Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Tiểu Thuyết >> HÀ NỘI - TÌNH NHÂN

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 33927 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

HÀ NỘI - TÌNH NHÂN
Nguyễn Hiếu

PHẦN III - Chương 10

Sau này khi mọi sự đã trở thành đơn giản và tất yếu như tháp rùa thì phải mọc giữa Hồ Gươm và nhà thờ thì mọc ở đoạn giao nhau giữa Lý Quốc sư và phố Hàng Trống. Ngày xưa khi mới ra đời cái gì cũng là sự trăn trở, vất vả, dằn vặt và day dứt, khi hình thành một kiếp người, một sự vật nhưng tồn tại lâu trên mặt đất rồi thì mọi điều lại là nhiên dĩ nhiên như sự ra đời tất yếu của mọi vật thể khác. Mối quan hệ của Long và Vân sau này không chỉ hàng phố, những người bạn thân của hai người, những người họ hàng xa gần và ngay cả Diễm vợ Long khi về già cũng coi như một mối quan hệ định mệnh. Đã là định mệnh rồi thì ngưòi trần mắt thịt làm sao cản nổi. Mấy lần đánh ghen hết to lại nhỏ, hết mai mỉa, xỉ nhục công khai hay nói xấu khi có mặt, lúc sau lưng. Rồi xé quần xé áo chỉ mặt, lên đến lãnh đạo tiểu khu, đến gia đình. Hết nguyền rủa, thề bồi lên đền nọ phủ kia để xoá cho bằng sạch sự say mê gần như mất lý trí của Long và Vân. Nhưng nào có được. Tách bạch đượcc này thì lúc khác lại dính vào nhau. Thề thốt chán cho sự dứt khoát rồi lại ráp khít hơn. Đó là hai con người, một đàn ông, một đàn bà. Mà cũng chỉ một đàn ông, một đàn bà mới có sinh ra hiện trạng gắn kết với nhau tự nguyện, không ai gò bó, chẳng có thế lực nào có thể ép buộc.. Hiện trạng hai người xây nên chẳng biết là bất hạnh hay hạnh phúc vì cả hai đều cảm thấy cuộc đời này luôn cần có nhau và phải có nhau dù xa dù gần mới đầy đủ và trọn vẹn cuộc sống của mỗi người. Thời gian riêng thì mênh mông nhưng cũng thật hãn hữu Thôi thì, cũng đành. Ngoảnh đi ngoảnh lại một đời người chưa kịp sống, chưa kịp đủ hiểu lẽ trên đời, chưa kịp nếm trải mọi mùi vị chát chua của sự cay đắng, hay bùi ngọt của sự may mắn thì đã thấy lù lù nỗi mệt mỏi của già nua xộc đến. Để rồi thấy lù lù nỗi chán chường của mầu son nhạt của cỗ quan tài. Trong khi đó thiên hạ đang hồ hởi bởi niềm vui ngây dại mà sự giải phòng mang đến bỗng trở nên tao loạn bởi bầy máy bay giặc ngày ngày bất chợt ập đến, rồi cũng bất chợt thả xuống mặt đất đang yên ả với những đường phố tấp nập đầy ắp những dáng người cần mẫn li ti như những con kiến trên những lối mòn bé xíu những chùm bom và phọt ra những làn đạn bóng rát, đỏ rực đủ sức giết chết bất kì giống gì chúng gặp và phá vỡ bất kì thứ gì cản chúng trên đường đi. Mỗi người một bổn phận. Long và Vân cũng không thoát ra vòng cương toả đó. Kẻ thì lo cho ăn uống, sống còn và cả sự yên ổn của vợ con, người thì bận bịu vì hai ba đứa cháu liên tục ra đời của vợ chồng cậu em. Cô em dâu cũng là người lạ. Chả biết trong bụng dạ cô ta có chán ngán gì chuyện ngưòi chị chồng cứ ở lỳ mãi không chịu lấy chồng. Ngoài miệng thì mọi sự bất thường ấy cứ như mọi điều tự nhiên. Hàng phố ngưòi ta bảo chẳng gì, Loan - tên cô em dâu của Vân cũng là người theo đạo gốc giống như nhà chồng, trong khi đó nhân tình của bà chị chồng là kẻ ngoại đạo. Đó là lẽ thứ nhất có thể dơ đi không cần chấp. Điều thứ hai với nghề của mình, Loan nghĩ thầm mà cũng là sự ao ước thầm kính hay lộ ra mặt của người trong ngõ phố rằng nghề nhân viên mậu dịch bách hoá của Loan là nghề hiếm quí- Mặc dù có kẻ chả biết vì ghen ghét theo kiểu con cáo khôn ăn được chùmn nho chín mọng trên cành mà tự nhủ rằng nho còn xanh. Họ kháo nhua rằng dân bách hoá cũng béo bở đấy nhưng không thể bằng nhân viên cửa hàng lương thực. Riêng Loan lại tâm niệm. Đặt ngang bằng, xổ thẳng thì đúng là chả biết ai hơn ai. Bên kia được thoải mái gạo, mì, sắn, khoai và khi đã đứng sau quầy gạo sặc mùi cám và mùi gạo lưu niên, mùi bột mì thì chả phải lo cái đói. Còn dân bách hoá tuy không địa liền với gạo nước cũng chẳng khi nào phải nuốt gạo mốc, mì mọt. Họ có gạo có mì, thì bên này tháng tháng đường sữa, thảng hoặc có món hàng gì độc kiểu như áo mưa, may ô, xà phòng giặt Liên xô, dép nhựa Tiền phong… Đây cũng chẳng thiếu đứa phải nịnh nọt, cầu cạnh. Cứ xem thế mới hay chẳng biết ai hơn ai, ai cần trọng vọng nhờ vả ai. Thôi thì cứ gọi cùng có điều mạnh và điều chưa thật hoàn hảo nhưng cứ gọi là đều phải dựa vào nhau mà sống. Nhà ai có ông bà dầy nhân đức phúc, được Chúa ân sủng ban phước lành vào được hai nghề này thì chẳng cần quyền cao vọng trọng gì chẳng chức vị chi hết mà thiên hạ khối kẻ ao ước. Mọi sự do số phận an bài rồi, chứ đâu phải tự nhiên. Còn bà chị thì giỏi lắm cũng chỉ là người đan len trong tổ đan len của khu phố. Khi nhiều việc, mậu dịch đến kì dục hàng thì đấu tắt mặt tối, cả ngày không ngẩng nổi mặt. Khi cầm canh mấy tháng chân tay để không. Còn ông kia, thôi thì cứ coi tạm là ông anh rể hờ chẳng qua chỉ là anh xã viên hợp tác thủ công nghiệp. Vậy thì chấp làm gì, ghen làm gì. Nhưng khi còn bé ở với bố mẹ thì chẳng nói. Lớn lên, đã có gia đình rồi thì chị em dù ruột thịt, thân thiết đến bao nhiêu cũng kiến giải nhất phận. Người nào cũng chỉ biết việc của mình. Duyên ai phận ngưòi nấy. Thương nhau lắm cũng chỉ mời nhau bữa cơm, cho nhau manh áo tấm quần chứ lo đời lo kiếp cho nhau được đâu. ở cùng một mái nhà còn không được nữa là… Bà mẹ chồng lành thì đã đành rồi. Khuôn mặt Đức mẹ buồn buồn như vốn dĩ và hình như từ khi anh cả mất đi lại càng như luôn nhìn xa xăm, lâu lâu cúi xuống nặng trĩu bởi những nghĩ suy. Nhưng đã là vợ chồng tuy đã ba con nhưng chúng nó còn lít nhít nên vợ chồng đang độ trẻ trung thiếu gì những chuyện riêng tư. Mà chả cứ thế. Bé anh, chị em ăn chung, nằm cùng là lẽ thường nhưng khi có gia đình riêng rồi thì cứ phải tách biệt. Gác hai rõ ràng của nhà mình mà cán bộ khu phố, cán bộ nhà đất cứ xồng xộc xọc vào, tay năm, tay mười dàn xếp như nhà công cộng. Nge họ nói nghe nghịch nhĩ quá. Ông nào cũng như ăn cùng một đũa, học thuộc cùng một bài. Họ bảo thời chiến nhà cửa hiếm hoi, chật hẹp. Nên gia đình rộng rãi có phòng nọ phòng kia thì nên thu lại tương trợ cho những gia đình chật chội, thậm chí còn chưa có chỗ ở. Tình giai cấp phải đặt lên hàng đầu. Như nhà này thì chỉ thu gọn tầng một thôi, tầng hai rộng rãi nên nhường cho hai gia đình neo đơn ở khu phố thuê. Ngưòi nông thôn ít hiểu biết còn nhường nhịn cho dân thành phố về sơ tán được huống hồ người cùng phố với nhau. Nghe nói tức tràn hông, ngang như vướng xương cá, thôi cũng đành. Khổ nỗi nhà này còn bà cô tiếng thế về mặt danh chính ngôn thuận vẫn còn son rỗi. Cậu em đã có vợ, mà đã là vợ chồng thì có những việc người thứ ba không thể xen vào, không thể trông thấy. Vậy thì tầng một phải ngăn ra thành cái buồng cho vợ chồng cậu em, một khoảng nữa chả biết có gọi là buồng hay không cũng nên ngăn lại cho cô chị sinh hoạt, ngủ nghê. Còn bà cụ… Thôi thì cụ đã già rồi. Gần bảy mươi. Người đàn bà khi gần bẩy mươi thì dù tính tình hồi trẻ ra sao không biết nhưng giờ cũng coi có khác gì người đàn ông độc thân. Bà nằm với con gái cũng được mà nằm cũng với đứa cháu nội nào cũng thế. Nhìn cái giường cưới của vợ chồng con trai hồi nào ngăn nắp, thơm ngan ngát, gọn gàng với đôi gối hoa, chiếc chăn mầu đỏ hoa vàng thì nay bừa bộn, phảng phất mùi khai nước đái trẻ và mùi băng phiến của quầy hàng bách hoá, trên đó hai, ba đứa trẻ nằm ngả ngốn, xộc xệch. Bà cụ nửa vui, nửa buồn. Anh nó Chúa gọi về sớm. Vắng đứa đầu đàn nhà trống vắng hẳn. May sao thằng em có gia đình. Vợ chồng nó sinh hạ cho bà liền một lúc ba đứa con bù vào. Nhà rộn ràng, vui vầy hẳn lên nhưng trong cái vui cũng len vào nỗi buồn. Ba đứa đều là con gái. Đồ chơi toàn búp bê với bó que đồ đánh chuyền, nắm sỏi rải ranh, cân kẹo, chưa nhìn thấy đâu quả bóng với khẩu súng gỗ đâu. Cơm, bột xong chỉ thấy đứa bé thì nằm lẫy oành oạch trên giường, hai đứa chị thì ngồi yên hí hoáy chơi đan len, hay tung chuyền. Bà cụ ý chừng thèm một tiếng hò hét cùng tiếng chân chạy huỳnh huỵch của thằng con trai. Nhưng thôi vợ chồng nó còn trẻ. Lẽ nào Chúa lại bắt vợ chồng nó sinh con một bề. Thôi thì sớm muộn thế nào bà chả toại nguyện. Đành hưởng chậm niềm vui chiều chiều gọi khản cổ đứa cháu trai chạy nhổng ngoài phố, mò hôi mồ kê nhẽ nhại về tắm giặt rồi ăn cơm. Cùng với nỗi buồn vì thiếu muộn cháu trai lại đến chuyện chị nó. Giá sớm sủa thì con cái của nó cũng năm sáu tuổi có khi mười, mười một mười hai cũng chưa biết chừng. Vậy mà nay… Tất cả vẫn dở dang. Anh chàng kia rõ ràng không thể bỏ vợ con nó mà đến với con Vân được. Đấy là chưa kể bà muối mặt với hàng phố khi cô vợ anh ta lâu lâu lại đến đánh ghen. Cô ta không phải người nước Chúa nên táo tợn và tai ác lắm. Cũng tại còn Vân không nghe theo lời răn của đấng tri tôn nên mới sinh ra điều tai quái ấy. Nhìn nó đi kia, cái lưng đã chớm cong. Vậy là đã qua thời con gái mơn mởn rồi còn gì nữa. Bây giờ là tuổi phải đẻ đái. Có thay máu thì ngưòi đàn bà mới trơn lông đỏ da được Còn không có khác gì miếng thịt ép dưới thớt đá. Quắt queo, mỏng mảnh… Bà Hai nén tiếng thở dài. Sinh ra phận đàn bà, con gái là phải có tấm chồng. Chúa sinh phúc thì được người sang, không may thì phải kẻ hèn nhưng thế nào thì thế cũng là chồng của mình, của riêng mình. Hai đứa đùm bọc lấy nhau. Vợ là máu thịt của chồng, chồng là lái tim của vợ. Ôm ấp bìu ríu nhau để sinh con, đẻ cái nuôi dậy hạt máu sắn đôi của mình nên người. Chao ôi lẽ đời, lẽ người chỉ đơn giản như thế nhưng xem ra cũng xa vời và cao vời vợi lắm. Bà cụ cố nén tiếng thở dài.

Sao thế me?

Bà cụ giật mình khi nghe thấy rõ mồm một bên tai tiếng con gái hỏi nhưng chẳng hiểu sao bà vẫn làm như không nghe thấy tiếng gì.

Me ngủ à?

Lại thêm câu nữa. Bà cụ trằn mình lại nói như nói một mình:

Con bé út chiều qua me sờ đầu thấy âm ấm.

- Hôm qua con thấy con bé chạy cả ngày ngoài nắng còn gì. Mới lại trời bây giờ đã vào cuối năm rồi. Đầu năm sương muối, cuối năm gió nồm. Người lớn còn nhức đầu, xương cốt nhức buốt như bị đòn săng tan nữa là trẻ con

Bà mẹ nén tiếng thở dài trở mình quay vào trong thì ngay lúc đó tiếng cỏi ủ đột ngột vang lên làm vỡ tất cả mọi sự yên tĩnh trong căn phòng của hai mẹ con. Bà mẹ chồm dậy, hoảng hốt cất lên thứ tiếng khác hẳn mọi khi. Giọng thất thanh:

- Vũ, con ơi. Báo động rồi đấy. Hai vợ chồng đưa các con nó ra hầm mau lên. Cả Vân nữa. Giê su ma, lạy Chúa tôi. Khổ thế. Đêm hôm thế này cũng không được yên. Bọn quỉ sứ, lũ Giu đa quái ác. Hai vợ chồng dậy chưa? Đánh thức các con dậy. Đưa ra hầm nhanh lên.

- Mẹ làm gì thế. Cứ làm thế thẩm nào cứ rối hết cả lên.

Tiếng Vũ lầu bầu gấp gấp, sau đó là tiếng trẻ con thét tướng lên, kế liền là ba tiếng khóc hoà quện vào nhau.

- Cả ba đứa. Có im ngay không. Mẹ nói rồi đấy. Đừng để mẹ phải cáu lên là không xong đâu. Vợ Vũ như được chồng hỗ trợ cũng cao giọng.

Tiếng ùng ùng oàng oàng đột ngột vang lên kèm theo những tiếng súng khi thì tiếng một xen vào những tràng daì, dai ngoách như không có cách nào làm dứt được. Dai dẳng một hồi lâu thì đột ngột tiếng súng oà lên hơn như được sức vô hình nào đó kích lên. Bóng đêm bị xé nát ra bởi những luồng ánh sáng chói loà, rơi lả tả.

Nó đánh ở Khâm thiên rồi.

Tiếng đàn bà thét lên đứt đoạn xen vào tiếng khàn đục vẻ hiểu biết

Trời ạ. Cả bom lẫn rốc két.

Kinh quá. Thế này thì chết hết chứ sống làm sao được

Những tiếng kêu lạc giọng, tiếng rên rỉ cùng tiếng chát chúa, vụn vỡ đan thành một mạng lưới âm thanh trùm lấy đất trời đang vỡ vụn. Trong hầm vợ Vũ và ba đứa con rúm người lại.

Cái Quế đứa con gái lớn lào khào.

Nó có bỏ bom vào hầm nhà mình không?

- Chỉ toàn dại mồm dại miệng thôi. Cố mà ngủ đi. Loan ruỗi cả hai cánh tay như cố kéo dài để ôm trọn ba đứa con vào lòng.

- Con nóng.

Nga, đứa con thứ hai của dường như nhịn hơi lâu không chịu được bật ra tiếng nói to.

Dịch ra đây vậy. Loan lụng nhụng, cố hạ thật thấp.

- Lạy chúa tôi. Bà thương, bà thương. Để bà quạt cho. Cố một tý nữa thôi.

- Bác ơi cháu không ở trong hầm đâu. Con bé Nga chắc không chịu được gọi Vân.

Bác biết rồi. Cố ngồi im đi. Đứng lên bây giờ nhỡ một cái thì khốn

Vân nói cháu nhưng chính bản thân cô cũng muốn đứng phắt dậy để thoát khỏi sự tù túng, nhất là sự tê dại của hai đùi và sự co quắp của hai bàn chân vì ngồi gò bó quá lâu. Ước gì được… rồi muốn ra sao thì ra

Vân vươn tay định đặt lên đầu đứa cháu để an ủi, nhưng tay cô cứ quờ quạng, trượt mãi trên những cái đầu trơn thuồi luồi nóng hâm hấp không rõ của đứa cháu nào. Nhưng rồi cuối cũng mọi sự đều qua đi. Trong tiếng ùng oàng và xầm xập ngày một thưa và nhỏ dần đi thì có tiếng thở êm êm của ba đứa trẻ. Cả nhà gần như bị mê hoặc bởi những tiếng thở đó cũng im lặng dần, để rồi những người lớn đang thiu thiu lại choàng dậy bởi tiếng ai đó thất thanh hình như ngay phía ngoài cổng:

- Khổ quá, chết nhiều lắm. Bom bỏ cả vào Bệnh viện bạch mai. Thành ra cơ man nào người bị thương không biết mang vào đâu.

- ác thế, ác thế. Lạy chúa tôi.

Bà Hai chẹp miệng, rồi lẩm nhẩm, tay khẽ đưa lên làm dấu một cách thành khẩn. Trong tiếng cầu nguyện của mẹ, tự nhiên trong đầu Vân lại hiện ra câu hỏi lẩn thẩn"Không biết bây giờ Long ở đâu? ’. Sau câu hỏi thầm lặng đó Vân cảm thấy da mặt mình nóng ran lên, căng ra như da con ếch bị chụp lên miệng cái ống bơ hộp bò sữa rỉ hoen rỉ hóet hồi nhỏ có lần Vân trông thấy khi về quê

<< PHẦN III - Chương 9 | PHẦN III - Chương 11 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 582

Return to top