía, đứng nhìn trân trối. La Thông thừa dịp ấy đâm một thương vào bụng Bất Siêu xuyên qua tới lưng. Bất Siêu hét lên một tiếng, nhào xuống ngựa chết tốt. La Thông cắt lấy thủ cấp rồi mới chịu chạy về, khi đến trước trại chợt cũng thét lên một tiếng đau đớn, nhào xuống đất tắt thở.
Tiết Đinh San hết sức thương xót, truyền quan quân tẩm liệm và cho người đưa linh cữu về Trường An chôn cất. Vì La Thông là tiên phong nên Tiết Đinh San cho La Chương thay thế thống lĩnh quân mã tiến đánh chiếm ải. Thấy chủ tướng đã chết, quân Liêu chẳng còn lòng dạ nào nữa, kéo nhau bỏ trốn bằng hết, để ải trống không. Kiểm điểm ải Giới Bài xong, Tiết Đinh San cho nghỉ ngơi một đêm, sáng hôm sau tiến thẳng tới ải Kim Hà.
Ngày hôm sau La Chương bước ra thưa:
- Tôi mới nhậm chức tiên phong, lại vì thù cha canh cánh bên lòng, xin nguyên soái cho tôi ra trận lập công.
Được Tiết Đinh San bằng lòng, La Chương liền cầm thương cưỡi ngựa tiến đến trước cửa ải khiêu chiến. Tướng giữ ải là Ba Nhi Xích nghe quân báo tướng địch còn rất trẻ thì nổi giận, lập tức nai nịt dẫn quân xông ra. La Chương thấy Ba Nhi Xích diện mạo trán to mắt lồi, cưỡi ngựa đen, dáng vẻ rất hung dữ nhưng vẫn không sợ hãi, quát hỏi danh tính ngay. Ba Nhi Xích gầm lên như sấm:
- Tên tướng chưa sạch máu đầu kia, ngươi chưa biết ta là Hồng Bào lực sĩ Ba Nhi Xích hay sao?
La Chương đang căm hận về cái chết của phụ thân nên đáp lại:
- Nhi Xích hay Nhi Hồng thì gặp ta đều phải bỏ mạng mà thôi.
Nói xong, La Chương múa thương đánh luôn. Ba Nhi Xích nổi giận phừng phừng, không thèm hỏi lại họ tên, vung đại đồng đao giao chiến. Đánh được hơn hai mươi hiệp La Chương giả thua bỏ chạy, chờ Ba Nhi Xích đuổi tới gần thì dùng một thế hồi mã thương đâm về phía sau trúng ngay cổ địch thủ. Ba Nhi Xích nhào xuống ngựa chết tốt.
La Chương thừa cơ hội thúc quân xông vào chiếm ải, đánh giết tưng bừng, xác nằm chật đất. Tiết Đinh San liền cùng Liễu phu nhân đưa quân tướng vào ải, hết lời khen ngợi La Chương. Sau khi kiểm điểm và dựng cờ đại Đường xong, Tiết Đinh San cho quân tiến thẳng đến Tiếp Thiên ải.
Tướng Liêu giữ ải là Hắc Thành Tinh nghe tin liên tiếp hai ải bị phá thì rất lo sợ, vội gọi hai bộ tướng là Hồ Lạp Hoa và Tứ Bất Hoa đến thương nghị. Hai tướng đều nói:
- Giới Bài và Kim Hà đều có binh hùng tướng mạnh mà chẳng giữ nổi thì chúng ta làm sao chống được, chi bằng đầu hàng để giữ mạng sống thì hay hơn.
Hắc Thành Tinh nghe theo, kéo quân ra ngoài thành dựng cờ trắng nghênh đón. Tiết Đinh San cả mừng, hạ lệnh cho quân sĩ không được nhũng nhiễu dân chúng, cho nghỉ ngơi một ngày. Nóng lòng vì phụ thân, ngay hôm sau Tiết Đinh San cho quân kéo thẳng đến Tỏa Dương thành. Khi ấy Tô Bảo Đồng cho đắp hơn hai mươi pháo đài, ngày ngày dùng thần công bắn vào trong thành khiến vua tôi nhà Đường ăn ngủ không yên.