Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Tiểu Thuyết >> HÀ NỘI - TÌNH NHÂN

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 33919 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

HÀ NỘI - TÌNH NHÂN
Nguyễn Hiếu

PHẦN IV - Chương 8

   Trong hơn nửa tháng trời đó Vân không thể biết rằng Long bức bối buồn bực như thế nào. Nhìn bề ngòai chẳng mấy ai biết được những sự lấn bấn đang diễn ra trong lòng anh. Long vẫn đều đặn, sáng sáng đến trụ sở hợp tác xã. Ngồi vào bàn làm việc, tay hết mở sổ công điểm lại mở sang sổ ghi số lượng tiền nong, vật tư và cả những gì thuộc về công nợ. Mắt anh mở to nhìn chăm chú vào các trang giấy nhưng thực ra anh không hiểu rõ những gì in trên dòng chữ ghi rành rành trên giấy. Chính vì thế nên có buổi lưng lửng sáng, ông Viện chủ nhiệm hợp tác xã bất ngờ hỏi anh số vật tư còn lại của một khách hàng quen thuộc mà Long trả lời sai làm ông Viện trố mắt ra kinh ngạc.
Cậu làm sao thế?
- Có chuyện gì đâu., à đúng rồi. Tôi dở nhầm sang trang ghi vật tư mới mua về tuần trước. Thành thử… Đây, đây. Đây mới là con số chính xác.
- Cẩn thận đấy. Những gì dính dáng đến tiền nong, sắt thép, nguyên liệu là không đùa được đâu. Lỗ lãi của hợp tác cũng từ đấy mà ra chứ không bỡn được. Cậu nhầm thì chả cứ cậu chết mà hàng mấy trăm người của hợp tác này cũng treo niêu.
Tôi hiểu, tôi hiểu.
Miệng nói như vậy nhưng Long cảm thấy vui vui vì anh tính đến buổi trưa này anh sẽ nghĩ ra cách báo cáo chủ nhiệm Viện để chiều nay anh không phải đến hợp tác xã nữa. Còn hơn tiếng nữa sẽ đến giờ nghỉ trưa. Anh sẽ đến chỗ Linh, một cậu bạn học cùng với anh từ hồi nhỏ. Tình cờ cuối tuần trước trong lần xếp hàng mua bia ở đầu phố Tôn đản Long gặp anh ta. Anh chàng Linh hình như kém anh một, hai tuổi. Vậy mà anh ta vẫn chưa lấy vợ thì phải. Đúng rồi. Long nhớ ra. Hồi đi học, Linh nổi tiếng chẳng cứ ở lớp của Long mà cả trường vì sự hâm hâm, ngang ngang mà bạn bè đều gọi là nghệ sĩ. Ngay cả bây giờ, mặc dù vóc dáng hơi thấp nhưng mái tóc dường như lâu lắm quên mọi việc dính dáng đến dao kéo. Nó bù xù, xoăn tít y hệt như tóc một người phụ nữ trễ nải, chán chường trong chải, vuốt. Một chiếc xe đạp có vóc dáng trung bình dị thường hình như của một hàng binh Pháp nào đó từ lâu lắm bị quên lãng nơi xứ sở này. Trông Linh ngổn nghển đạp xe trên đường, mái tóc dài, rậm rạp lắc lư theo guồng chân đạp và tiếng cót két của loại xích khô dầu khiến anh chàng như một biểu tượng của một cuộc đời khốn khó đang ì ạch đi qua nhân thế. ấy vâỵ mà sau lần uống rượu đó, khi nghe thấy tiếng kêu khốn khổ này Long có hỏi thì Linh nhún vai yểu điệu, đôi môi mỏng nở ra mấp máy bảo "hôm nay còn có ông đi cùng, chứ nhiều lúc không có ai, tiếng cót két ấy làm mình đỡ cô đơn, vì tiếng động đó khiến cho mình cảm thẩy dường như có kẻ chuyện trò bên cạnh. Xe của ông trơn tru thế kia chắc không bao giờ có được tiếng ấy đâu". Đang đi trên đường, nghĩ đến câu nói của ngưòi bạn học cũ, tự nhiên Long thấy có vẻ đúng. Nhà anh ta ngay phố Đường Thành, chỗ ngã ba nối với Lý nam đế. Thấy bảo Linh cũng là dân chạy vật tư cho nhà máy dệt 8/3. Theo cách nhìn của Long thì bất kì một người chạy vật tư nào cũng có cuộc sống dư dật bởi nhiều nhẽ mà sau nhiều năm tháng làm việc ở hợp tác xã cơ khí Hùng Tráng này Long nhận ra. Như tay Lân vật tư ở hợp tác xã của Long đấy. Anh chàng này ở bộ đội về, học hành cũng tay ngang. Đâu như đang dang dở cấp ba, một chút kiến thức về vật tư không có vậy mà… Nếu không phải anh em thúc bá với chủ nhiệm Viện thì chắc gì anh chàng được vào uỷ viên hội đồng ban chủ nhiệm giữ chân tốt nhất và có khả năng kiếm chác đồng ra đồng vào nhất là trưởng ban vật tư của hợp tác. Mới chưa đầy một chục năm ở vị trí ấy vóc dáng và cả cuộc đời của anh chàng khác hẳn. Khi về hom hem, cọc cạch trên chiếc xe đạp trâu trung quốc, vậy mà ba bốn năm nay, anh chàng phục phịch nghễu nghện trên chiếc véc pa Stăng đa màu ghi. Vừa rồi nghe phong thanh anh em lâu năm và ít nhiều có vai vế trong hợp tác xã kháo nhau. Chỉ nguyên vụ mua các thứ máy móc tồn đọng và các loại vật tư phế liệu cho hợp tác xã về sản xuất may ơ xe đạp ghép đồng anh ta cũng kiếm được ít nhất hàng trăm nghìn. Đấy là chưa kể Lân còn khai thác được bạn bè trong thời gian cùng quân ngũ với anh ta trong chuyện mua bán xe, máy hỏng trong quân đội nữa chứ. Làm ăn phát đạt như thế thảo nào. Vài năm nay anh ta béo trắng ra, mồm lúc nào cũng cắm điều thuốc có cán lệch bên môi. Giọng nói oang oang toàn một mầu nói về những điều của một cuộc sống trên tiền. Đại để "ối dào cần cái quái gì. Các ông cứ kêu cha ấy khó. Cứ để tay ấy cho tôi. Giỏi lắm quẳng ra ba chục nghìn thì rắn đến mấy cũng mềm nhũn chi chi, bảo gì chả nghe". "Tưởng thế nào. Thằng ấy quen ăn rồi. Chai rượu tây lùn căng lắm là hai, ba chục, lót tay thêm cái phong bì cũng xêm xêm là ổn, chứ quái gì:… Riêng tiếng cười mới lạ. Gần chục năm trước dù vui đến đâu cũng chỉ thấy anh chàng nhếch mép, cùng lắm là mở hé miệng để lọt ra vài tiếng"hì, hì "đứt đoạn. Còn vài năm nay chuyện chẳng có gì có thể gây ra sự vui vẻ thì anh chàng vẫn mở hoác miệng, để phát ra từng chuỗi cười hô hố ra điều thoải mái, bất cần. Ông chủ nhiệm Viện thì luôn mồm khen sự tháo vát của Lân. Kẻ làm vật tư một hợp tác nhỏ còn như thế, huống hồ đây là anh chàng Linh chạy vật tư lại làm ở xí nghiệp quốc doanh hẳn hoi thì chắc cũng không thể xem thường được. Nhìn bề ngoài anh ta khi ở trên đường, ngưòi ta dễ nghĩ đến một tay có máu nghệ sĩ. Mà cái giống nghệ sĩ thì có mấy khi để ý đến hình thức của mình. Mấy lần gặp Linh, thì Long lại cho rằng, anh chàng này mới là kẻ thông minh, lõi đời muốn dấu mọi sự thành đạt, có của của mình dưới vỏ bề ngòai xuềnh xòang, chất nghệ để tránh mọi điều tiếng, dị nghị của thiên hạ và cả sự ghen tuông, tức tối của đồng nghiệp, những ngưòi xung quanh. Vậy mà khi đến nhà anh chàng này, Long hoàn toàn ngỡ ngàng. Đó là một căn phòng nhỏ nằm ở góc một khoảng sân của gia đình. Bố mẹ và cả những cặp vợ chồng anh em của Linh ở tản mát trong các căn phòng bố trí ở gác hai và tầng trệt. Căn phòng của anh chàng Linh là chỗ gẩy ra, làm thêm ở một góc sân, nơi kề ngay cạnh hố tiểu chung. Trên nóc chỗ gẩy thêm đó lợp bằng tôn, có phủ lộn xộn vài mảnh tải rách, mấy chiếc lốp cũ. Cảm giác đầu tiên của bất kì ai bước vào cũng dễ thấy một sự nhếch nhác, tạm bợ, nhỏ bé. ở đó có điều gì giống như một nhà kho bị bỏ quên lâu ngày. Những giá vẽ còn nguyên những bức tranh dang dở, bên cạnh những giá ghim những tờ giấy cũ kĩ đã ngả mầu, quăn queo ghi loằng ngoằng những bản nhạc. Vài ba chiếc đàn ghi ta, măng đô lin để ngổn ngang trên chiếc giường một, chiếc bàn và cả chiếc ghế tựa có một chân được nối bằng một đoạn sắt hình như nguyên thuỷ là một đoạn khung xe đạp cũ. Khi Long đến thì thấy một cô bé mặt tròn xoe rất khó đoán tuổi đang rầu rĩ ngồi ôm cây đàn ghi ta chốc chốc buông ra một hợp âm lẻ rè bởi chiếc hộp đàn đã được khâu khá tỉ mỉ và kĩ lưỡng bằng sợi dây thép chắc bởi tay của một người cẩn thận và nhiều thời gian. Còn chính Linh mặc quần đùi cháo lòng, hai chân đầy lông vắt chéo vào nhau đang khe khẽ đập theo nhịp đàn của cô bé mặc dù đang quay mặt vào trong bức tường dán đầy chân dung thiếu nữ và chàng trai cắt từ hoạ báo Liên xô. Vừa thấy Long vào cô bé giật mình, mồm nhuệch ra như hơi mếu nhưng ngay lập tức đôi môi mỏng nhuềnh oọng để phát ra cầu chào khiến Long chỉ thiếu một chút là bật cười "cháu chào ông". Sau lời chào chiếu lệ cô bé lại lập tức cúi đầu xuống chăm chú nhìn vào cần đàn dường như không có chuyện gì xẩy ra. Tiếng chào của cô bé làm Linh choàng dậy. Anh chàng ngẩng đầu lên, đôi mắt lá răm nheo nheo. Khi nhận ra Long, Linh "à "to một tiếng, bật dậy. Bàn tay có hai móng tay út và ngón tay chỏ dài, cong vắt chìa ra:
- Chà chà. Đại ca đến tệ xá của đệ mà không báo trước thành thử thất lễ thất lễ quá.
Không sao, không sao.
Long miệng đáp, mắt đảo quanh lúng túng tìm chỗ ngồi. Lúc đó Linh đã đứng dậy, tay với chiếc quần dài quăn queo vắt chỗ tựa ghế, tay xua xua bảo cô học trò:
- Hôm nay thế là được rồi. Về đi, ngày kia đến. Sáng ngày kia nhớ không đừng để bố cháu phải nhắc. Muốn thành nghệ sĩ thì phải chăm chỉ mới thành tài được.
Cô bé vâng lí nhí trong cổ họng, rồi nhanh nhẹn ôm đàn lủi thật nhanh ra khỏi cửa. Linh vừa nhìn theo, vừa đưa tay nói như giải thích.
- Con cậu bạn rất thân từ hồi học phổ thông. Đệ nhận ra năng khiếu của con bé nên bảo bố nó đưa đến dậy vào những giờ rỗi. Con bé sáng dạ lắm. Mới chưa đầy hai tháng đã chơi được têlêmônô. Ngay nghệ sĩ chuyên ghi ta mà để chơi được ngón ấy bét nhất cũng phải một năm là ít. Đại ca ngồi đi. Ghế đấy, hay ngồi đại lên giường này. Chờ đệ hai phút, sẽ có bất ngờ, thực sự đột ngột đấy.
Long chưa kịp hiểu người bạn học cũ nói gì thì loáng một cái Linh đã vụt ra cửa, rồi chỉ độ thời gian cho đứa trẻ ăn hết nửa que kem thì đã thấy anh ta đi vào tay xách chai rượu nút lá chuối, tay xách bọc lá chuối loáng mỡ. Bằng một động tác thành thạo, gọn gàng có lẽ đã được làm hàng trăm lần, Linh dùng khuỷ tay gạt thật nhanh những thứ không rõ tên bừa bộn, lộn xộn trên giường, rồi đặt hai thứ xuống. Một mảnh báo Lao động cũ và rách lỡm xờm đặt lên mặt chiếu. Đầu Linh ngoẹo đi, hai mắt nhìn sói xuống rồi ngẩng lên thật nhanh nháy Long, đôi môi mỏng bĩu lậi cong lên, để xì ra câu tự khen:
- Được chưa đại ca?. Thế là ta có thể uống rượu đến mai. Phải nói lòng của thằng cha này nhất Hà nội. Đệ đã đi uống cả ba mươi sáu phố phường và năm cửa ô nhưng chưa thấy lòng ở đâu ngon như ở quán lão gù này. Xin mời. Xin mời đại ca an toạ cho. ở chỗ đại ca còn có vợ con xách nhiễu chứ chỗ đệ thì tự do muôn năm. Muốn làm gì cứ việc. Chả ai cấm đoán dòm dỏ bình luận gì hết. Nào nào
Long vừa định ngồi xuống theo tay Linh chỉ thì anh chàng lại quay ngoắt ra, mồm liu ríu giống như một sự ân hận khá kiểu cách:
- Thôi chết, thôi chết còn món quan trọng nữa. Thiếu nó thì đến lòng thiên nga cũng không thể bằng lòng giun. Đại ca ạ
Lại như lần trước. Linh quay đi thật nhanh rồi cũng bằng quãng thời gian như trước anh ta ào vào như gió. Vạt áo phấp phới. Trên hai tay bung bênh bên thì một bọc lá chuối khô buộc lạt, bên thì để hở ra những những cọng lá húng xanh mướt.
- Bây giờ thì ổn rồi. Đại ca yên vị để em hầu thật chu đáo.
Thế là sau mấy tiếng lạch xạch hình như ở góc nhà, ba chiếc bát, hai đôi đũa hiện ra cùng hai cái chén tống đặt trên giường. Chai rượu nhanh chóng nghiêng nghiêng. Lập tức Linh cầm nhanh một chén đưa cho Long, rồi tự tay anh ta cũng nâng lên một chén:
- Chúc mừng đại ca. Chúc đại ca luôn luôn vui vẻ, trẻ trung. Nào nào, đại ca cứ chạm môi xem đệ đảm bảo đại ca mê món quốc lủi này ngay. Tửu này đệ nhất Hà thành đấy.
Vị rượu tê tê đầu môi và toả ra thứ mùi thơm nồng của thứ nước uống quyến rũ, nhất là đối đám đàn ông rỗi rãi, đang có nhiều nỗi băn khoăn nào đó trước cuộc đời. Long bất giác gật gật, buột miệng"được được"
Ngay lập tức tiếng khen của anh như động lực khơi mào khiến Linh đang cúi xuống gắp miếng dạ dầy ngẩng phắt đầu lên:
- Đại ca thấy chưa? Cái gì thì không dám nói. Cao sang đâu thì chịu chứ riêng cái món này có kinh nghiệm lắm. Nên có khách đến có phải cầu kì đi xa gì đâu. Đại ca mục kích đấy. Chưa đầy mười lăm phút mọi thứ đã đầy đủ. Ngay những chỗ hàng quán sang trọng, đầy đủ như dẫy hàng lòng ở đầu cửa Nam chỗ có đường ray xe lửa cũng không bằng. Đây đại ca thử cầm cành lá húng này, xem thật cẩn thận rồi ăn đi. Húng thơm của chính làng Láng. Thứ húng chỉ hợp với ăn lòng thôi. Còn húng chó lại hoàn toàn khác. Hôm nào em đưa đại ca đến hàng thịt chó siêu đẳng còn trên tài cả hàng Lược. Đại ca sẽ dứt khoát phải công nhận
Đúng đúng. Long gật gù, chén rượu vơi đi một chút.
- Nào mời đại ca. Rượu thì không thiếu nhưng đã uống để đạt lấy sự khoái thì phải một là có bạn tri cốt, nói nửa câu ngưòi nghe đã hiểu, hai là bạn phải am tường nghệ thuật ẩm thực. Ăn uống thế nó mới sướng. Mời đại ca cạn chén mừng sự tái ngộ của của huynh đệ chúng ta
Hai chén sau khi chạm vào nhau để bật ra tiếng "cạch"nhẹ, khô liền dốc tuột vào miệng hai gã đàn ông để rồi hai đít chén dốc ngược thật thà. Đến lần chạm hình như thứ năm hay thứ sáu không biết thì Long đã cảm thấy một nỗi buồn tự nhiên từ đâu dâng đến. Mái tóc vừa rủ xuống thì bàn tay cầm chén rượu đã cạn lại phẩy lên. Anh đang mường tượng đến cảnh Vân đang ngồi sau xe của gã giám đốc hình như tên là Thành đâu như ở trên Bắc ninh thì phải. Chẳng biết đối với tay Thành giám đốc ấy lòng dạ Vân thế nào nhưng xem ra từ cậu Vũ cho đến bà hai Tuy đều có vẻ trọng vọng, yêu chiều hắn ta và muốn vun vào cho Vân lắm. Nếu đúng thế thì…
Cậu thế mà sướng.
- Đại ca cứ nói thế. Số của đệ cứ phải là khươm năm cũng không thể bén gót được đàn anh. Đại ca có gia đình, vợ con đề huề. Với đệ thì tất cả đều dang dở.
Nhưng bù lại ông lại được cái tự do chả phải lo nghĩ, dầy vò gì
- ấy ấy. Khoản tự do thì đệ công nhận nhưng bảo đệ không bị dầy vò, lo nghĩ, băn khoăn thì… kể cả đau khổ thì đại ca hơi nhầm rồi đấy. Chính đệ chính thằng em đây này. Ai cũng nghĩ tưởng như không gia đình, không vợ con thì thanh thản lòng dạ, tim gan. Ai ngờ đệ thế này mà mệt mỏi lắm, sầu não lắm. Thôi uống đi. Hết cái gì đệ lại mua thêm cái ấy. Mấy khi đệ và huynh hội ngộ. Nào xin mời xin mời. Nẫu ruột lắm đại ca ơi.
Cái chén giơ ra thẳng băng trước mặt Linh nhưng có lẽ bởi những lời ca thán mềm nhũn đầy chất cải lương của Linh nên Long giơ chén rượu đã cạn của mình ra chạm khẽ vào chén của bạn ẩm thực.
- Nhưng ông làm sao? Ai làm ông sầu não như vậy. Hay là tại cái món này. Long chỉ tay vò cái chai rượu gần cạn đáy.
- Không. Không. Thế là đại ca chưa hiểu em rồi. Sự đau khổ của em có lẽ cả Hà thành này chưa có ai mắc phải đâu. Nó lạ lùng mà cũng quen thuộc lắm. Những người đã yên ổn bề gia thất như đại ca không thể hiểu được đâu.
Thế kia à. Nhưng vì món gì cơ chứ. Liệu tôi có giúp được không?
- Không không. Đệ đau khổ. Đệ buồn bực. Nhiều đêm đệ mất ngủ chỉ vì cái món ấy. Nào, ta cạn đã rồi em sẽ kể cho huynh nghe. Chung qui cũng chỉ bởi món tình ái.
- Tình ái.
Long vừa đưa chén ra để cụng vào chén của Linh vừa nhắc lại như một cái máy.
- Chứ còn sao nữa. Huynh cứ thử ngẫm xem trên đời này có cái gì làm cho con ngưòi ta bị day dứt, bị dày vò, bị khốn nạn như cái món ấy. Vâng vâng. Nó vô hình nhưng lại luôn luôn nặng nề như đá đeo vào lòng vào dạ. Nó vô hình mà lúc nào cũng hiển hiện ra khiến thằng mù cũng không thể không trông thấy. Huống hồ hai mắt đệ thô lố như thế này
Linh vừa nói vừa gật gù. Đôi môi nhợt đi vì rượu run run, cả khuôn mặt xạm đi.
- Huynh cứ uống, cứ ăn thoải mái, không phải lo lắng gì cả. Hết rượu có rượu, hết mồi có mồi. Làm ăn hợp tác, hợp tếc như huynh thế mà sướng đấy. Hơn hẳn em đấy. Quốc doanh, quốc diệc. Toàn thứ có danh mà chẳng có cái thực chi chi hết. Nhưng thôi mặc mẹ hai thứ đó. Huynh cứ cạn, cạn rồi em kể cho huynh nghe. Nàng đã làm đời đệ dang dở, vất vả như thế nào huynh có biết không. Gừ, gừ…
Chương chín
Mấy lần Long liếc sang nhưng vẫn thấy ngưòi bạn đối ẩm với mình lặng lẽ với khuôn mặt u sầu cố tạo. Những chuỗi thở dài chốc chốc lại vang lên đứt đoạn. Trên gò má sần sùi của anh chàng lặng lẽ hai giọt nước mắt chảy từ từ. Anh chàng Linh kéo vạt áo sơ mi lên chùi nhanh rồi rên rỉ
- Huynh chưa biết hết đời em đâu. Đời đệ khổ lắm, cực lắm. Nhiều khi đệ chỉ muốn thời gian quay lại vào cái thời anh em mình học với nhau ở trường phổ thông ba A. Lúc ấy chả phải lo nghĩ gì cả. Cơm ăn, áo mặc đã có bố mẹ lo. Bài vở thì chả biết chỗ huynh thế nào chứ chỗ đệ thì cứ phân công nhau thằng nào thạo môn nào thì làm bài tập môn ý, rồi cả nhóm cùng chép. Còn bây giờ…
- Thời nào chả có cái khổ riêng.
Long nóng ruột bởi cái giọng say lê thê của Linh.
- Không. Không. Bây giờ đệ mới thực sự thấy thế nào là khổ, thế nào là thằng con trai yêu mà không được tự do yêu. Giá như hồi ấy. Đệ gật đầu lấy con người bạn của ông già ở Pháp về thì có lẽ bây giờ đệ đã đang uống rượu ở bên bờ sông Sen rồi chứ không phải đang khốn khổ như thế này. Thế mà đầu óc, quỉ thần run rủi thế nào đệ lại từ chối, không ưng ý. Je vous de merci.
Ông vẫn nhớ tiếng Pháp đấy à?
ối giời. Nó nằm sâu trong dạ, thỉnh thoảng lại bật ra thôi
Linh giơ cao chén tống hua hua trên đâu, giọng thấp và dè hẳn
Đúng là số phận huynh ạ. Mà đã là số phận thì ai mà tránh được
Nhưng còn cái cô làm cậu đau khổ như thế giờ ở đâu?
- ở ngay đầu đường Yên phụ chứ có xa xôi gì. Chỉ cần chưa đầy mười phút đạp xe là có thể nhìn thấy nàng. Vậy mà vẫn bị ngăn cách, vẫn phải len lén gặp thầm, không dám công khai mặc dù tôi và nàng đều là những người chẳng có tội lỗi gì trước pháp luật mà chỉ là hai người yêu nhau.
Thế cô ấy có chồng rồi hay sao? Long bắt đầu thấy tò mò
Không. Mới bước vào tuổi mười tám được ba hôm nay.
- Mười tám tuổi. Vậy thì so với ông thì tuổi tác chênh lệch quá còn gì `Long cầm lên một cọng rau húng nhìn chăm chú vào mầu xanh của hành, có pha một chút mỡ bóng loáng.
- Huynh trông thế mà cổ lỗ quá. Tình yêu trai gái là không có qui luật, giới hạn nào hết. Thế mới là tình yêu chân chính.
Thế cô ấy có yêu ông không?
- Quá yêu. Huynh có tin là bây giờ hai anh em mình lên Yên Phụ, đệ chỉ cần đi lướt qua nhà, rồi huýt sáo một cái là nàng sẽ ra ngay không
Mê say nhau đến thế mà sao lại khốn khổ thế?
- Huynh cạn ly này đi rồi thằng em này sẽ kể đầu đuôi cho huynh nghe
Sau tiếng "cạch"khô xác. Linh rót liền hai cốc rượu khá đầy rồi đặt xuống chiếu. Một chuỗi thở dài lại bật ra từ đôi môi nhờn mỡ, tái xám run run
Duyên do là thế này. Nàng tên là Mận.
Chà chà tên nghe đã thấy sự ngọt ngào rồi. Long gật gù
- Mẹ nàng làm cùng trong ca thợ dệt với chị đệ mà đệ thì cũng ở trong nhà máy ấy nên khi chị đệ có quan hệ với mẹ nàng thì dần dần chả cứ anh chị đệ mà cả nhà đệ rất thân thiết với gia đình nàng. Đến độ thỉnh thoảng nhà nàng còn đưa cho nhà đệ vài ba ô tem phiếu, khi thì ô đậu khi thì ô thịt. Bởi vì mẹ của nàng là một công nhân lành nghề nên tiêu chuẩn bồi dưỡng thực phẩm hàng tháng khá nhiều, nhà nàng ăn không hết. Mới đầu thì nàng gọi đệ bằng chú nghiêm chỉnh còn đệ cũng gọi nàng là cháu vô tư. Dạo đấy đệ không lầm, hồi đó nàng mới hơn mười sáu tuổi.
Hai năm trước đây.
- Đúng đúng. Hai năm trước đây. Nhưng rồi có lẽ do cái duyên cái tình và cả số phận run rủi nên dần dần đệ và nàng phát sinh tình cảm với nhau.
Nó phaỉ có duyên cớ gì chứ? Long đặt nhẹ chén rượu xuống.
- Huynh nói lại càng đúng. Huynh quả là ngưòi tài trong thiên hạ. Có thể do một hôm đệ xuống vẽ một mẫu hoa cho phân xưởng của chị đệ để chuẩn bị cho ra một mặt hàng mới.
Tôi tưởng ông chỉ làm vật tư.
- Vẽ là nghề tay trái của đệ, mà xem ra nghề này còn kiếm được hơn nghề chính. Sau hôm phân xưởng chị đệ công nhận mẫu của đệ thì tổ chức liên hoan. Đệ còn nhớ buổi tối hôm ấy đệ cũng được phân xưởng mời dự. Khi đã có vài ba chén rồi thì đệ hứng lên cầm ghi ta vừa đệm vừa hát. Ai ngờ khuya hôm ấy nàng đến sớm để đèo mẹ về. Bố nàng đi đâu cũng tạt qua để cùng đón. Có lẽ vì nghe được tiếng đàn tiếng hát của đệ nên nàng cảm động. Trên đường về nàng liên tục đạp xe bên cạnh để khen ngợi đệ.
Thế còn gì hơn nữa. Con gái ham tài mà lại.
- Có lúc bố mẹ nàng đạp cách xa thì nàng lại bảo, chân nàng mỏi quá mất rồi. Thế là đệ bảo nàng sang ngồi vào khung xe đệ để đệ vừa lai nàng vừa dắt xe cho nàng. Khi thấy đệ làm được như thế nàng lại càng cảm phục đệ hơn. Sau này mỗi lần trốn nhà đi chơi đệ toàn lai nàng như thế
Kể ra thì cũng không thuận lắm nhưng…
Long chạnh nhớ đến quan hệ với Vân anh bỏ dở câu nói khiến Linh chồm lên. Chén rượu hơi sóng sánh:
- Nước ta là phong kiến lạc hậu chứ huynh xem phim huynh biết ở tây chuyện ấy là sự thường. Như trong tiểu thuyết của ông Ban Dắc đấy. Từ anh em con chú con bác, thúc bá hẳn hoi, thậm chí cả chú cháu họ còn lấy được nhau. Huống hồ đây chỉ là người quen biết, xưng hô kiểu ấy thì có hệ trọng gì Thành ra khi biết đệ dính dáng với nàng thế là từ anh chị đệ đến bố mẹ nàng bằng mọi cách ra sức ngăn cản
- Thế mình mới khác tây.
- Huynh có thể tưởng tượng. Nhiều lần đệ gặp nàng mà không cầm được nước mắt. Trên mình nàng chỗ nào cũng có những vết thâm tím do roi vọt, quần áo xơ xác. Hai cổ tay còn lằn rõ vết xích trói. Gặp đệ nàng chỉ gục đầu vào vai đệ để khóc. Còn đệ chỉ biết an ủi nàng bằng cách cho nàng đi ăn đi xem phim rồi mua quần áo cho nàng.
- Mua cả quần áo?
- Chứ sao nữa. Huynh ngạc nhiên là phải thôi vì việc quần aó ở huynh và nói chung cả xã hội đều khó vì mỗi người chỉ cả năm hai, ba mét vải nhưng với đệ đó là sự thường vì vải đệ được thưởng khi vẽ mẫu, thưởng khi bình bầu quí, tháng của đệ của bạn bè. Thích may vải nào thì mang mẫu đến cửa hàng nào đấy đổi lấy. Liên xô, Trung quốc thoải mái. Muốn thứ gì chả có.
- Hiểu rồi. Hiểu rồi
- Chính vì đệ lo toan cho nàng như thế nên nàng càng quyến luyến em. Chả dấu gì huynh, đệ đã phải hai lần đưa nàng đi nạo.
- Nạo thai?
- Chứ sao nữa. Huynh mà dính với nàng nào thì cứ báo cho em một tiếng. Chuy ô nạo của em chỗ này hay lắm. Vừa kín đáo vừa rẻ tiền. Công xá không đáng kể. Cao nhất là bữa bia hơi Cổ tân là cùng.
- Ông cứ làm ai cũng hào hoa như ông ấy.
- ấy chết. Nhưng mà ông anh nhìn thấy ông em là có cốt cách đúng không? Thế cho nên gái nó mới mê. Huynh là chỗ thân thiết nên đệ không dấu. Ngoài nàng này đệ còn vài ba em nữa xin chết. Em thì dửng dưng, bởi lẽ là quân tử thì từ yêu đương cho đến làm bất kì thứ gì cũng phải quang minh chính đại. Nhưng khổ nỗi không biết đứa nào bắn tin cho nàng. Thế là nàng nhẩy xếch lên, làm tình làm tội đệ. Nàng vò đầu bứt tóc, mấy lần doạ ra đê Xù, Gạ nhẩy xuống tự tử.
- Tình yêu mãnh liệt quá. Thế thì khó dứt lắm.
- Chứ sao nữa. Gia đình càng cấm thì đệ và nàng càng gắn bó với nhau, càng tìm cách gặp nhau. Bố nàng có lần đi rình rồi báo công an nhưng may là mấy chú công an ấy lại quen đệ nên lại thông tin cho đệ. Hay thế đấy.
Linh nhặt lấy ngọn húng bé xíu đưa lên miệng nhấm nháp từng tí một rồi đột ngột kêu lên:
à này. Em có việc này nhờ huynh một tí có được không?
Ông cứ nói. Nếu có điều kiện thì tôi tiếc gì. Bạn bè cũ với nhau mà...
Xin cám ơn huynh trước.
Linh làm động tác như trên sân khấu cải lương vái dài Long một cái ròi vẫn cái điệu bộ đó Linh hạ giọng:
Nhà ông anh có rộng không?
Cũng bình thường thôi.
Mấy buồng?
Đại khái nếu chia thành buồng thì cũng cứ cho là ba đi.
- Thế bà chị thì sao?. Có đi làm quốc doanh hay hợp tếch gì không không?
- Tổ hợp tác của bà ấy thì kim nhật kim thì mới có việc. Mà có việc thì có thể đưa về nhà làm thoải mái.
Thế thì hỏng rồi.
Những có chuyện gì cần không.
- À cũng bình thường thôi. Đệ hỏi thế để thỉnh thoảng đệ đưa nàng đến thăm gia đình huynh, mua cái gì liên hoan sau đó nếu bà chị dễ dãi thì cho hai chúng em nghỉ lại một hai tiếng ở cái buồng xép nào đấy
- ấy, ấy. Tôi tưởng việc gì chứ việc ấy thì không được rồi. Không chỉ nhà tôi mà ngay cả những đứa trẻ nhà tôi…
- Thôi, thôi. Đệ biết rồi. Chấm dứt chuyện ấy nhé. Ông anh không phải bận tâm, day dứt làm gì. Anh em thì vẫn là anh em. Đúng không. Nào mời ông anh cạn ly đã mọi việc tính sau
Hai chiếc cốc đang sáp kề nhau thì Linh bỗng đặt cốc xuống, ôm mặt rên rỉ.
- Khổ cho nàng qúa. Đúng là đệ đã làm khổ nàng. Đáng ra nàng đang sung sướng, được bố mẹ anh em cưng chiều, thế mà vì đệ nàng mất tất cả mọi thứ của gia đình để đi theo một lão già dở hơi như em. Thật là, thật là…
Không việc gì phải ân hận thế. Mọi sự do số phận mà nên thôi.
Long bắt đầu thấy chán cuộc trò chuyện và tưởng tượng đến Vân Không biết bây giờ Vân đang ở đâu và cái anh chàng bộ đội tên Thành người Bắc ninh, Bắc Giang gì đấy có ở bên cô ấy không. Long đang lãng đãng chìm trong tưởng tượng thì Linh bỗng vươn người tay giơ cao chén rượu vừa rót đầy sóng sánh
- Huynh nói rất đúng. Mọi sự trên đời này đều được quyết định do số phận. Ngay như ở cơ quan em. Thằng cha trưởng phòng ngu như con lợn. Nhìn mầu không biết thuộc gam nào, đưa mảnh vải không hiểu xử lý ra sao. Chẳng qua chỉ vì gã ta đi bộ đội về có tí sẹo ở trán ra điều thương binh, vào cấp uỷ ăn tiêu chuẩn tem phiếu độc hại hai cân bẩy, trong khi đó gã ta có phải động rạng gì đâu. Huynh bảo như thế có mất công bằng không cơ chứ. Nhưng mà thôi đời gã như thế cũng chỉ là thằng đàn ông rúc váy vợ. Cái gì cũng cúc cung mang về cho vợ bán. Từ bao thuốc lá tiêu chuẩn đến tem phiếu thừa. Còn đệ này ý à… Cứ gọi là thà chết, thà…
Linh đang hùng hồn thì từ ngòai cửa có tiếng e hèm rồi cánh cửa gỗ lỏng lẻo hé mở, một ông gìa đẹp lão với mái tóc bạc đến quá hai phần ba ghé đầu vào:
- Thế mày không lên trên Hàng Đường xem anh mày giải quyết công việc thế nào à. Mà chưa chiều đã bầy trò rượu chè thế này. Thật là…
- Bố. Con đang có khách. Lúc khác nội bộ bố muốn nói gì thì nói
- Thế hả? Thế hả?. Xin lỗi anh nhé. Tôi, tôi quả là chưa nhìn thấy anh. Đừng giận, đừng nghĩ ngợi gì nhé. Khổ quá. Gìa rồi, mắt mũi đúng là có vấn đề thật. Thôi, hai anh em cứ tiếp tục đi. Việc kia cứ từ từ cũng được con ạ Nhưng nếu xong thì liệu mà đi con ạ. Chào anh nhé.
- Vâng. Chào ông ạ. Long trố mắt ra đáp lại
Cánh cửa lỏng lẻo khép lại. Linh laị giơ cốc chạm vào chiếc cốc Long đang cầm trên tay, giọng cao hẳn lên:
- Ông cụ là giận đệ lắm rồi đấy. Nhưng bố đệ là người Hà nội gốc nên thấy con có khách là cụ mềm lại, lịch sự ngay. Cám ơn huynh rất nhiều chứ không chiều nay ít là em cũng bị cụ giảng cho vài tiếng về sự lập thân của cánh mày râu. Nghe cụ nói như nghe hát ấy mà có lúc ớn lắm nhưng cứ lơ đi là được. Chỉ bực một nỗi là hai ông anh, rồi hai bà chị dâu, bà chị gái cứ như được cụ lĩnh xướng cho câu mở đầu thế là cứ thế tuôn trào.
- Cũng vì ông thôi.
Long chưa hết ngỡ ngàng và ngượng ngập vì bố của Linh xuất hiện anh đang định đứng lên ra về nên nói xuôi chiều.
- Mà có cái cái gì mới đâu. Vẫn những bài ca cũ về sự muộn màng của đệ, về sự bừa bãi và sự chi tiêu không tính toán. Ôi dào. Thôi thì huynh tính phận làm em trong nhà thì cứ phải chịu đựng, cứ phải nghe thôi. Một bài hát dở người ta còn nghe hết năm này sang năm khác nữa là những lời dậy dỗ tâm huyết của bố của mẹ, của anh của chị. Xét đi, xét lại họ cũng chỉ muốn đời mình đi lên, hoàn chỉnh. Phải không đại huynh?
- Đúng rồi.
Long giơ tay che cái ngáp bất thần xuất hiện trong khi đó Linh chợt nhận ra điều gì, giơ tay ra sôi nổi:
- Nhưng cũng tuỳ. Bố, anh trai, hay chị gái nói thì không nói làm gì. Còn mấy bà chị dâu thì chỉ muốn mình nhanh nhanh kết thúc sự cô đơn này, có một con vợ để bố tống đi ở riêng. Chẳng dấu gì huynh bố mẹ đệ còn một căn nhà nhỏ ở trên phố Hàng đường. Hơn mười mét thôi, mà lại ở gác hai, bà nào cũng muốn tống đệ lên đấy cho rảnh nợ.
Đang cao giọng Linh bỗng tự nhiên chùng xuống khi bất chợt ngoài cổng có tiếng đàn bà léo xéo:
- Làm gì thì làm nhớ. Cứ để bừa bãi ra như thế này thì đừng có mà trách Cái gì cũng thế, cứ ăn rồi lại ị ngay ra đấy, không ai chịu nổi.
- Thôi nhé. Chuyện cũ đệ chỉ nói thế thôi nhé. Bà chị dâu cả đã về rồi đấy. May bà không nghe được những lời vừa rồi của đệ
Linh vừa bịt mồm vừa nói, đôi mắt nhỏ hấp hay nhìn nghếch ra phía ngoài cửa. Một chân co, chân ruỗi cùng hai bàn tay liên tục ngoe nguẩy những ngón tay dài nguêu như đang bấm vào phím đàn vô hình nào đó.
Chương mười
Sau cuộc gặp gỡ đó, mặc dù lúc bình thường Long cảm thấy không mấy khoái sự trò chuyện của Linh, nhưng hễ cứ thấy buồn buồn là y như rằng Long lại như vô tình gặp lại anh chàng tuy đã vượt qua tuổi thanh niên nhưng vẫn còn dư thừa những sự xốp nổi của một chàng trai mới lớn và của một gã đàn ông ưa dùng chén rượu để trút niềm tâm sự thầm kín của mình. Linh đúng là một bạn rượu đích thực mà Long cảm thấy yên tâm khi trót nói ra những điều gan ruột mà không sợ những điều ấy bị lợi dụng. ở độ xấp xỉ tuổi bốn mươi của giai đoạn những năm cuối của thập kỉ tám mươi của thế kỉ trước mọi người e dè nhau lắm. Người nào cũng chỉ sợ mình hở ra cái gì thuộc về điểm yếu của mình, của gia đình mình là thể nào cũng có một đồng nghiệp, hay một người cùng phố nào đó lợi dụng. Họ chộp lấy sự sơ hở đó, dấu biến đi để rình rình có dịp nào đó dính đến quyền lợi tỉ như khi bình bầu lao động tiên tiến, bình bầu tiêu chuẩn được mua xe đạp, lốp, xăm Sao Vàng, dép nhựa Tiền phong, áo may ô Cự Doanh để đưa ra hạ gục đối thủ. Hoặc ít nhất khi trà dư, tửu hậu lại lôi những điều nghe được đó ra để cười cợt, coi những câu chuyện tâm phúc của người khác như một thứ gia vị để gây cười, để làm trôi đi sự thất bại trong đời của cá nhân mình. Nhưng còn với Linh, sau vaì ba lần gặp lại Long cảm thấy sự vô tư trong những lời tâm sự của Linh, rồi sự rộng rãi trong cách cư sử của anh chàng này. Một gã đàn ông trong những điều cơ bản để làm người còn mang đầy tính cách của người Hà nội khi chưa có những sự cố thời đại, những biến động của tem phiếu, của chiến tranh phá hoại, của nếp sống vội vã và ngưng đọng trong sự mỏi cổ trông chờ nước được bơm đúng hạn. Đèn điện tối nay đột nhiên bừng sáng tác động vào. Tóm lại là anh chàng không nguy hiểm, không lấy nhược điểm, sự không may của bạn mình thành vũ khí đợi dịp hạ gục bạn mà lại biến nó thành cớ, thành dịp để chia xẻ, động viên bè bạn. Thế cho nên sau vài lần cùng nâng chén, giữa những lời đối thoại của kẻ say luôn luôn muốn rãi bầy điều thầm kín và không thầm kín, những điều tâm huyết và cố tạo tâm huyết. Rồi những lần hai gã song song đạp xe lang thang hết phố này sang phố khác thoả mãn điều gì đấy của mỗi gã thì chẳng những Linh đã nắm được địa chỉ của nhà Vân mà còn nắm được những đoạn đường mà Vân hay qua. Khi thì từ nhà đến tổ đan len, khi thì từ nhà ra chợ. Hôm ấy. Tình cờ Linh được một người bạn của người anh đến nhà cho Linh một chục con chim sẻ. Loại chim sẻ giải đồng mà em anh này đánh bắt được ở vùng quê Bắc ninh. Anh ta coi món quà đặc biệt này như một sự trả ơn mà Linh mang lại khi đưa con trai anh ta vào học việc trong tổ chế tạo mẫu của Linh. Linh tức tốc đạp xe đến nhà Long mời đến vui vẻ. Trời còn gì quí bằng tiết chim xẻ cắt ra cho vào cuốc lủi. Khi nghe Diễm nhăn mặt báo tin Long đi lên Thái nguyên trả tiền nguyên liệu cho hợp tác thì Linh buồn lắm. Anh chàng thất thểu ra về và cuối cùng sau bao nhiêu băn khoăn, suy tính trong đầu, Linh đi đến quyết định. Chế biến mười con chim sẻ làm mồi cho bữa rượu cô đơn, lầm lũi thưởng thức Cuối cùng chính người anh ngay đốt trên của Linh là anh Quang sứt môi nhưng có lối nói đến rắn trong lỗ cũng phải bò ra nghe đã trở thành bạn rượu bất đắc dĩ của ông em. Hai anh em thoạt đầu tiên như mọi cặp anh em ruột thịt khác trên trái đất này, lặng lẽ cắt tiết, vặt lông thui, rồi lại lặng lẽ mở nút lá chuối, nghiêng chai rượu rót vào chén, rồi lặng lẽ uống, nhai, nuốt món đồ nhắm hấp dẫn và chạy rượu. Quang sứt sau khi tợp chén rượu thứ năm thì bỗng gườm gườm nhìn ông em đang cúi đầu như suy gẫm điều gì đấy. Sau một lúc lâu, Quang sứt phá ra cười rồi nói với Linh bằng một giọng kẻ cả:
- Chú cũng nên chọn bạn mà chơi. Thời buổi này đừng có dễ tin quá, có khi mất cần câu cơm đấy.
- Em đã chọn ai thì người ấy hết chê.
Chất men đã bắt đầu ngấm khiến nhu cầu nói và tâm sự của Linh nhen lên, nhưng khi ngẩng lên chợt nhận ra người anh ruột đang đối ẩm với mình anh chàng cụt hứng ngay và lại lặng lẽ nhìn một cách chăm chú chiếc đùi chim sẻ đang gặm dở.
- Những đứa bạn khác của mày thì anh không biết nhưng cái thằng mày mới quen mà dẫn về đây hai ba bận chén chú chén anh…
- Đâu phải mới quen. Anh chóng quên thật đấy. Anh ấy ngày xưa hồi cấp hai học cùng với em. Anh không nhận ra thật sao?
- Tao lạ gì nó nữa, nhưng theo tao biết bây giờ nó đang là kế toán của một hợp tác xã làm oò nhựa và đồ sắt gì đấy. Đúng không? Mà là dân hợp tếch đã không thể tin được. Tay này còn làm kế toán, một cái nghề luôn luôn tính toán thì khôn ngoan phải biết.
- Khôn gì mà khôn. Bọn người khôn nó khác kia. Đằng này vợ con đề huề rồi còn chết mê chết mệt, mất ăn mất ngủ vì một cô nàng.
- Thế kia à. ừ thế thì cũng lạ đấy. Nếu quả như vậy thì thằng cha ấy đúng là một lãng tử thật. Những thằng lãng tử là hay bốc đồng lắm. Khi đã máu lên thì chấp tất. Kể cả tiêu đến đồng xu cuối cùng.
- Chứ sao nữa. Em cứ nhìn tay ấy buồn bã trút lòng trút dạ là em không chịu được.
- Có vợ con còn thế huống hồ chú mày. Thế con bé kia bây giờ thế nào rồi?
- Thôi thôi. Không nhắc đến chuyện ấy nữa…
Linh lảng tránh. Anh lặng lẽ rót rượu vào hai chén của hai anh em rồi nâng chén cạch nhẹ vào chén của anh.
Sau chén rượu đó Linh im hẳn mặc dù ông anh ngấm rượu cứ thao thao gợi đủ thứ chuyện. Nhưng như một kẻ ít nói cố hữu, Linh cứ lì ra gật gù một cách thờ ơ khiến Quang sứt cũng chán. Cuối cùng gã cố nói vớt như để cho có tiếng nói:
- Tất cả đều do cờ ngoài bài trong. Lúc nào tiện một là mày khuyên thằng bạn mày vợ con muốn gì thì gì cũng là trên hết. Số phận nó định đoạt thế rồi. Hai là mày phải nên đến khuyên cô ả kia. Tao đã rút kinh nghiệm xương máu từ mấy thằng bạn tao. Tất cả do đàn bà hết. Bọn đàn bà cho dù xấu đến đâu mà nó muốn bám tay nào thì tay ấy khó mà thoát ra được lắm.
Nghe ông anh nói Linh gật gật đầu và tự nhiên anh chàng nẩy ra một quyết định tức thời mà không ít các chàng say nào cũng dễ để xẩy ra…
Thế là bằng mọi cách Linh kết thúc thật nhanh bữa rượu với ông anh sau khi nhặt ba con chim sẻ còn lại bảo đưa lên cho bà chị. Quang sứt hể hả xách ba con chim lên thì Linh rửa mặt mũi, đánh răng xúc miệng thật nhanh rồi đạp xe đi vòng vòng. Thoạt đầu tiên anh chàng đến Hàng Bông, đoạn đường mà Vân hay đi từ tổ đan lên về nhà. Đạp đi, đạp lại gần bốn vòng, nhưng không thấy bóng dáng người cần gặp đâu. Anh chàng đứng chần chừ một lúc rồi phẩy tay hạ quyết định sẽ đến thẳng nhà Vân. Vừa đi anh chàng vừa nghĩ. Mọi sự giúp bạn bằng lòng tốt thì chẳng những có niềm vui mà chiều nay hoặc trưa mai gặp Mận mình sẽ có một câu chuyện để nói cho nàng nghe. Chắc chắn Mận sẽ càng yêu mình vì mình là người đàn ông luôn luôn hết mình với bạn bè. Bạn bè đã vậy thì trong tình yêu chắc chắn sẽ được đảm bảo hơn. Rồi có lúc nào đấy Mận và Vân sẽ gặp nhau và họ sẽ cùng chia sẻ cho nhau những giây phút kì diệu của tình yêu. Hít mạnh một hơi nữa để thêm ý chí, Linh đi thẳng đến nhà của Vân. Cánh cửa nhà Vân đang đóng, vết sơn loang hao hao hình con thạch thùng bị mất chút đuôi đập vào mắt anh chàng say đầu tiên. Khoé mắt anh chàng hơi động đậy. Linh khoá xe. Đưa tay gõ cửa. Nghe có tiếng phụ nữ dịu dàng "chờ một chút ạ". Liền sau tiếng nói cánh cửa hé mở và một khuôn mặt phụ nữ rạng rỡ, nhẵn nhụi vì vừa gội đầu xong ló ra.
Anh cần gặp ai ạ?
Tôi cần gặp Vân một chút.
Thế anh là…
Tôi là bạn của anh Long. Bạn học cũ.
Anh Long? Anh ấy có ở đây đâu ạ. Nhà anh ấy ở…
- Không, không. Tôi biết rồi, nhưng, nhưng…
Một thoáng lúng túng, nhưng chất men làm Linh bạo hẳn lên:
- Đúng thế, nhưng hôm nay tôi chỉ đến gặp Vân.
Thế ạ. Vậy thì mời anh vào nhà. Anh khoá xe chưa?
Không sao, không sao.
Nhìn Vân anh chàng Linh thấy mình cần có những cử chỉ nghệ sĩ hơn.
Bước vào nhà anh chàng Linh tự nhiên cảm thấy choáng ngợp. Nhà Linh thủa trước cũng thuộc tầng lớp trung lưu ở Hà nội này. Nội ngoại hai bên đều là những công chức thời cũ. Nhưng thời thế, vận mệnh thay đổi nên ông bà Linh chỉ để lại cho bố mẹ Linh cái xác nhà. Anh em ruột thịt lại đông nên mấy anh lớn chia nhau toà nhà ở ngã ba Cửa đông, còn căn phòng hơn mười mét vuông ở một phố nhỏ gần chợ Đồng Xuân. Căn phòng ngày xưa, bố Linh đã từng được gán nợ thì cả nhà ai cũng nhất quyết để cho Linh. Vì Linh chưa có vợ nên cứ nấn ná ở cạnh bố và các anh. Anh chàng vẩy tạm ở góc sân chỗ gần cổng ra vào một căn phòng để tá túc qua ngày, và cũng để ngày ngày tiện lên ăn cơm chằng với bố. Căn phòng bản thân đã có tính tạm bợ, lại thêm sự bừa bãi nghệ sĩ của Linh nên nó lại càng lộ ra sự tuỳ tiện làm ghê chân những người cẩn thận khi bước vào. Sau này khi đã xấp xỉ tuổi sáu mươi, khi cuộc đời đã lộ ra sự mệt mỏi và sự tính toán mà bất kì con người nào cũng có để cố truyền lại cho con cái mình làm sao không mang tiếng về sự thờ ơ với dòng giống. Đồng thời vào thời gian đó cũng là khi giá đất và nhà của Hà nội, nhất là nhà và đất thuộc những khu phố cổ, hay trong nội thành cũ đã trở thành cơn sốt thì Linh đã làm rất nhiều việc để nhất quyết đòi bằng được phần của mình trong số tiền hai anh trai bán trọn gói cả toà nhà đã nứt nẻ và mảnh đất xuýt xóat nghìn rưởi mét vuông ở ngã ba Cửa đông. Lúc đó trước sự tham lam của hai bà chị dâu đã ngoài sáu mươi, hai ông anh còn cố gạt Linh ra khiến gia đình này phải mấy lần chường mặt trước toà xử kiện. Trong đó hai gia đình anh cả anh hai đứng một bên còn Linh cùng mấy chị em gái về một phe. Nhưng thôi đấy là chuyện của hơn hai mươi năm sau, còn buổi lưng lửng chiều hôm ấy khi hơi men đang làm khơi dậy trong Linh sự hỉ xả vì bè bạn. Mà khi người ta chỉ tâm niệm đến sự cao thượng bởi tình bạn thì làm sao có thể tiếc thời gian và sức lực để cốt bộc lộ được sự tốt đẹp của mình. Bước vào nhà cô tình nhân(Không hiểu sao Linh rất thích dùng cái từ cổ lỗ này để chỉ những người yêu)của Long. Đúng là Linh có cảm giác ngạc nhiên vì sự quí phái của nhà Vân mặc dù nhà Vũ sau khi cải tạo tư bản tư doanh, từ một ông chủ của xưởng in tư nhân trở thành anh công nhân của xí nghiệp in công tư hợp doanh có thêm nghề phụ đòi hỏi sự cần cù và kĩ lưỡng đó là nuôi chuột bạch. Sau sự dồn dập của sự cố cải tạo, nhà Vũ đã chuyển đi nhiều đồ thiết dụng để cho những người công nhân và cả khu phố vào đỡ nghĩ đến nhà này là nhà tư sản cũ. Trần nhà cao vòi vọi, chiếc xa lông có mặt đá hoa, có thành vai bằng gỗ táu duy nhất còn lại bên cạnh chiếc bàn cũng bằng đá. Ngày trước để làm việc hay tiếp khách nay nằm khiêm tốn góc nhà trên đó chất đầy một cách lộn xộn những thứ buông quăng bỏ vãi của trẻ con và người lớn. Một chiếc tủ giống như tủ chè có cửa kính lùa di chuyển được trên đó để nhô lên tượng bằng gỗ nói về tích Chúa Giê xu tuẫn tiết trên thánh giá. Trên cao ngay nơi để chiếc tủ là hai mẫu ảnh song song in ảnh Đức mẹ bế chúa Hài đồng và và đức cha Ju se. Trong khi Linh lặng lẽ quan sát căn phòng với sự thán phục nhẹ thì Vân đi pha nước và lấy làm mừng thầm khi cả nhà hôm nay đều đi vắng, mọi điều nói về Long không phải ý nhị.
Mời anh xơi nước.
Vâng. Vân cứ để tự nhiên cho
Linh cố lấy giọng nhẹ nhàng, cố tạo của một nghệ sĩ chuyên luyện gịong theo đàn ghi ta.
Anh chơi với anh Long lâu chưa ạ?
- Dạ. Tôi với Long là bạn học từ hồi cấp hai. Thế mà vì công việc và hoàn cảnh nên gần đây mới nối lại với nhau được.
- Thế thì còn gì bằng.
Vân bắt đầu cảm thấy nóng ruột. Không biết anh chàng này có phải đến từ sự nhờ vả của Long. Nhưng ngay lập tức Vân gạt ngay ý nghĩ này vì thực ra, nếu muốn gặp cô thì Long cứ đến thẳng nhà. Cái danh nghiã là bạn của anh trai Vân vẫn tạo cho Long điều kiện cho phép anh đến nhà bình thường cơ mà. Chỉ có điều gần tháng nay Vân cố tránh mặt Long với hi vọng anh cũng dần dần dứt bỏ hẳn mối quan hệ trớ trêu này để tạo sự yên ấm cho gia đình mình. Mấy đứa con gái của Vân đã bắt đầu dậy thì và hình như con Lễ cũng đã có người yêu thì phải. Còn Vân mặc dù Thành không để lại ấn tượng nào cho cô nhưng làm thân con gái thôi thì cũng cần một tấm chồng của mình, nhất là giữa thời buổi này. Chỉ tiếc rằng sự săn sóc, quan tâm của Thành chẳng may mảy làm tâm hồn cô xao xuyến. Biết làm sao được. Có lẽ vì thế nên vì mặc dù không trực tiếp đối diện nhưng mỗi lần Long đến tìm Vân bằng mọi cách cô đều biết. Mỗi lần như thế cô vẫn muốn gặp anh dù chỉ thoáng qua, nhưng rồi Vân cố nén lại. Sự nén này một phần do gần đây Thành liên tục tìm mọi cách về Hà nội. Tuần nào kể cả chủ nhật thì một tuần cũng trung bình hai, ba lần. Mỗi lần gặp Thành là một sự nhạt nhoà, chán nản và cố gắng chịu đựng của Vân và lại làm thức tỉnh trong lòng cô gái Hà nội sự ước ao thầm kín được trò chuyện với Long. Nhưng cái lẽ tự nhiên trong suy nghĩ lâu đời của người con gái xứ này đã thêm một lần tạo ra sức mạnh cho Vân chấp nhận sự gặp mặt chán chường đó. Chẳng gì anh ấy cũng vợ con rồi, chẳng gì mình cũng đang là người con gái chưa có chồng. Chẳng gì… Lòng vả cũng như lòng sung. Chồng chung ai có thể chiều ai.
Long có kể hết với tôi về chuyện của Vân và anh ấy.
Vâng, vâng. Có gì đâu ạ. Chỉ có điều…
Vân định nói câu gì khả dĩ có thể chặn ngang được câu chuyện của ngưòi đàn ông đột ngột đến nhà mình. Nhưng tự nhiên cô lại dừng giữa chừng. Đôi mắt Vân chớp chớp xa xăm. Chính sự chớp chớp đó đã tạo ra cảm xúc trong lòng chàng trai đa cảm
- Tình yêu chân chính bao giờ cũng bất chấp mọi qui luật thông thường Chỉ có điều mỗi người chúng ta lại ở trong một hoàn cảnh.
Linh nói với một vẻ xúc cảm không dấu cùng với sự điệu đàng, làm duyên của kẻ đang bị chất men tác động.
Anh Long có nhắn gì em không?
Thoạt đầu tiên Vân chỉ nói như một sự buột mồm, nói để mà nói. Nhưng cô thật sự hoảng hốt khi nhận ra trong mình vẫn còn sự quan tâm đến anh chàng đã gây cho cô không biết bao nhiêu sự khổ đau, dằn vặt.
- Chỉ cần đọc trong những lời nói và thái độ của Long mỗi khi tâm sự với tôi thì thấy anh ấy rất mong chờ tin tức của Vân
- Anh cứ nói thế. Anh ấy còn vợ, còn con mà em thì… Thôi anh uống nước đi cho nóng.
Bàn tay của Vân co lại để cầm chén nước và vô tình chạm vào bàn tay có những ngón tay dài mà móng của ngón cái và ngón út được chăm sóc, tỉa tót y hệt móng tay của gã thợ may nước da nhợt nhạt có giọng nói ỏn ẻn ở đầu phố nhà Vân. Cái chạm vô tình ấy làm Linh nôn nao vì một sự rung động bất ngờ. Anh cúi đầu gật gù cố tạo sự duyên dáng. Nhưng chính hành động đó lại làm Vân phát hiện ra mùi men rượu toả ra từ cặp môi cố giữ vẻ trữ tình. Chính sự phát hiện chết người đó làm Vân mất nốt chút ít hứng thú tiếp chuyện anh chàng xa lạ này, song với tính tế nhị cô vẫn cố dấu đi sau vẻ chân tình cố tạo. Anh chàng Linh cũng vào loại tinh ý nhận ra sự miễn cưỡng của cô chủ khi tiếp chuyện mình. Chính thế nên chỉ sau vài câu nói xã giao nữa anh đứng dậy xin phép ra về. Vân vẫn mở cửa xuống tận bậc cửa tiễn Linh.
Chương mười một
Vào những năm đầu thế kỉ 21 khi Long đã bước sang độ tuổi xấp xỉ bẩy mươi, còn Linh thì cùng vượt qua vài năm sáu chục lá vàng rơi. Khi mọi sự cơ bản nhất của một đời người đã được xắp xếp phân miêng, rõ ràng mỗi khi nghĩ lại những tháng năm mà ngưòi ta đang ở độ tuổi trong ngoài bốn mươi thì thấy con ngưòi mình thế này mà có những lúc giống như một gã thanh niên dại khờ với những cách xử sự lạ lùng với những khoảng khắc đột biến bất thường. Những xử sự mà có khi chỉ trong chớp mắt vì sự đột biến đó mà cuộc đời có thể diễn ra theo một bước ngoặt hoàn toàn khác trước. Cả một gia đình cũ tan vỡ bị xếp đặt lại theo chủ quan của anh ta hay khách quan của cuộc sống, nhưng cũng có thể sau sự đột biến đó con người anh ta xếp giáo qui hàng, tuân theo một cách ngoan ngoãn mọi sự ràng buộc, câu chấp của cuộc đời để xuôi theo một chiều về tuổi già tịch mịch. Vào những năm cuả thập kỉ thứ nhất của thế kỉ 21, lớp người chừng ba mươi tuổi đổ xuống chắc không thể có ấn tượng ghê gớm vì ảnh hưởng quái ác của những ô tem phiếu đã tác động như thế nào đến sự sống còn, thiếu thốn hoặc đầy đủ của một cuộc sống bóp mồm bóp miệng, ngột ngạt vì sự hà khắc của sự thiếu thốn vật chất. Hơn hai mươi năm nhờ một sự dũng cảm mang tính cảm tử quân của một nhà lãnh đạo người ta đã xoá được gông cùm của những tờ giấy luôn luôn giàng bụôc con người bằng sự thấp hèn, vật dục hiển hiện qua những miếng thịt, bìa đậu phụ, con cá mớ rau, lít dầu hoả và chai nước mắm. Vào cuối thập kỉ cuối cùng của thế kỉ 20 và những năm đầu của thập kỉ thứ nhất của thế kỉ 21 lớp người năm, sáu, bẩy mươi bất chợt giữa đêm mất ngủ của tuổi già chẳng bất chợt giật mình vì sự kìm kẹp của những thứ tầm thường mà cực kì quan trọng với sự hít và thở, cho nhịp đập cơ học của trái tim và nhịp co thắt thầm lặng bền bỉ nhưng tối quan trọng của dạ dầy mỗi ngày. Những tháng bần cùng, khốn khổ đó người ta mấy khi nghĩ đến danh dự, sự cao thượng mà chỉ con ngưòi mới có để tạo ra sự khác biệt với loài vật. Bầu trời trong những năm tháng đó thật sự xa vời vì mấy ai có giây phút rảnh rang đến nhìn lên. Ai cũng như ai từ khi mở mắt cho đến khi nhắm hai bờ mi chỉ loay hoay, canh cánh nghĩ đến sự no đầy của dạ dầy bằng bất kì giá nào. Vì nhu cầu bền bỉ và dai dẳng của dạ dầy, vì sự thiếu thốn đủ mọi thứ của cuộc sống người ta sẵn sàng lừa gạt nhau từ bánh xà phòng làm bằng đất sét, từ chai nước mắm làm từ nước muối và nước lá chuối khô. Trong khi đó từ trên diễn đàn và trong sách giáo khoa tai ngưòi nghe và mắt từ đứa học trò nứt máu mũi ra đều được đọc về sự giầu có và tươi đẹp của mảnh đất ở diện hẹp là làng nó, phố nó và mảnh đất mênh mông mà người ta bảo nó gọi là tổ quốc. Ngày ngày uể oải đạp chiếc xe đạp kèn kẹt vì xích vừa quá rão vừa cũ lại thiếu dầu. Chiếc xe lật xật nặng nề lết trên đường phố vì lốp xe quấn quá nhiều dây chun, trên ghi đông lạch xạch chiếc cạp lồng mang cơm để đến một lúc nào đó bất ưng hai chiếc xe khốn khổ va vào nhau, đổ chổng kềnh. Hai chiếc cạp lồng văng ra làm vương vãi trên nền đường nham nhở nhựa đường những hạt lạc rang muối mà ngày nào chủ nhân của nó cũng được hưởng một cách lạc quan. Đêm đến le lói những ánh đèn vàng kệch vì thiếu điện, trông hun hút xa xôi như lối đi về nhà thương Cống Vọng trong đêm đông rét mướt, trong nhịp đạp mệt mỏi cùng tiếng ho sù xụ của ông già hom hem đạp xích lô chở thiếu phụ đang rên rỉ vì đau đẻ… Trong sự bần hàn, bức bối, eo hẹp của thời thế như vậy vào một buổi sáng chủ nhật khi vợ chồng, con cái nhà Vũ về nhà ngoại để ăn bữa cơm liên hoan người cậu em vợ của Vũ thì bà Hai mua hai gói xôi đỗ đen về, để trên bàn và cẩn thận đóng cửa nhà lại nói với con gái:
- Con ăn luôn đi, xôi đang nóng. Quả thật lâu lắm me mới thấy bà bán xôi ở Xù ra. Hỏi một lúc mới hay bà ấy cũng muốn bán lắm nhưng ngặt nỗi các ông phòng thuế cứ hạch là gạo nếp đong ở đâu.
Con vẫn thấy ở chợ hàng Da bao nhiêu hàng xôi đấy thôi.
- Đấy là những hàng nấu bằng gạo lăng nhăng, chứ bà này bảo nhà bà ấy năm đời thổi xôi rồi. Ngày xưa bà gì là vợ ba của Vua Bảo đại chỉ thích ăn xôi của cụ bà ấy nên chỉ khi nào đong được nếp cái nhà bà ấy mới thổi xôi Thời nay làm sao câu kì được như thế bởi lẽ bay giờ ngưòi ta cần no chứ đâu cần ngon, thế cho nên chỗ nào cũng pha gạo, chả bao giờ chuẩn được. Hôm nay may me lại gặp được bà ấy. Gớm xúm đông xúm đỏ chỉ thoáng một lúc thúng xôi đã hết sạch. Con trông này, hạt xôi có săn không?
Vân lặng lẽ nhấm nháp xôi:
Kể ra thì cũng ngon thật nhưng làm gì mà vẽ vời thế.
Bà Hai cũng lẳng lặng ăn xôi dường như sáng nay chưa nói với con gái câu chuyện gì. Một lúc sau bà mới khẽ khọt:
- Con xem xem thế nào, chứ anh Thành là muốn gắn bó với con lắm đấy
Thế ạ. Vân đáp lấy lệ.
- Me để ý anh ấy cũng là ngưòi đứng đắn mà để người ta đi lại mãi me cũng thấy không yên lòng. Con thì cũng đã khôn lớn…
Vân cố mỉm cười:
Bây giờ còn khôn lớn gì nữa. Me… Con già rồi con gì nữa
- Vẫn còn kịp con ạ. Đời người con gái muốn gì thì gì cũng nên có tấm chồng, rồi con cái để mai kia…
Trông mong vào lúc già cả phải không ạ
Me nói thật đấy. Cái nhà anh Long thì…
- Me nói đến người ta làm gì. Con với anh ấy là ngưòi thiên hạ. Ngưòi ta lại có gia đình, vợ con đề hùê. Nói đến mang tiếng ra…
- Con nghĩ thế là me mừng. Nhưng riêng anh Thành, me chỉ lo là anh ấy nếu ở với con sau này mà không theo đạo… Con cũng vì thế mà nhạt đạo đi thì mẹ qủa là đau xót
Thì me bảo anh ấy nghe me.
Thế ý con thế nào?. Hình như chiều nay anh ấy lại sang đấy.
Tuỳ me
Câu chuyện hai mẹ con nói với nhau ước chừng độ hơn nửa tháng sau thì những khi Vân ở nhà không thấy Thành sang nữa, nhưng mỗi bận đi đâu về là y như rằng Vân đều thấy me cô lại hớn hở khoe cho cô. Khi thì vài kí lạc nhân, lúc thì vài yến lạc vỏ còn nhợt nhạt, tươi rói dường như vừa mới dỡ từ ruộng. Lúc lại nửa yến thịt, hay vài cái dò cả giò nạc, giò thủ, giò mỡ. Cho đến một buổi chiều thứ bẩy, khi Vân đang nửa nằm, nửa ngồi trên giường thì me cô lên. Bà nhoẻn cười rất tươi bảo:
- Ngày mai anh Thành sẽ cho người lên nói chuyện với me có ý xin con. Con nhớ ở nhà đừng đi đâu nhé
Ngày mai?
- Ừ hôm kia lúc con sang tổ đan len thì anh ấy đến. Me bảo gọi con về cho anh ấy bàn bạc nhưng anh ấy bảo không cần. Cứ thế con ạ. Anh ấy lên thì mình cứ thống nhất để cho anh ấy lo liệu.
- Thế còn chuyện kia?
Vân rùng mình khi nhận ra giọng của mình có sự lo lắng thật sự. Cô hỏi với tia hi vọng nhỏ nhoi.
Chuyện gì hả con?
Me xem anh ấy có muốn đi đạo không?
- Chuyện ý ấy à. Theo như Vũ em con. Bây giờ người ta kỵ nói đến điều ấy lắm. Nhất là cái nhà anh Thành ấy lại là cán bộ nhà nước, lại làm to như thế. Từ từ đã. Nhỡ cái ảnh hưởng cả đời người ta, rồi cả con cả con con… Anh ấy vào nhà mình mà biết con theo đạo mà vẫn nhất quyết như thế thì chứng tỏ anh ấy cũng đã là..
úi giời chưa me đã bênh thiên hạ thế…
Vân chạnh lòng khi cảm thấy hơi hỗn với me
Thôi cứ tính thế đã.
Nói rồi bà Hai quay lưng trở ra, bước xuống cầu thanh thật nhanh như sợ con gái lại lục vấn điều gì. Cả đêm hôm ấy. Vân cố nhắm mắt không muốn nghĩ đến điều mà me cô nói ban sáng. Những ý nghĩ, hình ảnh lộn xộn đan chéo vào nhau chật cứng trong đầu. Có lúc cô trông thấy rõ rành rành, căn nhà ở góc một quả đồi trồng chè. Những cây chè xanh rờn, đầy ụ như mâm xôi cùng những bông hoa chè trắng xoá. Vài ba đứa trẻ cả trái lẫn trai đang nô đùa. Khuôn mặt đứa nào cũng hao hao khi thì giống y hệt mặt của Vân, khi thi lại một nửa y hệt của Long, nửa kia như được tạc ra từ nét mặt của Thành, nhưng đáng sợ nhất là mặt đứa nào đứa nấy nghuếch ngoác, lem nhem đất, mũi thì thò lò xanh chảy dòng xuống miệng. Mắt của tất cả những đứa bé đều bị những cục giử dính đây lông mi. Người chúng toả ra mùi tanh nồng khó chịu. Chúng bíu lấy ngưòi cô để rồi bất chợt từ đâu đó một chuỗi cười cất lên ồ ồ giống như giọng của anh chàng Linh có lần bất ngờ đến nhà Vân bảo rằng là bạn của Long. Những hình ảnh loang loáng trôi. Vân cố níu lại nhưng chúng vẫn trơn tuồi chuồi đi. Một thoáng nữa, sau những sự chập chờn nửa thức nửa ngủ. Vân lại thấy rõ một đám người rõ dài, xếp trong hàng ngũ thật nghiêm chỉnh. Ngưòi nào người nấy cứng nhắc trong bộ quân phục mầu cứt ngựa của những anh bộ đội. Những chiếc mũ cùng mầu cứng chắc nhấp nhô, bên cạnh những đầu ruồi súng đen bóng. Hàng bộ đội đang đi đều bước bỗng rùng rùng chuyển động và ngay lập tức biến thành hàng rào ngưòi tầng tầng lớp lớp quây xung quanh Vân. Những khuôn mặt dưới những vành mũ như bị một chiếc bút vô hình nào đấy xoá đi tất cả đường nét của mắt, mũi, mồm làm chúng trở thành những mặt nạ trơ khấc do tay đứa trẻ nghịch ngợm vẽ nguệch ngoạc. Vân bị khuôn tròn giữa hàng bộ đội. Cô hoảng hốt há to mồm để gọi khi thấy từ xa Thành đang hốt hoảng đi đến. Mặt anh ta cũng xanh lèo, đôi mắt nhớn nhác mở to nhìn Vân đang bị bao giữa hàng bộ đội. Tay anh chàng vẫy vẫy.
Anh Thành, anh Thành
Hàng người chẳng những không dãn ra mà càng ngày càng khép lại những hố mồm mở toác mấp máy trên những khuôn mặt nhẵn thín khiến Vân vàng hoảng hốt. Trong khi đó Thành cứ rập rờn ở phía xa. Vân càng mở to miệng cố gào lên nhưng cổ cô như nghẹn lại bởi như bị ai đó giơ tay chẹn vào. Ngưòi cô rung lên bần bật
- Gì thế con?
Có ai đó lay lay vào vai Vân. Cô choàng tỉnh dậy. Đỏ mặt khi nhận ra me cô cùng con bé lớn nhà Vũ đang trố mắt nhìn bác. Không hiểu sao con Liên dậy sớm thế?
- Con gọi anh Thành à?
Bà Hai cố dấu cảm giác vui vui, rụt rè hỏi nhỏ con gái trong khi mặt bà hơi ửng lên.
Không không.
Cô hốt hoảng khi nghe thủng câu hỏi của mẹ. Thế là từ đó sự ngượng ngịu làm Vân trầm lặng hẳn. Cô im lìm trở dậy trước cặp mắt trong xoe của bé Liên. Rồi cứ thế Vân lẳng lặng đánh răng xúc miệng rồi ăn sáng. Cho đến lúc chín giờ. Không nói với ai điều gì, Vân đi ra phố. Và đâu như vào quãng gần đến ngọ một sự việc bất ngờ xẩy ra khiến cuộc đời Vân tự nhiên xoay chuyển sang một hướng khác mà sau này khi đã bước sang ngưỡng cửa của tuổi ngoại bẩy mươi bà càng hiểu con ngưòi khi đã sinh ra đều theo hướng của những vì sao định mệnh quyết định
Chương mười hai
Trong thời gian đó do nhiều nguồn gián tiếp cũng có mà trực tiếp mỗi bận rẽ qua nhà Vân để cố tìm gặp cô dưới danh nghĩa là bạn thân thiết với ngưòi anh cả của Vân và Long đã khuất từ những năm tháng vất vả, nguy hiểm từ lâu chăm nom gia đình và các em, nay tự mình thấy trách nhiệm chăm sóc gia dình bạn nên Long thỉnh thoảng vẫn rẽ vào nhà Vân. Cứ y như rằng lần nào vào, Long đều cố không để lộ tình cảm thật của mình khi nghe bà Hai dường như chỉ chờ anh đến là mang câu chuyện về sự xắp lấy chồng của Vân ra kể với sự hồ hởi, thảo mãn. Những câu chuyện của bà rõ ràng đều ẩn chứa một điều mà Long cảm thấy bà Hai không nói thẳng ra. "Em nó sắp tới có chốn có nơi rồi, mong anh tha cho em nó, để nó nhẹ nhàng theo chồng". Ngoài mặt thì hớn hở, cùng những lời nói vun đắp nhưng trong lòng thì quả thật như có cái gì giống như tảng đá đang đè nặng. Cái anh chàng Thành nào cứ theo như bà Hai thì quả là ngưòi đàn ông thật đáng để cho những cô gái ao ước. Chả cứ anh ta có hình thức bề ngoài cáo ráo, ưa nhìn mà còn là người được xã hội trọng vọng. Chẳng những là cán bộ nhà nước hẳn hoi, lại còn là ông giám đốc oai vệ dưới tay có vài trăm cán bộ, công nhân. Người ta làm giám đốc nên mọi sự giầu sang, đầy đủ không phải bàn đến. Chẳng thế mà lần nào lên anh ấy cũng đều mang quà toàn những thứ mà chẳng ai đang sống không thấy cần thiết, trị giá vài ba nghìn bạc trở lên. Những thứ mà nếu nhà không dùng mang ra phố bán cũng được không ít tiền. Nhưng nói thế thôi, nhà này đã làm gì mà khốn khổ đến thế. Vả lại những thứ mà anh ấy biếu đều là thứ phải dùng. Thịt thà, đậu đỗ thì lũ trẻ nhà này dù cho mấy cân, mấy yến cũng chỉ ngoảnh đi ngỏanh lại đã hết bay… Sau những lần như thế, Long cố nén sự buồn bã ra về và nếu không có việc gì gấp gáp ở hợp tác thì anh lại một là rẽ ngang vào quán nước ngang đường, góc phố gọi chén rượu nhấm nháp để làm vợi đi nỗi day dứt đang chộn rộn trong lòng, hai là rẽ vào nhà Linh cùng anh chàng độc thân này đối tửu hàn huyên mọi thứ chuyện trên đời. Trong những lần như vậy, Linh thì luôn luôn muốn nói về Vân nhưng Long thì luôn gạt đi coi như một sự quên lãng. Còn sáng nay. Long rời nhà từ lúc quá tám giờ. Rẽ qua Mai hắc Đế lót dạ qua loa, rồi vọt lên cơ sở hai của hợp tác trên Yên phụ, quấy quá một lúc sổ sách rồi nói với chủ nhiệm vì tạ sự có việc với cơ quan khách hàng, Long lấy xe đạp thủng thẳng đạp ra phố. Chính lúc đo anh nhận ra hôm nay mình đang bồn chồn khi bất chợt hôm qua nghe Diệu Thuần lào thào rằng sáng nay gia đình hay cơ quan cái anh chàng Thành nào đó sẽ lên nói chuyện để định ngày ăn hỏi và ngày cưới Vân. Thế là như ngưòi vô định, Long thủng thẳng đạp xe hết phố này sang phố khác như một kẻ vô công rồi nghề. Những mặt ngưòi trên phố loang loáng, nhưng dẫy phố nặng nề trôi trôi. Chốc chốc hình như có tiếng ai đó gọi tên nhưng anh vẫn gần như không nghe thấy. Sau hàng giờ lang thang, rồi như một kẻ vô định, anh rẽ vào chợ Hàng Da mua gần một cân nem chạo, nửa cân lạc luộc. Rồi vòng qua quán nước quen thuộc mua hẳn một lít rượu, rồi như một kẻ đang vội vàng để giải quyết một việc cấp bách nào đấy, Long đạp thẳng xe đến nhà Linh. Vừa nhìn thấy Long, Linh cũng như mọi ngưòi bán hàng từ sáng đều ngạc nhiên vì khuôn mặt gần như lỳ ra vô cảm của Long. Bỏ chiếc bàn chải đánh răng ra khỏi mồm, Linh lụng bụng nói luôn
- May quá đệ vừa dậy. Hôm nay thì hoàn toàn thoải mải. Song ca hai tối qua rồi.
Long cố nhếch mép, dựa xe vào tường nhà, rồi xách túi đồ vừa mua khom lưng vào nhà. Ngay lập tức đằng sau anh là tiếng Linh hớn hở:
- May qua hôm qua nhà máy lại mổ bò. Đệ nhường hết phần thịt để đổi lấy lòng và cả quả tim. Ông anh xuống tận nơi mang về làm xong rồi dành cho đệ đây. Ngay đây đệ sẽ ra mua cần tây, cà chua. Thế là huynh và đệ hôm nay tha hồ đưa cay. Ái chà, một chai kia à. Tốt, nhưng mà này. Hôm nay ông anh không bận chứ?
Long im lặng gật đầu.
- Thế thì tốt rồi. Vậy có nghĩa là huynh và đệ hôm nay sẽ kịch đường tầu. à mà này. Có cần mời thêm ai không để đệ tiện thể ra phố gọi luôn.
Cần gì.
Hay là gọi Vân đến.
Vớ vẩn.
Long gần như quát lên làm Linh trố mắt nhìn ông bạn. Anh chàng lắp bắp như ngưòi có lỗi ;
- Được rồi, được rồi. Đệ xá lỗi cùng huynh. Còn bây giờ nước đây huynh cứ tự nhiên để đệ chạy ù ra chợ mua gia giảm. Ngay cái món chạo cũng là phải có anh mùi mới đủ com lê được. Đúng chưa huynh?
Không chờ cái gật đầu của Long Linh tuốt thẳng ra phố. Không biết cái chạy tuốt của anh chàng là bao lâu nhưng khi về Linh đã thấy ông khách ngồi gật gù trước chén rượu. Chai rượu đã vơi đi gần một phần ba. Khuôn mặt của Long thì bì ra với nước da đã chuyển sang mầu hơi xạm ngẩng lên, đôi môi bóng ướt mấp máy:
Về đấy à? Tốt. Vào làm chén đã
- Huynh đợi đệ chỉ chưa đầy mười phút là có đồ nhắm nóng sốt, thơm lừng.
- Câu nệ làm gì. Chạo đây, lạc đây. Thế là được rồi. Cần gì. Đời người mà suốt ngày chi lo đến sự đầy đủ hợp lý, hợp tình thì có mà hết ngày hết buổi Hết cả đời. Nào, làm chén đã. Cái giống uống rượu này mà uống một mình thì thấy lòng dạ tự nhiên cứ bồn chồn trống traỉ đến lạ.
Long chộp lấy cái chén, rồi quờ tay túm lấy chai rượu. Mặt anh cố giữ vẻ tươi cười như trong lòng đang thanh thản và không vướng một chút băn khoăn, lo nghĩ gì.
Linh giơ tay đỡ chén rượu nói theo đà:
Được rồi. Xin huynh.
Ngay sau đó Linh thật sự ngạc nhiên khi thấy hai chén chưa chạm nhau, chiếc chén trong tay anh còn đang chập chờn thì Long đã nhanh chóng dốc tuột rượu vào cái mồm há to chờ sẵn của mình.
- Huynh hôm nay có điều vui hay điều buồn mà uống kỉ lục thế? Không sao, không sao. Bữa nay đệ cũng sẽ cố theo huynh. Nhưng giờ… tạm thế đã. Để đệ…
Linh nói không hết câu đã vụt ra ngoài, trong khi đó tay của Long đã cầm cổ chai. Giọng ê a:
- Tội gì. Trên đời đánh đông dẹp bắc cũng vì miếng ăn. Mà đã ngồi vào mâm mà không có chén rượu thì còn gì là thằng con trai, thằng đàn ông nữa. ừ ông cứ đi đi nhưng nhanh lên rồi về. Con chó, con lợn mà ngay cả con rồng con phượng khi ăn thì một mình nó cũng ăn được còn đã là giống người thì ăn một mình đau tức, làm một mình cực thân. Các cụ dậy rồi cấm có chệch một ly.
Long nâng chén lên nhìn chăm chú vào lòng chén như đang tìm gì trong chất nước đùng đục lợn cợn, rồi như một sự vội vàng không thể dừng được. Hốc mồm lại mở rộng, dòng rượu lại đổ vào. Hình như sau ba bốn lần như thế thì Linh bước vào, mặt mũi hớn hở, một tay nghi ngút đĩa lòng bò, tay kia đĩa tim bò trên để mấy củ hành trần qua cũng đang bốc khói. Long nhìn thấy thế gần như reo lên một cách hỉ hả:
Ông thế mà giỏi. Nhưng mà ngồi xuống đây đi.
Để đệ lấy bát đũa đã.
Long lẳng lặng gật đầu. Khi Linh đặt cái bát kèm đôi đũa xuống trước mặt Long thì thấy mắt anh này đang nhíu lại.
- Con người quả là rắc rối. Đến ăn là động tác có khác gì con vật, bởi lẽ đơn giản muốn làm vương làm tướng gì cũng phải có cái nhét cho đầy cái dạ dầy thì người ta muốn vui mới vui được, muốn buồn mới có sức mà buồn. Con người thì hai, ba bữa, con vật thì vớ được lúc nào thì cho mồm lúc ấy. Vậy mà giống người lại cứ dứt khoát phải cần đến những phụ tùng rắc rối như thế này. Không sao, không sao. Ông ngồi xuống đi. Ta mừng sự xào nấu thành công của ông đã mang lại lại mùi thơm thật quyến rũ
Vâng, xin mời đại ca.
Tiếng cạch khẽ của thành chén va vào nhau vang lên xen lẫn tiếng chuông xích lô khá to đột ngột lọt vào cùng tiếng ai đó kêu "có nước có nước máy". Rồi trong tiếng động vụn và rối của phố phưòng vọng vào không biết bao nhiêu lần tiếng cạch đó vang lên khi to, khi nhỏ cùng tiếng hai ngưòi đàn ông say tranh nhau kể lể những điều gan ruột nhưng chẳng ai trong họ để ý Có thể do Linh uống sau, có thể do anh biết mình đang là chủ không thể say hết mức, say đến mờ mịt hết mọi điều nghĩ ngợi nên trong hai ngưòi đang ngất ngư. Linh đang cố cầm cự để lấy sự tự chủ. Có lẽ vì vậy nên Linh bất chợt thấy Long ngọ nguậy rồi nhúc nhích tấm thân giờ đây đã trở nên khá nặng nề của mình vào gần chiếc tủ chắc đã có lâu lắm trong căn phòng nhỏ này đến mức nó như bị quên lãng, hay là sự mặc nhiên về sự có của nó trên cõi đời này. Mầu tủ nổi vân lên đen bóng, chai lỳ hơi rung rung khi Long tựa lưng vào mặt tủ. Tay đà đận đưa chai rượu ra phía trước. Linh thấy vậy cũng giơ chén của mình ra, nhưng hai chiếc chén chưa kịp chạm nhau thì Long đã co tay lại. Trên khoé mắt của anh xùi ra giọt nước trong veo mỗi lúc một lớn:
Huynh có điều gì buồn phải không?
Buồn cái chó gì. Việc gì mà phải buồn.
Sao huynh lại khóc?
Linh hỏi một cách ngớ ngẩn và ngay sau đó anh cảm thấy ân hận vì sự nhỡ mồm của mình, nhưng nhìn khuôn mặt đang lì ra của ông bạn rượu thấy rõ ràng câu hỏi của mình gần như không mảy may tác động.
- Trời hôm nay hơi nóng thì phải? Long giơ bàn tay đang cầm chén rượu lên quệt ngang mặt lẩm bẩm.
Hơi thôi. à thế Huynh có cần nước mát để hạ hoả không?
Có gì đâu mà dã gọi là hoả. Uống đi đã. Nào nâng chén lên.
Nói là vậy nhưng chén rượu trong tay Long chỉ hơi nhúc nhích trong đà trượt lên đôi môi ướt, mọng tai tái của anh. Long ngửa cổ. Một tiếng "ực" gần như cố ý thật to.
- Huynh xơi miếng này đi, kèm theo củ hành.
Đũa của Linh đang giơ ra, anh chợt nghe thấy tiếng động nhẹ cùng tiếng chít chít sau lưng. Linh ngoảnh lại, thấy con chuột bằng cổ tay đang giơ hai chân trước lên. Đôi mắt tròn xoe của nó dạn dĩ, khiêu khích nhìn thẳng vào Linh khiến anh bật cười. Nhưng ngay lúc ấy Linh lại nghe thấy tiếng uỵch thật to. Anh quay lại và thấy ông bạn rượu của mình ngã lăn quay, hai mắt nhắm nghiền cùng đôi môi mấp máy.
- Huynh, huynh sao thế?
Chỉ nghe thấy tiếng ọ ẹ cùng tiếng ngáy vang lên rờn rờn. Nhưng mọi sự chưa được bao lâu, đột ngột Long ngồi bật dậy dưa đôi mắt ngơ ngác, thảng thốt và dài dại nhìn xung quanh rồi đưa hai tay lên ôm chặt lấy cổ mình. Ngay sau đó một tiếng ho khan bật ra để rồi ngay lập tức một dòng nước đùng đục, lợn cợn từ trong hốc mồm há rộng của Long phọt ra. Linh bật dậy thật nhanh và nghiêng người tránh khỏi. Dòng nôn phọt thẳng về phía con chuột khiến con vật lì lợm hoảng hốt chui tụt vào gậm tủ. Chuỗi nôn gần như không nén được vọt ra một lúc gần bằng quãng thời gian người nghiện rượu uống hết bốn chén tống rượu. Khi cơn nôn dừng lại, Long hốt hoảng nhìn Linh. Sau dó anh chống tay vào đầu gối định đứng dậy, thì bất đồ anh ngã bổ chửng, đầu lao vào chiếc tủ. Toàn thân Long duỗi dài, run rẩy. Trong khi Linh đang lúng túng thì anh nghe thấy Long khò khè nói. Giọng yếu ớt chập chờn như vọng từ chốn rất xa xôi:
Ông tha lỗi cho tôi nhé. Tôi không hiểu sao…
Không không. Huynh cứ nằm nghỉ đi.
Ông, ông. Ông làm thế nào tìm cho tôi cô, cô..
Vân phải không?
Long lặng lẽ gật đầu
Chương mười ba
Các nhà triết học bỏ ra không biết bao nhiêu là thời gian vàng ngọc của đời người để viết hàng chồng sách, và hùng hồn trên hàng trăm, nghìn diễn đàn chỉ để chứng minh một chân lý mà các vị cho rằng với sự cao siêu của triết học và kiến thức mới tìm ra đó là"sự phát triển của cuộc sống con người đều tuân theo những qui luật". Nhưng nói gì thì nói chân lý hay đến đâu cũng chỉ tồn tại trong kiến thức và sách vở. Hai thứ này lại đúc rút qua sự rối rắm, và đôi khi nhăng nhít cuộc đời. Còn xét về mặt thực chất thì trong sự đa dạng, phức tạp, sống động kể cả bước ngoặt của đời một con người, và lắm khi của cả một dân tộc đôi lúc phụ thuộc vào những tình tiết cực kì bé nhỏ và ngẫu nhiên. Nếu Mao trạch Đông không từng làm thủ thư thì người Trung hoa vào nửa sau thế kỉ hai mươi không đến nỗi phải mồm lẩm bẩm và tay thì giơ trích lục. Hay vào một đêm đầu Mậu Thân đàn ngỗng không tự nhiên kêu rống lên khi phát hiện ra ngưòi lạ thì có lẽ xứ Việt nam ta đã nối liền ít nhất sớm hơn hàng chục năm trời. Hàng vạn thanh niên của ta và của Mỹ đã không phải bỏ mạng, hàng vài chục nghìn đứa trẻ sinh sau chiến tranh sẽ không bị còng queo chân, tay, hay đầu to mắt nhìn ngơ ngác vì bố mẹ của chúng bị ngấm chất độc màu da cam. Còn Vân nhân vật của chúng ta buổi chiều hôm đó mặc dù đã về quê những rồi lại lập tức quay ra Hà nội để đưa cô em con nhà chú đi mua thiếp mời, sau khi xong hết mọi việc, chiếc quai dép không tự nhiên bị đứt khiến cô phải vào nhờ ông chữa xe đạp ở ngã tư Lí quốc sư nhổ ra đóng hộ thì làm sao gặp anh chàng Linh đang thể hiện lòng tốt với bạn bè hùng hục đạp xe dọc theo những đường phố mà Linh cho rằng Vân vẫn hay đi qua. Nếu như… Đúng rồi nếu như không có sự bất ưng đó Vân đi chán rồi về nhà vì nghĩ nhà anh chàng Thành và biết đâu cả họ hàng anh chị em chắc đến lúc gần trưa vì chờ quá lâu nên có thể đã về rồi. Nhưng Vân lại không lường, hai ông chú, ba bà cô của Thành hôm đó mãi đến gần ba giờ mới đến nhà Vân để rồi họ cùng me của Vân sốt ruột chờ cô cho đến hơn sáu rưỡi chiều hôm đó. Khi Linh nhìn thấy Vân, kim đồng hồ đã chỉ vào con số năm giờ chiều. Vừa nghe Linh nói, Vân mặt tái mét bởi một sự ân hận gần như nằm rát sâu trong đáy lòng chỉ chờ dịp là bùng lên. Càng nghe Linh nói Vân càng cảm thấy chính vì cô mà Long đã lâm vào hoàn cảnh trớ trêu này. Từ hồi biết Long mấy chục năm, khi anh cả Phong còn sống đến nay đã bao giờ cô thấy Long uống rượu say đến độ như thế này. Vậy mà… Vì mình. Đúng là vì mình thật rồi. Me không nói nhưng mấy ngưòi cùng phố, nhất là cô con gái gia đình mà nhà Vân cho thuê ở trên gác hai cũng cứ úp úp mở mở, giả bộ ngây ngô cứ nói choang choác lên rằng. Anh Long thỉnh thoảng có đến như có ý tìm Vân nhưng Vân lại đi vắng. Cứ nghe giọng nói của cô ả, cái tên của cô ta đã thấy quê rồi. Lủ, con nhà ông Lũ. Vân tự nhiên thấy bực với chính suy nghĩ của mình. Gác hai nhà Vân đang thênh thang. Giường của Vân đang kê trên đó tự do, tự tại. Vậy mà chính quyền tiểu khu đến nói là vận động nhưng thực ra là bắt ép nhà Vân phải cho đến hai hộ gia đình từ tận Thanh hoá, Nghệ an ra thuê. Thế là Vân đành dọn xuống tầng một, quây cót thành một phòng riêng biệt cho kín đáo. Thời buổi này thật lạ. Ngay của nhà mình mà mình cũng không có quyền.
Đấy, đấy Vân đi khéo, chỗ ấy hòn gạch hơi cập kênh đấy.
Linh nhắc với vẻ săn đón và quan tâm lộ liễu, nhưng Vân thích thú bởi vì nó làm đứt đoạn dòng suy nghĩ không ăn nhập gì với sự lo xa đang cồn lên trong lòng cô hình ảnh ngất ngư say rượu của Long. Không biết hai người này phải uống đến bao nhiêu rượu, mà chính anh chàng đang lai Vân cũng có vẻ lắc lư, và mùi rượu thì nồng lên mỗi khi anh ta nói. Cái giống đàn ông kể cũng lạ. Rượu thì cay xè, béo bổ gì mà mười người thì có đến chín ngưòi mê say đến mụ mẫm thứ nước mà Vân chỉ cần ngửi mùi đã thấy đầu óc quay cuồng, lòng dạ muốn nôn thốc nôn tháo ra rồi. Vừa bước xuống cửa nhà anh chàng Linh đã thấy mấy người đang ngồi bàn tán quanh quán nước ngó đầu ra, cùng những tiếng "ái chà "vô ý. Vân cố làm ngơ bước qua dẫy hàng gạch chắc trước đây là một bực thềm nối vào chiếc sân gạch, giờ chỉ còn trơ ra mầu xi măng cùng lớp gạch vỡ mủn pha đất đen xỉn.
ấy, ấy. Vân hơi cúi đầu một chút đi.
Tiếng anh chàng Linh cố làm ra vẻ điệu đàng nhưng cũng ngay lập tức Vân muốn rút mùi xoa ra bịt lấy mũi vì, một thứ mùi pha tạp giữa mũi nôn mùi rượu và mùi thức ăn xộc lên.
- Chà trời mau tối quá. Khổ hôm nay đến lượt khu phố này cắt điện. Vân chờ tí nhé.
Anh chàng Linh bấy giờ mới tỏ ra lúng túng thật sự, nhưng vẫn cố làm ra điều chủ động. Vân loay hoay chưa biết đứng chỗ nào trong căn phòng quá chật hẹp. Trong đầu cô vương vấn một ý nghĩ khó dứt "tại sao Long có thể đến chơi, ăn uống một chỗ như thế này. Tính anh ấy vốn ưa những chốn khang trang kia mà "
Đây rồi. Đây rồi.
Anh sáng vàng đục của ngọn đèn bão hơi lay động, cùng lúc đó có tiếng chân của Long đạp xột xoạt trên giường cùng tiếng lảm nhảm của anh. Vân bỗng đỏ mặt khi nghe loáng thoáng trong chuỗi âm thanh đứt đoạn đó có tiếng Vân khá rõ.
Anh ấy gọi tên Vân thì phải.
Các anh uống bao nhiêu rượu mà đến nông nỗi này.
Vân nói với vẻ trách móc.
- Có đáng bao nhiêu đâu. Có thể do anh Long buồn quá, nên chỉ uống mà hầu như không ăn. Món nhắm ngon thế này mà anh có đụng đũa đâu. Thành thử… Chứ mọi khi thì đâu đến nỗi nào
Nhà có vôi không anh?
Bôi vôi hết cả hai gan bàn chân, lòng bàn tay rồi.
Giọng nói lè nhè có hơi men của Quang sứt anh trai Linh nói vọng vào. Vân ngửng mặt nhìn thấy một ngưòi đàn ông có khuôn mặt hao hao giống Linh đang giang rộng hai tay bám vào thành cửa. Cái đầu chớm hói của anh ta gật gù.
Anh trai của Linh đấy.
Cô đây là… Người.. của cậu kia à?
Không không, là emgái
- Thế hả. Vậy thì tối nay thằng Linh lên nhà nằm với bố, để cho cô ấy săn sóc anh cô ấy ở dưới này. Xem ra có vẻ căng đấy. Lúc tớ bôi vôi vào chân vào tay mà không thấy thằng cha ho he, động đậy gì hết. Đang gió. Đưa ra ngoài bây giờ trúng phong một cái là khốn nạn đấy. Còn lúc nào nó tỉnh ra mua cho nó bát phở, hay bát cháo hành tía tô ăn xong là đỡ ngay thôi. Cái giống say rượu là thế. Say lả say lơi thế nào cũng không chết đâu mà lo. Thế cô ăn uống gì chưa?
Dạ chưa đâu ạ. Linh nhanh nhẩu trả lời thay Vân đang lúng túng.
- Thế thì mày mang ăng gô ra mua cho cô ấy bát phở. Ăn no rồi trông thằng anh. Đàn ông, con trai nó khốn nạn thế đấy. Không uống thì thèm mà uống vào thì khác chi con chó.
Kìa anh Quang. Linh cố cười nói với anh
- Ừ tao biết mày cần tế nhị rồi. Tao lên đây, đi mua cho phở cho cô ấy đi, thế là yên tâm rồi. Anh em chơi với nhau thì phải bảo ban. Góp ý cho nhau, chúng mày thật là, thật là…
Nói xong Quang sứt lảo đảo đi ra. Linh loanh quanh, hết soi đèn bới tìm thứ gì ở đầu giường, rồi lại chạy lên nhà. Có tiếng hai anh em lầu bầu, rồi tiếng của bố Linh nói như cố dàn hoà
- Nhà đang có khách lạ. Hai anh em giữ ý một chút. Còn cái ăng gô để ngay dưới chân bàn mà Linh không thấy hả con?
- Nó thì có tìm ra cái gì bao giờ đâu.
Vân đang bồn chồn nhìn quanh thì Linh ghé đầu vào, giọng cố làm ra vẻ nhẹ nhàng:
- Cô ngồi trông anh Long nhé để tôi chạy ra đầu phố mua cho cô bát phở dù sao cũng phải ăn một chút cô ạ
- Đừng. Đừng. Thế thì phiền anh quá. Với lại tôi chỉ ở đây một lát thôi. Khuya tôi về cũng được. Mới lại tôi không thấy đói.
- Không sao đâu. Vân không phải khách sáo. Kìa kìa cô kéo cái chăn dạ lên đắp cho Long một chút.
Nói xong Linh lập tức biến mất sau ánh đèn chao đảo, vàng xuộm.
Không biết Linh đi bao lâu, còn Vân thì thấy sao thời gian chạy chậm thế Tiếng ngưòi nói lao xao rộn lên một lúc rồi ắng xuống. Ngoài đường phố giờ đây đã vắng lặng lắm thì phaỉ. Bất chợt Vân thấy lạnh gáy, da gà nổi lên. Tiếng chuột lích rích sau đó là tiếng bò sột soạt. Vân bật đứng dậy. Tất cả trở lại im ắng. Vân thoáng cười vì sự nhút nhát của mình. Sao anh chàng này đi lâu thế còn mình cũng vô duyên thật, tự nhiên không quen, không thuộc, ngoại trừ lần anh chàng này chớp nhoáng, đảo nhoàng đến nhà mình. Vậy mà mình lại có thể đến nhà ngưòi ta một cách thật dễ dãi. Vì sao nhỉ, hay chỉ vì mới chớm nghe tin về Long là mình đã theo anh ta. Nhỡ… Thôi. Vân rùng mình cố xua đuổi ý nghĩ ghê gớm đang lởn vởn trong đầu. Long cựa quậy mình rồi đưa hai tay đặt cả vào ngực. Ngay lập tức, mái đầu rậm tóc của Long ngọ nguậy, đôi môi mấp máy. Mùi rượu oải trong miệng xực lên khiến Vân phải quay mặt đi
- Không. Không bao giờ cả…
Vân nhăn mặt cúi đầu. Thì vừa lúc ấy, Long co cả hai chân lên đập mạnh xuống mặt giường. Vân đang cuống lên không biết xử lý thế nào thì Linh xách cặp lồng bước vào
- Thôi. Cô để tôi trông cho. Ăn cho nóng. Ra chậm một chút là hết. Ngày xưa hiệu này bán đến một hai giờ sáng vẫn còn nạm, gầu, thế mà bây giờ mới chưa đến chín giờ đã hết sạch chỉ còn phở không người lái. Chán quá Thôi đành ăn tạm Vân ạ.
Đã chín giờ rồi ư. Thế thì tôi phải về, phải về thôi
- Ai lại thế? Cô phải ăn một chút đi. Rồi cô ở lại trông anh Long chứ ai lại…
Không. Không. Thế này là được rồi…
ở đây cô không phaỉ ngại gì cả.
Tôi không thể, không thể
Hai ngưòi đang nói thì bất chợt Long bật dậy, ngơ ngác nhìn quanh rồi đưa hai tay lên ôm đầu kêu rống lên:
Trời ơi, tôi đau đầu quá, đau đầu quá.
Sau tiếng kêu Long lại nằm vật xuống. Miệng anh há to thở hồng hộc
- Sao thế, sao thế? Anh Quang sứt lại hiện ra ở cửa ra vào lanh chanh nói. Liền sau đó là tiếng nói chậm rãi thận trọng của ngưòi bố trong tiếng lao xao của đám trẻ và mấy cô chị dâu
- Anh cả vào xem xem thế nào. Bố chỉ sợ anh ấy trúng gió. Thôi cứ gọi xích lô đưa anh ấy đến nhà thương đi. Nhà thương Phú doãn hay nhà thương hàng Gà. Ngay đây thôi mà.
Bây giờ ba phải gọi là bệnh viện
Ừ thì bệnh viện.
Ngay lúc đó Long lại trằn mình lên, quật đi quật lại. Miệng vẫn không ngừng thở dốc ra.
- Đấy thấy chưa. Linh ra nhà chú Tũm đầu phố gọi xích lô đi. Có em gái anh ấy ở đây thì lo gì nữa.
Thực tế của cuộc sống đôi khi dồn con ngưòi vào những tình huống mà người ta không thể không theo mặc dù trong sự việc đó là một sự trớ trêu, khó chịu. Vân đêm đó đúng là như vậy. Cô ngồi trên xích lô để Long tựa vào vai. Chiếc chăn dạ hôi xì của nhà Linh phủ kín hai người. Còn Linh đạp xe theo. Mãi đến hơn mười hai giờ cô mới từ bệnh viện Phủ Doãn về. Cô đã nói rồi. Gì thì gì Vân vẫn phải về, không có me cô sẽ không ngủ được vì nóng ruột mong ngóng, không biết cô đi đâu
Chương mười bốn
Khi Long đã hơn bẩy mươi tuổi. Thỉnh thoảng ngay giữa lúc đang ăn cơm cùng gia đình, nhất là những khi có đầy đủ con dâu con rể cũng các cháu nội ngoại quây quần, ông đột nhiên ngẩn ngưòi ra khi nghĩ đến những tháng năm tuổi trẻ của cuộc đời mình. Những phút giây xốc nổi, những khoảng khắc bồng bột ngây ngô. Lúc ấy nhìn khuôn mặt bố như lỳ ra tưởng như đang chìm vào quá khứ. Lệ người con gái thứ hai của ông-một người mà dù đi lấy chồng đã gần hai mươi năm, con cái đã lớn và tuy ở xa cách biệt nhưng vẫn luôn luôn để ý từng động thái của bố với sự xót thương và quan tâm đặc biệt liền hỏi nhỏ bố:
Kìa bố. Bố làm sao đấy? Bố ăn đi chứ. Cơm nguội hết cả rồi.
Nhưng có bao giờ cũng vậy, phải đến câu hỏi thứ hai ông Long mới như người đột ngột bừng tỉnh. Làn môi mỏng của ông nhuềnh ra, đôi đũa trong tay ông vung vẩy. Ông lắc đầu và nói như người nhận ra lỗi lầm của mình.
Có gì đâu con.
Tuy nói vậy nhưng sau đó trước mắt ông như vụt loé những con đom đóm nhỏ, những con đom đóm mà hình như ông đã từng nhìn thấy từ góc lều giữa vườn đào trong đêm trốn lính ở vùng Nhật tân. Ôi, cái vùng nhật Tân một thủa. Tiết xuân về. Mưa phùn lây rây càng như tô thắm thêm mầu sắc rực rỡ của những cánh đào bé nhỏ, mông manh. Kể cả chiếc lô cốt đen xạm nằm chềnh ềnh giữa ngã tư đường lên Chèm, đường vào Bưởi cũng không át nổi mầu hồng nhạt của đào phai, mầu đỏ rực của đào bích. Còn bây giờ thì chỉ thấy những dẫy nhà cao lênh khênh và con đường đôi san sát nhà tầng. Kể ra cũng là đẹp, cũng là văn minh nhưng sự đẹp, sự văn minh đó đặt ở đâu chả được chứ vùng đào cổ truyền hiếm hoi đó phải giữ lại cho cháu con thưởng ngoạn hà cớ chi phải tàn phá nó đi. Ông cố nén tiếng thở dài, chống tay vào đầu gối đứng dậy.
Ông uống thêm chút nữa nhé.
Chồng Lệ nhoẻn cười nói với bố vợ
Thôi, thôi để lúc khác. Bố đủ rồi, đủ rồi. Thật mà…
Mấy đứa bé nhìn ông cười khúc khích. Ông quay lại nhoẻn nụ cười ngô nghê rồi nói như thanh minh
Ông đi nghỉ tý đã. Một lúc sau là ông hết ngay thôi mà.
Đã bảo anh rồi. Đừng để bố uống rượu thế mà
Lệ hơi cau mặt nhìn chồng khiến anh chàng cao lớn như vừa mắc phải chút lỗi lầm nào đấy. Môi nhoẻn cười nhưng đôi tay lóng ngóng như thừa ra.
Thì mọi hôm bố vẫn uống có sao đâu
Dạo này ông ấy bị áp huyết nên…
Ông Long nghe rõ tiếng vợ nói, ông thoáng hơi rùng mình, hình như ông ngửi thấy hơi rượu phảng phất đâu đây. Ông ngả đầu vào chiếc gối. Một mùi mồ hôi quen thuộc đọng lại từ rất lâu. Nhưng năm tháng của đời ngưòi vùn vụt trôi qua nhưng hơi ngưòi thì dường như chẳng bao giờ.. Ô mùi rượu đột nhiên từ đâu bay đến khiến đầu óc ông lãng đãng, ngất ngư…
Một chiếc giường bệnh viện lờ mờ hiện ra. Rõ ràng ông Long thấy mình đang nằm im lặng trên chiếc giừơng ấy. Ông cố ngẩng lên nhưng đầu ông nặng trĩu như có vật gì buộc ríu dưới gáy kìm ông lại. Mấy người đàn ông và đàn bà mặc áo blu trắng toát đi đi, lại lại. Mặt người nào người nấy căng thẳng đến độ giống hệt mặt những pho ma nơ canh ở hiệu quần áo Đức Hạnh phố Hàng Trống. Một người đàn ông để ria con kiến cầm chiếc xi lanh trong suốt xen vào giữa đám người. Ông ta hình như đang lại gần Long. Chiếc kim to dần nhọn hoắt y hệt như ngọn giáo của tay diễn viên chuyên đóng lính hầu ở rạp Chuông Vàng giữa phố Tạ Hiền. Chưa nhận ra điều gì thì bất ngờ Long rúm ngưòi lại, thấy đau nhói bên hông. Ông cố vùng vằng để cố thoát khỏi cảm giác co hai hàm rằng đang nghiến vào da thịt ông một cách dữ dội, không chút thương xót. Cơn đau như có hình của chiếc răng cưa đang xiết đi xiết lại và đang miết thật khắp cơ thể.
- ối ối. Long kêu to khiến mọi người đều nhất loạt ngoảng lại. Nhưng lạ một điều là mấy người đứng xung quang giường của anh đều lắc đầu, nhăn mặt có hai ba cô gái giơ tay lên bịt mũi. Mùi rượu và hình như có cả mùi nôn thức ăn bay xộc ra bao phủ lấy Long
- Anh cố một chút nữa thôi. Để yên cho bác sĩ tiêm, không có nhỡ một cái gẫy kim tiêm thì khổ
Nghe tiếng nói quen quen ngay bên tai, Long đưa mắt lên, và anh chợt thấy lòng dạ bỗng nhiên nhẹ bỗng vì anh nhìn thấy rõ ràng khuôn mặt dịu dàng của Vân.
Anh ấy uống chắc phải nhiều lắm thì phải
Có tiếng nói xa xôi vọng đến. Ngay lập tức mùi rượu lại bốc lên ngan ngát, thoáng một chút gây gây. Ôi cái mùi quen thuộc từ rất lâu rồi thì phải. Những lần trong phòng khách rộng mênh mông của nhà Vân, khi đó Phong còn sống. Hai người bạn gật gù bên chai Mác ten. Cả những lần của bữa ăn ở nhà Long. Những đứa trẻ nhà Long chỉ choé tranh nhau gắp miếng thịt mà Diễm cố ý thái thật nhỏ giữa những miếng đậu vàng nhạt vì rán qua cùng miếng cà chua đỏ rực. Bìa đậu sống Diễm dành cho anh đã cắt sẵn để trên chiếc đĩa thuỷ tinh trong. Miếng đậu trắng tinh nằm giữa mấy ngọn kinh giới xanh ngắt
Hưng. Chỗ ấy để cho bố uống rượu đấy.
Nhưng bố cho anh Dũng một miếng cơ mà
Đây đây. Bố cho con đây
ứ ừ. Đũa của bố có ớt cay lắm
Cái mùi ấy còn phảng phất bao trùm cả căn phòng bé nhỏ của Vân được quay bằng cót ép giữa phòng khách mênh mông. Bên kia tiếng chí choé léo xéo tranh thức ăn của con nhà Vũ.
Chị làm thế nào mà để anh ấy uống nhiều thế.
Cô y tá đang bê khay dụng cụ tiêm nhìn Vân
- Đàn ông mà uống thì giời cũng không thể cản được. Thôi thế cũng là may. Chỉ thiếu một chút nữa thôi. Không cái chính là anh ấy bị cảm. Chứ nếu không… Chị cứ để anh ấy nằm một, hai tiếng rồi đưa anh ấy về.
Vâng, vâng.
- Chị đúng là ngưòi vợ hiền chứ phải tay tôi ý à. Lành làm gáo vỡ làm môi chứ đời thủa nhà ai. Cứ thấy rượu là nốc quên cả vợ cả con
Chị y tá mặt rỗ hoa nhấc cái khay nhôm chớm cong queo ở cạnh vì dùng đã lâu vừa khen Vân vừa ca cẩm
Vân cảm thấy mặt mình nóng rần rật. Cô gật đầu chiếu lệ và cũng không muốn thanh minh một chút nào. Trong lòng cô vẫn chứa đầy sự áy náy. Cô vừa mong vợ anh ấy đến vừa không. Nhưng bỏ anh ấy một mình trong bệnh viện giữa những người xa lạ thật không đành lòng. Dù sao anh ấy cũng là bạn thân thiết của anh cả mình. Hơn nữa hai người đã từng… Ngay trong ý nghĩ, Vân cũng thấy sường sượng khi nghĩ về quan hệ đối với anh ấy. Nhưng rõ ràng, nếu cứ kéo dài mối quan hệ này thì Vân đúng là có lỗi đầu tiên trước Chúa. Giê su ma, lạy chúa lòng lành. Con biết từ trên cao, ngay cả trong sự mông lung xa lắc, giữa hằng hà xa số những kiếp người dưới trần gian này, Ngưòi vẫn thấy lỗi lầm khủng khiếp của con. Con cũng hiểu lời thầm thì của Người ngày ngày nhắc trong lòng con về sự cần phải tránh xa và dần dần đi đến đoạn tuyệt sự ngang trái này. Vì lẽ đó nên dù không một chút tình, y hệt như những người qua đường khác nhưng… Con đã cố để gắn kết với Thành để rời xa anh ấy, nhưng đúng là quỉ sa tăng xui khiến bầy đặt ra câu chuyện này. Nhìn Long vật vã trong cơn say, lâu lâu lại lảm nhảm những câu gì không rõ ngoài tên Vân. Và anh chàng Linh nữa chứ… anh chàng Linh, ngưòi bạn mà anh ấy mới quen vậy mà… Quả thật nhìn đôi mắt hấp hay của anh chàng ấy nhất là khi anh ta một mình đến nói chuyện về Long, và trong những lời nói vòng vèo rõ ràng Linh muốn Vân gắn thật chặt với Long, đừng xa rời. Nhưng cái nhìn ấy hướng về Vân mà cô bất chợt bắt gặp thì thật là… Thật khó mà hiểu được lòng dạ con người. Đúng là Long đã vì quá buồn mà uống rượu đến mất cả sự tỉnh táo, rồi lại vì cảm gió. Nhưng đáng ra Linh phải đến nhà của anh ấy mà báo cho Diễm biết để cho vợ anh chăm nom anh ấy. Vậy mà… Đúng là sự xếp đặt của quỉ Sa tăng thật rồi…
Vân rùng mình khi nhìn vào khuôn mặt tái xám của Long, rồi chợt nghe thấy tiếng cô y tá chào ai đấy. Vân rùng mình khi nghĩ đến Diễm đột ngột vào bệnh viện và cơn giận dữ của chị ấy khi thấy Vân đang ngồi đây bên cạnh người chồng yêu quí. Cô cố không nhìn lên, nhưng cô cảm thấy bất lực không thể chủ động nổi hành vi của mình. Khuôn mặt Linh bất chợt hiện ra giữa khung cửa gỗ có nẹp những vạch đồng cũ kĩ với cái nhìn hấp hay.
Anh ấy thế nào rồi?
Linh sốt sắng hỏi ngay từ khi mới bước một chân vào phòng. Cô y tá có khuôn mặt hơi rỗ hoa giơ tay ra hiệu im lặng, nhưng hình như thuận mồm cô nói luôn.
- Cơ bản là tỉnh rồi. Các vị có thể cử ngưòi ra thanh toán viện phí rồi đưa bệnh nhân về. Nhớ khi về đừng cho ăn nặng vội.
Viện phí? Vâng vâng.
Vân gật đầu như một cái máy định bước đi theo chân cô ý tá thì vừa lúc đó Diễm hiện ra, đôi lông mày rõ ràng mới tỉa của cô cong lên như ngạc nhiên. Đôi môi hơi hé mở mấp máy. Vân đứng sững lại như bị chân bị chôn trên nền nhà
Kìa chị
- Không dám chào anh. Thế này thì quả là không thể tưởng tượng được. Cô Vân. Tôi không thể ngờ cô, cô… dám, dám
Chị. Tôi, tôi. Tất cả đều tại tôi hết.
Linh lắp bắp đúng với vẻ của ngưòi đang nhận lỗi. Sau đó anh nói như tuôn ra.
- Tại tôi, tôi mời anh ấy uống rượu. Thật không ngờ anh ấy bị tráng gió. Thành thử… Tôi lại không biết nhà chị. Đúng là sơ xuất quá. Thế là đang lúc bối rối như thế thì gặp chị Vân. Tôi nhờ chị ấy.
Thôi, thôi. Không phải khéo bịa chuỵên nữa.
Tiếng Diễm tự nhiên cao vót lên
Các anh các chị nhớ cho là đang ở trong bệnh viện.
Cô ý ta rỗ hoa đang giơ tay nhắc mọi người thì một bà y tá già mặt mỏng dính thò đầu vào giọng khàn khàn, nói như ra lệnh:
- Ai thanh toán việc phí cho bệnh nhân Lê Văn Long thì ra ngay, kẻo sắp đến giờ khoá sổ buổi sáng rồi nhé.
- Tôi đây. Được rồi, xong xuôi tôi sẽ vào. Gì thì gì cũng phải làm cho ra nhẽ. Chứ không thể rấm rúi, vớ vẩn thế này maĩ được
Diễm vừa khuất sau cánh cửa kéo có thanh nẹp đồng đã bắt đầu rỉ vì bị bong lớp mạ, thì Linh bảo khẽ Vân:
- Chị về đi. Rồi tôi sẽ giải thích cho chị ấy. Nhanh lên. Nhanh lên. Đừng để mọi ngưòi ở đây hiểu sai rồi mang tiếng ra
Vân nhìn thoáng về phía Long đang nhắm mắt thở đều đều, rồi lặng lẽ ra về lòng nặng trĩu.

<< PHẦN IV - Chương 7 | PHẦN V - Chương 1 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 607

Return to top