Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Tôn giáo, Chính Trị >> OSS VÀ HỒ CHÍ MINH

  Cùng một tác giả
Không có truyện nào


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 16086 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

OSS VÀ HỒ CHÍ MINH
DIXEE R. BARTHOLOMEW-FEIS

Chương 7

Khi Frank Tan và Mac Shin thực hiện chuyến đi tới căn cứ Việt Minh, mạng lưới tình báo GBT lại một lần nữa lại hình thành. Charles Fenn và Harry Bernard nhận được những báo cáo tại Côn Minh và chuyển chúng qua Không đoàn Hổ bay đến AGAS. Fenn giữ liên lạc với OSS và cũng chuyển thông tin chi tiết cho MO. Nhưng mối quan hệ giữa OSS và GBT không hề cải thiện, và Fenn vẫn không cung cấp cho OSS những điều họ cần nhất: quyền sử dụng nhân viên GBT. Tuy nhiên, những con đường tiếp cận mới đang mở ra cho OSS.

Trong chuyến đi vài ngày đến Côn Minh vào ngày 13 tháng 4, câu hỏi của Archimedes Patti về những người Việt Nam lưu vong đã thu hút sự chú ý của Việt Minh.

Vương Minh Phương, một cán bộ Việt Minh đang sống tại Côn Minh, đã gọi điện cho Patti vào giữa tháng 4. Patti mô tả Vương Minh Phương là một thanh niên có giáo dục tốt ở độ tuổi ba mươi. Vương Minh Phương nói về mối quan hệ trước kia với Austin Glass và thông báo cho Patti những người anh biết tại Côn Minh, gồm các nhân viên tại OWI và một cố vấn người Mỹ. Hai người đã nói chuyện gần cả ngày, và Patti nhanh chóng đi đến kết luận Vương Minh Phương nắm rõ về OSS và AGAS hơn những gì Patti biết về Việt Minh. Vì thế, dù đã quen với cái tên Vương Minh Phương qua những báo cáo nhưng Patti cũng phải thừa nhận rằng Phương biết nhiều về ông hơn ông biết về Phương. Trong cái đang trở thành phong cách đặc thù của Việt Minh, Phương nói rõ sự thật về mối tương tác giữa Việt Minh với Chennault, AGAS, và OSS. Patti nhận xét: "Với một cảm giác tự hào, Vương Minh Phương đã kể lại chi tiết việc các đồng chí của anh ta tại Đông Dương và Trung Quốc đã làm việc gần gũi như thế nào với nhiều người Mỹ của OSS và tướng Chennault, cung cấp mệnh lệnh tác chiến của Nhật và các thông tin quan trọng khác. Phương nói bóng gió về các chiến dịch của OSS - AGAS trong đó Việt Minh góp phần giúp nhiều phi công Quân đội và Hải quân tìm nơi ẩn náu và chỉ dẫn họ đến nơi an toàn".

Rõ ràng, việc tô hồng sự thật đôi chút trở nên có ích thực sự đối với Việt Minh. Giống như Hồ Chí Minh đã nói về bản chất mối tương tác với Chennault nhằm củng cố quyền lực trước những đối thủ chọn lọc, lúc này Vương Minh Phương đề cao mối quan hệ giữa Việt Minh với cả OSS lẫn AGAS, hy vọng khuyến khích Patti cộng tác và có lẽ để đem lại cho họ những gì họ mong muốn: được nước Mỹ thừa nhận là một "tổ chức có quyền lực và hợp pháp duy nhất đại diện cho nhân dân Việt Nam" trong cuộc chiến chống Nhật. Mặc dù Vương Minh Phương và Hồ Chí Minh có cường điệu về thực chất mối quan hệ với người Mỹ, nhưng họ không hề nói dối về điều đó; những gì họ tuyên bố đều có thực. Cả hai biết rất rõ nếu bị phát hiện nói dối, họ và những bức thông điệp của họ sẽ bị gạt bỏ và họ sẽ có rất ít cơ hội để lấy lại lòng tin. Mặc dù yêu cầu của Phương - được thừa nhận là "tổ chức có quyền lực và hợp pháp duy nhất" ở Việt Nam - biểu thị một mức độ hợp pháp mà OSS chưa sẵn sàng và cũng không thể đưa ra vào thời điểm đó, nhưng OSS đã biết nhiều về vấn đề này. Trong khoảng thời gian ngắn từ đầu tháng 4, OSS đã tuyên bố rằng "quân đội" Việt Minh là "cốt lõi của tất cả các lực lượng chống Nhật ở Đông Dương có các nhóm quân tại nhiều vùng: Bắc Cạn, Thái Nguyên và Cao Bằng". Mặc dù đánh giá này - giống như những tuyên bố của Việt Minh - rõ ràng đã được cường điệu, nhưng nó dường như trở thành một lời giới thiệu đúng đắn về những gì OSS tin tưởng.

Trong cuộc nói chuyện với Patti, Vương Minh Phương mô tả Việt Minh là một mặt trận chính trị và cũng là một "lực lượng vũ trang, được tổ chức thành các đơn vị du kích và tích cực hoạt động trong cuộc kháng chiến chống Nhật". Phương cam đoan với Patti rằng Việt Minh sẵn sàng chiến đấu sát cánh bên người Mỹ chống lại kẻ thù chung.

Trên thực tế, vào năm 1941, trong Kỳ họp mở rộng lần thứ VIII của Ban Chấp hành Trung ương, ICP đã tuyên bố "khẩu hiệu của Đảng trước tiên là giải phóng nhân dân Đông Dương thoát khói ách thống trị của Nhật và Pháp". Tuy nhiên, trong ba năm sau, hoạt động của Việt Minh giành được ít kết quả hơn so với mong đợi. Năm 1944 Việt Minh thành lập lực lượng Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng Quân đầu tiên để bắt đầu cuộc chiến đấu vũ trang giành tự do cho Việt Nam. Những chỉ thị của Hồ Chí Minh cho Võ Nguyên Giáp, trước kia là thầy giáo lịch sử và hiện là cán bộ cấp cao của Việt Minh, nhấn mạnh tầm quan trọng của chiến tranh du kích trong cuộc chiến này. Hồ Chí Minh khuyên Võ Nguyên Giáp cần phải "áp dụng chiến tranh du kích; giữ vững bí mật, khẩn trương hành động và giành thế chủ động (lúc ở đông lúc ở tây, đến không ai biết, đi không ai hay)". Tại lễ thành lập Việt Nam Tuyên truyền Giải Phóng Quân ngày 22 tháng 12, Võ Nguyên Giáp đã kêu gọi mọi người cùng chung sức gánh vác nhiệm vụ khó khăn trong cuộc chiến chống hai kẻ thù mạnh hơn rất nhiều, Nhật và Pháp. Những câu nói rõ ràng đã thôi thúc rất nhiều thính giả:

Chúng ta nêu cao tinh thần dũng cảm và hy sinh, không bao giờ sợ hãi dù gặp khó khăn, không rời hàng ngũ dù phải chịu đau khổ. Đầu có thể rơi, máu có thể đổ, nhưng chúng ta sẽ vẫn không chịu lùi buộc. Lòng hờn căm của dân tộc là quá lớn, nhiều hành động tàn bạo bí thảm chờ được thanh toán. Chúng ta sẽ nói rõ cho cả dân tộc rằng con đường sống chính là con thống nhất nhau để chuẩn bị nổi dậy vũ trang. quân Giải phóng sẽ chứng tỏ là lực lượng vũ trang của nhân dân, của đất nước, đi tiên phong trên con đường giải phóng dân tộc.

Võ Nguyên Giáp liên kết cuộc chiến sắp xảy ra với lịch sử và truyền thống Việt Nam, kêu gọi những người lính Giải phóng thề danh dự dưới cờ với lời thề "hy sinh tất cả cho Đất mẹ Việt Nam, chiến đấu tới giọt máu cuối cùng để tiêu diệt phát xít Nhật, Pháp và bè lũ Việt gian, làm cho Việt Nam trở thành một quốc gia độc lập, dân chủ sánh vai với các nước dân chủ khác trên thế giới". Trong hai tháng sau đó, "sử dụng một ít vũ khí có thể nhận được từ nhân dân hoặc từ những cuộc tấn công bất ngờ vào các đồn bốt Pháp, các đội tuyên truyền vũ trang bắt đầu liên tục tấn công nhật và Pháp tại các vùng núi thuộc miền Bắc Việt Nam". Tuy nhiên, những cuộc giao tranh chống Nhật của họ không nhiều. Khi Nhật đảo chính hất cẳng Pháp, Việt Minh trở nên tích cực hơn trong cuộc chiến đấu chống Nhật. "Lời hiệu triệu chiến đấu chống Nhật của Việt Minh" vào tháng 3 năm 1945 công khai nhìn nhận tình hình:

Máu chúng ta đã sôi

Bụng chúng ta trống rỗng

Tài sản của chúng ta bị cướp bóc

Gia đình của chúng ta nát tan

Chính quân Nhật phảí chịu trách nhiệm cho tất cả những thảm hoạ này. Chỉ có một con đường duy nhất để chúng ta cứu lấy cuộc sống của mình: toàn thể đồng bào ta phải chuẩn bị đánh đuổi loài chim săn mồi Nhật.

"Những lời hiệu triệu" kêu gọi nhân dân "không than van vô ích" và thôi thúc họ tự trang bị vũ khí với "gậy gộc, giáo mác, dao, đánh đuổi giặc Nhật và giành lại kho thóc và nhà cửa của các bạn". Năm 1946 Trường Chinh đã tuyên bố rằng sau đảo chính, quân du kích (Việt Minh) liên tục tấn công nhiều đồn bốt tại các vùng cao và trung du thuộc miền Bắc Việt Nam, tước vũ khí của nhiều lính Pháp và các đến vị Bảo an để ngăn chặn vũ khí của chúng rơi vào tay Nhật; tấn công quân đội Nhật đang di chuyển dọc theo các tuyến đường bộ thuộc Tuyên Quang, Thái Nguyên, Bắc Cạn và Cao Bằng, quấy rối quân địch thậm chí ngay tại thủ phủ của tỉnh Bắc Cạn, và tấn công bất ngờ vào căn cứ của chúng tại Chợ Chu. Mặc dù mô tả của Trường Chinh có thể là cường điệu, nhưng Việt Minh liên tục quấy rối Nhật sau cuộc đảo chính tháng Ba. Nhiều năm sau, Trần Thị Minh Châu hồi tưởng về kết quả các cuộc tấn công trước đây:

Qua các cuộc tấn công, chúng tôi đã tiêu diệt được kẻ thù thu nhiều vũ khí và hàng tiếp tế. Đôi khi chúng tôi còn thu được đủ vũ khí để trang bị cho cả một trung đội. Tại Cao Bằng, Võ Nguyên Giáp đã phát động tấn công vào các bốt gác của kẻ thù tại Nà Ngần và Phay Khắt. Ở đó, chúng tôi đã thu được toàn bộ vũ khí. Vào lúc đó, theo chính sách của Việt Minh, có thể tiến hành tấn công kẻ thù tại mỗi địa phương có điều kiện thuận lợi.

Ngoài ra, Frank Tan gửi điện về sở chỉ huy GBT tường thuật lại vài trận đánh thành công tương tự của Việt Minh như Trường Chinh đã đề cập đến, gồm cuộc tấn công tại Bắc Cạn và cuộc phục kích đoàn hộ tống Nhật gần Chợ Chu. Ít ra nguồn tin của Nhật cũng chứng minh hoạt động du kích của Việt Minh. Trong "Báo cáo về những biện pháp do Đạo quân Nhật thứ 8 tại FIC thực hiện suốt năm 1945" được viết sau khi Nhật đầu hàng, tác giả người Nhật xác nhận "các hoạt động của Đảng Việt Nam tại Bắc Đông Dương ngày càng trở nên mạnh mẽ, đặc biệt là quấy rối an ninh công cộng, nhằm đánh đuổi Nhật để thiết lập nền độc lập hoàn toàn cho nhân dân…", bản báo cáo tiếp tục, Nhật buộc phải tiếp tục sử dụng sức mạnh đáng kể trong việc đàn áp khá vất vả những người ủng hộ Việt Minh cho tới tận ngày đình chiến 15 tháng 8". Mặc dù yếu hèn khi so sánh với các phong trào bí mật của châu Âu trong chiến tranh, nhưng Việt Minh đã được tổ chức và có một lịch sử vững chắc trong việc kêu gọi nhân dân đứng lên chống Nhật. Đến tháng 6, Nhật bắt đầu khó chịu với những cuộc quấy rối của Việt Minh nên đã ra lệnh cho Sư đoàn 21 (Nhật) đàn áp Việt Minh. Dựa trên các nguồn tin của Nhật và Việt Minh, nhà sử học Stein Tonnesson đã mô tả quyết định đó như sau:

Sau vụ một trung uý Nhật bị giết trong cuộc phục kích của Việt Minh, quân đội Nhật đã bắt bốn người có cảm tình với Việt Minh trong ngôi làng gần nhất và tra vấn họ. Sau đó họ được tha và mang về trao cho các chỉ huy của họ vái lá thư nội dung nói về thái độ đồng cảm nói chung đối với cuộc chiến giành độc lập của Việt Minh nhưng lại thuyết phục Việt Minh hợp tác với Nhật chống lại Anh và Mỹ. Nhật không có ý định chiếm đóng những khu vực Việt Minh đang hoạt động, nhưng nếu Việt Minh vẫn tiếp tục tấn công thì Nhật sẽ đíều tới một đại đội để tiêu diệt bằng hết. Việt Minh đáp trả bằng việc cho xuất bản một bản tóm tắt nội dung những bức thư trên tờ báo bí mật. Chẳng bao lâu vấn đề Việt Minh được trình lên cấp cao nhất tại Hà Nội…

Rõ ràng, sở chỉ huy của Nhật tại Hà Nội kết luận, ít nhất là trong lúc này không thể đạt một được thoả thuận sơ bộ với Việt Minh vì vậy vào tháng 6 năm 1945 Sư đoàn 21 của Nhật đã được lệnh tiến đánh quân du kích.

Tuy nhiên, khi hành động này còn chưa xảy ra, Chi nhánh R&A của OSS đã thông báo cho Patti rằng nó có "những báo cáo về sự chống đối quân Nhật tích cực của Việt Minh tại khu vực Tuyên Quang - Thái Nguyên - Lạng Sơn - Bắc Cạn và các hoạt động của họ có vẻ là chiến thuật bán quân sự". Với thông tin này, sau khi đã nghe Vương Minh Phương kể nhiều về quá trình lịch sử của Việt Minh và tin tưởng vào năng lực tiềm tàng của Việt Minh, Patti hứa sẽ bàn bạc về khả năng sử dụng Việt Minh với các đồng nghiệp. Nhưng Patti cũng có một yêu cầu: ông muốn gặp Hồ Chí Minh.

Khi Patti báo cáo với Helliwell, Heppner và thiếu tá Robert E. Wampler, chỉ huy chi nhánh SO của OSS tại Côn Minh về nội dung cuộc nói chuyện với Vương Minh Phương, tất cả đều bày tỏ sự lo lắng là bất cứ loại vũ khí nào được cung cấp cho Việt Minh đánh Nhật sẽ nhanh chóng trở thành công cụ chống lại Pháp. Tuy nhiên, bản chất tương đối bất hợp tác của người Pháp và người Hoa địa phương lại làm cho Việt Minh trở thành lựa chọn hàng đầu trong nhiều giải pháp tốt nhất của OSS nhằm kiếm được các đặc vụ cần thiết để thiết lập mạng lưới tình báo quân sự tại FIC đã được định hình trong Dự án QUALL. Hơn nữa, thông tin của Patti cho rằng cuộc gặp với Hồ Chí Minh là con đường tốt nhất nhằm kiếm được những đặc vụ mà ông cần. Khi Patti và Vương Minh Phương gặp nhau lần thứ hai, Phương nói với Patti anh đã gửi thông điệp tới Hồ Chí Minh và đã bố trí một cuộc gặp tại thị xã biên giới Tĩnh Tây.

Cuối tháng 4, Patti rời Côn Minh, kết hợp chuyến đi đến các đơn vị của OSS đóng quân dọc theo biên giới Trung Quốc với chuyến thăm Tĩnh Tây. Sau khi làm các thủ tục với một người trung gian là một đảng viên cộng sản Trung Quốc, Patti và Hồ Chí Minh cuối cùng đã gặp nhau tại một hiệu ăn Tầu nhỏ bên đường vào ngày 27 tháng 4 năm 1945. Ngay từ đầu hai người đã có thiện cảm với nhau. Mặc dù từ những nền tảng hoàn toàn khác nhau nhưng hai ông đều có chung nhiều đặc điểm: cả hai đều có, theo đánh giá của nhiều người, một trí tuệ sắc bén, và cả hai đều biết làm chủ tình thế. Patti vô tình nói ra những câu mà theo bản năng ông biết rõ sẽ thu hút sự chú ý của Hồ Chí Minh: "Tôi rất hài lòng khi được gặp một người có nhiều bạn bè Mỹ tại Côn Minh". Hồ Chí Minh kể vắn tắt một danh sách dài những mối bất bình đối với chủ nghĩa thực dân Pháp và cho Patti xem một loạt ảnh các nạn nhân nạn đói năm 1945 vốn đã bị những hành động của cả Nhật và Pháp làm cho trầm trọng hơn. Tuy nhiên, bắt tay vào công việc, ông đề xuất những gì phía ông có thể thực hiện cho người Mỹ, nhưng bản thân ông không đề nghị gì trực tiếp vì có lẽ ông biết những đòi hỏi không ngừng của cả Pháp và Trung Quốc đã khiến Mỹ khó chịu. Trong quá trình mô tả tổ chức và công tác hiện nay của Việt Minh, ông kể cho Patti rằng AGAS và Việt Minh hiện đang cùng cộng tác để tổ chức hoạt động bí mật trong vùng nội địa nhằm giúp đỡ các phi công bị bắn rơi, nhưng ông coi đó là vấn đề khác.

Nhiệm vụ của AGAS mà ông ám chỉ rõ ràng là sứ mạng của GBT đã đưa Frank Tan và Mac Shin tới Việt Bắc. Tuy nhiên, theo như báo cáo của Patti, ông không đả động gì tới GBT, Tan hay mối quan hệ với GBT của ông và cả thông tín viên ở Côn Minh, Charles Fenn. Dường như đây có vẻ là sự bỏ xót có tính toán của ông. Mỗi nhân viên OSS, những người đã kể hoặc viết về những cuộc đấu trí giữa họ và Hồ Chí Minh, đều bình luận rằng ông biết về bản thân họ nói riêng và người Mỹ nói chung nhiều hơn những gì họ biết về ông hay Việt Minh. Nếu Hồ Chí Minh biết tình trạng đối đầu giữa OSS và GBT/ Fenn thì rõ ràng tốt nhất là thay đổi lời khen đối với thông tin Tan gửi cho AGAS (xét cho cùng thì cả Fenn và GBT đều làm việc với AGAS), bỏ qua mối quan hệ giữa ông với Fenn "gây rối", và lôi kéo tân đại diện của OSS vào những gì Việt Minh có thể làm cho ông ta.

Đối với Patti, khả năng sử dụng Việt Minh dường như đầy hứa hẹn. Ông kết luận, giống như Tan và Fenn trước đây, Hồ Chí Minh có thể tin cậy được. "Mặc dù tính khách quan cẩn trọng và nhận thức có mục đích của tôi không cho phép bản thân mình định vào các lĩnh vực chính trị thuộc vấn đề Đông Dương", Patti nhớ lại, "nhưng sự chân thành, hành động thực tế và tài hùng biện của Hồ Chí Minh đã gây cho tôi một ấn tượng sâu sắc". Tại cuộc gặp đó và cả những cuộc gặp sau này, Patti đi đến một kết luận khiến ông xử sự theo những cách nhìn lại có vẻ đáng ngờ vào cuối mùa hè năm 1945, nếu không phải rõ ràng là thời gian đó. "Tôi biết", Patti viết, "mục đích cuối cùng của ông (Hồ Chí Minh) là giành được sự ủng hộ của Mỹ đối với sự nghiệp của nước Việt Nam tự do và tôi cảm thấy niềm khao khát đó không trái ngược với chính sách của Mỹ". Ngược dòng thời gian, cuối tháng 4 năm 1945, Patti bị thúc giục phải thu thập được thông tin từ Đông Dương: G-2 (chi nhánh tình báo quân sự của quân đội Mỹ) muốn các hoạt động của OSS ở cả Hà Nội và Sài Gòn, tổng hành dinh mặt trận cần tin tình báo về tình hình chuyển quân của các đơn vị chiến đấu Nhật và việc xây dựng các căn cứ quân sự mới, còn cơ quan MO muốn có một chiến dịch tuyên truyền mới. "Họ muốn mọi thứ và muốn ngay lập tức", Patti viết. "Từ một quan điểm thực tế, Hồ Chí Minh và Việt Minh hình như là câu trả lời cho vấn đề trước mắt của tôi trong việc thiết lập các hoạt động tại Đông Dương". Nếu kế hoạch của Patti thành công, các nhân viên điện đài và các đặc vụ đã được huấn luyện của Việt Minh có thể bố trí cho Dự án QUALL. Tại đây, việc lên kế hoạch những yêu cầu đối với Chiến dịch CARBONADO khiến Patti quan tâm, nó đặt ra mức độ cao hơn về những tin tình báo chính xác lấy từ Việt Nam và do đó cả về mối quan hệ của ông với Việt Minh. CARBONADO là tên mật mã của một cuộc tấn công đã được lập kế hoạch của Đồng Minh tại miền Nam Trung Quốc bao gồm "tấn công trên bộ, dọc theo tuyến Quế Lâm - Liễu Châu - Nam Ninh để bảo vệ khu vực Quảng Châu - Hồng Công và thông ra các hải cảng chính tại miền Nam Trung Quốc để tiếp nhận quân từ châu Âu và Philippines".

Trên thực tế, CARBONADO là một kế hoạch nghi binh nhằm kéo quân đội Nhật ra khỏi những mục tiêu tấn công thực sự của Mỹ. Tất nhiên bí mật này được giới hạn trong những chỉ huy cao cấp, và OSS được yêu cầu thu thập thông tin tình báo cho CARBONADO với sự gấp rút như đổi với một chiến dịch thật. Quả thực, Stein Tonnesson tin rằng QUALL "có thể đã đóng một vai trò quan trọng nếu như CARBONADO được thực hiện", và với tư cách là các đặc vụ, "du kích Việt Minh đã có thể đem lại sự giúp đỡ quý báu cho OSS bằng cách tạo điều kiện thuận lợi cho kế hoạch thâm nhập Bắc Kỳ của quân Trung Quốc theo chiến dịch CARBONADO.

Khó khăn trong tiếp tế cho quân đội suốt chiến dịch CARBOLỈADO đòi hỏi trước tiên phải giành được một cảng nhỏ tại Fort Bayard. Cảng biển này đủ để đưa vào bờ "những đợt hàng tiếp tế O ạt - ít nhất một chuyến tàu Liberty mỗi ngày", nhưng một khi nằm sâu trong lãnh thổ, những vấn đề tiếp tế mới sẽ có thể nảy sinh đo chất lượng kém của phần lớn các tuyến đường trong khu vực. OSS chịu trách nhiệm quấy nhiễu kẻ thù bằng cách thực hiện các hoạt động du kích, phá hoại và tuyên truyền. Các đặc vụ của QOAIL sẽ cung cấp thông tin tình báo quyết định về bố trí và di chuyển của quân đội Nhật ở Đông Dương để dễ dàng ngăn chặn chúng tăng viện cho các khu vực đang bị tấn công. Để chuẩn bị cho hoạt động này, OSS đã được chỉ thị sử dụng các đội du kích phá vỡ hành lang của Nhật giữa Hà Nội và lam minh.

Với một chiến dịch quá lớn như CARBONADO, nhu cầu thông tin tình báo chính xác tại Đông Dương là yếu tố quyết định. Vào tháng 5, khi được nghe Heppker tóm tắt về chiến dịch CARBONADO, Patti không có nhiều lựa chọn tìm kiếm đặc vụ trong khu vực: Patti vừa quý trọng vừa tin tưởng Hồ Chí Minh và mối quan hệ của ông với người Pháp đang dần xấu đi. Đến cuối năm 1945, nhiều người Pháp và một số người Mỹ sẽ buộc tội Archimedes Patti chống Pháp. Nói chung, Patti bác bỏ lời buộc tội này và tuyên bố chắc chắn tình hình sẽ không như thế khi ông đến Côn Minh vào tháng Tư. Ngay từ đầu nhiệm kỳ tại Trung Quốc, Patti đã bị người Pháp đòi hỏi quá nhiều về tiếp tế và thông tin. Patti thừa nhận là các đặc vụ Pháp có thể liên quan tới công tác thu thập thông tin tình báo trong thuộc địa và ông có thể làm việc cùng họ. Vì tính cấp bách trong thu thập tin tình báo về quân Nhật tại Việt Nam càng ngày càng tăng nên vấn đề làm việc với Pháp được đặt lên hàng đầu. Patti đã tới gặp tướng Sabattier tại Swemao và tận mắt chứng kiến "cảnh tượng khốn khổ" của đội quân Pháp bại trận. Patti và các nhân viên nói được tiếng Pháp đi cùng đã dừng chân tại một thị trấn miền nam Trung Quốc trong mười ngày để phỏng vấn những người tị nạn Pháp - các sĩ quan, sĩ quan dự bị, các nhân viên cấp thấp, nhân viên dân sự và thương gia. Nhìn chung, Patti không hề có ấn tượng về khả năng của họ trong việc tiến hành thành công các chiến dịch cấp bách. Patti cảm thấy thương cho điều kiện thể chất của những con người ốm yếu nhưng toàn bộ ấn tượng của ông về những người Pháp bị trục xuất là ác cảm. Patti mô tả cuộc nói chuyện với những người Pháp đó là "một bức tranh không hấp dẫn về thái độ lãnh đạm, đầy thù hận và quyền lợi ích kỷ". Qua nhiều cuộc tiếp xúc hơn nữa với các nhân vật khác, cách nhìn của Patti về người Pháp tại Trung Quốc thậm chí còn tệ hơn. Giống Milton Miles trước đây, các nỗ lực làm việc với quân đội và cá nhân pháp chọn lọc của Patti liên tục gặp nhiều trở ngại bởi các cuộc tranh cãi nội bộ giữa họ với nhau. Thậm chí ngay cả Sabattier và Alessandri, hai viên tướng Pháp đã từng kết hợp với nhau tại Điện Biên Phủ trong cuộc tháo chạy thành công thoát khỏi cuộc đảo chính của Nhật, cũng không thể vui vẻ với nhau. Alessandri không chấp thuận kế hoạch của Sabattier trong việc đặt một phần đội quân của ông ta dưới quyền chỉ huy của Wedemeyer, và ông ta tranh cãi về vai trò giả của Sabattier trong hệ thống cấp bậc quân sự của Pháp tại Trung Quốc. Thêm vào đó, quan hệ của Patti và chỉ huy mới của đến vị tình báo Pháp tại Côn Minh (M.5), thiếu tá Jean Sainteny, nhanh chóng xấu đi.

Lúc này, một người tạo ra một viễn cảnh hoàn toàn khác về các sự kiện và các nhân vật đang được nói đến xuất hiện: sĩ quan của OSS, trung uý Ren Défourneaux, được chỉ định làm việc với người Pháp. Có lẽ do lai lịch mà Défourneaux ít bị người Pháp chỉ trích hơn; ngoài ra, thực chất công việc của Défourneaux không đặt anh vào vị trí đối phó với hệ thống cấp bậc của Pháp. Sinh ra và được nuôi dưỡng tại Pháp, Défourneaux đi dân tới Mỹ vào năm 1939 khi mười tám tuổi. Tháng 12 năm 1942, Défourneaux tình nguyện nhập ngũ và khả năng nói tiếng Pháp của anh thu hút sự chú ý của OSS. Sau khi hoàn thành khoá huấn luyện, Défourneaux lên tàu tới châu Âu vào năm 1944. Ở đó Défourneaux đã được tặng thưởng ngôi sao Bạc vì đã chiến đấu dũng cảm sau phòng tuyến địch trên đất Pháp. Chẳng bao lâu sau chuyến trở về từ châu Âu, Défourneaux lại tiếp tục lên tàu, lần này là tới châu Á. Sau khoá huấn luyện thêm tại Ấn Độ, Défourneaux đến Côn Minh. Đến tháng năm, Défourneaux được giao giải quyết một loạt công việc thường ngày và rõ ràng nhàm chán. Vì thế, nhiệm vụ phỏng vấn lính Pháp trên biên giới Đông Dương đáng như là một sự thay đổi dễ chịu.

Défourneaux dễ dàng tiếp xúc với với những người trở về từ cõi chết như "một người bạn Pháp" và nhanh chóng được họ tin cậy. Défourneaux và cộng sự của mình, Burley Fuselier, một chuyên gia tình báo thuộc Không đoàn 14, lăng xăng trong những người Pháp để nhận biết "thông tin tốt nhất". Sau đó họ hộ tống những người này tới tổng hành dinh của Chennault để thẩm vấn kỹ hơn. Công việc của Défourneaux tiếp tục trong vài tuần cho đến khi tin tức lan truyền. Défourneaux nhớ lại, "hai gã tọc mạch không còn được họ tin tưởng nữa và tất cả cũng nên rõ ràng".

Défourneaux nhấn mạnh đến hoàn cảnh khó khăn của người Pháp. Anh kết luận: "Thực chất vấn đề là những con người bất hạnh này đã phải đối phó với những điều tồi tệ do các sự kiện trong vài tháng qua gây ra và không có nhiều lựa chọn".

Cuối tháng 5, một trong những dự án chung đầu tiên giữa OSS và Pháp bắt đầu. Liên quan đến Dự án PAKHOI có trung uý Robert Ettinger (người đã gặp lực lượng của Sabattier hồi tháng 3), trung uý James Jordan và một số đặc vụ của M.5. Mục đích kế hoạch này là báo cáo về cách bố phòng của quân đội Nhật và các hoạt động của hải quân giữa Fort Bayard và Hải Phòng. Một thoả thuận bổ sung do Sabattier và Wedemeyer ký kết ngày 1 tháng 6 điều 100 lính Việt và 10 tới 12 sĩ quan người Âu về làm việc dưới quyền chỉ huy của OSS. Những người này được chia làm hai đội, Đội Nai và Đội Mèo, dưới quyền chỉ huy trực tiếp của thiếu tá Allison Thomas và đại uý Mike Holland. Họ sẽ được huấn luyện tại Tĩnh Tây cho nhiệm vụ phá hoại tại Đông Dương.

Cả Alessandri và Sainteny đều không đồng tình với thoả thuận giữa Sabattier và Wedemeyer, họ phẫn nộ về việc thiếu sự chỉ huy và sáng suốt của Pháp trong các kế hoạch của Đồng Minh. Sabattier không có thái độ hoài nghi tương tự.

Stein Tonnesson kết luận rằng Sabattier "có thể đúng" khi giữ vững lập trường rằng tính nhỏ nhen thường được thể hiện bởi nhiều người trong ngành tình báo Pháp "đã góp phần đẩy OSS vào tay Việt Minh". "Theo quan điểm của Sabattier", Tonnesson viết, "không có gì nguy hiểm trong việc hợp nhất và làm cho các cơ quan tình báo Pháp phụ thuộc vào cơ cấu chỉ huy của OSS". Quả thực, Sabattier tin rằng "người Mỹ giống như trẻ con khi hoạt động tình báo, và sẽ rất dễ đoạt được ưu thế hoạt động thầm lặng của OSS từ bên trong".

Sabattier có thể đã đánh giá thấp khả năng duy trì quyền kiểm soát của OSS, nhưng giả thuyết của ông ta không bao giờ được kiểm tra. Mặc dù nhóm quân Pháp mà Sabattier cam kết đã đến mà không gặp rắc rối gì, nhưng vấn đề nhanh chóng nảy sinh khi viên sĩ quan cao cấp của họ yêu cầu OSS phải trả tiền và trang bị cho thuộc hạ. OSS không có dự định trao các nguồn viện trợ của Mỹ để chỉnh đốn lại lính Pháp. Trên thực tế, vào giữa tháng năm, trong khi trao đổi thư từ với Helliwell, đại tá John Whitaker, chỉ huy SI tại Trung Quốc, tuyên bố rằng ông ta và thiếu tá Quentin Roosevelt đã "làm sáng tỏ" với hai viên chỉ huy Pháp, những người đã báo cho sở chỉ huy của OSS tại Trùng Khánh rằng "OSS chỉ quan tâm tới thông tin tình báo tại FIC, và rằng không có viện trợ cho quân Pháp, ngoại trừ các loại vũ khí chúng ta cần để bảo vệ người Mỹ hay các sứ mạng tình báo hỗn hợp". Thấy rằng những đòi hỏi của Pháp rõ ràng vượt quá khả năng của mình, OSS đã từ chối. Lính Pháp đáp trả bằng một "cuộc đình công ngồi". Cùng lúc đó, Sainteny bắt đầu đề nghị được báo cáo toàn bộ những kế hoạch bí mật của Đồng Minh đối với khu vực và những mệnh được phổ biển cho các nhân viên Mỹ. Để làm phức tạp thêm vấn đề, Sainteny và người Pháp ở cả Tĩnh Tây và Côn Minh dường như nhận được mệnh lệnh từ các sở chỉ huy khác nhau. "Câu hỏi đối với chúng tôi là", Patti nhớ lại, "chúng tôi sẽ làm việc với ai trong số những người Pháp?". Patti mô tả tâm trạng người Mỹ là "cực kỳ điên tiết", nhưng thực tế thì sự tức giận dường như còn cao hơn thế.

Thái độ ghê tởm mỗi lúc một tăng của Patti với người Pháp có thể là kết quả của sự mệt mỏi và nỗi thất vọng về những nỗ lực bất thành trong việc kết hợp thu thập tin tình báo. Có lẽ bài học lịch sử về vai trò của Pháp tại Đông Dương mà cả Vương Minh Phương và Hồ Chí Minh đã bổ túc cho ông đã có ảnh hưởng đến thái độ của ông. Chắc đó là kết quả của cả hai, vì Patti rõ ràng đã tỉnh ngộ với người Pháp và mỗi lúc một trở nên thân thiết với ông (Hồ Chí Minh) bí ẩn. Trong những lời nhận xét gây ấn tượng mạnh nhất về người Pháp, Patti viết:

Chúng tôi, những người Mỹ ở Thái Bình Dương và châu Á có một mục tiêu quan trọng - đánh bại quân Nhật - cho dù chúng tôi có phải làm việc đó một mình đi chăng nữa bởi biết rằng trong các Đồng Minh của chúng ta, có những kẻ sẽ sẵn sàng để cho người khác chiến thắng còn họ chuẩn bị hưởng thành quả của chiến thắng… Đặc biệt là người Pháp, với niềm khát khao sớm chiếm lại thuộc địa trước kia, họ đã giấu những tin tình báo quân sự và chính tại quan trọng. Họ muốn chiếm đoạt cho mình vũ khí và nguồn tiếp tế được dành cho các chiến dịch của Đồng Minh và bất cứ nơi đâu họ cũng có thể gây trở ngại cho những nỗ lực hoạt động của Mỹ ở Dông Dương. Trong những tháng cuối cùng của chiến tranh, và tiếp tục cho tới thời điểm hiện tại, một vài người Pháp liên quan sâu nhất vào việc ngăn cản nỗ lực chiến đầu chống Nhật đã lớn tiếng tuyên bố rằng bản thân họ bị ngưọc đãi bị lạm dụng, bị bỏ mặc và là nạn nhân của "âm mưu" - khá phù hợp với chính sách có chủ tâm về sự ngay thẳng đạo đức bị tổn thương của họ".

Sự đồng cảm của Patti đối với người Việt Nam và thái độ coi thường đối với người Pháp tăng lên. Ông không biết mình đã phản ánh phần lớn tình cảm của hai người Mỹ đầu tiên đã từng có mối giao thiệp rộng rãi với Hồ Chí Minh, Frank Tan và Charles Fenn. Chẳng bao lâu sau sẽ có nhiều người Mỹ khác gia nhập hàng ngũ những người khâm phục Hồ Chí Minh.

Cuối tháng năm, khi Patti nổi đoá với người Pháp, thì những báo cáo tình báo đầu tiên của Hồ Chí Minh được gửi đến. Mặc dù như thông lệ kèm theo những tiểu luận chính trị của Việt Minh, nhưng báo cáo của ông cũng cung cấp "những thông tin hữu ích giúp xác định một số đơn vị của Sư đoàn 37 Nhật, địa điểm đóng quân của chúng vài ngày trước đó và tên của một số sĩ quan cao cấp". Vài ngày sau báo cáo thứ hai cung cấp "những thông tin chi tiết về việc Nhật xây dựng mới và nâng cấp những tuyến phòng thủ do Pháp lập nên tại Cao Bằng và trên đường đi Hà Nội". Patti nhớ lại rằng "lần đầu xác định được các đơn vị của Đạo quân 38 và đặc biệt là những thành phần của Sư đoàn 22 của Nhật trên biên giới Cao Bằng đã làm tăng đáng kể sự quan tâm đến đơn vị trinh sát của chúng tôi trên cấp độ Mặt trận".

Khi khả năng của OSS, thông qua Việt Minh, thu thập thông tin chiến lược về quân Nhật tại Đông Dương tăng lên, thì rắc rối đang âm ỷ trong GBT. Mặc dù cả Frank Tan lẫn Mac Shin cảm thấy mình được chào đón tại Việt Bắc và vẫn tiếp tục đào tạo đặc vụ cũng như gửi báo cáo về, nhưng một loạt các sự kiện đã khiến Charles Fenn, lúc đó ở lại văn phòng chính tại Côn Minh, mỗi lúc một thêm bối rối. Những sự kiện này chỉ liên quan một cách gián tiếp, tuy nhiên kết hợp lại với nhau cuối cùng chúng đã đẩy Fenn, người quan trọng nhất có liên hệ với Hồ Chí Minh và Việt Minh cho đến lúc này, ra rìa. Những vấn đề của Fenn bắt đầu với AGAS. Các mối quan hệ của Fenn và GBT với AGAS luôn luôn tích cực GBT cung cấp thông tin giá trị cho cơ quan này, và AGAS cung cấp những hỗ trợ và tài chính có thể. Trên thực tế tháng 2 năm 1945, khi khó khăn nảy sinh giữa OSS và GBT thì GBT chuyển các công tác của nó, bao gồm cả của Fenn, sang AGAS với sự chấp thuận đầy mâu thuẫn của OSS. Tuy vậy chức năng chính thức của Fenn vẫn là liên lạc của OSS cho AGAS và tất nhiên cả cho GBT.

Công việc thường ngày ở Côn Minh trở nên nhàm chán đối với một người mạnh mẽ như Fenn. Với một niềm khát khao cháy bỏng được thoát khỏi bàn giấy, Fenn dự định cùng Tan và Shin đến đại bản doanh của Việt Minh, như đã thoả thuận trước đó giữa ông với Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, khi Fenn đề xuất với cấp trên của AGAS, thiếu tá A.R.Wichtrich, là mình sẽ nhảy dù "khẩn cấp" thì đề nghị của ông bị từ chối. Theo lời Fenn, Wichtrich giải thích rằng Fenn "quá cần thiết" tại tổng hành dinh và "không cần cho một nhiệm vụ như vậy". Fenn cũng biết rằng một đặc vụ khác của AGAS, trung uý Dan Phelan, đã được chỉ định làm nhiệm vụ này. Phelan không chỉ là người đến Đông Dương, Wichtrich thông báo, mà anh ta sẽ "ở tại doanh trại của ngài (GBT) trong vòng một tuần" để "nắm bắt tất cả thông tin tình báo chung về Đông Dương". Tuy nhiên, Wichtrich cam đoan với Fenn, Phelan "đã khá am tường vì đã nghiên cứu tình hình khá kỹ".

Vì vậy AGAS đã làm Fenn thất vọng và bực mình đến ba lần về vụ này:

1. Fenn bị giam hãm vào công việc bàn giấy thay cho nhiệm vụ thú vị hơn nhiều là nhảy dù xuống làm việc cùng Hồ Chí Minh;

2. Fenn bị giao trách nhiệm với công việc mà ông ghét cay ghét đắng, những kẻ ngoài cuộc liên tục rình mò quanh trụ sở và hoạt động của GBT; và

3. Fenn không thích Dan Phelan. Fenn đã phản ứng với "việc nghiên cứu khá kỹ lưỡng" của Phelan như sau:

Nghiên cứu là một chuyện, nhưng thái độ lại là chuyện khác. Phelan có quan điểm chính trị cực hữu đến mức anh ta thậm chí đã thú nhận là thích làm liên lạc cho Pháp còn hơn cho Việt Minh. Hồ Chí Minh sẽ nghĩ gì về việc có một vị sĩ quan phản động như vậy được áp đặt cho mình. Một hạn chế khác trong tính cách của Phelan là căn bệnh trưởng giả học làm sang vốn có trong nhiều nhân viên của cả OSS lẫn AGAS - những người thường được tuyển chọn dựa vào nền tảng gia đình, tài sản, sự giáo dục hay vị trí xã hội.

Fenn vừa đúng vừa sai trong phân tích trường hợp của Phelan. Phelan xuất thân từ tầng lớp xã hội thượng lưu; trước Chiến tranh thế giới lần thứ II, anh ta là một nhân viên Ngân hàng Chase Manhattan, sống và làm việc trong giàu sang tại New York. Tuy nhiên, không có bằng chứng cho thấy Phelan được lựa chọn đưa vào mối quan hệ riêng. Phelan "đã có mặt hầu như ở mọi nơi trên thế giới khi chiến tranh nổ ra. Anh ta đã chứng kiến những chiến sĩ du kích Italia bị Mussolini treo cổ đã đổ bộ lên miền Bắc nước Pháp, và cũng tham gia vào cuộc chiến lớn hơn ở Philippines", Tan nhớ lại. Thậm chí Fenn còn mô tả thêm tính cách của Phelan là "nhanh nhẹn, thông minh, hăm hở, khá hài hước và sẵn sàng học hỏi".

Fenn cho rằng những tính cách đó tạo cho Phelan "điểm trên trung bình" toàn diện. Mặc dù Phelan miễn cưỡng đàm nhận nhiệm vụ đến Bắc Kỳ và bắt đầu phần việc của mình tại doanh trại GBT bằng "càu nhàu với chúng tôi (Fenn và Bernard) rằng Hồ Chí Minh là cộng sản" nhưng anh ta đã chuẩn bị cho nhiệm vụ này như đã được phân công.

Lòng trung thành của Fenn lại lần nữa được đem ra thử thách khi Phạm Văn Đồng đến gặp ông tại Côn Minh để hỏi về chính sách của OSS. Ông phàn nàn với Fenn rằng nghe tin OSS đang gửi tới Đông Dương những nhân viên cộng tác chặt chẽ với Pháp và "chống người An Nam hơn là chống Nhật". Mặc dù điều này là chắc chắn, ít nhất là với trung uý Ettinger, nhưng Fenn không tiếp cận được thông tin này. Tuy nhiên, khi Phạm Văn Đồng hỏi về "chính sách thực sự" của OSS, Fenn đã trả lời rằng "nếu các hoạt động do Tan, Bernard hoặc chính tôi sắp xếp, Hồ Chí Minh có thể tin cậy vào lòng trung thành của họ đối với ông. Nhưng chúng tôi không thể chịu trách nhiệm đối với những gì OSS có thể làm. AGAS đáng tin cậy hơn; nhưng về cơ bản họ thậm chí là những kẻ chống Cộng". Fenn cũng thông báo cho Phạm Văn Đồng là trung uý Phelan, chứ không phải ông, sẽ là người Mỹ đến đại bản doanh của Hồ Chí Minh. Phelan "không phải là sự lựa chọn của tôi", Fenn nói rõ, "và tôi muốn cảnh báo Hồ Chí Minh là anh ta có thiện cảm với người Pháp. Mặt khác, anh ta về cơ bản là kẻ thực dụng và tôi cảm thấy anh ta có thể thích nghi khi đã học được hoàn cảnh thực tế". Phạm Văn Đồng đảm bảo với Fenn Việt Minh sẽ hoan nghênh Phelan và tỏ ý tiếc rằng Fenn không được cùng Tan đến Bắc Kỳ. Rõ ràng sự thất vọng của ông là chân thực.

Việt Minh chắc chắn muốn có một người Mỹ ủng hộ Hồ Chí Minh hơn là một người vừa tự xưng là chống cộng vừa miễn cưỡng đến với họ.

Giữa tháng 6, Phelan nhảy dù xuống khu căn cứ của Việt Minh nơi anh ta sẽ ở lại trong vài tháng. Sau khi hạ cánh Phelan được Tan đón rồi đưa tới Tân Trào giới thiệu với Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp và các chiến sĩ Việt Minh quanh căn cứ. Phelan khá ăn ý với Tan và những người khác.

Không lâu sau khi Phelan đến, Tan đánh điện về sở chỉ huy:

"Phelan có vẻ là một anh chàng khá". Trong suốt thời gian ở cùng Việt Minh, Phelan say mê những cuộc nói chuyện dài với Hồ Chí Minh. Theo những tài liệu được dịch và trao cho Tan, Hồ Chí Minh và Việt Minh rất quan tâm tới Phelan, mô tả anh ta "lanh lợi như quỷ, nhưng lại tốt như Đức Phật". một thời gian sau, Phelan, cũng như Fenn, Tan và Patti bắt đầu nhìn Việt Minh bằng ánh mắt mới. Một tuần sau khi đến căn cứ của Việt Minh, Phelan gửi một bức điện với giọng điệu rõ ràng đã khác về đại bản doanh GBT: "Các ngài đang hiểu lầm quan điểm của Việt Minh. Họ không chống Pháp mà chỉ là những người yêu nước, những người xứng đáng được tin tưởng và ủng hộ hoàn toàn". Mặc dù Fenn thấy vui là sự hoà hợp chiếm ưu thế đối với những người Mỹ làm việc trực tiếp cùng Hồ Chí Minh tại Việt Nam và hài lòng với sự thay đổi tình cảm của Phelan, nhưng ông vẫn thất vọng là mình bị bỏ lại đằng sau ở Côn Minh, nơi công việc bàn giấy ngày càng trở nên khó chịu. Hai nhân tố góp vào những khó khăn của Fenn và cuộc sống đầy ải bên lề là những rắc rối liên tục giữa ông với OSS và sự trở lại của Laurie Gordon.. Mặc dù nhiệm vụ làm việc với GBT của Fenn nhằm mục đích cải thiện mối quan hệ căng thẳng giữa OSS và GBT và đưa nhóm này về dưới quyền kiểm soát của OSS, nhưng mối quan hệ giữa hai nhóm này không hề được cải thiện. Quả thực, OSS đã phải phái các sĩ quan tới tổng hành dinh GBT để "thẩm tra toàn diện" bằng việc xem xét những hồ sơ của GBT. Một trong số những sĩ quan như thế là người được chỉ định chỉ huy Đội Nai, thiếu tá Allison Thomas. Căn cứ vào những thừa nhận của chính Fenn sau chiến tranh thì có vẻ như OSS có lý do chính đáng để nghi ngờ cả Fenn lẫn GBT.

Fenn thú nhận là trong khi ông và Thomas "đang uống một tách cà phê khai vị" thì thư ký của Gordon (và là thư ký của Fenn trong thời gian Gordon vắng mặt), Helen Tong, "nhanh chóng loại bỏ mọi thứ trong hồ sơ mà họ không muốn Thomas thấy". Như mọi khi, Fenn và GBT kiên quyết giữ những vật có giá trị nhất, ví dụ như danh sách điệp viên, cho chính họ. Vài ngày sau chuyến thăm vào cuối tháng năm của Thomas, một người đưa thư mang đến bức thư của Helliwell trong đó viết rằng OSS sẽ cắt đứt với chúng ta (GBT) trừ phi chúng ta đáp ứng yêu cầu của họ: GBT có ba ngày để suy nghĩ". Nếu chúng tôi để lại mọi thứ trong các hồ sơ", Fenn nói thêm, "chúng tôi có thể đã không có thời gian dù chỉ để nghe xưng tội!".

OSS đã mất hết kiên nhẫn với GBT. Ngày 22 tháng 5, Helliwell trình lên Heppner bản phân tích của mình về GBT. Ông thấy thất vọng về GBT và rõ ràng nghi ngờ Fenn:

Tôi tin là vấn đề về số phận cuối cùng của GBT đã tới lúc cần phái có một hành động dứt khoát. Tôi đã cố gắng trong nhiều cuộc đối thoại với cả Fenn và Bernard nhằm buộc họ phải có cam kết dứt khoát liệu họ có sẵn sàng chịu sự chỉ huy của OSS hay không cũng như khi nào họ quyết định dứt khoát sẽ theo cách này hay cách khác… Theo thú nhận của Fenn, họ vẫn đang cung cấp thông tin cho người Trung Quốc. Fenn tuyên bố rằng hiện giờ họ không cung cấp thông tin cho người Pháp và người Anh như đã làm trong quá khứ, mặc dù theo ý kiến tôi, lời tuyên bố này có thể công khai chất vấn. Theo quan điểm của chi nhánh này thì tình hình liên quan tới các hoạt động động tình báo tại Đông Dương hiện đã phát triển tới mức chúng ta có thể nắm được lợi thế chắc chắn hơn so với GBT.

Helliwell chủ yếu bị thúc đẩy bởi sự tìm kiếm tin tức tình báo tốt hơn hay bởi mong muốn loại bỏ một tổ chức cạnh tranh, câu hỏi đó còn để ngỏ. Bất luận thế nào, khoảng cuối cuối tháng Năm, vị thế của OSS liên quan tới Đông Dương cũng đã có nền tảng vững chắc: Patti đã có một cuộc tiếp xúc đáng tin cậy và thuận lợi với Hồ Chí Minh, cả Đội Nai và Đội Mèo cũng đang chuẩn bị cho sứ mạng của họ. Vì thế những đề xuất của Helliwell liên quan đến GBT thích hợp hơn so với một tháng trước đó. Ông đề nghị cho GBT thời hạn cuối cùng vào ngày 1 tháng 6 để quyết định xem lòng trung thành của họ sẽ đặt vào đâu. Nếu đồng ý đặt "riêng" mình dưới sự chỉ huy của OSS, họ sẽ được yêu cầu chỉ sử dụng mật mã và các phương tiện thông tin liên lạc của OSS, phát tin tình báo và thông tin tác chiến "cho OSS và chỉ mình OSS để được phân phối khi OSS thấy thích hợp, và OSS sẽ đảm đương toàn bộ "quyền điều khiển, giám sát và phê chuẩn tất cả các hoạt động của GBT". Nếu GBT từ chối, theo ý kiến của Helliwell, "tất cả các trang thiết bị và nhân viên của OSS sẽ ngay lập tức được rút khỏi GBT và hướng sang các kênh thông tin thuận lợi hơn, và… tiếp tế và ủng hộ cho GBT dưới bất kỳ hình thức nào cũng sẽ bị huỷ bỏ".

Ngày 28 tháng 5, Helliwell lại một lần nữa cảnh báo GBT:

"Cơ quan này đã nhận được chỉ thị từ cấp thẩm quyền cao hơn rằng lệnh trưng dụng về quân nhu và đảm bảo tài chính cho GBT có thể được phê chuẩn… Rất tiếc là bước đi này hiện đã trở thành cần thiết, nhưng có cảm giác là thời gian cần thiết để các ngài đi đến quyết định liệu có thể chấp nhận từ bỏ vị thế (thu hút OSS) của mình hay không đã trôi qua".

Căn cứ vào sự coi trọng khả năng hoạt động độc lập của tất cả các thành viên GBT thì việc họ từ chối trao quyền kiểm soát mạng lưới của mình cho OSS không có gì đáng ngạc nhiên đối với Helliwell cũng như bất kỳ ai ở tổng hành dinh OSS.

Phản ứng của OSS trước lời từ chối chắc chắn cũng không làm cho Fenn ngạc nhiên, mặc dù điều đó hẳn khiến ông phát cáu. Fenn viết: "Sau tối hậu thư của Helliwell, chúng tôi không nhận được thêm tài chính hoặc bất kỳ trợ cấp nào nữa từ OSS. Tiền bạc chúng tôi có chỉ đủ cho chúng tôi trong hơn hai tuần nữa; và chúng tôi có tới bảy nhóm đang hoạt động ngoài chiến trường và trung bình mỗi tuần vẫn gửi cho OSS chín trang tin tình báo - có lẽ nhiều bằng thu thập từ tất cả những nguồn tin khác". Tóm lại, theo đánh giá của Fenn, Helliwell và OSS quan tâm tới việc bảo đảm mảnh đất quan liêu của họ hơn là xử lý thông tin tình báo.

Tuy nhiên, việc mất đi sự ủng hộ của OSS chỉ là một phần trong những rắc rối của Fenn. Cuối cùng vào giữa tháng 5, Gordon từ Washington đã trở về. Trước tiên ông tới Trùng Khánh, ở đó đối mặt với tối hậu thư của OSS, ông đã quyết định từ chối lời đề nghị vì biết rằng ông vẫn có thể làm việc với AGAS và Không đoàn 14. Sau đó Gordon quay trở về tổng hành dinh của GBT tại Côn Minh. Ông không hài lòng với những gì đã thấy. Fenn viết về cuộc gặp gỡ như sau:

Hiện tôi đang chủ yếu điều hành căn cứ. Hoạt động của Hồ Chí Minh và bảy nhóm của chúng tôi tại miền Nam Trung Quốc đều do tôi tổ chức. Vì vậy, sau khi Gordon nắm bắt được tất cả những việc chúng tôi đã làm mà đa phần ông phản đối, ông nhận thấy mình không có gì để làm nữa; và ông không thể chịu được cảnh ăn không ngồi rồi. Vì thế tâm trạng thất vọng chắc chắn sẽ gây ra sự bùng nổ. "Charles, hãy nhìn vấn đề theo cách này! Tôi đã đưa anh vào nhóm và làm cho anh ít hay nhiều trở thành một cộng sự. Sau đó tôi đi để bàn thẳng mọi chuyện với OSS và khi quay trở lại tôi nhận thấy mọi thứ rối tung! Anh đã liên kết chúng ta với một nhóm người An Nam mà mối quan tâm thực sự của họ là hất cẳng Pháp, những người bạn của tôi đến ngày nào đó họ sẽ giết vài người bạn ấy và anh chính là người tôi sẽ phái cảm ơn vì chuyện đó".

Căn cứ vào hoàn cảnh, Fenn đã bảo vệ hành động của mình. Ông đáp lại rằng sau cuộc đảo chính hồi tháng 3 của Nhật, ông có quá ít lựa chọn đối với Việt Nam. Tiện thể ông trút một ít trách nhiệm lên OSS. Fenn nói với Gordon: "Ngài là một đặc vụ tự do, vì vậy ngài có thể nghĩ đến Đông Dương sau chiến tranh để có hành động phù hợp. Dù nhiều hay ít, tôi cần phải làm những gì được mách bảo. Vì đó chính là con đường tôi buộc phải theo". Mặc dù các ý kiến của Fenn quả thực bị hạn chế sau Chiến dịch MEIGO và mặc dù ông có thể hợp lý hoá việc tiếp cận Hồ Chí Minh nhưng những lời phàn nàn của Gordon về hành động của Fenn là hợp lý. Gordon là người thành lập và chỉ huy được thừa nhận của GBT. Ngay cả Bernard, Tan, đội ngũ nhân viên đại bản doanh, và các quan chức đối ngoại đều coi ông như vậy. Ông đã tiếp nhận Fenn vào nhóm và cho Fenn phạm vi quyền lực đáng kể, nhưng ông cũng phản đối thẳng thừng việc Fenn sử dụng các đặc vụ Việt Nam. Mặc dù Bernard về mặt pháp lý là nhân vật số hai của nhóm, nhưng quá trình đào tạo và nhân cách vượt trội của Fenn dẫn đến kết quả là ông nắm quyền chỉ huy GBT trong suốt thời gian Gordon vắng mặt. Bây giờ hai người đối mặt với nhau, hai tính cách mạnh mẽ chống lại nhau vì lòng trung thành và quyền kiểm soát. Dựa vào bản chất tình thế, Gordon có vé chiếm ưu thế. Gordon ngay lập tức điện cho Tan yêu cầu ông trở về Côn Minh. Mặc dù Fenn kháng nghị nhưng Gordon thẳng thừng tuyên bố: "Tôi cảm thấy có trách nhiệm quan tâm tới anh ta. Tan sẽ bị bắn nếu anh ta ở nơi nguy hiểm đó. Ngoài ra, khi làm việc với những người An Nam chống Pháp, anh ta sẽ làm hỏng tiền đồ của mình trong Hãng Texaco".

Vin vào lý do ở quá xa, Tan có thể cưỡng lại lệnh triệu tập của Gordon. Tuy nhiên, Fenn gặp bất lợi vì ở gần, và những cuộc tranh cãi giữa hai người lạ tiếp tục với Bernard và đội ngũ nhân viên đứng giữa. Gordon kiên quyết cho rằng làm việc với Việt Minh là một sai lầm nghiêm trọng và phẫn nộ trước một thực tế nhãn tiền mất quyền kiểm soát. Tình hình không được cải thiện, và chẳng mấy chốc Gordon lại cũng va chạm với Wichtrich về quyền chỉ huy AGAS. Có lẽ Wichtrich đã tìm ra giải pháp duy nhất đối với tình hình này.

Theo hồi ức của Fenn về bữa tối với cả Gordon và Wichtrich, Wichtrich đã khuyên Gordon:

Wedemeyer khăng khăng rằng tất cả các hoạt động diễn ra tại mặt trận của ông ta đều nằm dưới quyền chỉ huy của ông ta, tức là quyền chỉ huy quân sự đối với tất cả các đơn vị. Ngài được đề nghị thăng cấp nhưng lại từ chối vì lý do không muốn tổ chức của ngài bị can thiệp từ bên ngoài. Ngài cũng từ chối sử dụng những người của chúng tôi như Hồ Chí Minh vì ngài nghĩ rằng ông ấy chống Pháp - cũng có thể ông ấy là người như vậy. Nhưng Wedemeyer lại tán thành việc ngài sử dụng Hồ Chí Minh. Và tôi cũng vậy… Nếu ngài không điều hành công việc dưới sự kiểm soát toàn diện của chúng ta thì còn nói gì đến cương vị cố vấn dân sự và điều hành các hoạt động không liên quan tới người Việt?

Giải pháp này phù hợp với tất cả các bên. AGAS đặt GBT dưới quyền chỉ huy của nó, Fenn vẫn là liên lạc của OSS cho AGAS và làm việc với GBT, và Gordon vẫn giữ được tiếng nói mạnh mẽ trong các lĩnh vực của GBT - những lĩnh vực ông không cần chấp thuận hoạt động với người Việt Nam hay gánh lấy gánh nặng tài chính khi không được OSS tài trợ.

Với thoả thuận mới này, Gordon và Fenn sớm giải quyết những bất đồng của họ. Gordon bắt đầu ngập dầu vào những kể hoạch gài đặc vụ Pháp dọc theo miền duyên hải Đông Dương bằng tầu ngầm và kết thúc bằng những công việc hàng ngày của mạng lưới. Ngay sau khi Gordon thay đổi vị thế thành cố vấn dân sự, Bernard đã từ chức. Mặc dù ông thích và đã làm việc ăn ý cùng Fenn và AGAS nhưng lòng trung thành của ông đã dành cho GBT. Gordon, ít hay nhiều, đã thoát khỏi cảnh ngộ và Tan vẫn làm việc tại Việt Nam, chỉ còn lại một mình Bernard mệt mỏi rã rời. Hơn 3 năm không về thăm gia đình và phải đóng vai trung gian trong những cuộc tranh cãi giữa Fenn và Gordon đã khiến Bernard suy sụp. Sự ra đi của Bernard và những thay đổi do Gordon gây ra về căn bản cũng làm thay đổi vai trò của Fenn. Với sự ra đi của Bernard, Fenn còn lại quá ít người có cùng chí hướng để cùng chung lưng đẩu cật. Thành công của Fenn cho đến thời điểm này phần lớn là nhờ những người có khả năng cùng làm việc với ông, đặc biệt là Bernard. Bây giờ Fenn không còn là người chủ thực sự trong lãnh địa GBT nữa. Không còn vị trí này và việc Phelan chiếm chỗ tại căn cứ Việt Minh, Fenn trở thành chỉ một trong số vô vàn điệp viên của OSS.

Lúc nào cũng là người thực tế, Hồ Chí Minh vẫn tiếp tục viết thư cho Fenn. Tuy nhiên, ông chủ yếu tập trung vào những người ông đã tiếp xúc trực tiếp tại Đông Dương. Những người lính trên chiến trường. Mặc dù ban đầu Tan và Phelan là những người Mỹ duy nhất sát cánh cùng Việt Minh, nhưng sẽ có thay đổi đáng kể vào mùa hè năm 1945 bởi sự có mặt của Đội Nai. Ngày 16 tháng 5, Allison Thomas nhận được "Chỉ thị" bắt đầu hoạt động với tư cách là Đội SO số 13, mật danh là "Nai". Nhiệm vụ hàng đầu của Thomas là ngăn chặn các tuyến liên lạc của Nhật, đặc biệt là đường sắt và hệ thống đường bộ của thực dân Pháp trong khu vực Hà Nội - Nam Ninh. Nhiệm vụ thứ yếu là "hoạt động với du kích quân" và "báo hiệu mục tiêu cho lực lượng không quân". Ngoài ra, Thomas còn phải cung cấp những báo cáo cơ bản về thời tiết cho những đợt thả dù và hoạt động của không quân. Thiếu tá Geral W. Davis đóng tại Bách Sắc (một thành phố của Quảng Tây, Trung Quốc) được chỉ định là người liên lạc đầu tiên cho Đội Nai. Ban đầu cả hai Đội Nai và Mèo dự định huấn luyện binh sĩ người Việt và các sĩ quan châu Âu theo thoả thuận giữa Sabattier và Wedemeyer, mặc dù Patti cũng đang cân nhắc gửi một biệt đội OSS tới khu vực Việt Minh kiểm soát để huấn luyện cho các cán bộ của Hồ Chí Minh. Ngày 27 tháng 5, thiếu tá Wampler gửi điện cho Davis trình bày rõ hơn về công tác của Thomas. Wampler quyết định không điều Thomas hay Holland (chỉ huy Đội Mèo) vào Đông Dương thuộc Pháp nữa mà giữ họ làm việc riêng với các binh sĩ người Việt của Sabattier. Vẫn hy vọng về khả năng hợp tác với Pháp, tổng hành dinh mặt trận đã chấp thuận sử dụng một trăm binh sĩ "An Nam" và mười sĩ quan Pháp cho công tác SO tại Đông Dương. Thomas và Holland mỗi người có trách nhiệm huấn luyện năm mươi binh sĩ.

Wampler và Davis hoàn toàn tin tưởng vào khả năng làm việc với người Pháp của Thomas. Là một thanh niên gốc Michigan ngoài hai mươi tuổi, Thomas đăng lính năm 1941. Sau khi được huấn luyện tại căn cứ quân sự Fort Benning, tiểu bang Georgia, anh được tuyển vào OSS. Thomas đã được vinh dự phục vụ tại mặt trận châu Âu, và năm 1944 tướng Dwight D. Eisenhower đã tặng anh bằng khen vì thành tích trong công tác phản gián tại nước Pháp bị chiếm đóng. Nội dung tuyên dương công trạng của Thomas như sau:

Là một sĩ quan phản gián thuộc Lực lượng Đặc biệt, bộ phận G-3, quân đoàn 3 Mỹ, từ ngày 1 tháng 8 năm 1944 đến ngày 1 tháng 10 năm 1944, Thiếu tá Thomas, nhơ nỗ lực và kiến thức điêu luyện đã phát hiện ra ra những điệp viên chìm và các nhóm kháng chiến bí mật, xác đinh rõ liệu các nhân viên mật vụ đã bị kẻ địch phát hiện hay chưa. Thành tích của những nỗ lực của anh đã mở ra khả năng sử dụng lực lượng Pháp hỗ trợ trực tiếp các chiến dịch của quân đoàn 3 Hợp chủng Quốc Hoa Kỳ.

Mùa xuân năm 1945, OSS điều Thomas tới Trung Quốc. Ở đó anh nhận thấy rằng thành công với kháng chiến Pháp tại chính quốc không nhất thiết dẫn đến thành công tương tự của người Pháp tại Đông Dương. Các kênh liên lạc khác nhau trong mớ bòng bong những cơ quan và sở chỉ huy của người Pháp tại Trung Quốc cùng với tình trạng lúng túng do không phải một mà là hai thất bại thảm hại trước Nhật Bản (cuộc xâm lược đầu tiên năm 1940 và Chiến dịch MEIGO năm 1945) đã tạo ra một nhóm binh lính dễ bị kích động và dễ bị tổn thương quyết tâm quay trở lại thuộc địa cùng với sự phô trương lực lượng. Tuy nhiên, tháng Năm Thomas đã tới Bách Sắc để gặp các thành viên Mỹ trong đội của mình và bắt đầu huấn luyện cho các nhân viên Pháp, về mặt lý thuyết, sẽ tham gia vào công tác SO của Đội Nai.

Cấp phó của Thomas là trung uý Ren Défourneaux. Défourneaux tiếp cận với nhiệm vụ sắp diễn ra của Đội Nai với một tâm trạng vừa phấn khích vừa sợ hãi. Défourneaux sốt sắng đoán trước những gì được mô tả với anh như là một "nhiệm vụ rất quan trọng" nhưng anh cảm thấy đôi chút lo lắng khi làm việc cùng chỉ huy của đội. Những chuyện ngồi lê đôi mách tại đây đã vẽ nên một bức tranh có phần tâng bốc về Thomas và Défourneaux thấy mình đang tự hỏi sẽ tham gia vào "đội nào". Trong lúc Thomas đi trước từ Côn Minh thì Défourneaux và chỉ huy Đội Mèo, đại uý Holland, bắt đầu xuất phát bằng đường bộ cùng các trang thiết bị. Trên đường hành quân, những thành viên khác của Đội Nai nhập cùng với họ. Ngoài Thomas và Défourneaux, Đội Nai gồm có binh nhất Henry Prunier, thông dịch viên thông thạo tiếng Pháp và chút ít tiếng Việt; trung sĩ Lan Squires, nhiếp ảnh gia của đội; binh nhất Paul Hoagland, lính cứu thương; trung sĩ William Zielski, nhân viên điện đài; và trung sĩ Lawrence Vogt, chuyên viên vũ khí. Đội Mèo còn ít hơn, chỉ có Holland, trung sĩ John Stoyka và John Burrowes.

Trong khi Đội Nai chậm chạp cuốc bộ về phía biên giới Đông Dương thì những cuộc đàm phán với tàn quân Pháp tại Côn Minh vẫn diễn ra ì ạch và cuộc đình công ngồi vẫn chưa chấm dứt. Patti ngày càng nản với cảnh ăn không ngồi rồi. ông đề nghị Davis, chỉ huy chung của Đội Nai và Mèo, khuyên Thomas và Holland cân nhắc kế hoạch sử dụng quân Pháp cho những sứ mạng của họ và nghĩ tới những chọn lựa khác. Mặc dù vẫn tham gia đàm phán với tàn quân Pháp nhưng Patti không dành năng lực làm việc của mình chỉ cho những yêu cầu của họ. Kể từ cuộc gặp Hồ Chí Minh hồi cuối tháng Tư, Patti vẫn giữ liên lạc với các đặc vụ của Việt Minh tại Côn Minh, Bách Sắc và Tĩnh Tây. Qua những người này ông biết được rất nhiều về "những thành tích chói lọi của Việt Minh" và "sự uyên bác" của Hồ Chí Minh. "Khoảng giữa tháng Sáu", Patti nhớ lại, "Tôi đã mở rộng phần nào mối quan hệ với các thành viên chọn lọc trong cộng đồng người Việt tại Côn Minh". Patti báo cáo với cấp trên của ông trong OSS, tổng hành dinh mặt trận và sứ quán Mỹ về tổ chức của Việt Minh và những nỗ lực chống Nhật của họ. Mặc dù cả tổng hành dinh mặt trận và đại sứ quán đều không hài lòng về việc Patti cộng tác với các đặc vụ Đông Dương, điều khiến người Pháp hết sức tức giận, nhưng OSS cũng không thể phớt lờ tình hình thực tế. Nhận ra khuynh hướng về bằng chứng xác thực của người Mỹ, Patti đã trình lên Heppner một bộ hồ sơ về những thành tích của Việt Minh kể từ cuộc đảo chính của Nhật. Patti cảm thấy tự tin trong việc đưa ra các chứng cứ của mình - cái mà ông mô tả là một "bàn thắng đáng kể":

"Việt Minh đã đặt sáu tỉnh ở phía bắc Bắc Kỳ dưới sự quản lý quân sự và hành chính của mình, đã thành lập Giải phóng quân cùng các đơn vị du kích và tự vệ, một tổ chức tuyên truyền hiệu quả với hạn chế về báo chí và truyền thanh, một chương trình chính trị xã hội và quân sự, và đấy là thành phán quan trọng nhất, được ủng hộ rộng rãi nhất từ nhân dân Việt Nam".

Heppner quyết định chuyển các tài liệu của Patti trực tiếp cho tướng Wedemeyer và Gross, hoàn toàn bỏ qua sứ quán Mỹ. Từ Trùng Khánh, thông tin được chuyển thẳng cho Donovan ở Washington. "Sau đó", Patti bốc đồng nói, "các hoạt động và quan hệ của tôi với người Việt Nam không còn bị nghi ngờ trong thời gian tôi phục vụ tại Mặt trận Trung Quốc.

Thượng tuần tháng 6, Hồ Chí Minh thông báo cho Patti rằng hiện ông có khoảng 1000 chiến sĩ du kích "được huấn luyện tốt" sẵn sàng để Patti sử dụng cho "bất cứ kế hoạch nào" để chống Nhật. Patti không chấp nhận ngay đề nghị đó vì trong hai tuần đầu tháng 6, Đội Nai dường như đang đạt được tiến bộ với người Pháp. Như một phần của nhiệm vụ, 25 lính Pháp chuẩn bị lên đường cùng Thomas với tư cách là nhóm tiên phong. Mới thoát khỏi sự truy đuổi của Nhật, những người lính này ăn mặc rách rưới và trang bị nghèo nàn. Thomas quyết định cấp cho họ thêm quân phục, giầy, và trang thiết bị mà anh có thể tìm được. Ngoài ra, anh yêu cầu họ cạo những bộ râu đã mọc rậm rì trong cuộc dào thoát khỏi Đông Dương để họ có thể "được chấp nhận như những người Mỹ giúp đỡ nhân dân địa phương". Défourneaux nhớ là anh đã đổi trang bị của binh lính Pháp cho FMM ở TĩnhTây trong bóng tối bao phủ vì "không muốn người Trung Quốc biết rằng chúng tôi trang bị cho lính Pháp". Trong lúc đó, Thomas đề nghị Trung Quốc cho phép họ thành lập một khu vực huấn luyện. Cuộc tìm kiếm nơi tập trung binh lính và quân trang gần biên giới đã làm nản lòng Défourneaux và những người Mỹ khác. Họ cuốc bộ từ.nơi này đến nơi khác, thường là trong mưa, dường như không có kế hoạch và thường không có mặt thiếu tá Thomas.

Khoảng giữa tháng tình hình thậm chí còn ít ý nghĩa hơn đối với binh lính. Ngày 17 tháng 6 Défourneaux nhận được một bức điện vô tuyến, anh giao cho tuỳ phái viên chuyển tiếp cho Thomas. Bức điện yêu cầu họ ngừng phát tài liệu cho người Pháp. Không biết gì về những cuộc tranh cãi dữ dội tại Côn Minh, các sĩ quan tiếp tục huấn luyện cho binh lính Pháp trong khi vẫn mù mờ về nhiệm vụ của họ. Cuối cùng, vào thượng tuần tháng 7, những mệnh lệnh mới được gửi đến, nhưng chỉ sau một loạt các bức điện đầy mâu thuẫn yêu cầu toàn đội hành quân tới Bách Sắc trước và sau đó tới Tĩnh Tây. Défourneaux, trung uý Langlois (một sĩ quan Pháp), và 24 "cá nhân" được biết đến với tên gọi chung là nhóm Tersac, phải đi bằng đường bộ tới Đông Dương. Nhưng quân nhân Mỹ và Pháp còn lại phải đến Bách Sắc để huấn luyện nhảy dù đổ bộ xuống sau phòng tuyến của Nhật tại Đông Dương. Sau đó Thomas ra đi, để sĩ quan cấp phó của mình lo liệu vấn đề hậu cần của cuộc hành quân. Ngày 8 tháng 7, Défourneaux hội kiến sĩ quan Pháp cao cấp nhất tại Tĩnh Tây, thiếu tá Revole. Được mô tả là một "sĩ quan thực dân lão làng", Revole gây ấn tượng cho cả Thomas lẫn Défourneaux bằng hiểu biết sâu rộng. Revole bóng gió với Défourneaux rằng tình hình Việt Nam có thể phức tạp hơn những gì người Mỹ biết. Ông ta bình luận: "Vấn đề Việt Minh là một nhân tố phải được xem xét kỹ lưỡng".

Revole khuyên Thomas "chờ đợi chút ít" trước khi đến Bắc Kỳ và nói thêm rằng một phái đoàn hỗn hợp Mỹ - Pháp "không việc gì phải quay lại đó trừ phi chúng ta biết Việt Minh sắp sửa hợp tác với chúng ta". Thomas ngạc nhiên vì những lời bình luận của Revole. Vào thời điểm đó, anh khá mù mờ về Đông Dương thuộc Pháp. "Tất cả những gì tôi biết", Thomas viết, "là nó được gọi là Đông Dương thuộc Pháp. Tôi ngờ ngợ rằng đó là một thuộc địa của Pháp và những nhà truyền giáo đã đến đó trước tiên, theo chân họ là lính Pháp. Tôi biết người Pháp có các đồn điền cao su và họ chuyển lợi nhuận về cho nước Pháp. Đó là tất cả". Thomas nhớ là trong cuộc trao đổi với Revole lần đầu tiên anh nghe thấy từ "Việt Minh". Khi Thomas hỏi Revole Việt Minh là ai, ông ta trả lời: "Đó là một lực lượng du kích được tổ chức tại Bắc Kỳ trong vòng vài tháng gần đây". Thông tin này khiến Thomas ngạc nhiên. Hai tháng đầu trong nhiệm kỳ của mình tại Trung Quốc, Thomas cho rằng mình sẽ làm việc với người Pháp, hoặc người Việt do Pháp chỉ huy. "Không ai nghĩ đến việc bắt đầu tiếp xúc với du kích Việt Nam". Thomas thú thực, "Chúng tôi không hề biết là họ ở đó".

Mặc dù vừa mới chỉ "phát hiện" ra Việt Minh vào đầu tháng Bảy nhưng Thomas và Défourneaux vẫn tin rằng họ sẽ làm việc với binh lính Pháp chứ không phải là du kích Việt Nam. Tuy nhiên, đến lúc đó sự kiên nhẫn của Patti đối với người Pháp đã tới mức giới hạn. Ông đi đến kết luận rằng sử dụng quân du kích của Hồ Chí Minh thực tế hơn chờ đợi người Pháp đạt được thoả hiệp chung nào đó với Mỹ. Khi Patti thăm đò ý kiến Helliwell về kế hoạch sử dụng người của Hồ Chí Minh thì Helliwell, do lo lắng về "những hậu quả chính trị" nên vẫn tiếp tục nói nước đôi. Song Patti đã chuẩn bị và cãi lý rằng thuận lợi thực tế đơn giản là nặng ký hơn bất lợi. Ông chỉ rõ:

Nếu chúng ta sử dụng người của Hồ Chí Minh tại Chợ Chu chúng ta sẽ loại trừ được vấn đề khó khăn trong hành quân hoặc chuyên chở người Pháp đi 25 dặm đến biên giới, cộng với thêm 150 dặm đến Hà Nội. Trên những con đường mòn xuyên rừng rậm hiện nay thì khoảng cách thực tế sẽ lên tới 250 dặm và thời gian di chuyển phải mất mười tới mười lăm ngày. Những lý do quan trọng khác ủng hộ việc sử dụng căn cứ và người của Việt Minh cho hoạt động của chúng ta là chúng ta sẽ nhận được sự ủng hộ địa phương và địa thế ẩn nấp tuyệt vời.

Do đó, với sự chấp thuận của Helliwell, Patti đề nghị cho một nhóm nhỏ do một sĩ quan cao cấp của Mỹ chỉ huy nhảy dù xuống lãnh thổ của Việt Minh. Đề nghị này được Hồ Chí Minh đồng ý. Khi phổ biến kế hoạch cho Đội Nai, Patti nói rõ về khuynh hướng chính trị của Việt Minh, thú thực họ là "người theo chủ nghĩa Mác" nhưng thêm rằng "mối quan tâm trực tiếp của họ là đánh đuổi Nhật". Mặc dù cuối tháng 6 trận đánh đẫm máu tại Okinawa đã kết thúc bằng chiến thắng của Mỹ, nhưng nỗi sợ hãi ám ảnh về sự xâm chiếm của Nhật vẫn hiện ra lù lù phía chân trời.

Chiến tranh thế giới thứ 2 còn lâu mới kết thúc. Cuộc tấn công chống Nhật tại miền Nam Trung Quốc, CARBONADO, vẫn trong giai đoạn lập kế hoạch, và như vậy cuộc chiến đấu chống Nhật tại Đông Dương, hay ít nhất là ngăn chặn chúng tăng cường lực lượng tại miền Nam Trung Quốc trong suốt thời kỳ CARBONADO dường như là bắt buộc. Vì thế, cho dù khuynh hướng lúc đầu là làm việc với người Pháp, nhưng Thomas cũng đồng ý với kế hoạch của Patti trong việc sử dụng người của Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều nghi ngờ, "Thomas quyết định tiến hành một cuộc thăm dò cá nhân về tình hình trước khi đưa đội của mình đến với người Việt Nam hay người Pháp".

Trong vài ngày cuối cùng trước khi Thomas thâm nhập vào miền Bắc Việt Nam, Défourneaux đã trao đổi một loạt bức điện với sở chỉ huy tại Bách Sắc. Mặc dù mối quan hệ của Défourneaux trong cộng đồng người Pháp có thể chỉ đem lại thông tin hạn chế về Việt Minh, nhưng đến ngày 13 tháng 7, anh đã khám phá đủ để nhận ra sự quan trọng tiềm tàng của Việt Minh và anh thất vọng vì bản thân không biết gì về nhóm này. Défourneaux gửi điện về Bách Sắc: "Có khả năng tiếp xúc với lãnh đạo của Việt Minh… Tôi đang làm việc từ mọi góc độ để liên lạc với Việt Minh nhưng cần thêm thông tin. Bị bỏ lại trong bóng tối vì lợi ích của Pete hãy cho tôi biết điều gì đó". Bức điện trả lời làm giảm bớt đôi chút lo lắng của anh nhưng lại thể hiện tình trạng thiếu thông tin nghiêm trọng giữa các kênh của OSS: "Chúng tôi không có thông tin gì về Việt Minh. Anh không bị bỏ lại trong bóng tối. Chúng tôi đã cho anh tất cả thông tin mà chúng tôi có".

Trong bức điện ngày 15 tháng 7 gửi về Bách Sắc, Défourneaux yêu cầu "những ý kiến của anh ta về FIC" phải được gửi tới Côn Minh. Trong khi đó tại Tĩnh Tây, lãnh sự Pháp đã nói với Défourneaux rằng Hồ Chí Minh là cộng sản, "được Moskva đào tạo", "tàn nhẫn, thông minh và rất nguy hiểm". Mặc dù nhiều người khác nói về Việt Minh, nhưng không có dấu hiệu nào cho thấy bức điện của Défourneaux được chuyển tới cho Thomas, người dự định nhảy dù xuống Đông Dương vào ngày hôm sau.

Ngày 16 tháng 7, Thomas nhảy dù xuống khu vực lân cận làng Tân Trào (Kim Lũng) cùng hai thành viên người Mỹ trong đội của anh là Prunnier và Zielski. Ngoài ra còn có thêm 3 phái viên Pháp - một sĩ quan, trung uý Montfort, và hai "đại diện" của quân đội Pháp, trung sĩ Logos, một người Pháp lai Á và trung sĩ Phác, một người Việt. Trong số những người này, chỉ có Zielski đã từng nhảy dù trước đó; tuy nhiên, tất cả đã tiếp đất mà không bị thương. Trước sự thích thú của những người Việt Nam, Thomas, Zielski và Montfort cảm thấy hơi bị tổn thương lòng tự trọng: cả ba đều đáp lên cây. Cán bộ Việt Minh đến đón họ đã nói đùa: "Có lẽ ở Mỹ không có loại cây to như cây đa ở đây".

"Uỷ ban đón tiếp" của Việt Minh đưa ba người xuống đất. "Mọi người thực sự hứng khởi", Thomas nhớ lại. "Chúng tôi vui mừng khi tất cả tiếp đất an toàn và lành lặn". Sau đó Thomas nhận được một "màn chào mừng" từ một đám đông anh ước đoán khoảng 200 người. Việt Minh được trang bị súng trường Pháp, vài khẩu Bren, vài khẩu tiểu liên Thompson, cacbin và tiểu liên Ten. Theo đánh giá của Thomas đây là "một uỷ ban đón tiếp rất ấn tượng". Cựu chiến binh Việt Minh Vũ Đình Huỳnh nhớ lại là Thomas đã rất "sửng sốt" khi Việt Minh trả lại anh ta một nắm đô la bị rơi ra khi nhảy dù.

"Đúng là họ rất sừng sờ", Vũ Đình Huỳnh viết, "tất cả bọn họ càng ngạc nhiên hơn khi biết sự hoàn trả này không phải của những người nguyên thuỷ cổ xưa không biết gì về giá trị tiền bạc, mà là từ lực lượng Kháng chiến biết nhiều ngoại ngữ và chắc chắn biết rõ giá trị của những gì đã rơi từ trên trời xuống". Sau đó Thomas được đề nghị đọc một bài "diễn văn chào mừng" ngắn chứa đựng ít "lời hoa mỹ". Anh nhớ nội dung là: "Tất cả chúng ta đang cùng nhau tiến hành cuộc đấu tranh chổng Nhật". Thomas gặp Tan và Phelan và được họ đưa cả nhóm về "ngôi nhà mới", được chuẩn bị đặc biệt dành cho những người Mỹ. Thomas viết:

Đầu tiên chúng tôi đi dưới lối đi có mái vòm bằng tre bên trên có một biển hiệu "Chào mừng những người bạn Mỹ của chúng ta. " Sau đó chúng tôi gặp Mr. Ho (nguyên văn) nhà lãnh đạo Đảng. Ông đã đón tiếp chúng tôi rất thân mật. Người ta đã mổ một con bò để tỏ lòng trân trọng chúng tôi và tặng cho chúng tôi một thùng bia Hà Nội thu được sau cuộc tấn công bất ngờ vào một đoàn hộ tống Nhật. Chúng tôi đã đánh một giấc ngon lành trong căn lều tiện lợi bằng tre trung khu rừng trên một quả đồi.

Hơn hai tuần sau đó, Thomas đi thăm thú khu vực xung quanh trong khi chờ đợi những người còn lại của Đội Nai đến. Nhật ký của Thomas viết đầy những lời khen ngợi lòng hiếu khách của Việt Minh. Ở mỗi ngôi làng anh đều được đón tiếp với trà và đồ ăn, những bài phát biểu và văn nghệ. Mặc dù Thomas không biết gì về nạn đói đã xảy ra tại Bắc Kỳ năm 1945 nhưng tính hào phóng của dân làng trong việc cung cấp cho anh nhiều đồ ăn như vậy nói lên phần nào thái độ quý trọng của những người nông dân dành cho người Mỹ và khả năng của Việt Minh trong thuyết phục người dân chia sẻ phần lương thực quý giá của họ.

Trong khi người Mỹ được đối xử "một cách long trọng" thì những người Pháp đi cùng đoàn với Thomas lại không có may mắn đó. Mặc dù Thomas rõ ràng cảm thấy thoải mái với người Pháp, nhưng trước chuyến đi anh đã nhận được nhiều thư giới thiệu đầy mâu thuẫn về vai trò của những người Pháp tham gia Đội Nai. Patti đã khuyên Thomas không nên đưa họ đi cùng đến Đông Dương. Thực tế, Patti "đã cảnh báo" cả Davis lẫn Thomas "rằng khu vực đó thuộc quyền kiểm soát của Việt Minh và các nhân viên Pháp sẽ không được chào đón". Fenn và đặc vụ của GBT, Simon Yu, cũng cảnh báo về những nguy hiểm khi có người của Pháp trong một phái đoàn Mỹ đến Đông Dương. Trước khi rời khỏi Bách Sắc Thomas đã hỏi Yu về tình hình tại Đông Dương. Yu khuyên Thomas rằng đi tới Bắc Kỳ với bất kỳ người Pháp nào "cũng sẽ là thảm hoạ, vì Việt Minh căm thù người Pháp, và điều này hoàn toàn không có lợi đối với họ". Sau đó Yu báo cáo cuộc trao đổi của mình với Thomas cho Fenn tại tổng hành dinh GBT. Yu nói thêm rằng "một người bạn Pháp của anh ta thậm chí đã lâm vào tình huống này". Tiếp đó, Fenn gửi điện báo tin này cho Tan, nói rõ rằng "mặc dù Thomas dường như vẫn ổn, nhưng đội của anh ta là những người thân Pháp và làm việc với người An Nam thân Pháp, nếu Hồ Chí Minh nhận ra chúng ta đang hợp tác với những người như vậy, ông sẽ cắt đứt quan hệ với GBT". Hơn nữa, Fenn cũng khuyên Tan rằng nếu Thomas đến cùng người Pháp, thì Tan nên "nắm chắc và nhờ bắt người Pháp vì sự an toàn của chính họ".

Tình huống này rõ ràng là khó hiểu đối với Thomas vốn đã trở nên thân thiết với nhiều người Pháp mà anh cùng cộng tác. Một người trong số đó, thư ký của Lãnh sự Pháp, đã báo cáo là Thomas "rất sửng sốt" với những gì anh nghe thấy. Thomas thổ lộ với viên thư ký rằng "các quan chức địa phương đã nhắc lại với anh nhiều lần rằng nếu anh cố thâm nhập vào Đông Dương cùng người Pháp, thì toàn bộ người dân Đông Dương sẽ đánh lại anh". Nhưng, dĩ nhiên, nhiều người bạn Pháp của Thomas lại có cách nhìn khác. Theo Patti, "Thomas đang bị những người Pháp trên chiến trường thuyết phục rằng chỉ có họ mới có thể được tin tưởng để cùng đánh Nhật, rằng "người An Nam" sẽ chỉ tàng trữ bất cứ loại vũ khí nào được cung cấp để đối đầu với Pháp". Căn cứ vào những lời khuyên mâu thuẫn như vậy, Thomas có lẽ không đáng trách vì đã thu xếp đưa ít nhất một người Pháp - được cải trang giống như người Mỹ - người anh đã biết, tin tưởng và biết rõ khu vực này đi cùng anh tới những khu rừng vô danh ở Đông Dương. Thomas viết:

Tôi quyết định để một sĩ quan Pháp tên là Montfort cùng 2 người lính An Nam của anh ta nhảy dù cùng chúng tôi. Mục đích của việc đưa Montfort đi lần này là để xem liệu người Pháp có được chào đón hay không. Người Pháp không tín là họ không thể đi. Họ rất muốn đến đó. Họ muốn lấy lại thuộc địa. Vì vậy họ muốn đi cùng chúng tôi. Người Pháp lo rằng Montfort và hai người kia có thể bị bắn khi nhảy dù nếu trông họ giống lính Pháp. Vì vậy họ đối mũ sắt của Mỹ… Nhưng chúng tôi không cố lừa dối Hồ Chí Minh… Điều duy nhất chúng tôi đang cố làm là ngăn không để Montfort, Phác và Logos bị giết khi họ xuồng mặt đất từ chuyến bay này.

Khi Thomas cùng ba "người Pháp" vừa chạm đất, họ bị phát hiện tức thì. Như Thomas chỉ rõ, Phác và Logos là "lính An Nam" rõ ràng thuộc đội quân thuộc địa Pháp, còn Montfort không nói được câu tiếng Anh nào. Hơn nữa, đặc điểm nhận dạng thực sự của họ bị vạch trần "gần như tức khắc" sau khi tiếp đất. Montfort bị một cán bộ Việt Minh, người đã phục vụ dưới quyền anh ta trong quân đội thuộc địa Pháp, nhận ra, Phác bị nhận diện trước tiên như một người ủng hộ Pháp và sau đó là "thành viên của một đảng thân Tầu, Việt Nam Quốc dân Đảng". Do đó, khi Thomas, Prunier và Zielski được hộ tống qua lối đi có mái vòm bằng tre thì ba người kia bị Việt Minh "quây chặt". Tan bước tới để giúp tháo gỡ tình hình. Nghĩ lại chuyện này, Fenn suy luận rằng chỉ vì hành động "cải thiện tình thế của Tan" mà người Pháp được "đối xử thân tình".

connai

Ảnh: Chỉ huy Đội Nai, Allison Thomas, đứng giữa. Bên trái là Võ Nguyên Giáp và bên phải là Hồ Chí Minh. Đứng bên phải Hồ Chí Minh là Ren Défourneaux, thành viên duy nhất của đội có những lo lắng thật sự về mối quan hệ chính trị của Việt Minh. Ngồi trước Ren Défourneaux là nhiếp ảnh gia của đội, Alan Squires. Henrry Prunier đứng bên trái Võ Nguyên Giáp, và đứng xa nhất phía trái Võ Nguyên Giáp là Paul Hoagland, người đã cung cấp thuốc cho Hồ Chí Minh khi ông bị ốm. (Ảnh tư liệu của Nguyễn Học)

 

connai2

Ảnh: Thomas và thành viên Đội Nai chụp với Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp tại Tuyên Quang, 1945. (Ảnh tư liệu của Nguyễn Học)

 

Quay trở lại Côn Minh, Patti cũng phải giải quyết hậu quả của những người Pháp nhảy dù cùng Thomas. Sáng 17 tháng 7 một sĩ quan M.5 tới văn phòng của Patti thông báo rằng trung uý Montfort và thiếu tá Thomas đã bị Việt Minh bắt giữ.

Đã được thông báo về cuộc nhảy dù thành công, Patti cố cam đoan một lần nữa với viên sĩ quan M.5 rằng tất cả đều ổn. Sau đó viên sĩ quan Pháp mới tiết lộ "với thái độ hơi lúng túng" rằng Montfort, Logos và Phác thực ra là đặc vụ của M.5 có một "nhiệm vụ quan trọng" là liên lạc với Hồ Chí Minh. Thêm vào đó, anh ta thừa nhận với Patti, Montfort "được nguỵ trang giống như một sĩ quan Mỹ". Lo lắng cho sự an toàn của họ, viên sĩ quan Pháp nói rõ với Patti rằng M.5 hy vọng OSS "đảm bảo cho họ an toàn và trở về khu vực do Pháp kiểm soát với ít trở ngại nhất".

Mặc dù không biết gì về cuộc đối thoại của Patti tại Côn Minh nhưng Thomas chắc sẽ đồng tình với giải pháp này.

Trong bức điện ngắn gửi Davis tại sở chỉ huy Bách Sắc ngày 17 tháng 7, Thomas nói rõ: "Có lẽ tôi phải "loại bỏ" người Pháp". Hôm sau anh nói thêm: "Sau khi hội kiến nhà lãnh đạo Đảng, Mr Hoe, (nguyên văn), điều tối cần thiết là phải "loại bỏ" tất cả (nhắc lại) tất cả người Pháp và người An Nam đến từ Bách Sắc. Tôi sẽ đưa Montfort, Phác và Logos quay lại sớm nhất bởi đường băng dành cho máy bay L-5 gần hoàn thành". Có lẽ Fenn đã tóm lược đúng tình hình. Ông kết luận: "Thomas sớm cân nhắc thời cơ và đã quyết định làm việc với Hồ Chí Minh hơn là với người Pháp". Thực tế của vấn đề hẳn là có vẻ đơn giản trong những khu rừng rậm của Bắc Kỳ: tất cả người Mỹ và Việt Minh được đối xử như những vị khách danh dự, và đương nhiên cán bộ Việt Minh có vẻ sẵn sàng, vui lòng và có thể tham gia vào bất cứ sứ mạng chống Nhật nào mà Đồng Minh muốn họ tham gia. Tuy nhiên, rõ ràng là người Pháp không được chào đón. Mặc dù quyết định đưa Montfort, Phác và Logos quay về là hoàn toàn sáng suốt đối với Thomas căn cứ vào bối cảnh Việt Nam, nhưng báo cáo hoả tốc của anh là nguyên nhân của một loạt bức điện qua lại giữa Davis ở Bách Sắc và Wampler ở Côn Minh. Davis rất lo lắng về khả năng Thomas loại bỏ người Pháp mặc dù thừa nhận rằng vì vị trí của mình Thomas có "đủ tư cách nhất" để quyết định phối hợp với Đội Nai. Davis chất vấn Thomas bằng hàng loạt câu hỏi về độ chân thực trong những báo cáo về các hoạt động chống Nhật của Việt Minh và những lời họ khẳng định muốn có vũ khí chỉ để chống Nhật. Davis cũng tỏ rõ quan điểm khi thẳng thừng tuyên bố: "Tôi tin rằng những chiến binh đánh Nhật tốt nhất sẽ là người Pháp". Ông ta khuyên Thomas:

Hãy lưu ý rằng người Pháp sẽ vô cùng thất vọng nếu họ bị loại bỏ. Hãy lưu ý đến ý kiến và lời khuyên của Montfort. Người Pháp tin tưởng chắc chắn rằng chúng ta không thể đánh Nhật nêu sử dụng Việt Minh. Người Pháp tin nếu chúng ta nói với họ rằng chúng ta đến đây để đánh Nhật, rằng chúng ta sử dụng họ vì chúng ta đã huấn luyện họ và biết họ là những chiến binh giỏi, thì chúng ta sẽ nhận được sự hợp tác từ phía họ và ngài sẽ được đối xử như đại thủ lĩnh.

Davis còn thêm nghi ngờ sự chấp thuận tình hình của Thomas, ông ta đặt câu hỏi: "Có phải mọi người ở đó đang thổi phồng tầm quan trọng của mục tiêu cục bộ và khoảng thời gian để đi đến miền đất mới vì những lý do ích kỷ hay không?". Thomas đã khẳng định trong bức điện ngày 17 tháng 7 rằng:

Có khá nhiều người được huấn luyện tốt ở đây. Giới thiệu mục tiêu mới cụ thể là tuyến đường Thái Nguyên, Cao Bằng. Bây giờ quan trọng hơn. Phái những người Mỹ còn lại sớm nhất. Khi sẵn sàng báo cho chúng tôi và chúng tôi sẽ gửi tin thời tiết. Gửi toàn bộ vũ khí và 1/3 phá huỷ. Xây dựng khu huấn luyện tại đây và căn cứ cố định khu vực thả dù gần Chợ Chu. Tôi sẽ ở đây cho tới khi có tin tức của các ngài về nhưng vấn đề trên. Sẽ mất hai mươi ngày đi bộ từ đây tới căn cứ tiền tiêu đầu tiên của chúng ta.

Trái với yêu cầu của Thomas, Davis nói với Wampler rằng thay vì cử đi ngay những người còn lại của Đội Nai thì trên thực tế ông ta sẽ hoãn lại một thời gian nữa. Ngoài ra, Davis còn yêu cầu Thomas giữ thái độ không thiên vị với cả người Pháp và người Việt:

Tôi ra lệnh cho ngài tỉnh táo cho đến khi đạt được một quyết định. Ngài là chỉ huy cấp cao của Mỹ, khách quan, hoàn toàn chỉ quan tâm tới đánh Nhật. Nếu ngài muốn đánh Nhật và làm việc tốt thì có thể gửi một đội khác cho họ. Phương tiện vật chất sẵn có dành cho ngài là không giới hạn. Ngài là đại diện được lựa chọn của một quốc gia rộng!ớn và hùng mạnh. Hãy cư xử tốt với các lãnh đạo địa phương nhưng không luồn cúi. Sau khi xem xét tất cả các góc độ hãy gửi cho tôi những ý kiến, phương án và lý do đã được cân nhắc kỹ nhằm loại bỏ người Pháp và thay đổi sứ mạng này.

Tin chắc rằng làm việc với người Pháp là lựa chọn tốt nhất, Davis khuyên Thomas di chuyển đi tới "căn cứ tiền tiêu đầu tiên" gần Lạng Sơn và lạc quan dự đoán rằng "hiểu biết về đất nước và con người ở đó, người Pháp sẽ được giúp đỡ và có lẽ điều đó sẽ chứng minh rằng tại khu vực Thomas sẽ tới toán quân chủ lực Pháp sẽ được hoan nghênh". Davis báo tin cho Wampler rằng "Yêu cầu của Thomas về vũ khí và người Mỹ là quyết định vội vàng để hoạt động hướng tới mục đích mới mà không có người Pháp". Tuy nhiên, Wampler lại cởi mở hơn đối với việc sử dụng Việt Minh thay cho người Pháp, ông gửi điện cho Davis: Nếu ngài và Thomas quyết định rằng Việt Minh là người tốt, thì tổng hành dinh cho phép các ngài tiến lên và sử dụng họ". Trên thực tế Wampler ám chỉ rằng Việt Minh có thể chứng minh thái độ sẵn sàng đánh Nhật của họ bằng cách tuân theo sự chỉ huy của Mỹ và tấn công mục tiêu chính: tuyến đường sắt Hà Nội - Lạng Sơn. Mặc dù muốn cân nhắc lợi ích của việc tấn công tuyến đường bộ Thái Nguyên - Cao Bằng vào thời gian nào đó sau này, nhưng Wampler lặp lại rằng mục tiêu chính vẫn là ưu tiên hàng đầu vì "chỉ thị toàn Mặt trận". Tuy nhiên, Wampler nhất trí với Thomas rằng Montfort, Logos và Phác nên được rút khỏi nhiệm vụ này. Wampler nói thêm ông mong nhận được "lý do chi tiết" của Thomas và một bản báo cáo đầy đủ về "những hội nghị mở rộng" với Hồ Chí Minh.

 

<< Chương 6 | Chương 7 (b) >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 745

Return to top