Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Tiểu Thuyết >> HÀ NỘI - TÌNH NHÂN

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 33898 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

HÀ NỘI - TÌNH NHÂN
Nguyễn Hiếu

PHẦN I - Chương 6

Nghe tiếng quát, Long ngước mắt lên nhìn và nhận ra đó là một người đàn ông thấp lùn, có nước da đen xạm không phải vì nắng mà vì cha sinh mẹ đẻ ông ta đã thế rồi. Trên cái cổ vốn ngắn chũn lại càng như ngắn hơn vì cổ tấm áo the chồi lên là một khuôn mặt có cái quai hàm vuông vức như sản phẩm của một gã thợ mộc quá cẩn thận và tỉ mỉ khiến nó trở nên vuông thành sắc cạnh một cách ngớ ngẩn. Tấm thân lình phình của gã lại được phủ xộc xệch một tấm áo the hồi mới may chắc là màu đen rồi trải qua không biết bao nhiêu năm tháng, thứ màu nguyên thuỷ đã phai và rạn đi nhiều đến độ bạch phếch lại trám thêm sự loang lổ của đủ mọi thứ có thể gắn vào tạo thành một mầu nhuôm nhuôm khó định. Gã đàn ông có tên cha sinh mẹ đẻ là Hàm làm trương tuần của làng Giàn này. Người thế, bộ dạng thế thì ắt là sinh ra sớm muộn thế nào người ta cũng được đặt vào chức sắc ấy. Trương Hàm mang họ Đinh. Một cái họ thấy bảo vào thời tổ tiên là một trong những dòng họ đã mang về cho làng này nghề trồng bí đao nổi tiếng nhất nhì ở vùng ngoại ô thành Thăng Long. ấy là chưa kể gã lại có người anh họ xa đâu như ở vùng khuỷnh Bạc tức là cách làng Giàn một cánh đồng mầu có một ụ đất không biết nhô lên từ thời nào mà người thì bảo đó chỉ là thuần tuý là một gò đất, người thì bảo đó là mộ của người tầu đắp lên để dấu của. Nhưng thôi đấy là chuyện sẽ được nhắc đến sau này. Người anh họ xa đó là kẻ đi nhiều biết rộng. Thấy Trương Hàm nói thế, cũng là nghe từ miệng trương tuần họ Đinh khoe, ông này cái gì cũng biết mặc dù không phải thầy địa lý gì mà đơn giản chỉ là một người làm nghề hoả xa còn chức tước thế nào thì chịu. Chỉ riêng với Trương Hàm thì gã qủa thật chưa bao giờ nghe thấy gã anh họ đả động đến chuyện này. Cách đây chừng gần một tháng, đâu như vào hạ tùân tháng một, đứa con thứ của người anh họ này bắt được con cầy ở chân gò Giàn. Nhân hôm đó Trương Hàm lại ra chợ Vẽ để mua lợn giống, thế là tình cờ gã lại được người anh họ này mời đến ăn thịt cầy. Thực ra ông anh họ này cũng chẳng thích thú gì Trương Hàm người em cha vơ chú vếu, lại thêm sự quê kệch, dốt nát, ăn nói thô thiển dễ làm xấu mặt họ hàng, nhất là với người đã từng mòn đũa nơi phố phường. Song bù lại gã trương tuần họ Đinh này lại có một đức tính mà nhiều gã đàn ông, trượng phu đều lấy làm thú vị ấy là sự ham say đến mê muội, đến quên cả trời đất, ngày tháng mỗi khi chạm vào lá bài, nhất là tổ tôm. Trương Hàm đã không ngồi vào thì thôi, còn đã nhìn thấy xà xuống, cầm lên tay cỗ bài 120 quân thì gã khác nào giống cua bể cắp. Trời gầm may ra mới rời ra. Cũng vì cái ham mê đó mà gã lấy được cô gái con một ông thầy ở mạn Sở. Cô này vào loại ưa nhìn lắm, có đôi chút lịch lãm, ấy là chưa kể lúc thiếu thời đã từng được xem tranh ở mấy tờ báo Sex appeat, Paris Plaisisr và nhà còn trồng được mấy gốc đào bích nhưng vì bố thua bạc Trương Hàm nên đành phải ngậm ngùi gán đứa con gái vừa ngoan vừa xinh xắn và thạo việc cho tay họ Đinh thô kệch này. Và cũng chỉ vì ham bạc nên nhà gã dù lúc thịnh đến đâu cũng không tranh nổi ghế lý trưởng, phần vì gã không đủ tiền lo lót phần vì gã cứ bô bô lên rằng. Đời gã sinh ra chỉ để làm trương tuần. Lý trưởng thì cũng oai thật, nhưng vắng ông ta mười ngày, hay nửa tháng dân làng cũng không mấy lo nghĩ. Còn làng xóm cứ thử một đêm thiếu gã xem. Loạn lạc, trộm cắp chả sinh ra như ong, như kiến như ruồi cho mà xem. Còn ông anh họ thì do đã đưa chân vào nghề hoả xa, đã từng hơn chục năm tá túc trên một ga xép chốn Lào cai, Yên bái rừng thiêng nước độc nên đã nhiễm phải thú vừa vui vừa say là tổ tôm. Đã bập vào cái trò này thì phải là người có máu. Vậy thì điểm qua tất cả những kẻ đã từng cầm 120 quân ở quanh vùng này xem ra chả có người đàn ông nào đánh bạc lại lỳ lợm và bất chấp như thằng em làm Trương Tuần ở cái làng Giàn heo hút kia. Chơi với chú ấy mới biết thế nào là trò cờ bạc nó khiến cho người ta ham mê, cay cú như thế nào. Nhưng trong buổi tổ tôm sau bữa đánh chén con cầy đó không biết ông anh họ xa nói gì mà Trương Tuần họ Đinh ắng đi mất độ non một tuần. Đận ấy chẳng thấy giọng gã choang choác quát mắng nhà nọ để chó ra ỉa vãi nơi chân cổng làng có cái chòi canh đêm, nhà kia có việc mà không trình lão nhỡ có chuyện gì bất trắc xẩy ra thì đừng có mà ngoác mồm ra trách lão không làm tròn bổn phận. Mãi cho đến khi gã vừa hồi laị cái tính hống hách bẩm sinh thì gã nhận được nguồn tin là nhà mẹ con Hai Ngạn có đôi trai gái tỉnh thành về đang ăn khoai sọ một cách ngon lành. Đúng là sự lạ quá còn gì nữa. Người anh họ làm hoả xa, đã từng ăn mòn bát thiên hạ, từng làm cùng với cả quan tây mắt xanh, mũi lõ, da trắng, nói xì xồ luôn miệng đã nhiều lần khăng khăng bảo rằng dân ngoài tỉnh ít người ăn khoai lắm. Nếu có ăn thì khoai của họ một là phải trộn mật, hai là phải hấp lên bỏ thêm dừa nạo mỏng dính, loăn xoăn như sợi thuốc lào trộn vào chứ không thể bỗ bã thọc tay vào nồi móc lên rồi cứ thế bóc vỏ tuồn tuột ra nhét vào mồm như cánh cổ cầy vài bừa làng này được. Vậy thì có thể là như lời ông anh họ khi thấy thằng em được gọi vào ăn thịt cầy đã cạn gần hết chỗ tiền mang đi chợ dành để mua lợn giống mới mắt trước mắt, rón rén vẫy tay ám hiệu bảo Trương Hàm vào buồng thì thào cho biết rằng thời buổi này chả biết thế nào đâu. Bởi lẽ từ hơn nửa năm nay chính phủ bảo hộ một mặt ra sức bắt lính. Mặt khác như lời kể của mấy người bạn cùng làm với anh họ gã ở ngoài ga Hàng Cỏ rằng. Nhân viên người Pháp chả hiểu sao dạo này có vẻ tử tế hơn trước, từ lời ăn tiếng nói đến cách đối xử. Ai tinh ý còn thấy một sự lạ là không hiểu sao dạo này cánh nhân viên người Pháp luôn tìm cách bán tống bán tháo những thứ đồ đạc nặng nề mà họ công phu tích cóp bao lâu nay. Riêng những thứ của quí, gọn nhẹ thì cho vào hòm xiểng gói ghém lại cẩn thận như kiểu xắp đi xa. Cũng vào quãng thời gian này thỉnh thoảng bên bờ sông mạn trên Chèm chỗ có mấy cái hũm xế xế phía dưới gảnh đình làng ấy lại có xác tây đen, tây trắng và cả lính người Việt ta ăn mặc tinh tươm, có xác lại còn lính kỉnh cả bao lựu đạn, chuỗi đạn vàng ươm đeo nặng trĩu bên hông lừ đừ trôi về. Đâu như vào một buổi quá ngày lập đông tháng trước nữa sông Cái đặc kín xác lính tây, ta. Nhìn từ trên bờ đã thấy phập phồng những tấm lưng trương nứt, mùi thối nồng nặc xa hàng cây số vẫn phải bịt mũi, nhổ nước bọt Người ta vớt những cái xác ấy lên chất như xếp củi ở dốc bến Ngự. Tai nghe, mắt thấy những việc như thế thì dù có ngu độn đến mấy cũng đoán thời thế sắp có biến đổi to rồi. Ngay như nhà thờ ở khuỷnh Bạc cũng nghe thấy những người đi đạo thì thào, rồi thu va hà vén của nả, công nợ, ân oán. Nghe dân đi đạo đồn rằng Chúa cũng xắp vào nam thì con chiên nào ngoan đạo cũng phải đi theo chúa mới giữ được đạo. Sự đời đâu phải lúc nào cũng thuận buồn xuôi gió, "vậy nên chú cứ phải hết sức cẩn thận". Ông anh họ ở khuỷnh Bạc nói nhỏ vào tai Trương Hàm như vậy. Thằng em trương tuần nóng ruột bảo "đại để là bọn Việt minh nó thắng chứ gì?". Thấy ông em quanh quác như vậy người anh vừa ngơ ngác nhìn quanh vừa giơ tay bịt miệng thằng em phổi bò lại "cái chú này, ăn nói thế có ngày chú chết đã đành một nhẽ mà đến anh chú cũng vạ lây. Tôi là tôi quí chú tôi mới nói cho chú biết, chú đừng có ruột để ngoài da như thế. Một là chú đừng nói với ai, hai là chú trót lỡ mồm nói ra thì nhớ là không được động đến hai chữ Việt minh, nếu chú muốn lành hành, yên ổn ở với vợ, con". Trên đường đi đến nhà Hai Ngạn, Trương Hàm nghĩ lung lắm. Ra oai thị uy như ngày trước thì rõ là không ổn, mà nhũn như con chi chi thì còn đâu cái oai, cái thế của anh trương tuần. Không có hai thứ đó thì chỉ tổ cho người thiên hạ và cả người trong thôn, trong làng nó khinh cho. Việc gì phải thờn bơn một bề, nhưng dương vây thì biết đâu hoạ chả vào thân. Không phải đầu cũng phải tai. Con chó còn muốn sống nữa là con người biết thế nào là vui thú rượu chè, vợ đẹp con khôn. Mà xem ra biết đâu những người cha vơ chú váo tự nhiên dò dẫm đến làng này lại là Việt minh nằm vùng thì mai kia nhỡ người Pháp đi rồi, họ thắng thế thì gì thì gì chứ hoạ dáng vào đầu mình là cái chắc. Mà cũng phải thôi. Người Pháp là khác giống người ta, họ có nước của họ ta có nước của ta. Giống nào thì phải ra giống ấy chứ ăn chung ở đụng mãi làm sao được. Mình thì ăn bằng đũa thấy bảo người Pháp lại cầm cù dìa và cả cái gì giống như cái như cái cào phơi thóc, cào phân nhưng bằng bạc hay thiếc gì đấy xinh xinh, sáng choang để chọc vào miếng thịt, miếng cá, ngọn rau đưa vào miệng. Mà ngay như cái ăn người mình thì ăn cơm với canh, với cà. Hôm nào dỗ tết lại có miếng thịt, miếng trứng, miếng đậu. Miếng nào phân miêng miếng ấy, còn họ lại cứ bánh tây mà dã, thịt đậu cho nháo nhào vào đĩa rồi xúc rồi chọc. Còn cái này nữa. Người mình đàn bà rồi ngay cả đàn ông ăn giầu nhổ nước đỏ choé cả môi, miệng còn tây, đầm nhìn thấy người mình ăn thứ đó thì lắc đầu lè lưỡi sợ chết khiếp. Thế thì phải rồi. Nếu họ thua họ phải về nước họ thì cũng hợp lẽ giời thôi. Ta thua ta mới khổ. Nhưng ai làm người tây nó thua cơ chứ? Việt minh ư?. Trương Hàm rụt cổ lại, đu đưa cây hèo trên tay, chợt nhìn thấy đám đông ở nhà Hai Ngạn. Gã trông trước trông sau như e người nào nhìn thấy sự cúm rúm, sợ sệt, hèn kém của mình, gã bèn vênh mặt lên, xồng xộc bước vào. Gã lấy cây hèo tách đám đông ra, khi nhìn thấy Long và Vân nhất là nhìn cách ăn mặc của họ Trương Hàm thoáng rùng mình nhưng rồi gã cố nuốt nước bọt để nén, rồi gã nhấc cao chân đi hai, ba bước rồi đứng sững lại cố lấy vẻ oai, quát to dõng dạc:
Này hai người kia, ở đâu đến đây? Đã trình làng chưa?
Long, Vân chưa kịp đáp thì Hai Ngạn đang ôm búi rơm từ sau nhà lanh chanh bước ra, giọng mềm nhũn lễ phép. Chỉ lạ một nỗi không hiểu sao lời lẽ gã nông phu này lại giảo hoạt và biến báo đến thế. Gã cứ theo lẻo, mồm trơn như bôi mỡ:
- ấy, ấy. Bẩm ông Trương. Đây là hai anh em con nhà ông chú thúc bá với bố cháu ở ngoài phố về. Chẳng là ông chú cháu muốn tậu một mảnh ruộng và cả mảnh vườn để cho ai nhỉ ông bà nhỉ.
Long suýt bật cười vì sự trí trá của Hai Ngạn nhưng do cũng đã tĩnh tâm nên nói luôn:
- Là ông tôi. Ông tôi năm nay ngoại sáu mươi rồi, lại mắc chứng hen xuyễn. Đốc tờ bảo bệnh ấy nói chung ở ngoài phố phường chật chội, xe cộ rầm rầm là hại lắm nên muốn có nhà ở ngoài này để nói chung thỉnh thoảng một tuần có độ vài ba ngày ra tá túc mong hưởng không khí trong lành, tĩnh mịch của làng quê.
- Thế đã trình làng giấy tờ gì chưa? Ngọn hèo trong tay Trương Hàm lại vung lên làm oai.
- Bẩm ông Trương là hôm nay hai ông bà mới về thăm dò để xem thế nào chứ việc này thì phải muốn gì thì gì cũng phải trình ông được. Đấy sáng nay cháu biết ông bà về nên hết phiên canh cháu đã ra đồng cố tìm cái gì về làm bữa cơm. May sao lại vớ được con cạp nong này. Cháu cũng vừa định đến mời ông. Vâng vâng.
Cạp nong cơ à. Mật thứ ấy ngâm rượu là bổ xương cốt lám đấy.
Vâng, vâng. Sẽ ngâm rượu ngay đấy ạ.
Thứ ấy phải là rượu ngang chứ không thể rượu ty được.
Vân nhìn Long. Anh chàng này hiểu khá nhanh cái nhìn của cô em gái người bạn liền cho tay vào túi áo bu jông khoác ngoài nói:
- Đây. Anh cầm chỗ tiền này đi mà đi mua rượu. Nói chung là phải rượu ngang.
Liếc nhìn thấy chiếc ví của Long, mắt Trương Hàm sáng lên. Trong óc của gã đã tưởng tượng ra một hội tổ tôm. ý nghĩ này làm gã quên đi mọi sự Giọng gã bẻo lẻo.
- Thôi được. Cứ coi như thế đi. Bây giờ mày cầm tiền của ông này đến đằng tao. Hôm nọ tao đi tuần bắt được mấy thằng, mấy con mang bong bóng rượu hình như từ bên Noi sang. Chúng nó liều thật. Giữa ban ngày ban mặt mà dám nhét cả cái bóng lợn to tướng đầy ắp rượu vào bụng, lặc lè đi. Tao sẽ để cho mày mấy cút.
Dân làng đang đứng túm tụm quanh mảnh sân đất nghe Trương Hàm nói cười rộ lên. Trương tuần họ Đinh nghe tiếng cười mắt trợn ngược, y quay lại, trong khi đó hai Ngạn lăng xăng vừa tìm chai vừa nói nịnh:
- Thế thì còn gì bằng. Nhưng tiện ông sang đây cháu cũng xin mời ông ở lại uống rượu với ông bà cháu. Còn việc mua rượu thì cháu xin tự bảo bà đong cho rồi giả tiền cho bà cũng được.
- Cứ để tao về xong tao lại cùng mày đến. Không có tao thì bà ấy biết chỗ nào là rượu ngang, rượu ty.
- Đúng rồi. Cái Hĩm đang chăm chú nhìn Vân nói chêm vào.
- Không được nói leo, con bé này.
Trương tuần họ Đinh trợn mắt, nhưng liền sau đó đôi mắt trợn trừng của gã hơi nheo lại. Hình như lão nhận ra vẻ đẹp dậy thì bất ngờ của đứa con gái. Cái Hĩm đờ người ra. Nó rùng mình khi bắt gặp cái nhìn của gã trương tuần nhưng ngay lập tức nó lại quên ngay. Sự tập trung của nó bây giờ chỉ đơn giản là vì trước mặt nó là người con gái ngoài tỉnh. Từ khi nghe tiếng ồn ào, rồi bưng rổ khoai sang phát hiện thấy người con trai và người con gái thì nó không khỏi ngạc nhiên. Trong người nó lộn xộn đủ thứ cảm giác vừa thấy lạ lẫm vừa thấy kính trọng hai người lạ mặt, áo quần đẹp đẽ và chắc là thơm tho lắm. Cũng là kiếp người mà sao người ta một là ăn mặc đầy đủ, sang thế, hai là con người họ từ nước da trắng đến khuôn mặt sao mà đẹp thế, oai nghiêm vậy. Đôi mắt người con gái viền lại bằng một vành đen làm nó như to da, sâu hơn. Cả sống mũi nữa kìa. Nó nhô cao, thẳng tắp. à phải rồi mấy đứa ở làng gọi là mũi dọc dừa sao mà đúng thế. Còn đôi môi chắc là tô bằng thứ son nào chứ đời nào giống người ta lại có đôi môi đỏ xậm thế kia. Ngay như dạo hội làng, mấy đứa làm duyên đều phải ngậm giấy bao hương mới được cái mầu ấy. Hĩm này thì chả bao giờ mặc dù đứa nào cũng bảo là Hĩm tìm ở đâu mà ra loại bao hương có màu cánh sen đẹp thế. Chúng nó nói thế là cạnh khoé hay là ghen tị chứ Hĩm này chả bao giờ làm cái trò kiểu lăng loàn, hát hò, nhảy vào a dua cùng mấy đứa trong đội sinh tiền. Chả hiểu sao lúc bình thì chúng nó cũng nói môi Hĩm thế. Hình như cái Hĩm kúc nào cũng ngậm giấy hương nên… ờ thì giời sinh, cha mẹ đẻ ra nó như vậy chứ đã là đàn bà, con gái thì hoạ nhà trò con hát, hay là đứa đánh đĩ, lăng loàn mới mất công đi bôi môi, kẻ mắt. Còn cô này. Trông cặp môi mở ra cắn vaò củ khoai kìa. Thế thì phai hết son đi chứ còn gì nữa. Mà xem ra cô ấy lại thích ăn khoai mới lạ chứ. Buồn cười thật đấy. Ở ngoài phố phường chắc đồ ăn thức uống cũng toàn loại ngon lành, quý giá chứ củ khoai củ giáy thì chỉ dành cho kẻ cổ cầy vai bừa lấp cho đầy dạ dầy dạ mỏng. Nhưng ăn gì thì ăn, còn môi, còn miệng và cả hàm răng đều tăm tắp như hạt na kia. Nhỡ một cái vì gặp phải thứ nóng, vì cắn phải cái gì cứng như xương chó sứt mất chút răng thì hoài của biết bao. Người gì mà xinh mà đẹp đến thế không biết. Thật trần đời chưa thấy có người con gái nào lại kì lạ như thế. Ngay cả đôi chân của cô ấy nữa. Đôi giầy cao gót mầu nâu chắc phải nhiều tiền lắm. Còn cái gót chân lúc cô ấy trật ra như để đỡ mỏi thì rờ rỡ một mầu hồng tựa như màu cánh sen mùa hạ lấp ló giữa những mảng bèo tây và những bông hoa súng tím ngắt.
Mày ăn phải cái gì mà đờ đẫn mặt mày ra thế?
Mắt lão Trương thô lố hết nhìn đôi mắt mở to như mắt mèo con lại nhìn vào bắp chân tròn lẳn, trắng hồng vẫn dính vài chấm bèo tấm khiến cục hầu nhọn hình tam giác thụt lên thụt xuống. Bố tiên nhân khỉ. Con gái con đứa Chúng nó có làm gì đâu mà đầu óc lão thoáng váng vất. Lão cố làm oai lấy cây hèo mây hẩy hẩy vào mảnh váy nhuộm nâu già cứng cành cành bên hông con Hĩm. Cô bé nông dân đang dậy thì rùng mình, càng cúi đầu thấp hơn như để cho người nó cố thu nhỏ lại trong cái áo chật hẹp như sắp bị căng nứt ra. Đôi mắt có đôi hàng lông mi vừa rậm vừa cong nhíu lại, mồm con bé lắp bắp:
- Cháu, cháu. Không không… Nói chưa dứt lời con bé đã quay đầu lủi thật nhanh ra khỏi đám đông.
- Từ giờ trở đi. Hễ mà có ai lạ đến làng này, mà chúng mày không báo tao thì cứ liệu cái thần hồn. Tao có biết thì tao mới bẩm lên thầy Lý được. Có như thế thì từ thấy Lý đến cụ Chánh không có cớ gì mà mắng mỏ được. Mọi sự trong thôn trong làng mới yên ổn. Cục hầu lại di chuyển trên cái cần cổ đen xì. A còn việc này nữa. Có sự lạ gì động rạng ở cái làng này tao cấm tiệt chúng mày tập trung, nhất là mấy đứa con gái. Làm như thế thì nó xui xẻo cả làng. Bọn xấu nó mượn giò bẻ măng. Hiểu chưa?
- Nhưng bọn xấu là bọn nào ạ? Hai Ngạn làm bộ ngớ ngẩn hỏi lại.
- Là bọn Việt… à mà thôi. Tao cứ dặn thế thì mày cứ phải làm như thế. Mày chẳng gì cũng là tuần đinh có chức phận rành rành, chứ có phải hạng dân đen chân trắng đâu. Thế mà cũng phải hỏi. Ngu lắm. à nhưng mà này con cạp nong ấy mày lột da, lấy mật ra chưa. Giống rắn chết là chóng ươn lắm. Chả cứ rắn rết mà bất kì thứ con gì mà để ươn thì nấu nướng có tài bằng thánh cũng mất ngon đi.
- Dạ, dạ. Cháu làm đầy đủ rồi đấy ạ. Mọi thứ tẩm hết cả rồi về chỉ việc nấu thôi ạ.
Được rồi. Đi rảo cái chân lên.
Trong lúc Trương Hàm và Hai Ngạn về lấy rượu thì Long cảm thấy hơi chột dạ. Anh đưa mắt nhìn đám người làng đã bắt đầu dãn dần, nhưng thi thoáng vẫn thấy những cặp mắt liếc trộm. Nhìn sang cô em của người bạn thân thấy cô này vẫn đang ăn khoai một cách ngon lành, Long ngước lên, nhận ra mầu xanh của bụi tre dường như đã phai đi nhiều để thay vào đó mầu chớm vàng bạc phếch của sự úa tàn. Một mùa đông nữa xắp đến.. Nhưng còn bây giờ… Long bồn chồn. Không biết hai người đàn ông ấy đi đâu và lúc nào mình có thể rời khỏi căn làng lạ lẫm này. Tất cả những lo lắng này sau đó chỉ chừng bằng thời gian đạp xe đạp từ nhà lên dốc Yên Phụ đã tan biến đi. Một cái mâm gỗ được đặt trên chiếc chõng tre đã gẫy chân và được buộc một cách khéo léo và tỉ mỉ vào gốc tre già. Ba cái chén tống sứt sẹo được rót đầy ắp một thứ rượu trong veo cùng một bát ôtô đầy thịt rắn om với chuối xanh nóng nghi ngút bốc lên. Sau này mỗi khi nhớ lại cả Vân và Long đều tấm tắc khen bữa thịt rắn ngon lành và kì lạ đó. Nhưng cũng mỗi lần nhắc đến Vân cũng lại lầu bầu"hôm ấy thấy anh uống mà em sợ phát khiếp. Cứ ừng ực, ừng ực hết chén này đến chén khác. Mấy lần em cấu vào lưng anh, anh lại đẩy tay em ra. Mà cả cái ông Trương Hàm và cả tay hai Ngạn nữa chứ. Khiếp hình như không có rượu thì đàn ông không sống được thì phải. Mà buồn cười nữa là hôm ấy em lại ăn được thịt rắn, thứ mà ở nhà cứ nghĩ đến em đã rợn tóc gáy lên rồi. Anh có thấy mỗi lần vào Bách thảo anh đưa em đến chỗ chuồng nhốt trăn là em dứt khoát không đi. Rắn với trăn thì khác gì nhau cơ chứ".

<< PHẦN I - Chương 5 | PHẦN I - Chương 7 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 670

Return to top