Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Tuổi Học Trò >> Huyền xưa

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 14288 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Huyền xưa
Từ kế Tường

Chương 1
Còn khoảng một cây số nửa xe bắt đầu vào thị trấn. Con đường như thấp dần xuống với những thân cây vươn cao lên. Mùa mưa hình như cũng mới về mấy hôm nay, thay một vài chiếc lá non trên cành và làm những chiếc lá còn lại mang một nỗi bơ phờ, buồn nản. Những con chim đậu cao trên các cành cây nhìn chiếc xe lao qua với một vẻ ngơ ngác kỳ lạ. Anh lơ bảo cho mọi người biết xe sắp sửa qua cầu và yêu cầu đừng ném tàn thuốc xuống. Xe vừa tới, tấm bản đỏ báo hiệu cũng vừa quay qua bề trắng. thế là chiếc xe không phải dừng lại để chờ. Lúc xe qua cầu, Lũy lơ đảng nhìn xuống dòng nước trong xanh bên dưới. Gió thổi mát rượi ở gáy tóc Lũy. Mặt trời ném ánh sáng xuống mặt nước làm thành những cái sao nhỏ, lói lòe mắt. Lũy nghe được tiếng dập dình của sàn cầu bị khua động.
Lũy thích thú với những âm thanh kỳ lạ đó. Xuống hết dốc cầu, xe chạy vào một lộ trình bằng phẳng nhất. Đồi núi xa mới lùi về phía sau, con đường với những vây rậm mát, xa vút tới cái trụ biến điện cao vòi vọi của thị trấn. Lũy không phải sửa soạn gì cả. Dưới chân Lũy có chiếc va ly nhỏ để mấy bộ quần áo thay đổi và một vài cuốn sách. Con chó chạy bằng Pin để ở góc trái va ly và món quà nhỏ cho ngày sinh nhật của bé Hạnh. Căn nhà của vợ chồng chị Thục ở bên bờ hồ trên con đường dẫn thẳng ra biển phải đi bằng cuốc xe ngựa. Và như thế, Lũy sẽ lưu lại đây bằng những ngày nghỉ, thảnh thơi và nhàn du trong mùa mưa mới của thị trấn.
Xe vào tới bến với những xôn xao của đám hành khách đi cùng xe. Họ cãi cọ, cười nói, và những mẩu đối thọai ngắn ném đi giữa một người muốn đi về một nơi nào đó trong thị trấn với đám phu xe ngựa bên dưới. Lũy ngồi yên trên ghế nhìn xuống đường, lòng mừng rỡ khi nhận ra con đường không đến nỗi tệ hại như trong trí tưởng. Nhà phố cũng sang trọng, sạch sẽ, nằm dưới những hàng cây xanh mát.
Buổi chiều đang rải lượt nắng cuối cùng xuống thị trấn. Gió từ hướng biển thổi về mang theo mùi khô nồng của muối, cát. Thị trấn này lần đầu tiên Lũy đặt chân tới.
Từ lúc vợ chồng chị Thục di chuyển về bên đây đã hơn ba năm, bé Hạnh cũng vừa đúng sinh nhật lần thứ mười hai, Lũy mới có dịp thuận tiện ghé thăm. Sách vở và ngày thi đã chiếm hết thì giờ và một phần đời sống của Lũy. Đã vậy, hình như nó còn kéo dài ra thêm giống như những cây trầu bà dưới chân thềm nhà sau mỗi cơn mưa.
Lũy đã mệt ngất sau đống sách vở và giờ học chi chít ở trường. Năm nay Lũy phải đỗ. Những ngày thi cũng vừa qua xong, cũng là lúc Lũy nhận được thư của chị Thục gởi về báo tin ngày sinh nhật của bé Hạnh và mong mỏi Lũy lên chơi. Chị Thục đã cẩn thận ghi chú trong mảnh giấy kèm theo thư, vị trí của căn nhà, những con đường Lũy sẽ phải đi qua và phương tiện đi lại. Mảnh giấy đó Lũy đã nhớ nằm lòng, và hiện nó đang nằm trong túi áo Lũy.
Chờ cho mọi người đã rời hết khỏi bến xe, Lũy mới xách va ly bước xuống. Những người phu xe đã chực sẵn, họ mời hỏi rối rít, Lũy không kịp trả lời:
- Về đâu cậu Hai ?
- Khách sạn ?
- Trường nội trú ?
- Khu giáo chức ?
- Ra bãi biển ?
- Tôi đi rẻ cậu Hai… Lũy lắc đầu vượt ra khỏi vòng vây của những người phu xe. Tại sao ta đi bộ ? Lũy cẩn thận móc mảnh giấy của chị Thục ra xem một lần nữa. Và, Lũy băng qua đường.
Những cỗ xe ngựa dập dềnh phía trước với đám hành khách ngồi quay mặt ra sau.
Tiếng lục lạc khua đều qua các góc phố tạo cho thị trấn cái vẻ đằm ấm dễ mến. Chị Thục đã dặn trước trong thư phương tiện phổ thông duy nhất để đi lại ở đây là cỗ xe ngựa, xe lôi, xe lam ba bánh… Xe tắc xi hình như không có chiếc nào. Lũy không ngạc nhiên lắm với chi tiếc này. Nhưng thật là ngạc nhiên đến thích thú khi Lũy thấy thị trấn mang một bộ mặt hiền hòa bình tĩnh với những bóng cây buôn tàn che ánh nắng buổi chiều. Những góc phố im ắng, nằm thoải dốc theo những con đường thấp dần. Những cửa tiệm ôn hòa, nhàn nhã… Lũy chầm chậm bước đi trên vỉa hè. Màu nắng buổi chiều đang tan. Lũy nhận ra con đường mình đang đi thuộc con phố chính, có rạp hát, quán kem, và khu chợ nằm chệch bên cầu bắc qua con sông lớn bọc hết tỉnh lỵ. Gió biển buổi chiều nghe lành lạnh. Lũy đi qua một ngôi trường đúng vào giờ tan học. Những tà áo dài màu trắng, lượn múa trong gió, túa ra khắp mọi ngã đường. Trường nữ trung học duy nhất của tỉnh lỵ. Lũy bắt gặp những mái tóc dài buông thả ngang vai, những nụ cười làm hồng đôi má, và những ánh mắt mở lớn như một loài nai rừng. Lũy bối rối giữa đám đông đó với chiếc va ly đỏng đảnh. Tới một ngã tư Lũy băng khoăn trước những tên đường. Có một con đường không bảng ghi trong khi Thục vẫn ghi đủ trong giấy. Lũy dòm quanh quất một lúc, không còn cách nào khác, Lũy chờ hai cô gái từ phía sau đi tới gật đầu chào, và hỏi:
- Đường không có bảng ghi tên là đường nào cô nhỉ ?
Hai cô gái nép vào nhau, cặp để ngang ngực. Một cô ấp úng hỏi ?
- Đường nào đâu ông ?
Lũy đưa tay chỉ một trụ điện:
- Đường có trụ điện gãy đấy.
- Đường đó là đường Trưng Vương. Tấm bảng mới rớt mất hôm qua trong cơn mưa đấy.
Hai cô gái thúc vào hông nhau. Người này buộc người kia lãnh nhiệm vụ chỉ đường. Lũy mỉm cười và chờ.
- Chỉ cho người ta đi Cúc Huyền.
- Bộ My chỉ không được sao ?
Cô gái tên Cúc Huyền chớp mắt mấy cái đưa tay về phía trước nói:
- Đi từ Trưng Vương tới một khoảng, gặp hai ngỏ rẽ. Sang phải là Triệu Ẩu, sang trái là Huyền Trân.
Cô gái tên My cướp lời:
- Nhỏ này nó cũng về ngõ Huyền Trân đấy.
Cúc Huyền bấu vào cỗ tay bạn. Lũy nói cảm ơn rồi nhường bước cho hai cô gái.
Cúc Huyền và My đi qua, họ nói gì nhỏ nhỏ với nhau rồi cười khúc khích, Lũy móc thuốc ra hút và đi chậm ở phía sau. Tới ngõ rẽ, Cúc Huyền và My dừng lại nói chuyện, họ cố ý chờ cho Lũy qua khỏi. Một lúc Lũy quay lại thấy hai người chia tay nhau. My đi về ngõ Triệu Ẩu, và Cúc Huyền lại đi phía sau Lũy. Giữa đường Huyền Trân lại một ngõ rẽ khác ôm vòng lấy bờ hồ. Con ngõ có rất nhiều cây và nhà thật xinh xắn. Lũy nhận ra những ngôi nhà xây cùng một kiểu như nhau, mái ngói đỏ trút xuống, tường quét vôi vàng và trước cửa nhà nào cũng có vườn cây nhỏ. Lũy xem số nhà, đi thẳng. Cúc Huyền cũng vừa quẹo tay mặt.
Nhà chị Thục ở khoảng giửa bờ hồ từ mặt đường vào trong con ngõ nhỏ có trải sỏi trứng. Chị Thục không nói về ngôi nhà của chi trong thư. Nhưng thật là một ngôi nhà lý tưởng. Lũy phải đi qua một khoảng sân rộng. Chị Thục từ phía trong chạy ra cười:
- Đoán thế nào chiều nay Lũy cũng lên tới. Định nhờ anh Đồng đưa xe ra đón nhưng anh lại phải trực đêm ở sở. Sao, đi gì mà không nghe tiếng xe ghé bên ngoài ?
Lũy cười :
- Đi bộ.
- Tài ghê nhỉ ? Sao Lũy không đi xe ngựa ? Bộ phải sợ đi cùng với các cô nữ sinh họ cười hả ?
Lũy đỏ mặt hất mấy sợi tóc:
- Tài gì! Cái bảng ghi tên đường bị mưa rớt hôm qua chút xíu nữa là đi lạc nếu không nhờ hỏi thăm hai cô gái.
Hai chị em bước lên sàn nhà. Mùi hoa nhài nở buổi chiều phảng phất đưa tới. Lũy dòm quanh căn nhà khen:
- Nhà đẹp nhỉ ?
- Lũy thích không ?
- Dĩ nhiên là thích rồi.
- Khi nào chán học ở dưới đó, lên trên này ở với chị. Nhưng nói trước buồn lắm đấy chứ không vui như thành phố của cậu đâu.
- Càng buồn càng thích.
Chị Thục ngó Lũy cười. Lũy hỏi:
- Bé Hạnh đâu rồi chị ?
- Nó đi học, chắc cũng sắp sửa về tới.
- Mười hai tuổi, học lớp năm chắc.
- Đừng tưởng, Hạnh nó học gần hết lớp 6 rồi đấy. Hè sang thì lên lớp 7. Chắc là nó không nhìn ra cậu đâu.
Lũy đi ra thềm đứng nhìn sang bên kia bờ hồ. Buổi chiều đang rải chút nắng cuối cùng xuống mặt nước yên lặng và trên các ngọn lá xanh biếc. Con đường chạy ngang nhà ít xe cộ qua lại, chỉ có những đám trẻ con nô đùa với những con diều giấy bay trên cao. Thấp thoáng trong các bóng cây, Lũy thấy những người đi mặt áo ngắn, màu áo lồng vào mặt nước hồ với những bóng nắng thật vàng thành một thứ màu sắc làm cho buổi chiều dịu dàng thêm, êm đềm thêm. Lũy ngửi mùi hoa Ngọc Lan, hoa Nhài từ hướng chân rào đưa tới, không khí ướt sũng hương thơm. Mùa mưa mới tới nơi đây, làm đất mềm và cỏ thật mượt. Khoảng sân nhà chị Thục rộng, ngăn cách với mặt đường nên những âm thanh của buổi chiều chỉ vọng tới như một nơi nào thật xa xôi. Cánh cổng cao với những chùm bông giấy đỏ, những con chim sẻ trốn người bay đến nấp trên bóng lá và chuyển nhanh trong các cành. Lũy nhìn sang dãy nhà bên kia hồ, chỗ Cúc Huyền vừa mới rẽ vào. Những ngôi nhà giống nhau làm Lũy khó phân biệt, tuy chỉ một vài nhà có trồng bông giấy đỏ trước cổng, bông giấy buổi chiều nom đằm thắm như một cánh mây trời đang trôi lờ đờ trên cao. Chị Thục bỗng gọi:
- Lũy, Lũy… có nước sẵn trong nhà tắm, đi tắm một cái cho khỏe rồi ăn cơm.
Tối nay tha hồ cho bé Hạnh nó vòi cậu dẫn đi ciné. Mấy hôm nay anh Đồng trực, chị bận quá không thể dẫn nó đi được.
- Kể ra thị trấn nhỏ bé này có một rạp ciné để giải trí cũng đỡ buồn. Có bao giờ chị đi ciné ở đây chưa ?
- Chưa nhưng bé hạnh thì đi mấy lần. Phim ở đây chả hay ho gì, nhưng người coi thì chắc là đông ghê lắm.
- Toàn là các cô nữ sinh ở cái trường trung học gì đó ?
- À, trường Huyền Trân Công Chúa.
- Thị trấn này êm đềm và dễ thương quá. Chị nhỉ ?
- Chị đâu có biết, tối ngày chỉ ru rú ở nhà, ít khi ra đường. Chắc Lũy đã cảm mấy cô nữ sinh trường Huyền Trân rồi chứ gì, hèn nào mới lên đã khen thị trấn này êm đềm dễ thương.
Lũy cười:
- Chị đoán cũng tài đấy. Thảo nào mà ngày xưa anh Đồng chẳng từng đứng đội mưa giùm mấy cái gốc me trước cổng trường chị.
Chị Thục hơi đỏ mặt cười khúc khích. Ngày xưa. Hai tiếng ấy bao giờ mà chẳng gợi cho người ta nhiều xúc động. Chị Thục nói:
- Bây giờ chị già rồi. Ngày xưa đã bay mất theo ngày tháng như con bướm đêm, không trở về cái chụp đèn trên bàn học của cô nữ sinh ngày nào ấy nữa.
Lũy cười:
- Nhưng ai cấm cô nữ sinh ngày nào ấy còn một chút mơ mộng. Chị Thục nhỉ ?
Chị Thục tròn mắt:
- Chị còn mơ mộng. Chỉ tổ cho anh Đồng cười.
- Con gái đàn bà chúa mơ mộng, bất cứ ở tuổi nào, trường hợp và hoàn cảnh nào. Càng lớn tuổi thì người ta càng nhiều mơ mộng.
- Thôi đi tắm đi Lũy. Nói nhảm hoài.
Lũy cười. Một thoáng thời gian như đứng lại dưới chân. Câu nói của chị Thục làm Lũy thoáng một chút xút động. Ngày xưa, lúc cha mẹ còn sống, hai chị em vẫn thường có tiếng là gần nhau nhứt, hợp nhau nhứt. Trong những lần nói đùa với nhau, chuyện gì làm cho chị Thục xúc động chị đều đuổi Lũy đi chỗ khác với một câu tương tự như câu chị vừa bảo:
“Thôi đi chỗ khác chơi đi Lũy”. Sau ngày anh Đồng hỏi cưới, câu nói ấy vẫn thường vang lên trong căn nhà đầm ấm ấy mãi cho tới ngày chị về với anh Đồng. Từ đó mỗi năm vào ngày Tết hoặc giỗ lớn trong gia đình chị mới có dịp về, bình thường chị theo anh Đồng di chuyển tới những nơi anh ấy làm việc. Ba mẹ mất căn nhà dưới tỉnh nhỏ giao cho một người giúp việc nhà trung thành coi sóc với hai miếng vườn lớn và một số ruộng đất bỏ hoang. Lũy học ở Sàigòn cũng ít khi về. Lũy không có ý định gì với cái gia tài đó, và hình như chị Thục cũng thế. Cuối cùng căn nhà với những mảnh vườn, mảnh ruộng như một cái cớ để chị em còn gần gũi với nhau, để nhớ về hai người thân yêu đã mất. Anh Đồng đổi đi liên miên hết nơi này đến nơi khác. Càng ngày càng xa. Chị Thục cũng theo anh như một cái chong chóng.
Căn nhà dưới tỉnh, qua những ngày Tết, những ngày giỗ lớn, gần đây chỉ có một người giúp việc trung thành đi ra đi vào với những giờ phút chờ đợi. Không ai về vào dịp đó. Chị Thục ở mãi thị trấn xa xôi này, Lũy thì ở thành phố… Lũy vẫn có ý định nói với chị Thục về dưới tỉnh ở, hơi sức đâu mà đi theo anh Đồng, nhưng như thế hóa ra Lũy đã xen vào cái bóng hạnh phúc của chị sao ? Lũy vẫn nghĩ, đi và sống, cho dù ở một nơi nào xa xôi nhưng mãi có nhau, ấy chính là nguồn hạnh phúc nhất. Căn nhà ngói cũ ấy rồi đây chỉ có Lũy giữ ý định trở về. Lũy vẫn mong như thế. Về căn nhà xưa Lũy sẽ được ngồi trên thềm cữa nhìn vườn hoa mai buổi chiều nở những bông muộn, uống với người giúp việc già một ly trà mùi hoa khế, tưởng nhớ đến những điều xảy ra nơi căn nhà này. Ba, mẹ anh chị em, và một thời thơ ấu vàng son trải dài trên cánh đồng xanh, ngào ngạt hương thơm.
- Lũy mang theo ít quần áo, thế thì ở chơi được mấy ngày nhỉ ?
Lũy ngưng dội nước nói vọng ra:
- Tánh em ít khi mang theo đồ đạc nhiều, phiền lắm. Ở chơi bao nhiêu ngày thì ăn nhằm gì. Hơi đâu chị lo xa.
- Rồi đây chắc chị phải tìm ra một cô nào mà giữ chân cậu chứ để lông bông hoài chẳng đâu nên đâu.
Lũy bật cười:
- Chị nói giống mẹ ngày xưa.
Bất ngờ chị Thục im bặt. Lũy đoán là chị đang buồn. Những lon nước mát làm Lũy dễ chịu. trên những ô nhỏ của bức tường nhà tắm lọt vào những sợi nắng buổi chiều vàng ẻo lả. Tiếng chim hót đâu đó ngoài hàng cây, tiếng sáo diều ngô nghê của lũ trẽ phía bờ hồ. Căn nhà thật vắng và hình như thị trấn cũng vắng theo. Lũy nhớ lại con đường đã đi qua và tới đây trong một ngày phiêu lãng. Gió biển mang cái lạnh gay gay với mùi muối mặn về đây vỗ vào cánh cửa gỗ, Lũy đang ở xa thành phố, xa căn nhà có hoa dại nở vô tâm dưới chân thềm. Mùa mưa vẫy những buổi chiều lá rụng đầy sân. Tiếng chị Thục hỏi thật buồn :
- Lũy có về ngày giỗ mẹ kỳ rồi không?
Lũy thoáng ngập ngừng:
- Không.
- Cả hai chị em đều không về chắc dưới nhà ông Năm trông lắm nhỉ?
Lũy thở hắt ra:
- Chắc ông ấy cũng lại làm như mọi năm. Đơn sơ và trống vắng. Ai cũng bận, hoàn cảnh bây giờ khác ngày xưa. Về tỉnh không phải là một chuyện dễ như dự tính mình được.
- Nhưng thế nào tôi cũng phải về một ngày chứ. Để chị nói với anh Đồng lo thu xếp ở đây hoặc về gần nhà chứ đừng đi xa đến một nơi nào khác.
Lũy phá tan bầu không khí u buồn của chị Thục:
- Chị quên ngày xưa anh Đồng là một cái chân đi sao, và hình như anh ấy đã giao hẹn với chị trước khi cưới rồi mà?
Chị Thục cười hỏi:
- Giao hẹn cái gì nhỉ?
- Giao hẹn là chị phải đi theo anh tới bất cứ nơi nào, không được nhăn nhó vì bất cứ lý do nào. Anh đâu thì em đó.
Chị Thục bật cười:
- Cái đó chắc Lũy bịa ra. Chị không nhớ gì cả.
Quả Lũy bịa thật. Nhưng chị Thục hình như thích thú với câu chuyện. Chị không nhắc gì về căn nhà dưới tỉnh và ngày giỗ nữa. Lũy xối vội vã những lon nước mát lạnh. Tiếng chim ngoài hàng cây hót nhiều hơn nhưng nắng đã tắt dần trên các ô nhỏ của bức tường.
Tắm xong, Lũy thay bộ đồ ngủ, mang chiếc ghế dài trong nhà ra ngồi ngoài thềm. Chị Thục lo sửa soạn bữa cơm tối. Nắng cũng đã tắt hẳn trên mặt hồ xanh.
Những con diều giấy được lũ trẻ con cuộn xuống. Bây giờ những người đi dạo quanh hồ đã bắt đầu nom không rõ màu áo. Có tiếng xe ngựa gõ lốc cốc đến gần phía ngoài đường và một cỗ xe ngựa dừng lại trước cổng nhà. Con chó từ trong nhà chạy ra nguẫy đuôi mừng rỡ.
Chị Thục đi ra nói:
- Bé Hạnh về đó.
Bé Hạnh vào nhà. Con chó nhỏ chạy theo sau cắn vào một góc của chiếc cặp. Chị Thục cười hỏi:
- Hạnh biết ai đây không?
Bé Hạnh dừng lại ngó Lũy, rồi ngó chị Thục, lắc đầu. Chị Thục cười kéo bé Hạnh lại gần hỏi:
- Người mà mấy hôm dì Cúc Huyền mang thư ra bưu điện bỏ đấy. Nhớ chưa?
Bé Hạnh chớp mắt mấy cái rồi reo lên:
- Cậu Lũy.
Chị Thục gật đầu:
- Ừ cậu Lũy. Mới vừa lên đấy.
Bé Hạnh nhảy tới ném chiếc cặp vào tay Lũy rồi lay vai Lũy cười:
- Sao cậu không nói gì hết cứ ngó cháu làm cháu tưởng ông nào, sợ ghê.
- Sao lại sợ?
- Thấy người lạ thì sợ chứ sao.
- Cháu làm như cậu là ông Ba Bị không bằng.
Hạnh rúc vào lưng mẹ cười. Chị Thục nói:
- Con vào cất cặp, tắm, rồi vào ăn cơm với mẹ và cậu.
- Dạ, nhưng con muốn hỏi cậu Lũy một điều.
Lũy vòng một ngón tay, nheo mũi trêu Hạnh nói:
- Cứ hỏi.
- Cậu có quà sinh nhật cho cháu không? Cháu thắc mắc quá sợ không ăn cơm ngon được.
- Cậu đi mang chỉ chiếc va ly nhỏ đựng mấy bộ quần áo thay đổi, hình như không có quà cho cháu.
- Sao lại hình như?
- Vì cậu quên, không hiểu ngoài mấy bộ quần áo ra cậu còn ném vào đó cái gì nữa hay không?
Hạnh xịu mặt xuống:
- Nghĩ chơi với cậu. Sinh nhật của người ta mà cậu chả để ý gì cả.
- Tại mẹ cháu cho cậu biết trễ quá.
Hạnh bĩu môi, xách cặp bước những bước chân trên thềm, vào nhà.
Chị Thục nói:
- Lớn như thế mà nhõng nhẽo không ai bằng. Có cái gì cho nó thì cậu phải nói, đừng giấu trêu nó không được đâu. Có thể nó không thèm ăn cơm cho cậu coi.
Chị Thục nheo mắt hỏi:
- Có không?
Lũy hỏi:
- Chị có soạn va ly ra chưa?
- Chưa.
- Chả nhớ cò gì cho bé Hạnh không nữa.
Chị Thục ngó Lũy kêu ư ư trong miệng rồi chị đi ra cổng. Một lúc người giúp việc bồng đứa nhỏ của chị về. Chị ẵm cho Lũy xem và nói:
- Đây là bé Hiền. Mới tập đi và mọc răng, chưa biết nói. Cậu làm quen với bé Hiền coi bộ dễ hơn bé Hạnh.
Chị Thục và Lũy cùng cười. Nếu Hạnh giống mẹ bao nhiêu thì Hiền ngược lại giống bố bấy nhiêu. Gương mặt của bé Hiền là gương mặt của anh Đồng. Lũy thường không biết chuyện gì để nói với trẻ con, nên cứ nhìn đứa bé cười. Và đứa bé cũng chả biết về việc Lũy trong căn nhà này, có một liên hệ nào với những người ở đây. Chị Thục hôn con và nói:
- Trông nó giống tạc anh Đồng.
Lũy gật đầu một cách lơ đãng. Chị Thục bồng bé Hiền vào nhà. Bước chân của chị rải đều trên thềm như những bước chân thật sự của hạnh phúc. Một ngôi nhà đẹp, yên tĩnh. Vợ chồng còn trẻ với hai đứa con gái. Không khí của gia đình dễ thương như không khí của thị trấn này. Ở nơi đây chị Thục không còn đòi hỏi gì hơn. Lũy thấy xung quanh nhà toàn cây lá và hoa, cỏ mướp đan theo chân rào, những loại dây leo có hoa màu tím nhạt. Căn nhà được ve vuốt những cơn gió thơm nồng hương hoa, được lợp bởi những đám mây trời êm đềm bên trên. Đời sống ở đây trầm lặng trôi chảy như mặt hồ xanh ngoài kia. Lũy châm một điếu thuốc, thấy bóng tối lan dần vào khoảng sân. Những con chim từ đâu đó, hối hả bay lên trong bóng tối. Người giúp việc đang gom những chiếc lá cây lại thành đống bên chân rào. Tiếng chổi khua trên cát nhẹ nhàng, lẩn khuất, với tiếng gió lay động những đỉnh cây trên đầu Lũy.
Khi đống lá đã to, trong sân những chiếc lá rụng rơi không còn nữa, người giúp việc quẹt diêm châm đốt. Nhìn đám lữa cháy bập bùng, Lũy ngỡ đâu mình đang ngồi trước sân nhà một buổi chiều ba mươi tết của năm nào, những đống lá cũng được ông Năm đốt lên như vậy, trong cái chật vất của ngày vừa dứt ánh nắng, cho đêm tối của một đêm giao thừa.
- Cậu Lũy, cậu Lũy.
Tiếng kêu của bé Hạnh và bàn tay của nó vẫy qua cửa sổ. Trong nhà vừa bật đèn. Ánh sáng hắt ra thềm soi sáng khuôn cửa. Bé Hạnh với chiếc áo trắng mới và mái tóc ướt nước đang cầm lược rẽ một đường ngồi ngó Lũy cười nói:
- Làm thế nào cậu tìm ra được nhà này hay vậy?
- Cháu đoán thử xem?
- Cậu đi xe ngựa chứ gì. Ông đánh xe ngựa quen với cháu, cậu nói tên cháu rồi ông ấy đưa về tới đây.
- Sai bét rồi cô bé ơi. Cậu đi bộ.
Hạnh cười khúc khích:
- Này. Cháu biết quà cậu cho cháu rồi. Một con chó chạy bằng pin, đẹp ác vậy mà cậu giấu. Cháu sẽ ăn cơm ngon lắm. Chỉ có cậu là xạo. Hạnh thụt khỏi cửa sổ, và tiếng cười ròn tan khắp nhà. Lũy đứng lên đi bách bộ trong sân cho đến khi đống lá đã cháy hết, ngọn lửa tàn, người giúp việc mời Lũy vào ăn cơm. Lũy không còn thấy đói. Chỉ thích một chiếc ghế xích đu kê giữa sân nằm nhìn lên ánh trăng đầu tiên của một đêm đầu tuần trong thị trấn.

<< Chương 12 |


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 181

Return to top