Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Tiểu Thuyết >> HÀ NỘI - TÌNH NHÂN

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 33932 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

HÀ NỘI - TÌNH NHÂN
Nguyễn Hiếu

PHẦN IV - Chương 2

Cả nhà Vân mà đến ngay cả Vân cũng không thể ngờ vào ngày chủ nhật tức là cách hơn hai tuần sau lần thứ nhất, Thành lại đến thăm nhà bà Hai. Nhưng lần này Thành đến một mình. Mặc dù phải đạp xe đến gần năm mươi cây số nhưng trông anh trẻ hơn cái tuổi mà Vân tưởng tượng trong đầu về người đàn ông đã ngoài bốn mươi lại là giám đốc một xí nghiệp gạch có đến gần bốn trăm công nhân ở một vùng đồi núi xa xôi nào đấy. Nghe tiếng gõ cửa chính Vân ra mở. Cô thấy hiển hiện trước cô là một ngưòi đàn ông dong dỏng cao, nét mặt quen quen có lẽ vì anh có những nét hao hao người anh giám đốc của xí nghiệp Vũ. Khuôn mặt bầu bầu nom hiền lành nhưng lại thoáng mang dáng dấp của người từng trải. Đôi mắt mở to nằm dưới hàng lông mày dầy hình lưỡi mác hơi nheo nheo sau cặp kính xẫm màu đang gỡ ra Hé cửa, Vân thấy ngay anh chàng đang loay hoay xoay để bàn đạp dựa khớp vào thành hè. Chiếc đèo xe đằng sau có một gói hàng bọc bằng giấy báo mà chỗ rách để lộ ra màu xanh xẫm của lá chuối. Một tay giữ, một tay tháo sợi dây cao su quấn thật kĩ quanh gói hàng ra. Anh chàng ngẩng mặt lên nhìn thấy Vân anh nở nụ cười hiền lành kèm theo câu chào trầm trầm:
- Chào cô. Bà có nhà không cô?
- Kìa anh Thành. Vân thấy tiếng me cô đáp thật nhanh ngay sau gáy
- Úi giời may quá. Hôm nay xí nghiệp cháu lại cho mổ bò cho cán bộ công nhân ăn ngày nghỉ, nhân thể cháu mang thịt ra cho anh chị cháu, cháu mang biếu bác vài cân thịt
Bà Hai tươi cười vừa nhìn ngưòi khách rồi nhìn mấy người hàng xóm từ trong nhà nghé ra với những cặp mắt tò mò. Bà đưa cả hai tay ra đón gói thịt miệng đon đả.
- Trời ạ. Làm gì mà vất vả thế. Thế này thì quí hoá quá. Nào cho tôi xin tôi xin
Vừa lúc ấy có hai người mặc áo đại cán màu vàng nhạt xịch xe đến. Giọng họ thật đanh:
- Anh kia cả bà nữa để chúng tôi kiểm tra gói hàng vừa rồi đã.
- Sao lại phải kiểm tra?
- Thì hàng lậu mới phải kiếm tra chứ còn sao nữa.
Anh cán bộ to ngang có một cánh mũi như bị một vật gì thật to rơi xuống khi anh ta đang nằm ngửa khiến nó bị bẹp rúm. Có lẽ vì thế nên anh ta vừa phải khịt khịt như để thông mũi, họng vừa nói.
- Các anh lạ thật. Đây là thịt của xí nghiệp tôi cho mổ mang ra biếu bác tôi chứ có buôn bán gì mà bảo lậu với không.
- Bây giờ thứ gì mà người ta chả buôn lậu được. Nhà nước đã quản lý chặt chẽ mọi thứ hàng. Anh nói anh là cán bộ, công nhân hà cớ gì mà anh lại không biết. Người mặc áo vàng thứ hai có khuôn mặt quắt sắt lại như thứ quả bị vắt kiệt, nước da xanh bủng tựa người bị sốt rét.
- Thôi không phải nhiều lời. Anh cứ đưa giấy tờ, chứng minh thư, cả giấy được phép mang hàng, đăng kí xe đạp ra xem nào. Thiếu thứ gì thì anh chịu trách nhiệm thứ ấy. Bà kia đưa gói hàng đây đã
Anh khịt mũi ra điều tỏ ra có kinh nghiệm và dứt khoát hơn, gạt thật nhanh bàn đạp, dựa xe vào vỉa hè rồi vươn tay lên giật gói hàng trên tay bà Hai, khiến bà bị mất đà hơi lảo đảo. Vân nhanh tay đỡ ngang sườn mẹ, trán cau lại nhưng cô chưa biết nói gì thì Thành nói ngay trong khi tay rút nhanh chiếc ví tìm giấy tờ:
- Các anh cứ bình tĩnh. Việc đâu có đó. Còn bây giờ các anh cứ việc xem. Sai đâu tôi chịu trách nhiệm.
Cũng như mọi khi, hễ thấy ồn ào là những người đi đường và cả những người trong mấy nhà xung quanh tò mò ngó nghiêng. Ngoảnh đi ngoảnh lại tất cả rạt đến tạo thành đám đông trước cửa nhà bà Hai. Những tiếng xuýt xoa to nhỏ bật ra trầm trồ vì một số người đã phát hiện ra gói thịt
- Tất cả giấy tờ tôi đây.
Thành đưa một xấp giấy tờ đựng trong miếng ni lông gấp làm tư cho hai ngưòi chắc là nhân viên thương nghiệp, tài chính hay quản lý thị trường gì đấy.
Cả thẻ đảng viên cơ à. Càng tốt.
Anh có nước da xanh gật gật đầu, trong khi anh lùn làm ra vẻ quan tâm và có trách nhiệm không kém, rúi cái mũi bẹp vào tờ giấy trên tay đồng nghiệp, bất chợt anh này kêu lên với giọng khàn khàn hơi vỡ tiếng:
- A, đồng chí là giám đốc cơ à?
- Đúng rồi. Nhưng sao? Có chuyện gì thế?
- Nếu đồng chí là giám đốc thì việc này đơn giản lắm. Xin đồng chí mấy chữ ghi rõ ràng đây là thịt do nhà máy đồng chí tăng gia mang đến cho họ hàng là được rồi. Chúng tôi quản lý ở đây có thể giải quyết mọi sự thuận tiện cho đồng chí.
Giọng nói khìn khịt của anh quản lý thị trường mũi tịt chớm vẻ hồ hởi và thông cảm thì anh mặt xanh giơ ngay bàn tay người ta có thể thấy rõ cả những móng tay lâu ngày không cắt có đọng bụi, đất đen xì.
- Không được, không được.
- Sao lại thế? Thành sốt ruột hỏi lại.
- Đơn giản là chỗ thịt này chỉ trông qua đã thấy nó phải xấp xỉ năm kí trong khi đó nhà bà này chỉ có bốn người thì ăn làm sao hết. Số lượng như vậy thì chỉ cần liếc qua cũng đủ biết không buôn lậu thì là hàng gì?
Không, không. Giờ thêm ba cháu nội của tôi đã là bẩy người rồi.
- Bảy người? Bà có dối trá tăng thêm không đấy. Con bà rành rành mới cưới năm kia, năm kìa gì đấy, có mà bằng điện cũng không đẻ nhanh như thế được.
- Khổ quá, tôi nói dối làm gì. Cháu nó nhà tôi cưới hơn chục năm, cháu lớn đã mười một tuổi rồi.
- Bằng chứng đâu?
Gã mặt xanh vẫn nằng nặc, trong khi tiếng ồn của đám đông bắt đầu lộn xộn cất lên.
Để tôi lấy hộ khẩu cho hai chú xem, chứ thực ra…
Thôi được rồi. Gì thì gì cứ là phải giấy tờ mới chứng thực được.
Sau khi ngó nghiêng sổ hộ tịch, anh mặt xanh vừa đưa trả bà Hai vừa nói vẻ quan trọng:
- Chúng tôi biểu dương bà là nói thật. Như thế này so số nhân khẩu trong nhà và số thịt. Kể ra đối chiếu thật kĩ vẫn có phần hơi chênh. Chỉ riêng điều này cũng rất dễ sinh ra buôn lậu. Nhưng xét thấy đây là đồng chí giám đốc xí nghiệp lại là bộ đội chuyển ngành giống như hai chúng tôi đây nên chúng tôi giải quyết có linh động. Nhưng cũng nói luôn. Trường hợp này là duy nhất, từ lần sau với khối lượng này mà không có giấy xác nhận của ban quản lý thị trường địa phương đồng chí thì dù bất kì thế nào chúng tôi cũng sẽ tịch thu. Thôi chào đồng chí
Nói dứt tay quản lý thị trường mặt bủng, hai chân rập nghiêm, thân người quay thật nhanh như đang trong quân ngũ nghe hiệu lệnh, tay mũi tịt định làm theo nhưng nhớ ra điều gì bèn khịt khịt mũi hạ giọng quan trọng:
- Đồng chí thông cảm. Gần đây tình hình ở đây có phức tạp lên nên chúng tôi phải làm nghiêm khắc chứ thực ra là tình đồng chí với nhau chúng ta cũng dễ thông cảm. Có điều đồng chí cũng phải giúp chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ chung. Thôi, chào đồng chí.
Nói xong, anh định rập hai gót lại tay định giơ lên ngang trán nhưng chợt nhớ ra điều gì anh này nhìn xung quanh rồi rảo bước thật nhanh để kịp với anh mặt bủng
Vào đến nhà bà Hai, Thành có vẻ như vui hơn. Anh đưa gói thịt cho Vân nói:
Cô mang bếp mà thái ra đi. Có cả gần cân mỡ phần đấy.
- Thế à? Bà Hai hỏi với vẻ thích thú.
- Vâng, Vâng. Vì hôm nọ con nghe bà nói là bà chỉ thích mỡ, vì mỡ ăn được lâu.
Nhưng bận sau anh không phải vất vả thế này đâu nhé.
- Không, không. Cô yên chí. Rút kinh nghiệm kì này, bận sau tôi sẽ xin giấy của mấy anh thương nghiệp trên ấy. Lần nào xí nghiệp tôi mổ lợn, bò chả mời các anh ấy vào ăn lòng, biếu thịt. Đã tính hết rồi, kì nào các anh ấy cũng có phần bằng tiêu chuẩn của công nhân.
- Anh ở đây ăn cơm nhé. Bà Hai đon đả.
- Thôi, thôi con xin phép. Bà để cho khi khác, hôm nay anh Tô con thổi cơm rồi. Mới lại thằng bé nhà anh ấy hôm nay cứ đòi con kì này phải đèo nó đi lên rặng ổi để chơi với lại mượn sách chuyện gì đấy. Con vô phép, vô phép
Thành càng nói như càng cuống lên, anh cầm lấy chén nước mới pha nhưng để đã lâu ngửa cổ uống vội vàng, rót tiếp, lại cạn. Đến ba lần liền dường như mới đỡ khát. Sau đó gật đầu ra về. Đợi cho Thành rẽ vào chỗ ngoặt đầu ngõ bà Hai nói luôn;
- Đúng là hôm nay, tận mắt con chứng kiến nhé. Con thấy, anh ấy tốt như thế, lại thật thà, chất phác. Không thớ lợ khách sáo gì. Nhà mình đối với anh ấy họ hàng thì không. Bạn bè chẳng phải. Vậy mà kì nào lên cũng vất vả mang thịt thà lên cho nhà mình. Con nghĩ cho chín đi. Cũng có thể coi là chỗ dựa vững chắc. Mà đàn, bà, con gái cũng chỉ cần thế thôi. Trông cao sang có khi chỉ là hình thức bề ngoài thôi con ạ.
- Me cứ làm chuyện hệ trọng này như mua rau muống, qủa chanh ngoài chợ không bằng.
- Nhưng, nhưng…
Bà Hai có vẻ hơi ngập ngừng. Bà ngửa cổ hít một hơi dài rồi nói như trút:
- Me là me lo cho con. Con gái nói thế thôi nhưng nó có thì. Sinh nở cũng vậy. Hơn hớn thế thôi, nhưng ngoảnh đi ngoảnh lại đã lên ông lên bà cả.
- Me việc gì phải sốt ruột. Nhà anh ấy cũng từng ấy tuổi rồi, lại ở tận đẩu tận đâu. Nhà mình thì… Mỗi nơi một khác. Ăn đời ở kiếp chứ có phải chốc lát như kẻ qua đường đâu, mà bạ đâu cũng bập vào. Nhỡ không hợp một cái thì có phải khổ cả cho hai người không.
- Thì có hai mẹ con me cứ nói thật. Hôm nọ nhà bác Tô anh trai anh ấy. Cái bác là giám đốc của chỗ xí nghiệp Vũ cũng chẳng dấu gì me. Nhà anh này cũng đã lấy vợ rồi, nhưng một là năm sau năm trời chưa có lấy mụn con. Đang loay hoay, chị ấy đột ngột bị cảm nhập tâm mất đã hơn hai năm nay. Cơ ngơi, cửa nhà cũng sẵn nong sẵn né rồi. Mới lại nhà bác Tô cũng nói rằng nếu… Mà nói đi phải nói lại, giá như con như mọi đứa con gái cùng trang lứa ở khu phố này thì me cũng chẳng dám nói. Khổ một nỗi…
- Nhưng cái ông Tô ấy nói gì?
Thực bụng Vân hỏi câu này cũng chỉ để cho qua chuyện, không dè me cô lại có vẻ thích thú. Bà nói chậm lại như để giải bầy cho con gái hiểu cặn kẽ.
- Nó là thế này. Nhà anh ấy đang là giám đốc xí nghiệp trên Bắc Ninh Bắc Giang gì đấy. Nhưng họ hàng nhà họ ở Hà Nội này cũng nhiều, mà toàn làm to cả. Nếu mọi sự thuận buồm xuôi gió thì anh ấy có thể nhờ bà con, anh chị em họ cho chuyển xuống dưới Hà nội này làm việc. Con không ngại phải đi xa xôi, cách nhỡ thuyền bè, tầu xe gì đâu.
- Thôi. Thôi. Me không phải nói nữa. Con thấy mệt lắm rồi. Nếu kì nào anh ấy lên me cũng nói chuyện này thì tốt nhất từ lần sau me cũng đừng lấy quà cáp, thịt thà gì của người ta nữa. Phiền lắm. Rồi khó ăn khó nói với người ta. ở đời ăn được một miếng của thiên hạ cũng rắc rối lắm.
- Thôi thì me nói con cứ suy nghĩ cho chín. Đến nửa yến thịt chứ ít đâu Nhất là đến gần kí mỡ phần nữa. Chỗ này mua chả khối tiền ấy à. Từ dạo có tem phiếu đã bao giờ mua được chỗ thịt ngon, mỡ tốt như thế này
Bà Hai nói xong thở dài khẽ rồi mang chỗ thịt xuống, trong khi đó Vân lẳng lặng lên nhà.
Rồi cứ thế cứ cách nhật độ răm bữa, nửa tháng Thành lại đạp xe từ xí nghiệp mạn Bắc Ninh, Bắc Giang về nhà bà Hai. Lần nào anh cũng mang không thịt lợn thì lại thịt bò về, có hôm lại kèm thêm cả kí chè mạn, hay vài chục hồng ngâm. Bà Hai vẫn đon đả tiếp trong khi Vân thoạt đầu cũng còn tránh mặt, không muốn giáp mặt sau dường như cô cũng có ý nể me cô, nể những lời cậu Vũ. Cô ngồi tiếp truyện Thành. Vào một hôm nhân có chuyện ông chú ruột của Thành bị ốm lâu ngày, mới khỏi đang cần thuốc bắc để bồi bổ Thành nhờ Vân đưa đến phố Thuốc bắc để cắt thuốc. Vì thế nên Vân để cho Thành đèo đi. Bất đồ mấy chị, mấy cô cùng trong tổ đan len nhìn thấy. Chắc vì mấy bà, mấy cô này nên chuyện Thành đèo Vân đến tai của Long. Mà lạ gì mấy chị đan len. Hai tay người nào người nấy thì nhoay nhoáy nghí ngoáy hai chiếc kim tre nhỏ mứt nhưng mồm, tai lại rỗi thành thử chuyện xa, chuyện gần, chuyện thân chuyện sơ cũng thành chuyện làm quà hết. Nghe thủng Long sốt ruột lắm. Anh cố tìm gặp cho bằng được Vân để hỏi cho ra lẽ. Nhưng mấy lần tính toán, kể cả lên nhà, đón đường, chờ ngoài cửa nhà thờ vào những chiều Vân đi nguyện đều không gặp được. Thành càng nóng ruột chỉ có điều anh chưa tìm ra cớ gì để gặp Vân. May sao, vừa lúc đó có một chuyện xẩy ra. Nên câu chuyện lại đột ngột chuyển hướng. Thế mới hay mọi sự xẩy ra với con ngưòi sống trên đời này là do định mệnh xếp đặt là vì thế.

<< PHẦN IV - Chương 1 | PHẦN IV - Chương 3 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 331

Return to top