Tiếng Vỗ Cánh Của Bầy Quạ Đen
Dương thu Hương
Về chiến tranh, thi sĩ Trung Hoa xưa đã viết : " Nơi vó ngựa chiến đi qua, mười năm sau cỏ chưa mọc và gió thổi còn mang mùi máu... ". Thơ của người xưa xa xót mà còn bâng khuâng, kinh hoàng nhưng vẫn mơ hồ. Thời ấy, chưa có bom nguyên tử và nhiệt hạch, chưa có chất độc hoá học và bom vi sinh, chưa quá nhiều thứ ý nghĩa và các mục tiêu ngầm ẩn sau mỗi cuộc chiến tranh. Thời ấy, con người ưa thích sự kín đáo và trang phục nghiêm cẩn nên nỗi đau khổ được mô tả thống thiết nhưng vẫn ngầm tẩm trong lớp sương mù của những vẻ đẹp ước lệ và vĩnh định : nỗi cô đơn, thây người bọc da ngựa, hài cốt phơi nơi cát bụi, gió lạnh tuyết rơi và nỗi u hoài... Nhiều thế kỷ đã qua, trang phục đã đổi thay và cùng với sự thay đổi ấy, tâm lý con người đã khác xưa. Con người đã dám cởi bỏ mọi thứ áo quần, tự chiêm nghiệm nỗi đau cũng như ngắm nghía thân thể mình một cách mạnh bạo. Bởi thế văn chương thời nay không thống thiết lãng mạn như trước nhưng chân thực hơn và tàn nhẫn hơn. Viết về chiến tranh, người ta không chỉ khóc than cho những đứa trẻ mồ côi ngơ ngác bên đường, những thiếu phụ giặt áo bên sông ngóng đợi chồng, người ta đã tìm đến chốn suối thẳm rừng sâu, nơi hàng sư đoàn lính cái bị dồn vào phục vụ chiến tranh, tóc rụng da xanh, mất kinh nguyệt thường xuyên, lên những cơn điên tập thể và hoài vọng một chân trời dịu dàng vô tăm tích. Văn chương cũng đã theo hàng vạn cô gái lỡ thì sau chiến tranh, bị dồn tụ trong những lâm trường nông trường hoang vu cằn lụi, nơi đời sống cùng khổ buồn thảm đến mức điên rồ, nơi những người đàn bà hẩm phận chẳng còn ước muốn nào hơn là ngóng đợi sự xuất hiện bất thần của một gã đàn ông, dù là tên cướp đường hay gã bán hàng rong hoặc kẻ tội phạm bị thành phố và đồng bằng xua đuổi, mong được gã hãm hiếp và trong lần chung đụng hiếm hoi ấy được mang thai...
Nhưng dù cố gắng đến đâu văn chương cũng không đủ gánh nỗi đau của con người, nỗi đau khổ tồn tại trần trụi dưới ánh mặt trời cũng như trong bóng đêm u ám. Chẳng nhà văn nào nhập thân được vào hàng vạn đứa trẻ lang thang xin ăn hoặc ngày ngày chìa bát lĩnh suất ăn hèn mọn trong các trại mồ côi.
Chẳng nhà từ thiện nào đủ can đảm và lòng kiên nhẫn tìm đến hàng ngàn đứa bé dị tật quái thai, các tội nhân bị kết án từ lúc chào đời, không được sống kiếp người mà chỉ tồn tại như khối thịt vô năng trong những căn buồng thiếu sáng để tránh ánh mắt tò mò của láng giềng và trong tủi hổ của cha mẹ chúng. Theo điều tra mới nhất, Thái Bình là nơi có số lượng quái thai do các cựu binh nhiễm chất độc da cam sinh ra nhiều nhất xứ sở. Nhưng dẫu sao, những đứa bé dị hình ấy vẫn có thể được người đời nhìn thấy và khi cần có thể được trưng bày như các vật phẩm trong phòng triển lãm tội ác chiến tranh... Tuy nhiên, chiến tranh không chỉ gieo rắc những đau khổ nhìn được bằng mắt, những tội ác có thể sưu tập và trưng bày. Nó còn những chiều kích đau khổ khác. Và chính những chiều kích ấy mới là tổn thất khủng khiếp nhất, đem lại sự đổ nát tinh thần cho con người nói chung và từng dân tộc nói riêng. Hạnh phúc của con người khác nhau và đau khổ cũng khác nhau. Như thế, chiến tranh in lại trên các vùng đất những dấu vết khác biệt. Thế chiến II, Ilya Ehrenboug có viết : " ...Vào những hoàng hôn, không còn nghe thấy nữa tiếng dương cầm thánh thót tr ong các khung cửa sổ. Châu âu nghèo đi rồi...". Câu văn ấy theo đuổi tôi từ thuở còn thơ cho đến bây giờ, chẳng hiểu vì sao... Vào những năm gần đây, có dịp qua vài thành phố châu Âu, tôi ngó nhìn khuôn cửa sổ trên các ngôi nhà ven đường và chợt hiểu vì đâu câu văn tầm thường kia bám riết tôi gần nửa thế kỷ : câu văn đó mô tả chiến tranh ở xứ khác, tàn khốc kiểu khác và ảnh hưởng tới số phận những con người khác. Nó xa cách với những gì diễn ra ở đây, Việt Nam, đất nước của tôi, quê hương những dân cày lam lũ, nơi lịch sử đô thị ngắn ngủi bấp bênh, nỗi hoài nhớ đồng quê ám ảnh và thống trị tâm hồn những kẻ cư trú trong phố xá, nơi vang vọng dưới ánh trăng thôn dã tiếng đàn bầu nỉ non hoặc tiếng nhị rền rĩ ủ ê. Trên mảnh đất châu Âu, thiết chế xã hội dân chủ đã được tạo dựng và củng cố qua thời gian trở thành một bệ đỡ vững chãi. Chiến tranh, dù khốc liệt đến đâu, dù các trại tập trung và các nhà máy chế tác da thịt người của bọn SS mọc lên như nấm, nhưng khi lò lửa thiêu người đã tắt, khi bọn tội phạm chiến tranh hoặc bị kết án hoặc trốn chạy, bão tố đạn bom ngưng lặng, xã hội sẽ trở lại an bình và con người có cơ hội gây dựng lại cuộc sống. Thiết chế của một xã hội văn minh giống những bậc thềm, cho phép con người bước lên tìm kiếm ngôi nhà hạnh phúc dẫu rằng hạnh phúc chẳng chia đều cho khắp nhân gian. Những kí ức đau thương hằn dấu trong tâm hồn các công dân châu Âu khiến họ chín chắn hơn, cảnh giác mau lẹ hơn với các biểu hiện mầm mống bệnh hoạn, với các chính trị gia quá tả hay quá hữu, với các tổ chức tân phát xít hoặc các nhóm khủng bố mới... Như thế, trí khôn công dân gia tăng, quyền hạn công dân được sử dụng tới mức tối đa với chiều hướng tích cực... Như thế, khi tiếng súng ngưng lặng, chim bồ câu ngậm cành ô-liu bay tới, đúng như biểu tượng truyền thống của phương Tây, một hình ảnh không lãng mạn nhiều lắm nhưng có giá trị chân xác và tồn tại lâu bền trong thời gian. Sau Thế chiến II chừng một thập kỉ, vào những năm 1955, 1956, người ta đã có các cuộc thi vĩ cầm, dương cầm. Châu Âu hồi sinh. Và vào những hoàng hôn, người ta lại nghe thấy tiếng dương cầm thánh thót trong các khung cửa sổ...
Ở nước chúng ta, sau hai mươi nhăm năm, trong các khung cửa sổ vẫn chưa vang lên tiếng dương cầm, và dân chúng mới rón rén tập dượt những bài học vỡ lòng về nền dân chủ trong những tình thế bức bách khốn quẫn. ở đây chiến tranh vọng lại những hồi âm khác. Chiến tranh không làm cho các công dân chín chắn hơn, khôn ngoan hơn, sử dụng quyền công dân mạnh bạo hơn mà ngược lại nó khiến đám đông hèn nhát hơn, dễ thoả hiệp hơn với sự nhục nhã, dễ cúi đầu hơn trước tội ác. Trong lịch sử bất hạnh của dân tộc Việt có quá nhiều cuộc chiến tranh khốc hại. Gần như toàn bộ lòng can đảm của dân Việt tiêu xài trong các cuộc chiến tranh ấy. Lòng can đảm cũng như mọi phẩm chất tinh thần khác không phải một năng lượng vô hạn. Nó không phải cơm trong nồi Thạch Sanh, cũng chẳng sinh trưởng lu bù như loài tảo hay các sinh vật đơn bào. Nó cũng giới hạn như món tiền xếp trong chiếc ví. Lòng can đảm đã được huy động tối đa trong các cơn tai biến của đất nước, và khi ra khỏi cơn tai biến ấy, con người thường dễ cúi đầu chấp thuận trước mọi điều kiện sinh tồn : dù khổ ải đến đ;âu, họ cũng sẽ tự an ủi " còn chưa bằng thời mũi tên hòn đạn ". Dù nhục nhã đến đâu, họ cũng dễ tặc lưỡi : " Cũng hơn là chết "... Thói quen coi thường sinh mạng trong chiến tranh khích động tâm lý tội phạm nơi thiểu số, nhưng ngược lại, làm gia tăng tình nhẫn nhục và sự chịu đựng nơi đám đông. Bởi thế, các nhà Việt Nam học thường băn khoăn trước nghịch lý này : một dân tộc dũng cảm biết bao trong chiến tranh và hèn mọn biết bao trong cuộc sống thời bình... Đối với tôi, chẳng có gì đáng ngạc nhiên cả. Nơi thiết chế dân chủ chưa được dựng lên, nơi con người chưa có đủ ý thức về quyền làm người, bất cứ người lính can đảm nào cũng là một công dân ngu đần và hèn nhát.
Chưa có tiếng dương cầm đâu, chỉ có giọng đàn bầu hay tiếng nhị nỉ non thôi. Thứ âm nhạc an ủi những tâm hồn ngu ngơ, những con người chỉ tìm ánh huy hoàng nơi những chân trời đã mất tăm mất tích và những chân trời mộng mị đó nâng đỡ họ bởi những hồi quang xa lơ xa lắc giúp họ quên đi những cay đắng thường trực hiển hiện trong cuộc đời hiện tại. Chẳng cần suy nghĩ nhiều cũng biết kẻ cầm quyền vừa tắm mình trong tâm lý đó vừa lợi dụng nó một cách triệt để. Nói cách khác, chính quyền tồn tại nương nhờ bóng ma chiến tranh, còn kẻ cầm quyền vừa rốt ráo lợi dụng vừa chạy trốn bóng ma đó. Lại thêm một nghịch lý nữa chăng ? ... Không, chẳng nhiều nghịch lý đến thế trên cõi đời. Những hồi ức chiến tranh gieo tâm lý yếu hèn, nhẫn nhịn vào đám đông không nắm quyền lực bao nhiêu thì nó đào bới lòng khát khao hưởng thụ nơi những kẻ cầm quyền bấy nhiêu : nữa, nữa, và nữa... Lòng hám tiền thời tiền tích luỹ của chủ nghĩa tư bản phương Tây đang dịch chuyển tới mảnh đất Đông Dương bần hàn này, sau một cuộc chiến lâu dài tàn khốc với đám người cầm quyền phần đông là những kẻ găm trong óc những nguyên lý cộng sản cực quyền và chảy trong mạch dòng máu bọn cường hào thôn xã. Thần thánh đã mất. Hộp đen đã mở thả đám quỷ tham tàn. Chỉ còn le lói ánh hồi quang của chân trời xưa nhưng phía sau ánh sáng le lói kia là nòng súng. Chính quyền xây dựng trên nòng súng. Đó là nguyên tắc bất di bất dịch của nhà nước này. Chớ vội quên. Những cựu chiến binh lãnh đạo phong trào nông dân Thái Bình đã lần lượt chết trong bóng đêm câm lặng. Những cái chết lặng câm vô tăm tích. Khi dư luận báo chí lãng quên. Khi ống kính máy ảnh của các phóng viên nước ngoài đã quay sang mục tiêu khác. Nào ai nghe được tiếng kêu hấp hối của họ trong các trại giam phân tán rải rác nơi hẻo lánh, giữa đám tù hình sự, những tên trộm cướp nhà nghề và lũ giết thuê chém mướn. Một trăm kiểu chết khác nhau. Và tất cả chìm lấp trong tiếng hoan hô của các công trường ngày khởi sự, trong âm nhạc ầm ĩ đón tiếp các nhà đầu tư Nam Hàn, Nhật Bản, Hồng Kông, úc, Pháp... Những cựu chiến binh Thái Bình, tỉnh có số liệt sĩ cao nhất nước và có số trẻ quái thai nhiều nhất nước. Con vật tế thần béo nhất trong cuộc chiến vừa qua. Hẳn họ tưởng rằng chính quyền này vẫn là chính quyền của họ. Chút lòng can đảm rơi rớt sau cuộc chiến xui khiến họ hành động. ảo tưởng rằng máu đồng đội và máu chính bản thân mình đổ xuống trong hơn ba ngàn ngày bom đạn bảo đảm cho họ quyền lên tiếng đòi công lý. Trí nhớ ngu ngơ của họ bồng bềnh thứ hồi quang êm dịu, nhắc nhở rằng những kẻ cầm quyền đã từng là đồng đội, là thủ trưởng thân thiết trong cuộc chiến tranh chống Mỹ hào hùng dưới bóng cây rừng Trường Sơn... Tội nghiệp thay những cựu chiến binh tỉnh Thái, họ không biết câu nói nổi tiếng này : " Cách mạng bao giờ cũng ăn thịt những đứa con đẻ của mình ". ảo ảnh Trường Sơn dẫn họ tới những cái chết im lìm trong các trại giam tàn khốc và tăm tối.
Việt Nam không có Thiên An Môn. Nghệ thuật huyền diệu của Việt Nam là ngâm tẩm những Thiên An Môn trong axít lặng câm và quên lãng, xé Thiên An Môn thành muôn ngàn mảnh vụn cho gió thổi bay vô tăm tích cùng cát bụi. Riêng về điểm này những người lãnh đạo Trung Hoa nên cắp sách tới học các nhà lãnh đạo Việt Nam. Tôi bị ám ảnh bởi bóng ma của các cựu chiến binh kia, không biết họ vẫn quẩn quanh nơi đồng bằng hay đã quay lại Trường Sơn để tìm trong bóng tối rừng xưa hình ảnh những ngày xưa thân ái ?
Tổ tiên ta đã có từ lâu thành ngữ này : hòn vàng thì mất, hòn đất thì còn. Nếu câu nói xưa đúng, hẳn là chiến tranh đã cướp đi những con người cao quý nhất, dũng cảm nhất, thành thực nhất và những kẻ còn lại là bọn khôn ngoan luồn lọt, bọn ăn may, đám người lẩn khuất trong bóng tối các hành lang, bọn giỏi hò hét vờ vĩnh huơ gươm múa súng để lẩn tránh nơi gian lao nguy hiểm... Trong tâm hồn bọn người ấy liệu còn sót bao nhiêu lương tri ?... Liệu còn sót bao nhiêu lương tri trong các băng buôn lậu quốc gia, các ổ ăn cắp của đảng độc quyền, nơi lũ con ông cháu cha quen cưỡi máy bay đi chơi điếm ở Hồng Kông và quen ném vào mỗi ván đỏ đen hàng trăm ngàn đô la Mỹ ?... Nơi nào không có ánh sáng bóng tối sẽ lấp đầy. Nơi nào sự cao thượng không còn, sự đểu cáng ti tiện xâm chiếm. Khởi nguyên của mọi chính sách mọi ứng xử chẳng còn vì tinh thần yêu nước mà chỉ tuân theo ham muốn và lợi ích cá nhân. Lôgic của lợi lộc bất chấp mọi thứ lôgic của lý trí và đạo đức. Để phục vụ cho mưu cầu lợi lộc, quá khứ được sử dụng như ngôi đền dẫu không còn linh thiêng nhưng vẫn quyến rũ và lừa mị được những tâm hồn ngu ngơ, nhát nhúa và c hính quyền xây dựng trên nòng súng giữ vai trò của cây búa trong tay đao phủ sẵn sàng chặt phăng cổ những ai vì uất ức hoặc vì tò mò muốn vén tấm màn che hậu cung xem bọn cướp ngày chia chác phần xôi thịt ra sao. Trong những nhóm dân chúng tụ tập trò chuyện thì thầm vụng lén, người ta thường đố nhau xem mafia Việt Nam đã cướp của dân gửi ra các nhà băng Thuỵ Sĩ, Bangkok, Singapore... bao nhiêu tỉ đô la ?... Và một câu đầu lưỡi : " Giá có một chính phủ Aquino ở đây, chẳng hiểu số tiền của các loại vua chúa An Nam nhiều hay ít hơn số tiền của vợ chồng Marcos ? ". Những thứ chuyện thì thầm vụng lén đó là một cách để xả ẩn ức, phần trôi nổi của bề mặt dòng sông cuộc sống vẫn là tiếng độc thoại oang oang không mệt mỏi không hổ thẹn của đảng cầm quyền. Gần đây nhất, là những bài báo phản đối OTAN, mà đầu sỏ đương nhiên là Mỹ. Những cuộc phát động lòng căm thù trong đám đông dân chúng, kêu gọi đấu tranh được dấy lên tới tấp. Tôi được nghe kể rằng các nhà văn Việt Nam nhân dịp này đã bộc lộ lòng nhiệt thành hăng hái hết sức ngoạn mục, nhiều người đã ghi tên sẵn sàng tình nguyện lên đường sang Nam Tư để ngh iên cứu tình hình và viết bài chống OTAN... Lòng quả cảm đáng tuyên dương biết bao... Nhưng tôi không hiểu vì sao các nhà văn này không tình nguyện lên thượng nguồn sông Móng Cái để nghiên cứu tình hình và viết bài ủng hộ đồng bào của họ trước khi lên đường chống OTAN ?... Bởi vì người đàn anh Trung Hoa đang tiếp tục xây đập chắn thượng nguồn sông, làm thay đổi môi trường sinh thái của vùng đất phía bắc, đẩy hàng triệu người Việt vào tình cảnh mất kế sinh nhai, khốn khổ trong sinh hoạt. Họ không biết sự thật hay họ cố ý tảng lờ ? Tình đoàn kết quốc tế vô sản trong quá khứ vẫn đè trĩu con tim khiến họ bịt tai nhắm mắt hay ánh nến slave và tiếng đồng ca của các tín đồ orthodoxe quyến rũ họ hơn nỗi thống khổ của chính những người cùng nòi giống ?... Cứ cho OTAN thực sự chỉ là lũ sen đầm quốc tế xâm phạm chủ quyền nước khác nhưng chí ít hành động đó vẫn còn một lý do bấu víu : OTAN ủng hộ những người thiểu số Anbani, những kẻ yếu hơn. Còn việc người đàn anh Trung Hoa lấn chiếm các vùng biên giới, lãnh thổ và lãnh hải, xây đập chắn sông là dựa trên lý do nào ?... Hãy tìm cho cho được mảnh áo để nguỵ trang, chí ít cũng bằng OTAN lấy lý do bảo vệ đám người Kosovo để che đậy dã tâm xâm lược ?... Nhưng thôi, chẳng nên bàn đến các nhà văn xứ này, thời nào đám ngựa cũng bị bịt mắt và chỉ chạy theo con con đường của chủ. điều tôi muốn quan tâm là việc dấy lên phong trào chống OTAN như biểu tượng ám chỉ Việt Nam, ngọn cờ chống Mỹ, lương tri của loài người đã chiến thắng Mỹ oanh liệt, việc đó được thực thi một cách toàn diện triệt để và vô cùng ầm ĩ trong khi cuộc kháng cự những hành vi xâm lược ức hiếp ngang ngược của người láng giềng phương bắc lại giống như tiếng kêu của một đứa bé ngọng nghịu bị bóp mũi thổi tai. Báo Nhân Dân chủ nhật ngày 28-3-1999 đăng ở trang 8 lời phát ngôn Bộ ngoại giao Việt Nam như sau : "... Như chúng tôi đã nhiều lần khẳng định, Việt Nam có đầy đủ các bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để chứng minh chủ quyền đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của mình. Bất kì việc làm của một nước nào khác đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cũng như trong vùng đặc quyền kinh tế...". Tất thảy những người Việt quan tâm đến vận mệnh đất nước đều biết mười mươi rằng chính phủ Trung Quốc đã ngang nhiên cho quân đội tấn công Trường Sa, Hoàng Sa và ngay sau chuyến thăm của ông Lê Khả Phiêu đã ra lệnh cấm ngư dân Việt Nam đánh cá vào tháng 7 và tháng 8 năm nay, 1999. Vậy tại sao người phát ngôn của bộ ngoại giao lại ám chỉ mập mờ : Bất kì việc làm của một nước nào... Một thông báo ấp úng ỡm ờ như thế hẳn không đem lại chút danh dự nào cho chủ nhân của chúng.
Nhiều khi tôi tự hỏi : phải chăng hành vi ứng xử của một tập đoàn, một nhóm người cũng chịu chung những qui luật như hành vi ứng xử cá nhân, quá nửa phần bị vô thức điều khiển. Việc các nhà cầm quyền Việt Nam ủng hộ chính phủ Nam Tư một cách cuồng nhiệt như vậy là do tác động của nguyên tắc : đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu (Một bên đảng trị, bên kia gia đình trị. Mafia là tính đồng nhất cho các chính phủ dã man lấy lợi ích cá nhân làm tiêu chí hành động. Một bên tàn sát người khác sắc tộc, bên kia đàn áp những người chống cướp bóc, đòi công lý...). Giả thuyết này có bao nhiêu phần trăm xác thực ?... Tôi chưa đủ điều kiện và thời gian minh xác nhưng chắc chắn đó là những liên tưởng phổ biến trong đám người chịu suy nghĩ. Các nhà báo nước ngoài vẫn thường thắc mắc về đường lối chính trị của Việt Nam, họ vô cùng khó hiểu bởi sau bao nhiêu cố gắng nhọc nhằn ve vuốt Mỹ và các nước phương Tây, biểu hiện gần đây có vẻ như nghịch lý... Thưa các nhà quan sát phương Tây, chắc chắn các vị sẽ phải tốn phí thời gian và thử nghiệm mới tìm được sự thật ở xứ sở này. Bởi các vị không hiểu tâm lý những kẻ ăn đong. đối với đám người ăn đong, không có lôgic cũng chẳng có nguyên tắc hành động. Tâm lý của họ là tâm lý thằng bờm. Mục tiêu hành động của họ là hòn xôi trước mắt. Tự hiểu mình vô năng, không một chút phẩm chất tự thân để tồn tại, họ phải đào bới quá khứ nương nhờ bóng ma của cuộc chiến tranh chống Mỹ, nương nhờ hương khói ngôi đền và sự ngu ngơ của dân chúng để kéo dài thời trị vì. Bất cứ sự kiện nào có thể gợi tưởng đến liều thuốc trợ lực này : đảng vinh quang dẫn dắt dân tộc đến chiến thắng đế quốc Mỹ, họ sẽ khai thác triệt để, OTAN là cơ hội gần nhất. Nhưng mặt khác, vì không đủ sức đứng trên đôi chân của mình, không đủ sức lật trang lịch sử và cũng chẳng muốn lật trang lịch sử, họ phải quỵ luỵ túm lấy vạt áo kẻ láng giềng, cố níu chặt mảnh ván xã hội chủ nghĩa của con thuyền xưa đã bị gió bão đánh tan tành, bởi chỉ nhờ trương lên tấm biển xã hội chủ nghĩa họ mới có thể cướp bóc dân chúng một cách dễ dàng, chuyển hoá tài sản quốc gia thành các ngân khoản riêng ở các ngân hàng ngoài nước. Chính vì mối lợi ấy họ phải cúi đầu ngậm miệng trước những cú tát nổ đom đóm mắt của người láng giềng phương bắc. Xưa nay, kẻ tham làm gì còn liêm sỉ. Nói cách khác, tinh thần cao thượng và sự tự trọng là những khái niệm hão huyền và xa lạ với đám người chưa đủ tư cách để hiểu những ngôn từ ấy. Hỡi ôi, những tổ tiên oanh liệt của người Việt, những Nguyễn Trãi, Phi Khanh, Trần Bình Trọng, những Nguyễn Biểu, Mạc đĩnh Chi, Giang Văn Minh1... Nếu những vong linh xưa giờ đây còn có thể cất lời, hẳn sẽ phải thét gào xé gan xé ruột hay tan thành bụi máu nếu chứng kiến bộ dạng và hành vi của đám người dẫn dắt dân Việt hôm nay...
Từ ngày 30-4-1975 đến nay, hai mươi bốn năm qua. Xấp xỉ một phần tư thế kỉ nhưng những người nông dân mặc áo lính vẫn đứng dưới ruộng bùn. Bóng cuộc chiến tranh đổ xuống ngôi đền cho bọn cướp bóc trú ngụ, còn đám người ngu ngơ nhát nhúa vẫn sống bởi ánh hồi quang của những chân trời đã mất, bởi niềm tự an ủi " sống khổ nhục còn hơn là chết ". Và như thế, nền dân chủ càng bị đẩy lui về phía xa, cơ hội xây dựng một xã hội văn minh càng mờ mịt. đó, trái cây nhiệt đới sót mùa, hậu hoạ vô hình và khủng khiếp nhất, dai dẳng nhất của chiến tranh nơi xứ sở chúng ta. đó mới chính là sự què cụt tinh thần, là quái thai trong đời sống tâm linh của một dân tộc.
Ở đâu con chim bồ câu trứ danh của Picasso ?
Ở một phương trời khác, nơi tổ quốc của những con người khác, những con người biết tôn trọng chính mình, biết quý trọng máu mình đã đổ, biết giá trị đời sống của bản thân và của đồng loại. Trên quê hương họ, sau chiến tranh mười năm tiếng dương cầm đã vang lên trong khung cửa sổ, lấp đầy không gian những hoàng hôn.
Con chim thơ mộng kia chưa bay tới xứ sở của chúng ta, những kẻ yên tâm lội dưới bùn, những kẻ thờ ơ với chính máu mình đổ ra, ngoan ngoãn chịu đựng mọi sự cướp bóc, hài lòng với bát cơm chan nước mắm cua đồng, chưa bao giờ dám mở to mắt để ngắm nhìn và ước ao cuộc sống như một giá trị đáng phải có... Những con người có thói quen lim dim mắt trước cuộc đời hiện tại và chỉ ngây ngất với ánh hồi quang của những chân trời đã mất.
Sau chiến tranh ngót một phần tư thế kỉ, trên dải đất này vẫn chỉ nghe rõ tiếng vỗ cánh của bầy quạ đen trên các nghĩa địa nối dài từ bắc vào nam, từ nam ra bắc.
Con chim ngậm cành ô-liu kia còn lẩn khuất nơi chân trời mù sương nào đó. Trên dải bờ xa xôi. Và chờ đợi bình minh.
Hà Nội, 5.1999
-----------------
1 Giang Văn Minh (1573-1637) : Văn thần đời Lê Thần Tông, quê làng Mộng Phụ, huyện Phú Lộc, tỉnh Sơn Tây. Năm Mậu Thìn 1628 làm đến tự khanh, tước hầu. Năm 1637 được cử làm phó sứ sang nhà Thanh dâng lễ cống. Theo sách đại Việt lịch triều đăng khoa lục, khi đến nơi, đại thần nhà Thanh ra câu đối : đồng trụ chí kim đài dĩ lục (Cột đồng đến nay rêu đã xanh), ông đối lại : đằng giang tự cổ huyết do hồng (Sông Bạch Đằng từ xưa máu còn đỏ). Người Thanh giận, giết chết, tẩm xác vào thuỷ ngân, rồi cho đưa về nước. Khi chết, ông tròn 64 tuổi, được truy tặng tả thị lang Bộ Binh, tước Vinh quận công [Nguyễn Q. Thắng & Nguyễn Bá Thế, Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam, nxb Văn Hoá, 1993].
Hết