Cuối cùng rồi Khuyên cũng không thể tránh gặp mặt anh Ðồng. Vừa ngủ dậy, Khuyên đã bị anh Ðồng "mời" ra ngoài phòng khách. Gương mặt anh không vui, một câu hỏi ném ra thẳng duột không cần rào đón.
- Bữa nay Khuyên hãy trả lời dứt khoát, có đi hay không?
Khuyên cắn môi, một lúc khẽ hỏi:
- Bộ gấp lắm sao anh?
- Chứ còn gì nữa. Cả nhà đang bấn cả lên, trong khi đó Khuyên lại nhởn nhơ đi chơi, sướng thiệt.
- Em khổ tâm lắm chứ sung sướng gì đâu.
- Nếu khổ tâm cũng chỉ tại em thôi. Tự nhiên lại sinh ra chuyện lẩn thẩn, đòi ở lại.
- Em có suy nghĩ của riêng em. Dù sao, em cũng đã lớn rồi.
- Em lớn với ai trong nhà này? - Anh Ðồng trừng mắt hỏi.
- Em lớn theo nghĩa khác.
- Không có nghĩa nào khác cả. Em không thể tách rời khỏi gia đình. Mẹ đã khổ tâm rất nhiều trong chuyện này, nếu em không chịu đi, mẹ sẽ buồn biết bao nhiêu.
Lẽ dĩ nhiên không cần đợi anh Ðồng phải nói ra điều đó mà chính Khuyên cũng đã biết điều ấy từ lâu và không có sự khổ tâm nào hơn khi Khuyên phải ngồi đối diện với mẹ. Trong ngôi nhà này, khỏang một tháng trở lại đây Khuyên đã sống gần như một người xa lạ với anh Ðồng và mẹ. Mỗi bữa cơm, nếu không thể tránh mặt được, bắt buộc Khuyên phải cùng ăn, nhưng cô luôn luôn im lặng và ăn càng nhanh càng tốt để sớm được về phòng mình. Mẹ cô biết điều đó và thường chỉ nhìn Khuyên thở dài. Anh Ðồng thì không thế, anh giận dữ chất vấn Khuyên đủ mọi chuyện và có lúc, Khuyên với anh ấy cãi nhau lớn tiếng. Sau đó Khuyên vào phòng đóng cửa nằm khóc một mình. Không khí trong gia đình càng ngày càng trở nên lạnh lẽo, mỗi người lui vào thế giới riêng của mình và sẵn sàng gây gổ nhau về bất cứ vấn đề gì. Mới đầu Khuyên định biên thư cho ba để nói rõ ý định của mình, nhưng sau đó Khuyên nghĩ không cần thiết nữa và thật tâm mà nói rằng Khuyên đã có ý nghĩ ông bão lãnh Khuyên đi nước ngoài cũng chỉ là bổn phận mà thôi chứ chưa chắc ông đã yêu thương gì Khuyên. Trước ngày ông ra đi, giữa Khuyên và ba cũng ít có sự gần gũi, thông cảm, nhiều lúc Khuyên có cảm tưởng ông cũng chẳng biết có Khuyên ở trên đời này, hay không. Sau những năm dài xa cách, hình bóng của ông càng trở nên mờ nhạt như ngày nào ông đã đi về trong ngôi nhà này như một cái bóng. Mẹ Khuyên đã chịu đựng hết nửa cuộc đời của bà trong sự chờ đợi ấy, Khuyên đã nhìn thấy mẹ với những giọt nước mắt trước sự tàn nhẫn của ba. Ông đánh bà trong những cơn say và bỏ đi về nhà vợ bé. Khuyên không thể hình dung nổi cuộc sống của ba mẹ con cô khi qua bên đó ra sao, dấu ấn của người cha vô trách nhiệm vẫn còn ám ảnh mãi trong tâm trí của Khuyên khiến cô lo sợ.
Khuyên nói:
- Anh có chắc gì qua bên đó anh sống sung sướng không, hay lại tiếp tục khổ sở như những năm trước. Em thì sao cũng được, nhưng em không thể chịu đựng được khi nhìn thấy mẹ phải khổ vì ba lần thứ hai trong nửa cuộc đời còn lại của bà.
Anh Ðồng cười nhạt:
- Chà, cô lại tỏ ra là một đứa con hiếu thảo lúc nào vậy?
- Anh đừng mai mỉa như vậy. Em muốn nói chuyện nghiêm túc. Vì chúng ta không còn đủ thời gian để nói chuyện nữa đâu.
- Cô đừng dạy khôn tôi, và đừng ngụy biện cho sự ở lại của mình.
- Như vậy thì anh đừng hỏi gì em nữa.
- Cô sẽ phải trả cái giá rất đắt cho quyết định rồ dại của mình. Một đứa em cứng đầu.
Anh Ðồng giận dữ bỏ đi, Khuyên ngồi lại một mình trong ghế nhìn khung ảnh của mẹ treo trên tường. Gương mặt hiền từ của mẹ, đôi mắt đã quen với những giọt nước mắt khổ đau ấy như đang nhìn cô. Ðôi mắt mẹ lúc nào cũng chất chứa một nỗi u buồn, ngay trong lúc bà có niềm vui cũng thế. Nhiều người đã nói Khuyên có đôi mắt rất giống mẹ, điều này làm Khuyên vừa hãnh diện vừa bàng hoàng lo sợ. Bởi vì đó là đôi mắt báo trước một điều đau khổ.
Anh Ðồng lặng lẽ dắt xa Honda ra cửa và phóng vụt đi không thèm nói với Khuyên lời nào. Cô buồn bã thở dài. Cũng may mẹ đi công việc chưa về, Khuyên còn một khoảng thời gian để suy nghĩ và tìm cách khéo léo để nói chuyện với mẹ.
Có tiếng chuông gọi cổng, Khuyên ra mở và cô hết sức vui mừng khi thấy Nguyệt. Khuyên reo lên:
- Eo ơi, đang buồn muốn chết thì Nguyệt đến. Vào đây mi ơi.
- Thôi, hai đứa tìm một gốc cây nào trong căn nhà ngồi nói chuyện thích hơn. Bộ nhà đi vắng hết rồi hả?
- Ðã bảo Khuyên ở nhà có một mình mà.
- Còn ông Ðồng đi đâu rồi?
- Vừa phóng Honda ra phố rồi, chẳng biết đi đâu. Mình và ông ấy vừa mới cãi nhau một trận kịch liệt.
- Sao lại cãi nhau?
- Về cái chuyện đi hay không đi ấy mà.
- Thôi, hiểu rồi.
Hai đứa đi tới gốc mận bên hông nhà. Ðây là cây mận dòi, nghe nói mẹ trồng hai cây mận sát nhau để kỷ niệm ngày cưới của ba mẹ, lớn lên hai cây mận ngả đầu vào nhau, tàn lá xum xuê, trái trĩu cành khó phân biệt cây nào nhiều trái hơn, do đó nó có tên là cây mận dòi. Khuyên thường ngồi dưới gốc mận hồng mát và nghe những con chim sâu líu lo gọi nhau, và dĩ nhiên với lồng móc và chén muối đặt sẵn ở dưới chân. Loại mận này hình như được trồng bằng nhánh, không có hột, khi chín trái trắng xanh, căng bóng và rất ngọt. Bạn bè trong lớp học rất thích ăn mận của Khuyên mang vào và thỉnh thoảng mấy đứa trong nhóm bạn thân kéo tới nhà Khuyên để "viếng" cây mận. Ðứa thì dùng lồng móc, đứa leo lên hái, đứa rung nhánh cho mận rớt xuống rồi chia nhau ăn, chia nhau bỏ đầy túi xách mang về nhà. Mỗi lần có một cuộc "viếng thăm" cây mận như vậy Khuyên phải quét lá rụng đến mỏi lưng và nhìn cây mận trơ lại những cành mà tiếc hùi hụi. Nhưng rồi bẵng đi một tuần không để ý, cây mận lại đầy trái làm như trong truyện cổ tích. Khuyên lại hái mang vào lớp chia cho các bạn.
Nguyệt là đứa bạn thân nhất của Khuyên, mỗi lần tới chơi Nguyệt thường rủ Khuyên ra ngồi dưới gốc mận. Nhưng xui cho nhỏ bạn, mùa này cây mận chỉ có hoa chứ không có trái. Con nhỏ ngước nhìn lên cây mận, ước:
- Mận ơi mận, sao không mau ra trái cho ta nhờ.
- Không có trái thì tạm ngửi mùi thơm của hoa vậy - Khuyên cười trêu bạn.
- Ta thích ăn chứ không thích ngửi. Mùi thơm là cái gì rất trừu tượng, còn trái ních vào bụng mới cụ thể. Ta là con nhỏ thích những gì cụ thể.
- Vậy thì Nguyệt hãy cố gắng chờ... mùa trái năm sau.
- Năm sau biết Khuyên còn ở đây không?
Câu nói của Nguyệt vô tình gợi lại câu chuyện nan giải trong gia đình. Và Khuyên vẫn chưa tìm được câu trả lời nào khéo léo để sẵn sàng đối diện với mẹ. Khuyên thở dài:
- Ði thăm ông Thức về lẽ ra phải vui lắm chứ sao lại thở dài?
- Vừa vui vừa buồn. Vui buồn lẫn lộn nên mới thành ra một tiếng thở dài.
- Nghe Khuyên thở dài ta tưởng đâu... trận gió mùa thu mẹ ru con ngủ chớ. Ðừng thở dài nhỏ ơi, thở ngắn được rồi.
Khuyên đập lên vai Nguyệt một cái thật mạnh. Con nhỏ tuy đau nhưng cũng ráng nở một nụ cười héo hắt.
- Ði thăm chàng thanh niên xung phong dũng cảm về có gì vui kể nghe với.
- Dĩ nhiên là vui rồi, nhưng làm sao kể cho Nguyệt nghe được?
- Tại sao vậy? A, hay là niềm vui chỉ để người ta hưởng một mình, còn nỗi buồn mới chịu chia sớt? Khuyên khôn quá trời.
- Không phải vậy đâu.
- Chứ là cái gì?
- Tại Khuyên chưa thể kể bây giờ được, chỉ có thể nói tóm tắt là rất vui. Thanh niên xung phong là những con người vui nhộn, yêu đời. Cứ lên trên đó một lần là... muốn ở luôn, không về.
- Eo ơi, ta hiểu rồi. "Người ơi người ở đừng về".
Khuyên thụi vào hông Nguyệt một cái, con nhỏ gập người lại cười nắc nẻ.
- Vui thì có vui, nhưng buồn lắm Nguyệt ơi.
- Sao vậy?
- Thức vẫn chẳng nói gì với mình. Nói cho đúng hơn là chẳng khuyên mình quyết định như thế nào. Ði hay ở lại.
Nguyệt cười:
- Xời ơi, vậy mà Khuyên cũng không hiểu nữa sao?
- Hiểu cái gì mới được chứ?
- Anh chàng Thức của Khuyên khôn thấy mồ. Im lặng là nói rất nhiều đó. Anh chàng nói: Em thân yêu ơi hãy ở lại. Ðó, anh chàng Thức đã nói như vậy.
Khuyên mơ màng:
- Ðó là Nguyệt đoán vậy thôi, chứ thật ra Thức chẳng nói gì cả.
- Có những vấn đề người ta nói bằng sự im lặng. Eo ơi sao Khuyên... khờ quá vậy?
Ðúng rồi, có lẽ Khuyên khờ thật. Nguyệt đã giúp cho Khuyên hình dung được thái độ e dè của Thức lúc chia tay. Hai người ngồi ở ngôi quán bên đường để đón xe, Thức liên tiếp hút thuốc và thở khói thành những vòng tròn trước mặt với dáng điệu trầm ngâm lặng lẽ. Bên ngoài có cơn mưa nhẹ, bầu trời mờ đục và không khí giá băng, Khuyên ngồi co ro như con mèo nhỏ trong ghế, thỉnh thoảng ngước đôi mắt u buồn lặng lẽ nhìn Thức. Bốn mắt chạm nhau và cùng bối rối.
"Khuyên ạ,
Chỉ còn vài phút nữa chuyến xe sẽ ghé lại đây mang em về thành phố. Chỉ còn anh ở lại với cơn mưa và khồng khí lạnh giá. Ngày tháng rồi sẽ nối nhau như những giọt mưa ngoài trời và mất tăm đâu đó trong cuộc sống chập chùng mê mải. Nhưng còn em, rồi em có mất tăm, xa biệt khỏi vòng tay anh để thành một nỗi nhớ cho cả một đời người, hay em mãi mãi ở lại và chờ anh như người ta sinh ra để chờ nhau kiếp kiếp? Anh sẽ không khuyên em ở lại hay ra đi. Chẳng phải vì anh thiếu dũng cảm hay thiếu trách nhiệm trong lời khuyên của mình mà chính vì anh muốn em tìm thấy câu trả lời đúng nghĩa nhất bằng tiếng nói của trái tim..."
Hình như Khuyên đã nghe được những điều đó trong sâu thẳm lòng cô và từ một buổi sáng mưa trước lúc chia tay. Khi chuyến xe mang Khuyên rời xa ngôi quán, rời xa những cái cây trên dòng kinh có bóng Thức chơ vơ trong mưa lạnh. Khuyên đã bật khóc và hiểu rằng mình phải quyết định như thế nào.
- Anh chàng Thức của Khuyên khóc chứ?
Câu hỏi của Nguyệt cắt đứt dòng hồi tưởng của Khuyên. Cô giật mình, nhìn bạn trả lời:
- Khoẻ và tếu nữa.
- Có viết thơ cho anh ấy nhớ cho Nguyệt "ăn theo" mấy lời hỏi thăm nhé.
Khuyên cười, háy mắt nhìn bạn hỏi:
- "Ăn theo" như thế nào mới được chứ?
- Viết như thế này - Nguyệt tằng hắng lấy giọng tiếp - "Anh Thức ơi, Nguyệt tuy có cảm tình với anh nhưng chắc chắn không thể tha thứ cho anh được nếu anh cướp mất cô bạn thân yêu của Nguyệt, chấm hết".
Nguyệt buông ra một tràng cười tinh nghịch trong trẻo làm Khuyên ngượng cứng người. Cô đấm vai bạn, mặt đỏ bừng, trách:
- Hỏi thăm người ta mà lời lẽ "móc lò" như vậy hả?
- Thì ta hỏi thăm đàng hoàng chứ bộ. Nhưng là hỏi thăm... sức khỏe.
Khuyên trêu lại bạn:
- Nếu Nguyệt muốn làm quen với những anh chàng thanh niên xung phong đẹp trai, vui tính thì Khuyên bảo Thức làm mai giùm cho. Chỉ cần Khuyên giới thiệu sơ sơ vài dòng về Nguyệt sẽ có khối anh chàng... xung phong đăng ký làm quen ngay thôi.
- Nhỏ nói thiệt hay nói đùa đấy?
- Nói thiệt hoàn toàn.
- Vậy thì nhanh lên kẻo Nguyệt... sang ngang bây giờ.
- Sang ngang chưa được đau. Sẽ có khối anh chàng nhảy xuống sông kêu thuyền lại đấy.
Cả hai phá ra cười. Tiếng cười làm Khuyên tạm vơi đi nỗi buồn đang đè nặng trong lòng cô. Nguyệt bỗng cầm tay Khuyên nhình thẳng vào mắt bạn, hỏi giọng nghiêm túc:
- Khuyên này, Nguyệt hỏi thật, Khuyên đã quyết định chưa?
- Quyết định gì?
- Thôi đừng có làm bộ, chuyện đi hay ở đó mà.
Khuyên thở ra:
- Anh Ðồng cũng vừa hỏi Khuyên như vậy.
- Và Khuyên trả lời ra sao?
- Chưa trả lời.
- Bạn bè trong chi đoàn cũng đang chờ câu trả lời dứt khoát của Khuyên đấy. Dĩ nhiên là các bạn sẽ ủng hộ Khuyên hết mình.
- Còn Nguyệt thì sao?
- Nguyệt ấy à? - Nguyệt chớp mắt nhìn Khuyên nói trong xúc động - Nếu Khuyên đi Nguyệt sẽ bỏ cơm nước ngồi ủ rũ như con mèo ướt và sau đó thì "nghỉ chơi" với Khuyên chứ sao.
Trong câu nói của người bạn gái có một cái gì đó vừa ngây ngô vừa tràn đầy sự chân thật làm Khuyên mủi lòng. Có thể người khác sẽ cho Nguyệt "xạo" nhưng với tình bạn của hai đứa Khuyên biết là Nguyệt nói thật. Cách đây một năm, Khuyên và Nguyệt đã từng tiễn một nhỏ bạn được bão lãnh đi nước ngoài cùng với gia đình. Nhỏ bạn cũng không tha thiết chuyện đi, nhưng vì gia đình thúc ép nên phải nghe theo cho nên trong bữa tiệc thay vì vui mừng, nhỏ bạn ấy lại khóc như mưa như gió. Mặc dù chơi thân với nhau nhiều năm, học cùng lớp, ngồi cùng bàn nhưng Nguyệt tuyên bố một câu xanh dờn:
- Tuyết ạ, ta biết mi khóc bữa nay là khóc thật chứ không phải khóc cho người ta xúc động theo. Nhưng dù khóc thật hay khóc giả ta cũng đành phải... xa nhau thôi. Và như vậy, là mình cắt đứt luôn, không phải vì mi ở xa tổ quốc mà chính vì mi đã ở xa ta. Ðừng biên thư, gởi "thùng" chi cho mất công, ta không trả lời đâu.
Ai cũng tưởng là Nguyệt nói đùa, "dọa" bạn chơi, nào ngờ Tuyết qua Mỹ được vài tháng biên thư về cho từng đứa bạn thân, Nguyệt không trả lời thật. Không trả lời lấy một chữ.
- Còn nhớ nhỏ Tuyết không Nguyệt? - Khuyên ôm vai nhỏ bạn hỏi.
- Nhớ chứ sao không. Nhưng ta nhớ mà quên. Thôi đừng nhắc chuyện ấy nữa. Bộ Khuyên muốn trở thành "Tuyết California" sao?
Khuyên cười. Nụ cười bất chợt và chắc chắn không ai hiểu nỗi trừ Khuyên.