Chủ tịch Quý bị kết án tù ngồi bốn năm sáu tháng.
Mọi người đều biết rõ sự tình. Nhưng sau một năm, người ta đã thấy anh ta trở về. Những ai không lên nương, xuống ruộng mà ở lại làm việc nhà vào buổi sáng hôm ấy, sẽ nghe tiếng gõ móng ròn rã của con ngựa nhà ông Quảng trên đường thôn. Đó là nhịp chân của một con ngựa nòi, lông nâu hồng óng mượt như nhung, bờm dài đẹp như bờm ngựa trong tranh Tàu cổ. Tiếng gõ móng của nó hoà nhịp với tiếng lục lạc nơi cổ, là khúc nhạc quen thuộc đối với dân Xóm Tiều phu, bởi nó gợi lên hơi hướng của cuộc sống náo nhiệt nơi đô thành. Cứ nghe tiếng lục lạc reo là người ta ngóng ra cổng, hoặc qua hàng rào để ngắm con ngựa, và cất tiếng chào chủ nhân. Sớm hôm ấy, họ đều thấy ông Quảng ngồi phía trước, vẻ mặt tư lự, tay lơ đãng ra roi. Phía sau là vợ chồng Quý. Cả hai quắt queo như hai túm giẻ, im lặng như hai mô đất, quay mặt vào nhau. Vẻ im lặng lạ lùng ấy khiến mọi người không dám cất tiếng chào như thường lệ. Họ giả tảng như không nhìn thấy ai, chẳng nghe thấy gì. Nhưng vào buổi tối hôm ấy, người nọ thì thầm với người kia, xóm này loan tin sang xóm khác. Chẳng ai còn vẻ háo hức hồ hởi của những kẻ rỗi việc, tò mò thóc mách chuyện ngoài đường. Cũng chẳng ai còn vẻ nhởn nhơ của kẻ đi xem hát chèo, hay dửng dưng như đứng ngoài lề mọi chuyện. Dân Xóm Tiều phu nhìn vào mắt nhau, với vẻ đắn đo lạ lùng của những người tuy già đầu nhưng chưa đủ khôn lớn, tóc đã muối tiêu mới truy tìm hình ảnh đích thực của bản thân mình :
- Ông bố đã ra tay kéo cậu con trai khỏi cánh cửa ngục tù. Thôi, như thế cũng còn may.
- Cơ sự này chắc chắn cậu ấy sẽ phải mở to mắt mà nhìn ra ngoài để hiểu sự đời, nhìn vào trong tâm để hiểu bản thân. Từ nay về sau ắt biết đường hối cải.
- Nghe đâu cậu ta đã phải quỳ lạy ông Quảng ngay cửa nhà giam tỉnh, vào chính lúc công an đọc lệnh tha trước hạn tù.
Người này nói, người kia lặng im, hoặc nhìn lên trời , hoặc nhìn ra những bờ dậu, hàng cây, với con mắt nửa chăm chú nửa ngơ ngác. Rồi sau những im lặng đầy nghi vấn, người ta thở dài như trút được gánh nặng :
- Sự đời ngàn năm không thay đổi : máu chảy ruột mềm, hổ cũng chẳng nỡ ăn thịt con ...
Có lẽ, đấy cũng chính là lời tự an ủi, một thứ thành trì tâm linh che chắn, phòng ngừa trước những cơn bão có nguy cơ đổ bộ từ một đại dương xa lạ và bất tường vào đất liền, nghiền nát những con tim yếu mềm của họ.
Sự trở về của Quý diễn ra trong im lặng. Anh ta ở nhà một tuần, chẳng bước chân khỏi ngõ. Sang tuần sau, vào một sớm, Quý cùng hai cô con gái vác sọt lên nương dỡ sắn. Đang từ con người quyền lực nhất xã, đi tới đâu cũng nghe người ta cất lời chào trước khi kịp mở mồm ; giờ trở thành kẻ thường dân đã là một thử thách cam go, huống chi lại là một thằng tù được bàn tay của chính cha mình giải cứu. Xóm giềng chắc mẩm mọi sự phải diễn ra như vậy. Do đó, bởi một thứ trắc ẩn xưa cũ đã tồn tại hàng ngàn năm trong các cộng đồng, dân Xóm Tiều phu nhất loạt giả tảng như không biết chuyện gì đã xảy ra, như Quý vừa mới đi xa trở về. Những cuộc trò chuyện diễn ra một cách an lành như cây cỏ :
- A !... hôm nay bố con nhà cậu cũng đi dỡ sắn ?
- Phải.
- Nương sắn bên ấy tốt gấp hai lần nương sắn nhà tôi.
- Cũng tàm tạm, ơn trời.
- Cô Đào cô Mận chăm làm cỏ , sắn năm nay hẳn tốt bột. Đến tết tha hồ tráng miến.
- Vâng. Bọn trẻ nhà tôi thích ăn miến. Mẹ chúng nó tuy vụng dại đủ đường nhưng cũng biết vài mánh trong nghề này.
- Năm nay cậu có tính gây lại đàn ong hay không ?
- Tôi chưa tính. Còn chờ xem sao.
- Nhà tôi cũng vậy. Năm ngoái mất mùa phấn hoa, đàn ong vơi quá nửa.
- Làm nông nghiệp như đánh bạc, phải chấp nhận thiên tai.
- Có câu ca này :
― Mất mùa thì tại thiên tai
Được mùa bởi tại thiên tài đảng ta
Nếu cậu còn là chủ tịch cậy răng tôi cũng chẳng dám nói. Nhưng bây giờ cậu cũng là phó thường dân như chúng tôi. Mọi sự chẳng còn phải giữ gìn.
- Thế a ?
- Bây giờ thì mọi người đều bạo mồm, bạo miệng nói đủ chuyện đời với cậu.
- Thế a ?
- Phải.
- Vậy mà tới giờ tôi mới biết. Câu ấy ca ấy hay thật. Lão nào nghĩ ra đúng là bậc kì tài.
- Cậu nói thật hay chơi đấy ?
- Sao anh hỏi thế ?
- Ồ, tại vì bao nhiêu năm nay ngồi trên ghế chủ tịch, cậu chỉ nghe huấn thị đảng với chính quyền. Những câu hát bậy bạ chẳng lọt tai các vị cầm cân nảy mực.
- Có thế thật. Nhưng vào nhà tù tôi mới biết thật sự cuộc đời. Trong ấy ối thằng thông minh sáng láng gấp vạn lần lũ cấp huyện trên đầu tôi.
- Thật thế a ?
- Sao không thật ?
- Ấy là tôi mớm nhời như vậy.
Thế là từ hôm ấy ―chuyện đi tù của Quý bỗng dưng nhờn như chuyện đùa. Chẳng ai còn mặc cảm, chẳng ai còn nương dè vì sợ đụng chạm đến nỗi đau của người khác. Quý kể khơi khơi chuyện những ―bạn tù với vẻ nhởn nhơ, hãnh diện như gặp gỡ họ là một đặc ân và chính họ là những người thầy đầu tiên dạy cho anh ta bài học vĩ đại về cuộc sống. Dân làng đều thấy rằng Quý đã hoàn toàn trở thành con người khác. Điều ấy, anh ta không che giấu. Chẳng phải một lần mà nhiều lần Quý nói oang oang cho họ nghe :
- Ồ, trước đây cứ tưởng ông phỗng là to, giờ tôi mới biết hòn đá rửa chân ở cầu ao còn to vạn lần hơn ông phỗng.
- Cậu nói bóng nói gió như thế, hoạ chăng có dân đầy bụng chữ mới hiểu nổi; cánh dân cầy chúng tôi mít đặc.
- Vậy tôi giảng cho các ông nghe : Trước đây cả làng cả xóm tranh nhau thi đua, phấn đấu. Người lớn thi đua lao động, tăng sản lượng, vượt chỉ tiêu; trẻ con thi đua nhặt phân trâu, lượm lúa rơi lúa vãi; ở trường thì thi đua học hành, được đứng lên bảng danh dự, được nhận phần thưởng và gài bông hoa vải đỏ lên ngực là tột bậc hạnh phúc. Bao nhiêu năm sống như thế, giờ tôi mới nhận ra đó là những chuyện hão huyền. Đời sống thật sự của chúng ta chỉ quy tụ vào ba cái lỗ, một cái lỗ miệng bên trên, còn hai cái lỗ khác ở trong đũng quần. Chỉ quan tâm đến ba cái lỗ ấy là đầy đủ một kiếp sống.
- Nhưng còn ...
- Chả còn gì hết. Hoặc nếu còn, cũng chỉ là sự phỉnh phờ. Rặt những chuyện phỉnh phờ. Tôi cắt nghĩa cho các ông nghe : Tất thảy chúng ta đều bị triệt sản. Đàn ông thì thắt túi tinh trùng, hoặc dùng bao phòng tránh thai. Đàn bà phải đặt vòng, hết vòng con giun đến vòng tròn như cái nắp. Da dẻ xanh như đít nhái, mặt mày tái mét như trúng gió độc cũng cứ phải tiếp tục đeo vòng cho hoàn thành kế hoạch sinh sản để được nhận cờ thi đua cấp huyện, cấp tỉnh. Trong khi đó những kẻ ra lệnh cho chúng ta triệt sản có chịu thi hành chính mệnh lệnh của họ đâu. Vào trong tù tôi mới biết được sự thật ấy. Vào tù tôi mới biết trong khi dân đô thị ăn sắn ăn khoai, khẩu phần thịt mỗi tháng từ một lạng đến hai lạng rưỡi thì các quan lớn có sổ Tôn Đản tha hồ tọng vào mồm những gì họ thích. Thứ bảy, chủ nhật, toàn dân đi lao động xã hội chủ nghĩa thì vợ con các quan lớn nhảy đầm hoặc vẫy điếm đực vào buồng phục vụ. Tết nào nhà nước cũng yêu cầu dân chúng tiết kiệm trong khi các quan thừa thãi sâm nhung, quế phụ, bếp nhà họ đầy sơn hào,hải vị, hết cháo yến lại đến ba vị đại bổ hầm với sâm cầm. Như thế, không là sự phỉnh phờ thì các ông gọi là gì ?
- Ồ....quả tình chúng tôi không biết.
- Vì thế, tôi mới hiểu rằng bọn người đứng trên đầu trên cổ chúng ta chỉ cốt làm sướng ba cái lỗ của họ. Vậy dại gì chúng ta không làm trơn ba cái lỗ của chúng ta ?
Đến đây thì xóm giềng đều im bặt, phần bởi ngượng nghịu, phần bởi những điều Quý vừa nói quá mới lạ họ chưa biết phản ứng ra sao. Có người cho rằng anh ta nói cà trớn như vậy cốt gây sự chú ý đến ―những bài học trong tù mà quên đi những sự việc tồi tệ anh ta đã làm. Có người lại cho rằng Quý cố tình thổi phồng sự thực để tỏ ra anh ta bất cần đời, anh ta không chút mảy may mặc cảm, rằng chuyện đi tù với anh ta cũng giống như cuộc dạo chơi...
Nhưng hoá ra thiên hạ bé cái nhầm. Vài tuần sau đó, vợ Quý khóc mếu chạy đến uỷ ban xin cô Vui kí lệnh tháo vòng, với lý do ông chồng muốn có con đàn con đống, vì từ ngàn xưa tới nay người ta vẫn cho rằng nhà nào đông con nhiều cháu là ― phúc lộc đề đa; rằng nếu chị ta cưỡng lại ý thích của Quý anh ta sẽ đuổi chị ta ra khỏi cổng ngay tức khắc và đưa một đứa con gái thị thành, trẻ đẹp gấp ngàn lần ― con đĩ Ngân về nhà,...Cô chủ tịch mới hiểu rằng cô ta đang đứng trước một gã Chí Phèo thật sự, rằng ―vua cũng thua thằng khùng nên chẳng dại gì giơ đầu ra đối chọi với ―kẻ vừa thoát khỏi cánh cổng nhà tù. Không hỏi han thêm một lời, cô Vui giơ bút kí đánh xoẹt. Thế là tuần sau, vợ Quý xuống bệnh viện huyện tháo vòng. Buổi chiều hôm ấy, Quý ngồi uống rượu giữa sân, ngật ngưỡng như một lão già bẩy mươi tuổi. Nửa chừng bữa rượu anh ta cất tiếng chửi đổng:
- Con gái già biết thân biết phận cắm mặt xuống mà kí lệnh. Nếu không, tao sẽ cho nó biết thế nào là võ của các ―đại ca trong nhà giam.
Rồi Quý hạch vợ mang thêm rượu, nửa tỉnh nửa say, anh ta bảo hai đứa con gái với cậu con trai rằng:
- Tao bây giờ chẳng đảng bộ cũng chẳng uỷ ban, mọi dây trói đã được tháo cởi. Tao với mẹ mày cứ đẻ tha hồ, bao giờ hết trứng thì thôi. Đến lượt chúng mày cũng vậy ,cháu nội cháu ngoại đối với tao đều là lộc hết. Từ thượng cổ, các cụ đã dạy rồi:― có người là có của. Nhà mình mà đông, nhất loạt đánh một cái rắm cũng làm sập mái nhà chúng nó.
―Chúng nó đây ám chỉ vợ chồng ông Quảng với đứa con trai vừa chào đời, được đặt tên là Quế. Thời gian Quý ngồi tù cũng chính là thời gian cô Ngân mang thai. Người khác mang thai thì ốm nghén vài tháng liền, chẳng nôn oẹ cũng ăn toàn những thứ gớm ghiếc như ổi xanh, vôi sống, ớt tươi, cà đắng...Cô vợ trẻ của ông Quảng càng chửa càng đẹp như hoa mùa xuân, da dẻ láng mượt, hai má đỏ hồng. Khi bụng đã kềnh càng như cái trống mà cô vẫn chạy phăng phăng, vẫn lên nương xuống ruộng, cười ròn như pháo tết, chẳng mảy may tỏ ra mỏi mệt. Đủ ngày, đủ tháng, Bà Tư móm đưa cô xuống huyện đẻ, quay trở về khoe khắp làng trên xóm dưới rằng đứa bé lọt lòng có ba vòng tràng hoa quấn cổ, rằng vừa gỡ tràng hoa nó đã cất tiếng khóc vang khắp mấy gian nhà, rằng tuy là con đầu nhưng nó đã nặng bốn cân rưỡi, dài năm mươi chín phân tây. Với những con số như vậy, nó đích thực là đứa bé lọt lòng lớn nhất trong vùng, không chỉ Xóm tiều phu mà trên toàn huyện.
Ông Quảng đứng chờ vợ ngoài hành lang bệnh viện. Khi mọi việc xong xuôi, ông bước vào đeo lên cổ cô Ngân một sợi dây chuyền mặt đá tạc tượng Phật bà quán thế âm Bồ tát. Tất cả những sản phụ trong vùng sẽ phải ghen tị vì điều này. Vào ngày thằng bé đầy tháng, bà Tư móm đứng lên làm ba mươi mâm cỗ mời họ hàng gần xa. Ông bố bồng đứa bé trên tay thay vì cô vợ trẻ để chào họ mạc, điều ông chưa từng làm đối với những đứa con của người vợ trước.
Họ hàng nội ngoại, xa gần của ông Quảng đều công nhận chưa từng thấy thằng bé nào đẹp như Quế, rằng nó quả là xứng đáng với sự hãnh diện cả gia đình, rằng nếu cha già con cọc mà được như gia đình ông Quảng, hẳn trên cõi đời này sẽ có hàng triệu người mơ tưởng...
Phải chăng những gì xảy ra dưới mái nhà của người cha đã dội đến tai Quý làm con tim thù hận của anh ta nhức nhối. Những lời lẽ nửa tỉnh nửa say không che giấu được nỗi đắng cay độc địa. Người ta hiểu rằng nhà tù chẳng khiến cho đứa con trai tỉnh ngộ mà ngược lại nó càng gia tăng mối hờn oán đối với người cha. Giấc mơ ―phụ tử huyết chiến vẫn tồn tại, không ngừng ám ảnh tâm hồn người dân quê. Vào những đêm tối trăng, dân Xóm Tiều phu ngước nhìn bầu trời mịt mùng mây phủ, khắc khoải buông tiếng thở dài...
Tết năm ấy, Quý gả chồng cho hai cô gái cùng lượt. Lễ cưới diễn ra trong lúc vợ Quý sắp xếp áo quần chuẩn bị xuống huyện đẻ. Cái bụng lặc lè của chị ta đã tới tháng thứ tám. Rồi đứa con thứ tư của họ ra đời khi lễ ―Lại mặt của hai cô chị vừa kết thúc. Đó là một đứa con trai, được đặt tên là Chiến, một cái tên bao hàm đủ sở nguyện lẫn ý chí của ông bố. Chiến vừa được chín tháng, vợ Quý đã mang thai. Năm sau chị ta lại đẻ con trai, bố nó đặt tên là Thắng, cũng lại là một cái tên đầy tính biểu tượng, diễn tả ước mơ của bậc sinh thành. Cùng năm ấy, hai cô Mận và Đào cũng cho ra đời hai đứa con gái. Cô chị đẻ tháng trước, tháng sau tới lượt cô em. Hai đứa bé vừa đầy năm chưa kịp cai sữa, cả hai cô lại đã có nghén, mặt xanh như lá cải, và những đứa trẻ bú sữa độc, đi ỉa chảy cả tháng ròng. Cứ như thế, gia đình này sản xuất liên tục, bất chấp mọi đàm tiếu của làng xóm...Gặp được hai anh con rể yếu bóng vía, tuy bố vợ mất chức nhưng họ vẫn còn e nể, nên giấc mơ « nhà mình đông người, nhất loạt đánh một cái rắm cũng làm sập mái nhà chúng nó » của Quý có cơ trở thành hiện thực.
Tuy nhiên....Tuy nhiên....Bởi sự đời bao giờ cũng khởi đầu bởi hai chữ tuy nhiên...Tuy nhiên, trong lúc thực hiện giấc mộng điên cuồng của mình, Quý không lường nổi những hành trang cần thiết kèm theo một đội quân đông đúc như thế. Gia đình hai chàng rể lại túng bấn vào loại được xếp hạng thường xuyên cứu tế trong xã. Nghèo khổ, nhưng họ có thói vô lo của những người sống được chăng hay chớ, nói như các cụ thuở xưa :
« Được miếng sống ăn cả miếng sống, được miếng chín ăn hết miếng chín. »
Thế nên, tiếng là cưới vợ cho con trai, nhưng những gia đình này chẳng có mảy may trong tay cắc bạc. Từ lễ ăn hỏi, cho đến cỗ « đời sống mới » chỉ kẹo bánh với nước chè họ cũng phải ngửa tay đi vay hàng xóm rồi sau ngày « lại mặt », vợ Quý phải tuồn phong bì cho các cô con gái để các cô trả nợ đậy. Lễ « lại mặt » vừa xong, hai cặp vợ chồng trẻ quay lại nhà bố mẹ vợ vì không có phòng riêng. Ngày hợp hôn, bố mẹ chồng phải nhường chiếc giường độc nhất cho đôi tân hôn, vác chõng tre ra ngoài hè ngủ. Thế là vợ chồng cô Mơ cũng như cô Mận chia nhau năm gian nhà ngang của bố mẹ. Mỗi cặp hai gian, còn lại gian cuối cùng là nơi chất chứa tất thảy những thứ sản phẩm cũng như dụng cụ nông gia. Với thành tích sinh đẻ vượt bực như vậy, gia đình Quý bỗng nhiên rơi theo chiều thẳng đứng từ loại gia đình ngất ngưởng trên đỉnh phong lưu xuống hạng những gia đình bơi lội lóp ngóp trong vũng lội của nỗi bần hàn. Tiền bạc dự trữ tiêu tán nhanh như lá khô mùa đông bị gió cuốn. Sức lực của Quý chẳng mấy khả quan, cái duyên làm ăn của anh ta cũng vậy. Ba năm liền, Quý xoay sở chấn hưng nền kinh tế gia đình. Dưới quyền anh ta, hai chàng rể ngoan ngoãn, bố vợ bảo gì nghe nấy. Nhưng vị gia trưởng chẳng phải người nhiều trải nghiệm trong sản xuất, hai chàng rể vốn dĩ xuất thân từ những gia đình nghèo túng lại càng vô năng. Cả một đống người tụ tập trong ngôi nhà lớn như vậy, lẽ ra phải đem lại một hơi hướng nồng ấm, đầy sinh khí, và thóc lúa cũng như tiền bạc phải được nảy nở dồi dào...Nhưng số phận không mỉm cười với Quý. Chẳng những thế, thần may mắn còn nghiến răng kèn kẹt và hắt nước lạnh vào mặt anh ta. Mấy năm liền, tuy sắn khoai trồng riêng cũng như công điểm lao động cho hợp tác đầy đủ, nhưng những món ra bạc ra tiền Quý lại hoàn toàn thất bại. Mùa hái nấm, chỉ ba người đàn ông hùi hụi lên rừng, còn những người đàn bà hết chửa lại đẻ, con bên nách, con sau lưng, những lo nuôi con đã tàn lực. Việc sấy nấm, bao nấm xưa nay vẫn thuộc về đàn bà vì nó đòi hỏi sự kiên nhẫn và khéo tay, nay chính Quý và hai hàng rể phải đảm nhiệm nên phần bị hỏng khá nhiều. Món ra tiền đáng kể nhất là nuôi ong lại càng thảm hại hơn. Đàn ong nhà anh ta hết bị bệnh « ỉa chảy » lại đến bệnh « rụng cánh » chết dần chết mòn, trong khi nhiều nhà khác mật đặc như keo, đổ đầy chum lớn chum nhỏ. Quý chạy đôn chạy đáo, hết lần mò hỏi han những gia đình nhiều năm trong nghề cho tới công ty ong của tỉnh, nhưng tuyệt nhiên chẳng ai hiểu gì về căn bệnh quái ác này : Những con ong sớm hôm trước còn khoẻ, hôm sau tự nhiên nổi nấm mốc xanh trên lưng. Thứ nấm màu xanh lam giống như màu rỉ đồng chính là một loại kí sinh trùng, chúng ăn nhanh hơn cả tằm ăn rỗi, chỉ nội một ngày chúng đã ăn lan đến cuống chân cánh ong khiến cho con vật khốn khổ rụng cánh, quay tròn như hột lạc trong đõ vài giờ rồi chết. Có một sự rủi ro bí ẩn nào đó xảy ra với gia đình Quý mà nhiều người thì thầm sau lưng anh ta, nhiều người khác sợ đến nỗi không dám nói đến. Thảng có đi qua cổng nhà Quý, họ thấy cả ba gia đình trải chiếu ngồi ăn cơm trên sân, hoàn toàn giống cảnh những gia đình cố nông thời xa xưa, cùng vẻ nhếch nhác, cùng vẻ bất lực và không còn khả năng hổ thẹn. Quãng thời gian ấy, gia đình Quý là gia đình đầu tiên ăn cơm độn sắn trong Xóm Tiều phu. Vào chính lúc đèn măng-xông vẫn thắp sáng choang trên mảnh sân bao la của nhà ông Quảng, nơi xóm giềng vẫn được đãi một cách hào phóng xôi gà lẫn các loại bánh trái. Không ai dám nói một lời. Nỗi hoảng sợ trước một nghịch cảnh khiến những con tim họ vặn thắt và mọi lời lẽ đông cứng trong cuống lưỡi. Kế hoạch « đông con lắm cháu, phúc lộc đề đa » của Quý đã vấp phải bức tường chắn, sự khốn cùng.
Sự khốn cùng là người bạn xấu tính, nhưng là kẻ thù đáng kính trọng. Nó dạy cho địch thủ những bài học mà không trường lớp nào có thể thành công. Xưa nay vốn quen nghĩ rằng « quyền huynh thế phụ », rằng sớm hay muộn, ông Quảng cũng sẽ phải dàn hoà với anh ta để có đứa chống gậy tre, đội mũ mấn, khoác áo sô khi nằm xuống, Quý không mường tượng nổi rằng một ngày, cái người đàn ông anh ta từng gọi là cha ấy, cũng có khả năng nhìn anh ta như nhìn một kẻ qua đường.
Vào một sáng, Quý cùng hai chàng rể lên rừng đốn củi. Trời mới mơ sương, khí núi còn cuồn cuộn bốc trên các khe vực khiến ai nấy sởn da gà. Ba người đàn ông co ro trong những manh áo chưa đủ ấm, người nọ giục người kia rảo chân leo dốc để chống lại cơn giá rét. Đường dốc ngược, lại lắm đá gan gà. Những mảnh đá găm vào lớp đất ẩm sương dễ làm trơn tuột bước chân, nhất là những ai đi dép lốp. Rủi cho Quý, anh ta bỏ đôi giầy vải cũ ở nhà để đi đôi dép cao-su sáu quai cho nhẹ. Như thế, anh ta chính là nạn nhân đầu tiên tuột chân trên con dốc, lăn xuống vực. Đến ngang chừng sườn đá, một bụi gai già, kết chằng chịt những cành khô đã ngăn không cho anh ta rơi tiếp. Nhờ thế Quý thoát chết. Nhưng anh ta bị gãy bốn chiếc sương sườn. Vào lúc nằm chết dí ở bụi gai, chờ hai chàng rể xuống giải cứu, bất chợt anh ta ngước nhìn lên đỉnh dốc. Ông Quảng đứng đó, đang nhìn xuống vực. Trong tích tắc, ánh mắt của họ giao nhau. Lần đầu tiên, đứa con trai hiểu rằng mọi sự đã vĩnh viễn chấm dứt. Anh ta bắt gặp trong đôi mắt người cha một thứ lạnh lẽo rợn hồn. Thứ lạnh buốt của gió bấc tháng chạp. Thứ ánh sáng u ám của ngục luyện tội. Thứ trống vắng của những bãi tha ma. Anh ta rùng mình, vội vàng nhắm mắt lại.
Đận ấy, Quý phải nằm viện hơn hai tháng. Hai tháng ấy, anh ta thấu hiểu thế nào là sự khốn cùng. Thế nào là nỗi nhục nhã khi không đủ tiền viện phí. Thế nào là nỗi bào da, buốt ruột phải bưng bát cơm chan canh rau muống xuông trong khi kẻ khác ăn tô phở đầy tú hụ những thịt gà hay uống sữa bò. Thế nào là cơn rát mặt khi không mua nổi một bao thuốc lá lót tay cho anh chàng y vụ, hay không kiếm nổi túi kẹo làm quà cho đứa con ba tuổi của cô y tá chuyên tiêm thuốc, thay băng. Bốn chiếc xương sườn gãy cũng lâu lành vì ăn uống kham khổ. Khi vợ con nhất loạt bước vào phòng bệnh, anh ta mới có cơ hội nhìn họ từ xa, những kẻ ruột thịt của mình, cái đội quân đông đúc mà anh ta hy vọng sẽ có cơ trèo lên đầu lên cổ loại gia đình « độc đinh », áp đảo những mái nhà « neo sơ, quạnh người, vắng tiếng ». Đội quân ấy, dẫu được đặt tên Chiến và Thắng, chỉ là một mớ người nhếch nhác, còm cõi, sự thiếu dinh dưỡng in dấu lên từng gương mặt. Khi họ sống loanh quanh trong những giải núi trúc của Xóm Tiều phu, nỗi bần hàn không hiển lộ rõ ràng. Bệnh viện huyện, người khắp huyện đến đây. Người đứng cạnh người, gương mặt sát gương mặt, sự so sánh trong một bức tranh toàn cảnh bao giờ cũng là những chứng cớ hiển nhiên, một hiện thực không thể chối cãi.
Sau khi ra viện, Quý triệu tập gia đình, xuống lệnh hưu chiến :
- Thời này nuôi người khó hơn thời trước, chúng mày tạm dừng lại đã. Khi nào gia đình nhà ta vượng lên, lại đẻ tiếp.
- Bố dạy thế nào, chúng con xin thực hành như thế.
Hai cậu con rể ngoan ngoãn đáp. Vợ Quý lẫn cô Mơ cô Mận lặng thinh. Lệnh của bậc gia trưởng được ban ra quá muộn. Vợ chồng Quý đã có ba cậu con trai : Phú, Chiến, Thắng. Vì nghe câu :
― Tam nam bất phú, tứ nữ bất bần
nên họ đẻ tiếp đứa thứ tư. Nhưng lần này lại là con gái, mà lọt lòng được hai mươi ngày cũng chết vì quá yếu. Đứa bé đẻ ra nặng có cân tám, lại bị viêm phổi cấp tính, không trụ nổi. Còn cô Mơ, cô Mận, cô nào cũng ba nhóc bên lưng, với một cái thai bốn tháng trong bụng. Đẻ dày như sung, lại không được ăn uống đầy đủ, mẹ lẫn con đều xanh như tàu lá. Vợ Quý chỉ còn ba mươi lăm cân, da xếp nếp trên cổ. Hai cô con gái mới ngoài hai mươi tuổi mà má đã đầy vết nhăn như những chiếc râu mèo. Cả một đội quân đông đúc, chỉ những lo ăn đã héo ruột, héo gan, còn đâu thời gian lẫn tiền bạc mà chăm chút chuyện áo quần, khăn yếm. Thành ra, mỗi lần nhìn thấy họ,người làng ngao ngán bảo nhau:
- Trông kìa, con cái Mơ cái Mận bây giờ già hơn cô Ngân cả chục tuổi.
- Đích thị. Thế là cháu dâu già hơn bà trẻ cơ đấy. Thật lạ kì, bà trẻ lại càng ngày càng trẻ đẹp nõn ra. Xưa các cụ ví mỹ nhân lộng lẫy như tiên sa. Tiên sa cũng chỉ thế là cùng.
- Họ giàu thế sao không đẻ thêm nhỉ ?
- Nghe đâu cô vợ muốn, nhưng ông chồng lại không. Ông ấy bảo : Một thằng Quế đáng giá hơn mười đứa khác. ― Quý hồ tinh, bất quý hồ đa.
- Ờ, ông ta có lý. Một cục vàng trong tay còn hơn mười hòn chì trong túi.
- Nhà ấy sướng thật, vợ đẹp, con đẹp, ông chồng tuy già nhưng vẫn bảnh bao. Người ta bảo :
« Cơm trắng ăn với chả chim,
Chồng đẹp, vợ đẹp, những nhìn mà no. »
Chẳng ai chối cãi được rằng cô vợ trẻ của ông Quảng đúng là hình ảnh tiêu biểu cho câu ví : « Gái một con trông mòn con mắt. ». Dân quê, tuy một nắng hai sương nhưng lại thờ phụng làn da trắng. Chiểu theo chuẩn mực ấy, cô Ngân là mỹ nhân ngoại hạng vì da cô không những trắng nõn mà còn mơn mởn như da đào khiến thiên hạ tưởng chừng cô đang còn ở tuổi ấu nhi. Ngược lại với làn da non mởn, đôi mắt cô đen như than, nhóng nhánh như sóng nước, với hai hàng mi dài rợp bóng bên trên, khiến tâm hồn chúng sinh tan nát. Đẻ xong, cặp môi cô như đỏ hơn, dầy hơn thời trước, giống trái cây mọng nước, hứa hẹn chất cam lồ của những nụ hôn. Ngực cô cũng nở ra hơn, căng vồng như hai trái bưởi dưới lần áo mỏng. Và cặp đùi cũng như các bộ phận khác trên cơ thể, thảy thảy đều gợi cho người ta cảm giác của một mùa hoa dâng đầy, ngào ngạt hương thơm tình ái.
Trong những ngày lên rừng hái củi hoặc xuống ruộng cầy vỡ, thứ công việc chỉ thuần đàn ông đảm đương, dân Xóm Tiều phu thì thầm vụng lén với nhau :
- Trên đời này chỉ lão Quảng là sướng. Vợ vua cũng chỉ đẹp đến thế là cùng.
- Ờ...xem phim Liên-xô, ối cô đào còn kém nước cô ta. Ông Quảng bỏ tiền bỏ của xây nhà lầu cho bố mẹ vợ cũng phải. Mấy người sinh được mỹ nhân ?
- Nghe đâu cô ấy đã được tuyển vào văn công trung ương rồi đấy.
- Rõ hoài của, giá cô ta vào văn công thì bao nhiêu người được ngắm.
- Vớ vẩn, vào văn công trung ương thì chẳng bao giờ cô ta thèm đặt chân đến nơi khỉ ho cò gáy này ?
- Ờ nhỉ, tôi quên mất.
- Giờ, tôi hỏi các ông một câu: Giá được ngủ với người đẹp như cô ta một lần, rồi sớm mai lên máy chém, các ông có dám hay không ?
- Dám quá đi chứ. Đời người được mấy tấc gang ?
- Ồ không, tôi chẳng dại....Cô ấy đẹp thật. Trước người đẹp thằng đàn ông nào chẳng thèm rỏ dãi, nhưng còn bao nhiêu chuyện phải tính trên đời.
- Chuyện gì ?
- Gia đình, gia tộc, tương lai con cháu, mồ mả ông cha. Ai dại gì mà cúi đầu nghe theo cái con củ ?
Những cuộc đàm thoại như vậy như ngọn gió luồn từ núi nọ qua núi kia, từ vực này bay sang vực khác. Và cuộc sống nơi Xóm Tiều phu như vậy diễn ra trong nhịp điệu bình thản vùng sơn dã. Người ta vẫn thấy chiếc xe ngựa của ông Quảng khi đi, khi về, tiếng lục lạc reo ròn rã trên đường thôn. Mỗi bận ông về, mảnh sân nhà ông lại sáng rực ánh đèn, lại rộn rã tiếng người chuyện trò xen lẫn tiếng đài Sương-mao, khi thì là bản tin, khi thì là tiếng hát lanh lảnh của cô ca sĩ Thương- Huyền :
« Lặng nghe bên bờ suối, có con chim đang chuyền...
Lặng nghe con tim em, tình yêu anh ca hát... »
Mùa đông tàn cất tiếng gọi mùa xuân. Mùa hè chưa qua những làn sương heo hắt đã từ các ngọn núi lan xuống báo hiệu một mùa thu dài đầy mưa bão. Thấm thoắt đến ngày cu Quế đầy năm tuổi, tuổi mà mọi đứa trẻ Xóm Tiều phu phải đến lớp vỡ lòng. Cả xã, chung một trường tiểu học. Nhưng thôn Thượng, thôn Trung, thôn Hạ đều có lớp vỡ lòng kèm theo lớp mẫu giáo riêng. Lớp mẫu giáo lại chia làm hai : lớp bé dành cho trẻ từ ba đến bốn tuổi ; lớp lớn dành cho trẻ từ bốn đến năm. Còn trẻ năm và sáu tuổi đều được tuyển chung vào lớp vỡ lòng, lớp chính thức dạy chữ viết, các con tính đơn giản với bảng cửu chương, chuẩn bị cho năm thứ nhất của trường tiểu học. Như vậy, tất thảy những gia đình có con từ ba đến sáu tuổi ắt phải thuộc con đường dẫn đến lớp học này. Lẽ ra, cu Quế đã phải đến lớp từ lâu, nhưng là con một, quý tử được mẹ lẫn chị Tư móm cưng chiều nên bỏ trốn lớp mẫu giáo. Ở nhà, hai người đàn bà dạy nó chữ cái, đếm các con số, phép cộng, phép trừ sơ giản. Khi nó đã tròn năm tuổi, họ không còn lý do để giam nó trong những vòng tay âu yếm của mình.
- Năm nay, cu Quế phải đến lớp học như mọi đứa trẻ trong làng.
Ông bố ra lệnh.
- Vâng, cháu cũng đã nghĩ đến việc ấy.
Bà Tư móm đón lời.
Cô Ngân lặng thinh, nhưng mở tủ chìa cho ông Quảng xem chiếc cặp da mới tinh, trong đó đã đầy đủ sách, vở, bút, phấn....tất thảy những gì cần thiết cho ngày tới trường của Quế .
Vùng sơn dã, xóm nọ cách xóm kia một quãng đường dài, có khi là một giải núi, không chen chúc như những làng dưới vùng châu thổ sông Hồng hay sông Mã. Trên một vùng dài rộng như thế, các đội sản xuất có thể cả năm không gặp gỡ nhau, nếu chẳng có những ngày họp đại hội toàn xã. Cũng vì vậy mà qua mấy năm liền, kể từ mùa hái nấm đầu tiên chạm trán nhau trên con dốc độc đạo, cô Ngân không còn nhìn thấy vợ con Quý. Bởi từ mùa nấm năm sau, cô nghỉ đẻ và nuôi con. Khi đứa bé khá lớn, đức lang quân ra lệnh :
« Ra tay một lần cho thiên hạ biết mặt, thế là đủ. Chúng ta không thiếu miếng ăn để phải lăn lóc xuống núi, lên rừng ! »
Ngân lặng im. Chính cô cũng không còn muốn nhìn lại những gương mặt thù nghịch. Vào những dịp hội họp toàn xã, họ tìm cách tránh mặt nhau. Ngay đến cả những ngày đội y tế huyện về tiêm phòng bệnh cho trẻ, nhà nọ cũng dò hỏi láng giềng chờ nhà kia ra về rồi mới đặt chân tới. Cô vợ trẻ của ông Quảng sống với hạnh phúc của cô. Gia đình đứa con trai ông sống với những cơn vật lộn trong bão táp mưu sinh và những nỗi niềm riêng của họ. Ngày tiếp ngày, tháng qua tháng, năm rồi lại đến năm...cuộc sống trôi đi như dòng sông lớn cuốn theo nó phù sa lẫn rác rến, bèo bọt. Dường như cô Ngân đã quên cái thời cô mới đặt chân về Xóm Tiều phu, cô đã quên đi những khoảnh khắc kinh hoàng, tàn độc, dường như cô đã quên những con người đứng trong bóng đêm quá khứ của ông chồng, những cái tên gắn chặt với một kỉ niệm xấu xa khủng khiếp. Còn họ, chắc chắn họ nhớ đến cô, vì những kẻ nép mình trong bóng tối thường nhìn rất rõ người đứng giữa vùng ánh sáng.
Rồi, ngày khai mạc lớp vỡ lòng và mẫu giáo cho trẻ em thôn Thượng đã đến. Tất thảy các bà mẹ đều phải dẫn con mình đến nơi ấy, trong cái ngày vô cùng trọng đại với cuộc đời đứa trẻ. Ở đấy, chúng sẽ được học múa, học hát, học vẽ trên cát và trên bảng. Chúng sẽ học những bài đồng dao đầu tiên. Chúng sẽ học những câu thơ đầu tiên mô tả thế giới xung quanh, cái thế giới mà người ta đã đặt chúng vào và chúng phải khám phá để tồn tại...Bởi thế, ai ai cũng hiểu rằng lớp vỡ lòng và mẫu giáo tuy chỉ là một bộ phận độc lập của trường tiểu học nhưng thực sự lại là lớp học quan trọng nhất, khởi đầu cho tuổi thiếu niên. Không phải trẻ con mà chính các bà mẹ mới là những người hồi hộp nhất. Có lẽ, đấy cũng là ngày hạnh phúc, nếu có thể gọi như thế. Ngày ấy, trái tim xốn xang, những người mẹ dắt con bước qua ngưỡng cửa gia đình để gửi gắm vào một mái nhà khác. Lần đầu tiên, họ tách rời những đứa con để giao phó cho người ngoài. Gần giống như chim mẹ đẩy chim con ra khỏi tổ để chim con buộc phải học bay, có một chút xé lòng, có một chút khắc khoải, có một chút đắn đo, và sau cùng, có rất nhiều hy vọng.
Vào cái ngày trọng đại ấy, chẳng ai nhớ rằng cả thôn chỉ có ngôi nhà duy nhất dành cho hai lớp mẫu giáo lẫn vỡ lòng. Và do đó, sự chạm trán giữa những kẻ vốn là cừu thù sẽ không tránh khỏi. Ấy là một ngôi nhà ba gian cao rộng, toạ trên sườn đồi, dưới bóng mát của một cụm du già, bốn mùa xanh rì màu lá, bốn mùa lảnh lót tiếng chim. Phía trước, một mảnh sân rộng và khá bằng bặn, rải sỏi. Chính giữa sân, một vườn hoa tí xíu trồng chen chúc đủ loại hồng gai, cúc tím và mào gà. Xung quanh vườn hoa là sườn đồi rộng, mọc đầy những thứ cỏ gà, cỏ tóc tiên, cỏ gấu, cỏ chuồn chuồn. Giờ ra chơi ,lũ trẻ sẽ tha hồ bò lăn, bò lết. Sườn đồi nghiêng xuống một bờ cây bạch đàn. Bờ cây ấy chạy dọc theo đường thôn, nơi các bà mẹ sẽ từ hai ngả khác chiều đổ tới, hai chiều đó dẫn từ hai khu dân cư thuộc xóm bắc và xóm nam thôn Thượng.
Sáng hôm ấy, cô Ngân cho con ăn sớm hơn thường lệ, rồi tụ tập với những người mẹ trẻ xóm bắc. Hơn một chục bà mẹ, với ngót hai chục đứa bé tạo thành một đoàn vui vẻ. Vừa vượt qua rặng cây, nhìn thấy ngọn đồi lũ trẻ đã nhất loạt chạy lên . Cả bọn vừa chạy vừa la hét. Ngôi nhà trắng với khóm cây du già mời gọi chúng. Trên đó, đã lố nhố những người. Dân xóm nam đi sớm hơn bọn họ. Không gian tràn đầy tiếng nói cười. Hoà vào đó là tiếng chim hót, khúc nhạc rộn ràng làm xanh thêm khung trời xanh ngắt mùa thu.
Như những người mẹ khác, không khí buổi tựu trường khiến Ngân sung sướng. Như họ, cô cũng nói cười xôn xao và đuổi theo đứa con trai của mình. Lũ trẻ luôn luôn nhanh chân hơn các bà mẹ, khi chúng muốn vượt qua những vòng tay giằng trói. Lúc Ngân túm được cu Quế, cũng là lúc cả bọn đã tới sân trường. Trước mặt họ, ngay trước khuôn cửa lớp vỡ lòng, ông giáo Tốn đứng chỉnh tề, kính trên sống mũi, áo sơ-mi gài tận cổ, cuốn danh bạ mở sẵn trên tay. Hai bên ông là hai cô giáo trẻ, cô nào cô nấy diện áo phin hoa, nơ cài trên tóc. Ba người đứng theo đúng đội hình trường học : ông giáo Tốn dạy vỡ lòng, lớp chính giữa. Bên trái là lớp mẫu giáo bé, và bên phải là lớp lớn. Ba lớp ngăn cách nhau bởi những bức tường xây con kiến, quét vôi trắng, trang hoàng bằng những bông hoa vải đỏ. Bức tường chính diện treo tấm bảng danh dự, đề hàng chữ to tướng : « Trò giỏi, bé ngoan. » .
Tất thảy những con mắt của các bà mẹ tập trung vào đôi kính trên sống mũi ông giáo Tốn, nhân vật quan trọng nhất, con người mà họ sẽ kí thác lũ trẻ, người thầy sẽ dìu dắt chúng những bước đầu tiên chập chững vào đời. Ông giáo dạy vỡ lòng từ thuở còn là một chàng trai, từ thời chính quyền còn nằm trong cái tráp của ông lý trưởng, cái thời mà người ta gọi những ai đi làm nghĩa vụ quân sự là « bị bắt lính », và nhà nào càng đông con trai thì càng phải đóng nhiều xuất thuế đinh. Chiến tranh, cách mạng, trường kì kháng chiến, cải cách ruộng đất rồi lại sửa sai, chia ruộng rồi lại thâu tóm đất đai về một mối, thâu tóm về một mối rồi lại phải san sẻ một phần ra « đất phần trăm của gia đình » vì có nguy cơ chết đói....Tất thảy những biến dời ấy không chạm tới được lông chân ông giáo Tốn, kể ra cũng là một sự lạ lùng. Người thì bảo ông ấy ăn hiền ở lành nên thần linh phù trợ, người lại cho rằng thời nào con người cũng sinh con đẻ cái. Ai ai cũng máu đỏ, ruột mềm. Ai ai cũng muốn con mình trở thành người tử tế. Đã muốn thế thì phải biết kính trọng ông thầy. Theo cái chân lý mộc mạc ấy, ngay cả những kẻ ngu dốt, tàn độc và đểu cáng nhất nhảy lên làm « ông nọ bà kia » trong thời cải cách cũng chẳng dám hạ nhục hay hành hạ cái con người được coi như hiện thân của tinh thần trách nhiệm và tình yêu trẻ. Buổi tựu trường hôm ấy, người ta dán mắt vào cặp gọng kính trên sống mũi ông với niềm tôn kính và sự chăm chú tuyệt đối. Ông già mảnh khảnh, nghiêm trang kia chính là người quyết định phần đầu cuộc đời của con cái họ. Ông giáo Tốn chờ cho moị người tề tựu đủ, nhìn khắp bốn bên để kiểm tra lần cuối xem còn sót ai không. Đoạn ông nâng cuốn danh bạ lên cho vừa tầm mắt. Cuộc điểm danh bắt đầu, theo thứ tự chữ cái, khởi từ những đứa trẻ có tên A : An, Anh, Ánh, Ảnh...Ngân biết rõ con cô sẽ xếp vào gần hạng cuối cùng với vần Q. Nhưng cô lắng nghe tên những đứa trẻ láng giềng, cũng với một tinh thần chăm chú bởi chúng chính là những người bạn đồng môn với con mình.
Bất chợt, cô giật nảy mình khi nghe ông giáo già xướng tên :
- Lại văn Chiến.
Một giọng đàn bà lí nhí đáp lại :
- Dạ, cháu có đây
Ông giáo già đọc tiếp :
- Lại văn Thắng.
Đọc xong, ông ngước lên nhìn mọi người, giải thích :
- Trò Thắng tuy đứng ở vần T nhưng gia đình yêu cầu cho được xếp cùng hàng ghế với anh ruột, Lại văn Chiến. Lý do ấy chính đáng, vì thế tôi đã vượt qua thứ tự chữ cái để gia đình được toại nguyện. Trò Thắng có mặt chưa ?
- Dạ, cháu có đây.
Giọng đàn bà lí nhí đáp lại, nhưng chẳng ai nhìn thấy chị ta đâu. Ai đó lên tiếng giục :
- Đưa cháu lên hàng trên. Sao mà luấn quấn vậy ?
Nhưng người mẹ vẫn lặng thinh. Lúc ấy Ngân mới hiểu rằng người đàn bà có giọng nói lí nhí, nép mình sau lưng những người khác chính là vợ Quý. Hai đứa trẻ vừa được xướng tên chính là con chị ta. Cả một đám người trồi lên từ vùng sương mù quá khứ. Cái vùng bóng tối mà cô ngỡ đã quên, giờ quay trở lại. Lại văn Chiến, Lại văn Thắng... Chúng đích thị là những cành nhánh có liên đới đến gốc rễ : Lại văn Quảng...Những cành nhánh ấy giằng néo đến đứa con trai xinh đẹp của cô : Lại văn Quế. Và chắc chắn mai đây những gã đàn ông bé nhỏ mang họ Lại này sẽ cùng chạy nhảy, nhào lộn trên sườn đồi đầy cỏ hay dưới bóng những cây du...Ý nghĩ ấy vừa như hiển nhiên vừa lạ lùng và khiến cô hoang mang trong giây phút. Rồi cô thấy ông giáo Tốn sửa cặp kính trên sống mũi, đưa mắt nhìn quanh :
-Nào, hai anh em Chiến Thắng bước lên hàng trên cho các cô giáo rõ mặt. Hai cháu sẽ cùng ngồi một lớp mẫu giáo lớn phải không ?
- Dạ, thưa thầy cho cả hai đứa vào lớp bé. Thằng anh hơn thằng em có một tuổi rưỡi, con cho nó ở nhà chơi với em rồi cùng đến trường một thể.
- Thôi được, thế cũng tiện. Nào, đưa các cháu lên đây...
Ông giáo già vừa cười vừa đáp. Những người đứng hàng trên lẳng lặng rẽ sang hai bên để nhường lối cho người mẹ dắt hai đứa con từ phía sau bước lên. Lúc ấy, Ngân mới nhìn ra vợ Quý. Ngay tức khắc, một cơn rùng mình như điện giật toàn thân. Trước mặt cô là một người đàn bà héo rũ như nắm giẻ, gương mặt hóp lại như mặt chim với cái cằm nhọn. Hai quầng mắt thâm tương phản cặp đồng tử bạc phếch khiến cặp mắt chị ta giống mắt của kẻ mắc chứng máu trắng trong thời gian hấp hối. Màu da của chị ta gần như màu da xác chết, với những nếp nhăn dài như nan quạt xếp lại hai bên thái dương và dồn từng nhúm dưới cần cổ. Từ trán xuống mang tai lốm đốm những vết sạm nâu. Không ai có thể tin đó là một người đàn bà hơn bốn mươi tuổi. Chị ta còn già hơn cả một người ở tuổi sáu mươi vì phía trên gương mặt tàn tạ ấy lại là một mái tóc xơ xác với những lọn tóc bạc trắng chạy từ trán lên đến tận đỉnh đầu.
Có lẽ Ngân đã thốt lên một tiếng kêu hoặc làm một cử chỉ nào đó khiến mọi người quay lại nhìn cô. Lúc ấy, họ mới nhớ rằng cô là người duy nhất trong xã không chứng kiến sự tàn phá xảy ra trong gia đình Quý. Những người khác đã chứng kiến sự suy sụp ấy từng ngày, từng tuần, từng tháng. Họ nhìn thấy những người đàn bà kiệt lực vì sinh đẻ và đói ăn, những đứa trẻ thiếu dinh dưỡng bụng ỏng, đít vòn. Những gương mặt tối sạm lần lần cùng năm tháng. Họ không ngạc nhiên bởi sự huỷ hoại của đói nghèo đã diễn ra trước mắt họ như một cuộc trượt dài từ trên đỉnh núi xuống chân núi, một chu trình từ cây cỏ non tháng hai cho đến xác cỏ khô tàn vào tháng chín, tháng mười. Với họ, những hình ảnh ấy đã được tập nhiễm, đã trở thành quen thuộc. Chỉ riêng cô, đứng ngoài hiện thực này.
Khi thấy tất cả mọi người quay lại nhìn Ngân, bắt buộc vợ Quý cũng phải ngẩng đầu nhìn kẻ cừu thù. Hai luồng mắt giao nhau, cô Ngân bật lên một tiếng kêu, không rõ vì kinh hoàng, vì sợ hãi, hay vì động tình thương xót. Hoặc là cả ba thứ cảm giác đó hoà trộn thành một mối xúc cảm bất khả duy danh. Rồi nước mắt trào qua mi. Người đàn bà trẻ mím môi, cố giữ lại cơn thảng thốt, nhưng đôi môi cô run bần bật và sau một cố gắng cuối cùng, tiếng khóc tràn qua mọi ghìm nén, bật thành cơn. Ở đầu bên kia sân, vợ Quý cũng run như con cò chịu bão. Chị ta cũng khóc nức nở, cắm mặt xuống mà khóc, nước mắt chảy dài trên gương mặt rúm lại vì đau đớn và tủi nhục. Ai nấy trân trân nhìn họ. Mắt những người đàn bà đỏ hoe. Vài cô gái sụt sịt chùi mũi. Ông giáo Tốn dừng lại cuộc điểm danh. Những đứa trẻ im lặng sững sờ. Không gian bỗng nhiên chỉ còn tiếng gió. Và trên tiếng gió, tiếng chim hót nhởn nhơ.
Như thế, trôi qua những khoảnh khắc mà tất thảy mọi người đều bối rối. Sau đấy, ông giáo Tốn cất lời :
- Nào, trò Chiến, trò Thắng lại đây.
Khi hai đứa bé rụt rè tiến đến trước mặt ông, ông giào già dắt chúng bước về phía mẹ con cô Ngân :
- Đây là trò Lại văn Quế, các trò là những người có cùng một dòng máu. Từ hôm nay các trò sẽ cùng học dưới một mái trường, cùng chơi trên một sân cỏ. Hãy chào nhau đi !
Ba đứa trẻ chưa hiểu nổi những gì người ta yêu cầu chúng phải làm. Chúng nhìn nhau bỡ ngỡ. Một đứa cao lớn, trắng trẻo, sạch sẽ thơm tho từ đầu xuống chân. Hai đứa kia ốm nhách, gương mặt nháo nhác bần hàn. Lúc ấy, vợ Quý tiến đến, đẩy lưng hai đứa con trai :
- Chúng mày chào chú đi. Nói rằng : chúng con xin chào chú Quế.
***
Sau buổi tựu trường, Xóm Tiều phu sôi động. Nước mắt của hai người đàn bà thù nghịch khơi dậy ngọn gió lành. Phải chăng chúng chính là những dòng suối rửa oán hờn, nơi con người có thể lặn ngụp để tẩy sạch những vết đen trong tâm khảm ? Dân quê vốn không thích những lý thuyết mỹ lệ, nhưng họ chú tâm đến các sự việc xảy ra trước mắt mình. Hiện thực quan trọng nhất với họ là hiện thực được cảm thức bằng giác quan. Điều trước tiên họ thấy là cô Ngân đã đứng ra đóng toàn bộ chi phí học hành cho những đứa con trai Quý. Rồi vào ngày ông Quảng trở về, trong bữa cơm tối gặp gỡ láng giềng như thường lệ, Chiến và Thắng được mẹ chúng sai :
- Vào nhà chào bà trẻ. Rồi bà trẻ cho gì thì mang ra đây.
Hai đứa bé vào bếp còn vợ Quý đứng nép ngoài bờ dậu nhà hàng xóm. Lát sau, chúng quay ra, lễ mễ xôi với gà. Ba mẹ con trở về, như đội quân quay về thành trì với chiến lợi phẩm. Lần thứ nhất còn lúng túng, ngượng ngùng. Lần thứ hai, thứ ba trở đi mọi sự diễn ra như một thứ hiển nhiên tuyệt đối. Gặp người làng người xóm, vợ Quý không chờ những câu hỏi xa, hỏi gần, mà gióng giả nói trước :
- Hôm nay trên nhà ông cháu có liên hoan, bà trẻ nhắn lên lấy phần.
Dân làng mừng cho họ, nhưng người ta không khỏi tò mò. Họ muốn biết phản ứng của bậc gia chủ ra sao.
Lần nào đó, nhân dịp cả xóm cùng lên rừng hái củi, một cô bạo mồm bạo miệng hỏi Mơ :
- Thế xôi gà , bánh trái nhà ông nội, bố Quý có ăn không ?
- Không. Chẳng những không ăn, lần đầu thấy mẹ tôi vác phần lộc về nhà, ông ấy còn ném vỡ tan cái bình tích.
- Sao lại thế ?
- Bởi bố tớ hận, ông ấy chửi : Chúng mày làm nhục ông. Vợ với con toàn lũ khốn nạn, toàn đồ chết giẫm.
- Cho đến tận giờ vẫn thế hay sao ?
- Không. Từ lần thứ hai trở đi, ông ấy không chửi nữa. Nhưng ông ấy vào buồng nằm. Mẹ tớ bảo mọi người không được ngồi sân ăn mà phải chui vào bếp.
- Để làm gì ?
- Để cho ông ấy khỏi ngứa mắt.
- Vẽ chuyện.
- Ai biết được lòng người ?
Cô Mơ kết luận, vẻ bí ẩn. Người ta không thể hỏi thêm điều gì nữa.
Cuối mùa đông năm ấy, Quý bị cảm nhập tâm. Hai đứa con rể phải võng anh ta xuống bệnh viện huyện. Chắc chắn đó là hậu quả của mấy năm quyết chí phục thù, hao tâm tổn sức mà chỉ gặt hái được những thất bại, đắng cay. Cảm cúm là thứ tai nạn mà thảy thảy mọi người đều chạm trán, trừ những ai chân sắt da đồng. Nhưng với người bình thường, khi phải cảm chỉ cần trục xuất gió độc bằng cách cho bệnh nhân nôn, đại tiện hoặc đánh gió, xông hơi, rồi sau đấy cho họ ăn cháo loãng thật nóng và nằm nghỉ. Cảm nhập tâm chỉ xảy đến với những ai đã suy kiệt, cơ thể không còn khả năng chống đỡ sự tấn công của ngọai cảnh. Bị cảm nhập tâm nặng có thể đột tử, nếu nhẹ cũng phải tốt thuốc và bồi dưỡng dài ngày. Buổi trưa Quý ngã bệnh, anh ta vừa đi làm đồng trở về, vừa bước vào giếng dội gáo nước tắm đã lăn đùng ra ngay, toàn thân cứng như đá, da đen tím. Người làng vạch tấm chăn che võng ra nhìn, lắc đầu. Vợ Quý chạy te tái sau, miệng méo xệch, nước mắt chảy dài trên má.
Nhưng chắc hẳn số Quý chưa tận, nên ở dưới viện, anh ta may mắn gặp được một bác sĩ tốt tay nghề và được cứu thoát. Sau ba ngày hôn mê, ngày thứ tư anh ta mở được mắt ra và húp được lưng bát nước cháo. Vợ Quý quay về làng, vì còn một trăm thứ việc phải lo khi ông chồng vắng mặt. Chị ta về buổi trưa, ngay buổi chiều bà Tư móm đã dẫn thằng cu Quế đến cổng, dặn dò :
- Đây là nhà anh Quý, bố thằng Chiến với thằng Thắng. Em cứ đi thẳng qua sân lên nhà trên mà gặp mẹ chúng nó.
Quế bước vào, đi qua sân lên thẳng nhà trên, theo đúng lời chị Tư móm dặn. Ở đó, nó đưa chiếc phong bì dày cộp cho mẹ hai đứa cháu đồng môn:
- Mẹ em bảo đưa cái này cho chị.
Người làng đứng bên ngoài hóng chuyện. Sau cùng, ai nấy đều buông tiếng thở dài :
― Thế gian muôn đời vẫn vậy. Máu chảy ruột mềm...
Và người ta nhìn lên đỉnh Lan Vu, như thầm cầu xin các vị thần linh chứng giám cho sự thanh lọc của cõi người, xin cho giấc mơ ― Phụ tử huyết chiến được hoá giải, xin cho cuộc sống của sơn dân được vĩnh hằng với những niềm tin và những ước mơ an lành lưu truyền tự ngàn xưa.