Một ngày nghỉ hiếm hoi của đại đội, nhưng mưa kéo dài từ sáng sớm, những chàng thanh niên xung phong vai áo vừa bạc màu nắng gió, từng dầm mình trong mưa "bắn len" trên dòng kinh mới được tạo dáng chạy thẳng tắp về phía trước mặt, vậy mà đối với những cơn mưa thối đất ở xứ nước mặn này cũng phải kiêng dè. Ðó là tâm trạng buồn bã chợt nhói lên trong lòng khi thức dậy nhảy xuống đất nghe cái mùi ẩm mốc lưu niên chợt bốc lên mùi, nhìn ra ngoài cánh đồng trống bao la mờ mịt trong màn mưa dày đặc, cảm thấy một nỗi nhớ nhà ghê gớm. Thức đã bắt gặp cái cảm giác này bao nhiêu lần rồi, nhưng không hiểu sao sáng hôm nay lại ngậm ngùi đến thế.
- Ê, Thức nháy đâu rồi, bài thơ của mày xong chưa mau đưa tao "in" vào báo chứ. Ðịnh đánh bài "xù" sao thi sĩ?
Giọng nói oang oang của Phái và nhóm bạn làm báo tường ở phòng kế bên làm Thức giật mình, nhớ lại nhiệm vụ được giao là phải có ngay tờ báo tường của đại đội sắp hoàn thành trong buổi trưa. Bài thơ Thức đã cặm cụi làm suốt đêm hồi hôm mới được có 4 câu, buồn ngủ quá phải chui vô mùng định sáng nay thức sớm làm tiếp, nhưng mà mới sáng ai làm thơ cho nổi. Nhất là lại ở trong thời tiết này, người ta sống giữa không khí hoài niệm lãng đãng đấy, nhưng dể có được một "chất" thơ thì đành chịu. Thức cười lớn:
- Chờ cho tới giờ cơm đi. Bụng đầy mới làm thơ được, đói thơ không ra đâu. Mưa buồn quá xá, thơ cũng trốn tao chạy mất rồi.
- Không lẽ tờ báo tường lại nằm chờ duy nhất một bài thơ của mày sao con?
- Thì mày cứ việc vẽ... gương mặt mày vào đó là xong ngay.
- Ðồ quỷ sứ. Thôi, thơ không ra thì mày cho anh em nghe một bài hát nào đó đi, cho đỡ buồn trong khi chờ đợi. Chẳng lẽ tụi tao ngồi không?
- Hát nghe còn tạm có lý.
Thức vớ lấy cây đàn cũ treo trên vách, cây đàn anh đã mang theo từ lúc gia nhập đơn vị, trải qua những năm tháng đi theo anh qua khắp các "chiến trường". Ðộ cũ của nó cũng như những vết chai sần sùi ở hai bên tay, ở gan hai bàn chân, màu gỗ chuyển theo từng thời tiết, mùa màng, âm thanh khi trầm ấm khi khàn đặc như giọng nói của Thức. Nó đã dứt dây biết bao lần, và bộ dây mới nhất là của Khuyên gởi cho anh trong tuần trước. Cầm cây đàn, bấm hờ hững hợp âm cung mi thứ, Thức bỗng nhớ Khuyên da diết, nhớ Khuyên với đôi mắt to, sáng, mở rộng như một khoảng không gian xanh biếc, gương mặt hơi nghiêng, tóc dài xõa lưng, và giọng hát nhỏ nhẹ, mềm mại, trong suốt ngọt ngào với bài " Maman" mà Thức từng đệm cho Khuyên hát.
Thức hỏi vọng sang:
- Bài gì đây quí vị hay làm khó khăn cho anh em?
Vẫn cái giọng ồn ào của Phái:
- Hò leo núi đi.
- Mới sáng leo núi mệt thấy bà. Người đi xây hồ Kẽ Gỗ cho nhẹ nhàng hơn tí chút.
- Thôi đừng có giỡn mấy cha nội, để cho thằng Thức nó hát. Bài ruột đi Thức ơi.
- Vậy thì Maman nhé?
- Nhất xứ rồi ông Hai củ ơi...
Mấy người bạn vưa tán đồng, vừa vỗ tay lốp bốp. Thức bắt vào bài hát quen thuộc từng tập cho Khuyên với tất cả nỗi nhớ của một thời xa vắng. Thức hát và nhìn ra mưa, thấp thoáng trong cánh đồng ruộng mênh mông, lẫn khuất trong màn mưa dày đặc, gương mặt thân yêu cuả Khuyên như ẩn hiện.
Bỗng có tiếng đập vào cánh cửa, Thức ngưng bặt, quay ra. Gương mặt Lẫm văn thư nhòa nhạt trong mưa, nhưng nó vẫn nhăn răng cười, nói lớn:
- Ngoài trạm gọi điện vào báo ông có người nhà lên, mau ra mà rước chứ ở đó rên rỉ một hồi thằng khác rước thì trào máu.
Thức buông đàn, ngạc nhiên hỏi:
- Nói chơi hay nói thiệt đó bạn?
- Trời mưa gió thế này, ai ở không mà nói chơi.
- Mấy thằng ở ngoài trạm không có việc gì làm dám cà khịa chơi cho vui lắm à.
- Tin hay không là quyền của ông.
Lẫm văn thư có vẻ giận dỗi, quay đi ngay. Thức nhấp nhỏm, nửa tin nửa ngờ. Ðường từ đây ra ngoài trạm đâu phải là con đường tráng nhưạ bóng loáng sạch sẽ, cũng đâu phải gần. Ít nhất là một cây số lội bộ trên bùn sình trơn trợt, rồi một cây số rưỡi chèo ghe trên con kênh ngoằn ngoèọ Trời mưa gió lạnh buốt. Cứ nghĩ đoạn đường gian nan đó Thức cũng đâm ngán ngẩm, nếu dầm mình đi ra trạm, không có ai, chỉ tổ làm trò cười cho mấy thằng bạn dã tâm, thích cười trên sự đau khổ của người khác.
Giọng thằng Quân cà khịa:
- Sao, nếu mày không đi để tao đi thay cho.
Rồi thằng Phái lên giọng dọa:
- Trời mưa gió thế này, người lặn lội lên tới cái xứ khỉ ho cò gáy này chỉ có thể là " em " thôi chứ không ai khác. Nếu mày không đi, tao đi liền. Chừng đó chỉ còn nước ngồi bờ kênh mà khóc ròng con ơi.
Dĩ nhiên Thức cũng đoán người lên thăm Thức chỉ có thể là Khuyên thôi chứ không còn ai khác, vì mẹ Thức và đứa em gái ở dưới quê xa lắc xa lơ, chẳng đời nào lên tới đây cho được. Nhưng tại sao lại là Khuyên? Nếu đúng Khuyên thực, đó là điều chẳng bao giờ Thức ngờ tới. Ðúng hơn là mơ ước tới. Trong thư Khuyên chưa bao giờ đề cập tới chuyện này. Thức lấy cái áo mưa cũ choàng vào người, xắn quần cao lên đầu gối, tiện tay lấy luôn cây gậy chống bước ra cửạ Ði ngang qua " phòng báo chí " mấy gương mặt vắt hất lên ngó Thức cười nhăn nhở. Giọng thằng Phái chua như giấm:
- Chúc cho chàng mã đáo thành công, rước nàng vô đây cho chúng tớ chiêm ngưỡng dung nhan.
Thức giơ giơ cây gậy lên doạ rồi băng đi trong mưa. Ðúng là một con đường gian khổ như bọn Thức vẫn thường gọi. Bởi vì trước đây, nó chỏ là một cái bờ đê nhỏ hẹp, khi đại đội của Thức về " trấn " ở đây, cái bờ đê mới thành con đường, mùa nắng đất rắn, nứt nẻ đầy lỗ chân trâu, trầy trật bước thấp bước cao chứ chẳng dễ dàng gì. Mùa mưa tới con đường lầy bùn, trơn trợt, bước phải bấm chân và thủ thế, giữ tấn đàng hoàng mới khỏi té. Thức vừa chống gậy đi vừa tức cười, người khác thấy Thức trong cảnh này chắc nghĩ Thức là một ông già đi thăm đồng hơn là một chàng trai trẻ đi rước người yêu.
Ðúng là Khuyên chứ không ai khác, cô bé đang ngồi bó gối trước một giỏ xách to kềnh, áo pull quần jeans xắn lai, đôi dép da đã lột ra cột trên quai giỏ, mái tóc ướt nước, gương mặt gần giống như nhòa trong nước mắt. Nước mắt hay nước mưa? Thức cũng chưa kịp hiểu đã vội bay xuồng tấp vào bờ con kênh, nắm vội một bụi cỏ rồi nhảy phóc lên trước cửa trạm. Thằng bạn thân đứng chống nạnh, tố ngay một tràng:
- Ôi, ông nội ơi, ông làm gì chết dí ở trỏng? Chúng con gọi điện đến đứt hơi luôn. Vừa lo cho ông nội, vừa năn nỉ người đẹp, sợ cô ấy khóc rồi bỏ về, mai mốt ông nội biết được ông nội hành hạ chúng con.
Thức cười trừ:
- Tớ mới nghe gọi điện, thằng văn thư tới bào là tớ ba chân bốn cẳng vọt ra ngay. Dù sao cũng cám ơn.
- Cám ơn suông sao được.
- Yên chí. Bạn bè lâu ngày có việc nhờ, đừng làm khó nhau nữa mà.
Cả bọn cười xòa. Khuyên thấy không khí cởi mở có lẽ đã lấy lại được bình tĩnh nên bạo dạn nắm tay Thức, nói như sắp khóc:
- Tưởng anh đi đâu, chờ mười phút nữa anh không ra tới chắc em phải quay về quá. Lần đầu tiên em tới nơi này. Sao mà gian nan quá vậy anh?
Thằng bạn thân lại được dịp mở đài:
- Cô Khuyên ơi, người ta thương nhau mấy núi cũng trèo, mấy sông cũng lội, mấy đèo cũng qua. Như thế mà nhằm nhò gì.
Thức phải giơ nắm đấm ra dọa, nó mới chịu im. Thức không biết làm gì, đành nói một câu... ngớ ngẩn:
- Em lên bất ngờ quá, anh không nghĩ ra được.
- Chính em còn không nghĩ ra được nữa là anh, nhưng chỉ trong một đêm suy nghĩ em quyết định lên tận đây gặp anh. Và thế là em đi. Em hỏi thăm từng khoảng đường, từng trạm xe, riết rồi cũng tới nơi. Em đi từ sáng sớm mà giờ này mới tới.
Thức chỉ còn cách vuốt mớ tóc ướt của Khuyên cười gượng:
- Anh biết rồi. Em đi như vậy là giỏi hơn anh, nếu anh, đi một ngày chưa chắc đã tới.
- Xạo hoài cha nội ơi. Trời cao thăm thẳm ông còn đi tới nữa là.
Thức lại giơ nắm đấm lên dọa Thịnh:
- Ðúng mày là thằng Thịnh lém, không sai.
Thịnh nhăn răng cười, Thức thấy trong giỏ xách của Khuyên có một cây thuốc Mai, Thức xé bao lấy ra hai gói thảy cho Thịnh và Tiếp:
- Tặng cho mỗi đứa một "nàng" Mai, hút bể phổi luôn.
Tiếp mập đế liền:
- Lo lót phải cho nó đáng không mang tiếng chết bạn ạ.
- Tạm vậy, bước đầu chỉ có thế. Thôi chào, tối có thể gặp nhau.
- Ðừng có mời kiểu xã giao vậy bạn, mời phải cho thật thà. Bạn bè đừng gian dối.
Thức cười xòa:
- Tụi này đâu có trốn được ở cái xứ khỉ ho cò gáy này. Cho nên tha hồ, bạn nào cũng có thể tới chơi bất cứ giờ phút nào.
Thức nắm tay Khuyên, cây gậy bây giờ làm cái đòn gánh, Thức mói giỏ đồ lên vai gánh đi. Thịnh lém chạy theo kêu lên:
- Ê, khoan lui thuyền, tớ về trại lấy cơm ra cho thằng mập kẻo nó đói tội nghiệp.
- Vậy anh bạn chịu khó chèo nghen. Hôm nay tớ được ưu tiên.
- Khỉ, đừng có làm biếng cha nội ơi.
Tuy nói thế nhưng Thịnh cũng phóng xuống thuyền, cầm lấy mái chèo, nó chống vào bờ đất đẩy mạnh lấy trớn, con thuyền nhỏ xuôi theo dòng kênh đào nước đục ngầu. Cơn mưa vẫn lất phất, dai dẳng như không bao giờ muốn tạnh. Thức choàng chiếc áo mưa rộng che cho cả hai người. Khuyên ngồi nhìn những khóm hoa lục bình dập dềnh trôi theo mạn thuyền, những đoá hoa màu hồng tím, nổi lên trên màu nước đục ngầu giữa cảnh trời đất mênh mông bạt ngàn như một bức tranh.
Khuyên bỗng nắm tay Thức, bấm mạnh:
- Cảnh đồng quê đẹp quá nhỉ.
- Nhưng đảm bảo ở đây vài ngày em sẽ khóc vì buồn.
- Ở đây cũng có nữ thanh niên xung phong vậy chớ bộ. Ðã có cô nào khóc chưa?
- Anh chưa thấy cô nào khóc.
- Vậy nên em ở đây cũng chẳng bao giờ khóc.
Thịnh lém đùa:
- Chưa có cô nào khóc, nhưng tôi hồi mới lên đây chiều nào cũng ra bờ kênh ngồi khóc ròng vì nhớ nhà, nhớ má.
- Ðừng có xạo bạn, mày mà biết nhớ ai.
- Làm như chỉ có ông mới là người biết lễ nghĩa. Có người yêu bên cạnh đừng có vội làm tàng.
Cả ba cùng cười vui vẻ. Khuyên vừa ngượng trước câu nói của Thịnh, vừa bấm cổ tay Thức một cái nhói đau:
- Anh có mấy người bạn tếu quá.
- Thanh niên xung phong ai nấy đều vui vẻ thế cả.
- Bởi vậy cho nên anh mới quên em.
Khuyên với tay vớt một khóm hoa lục bình bỏ lên thuyền, cô ngắt một cái bông mau hồng tím xoay trong bàn tay và ngắm nghía một cách say mê.
- Ở đây bọn anh chỉ có một mùa hoa, đó là mùa hoa lục bình. Không biết ở phương trời nào đổ về mà cứ đến mùa mưa lũ lục bình cứ theo nước lớn ròng đơm những cánh hoa màu hồng tím gợi nhớ gợi thương ấy tràn ngập miền đất cỗi cằn này. Bọn anh gọi đó là mùa xuân về trên đất chết.
- Bật đèn màu...
- Ðồ quỷ bắt.
- Ông ơi, ngoài tài làm thơ bây giờ tôi mới biết ông có tài xuất khẩu thành... văn nữa.
- Sao hôm nay mày hại bạn bè hoài vậy Thịnh lém?
- Lâu lâu mới có dịp hại bạn bè, hại được lúc nào mình hại chớ sợ gì.
Khuyên cười:
- Mình đi thuyền như vầy hoài hả anh?
- Chút nữa em sẽ được lội sình. Ðừng lo.
Thịnh lại được diệp lém lỉnh:
- Có người yêu thanh niên xung phong sẽ được biết thế nào là cảnh đất rộng trời cao, đường đi thăm người yêu có đủ cả thủy lẫn bộ. Khuyên đừng về thành phố "tuyên truyền" mà bọn này sẽ ế vợ cả đám. Tội nghiệp lắm.
- Ðâu có anh Thịnh, các cô gái thành phố lại càng thích. Lần sau lên đây nữa, em sẽ dẫn theo nhỏ bạn để giới thiệu với anh nghen.
- Em nói thế, từ giờ trở đi đêm nào ngủ nó cũng nằm mơ thấy nàng Giáng Hương xuống trần.
- Thôi huề nghen ông. Tụi mình ký hiệp ước hoà bình đi.
Thịnh lém đã ủi thuyền vào bờ kênh. Thức nhìn thấy đôi mắt Khuyên tròn xoe, mở lớn trước con đường đỏ lầy lội kéo dài tưởng chừng như vô tận.
Thịnh giữ mũi thuyền để Thức nắm tay Khuyên bước lên bờ. Thức nói:
- Em phải xắn quần cao lên nữa vì phải lội sình ít nhất là một tiếng đồng hồ mới tới chỗ anh đóng quân. Và phải bám chắc vào anh không thì ngã đấy. Ở đây bọn anh gọi ngã như vậy là "chụp ếch".
- Nếu Khuyên không đi được thì Thức nó sẽ cõng. Lo gì.
Khuyên cười, bặm môi nhìn suốt con đường hun hút nói:
- Như vậy thì chắc chắn em phải rán mà đi thôi.
- Giỏi lắm, đừng làm mất mặt anh, cô bé.
Và Khuyên đã đặt những bước chân nhỏ nhắn, mềm mại với đôi gót trắng hồng của cô xuống con đường lầy lội trơn trợt để đi theo Thức. Phía sau Thịnh lém cười khịt khịt mỗi lần bị sẩy chân suýt ngã, chẳng biết anh chàng vui sướng điều chi mà thỉnh thoảng lại huýt sáo miệng theo một điệu nhạc hùng tráng của bài ca tập thể thanh niên xung phong mỗi sáng sớm vác len ra hiện trường.
Phải nói là gần như tất cả những thằng bạn thân đều có mặt sẵn để chờ đợi "chuyện lạ". Bởi vậy nên khi Thức dẫn Khuyên về tới, vừa bước vào căn phòng trống trải tiếng vỗ tay rào rào đã nổi lên như diễn viên ăn khách vừa bước lên sân khấu trình diễn. Thức vừa tức cười, nhưng cũng thực sự cảm động, còn Khuyên, tuy bị ướt đẫm nước mưa, nhưng gương mặt cũng đỏ lên vì ngượng ngùng. Thức quay lại nói nhỏ vào tai Khuyên:
- Bây giờ em là "ngôi sao" ở đây.
Khuyên nhéo vào hông Thức một cái đau điếng. Tiếng thằng Phát ồm ồm như chuông vỡ:
- Tụi này vỗ tay hoan hô một người dũng cảm đội gió đội mưa tới tận nơi đây, một miền đồng chua nước mặn.
- Sao tụi bây không hoan hô tao?
Giọng thằng Thịnh lém nhão nhòe như giận dỗi. Nó ném cái giỏ đựng thức ăn xuống trước mặt đánh phịch mà lúc nãy cao hứng đã giành lấy theo cho Thức một đoạn đường.
- Mày thì ngày nào cũng thấy mặt mà hoan hô cái nỗi gì. Có hoan hô thì hoan hô cái giỏ thức ăn kìa. Chà chà, chắc cô bạn của ông Thức vác cả chợ Bến Thành lên đây chắc, nặng dữ.
Thằng Quân chẳng hiểu nghĩ sao, vội buông một câu bất ngờ như khi người ta hô "vào" lúc Maradona sút bóng vào lưới:
- Ðể tớ đi xách nước cho người yêu ông Thức rửa chân. Ðó là cử chỉ lịch sự có ý nghĩa nhất trần đời.
Và nó chạy vụt đi giữa tiếng cười của những cái mồm ngoác ra rất ư là vui sướng. Thức lúng túng không biết để Khuyên ngồi đâu. Lẫm văn thư nhanh nhẹn nhảy phóc xuống đất, nhường cái ghế đang ngồi cho Khuyên. Nhưng Khuyên ngượng quá dúi dúi hai bàn chân bám đầy bùn trên đất, có lẽ Khuyên đang tìm một khoảng trống nào đó để chui xuống đất trốn đám bạn nhộn thái quá của Thức chăng? Thức đành dõng dạc tuyên bố:
- Cuộc đón rước long trọng đến đây tạm chấm dứt, ai về nhà nấy, hẹn tối gặp. Bây giờ để cho người ta sắp xếp nội bộ mấy cha nội ơi.
- Có gì đâu mà sắp xếp, mày đừng có bày đặt đuổi khéo anh em, ở đây gồm toàn những người thiện chí.
- Như tao chẳng hạn, lúc này đã từng làm "người hầu giả danh" theo "hộ giá" hoàng tử và công nương.
Cả bọn lại được một mẻ cười ra trò.
Tuy nói thế nhưng cũng có vài đứa tản dần. Riêng thằng Phái trước khi rút lui không quên nhiệm vụ thúc bài cho tờ báo tường:
- Bây giờ nàng thơ đã tới, chắc thi sĩ sẽ có ngay một bài thơ thật mùi cho kịp "lên khuôn" báo tường chứ?
- Yên chí, nếu không có thì thằng Quân sẽ vẽ gương mặt đẹp trai của mày vào đó.
- Ðùa thế chứ bây giờ trả tự do lại cho hai anh chị, nhưng tối nay bọn này sẽ kéo sang uống trà và vui văn nghệ. Nghe đồn Khuyên hát hay lắm, thế nào cũng trổ tài cho bọn này biết tay nhé.
Phái nheo mắt, rút êm. Thức dẫn Khuyên ra bờ kênh rửa chân nhưng thằng Quân đã xách đầy một xô nước về tới.
- Khoan khoan, có ngay đây.
Và nó bắt Khuyên đứng yên ngay trước cửa, xối nước cho Khuyên rửa chân. Thằng Quân phải xách đầy ba xô nước mới xối sạch bùn trên hai bàn chân của Khuyên. Xong nó cười toe, vẻ hân hoan:
- Tớ đã hoàn thành xuất sắc vai "tì nữ " rửa sạch chân cho công nương.
Thức đấm thằng Quân một cái khiến nó chúi nhủi và vụt bỏ chạy giữa tiếng cười của những thằng bạn đứng trước cửa vào các phòng đuổi theo. Khuyên run quá, nói:
- Bạn anh đùa hoài, chắc em trốn về ngay quá.
- Yên chí, vào đây rồi không ai về được nếu không có người hướng dẫn đường.
- Vậy tối nay em ngủ đâu?
- Một chút anh sẽ đưa em qua trại nữ, gởi cho mấy cô bạn thân bên ấy.
- Anh mang thức ăn trong giỏ chia ra chia cho các bạn đi. Em mua lung tung, nhưng chẳng biết thứ nào cần.
- Em đừng lo, tối các bạn anh sẽ kéo đến chật phòng. Ở đây thường như vậy, có quà gia đình cho đều liên hoan chung theo kiểu còn ăn hết nhịn, xả láng sáng về sớm.
- Anh cũng là chúa đùa, còn trách gì mấy ông bạn.
- Thanh niên xung phong đều là những người thích đùa cả. Không đùa sao chịu nổi.
- Lên thăm anh một lần em tởn tới già. Lần sau em chẳng dám dại dột như vậy nữa đâu.
- Trước lạ, sau quen. Nhiều cô lên thăm người yêu lần đầu cũng nói như em, nhưng thấy vui quá rồi tình nguyện ở luôn không chịu về nhà nữa.
Khuyên lại nhéo Thức một cái đau đến lịm người. Thức đưa Khuyên sang phía trại nữ, vào căn lán của mấy cô bạn thân. Ở đây cũng đã biết Khuyên lên chơi, ngoài thủ tục xã giao, con gái thường có sự tò mò cố hữu nên cả ba cô bạn Cúc, Kim và Ngân đều có mặt trong lán với vẻ chờ đợi.
Thấy Thức dẫn Khuyên vào, Cúc nói ngay:
- Người đẹp của ông đấy hả?
- Chẳng lẽ người đẹp của bà sao, hỏi gì kỳ.
- Sao bây giờ mới ra mắt bọn này?
- Mới tới dẫn qua ngay đó, tôi có giấu được chỗ nào đâu. Cho cô bạn tôi ở đây với nhé.
Ba cái miệng con gái cùng kêu lên một lượt:
- Không cho.
- Không cho tôi dẫn nàng ra bờ kênh biểu tình ngồi à. Ðừng có bắt nạt người ta trong hoàn cảnh khó khăn này.
Kim có đôi mắt một mí, gương mặt bầu bĩnh, da hơi ngăm đen nhưng rất có duyên.
Cô cười:
- Ở tới Tết hay ở bao lâu?
- Vui ở, buồn về. Ăn thua mình gan. Xấu đẹp tùy người đối diện.
- Thôi đi ông ơi, nhiệm vụ của ông xong rồi, giờ tới nhiệm vụ của chúng tôi. Ông biến đi để cho người ta chăm sóc nàng. Lạnh run rồi kia kìa.
Thức cười, nói với Khuyên:
- Em yên tâm rồi chứ gì, ở đây gồm toàn những con người uy tín. Anh về phòng sáng tác ngay bài thơ cho ông bạn làm báo tường, không thì nó kêu réo hoài không yên được đâu, chút anh sang.
- Biến lẹ đi cha nội ơi!
Chỉ chờ cho mấy cô bạn đuổi khéo là Thức có lý do chính đáng để chuồn. Ðúng vậy, nhiệm vụ chăm sóc Khuyên bây giờ là của các cô, con gái với nhau đỡ lúng túng và bối rối trong mọi sinh hoạt, nhất là ở một nơi thiếu nhiều tiện nghi so với thành phố của Khuyên:
Vừa về tới lán của mình, Phái đã đập vách dọa:
- Phải xong ngay bài thơ trước giờ cơm chiều. Không có ông nện cho một trận dập mũi đấy ông thi sĩ ạ.
- Rồi, có ngay.
- Ðừng có làm ẩu, trả nợ, không được đâu. Ông là một người hạnh phúc nhất trần gian rồi, thơ sẽ tuôn ra lai láng.
Có lẽ Thịnh đã lấy cơm mang ra ngoài trạm cho Tiến mập. Phiên đi phép chưa lên, Toàn và Trọng đi liên hệ công tác ở đơn vị bạn cũng chưa về.Căn phòng trống trải với mấy chiếc giường lò ô đơn sơ. Thức nhìn quanh với buổi chiều đang xuống trong mưa đục. Thức đang là người hạnh phúc thật không? Hay bên cạnh nỗi vui chợt đến đã có cùng một nỗi lo khác len vào. Chắc chắn Khuyên lặn lội lên đây không phải chỉ duy nhất với một mục đích là thăm Thức, mẹ Khuyên rất khó khăn, không bao giờ cho Khuyên đi khỏi nhà, đi một nơi xa, và ở lại đêm. Phải có chuyện quan trọng gì đây... Nhưng thôi, rồi Khuyên cũng sẽ nói. Thức vuốt mấy sợi tóc ướt đẫm nước mưa tìm một chiếc ghế con ngồi vào bàn với tờ giấy trắng trải ra trước mặt.