An không hiểu vì sao anh có phản ứng như vậy. Anh còn nhớ đôi mắt tròn xoe kinh ngạc của vợ nhìn mình. Cái nhìn ấy dán vào lưng anh khi anh đi vào gian buồng bên trong. Cái nhìn ấy ám ảnh anh như một câu hỏi câm lặng. Một bài toán không có lời giải đáp...Mãi về sau này anh mới hiểu rằng linh giác đã chỉ dẫn những hành vi của anh...Rằng anh đã cảm thấy bóng đen âm u của loài ác điểu xòe ra trên đầu họ vào thời khắc mà Nàng Đông báo tin cho anh, một cái tin lẽ ra phải đem lại niềm hân hoan tột độ cho tất thảy mọi người...Ngày hôm sau, chủ nhật, anh đèo con Mùi lên vườn Bách thảo. Lúc quay về, con bé đòi đứng lại trước phủ chủ tịch xem...mấy chú lính gác. Anh đành xuống xe, dựa pê-đan lên vỉa hè xi-măng để chiều nó. Nhưng họ vừa đứng được vài phút, lính gác đã ra hỏi giấy tờ. An xuất trình thẻ quân nhân. Người lính xem xét kĩ càng rồi nói :
- Đây là khu vực cần bảo vệ. Đồng chí nên đưa cháu ra nơi khác mà chơi.
- Tôi đâu có muốn làm phiền các đồng chí ? Chỉ do trẻ nó đòi thôi.
Lúc ấy, chính đứa bé cất lời :
- Cháu xem. Cháu xem các chú bộ đội...
Con bé líu lô. Có lẽ vì lời trẻ bi bô làm người lính mềm lòng nên anh ta lui gót. Tuy nhiên, con tim An đã trở nên âm u. Anh nhìn vào toà nhà bên trong những rặng cây xén tỉa :
« Sung sướng gì khi người cha sống trong lâu đài còn đứa con ngồi trên chiếc xe đạp cởi truồng và nhìn vào với đôi mắt thèm khát ? Có ích gì cuộc tình éo le này ? Nếu Nàng Nhỏ của chúng ta chẳng lọt vào mắt vị vua già, nó ắt phải kiếm được tấm chồng xứng đôi vừa lứa. Trên miền quê, chúng ta đâu thiếu cảnh ấm êm ? Ngôi nhà sàn của ta cao rộng gấp ba lần những ngôi nhà chật hẹp nơi phố xá. Chưa kể nhà ông già bố vợ, cả xưởng cưa đặt lọt thỏm vào một gian ? Chúng ta có đất, có trâu đàn, có lợn bầy. Gà hàng trăm con đẻ trứng ăn không kịp. Chúng ta có rừng có suối, có ong dại ong nuôi và thú săn. Đành rằng ở đây cuộc sống tiện lợi và văn minh hơn nhưng đất đai eo hẹp và lòng người cũng eo hẹp. Phải chăng cuộc ra đi của chúng ta là một sai lầm ?»
Dòng suy nghĩ chưa chấm dứt, một người khác từ vọng gác đã tiến lại phía họ. Lần này, hẳn là sĩ quan phụ trách nhóm lính. Anh ta buông từng lời một cách khô khan :
- Đây là khu vực cần nghiêm mật bảo vệ, yêu cầu đồng chí đưa trẻ đi nơi khác.
Không đáp nửa lời, An quay xuống bảo cháu :
- Không đứng được ở đây con ạ. Dượng đưa con ra chợ Ngọc Hà rồi mua cho con quả bóng. Con nghe rõ chưa ?
Rồi anh trèo lên xe, đạp đi luôn. Phía sau lưng , hẳn anh chàng sĩ quan phải đưa mắt nhìn theo một cách bực tức. Trong thâm tâm, An biết rằng thái độ của anh vô lý bởi những gã lính kia cũng như anh, họ phải thi hành một phận sự, một mệnh lệnh giáng xuống từ những kẻ đứng cao hơn. Nhưng dẫu sao, con tim anh cũng không ghìm được cơn phẫn nộ :
« Này ông ? cha đẻ của đứa bé đang ngồi trong lòng tôi đây - Anh thầm nói với người anh em đồng hao chưa từng gặp mặt - Liệu ông có mường tượng ra cảnh này ? Một đứa con đứng trước ngôi nhà của cha đẻ mà không có quyền vào cũng chẳng có quyền ngắm nghía. Một đứa con bị đuổi khỏi cổng ngôi nhà cha nó đang là chủ nhân ? Liệu cảnh trớ trêu này có khiến ông động tâm, ngài chủ tịch ? Giờ đây, con gái ông còn quá nhỏ để hiểu sự tình. Nhưng mai đây, khi khôn lớn, liệu nó có thể coi ông là một người cha tử tế hay chỉ là kẻ vô tâm buông quăng bỏ vãi những hạt máu của chính mình ? Cái dinh thự nguy nga kia liệu không có nổi một gian phòng cho vợ con ông trú ngụ hay vì một cơn cớ thầm kín, đen tối nào đó mà ông chấp thuận cho Nàng Nhỏ của chúng tôi ăn ở chen chúc lẫn lộn giữa đám thứ dân ? Phải chăng vì hoàng hậu là người miền núi nên nàng buộc chịu cảnh ngược đãi của triều đình ? Cái triều đình thường ban bố các loại chiếu chỉ : Ưu đãi người thiểu số ! »
Những ngờ vực, giận dữ đã chôn vùi bấy lâu trong đáy sâu tâm hồn anh bỗng trồi lên. Những lời nguyền rủa cũng vậy, chúng ào ào mọc lên trong óc não anh như rừng măng vầu măng trúc lúc sang xuân. Anh không nhận ra rằng anh đã đạp xe vòng trở lại đường Hoàng Diệu để nhìn ngắm như ghi, như khắc hình ảnh những dinh thự nguy nga, vườn bên phải ,vườn bên trái, sân trước sân sau của các vị rường cột triều đình. Sau đó, anh lại tiếp tục đạp theo đường Phan đình Phùng để nhìn lại những biệt thự khác, mà anh đã thuộc lòng tên chủ nhân của chúng, để nỗi oán hờn căm giận tiếp tục ngoi lên từ con hồ lặng lẽ trong tâm hồn anh.
« Đây là nơi dành cho các phu nhân mắt híp, môi thâm chứ chẳng dành cho Nàng Nhỏ của chúng ta, cho dù nàng muôn ngàn lần xinh đẹp. »
Anh thầm nghĩ với nỗi cay đắng, khi thấy một bà bộ trưởng ngồi trong chiếc Volga vụt qua mặt anh, cổ rụt xuống vì những lăm thịt dâng lên tận cằm và cặp mắt ti hí nhỏ như sợi chỉ nhìn phố phường với vẻ ngạo nghễ. Chiều hôm đó trời rất đẹp nhưng anh chìm đắm trong những suy tưởng u ám mà không có cách nào thoát ra được. Anh thương con bé Mùi ? Anh thương Nàng Nhỏ ? Hay anh cảm thấy sự bất lực của mình trước cuộc cờ số phận ? Mãi đến bữa cơm tối, khi vợ anh từ bệnh viện trở về với vẻ mặt hớn hở của trẻ bắt được quà anh mới tạm quên đi những dằn vặt chua xót.
Nàng Đông bảo :
- Ba hôm nữa chúng ta đón Nàng Nhỏ về nhà. Như thế em không còn phải mang cơm vào viện.
- Sức khoẻ của nó có tốt không ?
- Của ai ? Nàng Nhỏ hay thằng bé ?
- Nàng Nhỏ.
Vợ anh cười :
- Nàng Nhỏ khoẻ và vui. Nhưng em thấy là anh trọng nữ khinh nam. Anh chẳng hỏi han gì thằng bé.
Anh bật cười theo :
- Bởi vì cả xã hội đã trọng nam khinh nữ rồi nên anh đành làm ngược lại. Em không thích như thế hay sao ?
- Em thích.
Vợ anh đáp lại tức khắc. An biết rằng Nàng Đông vô cùng hạnh phúc với anh. Mối tình của họ bắt đầu từ thuở lên năm, nếu nói cho thật đúng là tình con trẻ. Và tình yêu đôi lứa khởi sự ở tuổi trăng rằm. Tình yêu thơ dại kết nối với hơi thở nồng đượm của tuổi ái ân, như một dòng chảy không ngưng cạn. Anh lại là người phóng khoáng, chẳng câu nệ việc của cải, cũng không quá tha thiết với kẻ nối dõi tông đường. Những năm đèn sách ở huyện đã đem lại cho anh lối nhìn cuộc sống khác hẳn những người đàn ông cùng thời đại. Điều đó giống như một thứ quà tặng được ban phát từ bàn tay đấng toàn năng. Nhiều lần, vợ anh nói :
- Ôi, thật may mắn sao là chúng ta ở hai bên một sườn đồi.
Và anh đáp lại rằng :
- May mắn rằng ngày anh ra đời lại có một cô hàng xóm chờ sẵn.
Nàng Đông vặn hỏi :
- Thế nghĩa là anh chê em già hơn anh mười lăm ngày ?
Anh bảo :
- Cho dù em có ra đời trước anh mười lăm năm em vẫn là vợ anh. Số kiếp đã định như thế.
- Chao ôi !...
Vợ anh kêu lên :
- Anh là người nói khoác giỏi nhất trần gian.
Mọi cuộc chuyện trò của họ đều kết thúc bằng tiếng cười. An chưa từng thấy cặp vợ chồng nào gắn bó với nhau theo kiểu ấy. Thời họ còn trẻ, anh chẳng mảy may ngờ vực hạnh phúc của mình. Nhưng sau ngày đứa con trai của Nàng Nhỏ ra đời, một linh cảm âm u thường xuyên lởn vởn trong óc não anh, ngay cả những khoảnh khắc vui vẻ nhất. Anh thường nhớ lại những danh ngôn học được từ ông thầy dạy sử, người anh chịu ơn nhiều nhất trong những năm đèn sách ở huyện Thất Khê.
« Những mỹ nhân cũng giống loài hoa rực rỡ, sớm nở tối tàn ; bởi trời xanh đã ban cho họ một nhan sắc lộng lẫy khiến bao kẻ phải thèm khát, ghen tuông, trời cũng sẽ tước đi của họ một phần đời sống. »
Nhan sắc hai chị em Nàng Đông càng ngày càng trở nên rực rỡ đến chính anh cũng ngạc nhiên. Thời gian không chạm được đến họ, ngược lại , năm tháng khiến cho vẻ đẹp của họ thuần thục hơn, quyến rũ hơn, thần bí hơn. Đã nhiều lần An chứng kiến những kẻ qua đường dừng lại, sửng sốt nhìn hai nàng như nhìn những nữ thần sông, thần núi hiện hình. Ở đất thủ đô này, đốt đuốc giữa ban ngày cũng không thể tìm được một thứ nhan sắc chim sa cá lặn như vậy. An hiểu rằng thứ nhan sắc ấy chỉ có thể được tạo ra trên vùng đất quê anh ; nơi không khí thanh sạch đến độ người ta có thể nhìn mọi vật như nhìn một thứ pha-lê vào những ngày tạnh sương mù hay mưa núi ; nơi những rừng hoa mận nở trắng xoá lúc sang xuân ; nơi những thác hoa kim ngân tuôn chảy triền miên dọc theo các dòng suối mùa hè ; nơi hoa tím điệp vào sắc lèn đá tiết thu muộn ; nơi quanh năm các loài ong rù rì, múa lượn và cho thứ mật màu hổ phách ngào ngạt phấn hoa ; nơi khe, suối trong veo chảy giữa các bờ đá tắm táp không ngừng da thịt con người và tưới nhuần những vùng ruộng bậc thang...Những mỹ nhân của bản Xíu lớn lên trong vùng trời ấy, hít thở bầu không khí ấy, được nuôi dưỡng bởi thứ mật ong rừng hoà trộn hàng trăm loại phấn hoa dại, bởi sữa trâu và các loại gia cầm gia súc đất nhà. Da họ mơn mởn như trái đào, mắt họ trong như pha-lê, cái nhìn của họ thăm thẳm như vực sâu, như hang núi. Chẳng cần son môi họ cũng đỏ chon chót như trái ớt chín và sau màu đỏ rồ dại ấy, chứa chất và hứa hẹn biết bao lạc thú. Dường như An đã yêu Nàng Đông từ thuở lọt lòng. Nơi quê họ, dân bản sống theo kiểu người cùng một đại gia đình, không có chuyện tranh cướp tình ái. Mãi sau này, anh mới biết rằng chắc chắn vợ anh đã gieo rắc vô số những mơ mộng và ham muốn nơi những người đàn ông, dọc đường nàng đi. Và như thế, anh cũng hiểu vì sao vị vua già say đắm Nàng Nhỏ. Khó có người đàn ông nào đứng vững nổi trước những người đàn bà mà cùng một lần, nhan sắc của họ giống như lưỡi gươm bén, nhưng tâm hồn bình dị và thánh thiện của họ hứa hẹn một tổ ấm miên viễn, một đời sống lứa đôi ấm áp không đòi hỏi nhiều hao tổn óc não cũng như tâm cơ. Dù Nàng Đông chẳng mảy may ý thức về điều đó, nhưng An biết anh đang thống lãnh một thành trì. Để bảo vệ thành trì đó, cần có trí thông minh lẫn lòng dũng cảm. Niềm kiêu hãnh trong tâm hồn anh luôn pha trộn sự cảnh giác. Đối với Nàng Nhỏ, liệu vị vua già có cùng suy nghĩ như anh ?Hoặc là ỷ thế làm vua, thay vì trân trọng một mối tình hiếm hoi như thế, ông ta tự cho mình quyền coi mỹ nhân như một thứ sơn hào hải vị ?
Những suy tư ảm đạm ấy, anh không dám thổ lộ cùng ai, anh không muốn làm phiền muộn hai người đàn bà, những người anh yêu quý hơn chính bản thân mình. Anh trở thành kẻ im hơi lặng tiếng trước những cuộc chuyện trò rối rít niềm vui và hy vọng của họ :
- Em sẽ vào dinh chủ tịch ngày mai chứ ?
- Vâng. Văn phòng đã lên lịch vào ngày mai. Lái xe sẽ tới đón em lúc chín giờ.
- Em đã chuẩn bị kĩ những điều cần nói chưa ?
- Em không cần chuẩn bị nhiều. Em chỉ nói một câu đơn giản thôi : Vì đã có đủ con trai lẫn con gái, chúng ta cần được chính thức hoá trước pháp luật.
- Được rồi, ngày mai sẽ là ngày bận rộn. Chị sẽ nấu cơm sớm lên một chút và em nhớ cho thằng bé bú lúc tám giờ.
Ngày hôm sau chính là chủ nhật. An đưa con bé Mùi đi chơi từ mười giờ sáng, dặn hai người đàn bà rằng anh sẽ về muộn. Buổi trưa, anh dắt cháu vào cửa hàng ăn phở rồi đưa nó đi xem xiếc vào ca ba giờ chiều. Tan cuộc, hai dượng cháu ra về khi mặt trời đã tụt xuống phía sau các mái nhà phía tây thành phố. Con bé nằm lăn ra ngủ còn anh ăn cơm vội vàng rồi đạp xe vào doanh trại, không hỏi han một lời về cuộc gặp gỡ quan trọng của Nàng Nhỏ với người cha của những đứa con nàng. An vẫn nhớ cái nhìn dò hỏi của vợ anh trong lúc nàng đang là quần áo cho cô em. Còn Nàng Nhỏ, quá bận bịu về đứa con trai nên không để tâm đến sự im lặng bất thường của anh. Hoặc là, trong tâm trạng tràn trề hạnh phúc và các dự phóng tương lai, nàng chẳng quan tâm đến ngoại cảnh...Trên đường vào Hà Đông, An đã tự trách mình về sự lãnh đạm kì dị đó. Nhưng ngoài mọi lý lẽ, một nỗi buồn vô cớ cắn xé anh. Một nỗi buồn bất khả cưỡng chế và bất khả lý giải. Ngày nối ngày trôi qua nặng nề. Dù ở trong lớp huấn luyện hay ngoài thao trường cùng lính, An cũng có cảm giác là anh đang sống trong mộng, dường như chân anh không bước trên mặt đất mà bập bõm trong mây. Vì sao ? Anh không hiểu. Đôi lúc, trí nhớ gọi anh về bản Xíu, với ánh hồi quang của những ngày hạnh phúc. Đôi lúc, trí nhớ dắt anh về lại thị trấn Thất Khê, trong mái trường mà anh đứng lênh khênh giữa đám học trò như con ngỗng đứng giữa bầy vịt. Hoặc là, anh thấy lại ngôi nhà thơm phức mùi chè của ông thầy dậy sử, bởi vợ ông bán chè mạn nên anh thường đến ngồi đóng gói chè giúp đám con cháu trong nhà, tiện thể nghe ông kể đủ thứ dã sử cũng như chính sử , của triều đình Tàu cũng như triều đình ta, nghe Tam quốc chí và Đông Chu liệt truyện đến thuộc làu làu. Đôi lúc, anh cảm thấy con tim se sắt mà chẳng rõ cơn cớ vì sao, nhưng chắc chắn có một nỗi lo âu mơ hồ nào đó giăng mắc xung quanh như tấm lưới nhện khổng lồ.
Tới thứ bẩy, sau giờ luyện quân, An vồ lấy xe đạp. Nhưng rủi ro là vừa đi được vài trăm mét săm trước nổ tung nên anh đành phải tìm quán vá. Người thợ chìa trước mắt anh cái săm chằng chịt mụn vá, chỗ phồng chỗ tẹt như khúc dồi lợn luộc vụng :
- Xin kiếu đồng chí. Chẳng còn đất vá nữa. Nhất thiết phải thay săm mới thôi.
- Xin bác cố gắng giúp. Chúng tôi chưa đến thời hạn được phân phối săm lốp.
- Tôi xem kĩ rồi. Tôi đã chịu thì chẳng ai dám mó tay vào nữa, bảo đảm là như vậy.
Không có cách nào hơn là dắt xe quay về doanh trại, mượn chiếc xe chở thực phẩm của cấp dưỡng. Ai cũng biết rằng xe cấp dưỡng là thứ xe được ưu tiên hàng đầu nên săm lốp luôn luôn mới. Tổ cấp dưỡng cho anh mượn xe với điều kiện phải trả đúng trưa hôm sau để họ còn kịp đi chợ chiều. Cò kè năn nỉ một hồi, An kéo được giờ mượn xe tới ba rưỡi chiều, như thế anh còn đủ thời gian đèo con bé Mùi đi xem ca múa nhạc ở Cung thiếu nhi thành phố. Hài lòng vì thắng lợi, An hối hả đạp xe về Hà nội. Khi anh đến nơi, phố xá đã lên đèn. Con bé Mùi không đứng trên ban-công chờ đón anh như thường lệ. Chắn chắn vì anh tới muộn. Anh thầm nghĩ rồi dắt xe qua cái hành lang dài dặc và thiếu sáng, chào hỏi ba người lính mặc thường phục mà anh đã quen. Ở trong sân, anh nhận ra con bé Mùi đang ngồi chơi đồ hàng với hai đứa bé khác, cháu ngoại bà già hàng xóm. Thấy anh, con bé chạy ùa ra đu lấy cổ dượng, hôn chi chít lên hai má. An muốn bồng con bé lên nhà, nhưng bà già hàng xóm đã bảo :
- Bác cứ để cháu ngồi chơi ở đây...bác gái dặn tôi như vậy...
Nghe tới đó, An đã thấy tim anh đổi nhịp :
« Có chuyện gì đặc biệt xảy ra mà bắt con bé ngồi đây chơi vào giờ này ?.. »
Nhưng anh không tiện hỏi bà già nên đành để con bé quay lại chơi với bạn rồi lên gác. Hai người đàn bà ngồi chờ anh bên mâm cơm. Nhìn vẻ mặt họ, anh hiểu một nửa phần sự thật. Nhưng anh lại cất tiếng cười :
- Anh để mọi người chờ lâu quá. Sắp lả đi vì đói rồi phải không ? Chờ anh rửa mặt xong ta ăn cơm. Hôm nay phải mượn xe cấp dưỡng vì nổ săm.
- Xe công của quân đội mà cũng không đủ săm dùng hay sao ?
Vợ anh hỏi.
- Xe công nào cũng chịu chỉ định phân phối săm lốp. Mà phân phối thì từ may-ô, quần đùi đến cơm gạo, thực phẩm đều không đủ dùng. Hôm nay, các em cho anh ăn món gì vậy ?
An chuyển chủ đề.
Nàng Đông tiếp lời anh :
- Hôm nay em làm món nộm chuối với thịt luộc chấm mắm tép của người Kinh.
- Bữa sau, anh đề nghị em nấu món phở chua cổ truyền.
- Người ta bảo phở chua Lạng sơn ngon hơn phở chua Thất Khê quê mình vì họ cho thêm vào nước dùng hương liệu. Ngoài hành khô nướng, gừng nướng, chi quế, hoa hồi, còn một vài thứ nữa coi như bí mật nhà nghề. Nếu anh muốn, hôm nào rảnh em ra phố hàng Mắm ăn thử. Ăn dăm ba lần khắc tìm ra công thức.
- Nếu vậy, em thử xem sao. Phở chua Lạng sơn đã từ lâu có tiếng.
Nhờ cuộc đối thoại ấy, họ có thể tạm quên đi mọi chuyện và kết thúc bữa cơm. Nhưng đến tuần trà, anh biết rằng không thể nào tiếp tục vờ vĩnh vui vẻ. Cái lưới nhện khổng lồ vô hình vây quanh họ đang thít lại những mắt lưới hung hiểm của nó. Anh là người đàn ông, bậc gia trưởng, anh phải là người trước tiên đề cập đến sự thật :
- Nào, bây giờ đến chuyện của chúng ta. Anh chờ nghe đây.
Nàng Nhỏ vẫn im lặng nhưng vợ anh lên tiếng :
- Chủ nhật, em nó thưa chuyện với chủ tịch. Chủ tịch đồng ý nhưng còn phải chờ ý kiến tập thể của bộ chính trị. Ngay thứ hai, vấn đề được đưa ra bởi đó chính là ngày có cuộc họp định kì. Nhưng ý kiến của chủ tịch không được chấp thuận. Không có một phiếu chấp thuận.
- Vì lý do gì ?
- Vì họ không muốn chủ tịch có gia đình riêng. Vì họ muốn rằng chủ tịch chỉ là vị cha già của dân tộc thôi. Vì....Vì....đấy là nghị quyết của bộ chính trị.
- Họ buộc chủ tịch phải chấp thuận ý kiến của họ ? Hay chính chủ tịch muốn tuân phục họ ?
Tới đấy, Nàng Đông im lặng. Hẳn vợ anh không thể trả lời. Và Nàng Nhỏ cũng thế thôi. Nhưng An vẫn muốn đi đến tận cùng sự việc . Anh hỏi Nàng Nhỏ :
- Em gặp ông cụ vào ngày nào sau cuộc họp đó ?
- Thứ sáu. Khoảng mười một giờ chủ tịch cho xe đến đón em.
- Ông ấy giải thích ra sao ?
- Chủ tịch nói rằng trên nguyên tắc của đảng, thiểu số phải phục tùng đa số. Huống chi trong trường hợp này tất cả bộ chính trị đều quyết định như vậy.
- Ông ấy còn nói gì nữa ?
- Chủ tịch nói rằng chủ tịch biết em chịu rất nhiều thiệt thòi....rằng chúng ta phải kiên trì sống trong bóng tối một thời gian nữa chờ thời cơ thuận tiện để thuyết phục các uỷ viên bộ chính trị.
- Khi nói những lời lẽ ấy, vẻ mặt ông ấy ra sao ?
- Em không nhớ. vì em cúi xuống lau nước mắt.
- Ông ấy cười hay ông ấy khóc ?
- Chủ tịch cũng khóc. Chủ tịch ôm em, nói rằng : Họ thật thiếu tình, họ không thông cảm cho hoàn cảnh của chúng ta.
- Chúng ta ở đây bao gồm những ai ?
Nàng Nhỏ ngước mắt nhìn anh, vẻ như không hiểu điều anh muốn nói. Lúc đó, An bình tĩnh lại và tự trả lời mình :
- Chúng ta ở đây nghĩa là ông ấy với em và hai đứa nhỏ. Nói một cách thông thường bốn nhân mạng trong một gia đình. Nếu là một gia đình bình thường thì đó là một gia đình đầy đủ.
Và trong lúc đó, một câu nói chua chát khác vang lên trong trí não anh :
― Nhưng rủi ro thay còn một thứ ― chúng ta khác. Chúng ta này là cái tập thể tí hon bao gồm anh và vợ anh và em, ba nhân mạng liên quan tới nhau không thể tách rời. Một liên quan sống còn, mật thiết. Mối liên quan này nằm ngoài sự nhận biết cũng như mối quan tâm của chủ tịch. Nhưng điều trớ trêu là mọi quyết định liên quan tới cuộc đời của ông ta sẽ giáng lên đầu chúng ta như những lưỡi gươm của số phận. Chẳng phải vinh hoa phú quý mà chắc chắn sẽ là mất mát khổ đau. Những linh cảm đã không lừa dối ta.
Anh nhìn đôi mắt u buồn của Nàng Nhỏ, tim thắt lại. Anh biết làm gì bây giờ ? Anh biết làm gì để cứu vãn tình thế, để che chắn những người thân yêu của mình trước cơn gió dữ ? Anh, người đàn ông duy nhất trong cái gia đình bé nhỏ này ? Tại sao số phận xô đẩy họ đến đây ? An cảm thấy nghẹt thở, anh vùng đứng dậy đẩy hai cánh cửa sổ mở trông xuống sân, rồi quay lại, cất tiếng :
- Này em. Giờ đây chúng ta phải bình tĩnh suy xét. Anh chưa hiểu rõ ý đồ của tập thể bộ chính trị. Trước đây đọc sử anh vẫn thường thấy các triều đình cảnh tỉnh khi một vị vua quá yêu chiều một quý phi. Nhất là khi vua già còn quý phi lại đang mơn mởn xuân thì. Sự lo lắng của các bậc lương đống quốc gia là dựa trên những kinh nghiệm đồi bại trong lịch sử. Đường minh Hoàng mê đắm Dương quý phi. Trụ Vương mê say Đát Kỉ. Ở nước ta chúa Trịnh Sâm say đắm cung phi Đặng thị Huệ. Nhưng những trường hợp này hoàn toàn khác biệt tình cảnh của chúng ta. Những người đẹp của các vua Tàu sống xa hoa trên lụa là châu báu. Mỗi bước đi của Dương quý Phi đạp lên một đoá sen đúc bằng vàng. Lâu đài của Đát Kỉ phủ đầy gấm vóc và mỗi bữa ăn của nàng ta đáng giá hàng trăm lượng bạc. Đến chiếc xe ngựa của quý phi cũng nạm ngọc dát vàng từ dưới đệm lên mui. Còn cung phi Đặng thị Huệ ở xứ ta đã ỷ thế được chúa yêu, thả sức nhũng lạm vàng bạc, đưa vô số người thân vào phủ chúa và bao che cho đứa em trai hung tàn bạo ngược là Đặng mậu Lân. Mậu Lân đi đến đâu cướp bóc tài sản của lương dân ở đấy. Gặp bất cứ người nào, dù là đàn bà hay con gái, hễ vừa mắt là sai lính quây màn giữa đường giữa chợ hãm hiếp người ta một cách thoả thuê...Kẻ nào trái ý chém chết ngay tức khắc. Sự hung tàn bạo ngược của y khiến cho lê dân cũng như các trung thần trong triều muôn ngàn lần phẫn nộ. Bao nhiêu sớ dâng lên đề nghị vua trừng trị Mậu Lân đều bị Đặng phi sai người xé đốt. Sau cùng, một võ quan đã chém chết y rồi tình nguyện trói thân quay về chịu tội trước Trịnh Sâm. Xét trên cả ba trường hợp đó, chúng ta chẳng liên quan gì đến sự xa hoa cũng như bạo ngược. Chúng ta sống nơi đây như những thứ dân dưới mức trung bình. Anh là người đàn ông duy nhất trong gia đình này, chưa từng cướp bóc hãm hại ai. Những đứa con của em ra đời trong một bệnh viện bình dân nhất, chẳng có lương y triều đình cũng không có thầy thuốc của phủ chủ tịch. Con bé Mùi và em nó lớn lên như mọi đứa trẻ con thuộc các gia đình công nhân hay cán bộ sơ cấp. Chúng ta chưa từng có một chút lợi quyền nào. Chúng ta cũng chưa từng xâm phạm đến tài sản hay quyền lợi quốc gia. Cớ sao họ có thể đối xử với chúng ta như vậy ?
Chẳng ai trả lời anh. Cả hai người đàn bà cúi đầu sùi sụt khóc. An hiểu rằng không ai có thể trả lời anh, trừ phi có một ông Trời và một khi ông Trời này động lòng từ ái trước tình cảnh của họ. Nhưng anh chưa bao giờ nhìn thấy một ông trời. Những thánh thần hoặc vong linh tiền nhân mà họ thờ cúng luôn luôn chỉ là những làn khói phất phơ bay trên bàn thờ ngày lễ tết, và dường như mùi thơm của nhang trầm chính là sự hiện diện gần gũi nhất mà anh có thể cảm nhận. Giờ đây, anh biết tìm trời ở đâu?
- Liệu em có dám hỏi thẳng ông cụ những điều anh vừa nói hay không ?...
An dằn giọng. Nàng Nhỏ khóc to hơn. Những cơn nức nở dồn dập hơn. Vợ anh ngước nhìn anh với cái nhìn van vỉ. Cơn giận dữ tiếp tục trào lên trong anh như một nồi cháo sôi trên ngọn lửa cháy quá đà :
- Nàng Nhỏ, em cần phải hỏi ông cụ cho rõ ràng. Vì cuộc sống của em, và cuộc sống của những đứa con em.
- Em cũng đã hỏi nhưng chủ tịch nói rằng chủ tịch cần phải sống gương mẫu. Rằng nếu em yêu chủ tịch thì phải chấp nhận điều ấy. Rằng khi những đứa trẻ lớn lên tình thế sẽ đổi thay.
- Khi những đứa trẻ lớn lên ?...
Anh hỏi lại và không chờ đợi câu trả lời:
― Chao ôi, giờ ông ta đã hơn sáu mươi tuổi. Liệu chúng ta phải chờ ông ta đủ bát tuần để có thể sống một cách chính thức với thiên hạ hay sao ? Chua chát thay cho Nàng Nhỏ của ta ! Chua chát thay cho thân phận những đứa con của một vị vua già ! Những đứa cháu của ta, những đứa trẻ dù muốn hay không cũng liên đới với ta bởi sợi dây của tình ruột thịt. „
Rồi một câu hỏi khác ập đến mà anh không thể ghìm nén :
- Này em, em có thật sự yêu ông ta không ?
Nàng Nhỏ nhìn anh với cái nhìn ngơ ngác :
- Anh hỏi gì ?
- Anh muốn hỏi rằng em thật sự yêu ông ta hay em yêu ông ta chỉ vì ông ta là chủ tịch nước ?
- Em yêu chủ tịch....Em yêu...
Nàng đáp lại rồi oà lên trong một cơn nức nở dữ dội hơn. Nàng Đông đưa mắt nhìn anh giận dỗi :
- Anh làm sao vậy ? Anh bị con mòng hay con rít cắn phải không ?
- Ồ không.
An đáp lúng búng. Anh chợt nhận ra rằng cơn tức giận đã xô anh đi quá đà. Có lẽ anh mong muốn cho em anh có một số phận khác. Nhưng sợi dây oan nghiệt của định mệnh đã cột trói nàng với vị vua già, vị vua già mà nàng lại trót yêu. Tình yêu cắc cớ trớ trêu đến như vậy. Trước đây anh vẫn hồ nghi, giờ anh hiểu Nàng Nhỏ có thể yêu ông ta thật sự. Không phải vì ông ta quyền cao chức trọng mà trước hết bởi ông ta là người chồng tốt, dù chỉ làm chồng trong những khoảnh khắc bị cắt rời.
― Lão già này hẳn là bẻm mép, giỏi tán gái ? „
Anh nghĩ, nhưng ngay tức khắc anh hiểu rằng ông vua già chẳng phải kẻ bẻm mép mà ông ta thật sự giỏi; rằng ông ta có thể làm Nàng Nhỏ siêu lòng bởi những lời lẽ ngọt ngào đằm thắm mà tất thảy những gã đàn ông trẻ trung hơn không biết nói, rằng ông ta có thể khiến nàng say đắm bởi những cử chỉ âu yếm đường mật mà người bản xứ chẳng biết cách thể hiện, những thứ cung cách văn hoá xa lạ mà ông ta học được ở phương tây. Cái sức mạnh đó không giống sức mạnh của người thợ săn giương súng lên ngắm con mồi, bởi nó không nhằm chiếm đoạt những con mồi mà nó nhằm chiếm đoạt những con tim. Cái sức mạnh đó vô hình vô dạng nhưng anh cảm nhận được một cách rõ ràng tựa hồ anh nhìn thấy ngọn lửa cháy, những hạt sương ban mai hay hoa nở trên các triền núi. Cái sức mạnh ấy, chính anh từng cầm nắm trong tay. Hồi ức dẫn anh quay lại những buổi tối ấm áp nơi bản Xíu, khi anh trở về từ thị trấn Thất Khê. Ngôi nhà sàn thênh thang bập bùng ánh lửa và chen chúc láng giềng. Chú anh chuẩn bị sẵn một hũ rượu lớn, những mâm gỗ sâu lòng chất đầy đồ nhắm mặn lẫn bánh trái và hoa quả. Thím anh rang đầy một thúng hạt hướng dương rồi sắp sẵn trà đường đãi khách. Dân bản, già cũng như trẻ, ngồi vòng quanh bếp lửa như những khán giả đam mê xúm quanh một sân khấu mà diễn viên duy nhất chính là anh. Đứng ở vị trí trung tâm, cậu học sinh phố huyện kể lại các liệt sử, các dã sử, các huyền thoại của người miền xuôi cũng như các vùng núi non khác xứ. Tất thảy kho kiến thức mà ông thầy trường huyện đã truyền thụ cho anh. Chú anh, ngồi ngay bên cạnh, khi đưa mắt nhìn anh với cái nhìn vừa yêu thương vừa thán phục, khi cúi đầu xuống để che giấu vẻ hãnh diện trước xóm giềng. Ông là người thợ săn nổi tiếng khắp vùng, người nấu cao hổ, cao gấu, cao sơn dương thành thục. Những miếng cao được sản xuất từ ngôi nhà sàn của ông là thứ mà những người giàu có sành sỏi khắp nơi phải lặn lội về bản Xíu để tìm kiếm...Chính với tiền bán những lạng cao ấy ông đã nuôi anh đủ bẩy năm đèn sách. Vậy mà khi nghe anh tán tụng tiếng sáo Trương Lương, khi nghe anh bình phẩm cái chết của Quan Vân Trường, khi anh miêu tả trận Bạch Đằng với tiếng hô Sát Thát...ông không tránh khỏi cảm giác thần phục của những người mù chữ trước một kẻ đọc thông viết thạo.Và sự thần phục ấy lia sát đến biên giới của sợ hãi hay mê đắm. Sức mạnh chinh phục của văn hoá là nghiệm sinh quan trọng nhất trong thời niên thiếu của An. Tuy anh chỉ là cậu học sinh trung cấp và chân trời xa nhất của anh dừng lại nơi những dãy phố nhỏ với những mái nhà lợp ngói ống huyện Thất Khê. Để so sánh, An hiểu rằng những gì anh hiểu biết chỉ là một hạt cát cỏn con trước một sa mạc mênh mông của con người lão luyện kia, kẻ đã hai mươi năm giang hồ tứ xứ, kẻ nói được cả tiếng Tàu lẫn các loại tiếng Tây. Kho trí tuệ của ông ta hẳn muôn ngàn lần rộng lớn hơn anh, và như thế, Nàng Nhỏ yêu ông ta cũng không phải việc lạ lùng.
― Nhưng cớ sao ta lại so sánh mình với con người quyền năng ấy ? Đấy là sự rồ dại. „
An thầm nghĩ một cách chua chát. Nhưng tức khắc, một tiếng nói khác dội lại như đáp lời :
― Vâng, ông muôn ngàn lần tài giỏi, quyền uy. Nhưng dẫu sao ông vẫn bước chân vào gia đình này sau tôi, đứng trước bàn thờ tổ tiên của hai nàng, tôi được quyền thắp nhang trước. Còn giờ đây, vợ chồng tôi là những người chăm chút con ông. Nói cho cùng, chính ông phải chịu ơn chúng tôi, hỡi vị vua già .
Buổi tối hôm đó trôi qua một cách nặng nề. Đêm đến, Nàng Đông ôm riết lấy anh. Họ không nói gì nữa. Họ làm tình một cách lặng lẽ. Họ làm tình như lần đầu làm tình ven bờ con suối Sơn ca. Như tuổi mười lăm được triệu hồi với tất cả sự hăm hở điên cuồng và sôi sục. Bởi thế, hôm sau anh ngủ đến tận non trưa. Khi tỉnh giấc, vợ anh đã đi chợ còn Nàng Nhỏ dẫn hai đứa con xuống dưới sân chơi với bà già hàng xóm. An mở rộng khuôn cửa sổ nhìn cảnh ba mẹ con nàng chơi dưới gốc sấu già. Dán mắt và cảnh tượng đó nhưng đầu óc anh hoàn toàn mù mịt khói sương. Hoàn toàn trống rỗng. Không một ý nghĩ nào hiện lên rõ nét. Chẳng một cảm giác nào có thể mô tả thành lời. An cảm thấy anh đã biến thành một thứ tượng gỗ biết đi lại, nói năng nhưng vô cảm. Anh chìm đắm trong trạng thái mụ mị như thế giờ lâu cho đến khi vợ anh quay về. Nàng Đông bỏ làn thức ăn xuống sàn, chăm chú nhìn chồng. Rồi, chừng như cảm nhận được trạng thái tinh thần kì dị của anh, nàng dẫn anh vào phòng. Ở đó, nàng ôm lấy đầu anh một cách dịu dàng, dịu dàng ghì xiết vào bộ ngực nồng nàn của mình. An gục mặt vào lòng vợ. Da thịt ấm nóng thân thuộc của nàng, và nỗi dịu dàng âu yếm của tình yêu khiến anh dần dần trồi lên khỏi làn nước lạnh giá của sự vô cảm. Anh bật khóc. Khóc nức nở như một người đàn bà. Khóc cơ cực như kẻ đói cơm rách áo. Khóc hờn tủi như một đứa trẻ bị lạc trên sân ga.