An không dám nói thêm. Anh còn có thể nói thêm được điều gì trước một người đích thực vừa làm chú vừa làm cha ? Vả chăng, đang tuổi tráng niên, anh cũng muốn lên đường. Những chân trời mới lạ mời mọc anh. Những tiếng ầm ì từ khoảng không xa xôi vẳng lại khiến tâm hồn anh nôn nao. Cuộc chiến tranh sôi động của dân tộc vọng đến tận những rẻo rừng hẻo lánh nhất. Nhiều bạn đồng môn của anh đã lên đường. Nàng Xuân cũng rời bản Xíu ra đi khi tròn mười ba tuổi, gia nhập đội thiếu sinh quân của chiến khu. Mai đây, em gái anh có thể được gửi đi học Liên-xô hay Trung quốc theo chương trình đào tạo của chính phủ cách mạng. Như thế đấy, làm sao anh ngồi yên ?Thung lũng êm đềm quê hương bị quây bọc bốn bề bởi rừng núi. Những giải rừng hiền hoà anh đã thuộc kĩ từng lối mòn. Những rặng núi thân quen anh có thể đếm đủ bao nhiêu dòng nước róc rách trên các khe đá chảy xuống. Con thác Sơn ca reo khúc nhạc bất tận từ thuở anh lẫm chẫm tập đi cho tới lúc anh biết làm tình. Những dấu chân của đàn trâu dẫm trên con đường lầy lội vào bản ngày mưa. Tiếng lục lạc reo dưới cổ chúng vang lên trong các hoàng hôn vắng vẻ. Tất cả quá quen thuộc, quen thuộc đến sờn mòn và bí bức. Anh hiểu rằng anh cần rời bỏ thung lũng thân quen này để biết được thế giới bên ngoài tồn tại ra sao. Anh phải ra đi, tuy anh yêu nàng.
- Anh đi , rồi bao giờ quay về ?..
Nàng hỏi.
- Anh đi đánh giặc. Hết giặc anh sẽ về.
Anh đáp, như hết thảy những người trai thời tao loạn ; nói những lời lẽ đẹp đẽ cổ xưa mà họ đã thuộc lòng.
- Em nhớ anh.
Nàng nói tiếp và bắt đầu khóc.
- Anh cũng nhớ em. Nhưng để làm tròn nghĩa vụ với non sông, anh phải ra đi. Nhớ anh thì hãy chờ anh. Nhất định anh sẽ về.
Anh đáp lại. Cũng những lời lẽ mà các chiến binh ngàn đời đã nói với người vợ trẻ của họ trước khi rời khỏi xóm thôn. Những lời an ủi ấy hẳn dành cho cả kẻ ra đi lẫn người ở lại bởi tuy nói để trấn an người yêu nhưng sống mũi anh cũng bắt đầu cay như ăn nhầm dưa cải muối còn xanh. Nàng gục mặt lên vai anh và nước mắt nàng thấm ướt tấm áo chàm anh đang mặc. Nước mắt nàng ấm nóng. Ấm nóng như là ...
Ý nghĩ ấy khiến An sởn gai ốc. Anh vội nhắm mắt lại. Một hơi gió lạnh thổi tạt từ phía sân khấu vào mặt anh, và cùng lúc ấy, tiếng hát của người đàn bà điên dại mặc váy đỏ, tóc cài hoa đại vang đầy không gian :
― Con gà rừng,
Sao mày ăn lộn với lũ công...
Sao mày gian dối, hỡi con gà rừng ?...„
An thầm nói với chính mình :
― Cuộc sống vốn dối gian như vậy. Tựa như con gà rừng ăn lộn với bầy công. Nước mắt thơ ngây của em làm nóng vai ta đêm năm xưa. Còn đêm nay, vai ta lại ấm nóng bởi máu người. Máu kẻ phản bội trộn lẫn máu người vô tội. Một kiểu như con gà rừng ăn lộn với bầy công. Nhưng đấy chính là con đường của số phận dẫn đưa. Ta không có cách nào thoát khỏi con đường ấy. Ta sẽ còn tiếp tục đi theo con đường ấy để tìm đến nơi em trú ngụ. Em và nàng Nhỏ của chúng ta „
- Hoan hô........
- Hoan hô....Hoan hô....
Mọi người ào ào đứng lên xung quanh An. Anh vội vã đứng lên theo họ. Đêm biểu diễn kết thúc. Tất cả các diễn viên, các nhạc công cùng đổ ra sân khấu một lần để chào binh lính. Ban chỉ huy lên sân khấu tặng hoa. Gọi là hoa nhưng thực sự chỉ là các bó cỏ lau, kẹp ở giữa một bông chuối rừng hoặc một chùm mẫu đơn núi. Nhưng tất thảy đều tràn đầy phấn khích. Đàn phong cầm kéo vang hết cỡ trước máy phóng thanh để cả người diễn lẫn người xem cùng hát lên bài ca chung cuộc trước lúc chia tay. Người đứng bên trên sân khấu vẫy hoa, lính bên dưới vỗ tay theo nhịp trống :
Ta vượt trên triền núi cao Trường sơn
Đá mòn mà đôi gót không mòn
Ta không nề gian lao không nề xông pha
Quân về theo gió đang dâng triều lên...
Tiếng vỗ tay dội vang rừng núi. Rồi sau một vài phút ồn ào, sư đoàn phó bước lên trước micro cảm ơn đoàn văn công, đồng thời chúc các đơn vị một thời kì huấn luyện tốt đẹp...An nhìn rõ vẻ nháo nhác tìm kiếm của ông ta trước khi bước lên sân khấu. Bởi người có sứ mạng nói lời kết thúc đêm nay lẽ ra phải là sư trưởng.Vị lãnh đạo đã biến mất một cách thần bí.
Rồi các đơn vị trong tiểu đoàn 209 bắt đầu kiểm lại quân lính trước khi rút lui. Quân của sư đoàn chia ra các ngả về trại. An nhìn thấy tiểu đoàn trưởng Nhã vẻ như đang tìm kiếm mình. Anh giơ tay lên cao vẫy :
- Tiểu đoàn trưởng, đại đội chúng tôi ở đây.
Phía xa, Nhã cao tiếng gọi :
- Đồng chí cho anh em về nghỉ rồi đến gặp tôi.
An ra lệnh cho các trung đội trưởng :
- Các đồng chí có thể về lán. Chẳng còn gì để làm vào lúc này. Sáng mai, chắc chắn lãnh đạo sư đoàn cho anh em ngủ bù. Tôi đoán vậy.
- Báo cáo đại đội trưởng, cho anh em ngủ bù là hợp lý. Giờ đã là ba giờ kém hai mươi nhăm.
Các cánh quân 209 theo nhau rút lui. Gấp gáp, chen lấn, hối hả không thua gì lúc đến. Từng đợt sấm ì ầm đã vọng bên trên các cánh rừng.
- Mau chân lên mày ! Thằng này hậu đậu hay sao thế ?
- Mau thế chó nào được. Đường hẹp bỏ cha.
- Thế thì mày dẹp sang một bên cho tao vượt lên trước.
- Các cậu cãi nhau ngậu xị làm gì vậy ? Vượt lên hay tụt xuống thì cũng chỉ hơn nhau vài thước, trốn không khỏi mưa. Biết điều thì chuẩn bị sẵn vải nhựa ra.
- Lậy trời đừng mưa vội. Lạy trời chờ chúng con về lán rồi hãy đổ mưa. Mưa có to đến mấy cũng được.
- May ra thì thoát được, sấm đằng đông vừa trông vừa chạy, nhưng đêm nay lại sấm đằng tây.
- Đồ ngốc, sấm đằng tây mưa giây gió giật, tuy có muộn hơn nhưng lại dữ dội gấp muôn phần.
- Rồi xem.
Gió đêm cuồn cuộn chảy trên các vòm cây hùng vĩ. Tiếng lắc rắc của các cành lá nghe như chúng sắp gãy ngay trên đầu ta. An chờ cho lính rút lui hết mới thong thả tiến về phía tiểu đoàn trưởng. Ông đang đứng với sư đoàn phó và đám lãnh đạo các tiểu đoàn. Họ đứng thành hình vòng tròn, khi anh bước tới vòng tròn đó mở ra như một cách chờ đợi và chào đón. An hiểu rằng họ không biết tìm thông tin ở đâu ngoài một mình anh :
- Báo cáo tiểu đoàn trưởng, đồng chí cho gọi tôi ?
Anh dừng lại trước tiểu đoàn trưởng Nhã, cất tiếng hỏi :
- Lại đây ! Lại gần đây !
Nhã vồn vã :
- Không phải để gặp mình tôi mà toàn thể ban lãnh đạo. Chúng tôi đang lo lắng vì không rõ sư trưởng đi đâu. Vào nửa chừng cuộc biểu diễn, đồng chí ấy đã đi theo một cán bộ đại đội bên tiểu đoàn bạn...Đến bây giờ cũng không thấy hai người quay trở lại. Tiểu đoàn 209 báo cáo rằng trước khi vào bãi xem đại đội trưởng người Mèo này đã gặp đồng chí tại cửa rừng. Và sau đó đồng chí đã cùng với anh ta nhập vào đơn vị 209?
- Báo cáo tiểu đoàn trưởng, chính xác là như thế. Tôi ngồi xem với cậu ta cho đến hơn chín giờ. Đột nhiên bị đau bụng nên phải quay về lán lấy thuốc uống. Lúc trở lại trảng tôi tìm về đại đội của mình vì e lính sốt ruột không thấy thủ trưởng đâu.
- Đồng chí là đồng đội cũ với đại đội trưởng người Mèo ?
- Dạ, tôi cùng trung đội với Mã Lỳ từ hồi trên rừng Việt bắc. Nhưng lúc đó cậu ta chỉ là giao liên ngoài phiên chế vì chưa đủ tuổi. Rồi sau ngày giải phóng thủ đô, trên cử người về tuyển lính vượt biên giới làm nhiệm vụ đặc biệt. Một số anh em đã tình nguyện lên đường, trong đó có tôi. Như thế, đã mười lăm năm chúng tôi không gặp nhau.
- Những ngày còn gần gũi cậu ta trên Việt bắc, đồng chí có biết gì về hoàn cảnh riêng tư của cậu ta hay không ?
- Tôi không biết nhiều lắm vì tuổi tác chênh lệch. Cậu ta thân với mấy anh Sán dìu, Sán chỉ vùng Lạng giang Hà bắc hơn tôi. Nhưng thi thoảng nhóm dân tộc chúng tôi gồm sáu chủng loại cũng góp tiền rủ nhau liên hoan. Những dịp ấy, Mã Lỳ thường khoe rằng máu chảy trong người cậu ta không phải thuần tuý máu dân Mèo mà là một thứ hộn huyết . Bà ngoại cậu ta vốn là dân Kinh buôn cá mắm khô gặp thời ly loạn bị cướp hết bạc tiền nên đành ở lại miền núi, lấy ông ngoại cậu ta vốn là tay buôn thuốc phiện có tiếng trong vùng. Hồi nãy, khi chúng tôi mới gặp nhau, Mã Lỳ có nói rằng cậu ta sẽ đi tìm một người bà con trong sư đoàn của chúng ta.
- Sư trưởng ?
Cùng một lúc sư đoàn phó và các tiểu đoàn trưởng bật lên câu hỏi. Không ai trả lời. An hỏi lại họ :
- Các đồng chí nói rằng sư trưởng đã ra đi cùng với Mã Lỳ ?
- Đúng thế. Sau tiết mục hề chèo thứ sáu.
Sư đoàn phó đáp.
- Lúc đó chắc tôi chưa kịp quay lại.
An nói.
Cả đám sĩ quan giương mắt nhìn nhau, người nọ nhìn vào mặt người kia như học trò vỡ lòng nhìn vào tấm bảng đen ghi đầu đề toán cấp một. An chờ đợi vài phút rồi quay sang tiểu đoàn trưởng Nhã :
- Tôi nghĩ họ sang bên kia núi Gấu trúc trước lúc đêm diễn kết thúc. Nếu quả thực sư trưởng là họ hàng của Mã Lỳ, cậu ta sẽ phải gọi đồng chí ấy là cậu. Với người Kinh, họ nhà nội thường coi là gần gụi nhưng với người Mèo, cậu cháu, họ đằng mẹ hay bà ngoại mới thật sự là thân thiết. Ngần ấy năm cách biệt, họ phải có rất nhiều chuyện để nói với nhau.
- Có thể ...
Nhã đáp.
Một tràng sấm ầm ì liên tiếp đuổi nhau từ phương tây vang tới. Vài tia lửa mờ rọi lên vùng trời đêm đen như than. Sư đoàn phó đưa mắt nhìn khắp lượt rồi nói :
- Dù sao chúng ta cũng phải chờ đến sáng mai mới rõ được sự tình. Quả là kì cục. Nếu sư trưởng cần thiết đi đến như vậy, ít nhất đồng chí ấy cũng phải nhắn cho tôi một lời.
Ông móc chiếc đồng hồ trong túi áo ra xem rồi nói tiếp :
- Ba giờ đêm rồi. Chúng ta về hầm thôi. Ngày mai, chín rưỡi sáng ban chỉ huy tập trung. Lính tráng cho ngủ thoả sức.
Quay sang An, ông bảo :
-Cảm ơn đồng chí. Chúc ngủ ngon.
Đám người tản ra theo các lối khác nhau trở về nơi trú ẩn. Tiểu đoàn trưởng Nhã cùng An theo một lối. Trên chặng đường tối đen như mực, bất chợt Nhã buông tiếng thở dài :
- Không hiểu sao tôi bỗng cảm thấy đêm nay vô cùng ảm đạm. Thật phí hoài cả cuộc vui.
- Vâng.
An đáp.
Một chuỗi sấm nữa lại nổ rền. Hơi gió lạnh thổi ràn rạt qua trảng cỏ làm tê lạnh da mặt họ.
Tiểu đoàn trưởng bảo :
- Chạy đi! Gió đã đổi mùi.
- Vâng.
Hai người cùng cắm đầu chạy . Ánh đèn nhoang nhoáng vẩy trong bóng đêm. Mươi phút sau, họ chui được vào hầm. Cũng chính lúc đó, đêm bừng lên từng đám tia chớp, te tướp loằng nhoằng như những bó gân người bị tước nhỏ. Tiếp đó, những hồi sấm liên tục nổ vang ngay trên đầu họ. Rồi mưa quất xuống những loạt liên thanh. Gió bắt đầu gào hú từng cơn, bổng trầm xen những loạt roi mưa quất ràn rạt. Cây cối vặn mình răng rắc, nghiêng ngả bốn bên. Hai người đứng lại trước của hầm một giây, nhìn ra ngoài trời :
- Khiếp thật. Đúng là cơn đằng tây mưa giây gió giật.
Tiểu đoàn trưởng nói.
- Vâng.
An gật đầu.
- Giờ là lúc chúng ta có thể yên tâm ngủ. Ít nhất cũng được đêm nay.
Nhã nói tiếp.
- Vâng, chiến tranh mà. Sống ngày nào hay ngày ấy.
An hoạ theo.
Rồi hai người vào hầm.
Khi đã chui vào màn, An lắng nghe tiếng mưa tuôn như thác xối ngoài trời, thầm nói :
― Ngày mai, không dấu vết nào còn lại trên bờ suối. Có một trăm thứ kính hiển vi cũng không tìm nổi vân tay kẻ sát nhân. Sư trưởng ơi, chớ thù oán tôi mà tội nghiệp. Ông đã trót là người nắm quyền trong bộ máy này. Quyền càng cao thì nguy hiểm càng sâu. Vinh càng dầy thì nhục càng đậm. Xưa nay sự thế vẫn xảy ra như vậy. Ông hãy ngủ yên nơi chín suối với những người thân thuộc của tôi.„
Anh thở dài. Rồi tức khắc chìm vào giấc ngủ.
***
Giấc ngủ ấy không có ác mộng, cũng chẳng có cơn mơ vàng.
Không một hình bóng quá khứ, cũng chẳng một nét vẽ về tương lai.
Giấc ngủ ấy đen kịt như đêm đông, dầy đặc như sương mù tháng chạp, nặng nề như cỗ xe bò chở gỗ. Giấc ngủ ấy như con thuyền bơi trên một dòng nước mênh mông, lặng lờ không sóng vỗ, chẳng ra sông cũng chẳng ra hồ, không phải đầm nước trong cũng chẳng phải vùng biển đục. Con thuyền ấy chở anh trôi đi, trôi triền miên giữa một vùng đen thăm thẳm...
Đại đội trưởng An ngủ liền một mạch cho đến tận mười giờ sáng hôm sau, khi ban chỉ huy tập trung, tiểu đoàn trưởng Nhã thấy thiếu mặt anh cho lính quay về gọi. An vùng dậy, đi ngay.
Trong hầm chỉ huy, tất cả đã tề tựu, người đứng kẻ ngồi, túm tụm thành từng nhóm. Thấy anh, tiểu đoàn trưởng Nhã tiến ra đón :
- Ngủ kĩ vậy ? Tôi ăn sáng rồi đi luôn không quay lại hầm. Tưởng cậu phải nhớ giờ mà dậy ?
- Thủ trưởng biết tính tôi hay ngủ nướng mà. Khi tôi thức dậy hãy còn tối đất nên đành nằm xuống ngủ thêm giấc nữa. Giấc ngủ lại bao giờ cũng nguy hiểm. Sao ? Các đồng chí đã có tin tức của sư trưởng hay chưa ?
- Không thấy gì hết...nhưng...
- Có chuyện gì vậy ?
- Lính tìm thấy hai chiếc quần của họ, cùng vũ khí và những thứ đồ lặt vặt trên bờ suối. Sư đoàn đang đứng trước sự lựa chọn nan giải : Hoặc là báo cáo lên trên, chờ phán xử. Hoặc phải tìm cho ra lý do
hợp lý hoá việc này. Sư đoàn phó và tất cả chúng tôi hy vọng sự gợi ý của đồng chí. Ở đây, đồng chí là người duy nhất từng quen biết đại đội trưởng dân tộc Mèo, đối tượng tác nhân.
- Xin cảm ơn sự tin cậy của các cấp lãnh đạo. Nhưng khả năng hiểu biết của tôi vô cùng hạn chế. Mã Lỳ là người Mèo. Anh ta ở nhà đất, ăn bánh ngô, trồng thuốc phiện là nghề chính.Tôi là dân Tày. Dân Tày chúng tôi ở nhà sàn, nuôi trâu bò gà lợn và trồng lúa nương, ăn cơm tẻ lẫn xôi nếp. Thông thổ, tập tục khác nhau. Thêm nữa, cũng đã mười lăm năm cách biệt.
- Dẫu sao các đồng chí cũng đã từng là đồng đội. Vả chăng, cùng là dân miền núi.
An cất tiếng cười :
- Bây giờ tất cả chúng ta đây đều là dân miền núi bởi chúng ta sống trong dãy Trường sơn. Gọi dân miền núi chung chung có nghĩa rằng chẳng biết gì về đám dân sơn cước.
- Ồ ....thành thực mà nói...
Nhã lúng túng đáp rồi gỡ kính xuống lau, cử chỉ quen thuộc mỗi khi bối rối. Lúc đó sư đoàn phó đã nhìn thấy An nên ông vội vã tiến đến. Theo sau ông là nhóm cán bộ đứng đầu các tiểu đoàn. Mọi người chào nhau rồi tất thảy xúm quanh An với vẻ chờ đợi. Nhưng anh quay sang tiếp tục nói với tiểu đoàn trưởng Nhã :
- Trước hết, tôi muốn xem người ta tìm thấy những gì trên bờ suối. Bởi, tôi không tin Mã Lỳ rủ sư trưởng xuống suối tắm, nhất là lúc trời đã tối đen và nước đã trở lạnh. Nói thẳng thừng, người Mèo không thích tắm. Họ có thói quen tắm lửa, nhất là những ai đã lâu ngày hút thuốc phiện. Đồng chí biết thuốc phiện đã từng được coi như cơm trắng trong vương quốc người Mèo ?
- Thú thực, lần đầu tôi nghe chuyện ấy. Quê tôi ở ven sông Hồng. Từ ngày vào lính cũng chỉ tiếp xúc với dân Kinh. Đồng chí là người dân tộc đầu tiên tôi quen biết.
- Lãnh thổ của người Mèo nằm trên tam giác vàng, miền trồng cây anh túc và sản xuất thuốc phiện cho nửa phần châu Á. Vua Mèo Hoàng-su-Phì từng thống lĩnh một đội quân đặc biệt tinh nhuệ, có nhiệm vụ bảo vệ những chuyến hàng vượt biên giới, đánh trả lại bất cứ quân lính của quốc gia nào cũng như các toán lục lâm. Dân Mèo vì thế buộc phải trồng thuốc phiện cho nhà vua để đổi lấy gạo, muối, cá mắm khô và dầu hoả. Nhiều đời như thế, họ trở thành nghiện thuốc phiện như người Kinh nghiện ăn cơm trắng. Không hiểu vì lý do nào, những người nghiện thuốc phiện thường rất sợ nước. Họ ít khi tắm suối, tắm khe hoặc đun nước nóng tắm trong nhà. Họ thường cởi quần áo ngồi cạnh đống lửa để hơi nóng làm mồ hôi toát ra khắp các lỗ chân lông, rồi họ lấy tay vê ghét lại thành viên và ném vào đống tro hoặc vun vào một góc rồi đổ ra vườn.
- Trời đất ơi, thật thế à ?
Một cán bộ tiểu đoàn bật lên tiếng kêu kinh ngạc.
An quay sang nhìn ông ta :
- Đồng chí cho là tôi bịa chuyện ? Hoặc là tôi phân biệt sắc tộc nên nói xấu người Mèo ?
- Ồ không...
Sư phó gạt đi :
- Đơn thuần chỉ là sự ngạc nhiên thôi. Đồng chí chớ hiểu lầm. Chính tôi đây cũng chưa từng biết điều đó.
An biết rằng câu chuyện về cách tắm của người Mèo kích động trí tò mò của đám cán bộ sư đoàn nhưng họ cố ghìm nén mà không dám hỏi thêm. Cứ nhìn những ánh mắt thầm lén trao đổi là đủ biết.
Tiểu đoàn trưởng Nhã nói với sư phó :
- Đồng chí An muốn xem hiện trường bởi không tin vào giả thuyết là hai người rủ nhau tắm suối. Tôi hy vọng lính còn giữ nguyên mọi dấu vết ?...
- Yên tâm...Tôi đã ra lệnh bảo vệ hiện trường trong khi chờ đợi kết luận. Đồng chí có thể đưa đồng chí An ra xem.
- Chúng tôi sẽ trở lại ngay sau khi xem xét.
Nhã nói. Rồi tiểu đoàn trưởng ra khỏi hầm chỉ huy trước tiên.
An đi sau ông, nhìn mái tóc hoa râm phủ trên cổ áo đã bạc màu. Ở tuổi năm mươi, trông ông già hơn sư trưởng đến mười năm. Trong cuộc chiến tranh này, rõ ràng là dân miền biển và dân miền núi chịu đựng tốt hơn nhiều đám dân đồng bằng. Những bông hoa nở ven bờ sông Hồng, sông Luộc tàn rất mau vì mưa nắng Trường sơn.
Đồng hồ chỉ mười giờ hai mươi phút nhưng lính tráng đã đứng túm năm tụm ba khắp trảng. Lẽ ra họ có quyền ngủ hoặc ngồi chơi bài trong hầm. Nhưng tin tức rỉ từ tai nọ sang tai kia, nên khi hai người đi đến bờ suối, lính sư đoàn đã đổ ra đông nghịt. Một sợi dây dù chăng giữa ba thân cây, làm ranh giới bảo vệ hiện trường. Tiểu đội trực thuộc văn phòng ban chỉ huy sư đoàn làm nhiệm giữ đám lính tò mò bên ngoài sợi dây dù đó.
An đưa mắt nhìn bờ suối. Dấu vết con lũ còn hằn lên các ngấn cát và những đám sỏi bị nước bào. Những thứ đồ vật chiều qua xếp gọn thành đống giờ tẩu tán khắp nơi. Hai chiếc quần trôi tụt xuống phía dưới chừng dăm thước rồi dạt vào một gốc cây. Một chiếc đèn pin chúc đầu xuống cát chỉ còn nhô lên hai phần ba than đèn, chiếc kia bị nước cuốn trôi tít xuống chừng ba mươi thước rồi mắc vào một đám cành khô. Những thứ lặt vặt như lọ tăm, hộp thuốc lá, bật lửa, bấm móng tay....biến mất tăm không dấu vết. Chỉ hai khẩu súng là còn nguyên vị trí cũ cùng với một chiếc giầy. Tuy nhiên, chúng cũng phủ đầy bùn cát. Ồ, cơn mưa rừng đêm qua quả là trác tuyệt, nó đích thực là một gã phù thuỷ cao tay đã biến đổi hoàn toàn cảnh tượng sau lời thần chú.
- Ồ, cơn đằng tây mưa giây gió giật.
An bất giác thốt lên tiếng kêu :
- Đồng chí nhìn xem ngấn bùn đọng trên chiếc giầy.
- Quả là hung dữ, cơn mưa rừng đêm qua...
Tiểu đoàn trưởng Nhã gật đầu rồi nói tiếp :
- Mùa mưa năm trước, con suối này cuốn đi cả một cặp nai. Lính sư đoàn 89 đóng quân ở mạn dưới nhìn thấy hai con vật còn giãy giụa giữa dòng liền đem súng ra bắn rồi quăng dây kéo vào làm thịt. Kéo được hai con nai vào thì một cậu lại bị rớt xuống và lũ cuốn phăng đi không kịp cất tiếng kêu.
- Sao tôi không nhớ chuyện đó nhỉ ?
- Nhớ làm sao được ? Chuyện đó chỉ phổ biến trong nội bộ lãnh đạo ban sư đoàn. Ai dám chấp nhận sự thật ấy ?
Tiểu đoàn trưởng chép miệng và hạ giọng gần như thì thầm :
- Khổ thay ! Miếng ăn đổi lấy mạng người.
An trầm ngâm nhìn dòng suối và thầm nhủ :
« Đêm qua nếu ta không cột chặt một bên chân vào gốc cây, hẳn ta cũng lãnh được một cái chết như cậu lính vớt nai kia. »
Quay lại, An thấy đám lính đang chằm chằm nhìn anh và Nhã. Họ là những khán giả của một vở tuồng thần bí không có cốt truyện cũng chẳng có phông màn. Nhân vật chính không xuất hiện. Chỉ duy nhất vài mẩu trang phục và dăm thứ đạo cụ ném ngổn ngang. Nhưng vở tuồng này kích động tâm trí biết bao người vì nó liên quan cùng lượt đến cái chết hữu hình và cái chết vô hình. Nếu không hẳn là cái chết tuyệt đối thì cũng là sự thương tổn nghiêm trọng đến danh dự các cấp lãnh đạo. Chưa đầy ba tháng trước, toà án binh vừa xử bắn hai cậu lính hiếp một người đàn bà Vân kiều đốt than trong núi. Cuộc xử tử được thông báo khắp bốn sư đoàn quần thảo nơi chiến trường để làm gương răn đe. Vậy mà giờ đây, sư trưởng sư đoàn danh tiếng nhất, nhiều thành tích chiến đấu nhất khắp miền biến mất tiêu với một gã Mèo, trong đêm khuya, không một lời nhắn nhe, và vào buổi sáng hôm sau người ta tìm thấy hai chiếc quần trôi dạt trên bờ suối. Hẳn không cần thông minh lăm lắm cũng có thể mường tượng được tất thảy những gì xảy ra trong óc não đám lính đang xúm đông xúm đỏ kia.
Có lẽ tiểu đoàn trưởng đã đoán được điều ấy nên sau một lát chờ đợi, ông lên tiếng giục An :
- Chúng ta quay về hầm chỉ huy được chưa ?
- Vâng.... Nhìn thế cũng là đủ.
An đáp. Rồi họ quay gót. Tiếng lào xào bàn tán của đám đông đuổi theo họ. Nhất là khi hai người đi khuất trong rừng, gần như tức thời tất thảy những tiếng nói đều cất cao lên, giọng nào cũng oang oang như ra-đi-ô mở hết cỡ. An hiểu rằng đám lính trẻ chủ tâm để cho họ nghe thấy :
- Tôi đoan chắc là hai ông này rủ nhau ra nơi vắng vẻ chơi trò kê giao. Họ chọn đúng thời cơ đấy chứ ? Lính đang mê mải xem văn công, các ngài ra đây giải quyết nỗi buồn cho củ hành bí bức.
- Kê giao là cái gì nhỉ ?
- Đừng vờ vịt, tiên sư bố khỉ. Mày không biết thì còn ai biết cái trò ấy ?
- Mày muốn gắp lửa bỏ tay người phải không ?
- Lửa với than ! Bữa trước thằng mặt mẹt nào kể với tao là lính Lào chuyên trị chơi trò lắp đít ?
- Thế lắp đít với kê giao là một hay sao ? Giờ tao mới biết...
- Bố sư thằng hề đểu.
- Không đểu thế làm sao chúng mày được mặc sức cười ?
Những tiếng cười náo loạn chen chúc nhau, rú rít, sằng sặc,ha hả....Những tiếng cười bắn liên tục như đạn liên thanh. Những tràng cười rặn ra từng cục như kẻ táo bón trong cơn sổ ruột.
An nhìn thấy Nhã cúi đầu rảo bước thật nhanh, dường như muốn chạy trốn những lời đàm tiếu của đám lính. Chắc tiểu đoàn trưởng khổ tâm lắm. Đó là một con người nho nhã, có đôi phần đơn giản. Mọi tổn thất của cuộc sống tinh thần thường khiến ông hoảng hốt và bị dằn vặt nặng nề hơn những người khác.
An rảo bước tiến sát lưng ông, lên tiếng :
- Chẳng ai sinh ra để làm lính. Chiến tranh là sự chẳng đừng. Thủ trưởng chớ nên nghĩ ngợi nhiều quá.
- Tôi vốn là người không thích đa sự. Nhưng quả tình không muốn nghĩ cũng không được. Đồng chí lý giải ra sao sự việc này ?
- Tôi cũng bất lực. Tôi không thể thông minh hơn các đồng chí.
- Chúng ta sẽ giải thích ra sao trước anh em ?
- Nếu chúng ta không hiểu thì tốt nhất là đừng giải thích.
- Nhưng điều đó là bất khả. Muốn hay không cũng phải giải thích lý do trước tất thảy mọi người. Trong quân đội, mọi cái chết đều phải tuyên bố rõ ràng vì nó còn liên quan đến những người trong gia đình họ. Hoặc là một cái chết nhục nhã của kẻ phản bội, hoặc là sự hy sinh vì nhiệm vụ trước nhân dân và như thế, thân nhân của họ có quyền được hưởng sự đền bù.
- Vâng.
Nhã đáp.
Cùng lúc, trong thâm tâm anh bật lên tiếng cười chua chát :
« Nhưng cuộc đời không đơn giản như thế. Còn có rất nhiều cái chết nằm ở ngoài vùng đất quy hoạch của các vị. Có những cái chết oan uổng, những cái chết nghẹn ngào câm lặng, những cái chết vô ý vô tình, những cái chết bò đến như loài rắn độc, những con rắn độc của định mệnh mà không ai có thể phòng ngừa và chống đỡ. »
Chẳng mấy chốc họ đã trở lại hầm chỉ huy.
Mọi người lặng lẽ uống nước chè hoặc rít thuốc trong khi chờ đợi họ. An biết người ta muốn có một lời giải thích. Nhất thiết phải có một lời giải thích. Vì thế, tốt nhất là anh lên tiếng mà không chờ phải nì nèo.
- Báo cáo sư phó và toàn thể ban lãnh đạo...Tôi đã cùng tiểu đoàn trưởng xem xét kĩ những vật còn lại trên bờ suối. Tôi tin chắc sư trưởng và Mã Lỳ không thể rủ nhau tắm bởi dù còn khoẻ mạnh sư trưởng cũng đã ngoại ngũ tuần. Thời điểm đó, nước suối rất lạnh. Thứ hai, chắc chắn Mã Lỳ không dám lội xuống nước. Suốt quãng thời gian ở trên rừng Việt bắc, tôi chỉ chứng kiến cậu ta tắm hai lần, cả hai lần đều vào giữa trưa hè nóng nực và do nhóm bạn Sán dìu, Sán chỉ rủ. Bình thường, Mã Lỳ không bao giờ nhúng mình xuống suối, dù có phải lội qua thì cậu ta cũng mau chóng lau khô người để mặc quần áo. Chúng tôi vẫn gọi các cậu Mèo là lũ mèo nhát nước. Do đó, không có lý do để họ điên khùng bỗng dưng lội xuống tắm trong bóng đêm. Còn những lý do khác, tôi chưa đủ thời gian hoặc kinh nghiệm để phán đoán...
Nói xong, anh ngồi xuống bên tiểu đoàn trưởng. Đám người câm lặng. Ai đó khúc khắc cất tiếng ho. Rồi sư phó nghiêm giọng tuyên bố :
- Tôi buộc phải yêu cầu tất cả các đồng chí cho ý kiến để đi đến quyết định cuối cùng. Muốn hay không tất cả chúng ta cũng có trách nhiệm giải quyết sự việc này. Muốn hay không nó cũng liên quan trực tiếp đến danh dự của mỗi người ngồi đây. Chúng ta phải đương đầu với trên một ngàn lính và sau đó, dư luận sẽ lây lan sang các sư đoàn bạn. Thêm nữa, chúng ta cũng không thể báo cáo lên cấp trên, chờ cấp trên xuống mở cuộc điều tra, lập hồ sơ toà án binh theo thông lệ, bởi điều đó là chuyện không tưởng. Riêng thời gian chuyển công văn đi lại cũng mất nửa tháng là tối thiểu, đó là trường hợp thuận lợi tuyệt đối, giao liên an toàn không gặp thám báo, lũ cuốn hoặc thú dữ...Vả lại, chỉ đêm nay mưa rừng sẽ cuốn trôi sạch nếu chúng ta không gom nhặt những đồ vật còn sót lại trên bờ suối. Những thứ lưu vật đó cần phải được giữ lại cho gia đình những người mất tích. Tôi dùng chữ mất tích ở đây vì chúng ta không rõ số mệnh của sư trưởng và đại đội trưởng người Mèo kia ra sao ?...Chúng ta hy vọng rằng họ có thể còn tồn tại, trong một cách thức nào đó mà chúng ta chưa biết rõ.
- Tôi nghĩ rằng chúng ta nên gạt bỏ giả thiết mất tích. Nó không thuyết phục được ai. Tưởng tượng xem hai người đang còn tồn tại, không mảnh vải trên thân. Liệu ai có thể bắt họ làm điều đó ?
- Năm trước bọn biệt kích chẳng tóm gọn cả tốp lính đang tắm suối là gì ? Nếu tôi không nhầm họ là lính sư 887.
- Ồ, tôi quên khuấy chuyện ấy.
- Trí nhớ ông ngắn thế ? Vừa mới mùa hè năm trước đã quên ?
- Ờ, bốn mươi chín rồi còn gì ? Khôn đâu tuổi trẻ, khoẻ đâu tuổi già ?
- Nói các đồng chí đừng cho là mê tín. Tôi không tin sư trưởng còn sống. Sáu giờ sáng hôm nay thức dậy, tôi nghe tiếng chim kền kền kêu như rít lên trong núi. Từ dạo lính của ông Thắng dính bãi mìn đến giờ đã hơn bốn tháng, có bao giờ nghe kền kền rít lên từng bầy náo loạn như thế đâu ?
- Đúng! Tôi cũng nghe chim kêu rợn cả hồn. Lúc đó mới lờ mờ sáng, vậy mà cả bầy chim đã rít lên như vậy có nghĩa chúng gặp mồi. Tiếng kêu vọng từ mạn Núi Mỏ chim. Mạn đó là nơi con suối đổ vào sông Nậm Khuốt.
Sư đoàn phó quay sang hỏi trợ lý quân sự :
- Đồng chí cho chúng tôi biết từ đây đến đấy hết bao nhiêu thời gian ?
Anh trợ lý đáp :
- Báo cáo đồng chí chỉ hai mươi phút nếu chúng ta có trực thăng. Nhưng đi đường bộ thì năm ngày là tối thiểu. Từ nơi chúng ta đóng quân đến sông Nậm Khuốt không có đường vượt rừng, cũng không có đường qua trảng. Đi dọc suối lại càng bất khả vì ngay khúc suối dưới cách đây chừng non hai trăm thước, núi đá tai mèo đã dựng lên giống hệt Vùng Núi Chết bên kia. Chỉ có cách duy nhất là đi theo lối mòn của người Vân kiều. Lối ấy, không thể dưới năm ngày đường, đó là với tốc độ của một giao liên khoẻ mạnh và thành thục. Tiếng chim kêu mà các đồng chí nghe thấy không vọng lại từ sông Nậm Khuốt mà ngay ở hang núi sau cánh rừng nơi chúng ta trú quân. Bởi từ sông Nậm Khuốt đến đây đường chim bay cũng hơn ba cây số. Không tiếng chim nào có thể vượt qua đoạn đường dài như thế. Nhưng tôi nghĩ rằng loài chim gặp mồi thường có cách liên lạc và truyền tin riêng nên chúng kêu rít lên như vậy. Đó có thể là tiếng kêu để gọi bầy.
- Tôi cũng nghĩ như vậy. Phân tích của trợ lý sư đoàn hoàn toàn có lý.
Tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn Hai bật nói theo. Đoạn ông quay sang hỏi sư đoàn phó :
- Liệu chúng ta có thể xin được một chuyến trực thăng hay không ?
Sư đoàn phó lắc đầu :
- Chiến trường chúng ta chưa bao giờ được hưởng ân huệ ấy. Ngay trận Đồi con Công, thương binh nặng nằm la liệt hàng trăm xin trực thăng cũng còn không nổi huống chi trường hợp này ?
- Bộ tham mưu coi chúng ta thuộc loại lính cưng chắc ?
Tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn Hai vặn lại.
- Không lính cưng thì cũng được nằm sâu trong vùng đất Lào. Đất Lào được hiểu một cách ngầm ẩn là nơi ít hiểm nguy hơn các vùng khác. Đồng chí quên lời thượng tướng Đồng nói bữa trước rồi sao ?
Sư đoàn phó đáp lời.
- A...
Tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn Hai bật một tiếng kêu lửng lơ rồi ngậm miệng tức khắc. Chẳng ai nói thêm lời nào nữa.
Sau một hồi lâu lặng lẽ, Nhã bỗng nhiên buông tiếng hỏi bâng quơ :
- Liệu chúng ta có nên cử người xuống sông Nậm Khuốt hay không ? Dẫu sao cũng phải hành động ở mức tối đa. Như thế, sau này chúng ta chẳng còn ân hận nữa.
Sư phó đưa mắt bất bình nhìn Nhã :
- Đồng chí nằm mơ hả ?
Nhã còn ngơ ngác chưa kịp trả lời, tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn Hai đã quay sang đập vào vai ông :
- Khổ quá, đầu óc ông để trên trời hay dưới biển ? Từ giờ đến chiều sẽ chẳng còn một mẩu da sót lại. Ông chưa từng thấy cảnh lính ông Thắng dính bãi mìn, có đúng không ? Mười tám cậu cả thẩy mà chỉ hai ngày chim dọn sạch.
An thấy Nhã rùng mình. Rồi ông cố trấn tĩnh bằng cách thọc hai tay vào túi quần và cúi đầu xuống. Bình thường các cuộc họp ban chỉ huy chỉ dừng lại ở cấp lãnh đạo tiểu đoàn. Sự việc này là trọng đại nên sư đoàn phó mới quyết định mở rộng đến các đại đội trưởng. Lần đầu tiên, An có dịp quan sát người lãnh đạo trực tiếp của mình. Rõ ràng Nhã hiền lành, tốt bụng nhưng có phần kém khôn ngoan hơn lãnh đạo hai tiểu đoàn kia. Vậy mà thành tích chiến đấu của tiểu đoàn Một luôn luôn nổi trội. Có lẽ trời vốn thương kẻ khờ khạo. Hoặc nói cách khác là tất thảy những sĩ quan dưới quyền Nhã đều yêu quý ông nên họ hành động hết mình vì ông. Con người này giống một gã học trò hơn là một sĩ quan quân đội.
Sau một hồi im lặng, sư đoàn phó cất tiếng :
- Tôi đề nghị các đồng chí lần lượt phát biểu. Sự việc này xảy ra vô cùng bất ngờ. Mấy chục năm trong quân ngũ cũng không cho tôi đủ kinh nghiệm để giải quyết. Thế nên, tôi quyết định lấy ý kiến tập thể, và chúng ta chịu trách nhiệm tập thể.
Lại im lặng.
Mọi người đưa mắt nhìn nhau, dường như tra vấn, dường như cầu cứu, dường như tìm một sự thông cảm. Bởi ai cũng hiểu họ đang bước trong ngõ cụt. Sư đoàn phó móc gói thuốc sợi ra lăn một điếu. Những bàn tay khác chìa về hướng ông. Gói thuốc chuyền đi theo kiểu dây chuyền, mỗi người bốc một nhúm thuốc, bóc một mẩu giấy cuốn. Khi nó quay lại chủ nhân thì chỉ còn vẻn vẹn nhúm thuốc cuối cùng vừa đủ điếu thứ hai. Sư đoàn phó đã rít hết điếu thuốc kia nên vớ lấy nhúm thuốc cuốn nốt đoạn vo viên tờ giấy gói, nhét vào túi quần.
Tất cả đều im lặng nhả khói. Căn hầm mù mịt. Trợ lý sư đoàn đứng dậy mở cánh cửa thông sang căn hầm phía sau cho gió lùa khói ra cửa hầm. Ai cũng có cảm tưởng sự việc mịt mù như khói và không biết tìm ngả nào mà ra. Nhưng khi hút tàn điếu thuốc, tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn Ba, người lặng câm như hến suốt từ đầu cuộc họp đến giờ bỗng giơ tay :
- Tôi có ý kiến.
― A, cóc mở miệng rồi đây.
An thầm nghĩ. Trong lúc đó tất thảy mọi cặp mắt đều đổ dồn vào ông này và sư đoàn phó hấp tấp bắt lời :
- Chúng tôi nghe đây.
- Tôi nghĩ rằng...
Tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn ba vừa nói được hai tiếng đã dừng lại uống nước. Mọi người tuy sốt ruột cũng phải nén bụng chờ vì ông nổi tiếng là chậm rãi, đủng đỉnh và ít lời. Cậu trợ lý của ông kể rằng có lần hai người đi công tác lẻ. Bốn ngày liên tục đi đường rừng mà ông không cậy răng nửa câu, ngoài những mệnh lệnh cụt lủn, kiểu như : ― Chúng ta nghỉ, ăn cơm, hoặc : Đi thôi, đến giờ rồi...Hơn nữa, vẻ mặt ông lầm lì, kín như bưng khiến lính không dám gợi chuyện, kể cả những anh nổi tiếng bẻm mép. Thành ra, cậu nào bị phân công đi thị sát chiến trường hoặc làm công việc gì đó đột xuất với ông cũng tự coi như chịu kỉ luật : Tù mồm.
Giờ cũng vậy. Mặc kệ mọi cặp mắt đang dán vào mình, ông cứ đủng đỉnh nhắp từng ngụm cho hết chén trà rồi cẩn thận đặt xuống khay nước. Xong đó, ông khề khà hắng giọng rồi mới nói tiếp :
- Tôi nghĩ rằng chúng ta bỏ quên một khâu quan trọng : người Mèo rủ sư trưởng cùng đi. Ở đây, riêng đồng chí Hoàng An là có quen biết anh ta, nhưng cũng đã mười lăm năm về trước. Trong mười lăm năm sau đấy, không ai kiểm soát được người Mèo này làm gì, quan hệ với những ai. Thông tin chúng ta có được từ tiểu đoàn 209 rất mỏng. Tiểu đoàn này cũng vừa được gom góp từ hai tiểu đoàn thiếu sau các trận đánh nhiều tổn thất và một phần lính bổ sung vừa cập bến. Đại đội trưởng người Mèo này chính thuộc bộ phận mới từ Bắc chuyển vào. Bây giờ, tôi giả định....
Tới đó, ông ta lim dim mắt lại, dường như đang nhìn vào những cảnh tượng xảy ra trong trí tưởng của mình. Cả phòng họp nín thở chờ đợi. An cũng dán mắt vào đôi mắt khép hờ kia vì anh muốn phỏng đoán những gì xảy ra phía sau chúng. Nhưng tiểu đoàn trưởng đã mở choàng mắt ra, chăm chú nhìn sư đoàn phó :
- Tôi giả định rằng đại đội trưởng này đã từng có quan hệ với vua Mèo Hoàng-su-Phì, một kẻ thù đáng gờm của lực lượng cách mạng trước ngày giải phóng Thủ đô. Tôi giả sử rằng anh ta có mối dây huyết tộc hoặc chịu ơn sâu nặng của Hoàng-su-Phì. Như thế, chắc chắn anh ta sẽ nuôi dưỡng mối oán thù thâm căn cố đế với cách mạng. Như vậy, việc anh ta lợi dụng quan hệ họ hàng về phía ngoại mà hành động trả thù là đương nhiên. Các đồng chí đã quên rằng quân đội của chúng ta từng chịu những tổn thất rất lớn trong cuộc chiến đấu với Vua Mèo trên cao nguyên Đồng văn ở biên giới phía bắc. Chính đồng chí Hoàng An cũng biết đội quân của vua Mèo vô cùng tinh nhuệ. Vốn dĩ là dân miền núi, họ leo núi leo cây thần tình trong khi lính của chúng ta ở đồng bằng không chịu quen khí hậu băng giá và không vượt qua được những đỉnh núi tai mèo nhọn hoắt. Họ được nuôi ăn đầy đủ và tập bắn từ thuở lên mười. Đội quân này nổi tiếng là những thiện xạ bắn trăm phát trúng cả trăm phát. Hoàng-su-Phì vô cùng giàu có nên trang bị cho đội quân của ông ta những thứ vũ khí hiện đại mà lúc đó quân đội chúng ta cũng chưa có được. Với tất thảy những ưu thế như vậy, họ khống chế hầu hết những con đường độc đạo và từ trên núi xả đạn xuống tàn sát quân của chúng ta. Lính ngã xuống không biết bao nhiêu mà kể xiết. Thắng lợi của mặt trận Đồng Văn đã phải trả bằng một giá rất đắt. Tôi nhắc lại một đoạn sử để các đồng chí có thể hình dung được bối cảnh câu chuyện. Giờ, giả định rằng đại đội trưởng Mã Lỳ này là hậu duệ của Hoàng-su-Phì đã thay tên đổi họ để trà trộn vào quân đội chúng ta. Gặp sư trưởng chính là dịp thuận lợi nhất để anh ta trả thù...Anh ta vừa tiêu diệt được một cán bộ quân đội tầm cỡ, vừa bôi nhọ danh dự ông. Chúng ta đã từng sống với sư trưởng nhiều năm. Không ai có thể tin được ông làm chuyện bậy bạ ô nhục, mà trong tình cảnh oái oăm khó hiểu như vậy. Tôi cho rằng người Mèo này đã gợi những chuyện gia đình gia tộc có liên quan tới người bà con sư trưởng rồi bắn lén ông. Sau đó, y lột quần của ông và của y bỏ lại để tạo nên hiện trường giả của sự dâm loạn. Tôi ngờ rằng sư trưởng chết nhưng y còn sống và đã tẩu thoát. Sự việc phải được chuẩn bị kĩ trước khi hành động. Các đồng chí chớ quên rằng chúng ta là người Kinh nên đối với chúng ta rừng núi lẫn bóng đêm là một thế giới xa lạ, đáng sợ. Nhưng với người Mèo, họ vào rừng như cá trở về với nước. Nhất là khi họ đã chuẩn bị áo quần lẫn vũ khí tuỳ thân.
Mọi người ồ lên tán thưởng :
- Đúng rồi!
- Đơn giản thế mà chẳng ai nghĩ ra được ?
- Tất cả chúng tôi đều phải biết ơn đồng chí. Thiên hạ nói không ngoa : Một khi cóc đã mở mồm.
Ai nấy chen nhau ào ào lên tiếng. Tất cả đều thở phào. Mọi gương mặt đều trở lại nhẹ nhõm và mọi ánh mắt đều trở lại linh hoạt. Cuối cùng họ cũng đã tìm ra được lối thoát. Ý kiến của tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn Ba giống như ánh sáng cuối đường hầm. Không ai không tán dương ông. Sư đoàn phó vươn qua mặt bàn, vỗ vai ông và nói :
- Tuyệt vời!
An nhìn mọi người, trong lòng thầm nói :
― Thằng Mèo chó chết kia. Cuối cùng , chính mày mới được liệt kê là kẻ thay tên đổi họ chứ chẳng phải tao. Giờ thì bản án đã tuyên bố : Mày là kẻ sát nhân. Mà sự thật cuối cùng cũng đích xác là như vậy.
Như một sự trớ trêu của định mệnh, bên tai anh lại văng vẳng câu hát Con gà rừng :
« Con gà rừng;
Sao mày ăn lộn với lũ công,
Sao mày gian dối, hỡi con gà rừng ?... »