Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Dài >> Đỉnh cao chói lọi

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 47548 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Đỉnh cao chói lọi
Dương thu Hương

TRUYỆN XÓM TIỀU PHU (10)

Mùa hái nấm qua đi như một thứ hội hè. Người ta thường nói tháng giêng là tháng ăn chơi, nhưng với dân Xóm Tiều Phu, tháng giêng lại là tháng làm cật lực. Trừ những ngày mồng bẩy, mồng tám và ngày mười bốn, mười lăm, dân chúng đi lễ chùa, không nghĩ tới đồng tiền bát gạo. Thời gian còn lại, ngày nào cũng được hoạch định ra tiền :
- Hôm nay nhà chị được bao nhiêu ?
- Năm cân bẩy.
- Thế cũng tàm tạm.
- Tạm làm sao ? Thua xa nhà con Minh thôn Hạ. Nhà ấy cũng một mẹ một con như nhà tôi mà mỗi ngày trung bình kiếm được bẩy cân rưỡi.
 
- Bì sao được với họ ? Cả hai mẹ con đều khoẻ như hùm. Chúng nó leo núi chẳng khác gì dân Sán Dìu, Sán Chỉ.
- Nhà bà cũng kiếm tốt đấy chứ, ngày nào cũng ngót nghét một yến.
- Cả ba mẹ con làm không kịp thở, tuốt mồ hôi lưng, đêm về hai bắp chân đau ê ẩm ...Nhưng nhờ trời, thế cũng bõ. Mùa nấm năm nay bằng ba vụ sắn.
- Đúng thật, trồng sắn chẳng ăn thua.
- Chúng ta ngẩng lên chẳng bằng ai, nhưng nhìn xuống cũng ối kẻ thèm được như mình. Trời thương ra tay cho lộc, ngoài ruộng nương còn có rừng, có ong, có nấm. Trần xì mỗi hạt thóc hay củ sắn chỉ có nước ăn cơm độn quanh năm với cà muối hay mắm tôm chưng.
- Phải. Chẳng trách chi dân những vùng độc canh dạ dày quanh năm lép, quần một mảnh áo một manh.
Cô Ngân tuy chẳng phải dân sở tại nhưng cũng không chịu kém cạnh ai, tuy một mình nhưng ngày nào cũng trên dưới bốn cân nấm. Bà Tư móm khoe khắp họ hàng :
- Mợ Ngân về làm dân Xóm Tiều Phu chưa kịp ấm chỗ mà tay lam tay làm còn hơn chán vạn người khác.
« Chán vạn kẻ khác » ở đây bao gồm ba mẹ con nhà Quý với đám đàn bà ngứa lưỡi chưa biết nếp tẻ xuôi ngược ra sao đã dài mồm chê :
- Cái ngữ áo đỏ, áo xanh ấy làm sao leo nổi núi ? Có hoạ chăng leo lên được lên bụng chồng.
Cái sự « leo lên bụng chồng » thì chỉ ông Quảng mới biết, nhưng việc leo núi hái nấm thì cả làng cả xã phải rõ rành rành, bởi ngày nào người ta cũng cân đo, đong đếm, ngày nào người ta cũng cộng các con số. Nhà nào cũng có một cuốn sổ để ghi chép từ đầu vụ đến cuối vụ, một thói quen ganh đua giữa các gia đình, một cách trực tiếp khích lệ lao động, nhưng nhiều khi cũng lại là duyên cớ làm nảy sinh những ghen tuông. Như thế, cuối vụ nấm, những ai sớm bĩu môi bĩu mỏ chê cô gái « áo đỏ áo xanh như con cào cào » đều phải sượng sùng cúi đầu làm thinh. Cô thợ quét vôi từ thành phố lên đã ăn đứt đám đàn bà sở tại. Ông chồng ở nhà vừa lo cơm nước vừa xoay sở sấy nấm mệt vã mồ hôi nhưng hớn hở như trẻ được quà. Chẳng nói ra nhưng mùa nấm năm nay chính là trận thử thách thứ nhất đối với cô vợ trẻ của ông. Họ lấy nhau khi chưa kịp qua giỗ đầu của bà Quảng, hơn nữa cô Ngân lại quá trẻ quá đẹp và ông thừa biết tất thảy những thứ « quá » ấy đều gợi lòng ghen tuông lẫn hậm hực của người đời. Nhiều bận, ông bắt gặp lũ trẻ rong chơi ngoài đường thôn nghêu ngao hát :
« Áo đỏ áo xanh
Là ả cào cào
Nơi nảo nơi nào
Mà mày bay đến .... »
Ông hiểu những câu đồng dao cũ kĩ ấy được moi lên để ám chỉ ai. Cho dù vợ ông không bao giờ mặc áo đỏ , màu duy nhất cô ấy thích là màu xanh, nhưng cái thành ngữ kép ― áo đỏ áo xanh đối với dân quê nhằm ám chỉ những người đàn bà đỏm dáng thái quá, nhưng cũng còn ám chỉ những cô gái ở xóm chơi, những ả hát cô đầu . Mùa nấm qua đi cùng với tiếng thở phào của ông, bởi cho dù là người quả quyết, ông cũng biết rằng dư luận công chúng là sức mạnh không dễ vượt qua.
Giờ đây, dù muốn hay không, cái quan niệm ―con đĩ thị thành áo xanh áo đỏ không còn cơ tồn tại. Bằng năng lực lao động của chính cô ấy, vợ ông có quyền đánh bại bất cứ kẻ vu khống nào. Nói như bà Tư móm:
― Từ giờ trở đi, đứa nào dài mỏ nói láo, mợ Ngân cứ việc lấy gậy mà gang họng nó ra ...
Đương nhiên, bà Tư không chỉ nói một lần mà lặp đi lặp lại nhiều lần ở mọi nơi chốn một cách đầy dụng ý. Những lời lẽ cong cớn ấy được coi như một thứ cảnh báo chính thức nhất, cổ truyền nhất mà những người đàn bà Xóm Tiều Phu vẫn quen dùng để tự vệ.
Khi mùa hái nấm chấm dứt, chỉ còn lại những gia đình rỗi việc hoặc đông con là tiếp tục mót nấm ở những xó rừng hẻo lánh, còn đa số dân xã ở nhà để hoàn tất khâu lao động cuối cùng : sấy nấm và đóng bao nấm khô. Khắp xóm cùng thôn, mùi nấm thơm lan toả khiến không gian ngọt ngào, ngây ngất. Khói từ những lò sấy nấm bay lên, thanh mảnh nhẹ nhàng, toả vút cao giống những bó sợi trắng lửng lơ giữa khung trời, vây quanh chúng là những đám mây núi trắng vần vũ và những làn hơi mênh mang trắng từ các khe vực bốc lên tạo thành một bức tranh diễm lệ, nơi những màu trắng hoà sắc trên nền lơ xanh bất tận của thinh không. Vào buổi chiều, chim ríu ran về tổ, chim vợ gọi chim chồng, chim mẹ rủ chim con, từng đàn bay lượn trên các khu vườn. Ấy là những thời khắc mà tâm hồn con người bỗng trở nên tốt lành, êm dịu. Người ta dễ quên đi những cay đắng nhọc nhằn cũng như những xót xa, hờn oán. Mùa hái nấm còn đọng lại biết bao kỉ niệm vui vẻ của một thời gian lao động chung và lòng biết ơn nồng nàn những ân sủng của đất trời.
Trong nhà ông Quảng, đóng xong bao nấm cuối cùng cũng là lúc lo làm giỗ đầu cho bà vợ. Từ hai hôm trước, đám anh em trong họ đã dựng rạp che kín sân, kê từng dãy dài bàn ghế. Ứớc tính phải trên một trăm mâm, bởi khách ăn từ trưa đến tối gồm ba đợt, mỗi đợt ba mươi lăm mâm. Chưa kể, cỗ cho người nhà và xóm giềng tới giúp việc nấu ăn cũng như rửa chén bát. Giỗ đầu bao giờ cũng là giỗ quan trọng nhất đối với cả người sống lẫn người chết. Với người chết, đó là thời khắc vĩnh viễn để vong linh được an tâm nơi chín suối, không còn muốn quay lại quấy rối những người thân sau khi đã nhận đủ phần hương hoa cũng như nợ nần ân ái. Đối với người sống, rõ là dịp bày tỏ trách nhiệm và tình cảm của họ với kẻ ra đi. Ấy là bằng chứng hiển nhiên về cung cách ứng xử cũng như tinh thần đạo đức. Với tình cảnh riêng trong gia đình ông Quảng, những tiêu chí này được nhòm ngó một cách kĩ lưỡng bội phần. Hẳn chủ nhân biết rõ điều đó nên việc chuẩn bị được thực hiện một cách hoàn hảo. Chủ chi, đương nhiên là ông Quảng, nhưng chủ trì, lại là bà Tư móm. Cô Ngân, chỉ đóng vai trò phụ tá cho bà Tư, có nghĩa là làm bất cứ việc gì được phân công, giống như bất cứ người nào trong đội quân láng giềng tương trợ. Xưa nay cô thường bận áo xanh, từ xanh cốm non hay nõn chuối đến xanh lá dừa hay xanh rêu đá. Hôm giỗ bà Quảng, cô bận áo đen. Rõ ra một sự để tang kín đáo người đã khuất. Thêm nữa, cô tháo đôi hoa tai mặt đá ru-bi đỏ lẫn cặp nhẫn dóng trúc cất vào hòm. Thêm nữa, lời ăn tiếng nói của cô cũng kín đáo nhẹ nhàng chứ không hồn nhiên thơ trẻ như vốn dĩ bản tính của cô, cũng không chanh chua đanh đá như khi cô phải chống trả những kẻ kình địch. Thành ra, ngay cả những người xăm xoi, móc mói nhất trong dân xã cũng không nỡ mở miệng chê bai.
Về phần vật chất, ông Quảng lại càng chú trọng hơn. Luật đời đã dạy :
― Có thực mới vực được đạo.
Kẻ từng trải không được phép quên nguyên tắc căn bản ấy. Cỗ trong đám giỗ đầu của bà Quảng phải sang hơn cỗ những đám cưới linh đình nhất từ trước tới nay. Có cả một đội quân xóm giềng phụ trợ nhưng ông Quảng vẫn thuê ba người đầu bếp duới tỉnh lên. Kèm theo họ là một xe đầy những thứ gia vị lẫn các loại phụ liệu và dụng cụ làm bếp mà người ta không kiếm được nơi sơn dã. Các bà các cô Xóm Tiều Phu được dịp tròn xoe mắt mà xem cách thức nấu ăn đặc biệt kiểu thị thành. Mấy gian bếp vì vậy lúc nào cũng đầy nghịt đám đàn bà hiếu kì, đứng vòng trong vòng ngoài dòm ngó. Vừa để học lỏm mấy ngón nghề, vừa để thoả cơn tò mò cố hữu. Đám giỗ vì thế lại có vẻ sầm uất của một thứ chợ phiên hay phòng triển lãm mà người ta chưa từng thấy ở các gia đình khác. Và như thế, chẳng ai còn có thể tính toán : Cỗ năm tầng hay bảy tầng ? Bởi cỗ của gia chủ làm theo kiểu thị thành, toàn bát lớn đĩa to, không bày trên mâm mà đặt lên bàn, do đó không thể đo được theo tiêu chuẩn cũ. Chỉ một điều ai cũng phải xác nhận, chưa từng có nhà ai làm cỗ sang trọng và ngon được như thế, kể từ ngày có Xóm Tiều Phu đến nay. Một ngày giỗ chính, hai ngày chuẩn bị trước và một ngày sau đó để thu dọn bàn ghế, chén bát, phát quà phát lộc cho những người giúp việc, dù trong họ hay ngoài làng, cả thẩy bà Tư móm tính vừa tròn một trăm tám mươi mâm, mâm ở đây có nghĩa phần ăn cho sáu người. Bà bảo :
- Ấy là còn thiếu người. Nếu đủ ắt hẳn phải tròn hai trăm mâm.
―Thiếu người ở đây, ám chỉ sự vắng mặt của gia đình Quý. Anh ta làm cỗ riêng. Sự đương nhiên, sau khi bị ông bố từ bỏ. Đứng về lực, anh ta thua đứt ông bố đẻ. Mối quan hệ họ hàng, xóm giềng lẫn duyên giao tiếp cũng kém xa. Sức mạnh duy nhất của Quý là con triện anh ta đang giữ trong tay, mà bất cứ thời nào người ta cũng ngầm hiểu rằng cái con triện ấy chẳng phải củ khoai hay hòn đất sét. Thế nên tất thảy những ai đang ngấp nghế trước cửa xã cần một con dấu áp lên tờ giấy đều phải đến nhà ông chủ tịch xã ―ăn giỗ đầu bà Quảng. Một tay xách giỏ quà, tay kia sờ nắn trong túi cái phong bì đã được chuẩn bị kĩ lưỡng. Ngoài những gia đình đang cần chạy chọt cửa công, còn cánh thông gia của ông Quảng, tức là cha mẹ, chú bác, anh em ruột của vợ Quý cũng không dám đặt chân tới nhà ông bố. Thêm nữa, cánh cán bộ rường cột trong xã, những người ngày thường đang cùng ngồi một bàn với chủ tịch gồm bí thư đảng uỷ, công an trưởng, chi hội trưởng phụ nữ, trạm xá trưởng, cửa hàng trưởng của xã. Cả bộ sậu ấy cũng phải kéo nhau tới cửa nhà anh con. Cô Vui chơi trội, không đến nhà ai cả. Còn lại, đa phần người làng, họ đi cả hai bên bởi người ta cho rằng phận sự của mình là phải làm ngơ trước mọi hiềm khích và phải có mặt ở bất cứ nơi đâu có sự hiện diện của vong linh người đã khuất. Ăn giỗ nhà ông bố buổi trưa rồi quay về nằm nghỉ cho xuôi cơm hoặc tụ họp đâu đó chuyện gẫu cho qua chiều để chờ đến nhà ông con buổi tối. Thành ra giỗ đầu bà Quảng khiến biết bao người phải thực hiện một cuộc chạy việt dã mà họ không trù tính trước :
- Từ thuở cha sinh mẹ đẻ tới nay tôi mới ăn một giỗ hai lượt như vầy.
- Tôi cũng vậy.
- Xưa nay liệu có nhà ai rơi vào cảnh oái oăm như thế này không ?
- Làm gì có ?
- Có, nhưng lâu lắm rồi, đời cụ cố nhà tôi có hai anh em bất hoà, không nhìn mặt nhau. Ngày giỗ bố, giỗ mẹ, anh làm riêng, em cũng làm riêng ; người trong họ ngoài làng đều phải đi hai lượt.
- Thế là đúng, mâu thuẫn gì chăng nữa họ cũng vẫn là người cùng máu thịt. Phận sự kẻ đứng bên ngoài là phải lấy chữ ―dĩ hoà vi quý làm đầu.
- Xưa nay chẳng ai dại dột làm mất lòng xóm giềng. Vả chăng, tốn công chạy đi chạy lại nhưng ăn cỗ hai nhà càng được dịp nhờn môi, khoái khẩu.
- Khoái khẩu chỉ có cỗ nhà ông Quảng ...Cỗ nhà Quý thì quá thường. Rặt những đĩa lẫn bát nhưng mỗi đĩa lèo tèo vài miếng thịt.
- Ồ, chuyện đó chẳng phải nói. Vợ chồng nhà Quý xưa nay nổi tiếng rán sành ra mỡ.
- Tôi có câu này hay hơn : Ăn tép ỉa ra tóc.
 
- Nhà ấy xưa nay vẫn ỉ thế bố về mặt kinh tế. Giờ cha con từ mặt, chẳng hiểu rồi sẽ ra sao ?
- Tự làm lấy mà ăn.
- Xem chừng cũng gay go. Cả vợ cả chồng đều ốm nhách. Con Mơ nặng chưa nổi bốn mươi cân. Con Mận phốp pháp hơn thì lại mắc bệnh xuyễn.
- Đã thế còn gây hấn với bố đẻ làm gì ?
- Nghĩ như ông đã chả nên chuyện.
- Đúng thật. Nếu như ngày xưa, người ta sẽ bảo cậu Quý là kẻ bị― ma làm.
- ― Ma làm hay ― Quỷ ốp thì mọi sự cũng tự do mình mà ra. Các ông không nhìn thấy con mắt cậu ta hay sao ? Hai con mắt tối như hũ nút, mà đôi khi cậu ta cười nói với mình nhưng con mắt lại nhìn vào ai đấy. Nom cứ rờn rợn ...
Cái sự ― rờn rợn mà những người dân Xóm Tiều Phu vừa hồ nghi vừa sợ hãi nhưng không thể cắt nghĩa ấy sẽ được phanh phui không lâu. Vẻn vẹn hai tuần lễ sau ngày giỗ đầu của bà Quảng. Nói một cách chính xác hơn là sau mười hai ngày. Trước đó vài hôm, trời mưa tầm mưa tã. Người ta chẳng thể lên rừng, cũng không thể ra nương. Mọi người đành ngồi nhà bày ra chuyện rang cốm, nấu chè hoặc đánh bài ăn xu lẻ. Hết ba ngày mưa, buổi sớm ngày thứ tư, người ta nghe tiếng con ngựa nhà ông Quảng hí mừng rỡ từng hồi dài từ lúc tinh sương. Hẳn mấy ngày mưa bị giam trong chuồng tù cẳng nên con vật bồn chồn muốn chạy. Nếu người nào dậy sớm ắt thấy bếp nhà ông đỏ lửa từ lúc trời còn tối như mực : Cô Ngân thổi cơm rồi đồ xôi ém cho ông Quảng mang theo dọc đường. Họ ăn cơm cùng nhau ngay trong gian bếp. Sau đó, cô nàng áo xanh ôm lưng ông chồng ra tận bờ dậu, rồi lại đứng ở đó mà nhìn theo xe cho tới lúc nó khuất hẳn sau các rặng cây. Cái lối ôm eo, khoác lưng, bá vai bá cổ giữa đàn ông với đàn bà nơi thanh thiên bạch nhật ấy, người ta chỉ nhìn thấy trên phim ảnh Liên-xô. Nó thuộc về thế giới và phong tục của các ông tây, bà đầm. Nó không quen với mắt người dân Xóm Tiều Phu. Vì thế, nó kích thích một cách đáo để tâm trí láng giềng. Lòng tò mò của con người, dẫu là già hay trẻ cũng luôn luôn là thứ phong vũ biểu báo hiệu sự quan tâm tới đời sống, dù nó thể hiện ở khía cạnh xấu xa. Cô Ngân không hay biết, nhưng ông Quảng thì tin chắc rằng ẩn nấp phía sau các cánh cửa, khuất sau các góc tường, giấu giếm sau các bụi cây...có rất nhiều cặp mắt đang thầm lén theo rõi họ. Dẫu biết rõ tâm địa của mọi người, ông vẫn hành xử theo cách người xưa dạy:
― Ngũ thập, tri thiên mệnh
Lục thập, hành như nguyện ...
―Năm mươi tuổi, biết được số phận mà trời đã ước định cho mình ;
Sáu mươi tuổi, ta hành động theo sở thích.
Dừng lại trước cổng, ông cúi xuống hôn cô nàng áo xanh, trước khi leo lên xe và ra roi cho ngựa chạy. Tiếng vó ngựa dập dồn, hung hãn khua động không gian êm ả của sơn thôn. Trong nhịp kiệu của con ngựa bị giam hãm bởi mưa gió, người ta cảm thấy sức mạnh bất khả kiểm soát lẫn sự bồn chồn nguy hiểm của một thứ tự do bị kìm nén, đầy đoạ.
Rồi khi tan sương, mặt trời vọt lên rất nhanh, sáng chói một cách bất thường khiến cho không gian oi nồng, tràn đầy mùi đất ẩm, mùi lá mục, mùi những đống phân xanh chưa oải. Từng luồng hơi ngùn ngụt run rẩy bốc lên khắp các khu vườn ướt sũng, từ những liếp rạ mủn trải dọc các bờ dậu để trồng nấm rơm, từ những đống vỏ trấu dân quê tích trữ để quanh năm mồi lửa, nhóm bếp. Trên các mảnh sân cũ, những hạt thóc sót hoặc những hạt cỏ rơi trong các kẽ gạch đã long vôi vữa nhất loạt đâm chồi sau mấy ngày mưa. Chỉ qua vài đêm, hàng ngàn sợi lá xanh non dựng lên như những lưỡi gươm tí hon dưới ánh mặt trời. Muôn vàn sợi cỏ trong suốt như thuỷ tinh, óng ánh như nạm vàng, những lá cỏ non dường như không còn là cỏ mà là vật gì đó không thể gọi tên, lạ lùng, kì ảo, chỉ hiện lên trong khoảnh khắc làm biến đổi cái nhìn buồn chán của con người, và đem lại một thoáng ngạc nhiên thần thánh cho cõi đời buồn tẻ.
Có thể vì lý do nào đó ít tính thơ mộng hơn, hay chính vì bàng hoàng trước khung cảnh hoàn toàn thay đổi của thiên nhiên mà đa phần dân Xóm Tiều Phu ở lại nhà vào buổi sáng hôm ấy. Nhiều người đã í ới gọi nhau lên nương làm cỏ sắn, nhưng sau rốt người ta lại dùng dắng ở nhà, để giặt mớ quần áo sau mấy ngày mưa, để thu dọn lại những đám rơm vương rạ vãi, để lau dọn lại góc buồng, xó bếp, những nơi ít được dòm ngó vì mưa xuống nắng lên, ắt nhiều thứ phải đổ mốc. Vả chăng, sau mùa hái nấm, người ta cũng cảm thấy chùn chân khi nghĩ tới việc phải leo lên những nương sắn, chui vào những luống cây ngột ngạt hơi nóng mà nhặt cỏ, một công việc chẳng mấy hứa hẹn đền bù.
Khoảng non trưa, chính vào lúc các bà các cô chuẩn bị nấu cơm, bỗng có tiếng chân người chạy rầm rập ngoài đường thôn. Thoạt tiên, chỉ là đám nhi đồng bốn năm tuổi, sau đó là đám thiếu niên hiếu kì. Sau rốt, tuốt tuột dân làng, đàn ông cũng như đàn bà bỏ mọi việc dở dang trong nhà cũng như trong bếp để đi xem ― Cô Ngân bị bắt. Người ta chẳng ngại ngần, cũng không ngượng ngùng khi gọi nhau oang oang, từ sân nhà này vọng sang sân nhà kia, từ bờ dậu nhà này vói qua bờ dậu nhà khác :
- Này, biết chuyện gì chưa ? Cô vợ trẻ của ông Quảng bị công an bắt rồi. Hãy đến xem sự tình ra sao.
- Này, dừng tay cái đã. Đã nghe thủng chuyện chưa : cô nàng áo xanh nhà ông Quảng bị tóm cổ.
- Làm sao mà đến nỗi như vậy ?
- Có trát trên tỉnh dội về nói cô ta là gái làm tiền, chuyên đi lừa đảo những gia đình giàu có.
- Lừa ông Quảng ? Đúng là chuyện tầm phào. Ông ấy chẳng lừa ai thì thôi, làm gì có sự trái khoáy như vậy ?
- Ai chẳng biết ông ấy là kẻ khôn ngoan, lõi đời, ăn mòn bát cơm thiên hạ. Nhưng cái sự quan trọng là ông ấy đang bí bức. Gần một năm vợ ốm lại gần một năm vợ chết có rờ mó được ai đâu ?
- Không tin được. Lão ấy đi bát ngát mênh mông như thế, thiếu gì đàn bà ?
- Ông tưởng dễ lắm à ? Ông cứ thử xem ?
- Việc gì tôi phải thử, cơm nhà đồ vợ, muốn lúc nào tôi ngả ra lúc ấy. Chỉ sợ không đủ sức mà chơi .
- Bởi vậy ông mới dễ phét lác. Giờ nói dại, bà ấy mà thăng thiên, tôi đố ông dám mó vào con hến nhà láng giềng. Có mà dao rựa họ chém đứt phăng cổ.
- Thiếu gì lũ chưa chồng với goá chồng ? ...
- Chưa chồng, như con Vui đấy, xin mời ông thử sức ! Goá chồng, như con mẹ Hưởng rỗ với con Lan toét thôn Hạ, ông có chơi tôi xin đãi thêm ba bữa rượu tăm với gà sống thiến hấp xôi. Nào, dám chơi không ?
- Ừ, ngữ ấy thì xin chịu.
- Thế là sự đời. Cao chẳng tới thấp không xong. Chỗ ông thích, không được. Chỗ giường kê, chiếu trải sẵn sàng, con củ lại không giương lên nổi. Cho nên mới thành ra bí bức. Khi bí bức có đứa xinh đẹp như tiên nó tiến đến, nó ngả sẵn bàn đèn, có mà khôn ngoan như thánh như thần cũng đổ huống chi ông Quảng ?
- Nhưng tôi nom mặt mũi cô ta chẳng giống quân lừa đảo.
- Biết sao được cái tổ con chuồn chuồn. ? Những con đàn bà làm điên đảo quốc gia hoặc làm khuynh gia bại sản kẻ khác xưa cũng như nay đều phải xinh đẹp. Xoàng xoàng như vợ ông hay lặc lè cục mịch như vợ tôi có mà ăn cám. Muốn đi lừa cũng chẳng xong.
- Ông chỉ quen nghĩ chuyện bậy bạ.
- Tôi ăn cơm muối, sờ đầu gối nói thật. Tôi không quen hoa hoè hoa sói , nói vòng vèo.
- Nhưng tôi vẫn không thể tin rằng ông Quảng bị lừa. Chuyện đó giống như sự gà bốn cựa, ngựa bốn hồng mao.
- Ông Quảng khôn ngoan thật, nhưng xét trên gốc rễ ông ấy cũng chỉ là thằng nông dân chân đất như cánh ta thôi ...Chẳng qua ông ấy giỏi bang giao, lại suốt đời kiếm cơm nơi đất khách thành ra lọc lõi ...Nhưng lọc lõi đến đâu cũng có lúc phải mê mụ đầu óc vì khuất phục cái bộ sậu lủng lẳng trong đũng quần ... Ông có biết cái câu người ta vẫn dùng để chể riễu kẻ sĩ hay không ?
- Kẻ sĩ là gì ?
- Là đám áo dài xúng xính, tay trắng chân trắng, ngược với chúng ta dân cày cuốc hay tiều phu, cánh áo ngắn chân đen. Thời xưa nói : « Nhất sĩ nhì nông ». Kẻ sĩ bao gồm đám văn nhân, quân tử, bao gồm cả các bậc quan lớn quan nhỏ, cả đám nha lại lo việc triều chính từ kinh đô cho tới làng thôn ...Vậy mà có câu rằng :
« Văn chương chữ nghĩa bề bề
Thần l ... ám ảnh cũng mê mẩn hồn. 
- Thế à ! Tôi không biết ...
- Không biết thì phải lắng nghe rồi hãy nói. Cớ sao ông cứ khẳng định rằng ông Quảng chẳng thể bị lừa ? Sự đời đâu có đơn giản như ông tưởng ?
- Ờ, có thể ...
Có thể hay không thể...đinh ninh chắc chắn hay nửa tin nửa ngờ, sau rốt người ta cũng vẫn nghĩ rằng có sự chi hợp lý, có một duyên cớ nào đó chính đáng dẫn tới sự bắt cô Ngân. Dân làng đổ ra đứng dọc đường để nhìn cô vợ trẻ của ông Quảng bị trói giật cánh khuỷu, dẫn độ bởi nhóm du kích xã, đi đầu là công an trưởng. Ứơc tính tất cả là mười hai người đàn ông, súng ống trên vai, vẻ mặt cứng như đá vỉa. Cuộc diễu võ dương oai không được hoành tráng cho lắm bởi kẻ thù vẻn vẹn có đúng một người đàn bà trẻ, chẳng tấc sắt trong tay, hơn nữa nước mắt lại ràn rụa trên gương mặt tái nhợt vì hốt hoảng nhưng vẫn còn muôn phần xinh đẹp. Đi sau họ, có đến trên ba chục thanh thiếu niên hiếu kì làm thành một đám khán giả tự nguyện và hết sức chú tâm. Thi thoảng, một cậu du kích muốn chứng tỏ uy lực của chính quyền quay lại quát nhặng xị :
- Giải tán ! Lũ ranh này, giải tán !
- Về nhà đi học, đây không phải phận sự của chúng mày.
- Về !Tao đã bảo về nhà !
Nhưng mọi sự doạ nạt đều như nước đổ lá khoai. Đám trẻ con hiếu kì chạy nhông nhông theo họ cho tới tận uỷ ban xã, giống một đám rước thiếu kèn thiếu trống. Tại trụ sở uỷ ban, chúng chạy dạt sang hai bên nếu bị xua đuổi, nhưng khi đám du kích sao nhãng, chúng lại lập tức chui lủi, len lỏi bằng mọi cách để chứng kiến ―cô Ngân nhà ông Quảng bị trói, cái cảnh mà từ năm cải cách tới giờ không còn diễn lại nơi Xóm Tiều Phu. Rồi khi cô tiếp tục bị áp tải đến nơi tạm giam theo lệnh chính quyền, chúng lại rều rễu chạy theo cho đến tận kho chứa đồ của xã, cách trụ sở uỷ ban chỉ một đoạn đường, đi bộ chưa đầy năm phút. Ấy là một gian nhà gạch nhỏ, kín mít như cái hộp, chỉ vẻn vẹn một cửa ra vào cánh gỗ lim, lại khoá bằng chiếc khoá đại to hơn bàn tay đứa trẻ lên bốn. Còn lại bốn bề tường gạch đôi, chẳng một lỗ thông hơi, không một khuôn cửa sổ. Ngôi nhà đó xưa kia vốn là kho chứa chè của ông chánh tổng. Sau, đến thời cải cách, chính quyền cách mạng trưng dụng để nhốt đám địa chủ cường hào. Có giai đoạn hơn một chục con người bị giam cầm trong cái không gian kín bưng bít, rộng mười tám thước, một góc đổ tro để đại tiểu tiện, và góc đối diện là một cái chum vỡ đựng nước uống cho các tù nhân. Sau ngày sửa sai, lệnh của huyện là phải đập vỡ gian nhà ấy đi, nhưng chủ tịch xã tiếc rẻ giữ lại ....vì còn hữu ích. Tất nhiên, ông ta đã cho người đến quét dọn, sửa sang, quét vôi mới trắng lốp để màu vôi bôi xoá đi những kỉ niệm cay đắng và tẩy uế xú khí còn lưu lại. Từ đấy, gian nhà này được dùng làm nhà kho của xã, nơi xếp các thứ bàn ghế, xoong nồi, mâm chậu, bát đĩa, tách chén ...những vật dụng cần thiết cho những dịp liên hoan hoặc tiếp đãi khách của chính quyền. Ban văn thể xã, hoạt động theo mùa cũng xếp vào đấy những tấm băng-rôn, khẩu hiệu, những bộ kèn trống mua vội vã trong những cơn bốc đồng của đám cán bộ lãnh đạo. Lủng củng một góc nào những chiếc trống đã long tang hoặc đã bị thủng, hai cây kèn rỉ nhoét, một cây ghi-ta và hai cây măng-đô-lin trơ trọi không dây, một mớ cờ gián nhấm mà chưa nỡ ném đi.
Khi tay trưởng công an xã đích thị mở khoá, cả một lũ chuột nhảy phóc ra, chui qua chân anh ta bổ ra bên ngoài rồi nhanh chóng biến mất trong các bờ dậu bên kia đường. Cùng lúc đó không khí tù hãm bốc lên như luồng hơi phà vào mặt mọi người mùi nước đái chuột lẫn mùi ẩm mốc.
- Nhà chị vào đây.
Cậu du kích dẫn cô Ngân tới cửa rồi bắt đầu cởi trói. Lúc ấy mọi người mới nhìn thấy tấm áo của cô bị rách một vệt dài dưới nách. Hẳn là khi bị bắt, cô đã chống trả và xảy ra sự giằng co xô xát giữa tội nhân với những người thi hành công vụ. Cũng hẳn là cô đã khóc quá nhiều nên lúc được cởi trói, cô có vẻ uể oải đờ đẫn đến nỗi chẳng buồn nhúc nhắc cánh tay. Chính cậu du kích áp tải cô phải lần mở từng vòng dây cho đến nút thắt cuối cùng :
- Nhà chị vào trong kia ! Điếc hay sao mà đứng đần ra thế hả ?
Cô Ngân thẫn thờ đứng im, dường như không nghe thấy tiếng quát của kẻ áp giải mình. Đôi mắt đầm đìa lệ như mờ đi vì sợ hãi và kiệt sức.
- Đã nghe lệnh tạm giam rồi sao không thực hiện ?
Trưởng công an xã quát. Sau đó, thấy kẻ tội đồ chẳng nghe cũng chẳng có phản ứng gì, anh ta giơ tay đẩy vào lưng người đàn bà :
- Vào trong kia !
Giơ tay chỉ gian nhà lủng củng những thứ đồ tầm tầm và bốc mùi hôi mốc, anh ta dằn giọng :
- Đi vào ! Chỗ của nhà chị bây giờ là trong đấy.
Cô Ngân bị đẩy đi như một bao tải đựng trấu, rồi cô cũng ngã kềnh như bao tải trấu lên những sọt đựng xoong nồi, bát đĩa của uỷ ban. Trưởng công an xã kéo hai cánh cửa, khoá lại rồi nói trống không :
- Từ giờ đến tối sẽ có người đem cơm cho nhà chị.
Sau đó, quay lại đám du kích tuỳ tùng, anh ta cũng lại buông một cái lệnh trống không :
- Liệu mà phân công người sắp cơm cho y thị. Ngày mai, chính quyền sẽ phân xử.
Sau đó, trưởng công an xã tiến lên vài bước về phía đám trẻ con lẫn dân chúng hiếu kì, đưa mắt oai vệ nhìn khắp lượt. Đám người lặng im như thóc, giương mắt nhìn vị đại diện của quyền lực. Một nỗi sợ hãi đã từ lâu yên ngủ bỗng nhiên bừng thức dậy khiến họ nhút nhát và bối rối . Chờ cho khoảnh khắc im lặng trôi qua, trưởng công an xã hắng giọng như diễn viên chuẩn bị ra sân khấu, trong lúc thầm chuẩn bị một diễn văn mà bắt buộc anh ta phải công bố cho tương xứng với chức trách cá nhân cũng như tầm quan trọng của tình huống vừa xảy ra :
- Bà con hãy lắng nghe cho rõ. Nhiệm vụ của mọi người dân là lao động. Và lao động là vinh quang. Vì vậy tôi yêu cầu bà con quay về với công việc. Chúng ta không nên lãng phí thời gian sản xuất. Còn những tệ nạn xã hội, chúng tôi, đại diện của chính quyền, có nhiệm vụ giải quyết. Trước hết, cá nhân tôi, trưởng công an xã, xin hứa trước toàn thể bà con là sự việc sẽ được giải quyết một cách triệt để. Chúng ta sẽ tiêu trừ tận gốc rễ mọi nguy cơ độc hại để bảo vệ đời sống chung của cộng đồng cũng như hạnh phúc dưới mỗi mái nhà. Nào, bà con có ý kiến gì nữa không ?
Nhà hùng biện dừng lời đưa mắt nhìn mọi người.
- Hoan hô !
Một người lên tiếng, chắc chắn đó là kẻ đang cần xin nhà chức trách áp con triện vào bản lý lịch cho con em được ―thoát li. Nhưng đám đông im lặng. Có lẽ vì bài diễn văn hay ho kia chưa kịp thấm vào cân não họ. Cũng có lẽ vì cảnh một người đàn bà bị trói giật cánh khuỷu khiến họ nhớ lại thời cải cách ruộng đất, và những nỗi hãi hùng quay lại khiến con người hoang mang. Điều cuối cùng là trong đám đông hiếu kì ấy, không ít kẻ đã chịu ơn hoặc là thực khách thường xuyên nhà ông Quảng. Dẫu sao chăng nữa ...cũng đã từng có lúc chén chú chén anh, chén tôi chén bác. Đã là giống người ắt phải hiểu câu : chẳng nỡ hoặc, nỡ lòng nào ...
Người cất tiếng hoan hô không thấy ai hưởng ứng thì bẽ bàng lẩn ra phía sau. Còn trưởng công an xã thấy bài diễn văn hùng hồn của mình rơi vào im lặng thì bẽ bàng tức tối, liền đổi giọng quát :
- Không ai có ý kiến thì nữa thì giải tán.
Nói xong, anh ta bỏ đi tức khắc. Đội du kích lục tục theo . Còn đám đông hiếu kì dừng lại nhìn ổ khoá to tướng một cách bần thần, chẳng ai nói với ai một lời. Riêng lũ trẻ tò mò chạy tới, dán mắt vào khe cửa hòng nhìn được ―tù nhân nhưng sau một hồi loay hoay đành thất vọng bỏ đi vì hai cánh cửa lim của ―ông chánh tổng thời xưa kín như bưng không một lỗ thủng bằng đầu đinh, cũng không một kẽ hở mảnh như cọng tăm dù đã qua bao nhiêu năm tháng.
Lúc ấy, mặt trời vừa đứng bóng. Những kẻ hiếu kì nhất cũng phải quay về vì kiến bò bụng. Người ta nấu cơm vội vàng, hò hét con cái cũng vội vàng, ăn cơm cũng vội vàng để sau đó đi đến nhà ông Quảng xem sự tình ra sao. Ở đấy, hai cánh cổng mở toang hoang, nhưng chớ ai hòng chôm chỉa vật gì vì bà Tư móm đã ngồi chồm chỗm ngay trên bậc cửa chính. Từ bậc cửa ấy, bà có thể nhận diện ra từng người khi họ bước vào cổng. Và bà cất tiếng đon đả như không có chuyện gì xảy ra trên đời :
- Mời các ông bà vào uống nước. Hôm nay được dịp nghỉ ngơi cho đỡ nắng. Trời này chui vào nương sắn cũng như chui vào hoả lò.
- Thế mà có người vẫn lên nương đấy.
- Thiếu gì kẻ ngu trên đời. Mà trong lũ ngu ấy có tôi đây. Nếu không sáng nay tôi đã ở nhà để chứng kiến cho tỏ tường mọi sự.
- Vậy bà vừa mới đến ?
- Cũng được ngót nghét một giờ. Tôi đang làm cỏ sắn thì thằng cháu chạy lên báo. Hai cô cháu chạy thốc chạy tháo về được đến nơi thì mợ Ngân đã bị mang đi rồi. Chỉ còn vợ con thằng Quý đang đứng ngoài sân. Chúng nó được phái đến để giữ nhà cho ông nội. Tôi đuổi tuốt tuột cả lũ về.
- Sao bà dám làm thế ?
- Sao tôi lại không dám nhỉ ? Thằng Quý là chủ tịch xã nhưng cũng còn là em tôi. Mẹ nó đẻ nó ra hết sài lại đẹn, một tay tôi chăm bẵm. Cái đận bẩy tuổi, nó mắc bệnh ghẻ suốt mùa xuân qua đến mùa hè, tôi cúi xuống lấy cái ghẻ cho nó đau sụn cả lưng, mờ cả mắt. Rồi cũng lại tôi đun nước lá tắm, xức thuốc cho nó lành. Mẹ nó vụng thối vụng nát có làm được gì đâu ? Từ khi lên ghế chủ tịch đến nay, xem ra chiều vểnh râu vênh mặt . Bọn du kích và trưởng công an xã dám ra tay như thế này ắt hẳn phải có lệnh của nó. Con mà đã bỉ mặt bố đẻ đến mức ấy thì chẳng còn là người.
- Nhưng nghe đâu đó là lệnh của tỉnh.
- Nếu là lệnh của tỉnh thì phải có công an tỉnh, không phải mấy cái mặt phèn phẹt ở xã này. Trong số mười thằng du kích vào nhà này trói mợ Ngân có sáu thằng chui từ háng mẹ nó ra là tay tôi cắt rốn, tay tôi tắm rửa. Rồi tôi sẽ đến nhà từng thằng đập váy vào mặt chúng nó. Để xem chúng nó dám làm gì tôi ?
- Chẳng qua chúng nó cũng chỉ là lũ tốt đen. Trên bảo gì thì phải cúi đầu làm nấy.
- Thời cải cách chẳng thiếu gì kẻ trên bảo tố bố tố mẹ là sẵn sàng nhổ vào mặt bố mẹ hoặc gọi bố mẹ là quân phản động, là đồ Việt gian. Những hạng người ấy rồi có ra gì đâu ?
- Đúng là lũ ấy rồi cũng chẳng ra hồn người, nhưng khi bị sai bảo chúng làm sao dám chống lại ?
- Lửa thử vàng. Người tử tế quân bất lương khác nhau ở lúc gian nan. Bình thường trơn lông đỏ da ai chẳng há miệng cười. Lúc vui vẻ, ai chẳng giơ tay vỗ.
Bà Tư móm kết thúc đột ngột cuộc đối thoại như vậy và chuyển làn nhanh như chớp :
- Nhà này có đường phèn thượng hạng , ông bà nào thích uống trà ướp cúc với đường phèn tôi mời ?
- Cúc vạn thọ ấy a ?
- Bà chị chẳng hiểu gì hết. Cúc vạn thọ không ướp được trà. Mà có ướp cũng phải đổ trà đi vì nó rất hắc. Người ta chỉ ướp bạch cúc hoặc tiểu hoàng cúc tức là loại cúc vàng nhỏ như khuy áo thôi .
- Nào ai sành chè ướp như nhà bà mà biết được ?
- Trời mới nắng lên uống trà cúc cho thanh giọng. Nào, xin mời các ông các bà.
Cái cách cắt chuyện và chuyển khúc của bà Tư móm xem ra còn giỏi hơn các nhà dàn cảnh sân khấu. Dân làng tuy mót chuyện nhưng cũng không dám hỏi thêm. Khi mùi trà cúc thơm ngào ngạt toả hương , khi bình đường phèn lấp lánh như những cục thuỷ tinh nhỏ được bày lên mặt bàn thì người ta quay sang xì xụp uống trà ngọt. Vị ngọt thanh tao của đường phèn khiến cho hương cúc có một vẻ lâng lâng trong suốt như khi con người đứng giữa một nỗi buồn đã trôi xa và một niềm vui đang còn chờ đợi. Câu chuyện xoay sang những cách thức ướp trà, cách sao trà và đóng gói trà từ thời ông chánh tổng. Người Xóm Tiều Phu hấp háy nhìn lên đỉnh Lan Vu để mơ tưởng ngày nào đó, một vị cao nhân mặc áo thụng thêu chỉ vàng lộng lẫy sẽ bước tới góc núi hẻo lánh này bày cho họ cách trồng và sao cất loại trà thượng hảo hạng như trà : Trảm mã ....Bởi nghe đâu , giá bán một cân trà Trảm mã đủ xây một toà lâu đài bốn tầng, với mười sáu căn buồng thênh thang, cửa kính cửa chớp sáng loáng như buồng của những khách sạn sang trọng ở thủ đô Hà nội.
Tuần trà kết thúc ,mặt trời đã ngả qua phía tây. Bóng nắng đổ xuống một phần ba mảnh sân gạch. Đồng hồ treo tường nhà ông Quảng thong thả gõ ba tiếng. Khách chào chủ ra về. Người ta không thể ngồi thêm vì đã qua mấy tuần trà, dạ dày chẳng còn chỗ chứa mà những điều tò mò lại không được phép hỏi . Vào giờ này, chẳng ai còn lòng dạ nào lên nương xuống ruộng. Ai nấy quay về nhà, thu dọn đồ đạc, người lật giở tấm chăn manh chiếu cho khô ròn, kẻ ra sau vườn nhà tỉa cành, rẫy cỏ, toàn những công việc nhung nhăng cho hết buổi chiều để chờ sau bữa cơm sẽ có cơ tụ họp.
Bởi mong mãi, mặt trời cũng rơi xuống để bữa cơm tối được dọn lên trên những mảnh sân mà bên dưới, gạch còn ấm nóng, nhưng bên trên gió núi đã ùa xuống phà làn hơi mát rượi như những nụ hôn ẩm ướt của sương mù. Người ta ăn vội ăn vàng, đàn ông không uống rượu, đàn bà không nghê nga cắn thóc rang hay nhâm nhi bỏng ngào mật sau bữa cơm để mau mau lên đường. Tất cả đều phải chuẩn bị đèn, đuốc bởi nơi đây, trời tối một cách mau lẹ. Mươi phút trước còn nhìn rõ bàn tay, mươi phút sau cảnh vật đã đen như mực. Từ thôn Thượng, thôn Trung tới thôn Hạ, mọi ngả đường đều lập loè ánh lửa. Một địa chỉ không ai bảo ai nhưng mọi người đều hướng tới : nhà cô Vui. Thế là không hẹn mà nên, dân xã dồn tới trước cửa nhà cô bí thư đoàn. Cả một đám đông, người cầm đèn pin, người xách đèn bão, kẻ mang đuốc dầu hoả cháy đùng đùng. Nhưng cửa ngõ nhà cô Vui đã khoá lại bằng một ổ khoá Tầu to tướng. Nhìn vào trong, sân lẫn nhà đều tối om :
- Quái lạ , nhà cô này đi đâu nhỉ ?
- Sáng nay có người còn thấy cô ta ra cửa hàng mua vải mà.
- Hay cô ta ở nhà tay Quý ? Lúc bắt cô Ngân chỉ có xã trưởng công an với đội du kích , chẳng thấy tay Quý đâu.
- Tay Quý kí lệnh cho trưởng công an thực hiện. Anh ta tránh mặt, đương nhiên là như thế. Ai đời con trai trưởng dẫn quân đi tom cổ mẹ kế bao giờ ? Hoạ có là đồ tể .
- Thế cô Vui can cớ gì mà cũng phải tránh mặt ?
- Ông quên rằng chính cô ta nhận lệnh của Quý về tận làng Khoai điều tra lý lịch cô Ngân lẫn chuyện ông Quảng xây nhà tầng cho bố vợ hay sao ? Cả xã này cô ấy là người duy nhất truy đến tận cái tổ con chuồn chuồn.
- Như thế, không là cánh tay phải thì cũng là cánh tay trái của ông chủ tịch.
- Thể nào, tôi thấy họ thậm thụt với nhau, ra vẻ đặc biệt thân tình.
- Ối chao, bắc thang mà hỏi ông trời. Tình đời ấm lạnh là chuyện thường. Họ từ mặt nhau rồi .
- Sao ông biết ?
- Bữa tôi kéo mấy bao than về ngang qua nhà cô Vui, thấy tay Quý hầm hầm bước ra mặt thâm như l...trâu vậy. Mấy hôm sau gặp cô Vui, tôi giả tảng hỏi thăm Quý thấy mặt cô ta cũng sưng lên như cái lệnh vỡ, đáp chủng chẳng : Tôi không biết, tôi chẳng liên quan gì tới ông Quý.
- A, ông này chết nhá ...Sao dám ví mặt chủ tịch thâm như âm hộ con trâu ? Tôi mà mách thì ông chết toi.
- Tôi thách ông mách đấy...― Thâm như l...trâu là câu ví tự xửa xưa. Tôi cứ theo thế mà nói .
- Đùa tí thôi, nhưng tôi không ngờ họ lại bỏ nhau nhanh như vậy.
- Ôi chao, người với người giằng néo nhau cũng như cái nút lạt: cởi ra rồi lại buộc vào, buộc vào rồi lại cởi ra như bỡn. Trên đời này có cái gì bền đâu ?
- Nhưng cậu Quý là chủ tịch. Chẳng nhẽ bí thư đoàn lại dám qua mặt cấp trên ?
- Cái đó thì chỉ có trời mới biết. Thôi, về ngủ, sáng mai còn làm cỏ sắn. Mai không làm để dăm hôm nữa nó ăn xuống gốc có mà hà hết củ. Bao nhiêu công trồng trọt, chăm bẵm mất toi.
- Ông nói chí phải. Đành là sắn chẳng ra mấy tiền nhưng cũng đủ cho ta thứ nuôi lợn và hạt bột dành những ngày cơ nhỡ. Chẳng nên bỏ phí của trời. Về !...
Thế là người ta lục tục kéo nhau về, bởi mất cả ngày để theo rõi một tấn tuồng như vậy kể cũng đã là đủ. Rồi mai đây, sự gì đến sẽ phải đến. Còn họ, những nương sắn đang đợi chờ.
Ánh lửa lại lập loè tản ra trên những ngả đường ngoằn ngoèo lượn qua các miệt vườn và các giải núi. Tiếng trò chuyện tan loãng trong khung cảnh bao la huyền tịch của trời đêm.
Trên đỉnh Lan Vu, chợt một vệt lửa phóng qua như pháo thăng thiên. Ai đó cất tiếng :
- Ô , sao chổi. Sao lại có sao chổi vào tiết xuân ?
- Không phải sao chổi đâu, đấy là sao rụng. Khi sao rụng là có người vừa tạ thế .
- Chim cú kêu hoặc chim lợn kêu là có người khuất núi. Chứ sao rụng là điềm báo rằng có một ông thánh hết hạn lưu đày dưới trần gian bay trở về cõi Thiên đình.
- Thật vậy sao ? Trời đất thật lạ lùng ...

<< TRUYỆN XÓM TIỀU PHU (9) | TRUYỆN XÓM TIỀU PHU (11) >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 812

Return to top