Trà Linh Chi cũng không làm nguôi dịu lò hơi ngột ngạt trong lồng ngực ông. Chủ tịch thấy ngộp thở dù căn phòng thênh thang và ông đã mở toang cửa sổ để làn hơi mát lạnh của núi non, cây cối ùa vào. Ở cuối giường ông, người ta đặt một lò sưởi điện, vừa ấm vừa không có khói than. So với thời xưa, tiện nghi đã đủ cho con người thoả mãn :
« Nếu không gọi là có đôi chút xa xỉ ... »
Ông nghĩ vậy, vì nhớ đến những gộc tre và những cành khô mà hai người đàn bà tu hành bên chùa thường nhóm sưởi.
Trên khuôn lò sưởi điện của ông, có hình nàng Bạch Tuyết và bảy chú lùn nhảy nhót bên đống lửa. Những ngọn lửa nhấp nháy còn các chú lùn nắm tay nhau quay không ngừng xung quanh cô gái tóc vàng xinh đẹp. Chủ tịch nhìn hồi lâu những nhân vật trong câu chuyện thần tiên ấy với cặp mắt vô cảm rồi đột nhiên đứng dậy, bước ra đầu hồi. Bây giờ, gió đã lồng lộng thổi qua các sườn non, reo hát trong các cánh rừng mà ông đã từng thăm thú. Những cánh rừng già đan chéo các cánh rừng thông, trải khắp tầng núi cao ngay dưới chân ngôi chùa Lan Vu rồi lan đến chân trời phía bắc. Thấp hơn nữa, trên tầng núi thứ hai là các rừng trúc. Các loại trúc vàng, trúc vỏ chanh, trúc gai mọc chen nhau, ấy là vương quốc của khúc nhạc bất tận đêm hè. Những rừng trúc trùm phủ các sườn non, lan đến tận các xóm tiều phu, tràn đến tận tầng núi cuối cùng, tầng núi thấp nhất, ăn liền với các giải đồi trồng chè và các nương sắn. Kế đó, là ruộng bậc thang rồi đến cánh đồng, không thẳng cánh cò bay như những cánh đồng vùng châu thổ mà cắt xén như những mảnh áo xanh nõn, xen với làng mạc đồi nương, rồi trải dài xuống chân trời phía nam. Trước kia, dân chúng quanh vùng vẫn leo qua ba tầng núi để lên lễ chùa Lan Vu, ít nhất một năm một lần vào tiết tháng giêng, khi các vườn mai quanh chùa nở rộ, hoa trắng mênh mông như mây trắng, và khi mận dại cũng trổ đầy hoa dọc các lối mòn. Những kẻ chân lấm tay bùn quanh năm cầy cuốc, đầu tắt mặt tối, chờ đợi cuộc hành hương mùa xuân như chờ đợi khoảnh khắc thiêng liêng nhất trong năm, khoảnh khắc làm loé lên những ước mộng thần kín, khoảnh khắc làm nguôi dịu những buồn đau mất mát của quãng đời đã qua và nuôi dưỡng hơi thở lẫn hy vọng cho con người đi tiếp quãng đường phía trước. Phải chăng màu trắng trinh bạch của hoa mai, màu trắng mong manh của hoa mận, sương mù của tiết xuân, mây trắng trên đỉnh non và những làn hơi nước trắng dập dờn từ các khe vực bay lên đã tạo nên một cảnh tượng kì ảo, một bản giao hưởng trắng miên man và thuần khiết khiến con người cảm nhận được sức mạnh của sự thanh lọc và tái sinh ?...
Hoặc là, tiếng chuông chùa và những bài kinh Phật là chất cam lồ huyền diệu an ủi cho kiếp nhân sinh nhọc nhằn tăm tối ?
Dù lý do nào chăng nữa ông cũng tự cảm thấy mình là kẻ tội đồ vì từ ngày ông lên đây chính quyền đã ra lệnh cấm dân trong vùng lễ chùa Lan Vu. Với lý do bảo vệ sự an toàn cho chủ tịch, họ đã tước đi của người dân niềm vui ít ỏi, tước đi những giây phút thơ mộng thiêng liêng gần như duy nhất trong cuộc sống hiu quạnh chốn này. Chùa Lan Vu trước đây có mười hai sư sãi. Chính quyền ra lệnh dồn tất cả xuống hai ngôi chùa phụ trong đám rừng trúc. Ông phải phản đối vô cùng quyết liệt họ mới cho phép sư cụ chủ trì và một sư nữ được ở lại. Hai người đàn bà, một già một trẻ, suốt ngày chăm bón vườn cây, dọn dẹp ngôi chùa và tụng kinh gõ mõ. Dường như không lúc nào họ ngồi nghỉ trừ giấc ngủ đêm và hai bữa ăn chóng vánh. Một sự ngại ngần khiến chủ tịch không bao giờ bước qua mảnh sân lát gạch lá nem cổ. Mảnh sân ấy là cõi biên thuỳ phân định vùng đất của ông với thế giới của kẻ tu hành. Nhưng, trong bờ cõi của mình, đôi khi ông kín đáo liếc sang bên kia và thấy hai nhà sư ngồi đối diện nhau trên hai chiếc tràng kỉ tre cũ. Giữa họ là mâm cơm đặt ngay ngắn trên chiếc bàn cũng ghép bằng tre. Từ xa, ông cũng biết bữa ăn của họ đạm bạc đến nhường nào...
Một nỗi tò mò không vơi cạn ám ảnh chủ tịch :
« Phải chăng họ không biết đến buồn đau, sợ hãi ?
Phải chăng họ hoàn toàn xa lạ với các trạng thái tình cảm bình thường của con người ? Họ không ham muốn, tức giận ; không yêu đương hay thù hận cũng chẳng hân hoan hay chán nản ? Họ không khắc khoải chờ mong, cũng không vui sướng hay tuyệt vọng. Cuộc sống trôi như một dòng kênh, không thác ghềnh, không sóng gió. Nếu quả thực cuộc sống như vậy thì sự tẻ nhạt sẽ là một gánh nặng không thể hình dung ! »
Mỗi lần nhìn gương mặt bình lặng như nước hồ trong núi của hai người đàn bà bên chùa, những câu hỏi ấy quay lại như một điệp khúc. Như con toán nợ vì chưa tìm ra lời giải.
- Thưa chủ tịch, người không nên đứng ở đầu hồi quá lâu. Ở đây cả gió.
Cậu lính béo vừa quét dọn xong hai gian phòng, đã bước tới đứng sau lưng ông. Chủ tịch đáp lời :
- Không sao đâu. Tôi đứng một lát cho thoáng.
Đoạn ông nhìn chiếc xô đầy xác phù du trong tay cậu ta, buông tiếng kêu :
- Ồ, quá nhiều bướm đêm.
- Vâng. Vì trời rất ẩm...
Bỗng nhiên, gió ngưng lặng. Rồi, như một sự trùng điệp ngẫu nhiên, tiếng mõ và tiếng đọc kinh cũng ngưng lặng theo. Những cành mai không còn bị gió lắc, im lìm như bị bỏ bùa mê. Sau đó một tích tắc, nhà sư già bước ra khỏi cửa chùa, theo sau là sư nữ. Chủ tịch lên tiếng :
- Bạch sư cụ, hôm nay ngài đọc kinh qua ngọ ?
Bao giờ gặp mặt nhà sư chủ trì, ông cũng lên tiếng chào trước. Từ hồi ông còn nhỏ tí ti, mẹ ông đã dạy ông là phải kính trọng người cao tuổi hơn mình. Sư cụ bát tuần có lẻ, chính xác ra là hơn ông bảy tuổi. Tuy nhỏ bé, nhưng bà cụ rắn rỏi và còn hoàn toàn minh mẫn. Sư cụ tiến lại phía chủ tịch, đáp lời :
- Thưa ngài, sớm nay bấm quẻ, biết có sự rủi ro cho dân cư trong vùng nên chúng tôi phải đọc cho đủ kinh cứu nạn.
- Bạch sư cụ, như vậy hẳn người xấu số sẽ được cứu thoát ?
- Thưa ngài, chúng tôi không dám trả lời câu hỏi ấy. Người bị nạn có sống được hay không hoàn toàn tuỳ thuộc vào số kiếp, nhân duyên của họ. Chúng tôi đọc kinh là để chư phật hoá giải phần nào kiếp nạn cho khổ chủ. Nếu duyên nghiệp của họ với cõi trần còn nặng, chúng tôi cầu xin cho họ mau lành lặn để trở về mái ấm, chia xẻ cuộc sống trần tục với vợ con. Nếu duyên nợ ba sinh đã dứt, chúng tôi cầu cho họ được mau mắn giải thoát, lìa bỏ cõi trần mà không phải trải qua những dày vò đau đớn, để vợ con thân quyến được cất gánh nhẹ lòng, và khổ chủ được thọ ân đức để mau chóng đầu thai sang kiếp khác.
Ông im lặng, nhưng trong lòng thầm nghĩ :
« Nếu như vậy thì cầu nguyện cũng chẳng làm gì được nhiều lắm cho thế gian. »
Dường như biết được ý nghĩ thầm kím của ông, sư cụ nói tiếp :
- Thưa chủ tịch, ngài là bậc anh hùng kinh bang tế thế, ngài là người cha vĩ đại của non sông. Là người Việt nam, chúng tôi vô cùng kính trọng và biết ơn ngài. Nhưng ở bản diện khác, chúng tôi là những kẻ tu hành, chúng tôi sống trong những cõi mà các ngài không sống, chúng tôi tin ở những điều các ngài không biết cũng không tin. Thế nên, xin ngài cho phép chúng tôi được lặng im trước những câu hỏi không thể giải đáp.
- Bạch sư cụ, xin ngài chớ phiền lòng. Tôi chẳng có thắc mắc gì đáng kể, chỉ có điều là tôi tha thiết được hiểu thấu đáo kinh nhà Phật.
- Thưa ngài, ngài sẽ ngộ nếu ngài có nhân duyên.
- Nhưng nếu tôi...
Ông buột miệng buông ra một câu hỏi mà ông không kịp đắn đo cũng chẳng thể ghìm giữ :
- Nhưng nếu tôi không có nhân duyên ?
Nhà sư già điềm nhiên mỉm cười, không chút mếch lòng trước câu hỏi giống như sự khiêu khích :
- Thưa ngài, nếu không có nhân duyên ngài sẽ chẳng bao giờ ngộ, cho dù ngài đọc thiên kinh vạn quyển, hoặc cho dù cả ngàn lần ngài ngồi nghe các cao tăng thuyết pháp.
Nói rồi, bà cụ giơ tay chỉ xuống thung lũng phía tây, nơi có một giải núi chạy thẳng góc với hướng nhìn của họ :
- Ngài hãy nhìn dãy núi trước mắt chúng ta: dân trong vùng gọi nó là dãy núi Kiếm vì hình dạng của nó giống hệt lưỡi gươm. Bây giờ ngài hãy chú ý đến những con đường mòn chạy dọc theo sườn núi . Hai con đường chạy dọc theo hai sườn núi đối diện sẽ không bao giờ gặp nhau. Điều này cũng giống như những ngả đường khác nhau của con người trần thế. Nếu không có nhân duyên, người ta sẽ mãi mãi đi theo con đường của một bên sườn núi mà thôi.
Dứt lời, bà cụ lùi lại một bước, cúi đầu chào :
- Mô Phật, chúng tăng không dám quấy quả ngài.
Sư nữ đứng sau, luôn luôn đứng sau, cúi đầu chào theo. Rồi cả hai quay về chùa bên kia sân.
Chủ tịch nhìn theo họ một cách không chủ định. Hai người đàn bà ăn vận nâu xồng. Không xinh đẹp cũng không duyên dáng. Nói một cách công bằng, thời son trẻ ắt họ cũng là những cô gái bắt mắt ưa nhìn, nhưng chắc chắn chẳng ai dám coi họ là các mỹ nhân. Nếu với đa số, sắc đẹp là sức mạnh, hẳn họ không thể tự tin ở quyền năng của mình. Sự thông tuệ, một thứ quyền năng nữa, họ cũng không vượt qua nhiều người khác. Nhưng có một thứ sức mạnh nào đó tồn tại vững bền trong họ khiến họ không mảy may run sợ trước quyền uy thế tục. Bởi ông biết rõ có rất nhiều người uyên bác, được đào tạo kĩ lưỡng ở nước ngoài, có năng lực thật sự và được coi như bộ não của các ngành khoa học nhưng sẵn sàng làm tất thảy những điều nhảm nhí mà không mảy may hổ thẹn. Quyền lực thế tục bẻ gẫy lương tâm cũng như lòng tự trọng của con người. Dưới chỉ thị của đảng, các tiến sĩ dễ dàng chứng minh rằng lợn ăn phân trâu tốt hơn ăn cám, rằng rau muống có lợi cho sức khoẻ hơn thịt bò, rằng trẻ em không nên ăn quá hai lạng thịt trong một tháng để tránh nguy cơ nhiễm bệnh....Những bài viết của họ khiến ông đỏ mặt nhưng ông không thể can ngăn. Một khi guồng máy đã quay....Vả chăng, cái guồng máy này mang dấu ấn của chính bàn tay ông.
Ông lại thở dài, một thói quen mới nhiễm mấy năm gần đây. Đã nhiều lần ông chú tâm loại bỏ nhưng không thành công.
Cậu lính trẻ tiến đến trước mặt ông, rập gót chào :
- Báo cáo chủ tịch, con xin phép xuống núi.
Ông hỏi :
- Ồ, đã tời giờ đổi gác rồi sao ?
- Dạ, còn kém ba phút mười giây. Nhưng tốp thay ca đã lên.
Cậu lính đáp, giơ chiếc đồng hồ đeo tay lên xem giờ một cách chăm chú và hãnh diện. Chắc chắn đó là món đồ đáng giá nhất trong gia tài của cậu, món đồ được nhà nước cấp phát với lý do phụ tùng nghề nghiệp.
- Ồ, đã năm giờ.
Ông nói, như nói với chính mình và đưa mắt nhìn ra ngoài tam quan : Hai người lính gác ca đêm đã lên thay chàng lính béo. Tiếng chân họ đạp lạo xạo trên đá sỏi. Vì gió lặng, những tiếng động đó vang lên trong cô tịch của núi non. Họ cùng tiến đến một lần, đứng nghiêm chào trước mặt ông. Chủ tịch phác một cử chỉ nhẹ nhàng quen thuộc của nghi lễ, cho phép họ được thi hành phận sự một cách an nhiên. Trong lúc đó, cậu lính béo rời sân chùa, rẽ xuống lối mòn. Vì thân hình nặng nề, tiếng chân bước của cậu ta còn khua động ầm ĩ hơn cả hai đồng nghiệp. Ông nghe rõ tiếng những hòn đá nhỏ bắn khỏi lề đường, lăn lông lốc, va đập trên sườn núi.
Chủ tịch quay vào nhà vừa đúng lúc tổ cấp dưỡng đang sắp đặt bữa cơm tối. Vì không tiện nấu nướng trong gian bếp sơ sài của nhà chùa, người ta chuẩn bị các bữa ăn cho ông trong cùng một bếp với nhà ăn trung táo của đại đội cận vệ rồi cử người mang lên . Bác sĩ cũng ăn tại đó, để kiểm tra định lượng và chất lượng bữa ăn của ông. Rồi buổi tối, anh ta sẽ ngủ trong một gian thuộc ba gian chùa bên tả. Khi chủ tịch bước vào phòng cũng là lúc bếp trưởng tiến ra :
- Mời chủ tịch dùng bữa cho nóng.
Ông nhìn bữa ăn sắp sẵn trên bàn, bảo anh ta :
- Chú vất vả suốt ngày, còn leo lên đây làm gì cho mệt ? Cứ để anh em mang cơm cho tôi là đủ.
- Thưa chủ tịch, tôi muốn trực tiếp xem người ăn có được ngon miệng hay không ....Nếu có vấn đề, tôi cần phải thay đổi thực đơn cho thoả đáng.
- Chú biết rõ tôi chẳng phải người quá kén chọn món ăn.
- Dạ, tôi biết rõ là người chẳng muốn làm phiền bất cứ ai. Nhưng sức khoẻ của người là tài sản quốc gia. Chúng tôi được hân hạnh khi phục vụ và bảo vệ người.
Ông im lặng ngồi vào bàn, không thể nói gì thêm. Người lính phụ bếp đặt chiếc lò điện ủ cơm cho ông lên mặt bàn rồi cùng bếp trưởng lui ra. Tuy nhiên, ông biết rõ họ kín đáo theo rõi ông từ ngoài cửa. Vì họ tôn kính ông một cách thành thực, lo lắng cho sức khoẻ của ông một cách thành thực nên ông buộc phải làm như ăn một cách ngon lành dù thực tình, chẳng cảm nhận được mảy may mùi vị những thứ ông đang nhai và đang nuốt. Rồi ông tiếp tục chờ họ thu dọn bàn ăn, buông vài tiếng trầm trồ trước bát chè long nhãn tráng miệng, sau đó chờ tiếp những lời chào cung kính của họ trước khi họ quay xuống khu vực đóng quân. Ngồi lại một mình, ông lắng nghe tiếng chân của tốp người vang lên trong đêm, xen lẫn tiếng cười đùa. Tắt bớt một ngọn đèn, ông lặng lẽ nhìn qua khoảng trống nơi khuôn cửa. Trong khung trời tối đen, những cành cây đột nhiên mang dáng hình kì lạ. Ánh điện rọi lên các tầng lá muôn ngàn con mắt kì bí, và mỗi cơn gió lắc, những con mắt ấy nhấp nháy một tia nhìn, khi cười cợt, khi nham hiểm.
Lúc này, con tim ông đã ngừng cơn khắc khoải. Những làn hơi nóng trong lồng ngực cũng đã tiêu tan. Chỉ còn lại một sự trống rỗng rợn hồn. Trái tim ông giờ giống như ngôi nhà hoang, nơi gió tung hoành ghẹo cợt, xua đuổi những bóng ma cư ngụ. Trái tim ông giờ là đảo vắng, nơi bầy chim di trú đã rời xa, chỉ còn lại đám lông xơ xác trên bãi cỏ.
Ông ngồi đờ đẫn hồi lâu, không còn biết mình nghĩ gì. Nhưng đột nhiên, những cơn rùng mình ớn lạnh chạy ngang qua da thịt. Toàn thân ông dựng gai ốc. Có tiếng ai đó kêu ú ớ ngay sau lưng ông. Chủ tịch quay lại. Tiếng ú ớ vang lên không ngừng. Nhưng khi ông quay sang bên phải, tiếng kêu ấy thoát ra từ bức tường bên trái, và khi ông quay sang trái, tiếng kêu lại đổi chiều, tựa hồ trò chơi trốn tìm của trẻ nhỏ. Ông đứng lên quay nhìn bốn phía nhưng không thấy gì khác lạ ngoài bộ tứ bình sơn mài : « Xuân, hạ, thu, đông ». Lúc ấy, tiếng kêu ú ở lại phát ra ngay trên đỉnh đầu ông, lửng lơ, đứt nối, chập chờn....
« Phải chăng đó là tiếng kêu của chính ta, tiếng gào thét câm lặng của chính ta ở bên kia chân trời, hay tiếng kêu tận số của nàng, người yêu dấu ? »
Ông tự hỏi.
Nhưng không muốn tìm lời giải đáp.
Tiếng kêu đau đớn thật sự của nàng hay tiếng thét gào câm nín của chính ông, đâu có gì quan trọng ? Đã từ lâu, từ rất lâu, ông có thói quen dìm nén những ý nghĩ của ông trong câm lặng. Những ý tưởng của ông giống như những con tầu bị đánh chìm, chồng chất dưới đáy đại dương, vùi lấp giữa bùn nơi rong rêu và các loài san hô ngự trị. Đã từ lâu, ngôn từ của ông bị tàn sát như những đoàn thuỷ thủ xấu số bị bọn cướp biển chặt đầu, ném xác, thân chôn dưới đáy biển ; và những con sóng miệt mài như những nấm mồ di động, gào thét không ngưng nghỉ, rì rào không ngưng nghỉ để mãi mãi các thây ma yên vị trong lòng biển tối.
Biển lặng câm.
Cũng đã từ lâu, ông có thói quen nhìn vào những ý nghĩ của chính ông như một kẻ đứng ngoài hành lang dòm vào căn phòng hàng xóm qua lỗ khoá với nỗi tò mò và hổ thẹn vì chính nỗi tò mò ấy. Trong ghẻ lạnh và thù ghét, những ý nghĩ của ông tự chui lủi như những con chim giẽ run trên cánh đồng, nơi tiếng reo hò săn đuổi của con người khiến chúng khiếp sợ phải chúi xuống dưới luống cày hoặc trong các bụi gai. Trong đàn áp và dồn nén, những ý nghĩ của ông lặn chìm như các loài rầy bọ ở đầm lầy. Và cùng năm tháng, những ý nghĩ ấy suy tàn tựa những đứa bé sơ sinh bị nhốt trong lồng kính không còn đủ ô-xy , từ từ lịm chết.
Vậy mà giờ đây, sự bất ổn đang xảy ra.
Có điều gì đó tựa hồ như động đất, hoặc những dấu hiệu báo trước của một cơn sóng thần,hoặc một trận phun lửa cuồng điên của những hoả diệm sơn tưởng chừng đã tắt. Ông thấy rõ những ý nghĩ đã xa xôi, đã lụi tàn, như muôn ngàn mảnh rách tả tơi của một tấm áo bỗng nhiên dồn tụ lại, giằng nối, chắp vá nhau, tìm lại dáng hình đã mất. Những đứa trẻ sơ sinh tưởng đã chết bỗng nhiên mở mắt khóc oe oe trong lồng kính. Những năm tháng xưa bỗng cuồn cuộn trở về. Phép màu của các đấng linh thiêng hay bùa chú của loài phù thuỷ ?
Ông không biết. Ông không thể biết. Nhưng biển lặng câm đã nổi sóng. Ông hiểu rằng người xưa đã quay về....
Có tiếng gõ cửa. Tiếng gõ thoạt đầu rời rạc nhưng sau đó dồn dập hơn. Ông giật mình vì nhớ rằng đã đến giờ làm việc của bác sĩ. Anh ta sẽ thăm mạch cho ông trước khi lui sang căn buồng bên ngôi chùa đối diện.
- Hôm nay, tôi muốn đi ngủ sớm.
Ông cất tiếng trước khi bác sĩ xuất hiện trên khuôn cửa :
- Chú cứ ngủ cho ngon giấc, nếu cần tôi sẽ gọi điện. Điện thoại bên phòng chú chạy tốt rồi chứ ?
- Dạ, thợ đã sửa hoàn chỉnh. Bây giờ chuông đổ ròn rã....Nhưng dù sao, xin chủ tịch cứ cho phép tôi được kiểm tra ...
- Không cần, chú vừa kiểm tra rất kĩ tối qua. Hai mươi bốn tiếng đồng hồ không thể đốn ngã một mạng người. Đi ngủ đi, và tôi báo trước rằng tôi sẽ hút một hoặc hai điếu thuốc.
- Thưa....
- Đã ba tuần liền tôi không động tới hộp thuốc. Nhưng tối nay, tôi sẽ hút. Thi thoảng người ta cũng nên nhân nhượng thói quen.
- Thưa chủ tịch, nhưng ...
Bác sĩ ngần ngừ. Dường như anh ta muốn nói điều gì đó nhưng lại thôi. Có lẽ anh ta định nói rằng thuốc lá giờ đây là kẻ thù của ông ; rằng ông cần đoạn tuyệt càng sớm càng tốt với kẻ đồng hành độc ác này, rằng nhiệm vụ của anh ta là phải ngăn chặn lại những cơn thèm muốn tái phát....Những bài bản thuộc như cháo chảy cho cả người nói lẫn người nghe. Vào phút đó, anh ta cảm thấy những lời lẽ của mình sẽ hoàn toàn vô dụng đối với chủ tịch...Sau vài phút ngần ngừ, bác sĩ cúi đầu chào :
- Thưa chủ tịch, chúc người ngủ ngon.
- Tôi cũng chúc chú ngủ ngon.
Bác sĩ biến mất trong bóng tối.
Vài phút sau, ánh đèn bật sáng trong căn phòng bên kia sân chùa. Và một giọng nam trung cất lên :
« Người yêu dấu,
Biết bao giờ lại trông thấy nhau ? »
Chủ tịch nghiêng đầu lắng nghe. Đã lâu lắm, người đàn ông này mới lại hát khúc ca tình ái. Bác sĩ vốn thích hát nhưng có lẽ vì ngại ngùng khi sống sát bên ông nên anh ta thường chỉ hát hành khúc hoặc dân ca. Phải chăng vì hôm nay ông tự cho phép ông hút thuốc nên anh ta cũng tự cho phép mình hát tình ca ?
« Người yêu dấu,
Giờ đây em ở phương nào ? »
Lời nối lời, những âm thanh nhẹ nhàng bay lên như những cánh diều óng ánh chao lượn trong khung trời mùa hạ. Mùa hạ xa vời....Mùa hạ ấy gió Lào thổi qua những giải núi phía tây, lồng lộn hú gào trên những cánh đồng khô nẻ, nơi đất nứt toác thành những kẽ khổng lồ ngoằn ngoèo như những đường vân tay của một sơn thần có số phận gian truân. Lũ chim khát nước thôi ca hát nhưng bù lại, muôn cánh diều lũ lượt bay lên. Những cánh diều trắng màu cỏ lau, những cánh diều xanh màu lá, những cánh diều vàng màu vàng của lũ bướm xuân...Những cánh diều ấy chen chúc nhau múa lượn giữa khung trời, như những giấc mơ đan xen, như những ngọn lửa tinh thần bùng cháy vào khoảnh khắc cuối cùng của một đấng mày râu ngã xuống nơi trận tuyến.
« Người yêu dấu... »
Giọng hát mượt mà dẫn ông về một mùa hè khác, nơi mát rượi bóng cây, nơi âm u tiếng suối. Và những hoàng hôn chiến khu rọi lên song cửa ngôi nhà sàn....
« Giờ đây em ở phương nao,
Tình ta cách xa, nhưng lòng ta không nguôi nhớ .... »
Đêm tĩnh lặng vì gió không còn thổi nữa. Không có trăng. Cũng không một ngôi sao. Chỉ một màu đen thần bí. Núi non, khe suối, rừng cây, vườn tược, những làng tiều phu dưới kia và cả những cánh đồng xa hơn nữa đều chìm trong im lặng của đêm dày. Một không gian đen mênh mông nín thở. Trong không gian ngưng đọng ấy, mỗi lời ca ngân lên như cả một dàn chuông. Chủ tịch châm một điếu thuốc để có thể nghe rõ hơn khúc hát :
« Người yêu dấu....
Biết bao giờ lại trông thấy nhau.... »
Bây giờ, ông nghe tiếng nức nở ngay sau gáy mình. Tiếng nức nở quen thuộc ấy khiến ông ngồi chết cứng. Ông không dám quay lưng lại. Ông rít liền ba hơi thuốc thật sâu vì tin rằng thuốc lá làm tỉnh táo và sự tỉnh táo ấy sẽ xua đuổi những ảo mộng hay huyễn ảnh. Nhưng ông nhầm. Tiếng nức nở không biến mất mà vang lên rõ rệt bên tai ông đến mức ông nghe cả hơi thở hổn hển kèm theo. Một gương mặt đầm đìa nước mắt áp sát vào má ông. Lệ đầm đìa, những giọt lệ lạnh buốt. Ông châm điếu thuốc thứ hai, rồi thứ ba, nhả khói liên hồi, nhưng má ông vẫn buốt lạnh vì nước mắt.
« Người yêu dấu ơi... »
Tiếng hát vẫn vang lên. Ồ, chẳng còn là tiếng hát mà là tiếng gọi của chính ông. Nhưng ông không dám cất thành lời nên chúng mãi mãi chỉ là những tiếng gọi câm nín :
― Xin em hãy tha thứ cho tôi....Xin em...
‖
Mắt ông cay xè. Thoáng mơ hồ, một chút hơi nóng lướt qua bờ mi. Những vòng khói chập chờn bay toả. Khói cuộn như mây lúc hoàng hôn giông gió. Khói nhạt nhoà như sương mù lan toả trên đầm nước mùa xuân. Cuộc đời ông phải chăng cũng chỉ là những vùng khói sương hư ảo, những ba động của mây trôi, gió cuốn ? Quyền năng của ông phải chăng cũng chỉ là thứ bùa phép phù du của ánh đèn trong rạp hát tuồng ?
― Xin em hãy tha thứ cho tôi.‖
Ông cúi đầu lẩm nhẩm mà không biết rằng bác sĩ đã đứng trong khuôn cửa:
- Thưa chủ tịch....
Ông ngước lên và phải qua một tích tắc mới kịp định thần :
- Sao chú không hát nữa ?...Tôi rất thích nghe chú hát. Chú có một giọng nam trung tuyệt vời. Lẽ ra chú có thể trở thành ca sĩ chuyên nghiệp.
- Thưa chủ tịch, người quá khen.
- Tôi không làm ngoại giao với chú.
- Cảm ơn chủ tịch.
- Tại sao chú quay lại đây ?
- Thưa chủ tịch, cận vệ báo rằng người không chỉ hút một hai điếu mà hút rất nhiều...Như thế, vô cùng nguy hiểm cho sức khoẻ....
Ông cúi xuống nhìn bao thuốc trên bàn và nhận ra rằng ông đã hút quá nửa. Khói còn ngưng mù mịt trong phòng. Bác sĩ dán mắt vào mặt ông. Có lẽ anh ta đang thăm dò những ngấn nước mắt. Chủ tịch rút khăn tay lau mặt, hắng giọng :
- Quả là tôi cũng có hút hơi nhiều. Khói cay xè cả mắt.
- Thưa chủ tịch...
- Không sao cả. Tôi tắt thuốc ngay đây.
Ông di điếu thuốc đang hút dở vào gạt tàn, ngay trước mắt bác sĩ. Đoạn đứng lên, ông vươn vai, giơ tay che miệng ngáp vờ :
- Giờ, tôi phải tập khí công mới hòng ngủ được.