Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Dài >> Đỉnh cao chói lọi

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 47531 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Đỉnh cao chói lọi
Dương thu Hương

SONG TẤU (9)

Trong tiếng đáp của bà ngầm chứa một hờn dỗi nhưng ông không để ý vì đang mải rõi theo đàn trẻ bên kia sông. Có đến hơn trăm đứa bé độ tuổi nhi đồng, đứa nào đứa nấy đều đội mũ rơm, lưng đeo ba-lô hay tay đẫy. Chúng đứng túm tụm trên bến phà. Có lẽ học sinh trường nào đó đi sơ tán :
« Thế này mà máy bay tới thì hầm đâu mà chứa ? »
Ông không lạ gì những chiếc hầm, dù là cá nhân hay tập thể, tất cả đều không có giá trị thực sự nào hơn một thứ thuốc an thần. Chúng khiến con người cảm thấy yên tâm ....Một tấm bê-tông to không hơn cái mẹt, đậy trên miệng hố rộng chưa đầy tám tấc, sâu cũng chưa đầy tám tấc hoạ chăng chỉ có thể tránh mảnh lựu đạn, làm sao chống nổi bom tạ ném từ trên máy bay? ...Nhưng vẫn cần phải có hầm để tạo nên cảm giác an toàn. Chiến tranh giống như một trò chơi. Một trò chơi quá khốc liệt mà nạn nhân trước hết là những con người bình thường, những đứa bé ...giống như những đứa bé bên kia bờ sông. Nheo mắt lại để nhìn rõ hơn, ông nhận ra những chiếc mũ rơm nhấp nhô trong nắng sớm, những chiếc ba-lô bé tẹo teo, những chiếc tay đẫy mà ông biết bên trong đó những người mẹ đã xếp phần ăn của chính họ trong cả tháng. Họ sẽ phải vét đến những hạt đường cuối cùng, dành dụm gói lương khô cuối cùng cho những đứa con có thể sống sót nơi sơ tán xa xôi. Sự hy sinh vô hạn của kiếp người hữu hạn.. Nỗi đau khổ bất tận của một lịch sử đã cắm mốc bởi những cuộc binh đao. Phải chăng đó chính là thân phận dân tộc của ông ? Dường như họ là loại người bị lột da và luôn phải đứng trước gió quất hay bão lửa.
Ông nghe tiếng bà hắng giọng và chợt nhớ rằng bà đang ngồi bên ông. Họ ra đây để có thể nói mọi chuyện một cách dễ dàng :
« Có lẽ anh Cả nói đúng, dân tộc này là của chúng ta, có muốn từ chối cũng không được. Vì chúng ta thuộc về một dân tộc bị lột da, nên chúng ta cũng phải chịu mọi đau đớn của kẻ bị lột da, mỗi người một kiểu. Bây giờ là lúc ta phải quay lại cuộc hành xác này ! »
Mỉm cười, ông nói :
- Anh nhường quyền cho em đi trước.
- Không. Anh là người đàn ông.
- Thời chúng ta, đàn ông bình đẳng với đàn bà.
- Em không tin điều ấy.
- Em có tin. Mọi sự diễn ra trong nhà này chứng minh rằng không những em tin đàn bà bình đẳng với đàn ông mà còn có thể thao túng đàn ông, với cách thức riêng của họ.
- Em chỉ làm đúng những gì mọi người đàn bà khác vẫn làm.
- Nhưng anh kết hôn với em chứ anh không kết hôn với những người đàn bà khác. Và điều này chúng ta đã thoả thuận với nhau từ thuở chưa làm đám cưới ...Em đã quên chưa ?
Bà im lặng, vì bà chưa quên. Nhưng với ngần ấy tháng năm chung sống. Nhất là khi họ đã có đứa con trai. Tại sao ông khăng khăng không khoan nhượng ?
- Em không quên. Nhưng em không hiểu ?
- Em không hiểu điều gì ?
- Vì sao một người cha có thể hờ hững với con đẻ của mình để thiết tha với đứa con người khác ?
- Con người khác ?
Ông quay lại nhìn thẳng vào mắt bà để tìm lời giải đáp. Không lảng tránh cái nhìn của ông, bà đáp thong thả :
- Cho dù đó là con ông cụ. Đó vẫn không phải con đẻ của anh, kẻ nối dõi tông đường của anh, kẻ sau này chống gậy lăn đường trong đám tang của anh và của em, kẻ thắp nhang trên bàn thờ của chúng ta cũng như tổ tiên hai bên nội ngoại. Anh có muốn, đứa con nuôi của anh cũng không mang họ Trần, máu chảy trong huyết mạch nó không phải dòng máu của họ Trần.
Bây giờ ông đã hiểu, lòng tự ái là thứ tình cảm mãnh liệt nhất trên cõi đời. Đứa con là thành phẩm quan trọng mà người ta kí cược những hy vọng và gửi gắm mọi nỗi niềm nông sâu. Đã là con, bất luận nó ra sao, vẫn là thần tượng của người làm cha làm mẹ. Bởi vì ông không còn chấp nhận thứ tình cảm mù loà ấy, ông đã xúc phạm tới lòng tự tôn của bà. Chính điều đó khiến bà căm giận. Bà không thể tha thứ cho ông, cũng không thể tha thứ cho đứa bé đáng thương kia.
― Lòng vị kỉ của con người là thú dữ, loài thú tàn độc và mù loà. Không lẽ phải nào đứng vững trước loài thú ấy. Không ngọn gió lương tâm nào lay động được nó bởi nó là loài vật không tim.
Ông nhớ lại câu văn cũ, thầy giáo trường trung học đọc trong một buổi bình văn cuối tuần. Con người gầy loeo khoeo với cặp kính dầy như trôn chén ấy đã dạy ông biết bao điều hữu ích. Càng về già, ông càng nhớ đến người thầy cũ như dân chài nhớ tới vọng hải đăng.
... ... ... ... .....
Thấy ông im lặng, bà tiếp tục :
- Anh không nghĩ rằng em nói sai sự thực đấy chứ ?
Bà nhìn xoáy vào ông với vẻ đắc thắng không che giấu. Lúc ấy, ông quay lại :
- Em có tin rằng con trai của chúng ta sẽ làm đầy đủ mọi phận sự như em hy vọng hay không ?.. Hãy cứ lấy tấm gương của cậu nó mà rọi chiếu ? Em cố gắng nhìn thẳng vào sự thực, ít nhất là lần này. Liệu em có hy vọng là Vinh khá hơn cậu Tùng hay nó đúng là bản sao người em trai của em. Và, là hình ảnh của mẹ em ?
Tức khắc, mặt bà đỏ phừng phừng. Màu đỏ lan đến tận từng chân tóc hai bên mang tai và hai thái dương. Ông biết rằng ông đã đánh trúng huyệt, rằng bà không thể chối cãi là đứa con của họ chính xác là bản sao của cậu nó, một thứ công tử phố huyện ngu dốt, ích kỉ và đặc biệt vô liêm sỉ. Rằng ông đã phải muối mặt đi can thiệp nhiều lần để đứa em trai vô năng và lười biếng của bà có chỗ dung thân. Trong một tương lai không quá xa xôi chắc chắn con trai của họ cũng phải núp trong bóng cha nó mới hòng tìm được nơi trú ẩn. Điều này ngay cả những người láng giềng cũng biết rõ. Nhưng bà không thể chịu thua. Lòng kiêu hãnh của người mẹ còn mạnh hơn loài hổ dữ. Đứng phắt dậy, bà quát vào mặt ông :
- Cho dù như thế nó vẫn là con trai anh, con trai của chính anh. Nó vẫn là kẻ đích tôn thừa tự dòng họ Trần !
- Đấy là lá chắn cuối cùng của em, có đúng không ?
Ông hỏi một cách điềm tĩnh, pha chút ngao ngán. Cái vẻ điềm tĩnh ấy chính là thứ khiến bà kiêng dè nhất. Mắt ông nhướng về phía bờ bên kia sông, nơi ánh nắng đã tràn lên rực rỡ suốt giải bờ cát và những dãy nhà nghiêng nghiêng chạy dọc bến phà :
- Trước hết em hãy ngồi xuống vì anh không muốn nhìn thấy em trong kiểu cách của con mẹ Tư hàng cá.
Bà ngồi xuống thờ thẫn. Mặt bà từ từ chuyển sang màu chàm. Những khi ông chẳng còn chút giận dữ trong giọng nói có nghĩa là tâm hồn ông đổi thay sắc thái. Chỉ còn lại trong đó nỗi đau khôn tả. Không nhìn bà, ông nói tiếp:
- Anh cũng như mọi người cha khác, mong muốn một kẻ nối dõi tông đường. Anh cũng đã trằn trọc day dứt nhiều năm theo dõi con trai chúng ta. Anh cũng đã gạn chắt biết bao hy vọng. Càng thất vọng, càng đào bới, càng xây đắp những hy vọng mới. Nhưng có lẽ đàn ông khác đàn bà là tình yêu của họ luôn luôn có giới hạn khi đương đầu với sự thật. Tình yêu của người đàn ông không thể bất tử vô điều kiện. Đến lúc nào đó nó phải tan tành khi húc phải bức tường thực tiễn. Lúc ấy, người ta gọi là vỡ mộng, hoặc là giải ảo. Nói chung, cần phải vỡ mộng con người mới khôn ngoan. Khi đã vỡ mộng, con người không còn khả năng nhắm mắt bước xuống ao bùn được nữa. Họ buộc phải mở mắt để nhìn rõ đường đi, để tránh rơi xuống sình lầy và chết một cách ngu xuẩn. Anh không còn hy vọng ở đứa con của chúng ta. Từ ngày đầu tiên khi nó thét lên với Trung giữa bữa cơm và trước mặt tất cả mọi người rằng mày chỉ có quyền cầm bát khi nộp tem phiếu, anh đã hiểu rằng con của anh và của em không mang dòng máu họ Trần, nó mang dòng máu họ Phạm. Anh không hy vọng nó là người thừa tự.
- Vậy anh nuôi hy vọng rằng Trung sẽ chống gậy lăn đường cho anh mai sau ?
Bà hỏi ông với nỗi cay cú không che giấu :
- Không, anh không còn hy vọng vào việc đó. Có thể nhu cầu ấy chẳng tồn tại với anh bây giờ.
Ông trả lời chậm rãi và bà oà lên khóc. Thoạt tiên, bà còn cố ghìm nén. Nhưng mỗi lúc, bà mỗi buông thả cơn hờn oán của mình. Từ lâu lắm bà mới được dịp khóc ngôi khóc ngả, khóc hả khóc hê, khóc như một người đàn bà nhà quê, với những cơn nức nở tuôn tràn, những tiếng rống tiếng than, với tất cả cường độ và sắc thái của những hờn ghen, phẫn nộ, uất hận kiềm chế từ bao năm đến bây giờ phải xả ra cho sạch. Ông lặng lẽ nghe bà than khóc, nghe bà xỉ mũi soàn soạt, ầm ĩ, nghe bà ho và dặn ra ho thêm từng cơn, từng cơn.
Thời gian cứ thế trôi qua.
Nắng đã lên ngang lưng trời. Cây cầu Long Biên in hình xuống làn nước giờ đã ngả sang màu hồng phai của hoa tường vi úa. Những ruộng ngô xung quanh họ đã khô sương, rung lá xạc xào. Tiếng cười của đứa bé nào đó vẳng lên từ đám thuyền chài khiến ông nhớ lại những ngày ấu thơ sung sướng.
― Ta đã có một gia đình êm ấm, nơi những mối bất hoà về quyền lợi không thể làm sứt mẻ tình huynh đệ. Nhưng đó chính là một may mắn. Nói tới may mắn có nghĩa con người không dự phần quyết định trong đó. May mắn là quà trời cho hay thánh thần tặng thưởng. Nào ai biết mình có nhặt được hay không nhặt được quả bứa chín rơi trên đường đi ? ... Khi cưới Vân, ta hy vọng đứa con của chúng ta sẽ giống ông giáo Lương nếu như nó không có vạn hạnh được thừa hưởng những đức tính bên dòng họ nội. Nào ai dè nó giống bà bán nước mắm nổi tiếng xấu cả nết lẫn ngừời. Nó là kẻ thừa tự của bà Phạm thị Tuyết Bông.
Đó chính là điều mà cổ nhân thường nói : đau hơn hoạn. Một mối thất vọng có nguy cơ đốn gục con người.. Con cái chính là cây cầu mong manh nhất mà tất thảy chúng sinh đều bắc tới tương lai. Con cái chính là cuộc xổ số mà kẻ mua vé không bao giờ đoán được con số ngày mai sẽ về. 
Rút bao thuốc, ông châm một điếu và nhả khói chậm rãi. Thuốc lá là thứ giải sầu thích hợp với tình cảnh này, trong lúc chờ bà khóc cho đã thèm, và trong lúc tìm một giải pháp mới cho cuộc sống chung. Có tiếng trẻ hát ngọng líu ngọng lô từ đám thuyền chài vẳng lại. Ông đứng lên, thong thả đi về phía bờ cát. Ở đó, ông hút tàn điếu thuốc rồi quay trở lại :
- Nào, em đã khóc xong chưa ?
- Xong rồi.
Bà đáp, bởi quả tình cũng không thể khóc hơn. Bây giờ bà hiểu rằng mọi sự đều có giới hạn, ngay cả cơn khóc lóc có tính giải thoát những ấm ức lẫn hờn căm .
- Bây giờ chúng ta nói chuyện một cách thẳng thắn như hai người bạn.
- Như hai đồng chí.
- Ồ không, danh từ ấy chỉ sáng giá trong những năm xưa, trên chiến khu Việt bắc ...Còn bây giờ, người ta thường dùng danh từ này trước lúc giết nhau ...
Ông cải chính một cách hài hước trước đôi mắt tò mò của bà :
- Anh không muốn hạ thủ em, dù sao chúng ta cũng đã chung chăn chung gối mấy chục năm trời ...
- Em nghe anh đây.
- Anh biết sự xuất hiện của Trung trong gia đình này khiến em chịu nhiều khó nhọc. Anh phải cảm ơn em vì những năm tháng em đã mất công chăm sóc cả hai đứa trẻ cùng một lúc, cho dù có dì Nga giúp đỡ. Thành thực mà nói những năm vất vả nhất, chúng ta lại hạnh phúc vì cùng sát cánh nhau gánh vác, lo toan. Nhưng tình hình chỉ xấu đi khi Vinh lớn lên, học hành kém cỏi, càng được chiều chuộng càng lêu lổng và dốt nát. Và càng ngày nó càng giống cậu Tùng cả tâm tính lẫn thân xác, giống đến nỗi nhiều lần anh phải quay mặt đi khi hai đứa đứng hay ngồi cạnh nhau. Chắc em hiểu cho anh điều đó ?
Bà lặng im, đưa mắt nhìn nơi khác. Ông tiếp tục với giọng rầu rầu :
- Nói chuyện này ra, anh chẳng sung sướng gì bởi anh cũng như em được tác tạo bằng xương bằng thịt. Tuy nhiên, sau bao nhiêu năm đắn đo anh hiểu rằng cần phải nhìn vào sự thật. Sự thật là em không chịu nổi con em thua kém con người khác, bất luận người khác ấy là ai.
- Em không định nói như vậy. Lúc ấy em quá giận.
- Em không định nói nhưng em đã nghĩ thầm từ lâu, từ rất lâu. Cùng sống dưới một mái nhà không nên để những ấm ức làm tổn hại tinh thần. Chúng ta không còn trẻ nữa. Em có thể sống riêng với con trai của chúng ta. Còn anh sẽ nuôi Trung vì đấy là điều anh đã hứa trước lương tâm của mình. Anh sẽ cưu mang nó với bất cứ giá nào, ngay cả khi phải hy sinh mạng sống. Điều này anh đã nói với em ngay từ đầu, không che giấu ...Vậy bây giờ phần quyết định là ở em. Em được toàn quyền định đoạt.
- Anh sẽ làm đơn ly hôn ?
- Anh không làm gì hết. Nhưng người ta vẫn có thể sống riêng rẽ ngay khi bị các điều luật trói buộc. Bởi mọi điều luật đều không hữu hiệu đối với con tim.
- Anh đã yêu ai ? Đã có con đàn bà nào ở trong tim anh ?
Bà thốt lên hộc tốc và tức khắc máu lại dồn lên mặt bà khiến nó đỏ tưng bừng như gương mặt một người gánh nặng leo dốc giữa trưa tháng sáu.
Ông nhìn bà :
- Em nghĩ thật hay em nói chơi ?
- Em không muốn nói rằng anh đã yêu cô nào đó nơi anh đang làm việc, hoặc trong thành phố này.
 
- Bởi vì tất cả những người đàn bà trong cơ quan anh, dù trẻ hay già, dù có chồng hay chưa có chồng em đều thuộc lý lịch và tính nết họ như lòng bàn tay. Thêm nữa, em có cả một màng lưới trinh thám để theo rõi và khống chế họ. Điều đó đúng hay không ?
- Em không nói tới những người làm việc chung với anh.
- Vậy em muốn ám chỉ một người đàn bà nào đấy ở các sứ quán ngoài nước trong những chuyến anh đi công tác ? Em hãy mở danh sách ra mà kiểm soát. Anh có thể trực tiếp cung cấp những danh sách đó cho em. Nếu không, em có thể tìm danh sách đó bên bộ ngoại giao, hoặc ngay cả văn phòng của Sáu. Theo anh biết thì y tiếp đãi em hết sức thịnh soạn mỗi lần em có ý định ghé thăm y. Mọi người đều biết rõ điều này :Vợ kẻ thù là người đồng minh thuận tiện nhất.
- Anh nghi ngờ em ?
Bà bật lên hỏi khiến ông phì cười. Ngay tức khắc bà biết mình hớ hênh và giọng cười của ông càng khiến bà căm tức. Ông là người không có tính ghen. Giá như ông ghen, dù chỉ một lần ....có thể tình hình sẽ khác ...Nhưng ông là người ngay thẳng, tự trọng và ông không cho phép mình phạm phải những thói tật mà ông vốn cho là thấp kém, đối với những tiêu chuẩn đạo đức ông đã được giáo dục.
- Em định hỏi thật hay hỏi chơi ?
- Em xin lỗi, em không muốn nói như thế.
- Vậy em muốn nói gì ?
- Em không nói tới những người đang sống.
- Nghĩa là em muốn nói tới ....
Ông ngừng lại vì không thể há miệng nói tiếp.Vì tất cả sự sửng sốt, kinh hoàng lẫn ghê sợ mà bà gợi lên cho ông. Nhưng nhìn đôi mắt cụp xuống của bà, ông hiểu ra mọi lẽ : Vợ ông không chỉ ghen với đứa con nuôi vì nó giỏi, nó đẹp trai và tốt tính hơn con trai bà mà còn vì mẹ của nó. Mẹ nó trẻ hơn bà, đẹp hơn bà không chỉ một vài phần mà là muôn phần gấp bội, cho dù bà vẫn được mệnh danh là Hoa khôi khu văn phòng suốt thời kháng chiến :
― Cô ta ghen với người đã chết. Tại sao lòng ghen có thể chế tác nên những sự phi lý ghê tởm đến như vậy ? Cô ta đã nuôi những ý tưởng đồi bại, vô luân này tự bao giờ mà ta hoàn toàn không hay biết ? Nhưng ta cũng không thể hay biết vì điều này vượt qua trí tưởng tượng của ta. Bất cứ người nào có đầu óc bình thường cũng không thể hình dung ra một thứ tâm trạng bệnh hoạn, quái gở đến như vậy. Chỉ có thể là kẻ tâm thần mới nghĩ như thế. Nhưng vợ ta vốn khoẻ mạnh, trong gia đình cô ta cũng chưa có ai mắc chứng thiểu năng tinh thần .„
Ông trân trân nhìn vợ , hàm bỗng nhiên cứng lại, đầu óc bấn loạn. Ông có cảm giác như biến thành kẻ bị cấm khẩu hoặc bị bại liệt tức khắc sau khi trúng cơn gió độc, một thứ bệnh ác hiểm và bí ẩn không ai có thể đoán trước, cả thầy thuốc lẫn bệnh nhân :
« Trúng ác phong »
Đấy là tên căn bệnh đe doạ loài người từ cổ chí kim. Bây giờ, chính ông đang là kẻ trúng ác phong. Ông chìm đắm trong trạng thái nửa thức tỉnh, nửa tê liệt, thấy mọi vật đen sầm lại rồi sau đó chúng ngả sang màu tím sẫm, nửa như màu hoa chân chim nửa như màu vỏ cà dái dê. Gương mặt vợ ông cũng biến dạng trong màu tím nhù nhoà, mọi nét đều co giãn rung rinh như bà đang soi mình trên mặt hồ bị ném đá.
Ông đờ đẫn nhìn gương mặt quen thuộc đang biến đổi, những đường nét bị gẫy khúc, đứt nối, chập chờn, và tự hỏi đó là thực hay là mơ ? Cái gì đang diễn ra trước mặt mình ?
« Có điều gì, có điều gì đã xảy ra trong cuộc sống của ta ? »
Ông muốn cất tiếng hỏi nhưng đôi môi không thể mấp máy. Tay chân ông cũng không thể động cựa, dù trong một thoáng ông có ý định giơ tay lên để làm một cử chỉ tàn bạo nào đó đối với bà. Ông bất động và mê man trong cơn thức tỉnh. Như một xác ướp sống. Hoàn toàn như vậy. Bởi ông có ý thức rõ rệt về trạng thái tồn tại của chính mình.
Trong lúc đó, bà đã kịp định thần. Sau khi trút ra tất thảy những chất chứa trong một hoả diệm sơn, bà trở thành một quả bóng xẹp, một cái xăm của bánh xe bị xì hơi chỉ còn lại lớp vỏ cao-su rúm ró. Bà nhìn đôi mắt lạc tròng của ông, chợt hiểu những lời bà vừa thốt ra trong cơn mê man của ghen tuông. Đến lượt bà sợ hãi. Bà vùng đứng lên, bỏ chạy về phía bờ đê.
*********

Ông cứ đứng thẫn thờ như thế hồi lâu, không biết rằng mặt trời đã bắt đầu chang chói. Trên sông, chiếc sà-lan chở than bỗng hú còi. Tiếng còi lảnh lói ấy kéo ông quay về thực tại. Cơn tê dại tan dần dần khi ông cảm thấy tay chân bắt đầu động đậy và mặt ông ấm nóng trở lại. Gió thổi từ triền sông đem tới mùi cây cỏ, mùi nước, lẫn hơi ấm nồng ngai ngái của những đám rác rều mục nát bị sóng đánh tạt lên bờ.
Một cảm giác nhột nhoạt làm cổ ông ngứa ran. Ông đưa tay lên rờ túm ngay được một chú bọ ngựa non. Con vật bé nhỏ này đang cọ gươm nhoay nhoáy. Ngay cả khi ông tóm nó trên tay, nó vẫn không ngừng phóng đôi càng gai chém vào không trung :
« Mày hăng hái thật. Ngựa non háu đá, bọ ngựa non háu cọ gươm ...chó con háu sủa, mèo con háu cào ...Tình tang ơi, mày háu điều gì ? »
Bên tai ông bỗng vẳng lên câu đồng dao ông thường hát hồi năm sáu tuổi, những mùa hè về quê theo lũ trẻ làng đi chăn trâu và thả diều. Thấm thoát đã sáu mươi năm. Đời người trôi qua như giấc mộng. Bất giác ông cúi xuống nhìn bóng mình đổ qua bờ ngô.
« Ta sẽ còn nhìn thấy cái bóng này bao nhiêu mùa xuân nữa ? »
Câu hỏi vừa thốt lên trong tâm tưởng, lời giải đáp đã ném lại cùng với tiếng cười buồn :
« Ồ, quan trọng gì điều ấy ? Đa thọ đa nhục, cổ nhân đã nói rồi. »
Giơ con bọ ngựa lên, ông ngắm nghía lần cuối rồi ném vào ruộng ngô. Con vật bé nhỏ biến mất trong những luống cây xanh rờn, rì rào không mệt mỏi. Gáy ông lại lên cơn ngứa ngáy. Lần này không phải vì bọ ngựa hay châu chấu quấy rối mà là vì nóng. Chân tóc cũng bắt đầu tướm mồ hôi. Vũ lấy chiếc mũ vải mềm đội lên đầu, quay trở lại bờ đê Yên phụ.
Đường vắng, nên ông có thể nhìn thông suốt con phố nhỏ. Những người gánh gồng đi qua một cách vội vàng. Khói nhà máy điện phun lên những luồng bụi đen khiến bầu trời thành phố tối đi một góc. Phía bên kia là hồ Tây, mặt nước mênh mang sau rặng hoa tím đường Cổ ngư. Đi ngược lên một đoạn nữa, ông nhận ra dáng chùa Trấn Quốc với những lăng nhỏ đứng lô nhô, sát bên mép nước. Một con thuyền dập dềnh phía xa, chắc hẳn thuyền ngư dân vì thi thoảng những vàng lưới tung lên nhấp nhánh ánh mặt trời.
« Ta đi đâu bây giờ, về nhà chăng ? »
Ông tự hỏi. Nhưng ông biết là không thể quay về vào lúc này, cho dù ông đã thoáng nghĩ đến tấm màn xanh như sự cứu rỗi cuối cùng có thể khiến ông thăng bằng trở lại. Bà cầm chìa khoá xe, chắc chắn bà đã lấy xe về trước. Và hẳn là bây giờ bà ấy đã thay quần áo, chuẩn bị ăn trưa, thản nhiên như không có gì xảy ra. Ông biết rõ như vậy. Ông biết rõ là người đàn bà thường phục hồi rất nhanh sau những cơn choáng váng, là sức chịu đựng những chấn động tình cảm của họ luôn luôn bền bỉ hơn đàn ông. Có lẽ chức năng sinh sản đã tạo cho họ khả năng chống đỡ những cơn sốc dài, những cơn đau tột đỉnh, và điều ấy, tới lượt nó, tạo nên sự phản xạ giới tính trước những biến động trong đời sống tinh thần ... Lý do nữa là khả năng suy nghĩ của họ luôn luôn giới hạn, vì thế họ ít bị dày vò hơn đàn ông. Trong người đàn bà nào cũng có một phần khá mạnh mẽ của con người nguyên thuỷ, bản năng lấn lướt lương tri. Sự suy tư cũng như lòng ăn năn thường qua mau như cơn mưa mùa hạ. Vì thế, họ ít phải chịu đau đớn hơn đàn ông :
« Đàn bà là giống mạnh chứ không phải đàn ông. Đây là điều nhầm lẫn lớn nhất của Thượng đế. »
Ông hình dung ra khuôn mặt bình thản, có phần lì lợm của vợ mỗi khi bà mưu tính điều gì. Những giọt nước mắt luôn luôn đồng hành với một mục tiêu cỏn con nào đấy. Khi thì để bào chữa cho tội lỗi của đứa em trai, để chạy chọt những vụ đổ bể do gã gây ra, khi thì để biện minh cho sự vô năng của đứa con trong việc học hành, thi cử ; khi thì để vẽ nên những bức tranh hy vọng mới của kẻ nối dõi tông đường. Ông đã quen với mọi chiến thuật chiến lược của bà tuy ông làm ra vẻ không để tâm tới. Sự thực, mọi mưu toan của người đàn bà cũng chỉ là để bênh vực cho những kẻ gần gũi họ, cho quyền lợi của chính họ mà thôi :
« Phần của tôi ? Phần của tôi đâu ? »
Mối quan tâm số một của tất thảy những người đàn bà là ở đấy.
Không riêng những người đàn bà, nhưng là cả nhân loại. Sự vị kỉ là một trong những bản năng gốc, tồn tại mãnh liệt nơi chúng sinh.
Mỗi lần khó chịu vì những mánh khoé vặt vãnh của vợ, ông thường tặc lưỡi :
« Chao ôi, thói đời là thế ! Cô ta cũng chỉ là một người đàn bà bình thường trong muôn vạn người đàn bà, một sinh thể trong muôn vạn chúng sinh. »
Vả chăng, ông biết rằng cuộc sống gia đình nào cũng đòi hỏi những thoả hiệp. Không thoả hiệp thì mọi cuộc cộng sinh đều bất khả. Nhưng ông biết chắc chắn rằng ông không thể chung sống với một người đàn bà vô đức. Một người tầm thường với mọi thói tật bình thường, điều đó có thể chấp thuận. Nhưng một người vô đức hay độc ác, đó lại là chuyện khác. Giống như bờ bên này với bờ bên kia của một dòng sông.
Cuộc đối thoại ngày hôm nay đẩy ông sang bờ bên kia. Nguy cơ đã hiển hiện. Ông đã thấy mái nhà rách tả tơi và những bức tường sụt lở trước mắt mình.
« Không ai đo được chiều sâu trong lòng người đàn bà. Không ai biết được ý nghĩ nào chôn vùi trong óc họ, tình cảm nào khuất lấp nơi thầm kín nhất trong con tim họ. Vậy mà ta đã sống với cô ấy hơn ba chục năm trời ! »
Mấy chục năm, bao nhiêu thăng trầm, bao nhiêu kỉ niệm ấm êm, bao nhiêu đau buồn san sẻ. Làm sao đếm được những lần túc trực bên giường bệnh phụ sản trong những lần xảy thai thường trực của vợ. Bao nhiêu nẻo đường họ đã qua, bao nhiêu cánh rừng và bao nhiêu con suối ? Bao nhiêu mái nhà tạm trú suốt chín năm kháng chiến trong cuộc sống long đong, màn trời chiếu đất. Bao nhiêu lần ông đun nước lá thơm cho bà tắm gội ? Bao nhiêu bữa cháo ông đã nấu cho bà khi ốm đau. Bao nhiêu ngày và bao nhiêu đêm ?
Ông nhìn thấy mênh mông , chập trùng những năm tháng đã qua, những quãng đời đã mất ...Ông cảm thấy cơn nghẹn ngào dâng lên họng khi hình dung quãng đường trước mặt : Một cuộc sống quạnh vắng, tựa hồ một sa mạc trải đến chân trời, không nơi ẩn trú, không bóng cây che ... một sa mạc vô hình vô diện chạy thẳng đến tận cửa mồ ...
« Tự nơi đâu và tự bao giờ, lòng ghen tuông đồi bại kia nảy sinh? Không lẽ nó chỉ là một thứ tình cảm xấu xa đỏng đảnh vừa mới bột phát do sự thất vọng trước đứa con trai, bằng chứng rõ rệt về sự thua cuộc của người làm mẹ ? Không lẽ chỉ đơn thuần như vậy ? Còn như giả thuyết này phi lý, chắc chắn mối ghen tuông đã được nuôi dưỡng từ lâu, từ những ngày kháng chiến chưa thành công, và tất thảy mọi sự phải diễn ra trên chiến khu Việt Bắc ? »
***
Những ý nghĩ lan man dẫn ông tới ngã ba, nơi con đường phân nhánh : bên trái là đường rẽ lên Quảng bá, bên phải là cua vòng của con đê Yên phụ chạy tuốt lên phía tây bắc thành phố.
Chính giữa điểm chẽ đôi của con đường, người ta dựng nên một khóm cột bê-tông cao vút làm giá đỡ cho các pan-nô khổng lồ trưng diện những khẩu hiệu chiến lược của nhà nước . Những dòng chữ sơn đỏ chói lọi trên nền vải bố trắng được căng trên khung thép không rỉ cao hơn mười thước tây khiến những ai đứng gần phải ngả thân về phía sau mới hy vọng đọc được. Ông đã thuộc lòng những dòng chữ phù thuỷ ấy. Nói cho thật đúng, ông đã ghi khắc chúng trong tim óc mình một cách kinh hãi :
« Toàn đảng, toàn quân, toàn dân quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. »
« Còn non, còn nước, còn người.
Thắng xong giặc Mỹ,
Ta sẽ xây dựng lại non nước tươi đẹp hơn mười lần năm xưa ... »
Một tấm pan-nô vĩ đại vẽ hình anh Cả mặc quần áo lính, tay chỉ thẳng về con đường ngoằn ngoèo trên đỉnh Trường Sơn. Dòng chữ bên trên ghi:
« Xẻ dọc Trường sơn đi cứu nước ! »
Dòng chữ phía dưới làm thành một đối xứng :
« Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân ! ».
Tấm hình phóng đại của chủ tịch trên tấm pan-nô cao nhất kia chính là của ông, của riêng ông. Nhà bảo tàng quốc gia đã xin lại nhân dịp triển lãm :
« Việt nam tên đường thắng lợi ».
Tấm ảnh ấy ông đã chụp được một cách ngẫu nhiên trong lần tháp tùng anh Cả ra mặt trận với chiếc Kôn-rát cũ kĩ mà một tay phóng viên Nga đã cho ông trước khi quay lại Trung quốc để lên đường về nước. Thời ấy, anh Cả vừa qua cơn kiết lỵ. Rau thiếu, thịt cá tươi hầu như chỉ là thứ trang trí, mấy tháng liền ăn toàn cá mắm với măng luộc nên hơn nửa số người trong văn phòng kiết lị. Ông cụ, tuy có được ưu đãi đôi chút, nhưng lại cao tuổi hơn mọi nên rút cục cũng phải chịu tai hoạ chung. Một căn bệnh được chia đều. Hồi đó, ông cụ đùa:
« Tất cả mọi người đều bình đẳng trước bệnh kiết lị.»
Trên đường ra mặt trận, ông cụ luôn luôn pha trò như vậy. Cách nói dí dỏm đầy hình ảnh và ẩn dụ, xen lẫn những cử chỉ điểm xuyết khiến ông cụ có một vẻ quyến rũ đặc biệt. Ông biết chính ông cũng bị quyến rũ. Và ông chứng kiến không ít người há hốc mồm, mê mẩn khi nghe anh Cả nói chuyện :
« Cô Xuân đã yêu anh Cả cũng vào thời gian ấy ...Mối tình oan nghiệt này bắt đầu vào mùa chiến dịch năm I953 ...năm 53; chắc chắn là như vậy. Người ta bảo đấy là năm con Rắn, Quý Tỵ, con rắn xanh. Cuộc kháng chiến còn hơn một năm nữa là kết thúc ... »
Ông nhớ con suối ông đã dẫn Xuân đi qua lần đầu, để tới ngôi nhà sàn của anh Cả, bởi chính ông là người trước tiên và duy nhất mà cô gái miền núi này thổ lộ tâm tư. Con suối ấy trong veo như thuỷ tinh, có thể nhìn rõ lũ cá lượn quanh các đám rêu nhỏ, cả những con cua hộc tốc bò trong các kẽ đá..
Khi họ vừa đặt chân xuống nước, Xuân đã phát hiện ngay ra lũ cua :
- Ô ô ô ...
Cô gái kêu lên mừng rỡ rồi tức khắc cúi xuống chộp những con cua cho vào chiếc túi vải chàm vẫn xách bên tay :
- Để nhà bếp nấu canh cho chủ tịch ...Thế nào cũng được một nồi.
Ông không biết nói sao đành đứng chờ cô lục soát hết các hốc đá để tóm gọn những con cua xấu số lọt vào tầm mắt. Cũng phải đến mười lăm phút sau họ mới có thể tiếp tục lên đường. Xuân xóc chiếc túi vải trên tay, cười sung sướng:
- Tối nay chủ tịch sẽ được bát canh ngon.
- Đúng đấy. Canh cua đá với rau ngót rừng ngon tuyệt.
Ông tán thưởng và nhìn gương mặt rạng rỡ của cô gái. Có một sự hồn nhiên trong suốt tựa pha-lê, có một sự thánh thiện hoang sơ như cỏ dại, mộc mạc như hoa rừng nơi người đàn bà này. Cô ấy khiến cho tâm hồn người đàn ông tươi trẻ. Cô ấy đem trở lại cùng một lần mùa xuân lẫn tuổi thơ ...Ấy là thứ quà tặng vô giá, thứ ân sủng thần thánh mà không quyền lực lẫn tiền tài nào mua được. Chưa kể tới một nhan sắc lộng lẫy : chim sa cá lặn trước giai nhân ...
Ngay tức khắc, ông hiểu vì sao anh Cả yêu Xuân, cho dù không bao giờ nói ra miệng ....
Vài tháng sau, ông đùa :
- Anh Cả thấy chưa, em cũng giống Quan Vân Trường thuở trước.
Ông cụ mỉm cười :
- Đúng rồi, vai trò của chú hoàn toàn như vậy . Chỉ có điều là Quan Vân Trường phò nhị tẩu, còn chú chỉ phải phò nhất tẩu mà thôi.
Không có gì khó che giấu hơn tình yêu. Người ta có thể che giấu sự xa hoa, của cải, ước muốn, lòng thù hận hay sự kiêu hãnh. Nhưng không ai che giấu được tình yêu. Tình yêu giống như sự nghèo khổ, xét trên phương diện ấy. Đó chính là điều ông ghi nhận được qua cuộc tình éo le của anh Cả. Cho dù là lãnh tụ, cho dù đã từng có nhiều cuộc tình trong đoạn đời lênh đênh của quá vãng. Nhưng chính cô gái này là cuộc tình lớn nhất, cuộc tình cuối cùng trong cuộc đời con người đau khổ kia.
***
Những cơn gió lướt qua mặt ông, mơ hồ.
Rồi tiếng chim hót từ những rặng ổi đường Quảng bá vẳng lại, nghe như thực như hư . Ông trầm ngâm nhìn tấm hình phóng đại, hình ảnh con người mà ông gắn bó hơn cả anh em ruột thịt. Ánh sáng trượt theo những nét sơn dầu khiến cho tấm chân dung trở nên choáng lộn như người ta đã phủ lên một lượt kim nhũ. Thứ kĩ thuật này thích hợp với nghệ thuật trang trí sân khấu hơn và nó khiến ông khó chịu. Nhưng vẫn còn lại nguyên những đường nét cũ : gương mặt gầy guộc quay nghiêng, đường gò má và sống mũi, đôi mắt sáng rực mà ông hiểu ý nghĩa của mỗi tia nhìn :
« Cánh tay ông cụ gầy trơ xương trong ống áo lùng thùng. Đúng là thời đói ăn. Thời mà bát sắn nấu chan đỏ ớt tươi trộn muối. »
Ông nhớ tới cục xà-phòng đen như cứt chó do xưởng xà-phòng cục hậu cần tự nấu bằng những thứ nguyên liệu mà nếu nói ra tất cả các nhà sản xuất xà-phòng trên trái đất này sẽ phải hãi hùng. Thế rồi cũng đã qua, quãng thời gian khốn khổ ấy. Mỗi khi bước xuống suối giặt, thấy đám bọt xà-phòng trôi lều bều xám đục như bọt ruộng đất chua mà phát gớm. Nhưng bù vào đó là tiếng hò hát inh ỏi của lũ thiếu sinh quân và tiếng ríu ran của chim rừng. Và hy vọng vào một ngày mai chiến thắng. Dân tộc ta chưa bao giờ được sống trong thực tại. Chúng ta chỉ sống trong hy vọng và bằng hy vọng mà thôi. Cả cuộc kháng chiến trường kì qua đi được là nhờ vào hy vọng.
Nhưng còn cuộc chiến tranh này ? Có lẽ những đoàn quân tiến bước trên giải Trường sơn hôm nay cũng như chúng ta năm xưa, họ hy vọng, họ nghĩ đến một ngày mai tươi sáng. Ông thánh dẫn đường cho họ cũng vẫn mang một gương mặt một hình hài như ông thánh của cuộc chiến tranh Việt Bắc xưa kia. Chỉ có điều lần này, ông không còn là một ông thánh thật sự mà chỉ là một xác ướp bị điều khiển, một zombie !
« Chính ta đã cho chúng nó tấm hình kia, để bây giờ chúng có thể lợi dụng nó như một thứ vũ khí vô cùng hiệu lực. Nào ai học được chữ ngờ ? »
Nỗi đau ấy âm ỉ đã lâu.
« Nào ai học đến chữ ngờ ? »
Tấm ảnh ấy không còn trong cuốn an-bum gia đình ông. Phim của nó cũng mất cùng với chiếc Kôn-rát chính vào ngày chiến thắng, mùa thu năm Giáp Ngọ . Khi các đội quân tiến vào năm cửa ô, các cơ quan cũng rối rít tiến về Hà nội ...Hà nội, Hà nội, ba mươi sáu phố phường yêu dấu, thành phố thân thương đã xa cách gần tròn một thập kỉ. Không ai muốn chậm trễ một ngày :
« Tiến về thủ đô ! Tiến về thủ đô ! »
Đó là tiếng thét của tất thảy mọi con tim trong cơn bấn loạn vì hạnh phúc. Khi niềm sung sướng dâng đầy tâm trí, ắt phải có đôi ba điều bị lãng quên, dăm bẩy đồ vật bị rơi rớt hay thất lạc ...Âu cũng là chuyện thường.
Nhưng nếu như tấm hình ấy dùng để triển lãm chân dung hay bất cứ một mục đích nghệ thuật nào khác ...có lẽ ông sẽ không quá đớn đau như vậy. Nhưng nó lại được sử dụng vào chính cuộc chiến tranh chống Mỹ, cuộc chiến nồi da nấu thịt mà anh Cả đã tiên liệu và tìm cách ngăn cản từ buổi đầu. Thế nên nỗi chua xót không ngừng gặm nhấm trái tim ông . Cùng một lần, ông cảm thấy sự đểu giả của trò chơi nhân thế và sự thất bại của chính bản thân. Cảm giác ấy kinh hoàng hơn cái chết.
Một đoàn ô tô tải tiến từ phía đường Quảng bá lại, xe nào xe nấy phủ kín bạt. Vượt qua khoảng trống để tiến vào thành phố, đoàn xe tung một đám bụi mịt mù. Ông biết chắc đó là đoàn xe chở hàng vào mặt trận. Ngày nào cũng miên man những đoàn xe chở vũ khí và lương thực tiến về phương nam. Ngày nào cũng có những chuyến tàu chở tân binh vào Thanh Hoá và Nghệ an. Từ hai tỉnh ấy, các đội quân sẽ tản ra các phương vị khác nhau tuỳ theo phiên chế.
...Và điều này sẽ là chắc chắn : ngày nào máu cũng đổ ...
Nhưng máu đổ đã là sự quá bình thường trong lịch sử của dân tộc Việt, một dân tộc mà mọi khúc nhôi lịch sử đều được đánh mốc bằng những cuộc chiến tranh. Thêm nữa, trong cuộc chiến tranh này, những kẻ cầm đầu đã đưa ra một logic chặt chẽ để chỉ định :
« Dân tộc ta anh hùng, dân tộc ấy phải thắng tất thảy mọi kẻ thù, dân tộc ấy không thể bị tổn thất quá nhiều trong cuộc chiến ...»
Với logic ấy, đương nhiên máu phải đổ trong im lặng, xương phải rơi trong im lặng, tên những kẻ ngã xuống phải được nhào nặn với bóng tối và sương mù ...
Số phận chăng ?
Số phận hay ý chí ?
Số phận ; bởi vì Mỹ đã muốn chọn phương Nam làm bức tường thành ngăn chặn làn sóng cộng sản.
Số phận, bởi phương Bắc đã lọt vào tay một kẻ mắc chứng cuồng tôn. Y muốn có cuộc chiến tranh này bằng mọi giá. Cuộc chiến tranh sẽ xây cho chính y đài tưởng niệm hùng vĩ, hùng vĩ nhất trong lịch sử trên tất thảy mọi chiều kích :
« Cuộc chiến tranh chống Mỹ phải vĩ đại gấp muôn lần cuộc chiến tranh chống Pháp, và khải hoàn môn phải muôn vạn lần hoành tráng hơn ! »
Mục tiêu đã được đong đếm từ đầu.
Đài tưởng niệm đã được xây cất trong trí tưởng tượng và trong những giấc mơ ban ngày từ khi cuộc chiến chưa khởi sự.
Chao ôi, trò đỏ đen của lịch sử ; tấn tuồng hài hước nhất trong mọi tấn tuồng chính là cuộc chinh phạt thiêng liêng của cả một dân tộc lại được xây cất một cách bí mật trong hộp sọ của con bệnh vĩ cuồng. Và bao nhiêu triệu người đã ngã xuống một cách tự nguyện vì tin rằng sự hy sinh của họ là thiết yếu cho tương lai của tổ quốc, cho danh dự của dân tộc , nhưng thực chất họ chỉ là những bầy cừu bị lùa vào lò sát sinh vĩ đại nhằm làm sáng giá một học thuyết của những thây ma đã thối rữa dưới đất đen :
« Liệu y có thực tâm tin vào chủ nghĩa Mác hay Mác chỉ là cái cớ vay mượn để thực hiện giấc mộng bá vương ? »
« Mác không là gì hơn một tấm áo khoác thùng thình để nguỵ trang những giấc mộng hoàng đế. Y cũng không là gì khác hơn một kẻ mưu phản chiếm đoạt ngai báu bằng phương thức cũ rích từ ngàn xưa. »
Những ý nghĩ đó khoan xoáy con tim ông, như thường lệ. Những ý nghĩ ấy tạo thành những lối mòn nhẵn cỏ trong óc não ông. Càng những năm gần đây, chúng càng ám ảnh ông da diết. Có bao nhiêu điều vô lý mà chúng ta chỉ có thể hiểu được sau độ lùi của không gian lẫn thời gian. Giờ, ông không còn hồ nghi nữa : Kẻ hãm hại anh Cả, chính là kẻ được ông Cụ yêu chiều, tin cẩn nhất. Nhưng con người này không một chút khao khát đối với hạnh phúc của dân tộc, cũng không mảy may rung động trước sự dìu dắt chân thành của bậc huynh trưởng. Điều duy nhất y cần là quyền lực và vinh quang.
Y cần vinh quang bằng mọi giá.
Y chính là kẻ bằng mọi giá phải đạp lên cổ ông thầy.
Y chính là kẻ phải tìm mọi cách để giết cha. Nhưng sở dĩ y có thể làm được điều ấy bởi dân tộc này đã khuất phục y một cách vô điều kiện. Đó là cái giá phải trả cho sự ngu dốt và hèn nhát . Phần này, không thuộc về số phận nhưng thuộc về hiện tượng mà người ta thường gọi là : Nạn nhân đồng loã !
Suốt một thời gian dài, nung nấu bởi những hồ nghi, ông đã nhiều lần tự vấn. Nhưng chưa bao giờ lời giải đáp thực sự đến với ông. Cho đến tận hội nghị trung ương lần thứ chín. Hội nghị ấy là thời điểm mà mọi quân bài đều lật ngửa. Trong hội nghị ấy, tuyệt đại đa số uỷ viên đứng về phía Ba Danh và Sáu, họ muốn có một vinh quang phương trượng hơn vinh quang của cuộc kháng chiến chống Pháp. Họ muốn có cuộc chiến tranh này. Đó là một đam mê, một đam mê bất khả kìm chế. Một cuộc tình định mệnh quyến rũ cả một dân tộc trong cơn cuồng si. Nỗi đam mê trở thành anh hùng còn hung dữ hơn nỗi đam mê nhục dục. Trong ngọn lửa thiêu đốt của dục vọng, không lý lẽ nào tồn tại. Vào thời điểm Sáu quyết định lấy biểu quyết cho cuộc chiến, anh Cả bỏ ra ngoài hành lang hút thuốc một mình. Ông ngồi lại trong phòng nhìn qua khuôn cửa sổ, thấy những cuộn khói bay lên không ngưng nghỉ. Tim ông đánh thì thụp trong lồng ngực. Một nỗi sợ hãi vô hình đè nặng tâm can. Một nỗi khắc khoải không tên làm cồn cào gan ruột. Một nỗi buồn mênh mông như mây xám quây bốn góc trời. Ông muốn đến sau lưng anh Cả mà không dám... Chính ông cũng không thể cắt nghĩa được sự hành vi hèn nhát của mình, dẫu rằng những người xung quanh đều nhìn ông như người anh hùng cuối cùng của thời đại.
« Có phải vì bản chất nhân loại là bầy đàn nên nó thường mất thăng bằng và cảm thấy bất an khi đứng chơ vơ một mình một bóng ? Phải chăng vì lý do này mà ta đã ngồi lại trong phòng họp cùng với đám đông ? »
« Không !...Ta đã ngồi lại trong phòng bởi ta không thể và không muốn làm bất cứ một cử chỉ cỏn con nào để an ủi anh Cả trước mắt mọi người. Sự khích lệ được bày biện hay sự đồng tình lộ liễu sẽ là điều tồi tệ nhất cho cả hai người. »
Phải rồi, chính là như vậy !
Có lẽ là như vậy ...
Không, chính xác là như vậy !
Đã tự khẳng định nhưng rồi bao nhiêu năm qua ông vẫn dằn vặt mình :
« Đáng lẽ ra ta phải ra đứng sau lưng ông cụ ...Đáng lẽ ra ta không nên để anh Cả đứng một thân một mình trơ trọi ngoài hành lang, vào thời khắc mà ông cụ nhìn thấy rõ ràng sự phản bội của lũ lưu manh kia ...Một sự phản bội giữa thanh thiên bạch nhật .... »
Ông nhớ rằng lúc đó, ông đã dán mắt vào khuôn cửa, nơi một phần tấm lưng của chủ tịch hiện lên cùng những vòng khói thuốc, trong khi cả óc não lẫn tâm hồn ông tê liệt. Ông hiểu từ nay con đường lịch sử sẽ quay chiều, rằng hình ảnh kia là biểu tượng tối hậu của nỗi cô đơn, của người anh hùng ngã ngựa, rằng từ nay số phận của tất cả mọi người cũng như của chính ông sẽ thay đổi cùng với sự ngã ngựa của con người cô đơn ấy. 
 
.....Lại một đoàn xe ầm ầm lao tới.
Lần này là đoàn pháo binh.
Những cỗ pháo hạ thấp nòng, nguỵ trang bằng vải dù và lá kết. Bụi trung du bám đỏ bánh xe lẫn khuôn mặt lính. Ông chờ cho đoàn pháo đi hết rồi mới thong thả qua bùng—binh, rẽ vào đường Quảng bá. Đã từ lâu ông không đi lại ngả đường này ...Một phần vì công việc bận rộn. Phần nữa vì muốn quên một nơi chốn rủi ro ...Nhưng hôm nay, đã thả bộ cho tới tận nơi đây, ông không thể quay về được nữa :
« Vì sao ta lại đặt chân lên đoạn đường oan nghiệt này ? »
« Chính vì nó oan nghiệt nên ta phải nhìn cho tường tận một lần nữa ? »
« Phải chăng cuộc cãi cọ với cô Vân khiến ta phải nhớ đến chuyện cũ. Hay chính vong hồn người đã khuất rủ rê ta quay lại chuyện trò ? »
Ông không biết nữa, nhưng bước chân dẫn ông theo con đường hẹp, hai bên la đà rặng ổi. Người ta đã trồng những rặng ổi này từ bao giờ, chẳng ai còn nhớ, nhưng những rặng ổi nơi đây rậm như rừng. Ổi chạy từ lề đường, trùm kín ta-luy, lan xuống mép những mảnh ruộng trồng hoa hoặc những ao thả rau muống bên dưới. Cây nọ sát cây kia, cành này chen cành khác, kết thành thứ thành luỹ xanh dày đặc, trưa hè nắng không chui lọt. Đây là hang ổ của những toán trộm chia của, dấu của. Nơi thanh toán những món nợ máu của giới giang hồ. Nơi dan díu của những cặp trai gái bất lương. Hoặc nơi hành nghề lý tưởng của những cô điếm bị công an xua đuổi. Những rặng ổi này nổi tiếng khắp thành phố vì những câu chuyện sởn gai ốc, những màn kịch thê thảm hoặc hài hước trong những tấn tuồng ái ân vụng trộm hoặc ghen tuông man rợ.
Phải chăng vì ấn tượng chúng gợi nên kích thích máu lưu đãng thời trai trẻ của Quốc Tuỳ khiến y đã chọn con đường này làm nơi hạ sát cô Xuân ?
Hay đặc tính bất lương tiêu biểu của nơi chốn đã gợi cho y mưu toan hạ nhục người đàn bà mà y giết hại ?
Hoặc chính vì đã bị người đàn bà xinh đẹp này từ khước nên ngoài việc giết hại cô theo chủ ý của Sáu, y còn mượn dịp trả món nợ của lòng tự ái bị tổn thương ?
Ông nhìn những rặng ổi chạy ngút ngát suốt quãng đường từ bùng – binh ngược lên phía tây bắc thành phố. Những rặng ổi phủ đầy bụi dường như cũng đang nhìn lại ông, kẻ lữ hành tóc trắng, với những con mắt lá.
Rồi một cơn gió ào tới đem hơi ẩm lạnh dù nắng vẫn tưng bừng khắp bốn góc trời. Ông rùng mình :
« Gió hay là khí âm của hồn ma người đẹp ? »
« Xuân ơi, tôi không bao giờ quên mối hận này. Còn sống ngày nào tôi sẽ còn chở che cho những đứa con của cô cùng anh Cả ...Hãy yên nghỉ nơi chín suối ....Nếu có khôn thiêng thì hãy phù trợ cho chúng tôi »
Có ai nức nở quanh đây.
Ông vội vã nhắm mắt. Nhưng những giọt lệ vẫn trào ra, lăn xuống hai gò má. Gương mặt ông dần ướt lạnh. Ông nghe tiếng chim hót từ những rặng ổi vang lên, mỗi lúc mỗi lảnh lót. Tiếng chim vọng miên man giữa một thành phố thưa dân và một miền quê thiếu người cầy ruộng. Tiếng chim. Sao chim hót nhiều đến thế trong những khoảnh khắc đau đớn tột cùng của cõi đời ? Ông nhớ lại tiếng chim ríu ran trong một rạng đông cũ, khi ông thảng thốt chạy qua khu vườn trước nhà để ra đường.
Buổi sáng kinh hoàng ấy, chưa đầy năm giờ rưỡi, chuông điện thoại đã réo. Ông mắt nhắm mắt mở bước xuống giường cầm máy. Một giọng ngàn ngạt, khàn khàn vang lên :
- Vũ ơi, cô Xuân chết rồi !...Trên đường Quảng Bá.
Ông chưa kịp hỏi, người bên kia đầu giây dập máy. Ông nghe rõ tiếng thở hổn hển, giọng nói run rẩy và méo mó của một người cố tình bịt mũi để nguỵ trang. Ông tỉnh ngủ tức khắc và hiểu mình phải làm gì. Vội vã gọi lái xe, thay quần áo, ông chạy ra cổng khi nghe tiếng máy khởi động trước ga-ra. Chính lúc đó, tiếng chim rạng đông khiến ông phải dừng lại. Không hiểu vì duyên cớ nào, nhưng vào thời khắc căng thẳng tột độ, thời khắc một trăm con tính ngổn ngang trong óc, ông lại chú ý đến tiếng chim. Dừng chân trước hai cánh cổng đã mở toang, ông ngẩng lên nhìn những vòm lá của đám sấu, đám mít trong vườn. Không tìm thấy một con chim nào trong cây lá. Trước mắt ông chỉ một khối diệp lục huyền bí và từ đó, điệu nhạc líu lô của chim chóc vang lên, như một nốt nhấn trong giai điệu cuộc đời, nó đem lại một màu sắc hoàn toàn tương phản với cảnh bi ai mà ông sắp phải đương đầu.

<< SONG TẤU (8) | SONG TẤU (10) >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 720

Return to top