Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Tiểu Thuyết >> HÀ NỘI - TÌNH NHÂN

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 33878 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

HÀ NỘI - TÌNH NHÂN
Nguyễn Hiếu

PHẦN V - Chương 9

Mặc dù đầu bà Vân và cả cơ thể của bà dường như có sự khó chịu nào đó khiến bà cảm thấy rõ ràng sức khoẻ của mình có vấn đề nhưng bà cố gượng dậy. Sau khi bà đọc đi đọc lại mấy lần lá thư bà viết cho bà Diễm vợ ông Long thì bà vẫn quyết định đi ra trạm bưu điện gần nhà để gửi lá thư. Xuống đến nhà dưới nhìn thấy chiếc máy tính của cái Lan con thứ ba của cậu Vũ làm tiếp viên hàng không đi sang Pháp về mua cho thằng Nam em nó thì bà Vân chợt mỉm cười. Nụ cười mỉm cũng nhanh chóng khép lại vì cái nhếch mép cũng làm đầu bà đau thắt. Thời đại này tiện lợi thật. Nghe con bé Lan bảo bây giờ mọi thứ dù xa xôi đến đâu người ta vẫn có thể gửi thư điện tử cho nhau. Người viết đến đâu ngưòi nhận đọc được ngay đến đấy. Đó là chưa kể ở cách xa nghìn trùng như vậy, nếu muốn người ta có thể vừa nhìn thấy nhau vừa nói chuyện. Hồi chồng con Lan học ở bên Mĩ, hai vợ chồng nó thường xuyên nhìn thấy nhau như thế. Tất nhiên những cách viết thư đó bà không thể dùng, không phải bà không có khả năng để học mà cái chính bây giờ bà còn thể viết cho ai. Lâu lắm rồi bà chẳng nghĩ gì đến thư từ, điện tín gì nữa. Những thứ này trở thành những thứ thừa đối với bà. Có bác Ngàn, chị em thúc bá, em gái của anh Lâm đang ở Mĩ, giá bây giờ còn liên hệ được thì cũng không thể chọn kiểu viết thư điện tử nghe ngay, trả lời ngay như thế bởi ngưòi già thì có chuyện gì, việc gì mà viết nhiều, nói nhiều thế. Tâm sự thì giỏi lắm nói hai ba câu cũng đã thấy đủ hết rồi. Thôi thì cứ lâu lâu mới nhận thư nhau có khi lại hay, bởi ở tuổi này có gì gấp gáp, có gì vội vàng đâu. Kể cả việc viết cho bà Diễm này cũng vậy. Theo cách này là hợp lý nhất. Vừa dễ nói, vừa tránh được nhiều điều ngại ngùng. Chả có kiểu viết thư này thì bưu điện người ta sản xuất tem để làm gì. Các hộp thư ngày càng to bằng sắt sơn xanh xẫm vẫn treo đầy ngoài đường phố kia kìa. Bà Vân lầm lũi đi ra ngoài trạm bưu điện. Cô nhân viên bưu điện mặt đang khó đăm đăm nhìn thấy bà cũng thốt lên:

Bà ơi. Bà bị ốm phải không? Cháu thấy mặt bà xanh lắm

Bà Vân lặng lẽ gật đầu. Trên môi cố nở nụ cười héo hắt như để cảm ơn sự để ý của cô nhân viên. Thấy bà bỏ xong lá thứ bà ngồi xuống chiếc ghế chờ thì cô nhân viên dường như tan hết mọi sự khó chịu vô lý buổi sáng nói liên hồi với bà. Cô ta bảo bà nên về nhà bây giờ để. à quên cũng chẳng cần đâu bà ạ. Bây giờ lại còn ra chợ mua lá xông về đun nước thì lâu lắm. Bà cứ vào hiệu bỏ ra mấy đồng mua vé rồi vào phòng xông một chập là khỏi thôi. Mà các cháu bà đâu lại để bà tự đi bỏ thư thế này… Bà Vân gật gật đầu môi đọng nụ cười mệt mỏi cảm ơn khẽ cô nhân viên rồi đi về. Mãi gần mười giờ sáng hôm đó bà mới về đến nhà. Bà đi thẳng lên phòng và cơn sốt từ đâu ập đến. Vợ chồng cậu Vũ và cả vợ chồng con Liên, con Lý đều nhất loạt ào lên hỏi han và mang thuốc cho bà uống nhưng dường như bệnh không giảm đi mà lại có chiều hướng tăng lên. Quá ba giờ chiều hôm đó thì cậu Vũ gọi xe đưa chị vào bệnh. Trận ốm này cách trận ốm mà ông Long vào thăm bà ở đầu cuốn sách này đâu như hơn hai năm thì phải. Bệnh viện bà nằm cũng khác. Dạo này Hà nội được một điều là nằm tiêu chuẩn để hưởng mọi tiêu chuẩn thì khó khăn nhưng nằm dịch vụ thì tha hồ kén chọn. Cậu Vũ phần vì thương chị phần tính cậu cũng thích khoe khoang. Từ hồi bước sang tuổi sáu mươi, dường như cậu thích nói hơn. Một phần thì nhà cậu đã thoát ra khỏi mọi khó khăn về nỗi lo bữa sáng, bữa tối khi trong nhà dân số ngày càng gia tăng. Không kể ngưòi chị ở vậy, không lập gia đình đến những đứa con gái liên tục ra đời để đánh dấu sự truy tìm bằng được thằng con trai nối dõi dòng họ của bố chúng. Bình thì không sao nhưng mỗi khi đưa vợ vào bệnh viện, hay hồi hộp nghe thông báo của nhân viên đỡ đẻ nhiều lần ngập ngừng cất giọng"con anh chị là con gái"ông Vũ lại nhớ rành rọt từng tiếng của người anh trai phút lâm chung "bố mẹ chỉ có hai anh em, nay chẳng may CHúa gọi anh về sớm bên Người thì việc lớn nhất của chú là làm sao có đứa để… ". Khi Đinh thằng con trai thứ nhất sau năm đứa con gái chẳng may qua đời vì căn bệnh chẳng đâu vào đâu thì đến thằng bé thứ hai ông đặt tên là Hoài Nam để ghi nhớ cố gắng không mệt mỏi của vợ chồng ông. Khi Hoài Nam đã vượt qua tuổi 20 cũng là lúc ông Vũ quá tuổi sáu mươi. Từ dạo đến tuổi sáu mươi, động nói đến việc gì ông đều không tiếc lời ca ngợi sự qui chuẩn và văn minh của ngưòi Pháp, chê bai sự xộc xệch, tuỳ tiện của chính quyền ta, của mọi thứ do ngưòi Việt ta làm nên, đang điều hành. Có lẽ ở Hà nội này nói riêng và của cả cái xứ Việt nói chung chỉ có ông mới có sự thông minh, biết nguỵ biến tùng quyền mà ông thừa hưởng ở bố ông một chủ xưởng nhu mì và của bác ông một vị thầu khoán mạnh tay và quyết đoán. Nói đến đấy ông lại luôn luôn nửa úp nửa mở tiếc cho ông anh thúc bá với ông là ông Lâm, một viên thiếu tá công an khi về hưu nhưng thực ra là một trong những thành viên từng góp phần khai sáng ra đội trinh sát quận Lãng bạc tức là tên cũ của thành Hà nội từ khi Việt minh cướp chính quyền vào năm 45. Nói dài dòng thế để mọi người hiểu rằng khi tuổi già đến ông Vũ luôn muốn công khai để mọi ngưòi khu phố và cả những ngưòi kí kết hợp đồng với cơ sở sản xuất của ông hay những người gặp ông kể cả gặp lần đầu tiên cũng cần hiểu rằng gia đình ông là gia đình thuần tuý ngưòi Hà nội với những phẩm chất cao quí của ngưòi Hà Thành. Thời nào cũng có công lao và thời nào cũng được trọng vọng. Còn những ngưòi tự nhận là người Hà nội sau này đều là thứ dân quê ở các vùng tỉnh lẻ nhờ thời thế mà đến làm việc hoặc vì nhiều lý do mà trôi dạt và kiếm sống ở nơi đây. Ai đó muốn biết rõ nhận định của ông xin cứ thử nói chuyện với họ thì sẽ nhận ra ngay sự quê, sự dở của người Hà nội lắp ghép sẽ hiện ra như thế nào. Ngay cả việc nhà ông theo đạo cũng là thứ đạo gốc của dân Phùng khoang chứ không phải loại đạo theo voi ăn bã mía vớ vẩn, a dua… Chỉ tiếc chị Vân người chị gái duy nhất còn lại của ông có cuộc sống hơi dị thường. Bà nhất quyết không thành lập gia đình để theo đuổi một mối tình với anh Long bạn thân của anh Phong một thời, ngưòi cũng anh Phong trốn lính rồi trở thành ngưòi đàn ông vô tình gắn với chị Vân, với gia đình ông một cách hờ hững mà cũng thật bền chặt. Ngưòi đàn ông mà dạo còn bé ông Vũ ít nhiều cũng được ông Long bù trì, dậy bảo, xin học và bảo ban với tư cách nửa của anh trai nửa như người anh rể. Nhưng thôi Chúa đã xếp đặt như thế nào thì làm thân phận chiên con phải chấp nhận như thế. Chỉ có điều dù sao nhà mình càng ngày càng trở về cốt lõi của nó, trong cách ăn ở, chi tiêu của ngưòi Hà nội. Kể ra hơi tiếc nếu như hai đứa con rể thứ nhất, thứ ba nếu thuần nhất là ngưòi ở phố nọ phố kia hay ít ra là ngưòi ngoại thành thì thật là mĩ mãn… Nhưng thôi thời buổi nào phải chịu thế thôi nghe. Còn riêng bà chị thì đã ốm đau thì vào nhà thương. Đấy già rồi những tiếng của ngày xưa tưởng đã lãng quên tận đẩu tận đâu vậy mà về già nó lại đột ngột trở lại. Nhà thương bây giờ gọi là bệnh viện. Đúng rồi phải đưa bà chị vào bệnh viện. Tốn phí thế nào cũng không sao. Chị khổ một đời, cô độc một đời. Nhà mình chỉ còn một chị một em. Chị buồn thì em làm sao vui được. Chị đau thì em có lẽ nào lại sung sướng, thanh thản. Ep mãi chị mới đành chấp nhận để vào bệnh viện. Lúc dặn dò chu đáo con Lan trong đợt nghỉ thay ca để chuyển sang tuyến bay ngắn hơn vì đề nghị của chồng nó ông thấy bà chị ông mấy lần mấp máy môi bảo ông đến gần. Khi nắm bàn tay nóng rực của ngưòi chị gái, ông Vũ thấy đôi môi bà chị mấp máy. Ông em ghé lại thật gần đến lúc cảm thấy như có làn hơi ấm nóng y hệt của nồi cơm đang xôi phả vào mặt, ông ngớ người ra không hiểu bà chị ông định nói gì. Mãi cho đến lần thứ hai cố dỏng tai nghe từng lời, ông mới nghe thấu câu chị gái ông thều thào bảo:

- Dù thế nào cậu cũng không được nói cho ông Long biết tôi nằm ở bệnh viện nào. Nhớ chưa? Đừng để tôi vì chuyện này mà phải ốm thêm, mệt lắm.

Việc gì phải làm thế ạ?

Ông Vũ khoanh tay lại lễ phép mà theo như ông cho rằng làm như vậy mới đúng lễ nghĩa của ngưòi Hà nội cổ

Chị dặn cậu thế nào cứ thế mà làm.

Ngưòi em trai gật gật đầu làm mái tóc dài đã bạc quá nửa rung rung

Ba ngày hôm sao vào lúc buổi chiều sau khi tắm xong, ông Vũ đang ngồi đọc tờ thể thao chờ vợ dọn cơm thì có tiếng xe máy tắt ngay trước cửa nhà rồi tiếng chào trầm đục có thoáng khàn khàn cùng tiếng chân giầy bước lên bậc nhà:

Cậu ăn cơm chưa mà có vẻ nhàn dỗi thế?

Em đang chờ nhà em xào nốt món rau

Như thường lệ, với thói quen của ngưòi quen biết lâu ngày, ông Long đi thẳng vào nhà chìa bao thuốc ba số, miệng hỏi vẻ thờ ơ như tiện thể thì hỏi

Chị Vân đâu rồi cậu?

Em chịu

Hôm nay chị vẫn ăn cơm nhà đấy chứ.

Vợ Vũ ở trong nhanh nhẩu nói vọng ra

- Mấy hôm nay chị em vào bệnh viện rồi. Anh chưa nhận được tin gì sao?

- Thế chị bị bệnh gì? Nằm ở bệnh viện nào. Sao cậu không gọi điện báo cho anh biết? Cậu thật là…

Chị em dặn đi dặn lại là không thể nói cho anh biết được.

- Trời ạ. Đúng là già rồi nên trái tính, trái nết đây. Cậu nói ngay đi, chị đang nằm ở đâu?

Em đã nói rồi. Chị đã dặn thế em không thể trái lời

Thế còn mợ?

Nhà em đã nói thế thì em cũng chịu

Vợ Vũ từ chối cùng với nụ cười mỉm

Cậu mợ không nói thật à. Thật đúng là…

- Vâng. Anh hiểu cho. Làm thế nào được. Chị em đã dặn rồi. Nói chung bọn em phải làm đúng lời chị thôi. Người Hà nội gốc bao giờ cũng tôn trọng lời hứa. Đối với người ốm lại càng phải giữ gìn không có ảnh hưởng đến sức khoẻ lắm. Thôi em dọn cơm lên. Anh chưa ăn thì dùng cơm luôn với vợ chồng nhà em. Mẹ nó gọi to xem Hoài nam nó đâu về ăn cùng với bác

- Thôi, thôi. Cậu mợ cứ tự nhiên đi… Nếu quả như thế thì… Được rồi. Được rồi. Tôi sẽ có cách có cách

Miệng ông Long nói chân ông bước đi. Chỉ một thoáng sau, tiếng chiếc xe Spaysee đã vang lên êm êm

- Bác Vân dặn thế nhưng ốm đau thế này biết đâu bác ấy lại muốn gặp bác Long thì sao. Muốn gì thì gì thì hai bác ấy cũng là…

- Là gì, là gì… Thôi, thôi dọn cơm đi. Gọi Hoài Nam về cho nó ăn cho đúng bữa. Chị Vân làm thế là đúng chứ không sai đâu. Về già bác ấy mới thấm lời Chúa dậy. Mới xử xự đúng cách của ngưòi Hà nội. Gì thì gì cũng phải tôn trọng cái riêng tư của con ngưòi cho dù là chị em ruột thịt. Mẹ Nam hiểu chưa? Không có đức tính ấy con ngươì ta lộn xộn, tuỳ tiện, bừa bãi lắm mà từ cái lộn xộn, bừa bãi còn sinh ra khối thứ chứ không phải đùa đâu. Trước đây ngưòi Hà nội gốc với ngưòi Hà nội lắp ghép ở chung với nhau nên sinh ra nhiều cái lình xình chính là vậy đấy. Mẹ Nam hiểu chưa?

<< PHẦN V - Chương 8 | PHẦN V - Chương 10 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 755

Return to top