Sau khi đã hoàn thành mọi công tác tổ chức hiệp đồng giữa các hướng, các quân chủng, binh chủng, chúng tôi sắp xếp lại Bộ chỉ huy chiến dịch thành hai bộ phận: tôi và đồng chí Trần Văn Trà đi với Sở chỉ huy tiền phương để xuống sát các hướng quan trọng, nắm chắc tình hình kịp thời và tiện chỉ huy; các đồng chí Lê Đức Thọ và Phạm Hùng ở lại Sở chỉ huy cơ bản để nắm toàn diện các vấn đề quân sự, chính trị, ngoại giao có liên quan đến chiến dịch và giải quyết những vấn đề chung của chiến trường B.2.
Lúc này một vấn đề còn làm cho chúng tôi băn khoăn là việc triển khai trận địa pháo ở Nhơn Trạch để khống chế sân bay Tân Sơn Nhất. Sân bay Biên Hoà thì đã bị trận địa pháo của ta ở Hiếu Liêm khống chế, địch phải di chuyển máy bay về sân bay Tân Sơn Nhất và sân bay Bình Thuỷ (ở Cần Thơ). Như vậy là ta đã rút ngắn tầm hoạt động của máy bay địch lùi về phía nam 150km nếu chúng cất cánh từ Bình Thuỷ. Nhưng tại sân bay Tân Sơn Nhất còn dang để đủ loại máy bay mà địch có thể từ đây gây thêm tội ác và cũng từ đây máy bay vận tải các loại đang nhộn nhịp không ngớt chở những tên đầu sỏ Mỹ, nguỵ tháo chạy ra nước ngoài.
Trong mệnh lệnh gửi cho cánh quân phía đông đã ghi rõ: Ngày 27 hoặc chậm là ngày 28 tháng 4 phải chiếm được Nhơn Trạch để triển khai trận địa pháo 130 mi-li-mét bắn vào sân bay Tân Sơn Nhất. Nhưng Nhơn Trạch ở sâu về phía đông nam Sài Gỏn, cách Tân Sơn Nhất hơn 20km theo đường chim bay. Ta phải giải quyết được căn cứ Nước Trong, quận lỵ Long Thành mới có đường vào đánh chiếm quận lỵ Nhơn Trạch và kéo được pháo vào triển khai ở đó. Nếu thực hiện được đúng ý định này thì chẳng những làm tê liệt được sân bay mà còn khoá được sông Lòng Tàu, không cho địch tháo chạy bằng đường sông ra biển. Nhưng, nếu có "trục trặc" gì, việc triển khai trận địa pháo bị chậm lại, sẽ có ảnh hưởng đến kế hoạch hiệp đồng chiến dịch.
Chiều ngày 25 tháng 4, sau khi nghe đồng chí đại tá Hoàng Ngọc Diêu, Phó Tư lệnh bộ đội Phòng không - Không quân báo cáo về tình hình tiếp quản các sân bay của địch ở Thành Sơn (Phan Rang) trở ra, nhất là việc các chiến sĩ lái và thợ máy của ta ở căn cứ không quân Đà Nẵng, dưới sự chỉ huy của đồng chí Thượng tá Trần Mạnh, Tham mưu phó quân chủng, trong một thời gian ngắn đã học xong cách lái và bảo quản máy bay A.37 lấy được của địch, chung tôi quyết định: dùng máy bay của địch do anh em ta lái để đánh vào sân bay Tân Sơn Nhất. Đây là hành động khống chế sân bay tích cực và chủ động nhất. Nó có tác dụng thúc đẩy sự rối loạn hơn nữa tinh thần vốn đã rối loạn của địch, không cho bọn đầu sỏ chúng dễ dàng chạy trốn, báo hiệu cho chúng biết không quân ta bắt đầu xuất trận thì bầu trời toàn miền Nam đã thuộc về ta. Và đây cũng là cách không cho địch mang đi những máy bay hiện còn để ở Tân Sơn Nhất, mặt khác, cũng tạo thời cơ và điều kiện cho chiến sĩ không quân ta được tham gia trực tiếp chiến dịch lịch sử này, từ đó có thêm kinh nghiệm cho việc huấn luyện, xây dựng và chiến đấu của không quân ta trong tương lai.
Trước đó, chúng tôi cũng đã gặp, nghe báo cáo kỹ tình hình không quân ta, bàn vấn đề sử dụng ba sân bay lớn còn lại ở Nam Bộ sau giải phóng với đồng chí đại tá Đào Đình Luyện, Phó Tư lệnh bộ đội Phòng không - Không quân kiêm Tư lệnh Không quân. Đồng thời đề ra nhiệm vụ cho binh chủng gấp rút chuẩn bị về tổ chức bảo đảm cho không quân của ta triển khai mau chóng vươn lên làm chủ vùng trời miền Nam, vùng trời cả nước bao gồm vùng trời trên hải phận và hệ thống các đảo ngoài khơi.
Vấn đề cho anh em lái của ta tập để có thể dùng máy bay lấy được của địch đã được đặt ra từ sau khi ta chiếm được một số máy bay và sân bay thuộc Quân khu 2 và Quân khu 1 của địch. Chúng tôi đã nhiều lần trao đổi ý kiến với Bộ Tổng Tham mưu và các đồng chí trong Bộ Tư lệnh Phòng không - Không quân. Bộ Tổng tham mưu đã chỉ thị cho Bộ Tư lệnh Phòng không - Không quân về vấn đề này và được chấp hành rất khẩn trương.
Tôi hỏi đồng chí Hoàng Ngọc Diêu: "Thời gian để chuẩn bị rất gấp, phải đánh vào sân bay Tân Sơn Nhất trong vài ba ngày tới, liệu có làm được không?".
Đồng chí trả lời: "Chúng tôi xin kiên quyết chấp hành bằng được. Xin phép cho tôi lên đường ra Phan Rang ngay tối nay và đề nghị điện lệnh này cho đồng chí Lê Văn Tri, Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân lúc này đang ở Hà Nội để cho chuyển ngay người lái, thợ máy và máy bay từ Đà Nẵng vào sân bay Thành Sơn".
Những trận mưa đầu mùa ở miền Đông Nam Bộ đã bắt đầu, ngoài trời mưa gió mù mịt. Đồng chí Hoàng Ngọc Diêu đứng dậy chào tôi để đi. Bắt tay đồng chí, tôi dặn thêm: "Đồng chí phải khẩn trương, thật khẩn trương, chỉ còn ba ngày, nếu đến ngày 28 tháng 4 không đánh được thì các đồng chí không còn thời cơ nữa đâu. Không quân chiến đấu của các đồng chí chỉ còn một ngày, chỉ còn một lần này để lập công thôi".
Phải quy định ngày đánh cụ thể là vì, theo kế hoạch chiến dịch, ngày 28 tháng 4 pháo binh tầm xa của ta chắc chắn từ trận địa Nhơn Trạch sẽ bắn được vào Tân Sơn Nhất rồi và cũng là ngày các hướng tiến công của ta đánh vào nội thành, cho nên có đơn vị sẽ tiến vào sân bay Tân Sơn Nhất. Còn nếu đánh sớm hơn trước ngày 28 tháng 4 thì chắc là không thể chuẩn bị kịp.
Mờ sáng ngày 26 tháng 4, chúng tôi lên xe đi đến Sở chỉ huy tiền phương của chiến dịch đóng trong một căn cứ cũ của một đơn vị biệt động Sài Gòn, ở tây bắc Bến Cát.
Chính từ căn cứ này các chiến sĩ biệt động ta trong nhiều năm đã tổ chức nhiều cuộc tiến công vào giữa Sài Gòn, làm cho Mỹ - nguỵ thiệt hại nặng nề. Sở chỉ huy là một khu lán lợp lá sơ sài, gió thổi bốn bề và ngồi trong nhà, nhìn qua mái thấy những mảnh trời xanh. Hai hôm sau, ngày 28 tháng 4, các đồng chí Lê Đức Thọ và Phạm Hùng cùng tới Sở chỉ huy tiền phương vì Chiến dịch Hồ Chí Minh bắt đầu từ chiều 26 tháng 4, tình hình rất khẩn trương, ngồi phía sau cách chúng tôi ba tiếng đồng hồ đi xe hơi, các đồng chí sốt ruột, thấy cần tập trung vào một mối để nhanh chóng nắm tình hình, nhanh chóng cùng nhau xử trí các tình huống xảy ra.
Thế là sau 24 ngày đêm làm việc căng thẳng kể từ hôm chúng tôi từ Tây Nguyên vào đến Bộ Tư lệnh B.2, hồi 17 giờ ngày 26 tháng 4, tiếng súng đầu tiên của Chiến dịch Hồ Chí Minh đã nổ ở hướng đông. Cũng cần nhắc lại là theo kế hoạch đã định, sáng ngày 27 tháng 4 đồng loạt các hướng đánh vào vùng ven Sài Gòn. Riêng hướng tây nam phải cắt đứt được đường số 4 trên nhiều đoạn từ cầu Bến Lức đến phà Mỹ Thuận. Từ ngày 29 tháng 4 sẽ đồng loạt đánh vào nội thành.
Muốn bảo đảm tiến công đúng thời gian quy định, trên cả 5 hướng đều phải khắc phục rất nhiều khó khăn.
Hướng tây bắc, bắc và tây nam phải đưa lực lượng, nhất là binh khí kỹ thuật nặng vượt sông Bé và sông Vàm Cỏ Đông, bao vây hoặc tiêu diệt, bức hàng hệ thống đồn bốt và lực lượng địch ở Hậu Nghĩa, Củ Chi, Phú Lợi, để nhanh chóng đưa được các binh đoàn thọc sâu binh chủng hợp thành triển khai trên các cửa ngõ tiến vào nội thành.
Hướng đông và đông nam phải đánh chiếm được Biên Hoà, Bà Rịa, Vũng Tàu, Long Thành, đặt được trận địa pháo ở Nhơn Trạch để thực hiện bao vây và chia cắt chiến dịch trước khi đồng loạt ngày 29 tháng 4 đánh vào nội thành.
Cần nói thêm rằng, ngày 24 tháng 4, lúc còn ở Sở chỉ huy, chúng tôi nhận được điện báo của đồng chí Lê Trọng Tấn, Phó Tư lệnh chiến dịch, chỉ huy cánh quân phía đông gồm 2 quân đoàn, cho biết: về nhiệm vụ, về cách đánh, các đồng chí hoàn toàn nhất trí và sẽ nghiêm chỉnh chấp hành mệnh lệnh của Bộ chỉ huy chiến dịch. Riêng về thời gian, nếu ngày 27 tháng 4 cánh quân phía đông đánh cùng với các hướng thì không thể cùng lúc đồng loạt đánh vào nội thành từ ngày 29 tháng 4 vì lực lượng của cánh quân phía đông còn cách vùng ven từ 15 đến 20km. Địch lại tập trung đông ở đây, và phải tiến công vượt hai sông lớn là sông Đồng Nai và sông Sài Gòn, cho nên đồng chí Lê Trọng Tấn đề nghị cho hướng đông được nổ súng đánh trước từ 17 giờ ngày 26 tháng 4. Và để trình bày được cặn kẽ hơn, cánh quân phía đông đã cử đồng chí trung tá Lê Phi Long, đêm 25 tháng 4 về đến Sở chỉ huy gặp Bộ Tư lệnh chiến dịch để báo cáo.
Thấy đề nghị đó không ảnh hưởng đến kế hoạch chung và để bảo đảm được sức mạnh đồng loạt cùng đánh vào nội thành, sau khi nghe đồng chí Lê Phi Long trình bày, chúng tôi điện trả lời đồng ý với đề nghị của đồng chí Lê Trọng Tấn. Đồng thời, Bộ chỉ huy chiến dịch cũng nhắc lại cho các hướng khác về thời gian thống nhất chung của chiến dịch và thời gian của hướng đông để biết mà hành động.
Trong đêm 26 tháng 4 và ngày 27 tháng 4, một mặt chúng tôi tập trung theo dõi, chỉ huy hoạt động của hướng đông, mặt khác đôn đốc hướng bắc, tây bắc tập trung hoả lực diệt các trận địa pháo của địch và khẩn trương tổ chức các lực lượng thọc sâu. Còn hướng tây nam chủ yếu là tổ chức đưa xe tăng và pháo hạng nặng 130 milimét vượt sông Vàm Cỏ và thực hiện triệt để cắt đường số 4.
Tối ngày 27 tháng 4, qua một ngày đêm chiến đấu, tại Sở chỉ huy chiến dịch tình hình được tổng hợp như sau:
Ở hướng đông, Quân đoàn 2 nổ súng đúng vào 17 giờ ngày 26 tháng 4. Gần chục tiểu đoàn pháo binh trút bão lửa vào đầu giặc. Tiếng pháo vừa dứt, quân ta từ các rừng cao su ào ào xông lên theo tiếng kèn đồng vang khu rừng.
Trong vòng chưa đầy hai giờ, Sư đoàn 304 chiếm được trường huấn luyện thiết giáp, một phần căn cứ Nước Trong. Ở đây lúc này có bọn học sinh sĩ quan thiết giáp và sĩ quan Thủ Đức của nguỵ đến thực tập, chúng ngoan cố chống cự và phản kích suốt cả ngày 27. Ta tổ chức liên tiếp nhiều đợt tiến công nhưng chưa giải quyết được. Quân ta vừa đánh lại quân địch trên mặt đất, vừa phải đánh trả máy bay địch lồng lộn trên không oanh tạc bừa bãi. Trời nắng gắt, đất khô nóng như rang, các chiến sĩ ta khát đến rát cổ. Các đơn vị phải cho xe vận chuyển nước uống đến cho bộ đội đang chiến đấu.
Phối hợp với Sư đoàn 304, các chiến sĩ Sư đoàn 325 đánh chiếm chi khu Long Thành, vượt đường 15 giải phóng Phước Thường và bao vây Long Tân. Sư đoàn 3 của Quân khu 5 lúc này thuộc quyền chỉ huy của Quân đoàn 2 có pháo hạng nặng và xe tăng trực tiếp chi viện tiến công như vũ bão, sau 3 giờ chiến đấu đã chiếm được chi khu Đức Thạnh, 15 giờ ngày 27 tháng 4 giải phóng hoàn toàn thị xã Bà Rịa, đang phát triển về hướng Vũng Tàu thì địch đánh sập cầu Cổ May. Sư đoàn 3 phải dừng lại để chờ sửa cầu. Phối hợp với bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân Bà Rịa đánh chiếm các đồn bốt, quận lỵ, chi khu, giải phóng một phần rộng lớn tỉnh Bà Rịa.
Quân đoàn 4 tác chiến theo trục đường số 1 dùng sức mạnh binh chủng hợp thành đánh chiếm chi khu Trảng Bom, phát triển về hướng Biên Hoà nhưng bị địch chặn lại. Địch lập tại đây một tuyến phòng thủ và cũng tại đây lần đầu trong lịch sử chiến tranh Đông Dương, địch cấu trúc các tuyến hào chống tăng.
Các đơn vị đặc công đã chiếm cầu Rạch Chiếc, Rạch Cát cầu Ghềnh, cầu xa lộ sông Sài Gòn để đón chủ lực vào. Địch ngoan cố phản kích liên tục. Có nơi như cầu Rạch Cú, cầu xa lộ Đồng Nai, ta và địch giằng co quyết liệt, đánh đi chiếm lại mấy lần, cuối cùng các chiến sĩ đặc công ta giữ chắc được những chiếc cầu hết sức quan trọng đó. Chiến công oanh liệt của các chiến sĩ đặc công góp phần đáng kể vào việc mở đường cho các đơn vị chủ lực tiến vào Sài Gòn được thuận lợi. Cũng trong những ngày này pháo tầm xa của ta ở Hiếu Liêm đánh tê liệt sân bay Biên Hoà. Địch phải di tản máy bay về Tân Sơn Nhất và Sở chỉ huy Quân đoàn 3 nguỵ chiều 28 tháng 4 phải chạy về Gò Vấp.
Ở hướng tây nam, ta cắt đứt đường số 4 từ cầu Bến Lức đến ngã ba Trung Lương về phía bắc phà Mỹ Thuận và đoạn từ Cai Lậy đến An Hữu, ngăn chặn và thu hút lực lượng các sư đoàn 7, 9, 22 nguỵ, tạo điều kiện thuận lợi cho các hướng khác hoạt động. Đoàn 232 đã sử dụng một sư đoàn mở cửa đánh chiếm đầu cầu ở An Ninh, Lộc Giang trên sông Vàm cỏ để đưa lực lượng đột kích chủ yếu là Sư đoàn 9 và binh khí kỹ thuật qua sông. Cái khó của hướng này phải tập trung giải quyết là vấn đề bảo đảm binh khí kỹ thuật vượt sông đang còn chậm so với kế hoạch đề ra.
Các trung đoàn độc lập 24 và 88 đang tiến lên phía nam Quận 8.
Ở hướng bắc, Quân đoàn 1 diệt được một số trận địa pháo địch và làm chủ đoạn đường số 16 để đưa lực lượng vào triển khai thọc sâu, đã vào cách phía bắc Thủ Dầu Một 7km.
Ở hướng tây bắc, Quân đoàn 3 trong một ngày đêm diệt 11 trong số 18 trận địa pháo địch, cắt các đường số 22 và số 1, chặn các trung đoàn của Sư đoàn 25 ngay từ Tây Ninh co về Đồng Dù và bức một tiểu đoàn thuộc Trung đoàn 50 nguỵ đầu hàng.
Một đơn vị đặc công và trung đoàn Gia Định đánh chìếm và làm chủ con đường vành đai Sài Gòn, đoạn từ cầu Bình Phước đến Quán Tre và mở cửa qua các vật chướng ngại phía bắc sân bay Tân Sơn Nhất chuẩn bị cho bộ đội chủ lực tiến công.
Chúng tôi đánh giá chung là các hướng đã cơ bản thực hiện được kế hoạch, riêng hướng đông và đông nam có gặp một số khó khăn phải tập trung giải quyết bằng được trong ngày 28 tháng 4, nhất là việc triển khai trận địa pháo ở Nhơn Trạch.
Trên các hướng đông và tây bắc, địch đánh trả và phản kích quyết liệt hòng không cho ta đánh chiếm căn cứ Nước Trong và Hố Nai để mở đường triển khai lực lượng thọc sâu vào nội thành và chúng cố không cho ta cắt đứt sự liên hệ của Sư đoàn 25 giữa Tây Ninh và Sài Gòn.
Nhưng đã đến lúc những cố gắng của quân nguỵ không sao ngăn được sự tan vỡ toàn bộ hệ thống phòng thủ của chúng. Một đồng chí cán bộ tác chiến đã nói một câu so sánh thú vị: "Ngày 28 tháng 4 của địch ở Sài Gòn như là ngày 9 tháng 3 của địch ở Buôn Ma Thuột".
Chiều ngày 28 tháng 4, nguỵ quyền Sài Gòn diễn màn kịch cuối cùng: sau nhiều sự tranh chấp, làm điệu, mặc cả và dưới sức ép của các quan thầy nước ngoài, Trần Văn Hương từ chức, nhường ghế tổng thống nguỵ cho Dương Văn Minh. Tổng thống nguỵ quyền mới kêu gọi ngay quân đội nguỵ "bảo vệ lãnh thổ", "không buông vũ khí". Vào lúc này tại Sở chỉ huy, khi chúng tôi đang nghe đồng chí Kim Tuấn, Phó Tư lệnh Quân đoàn 3, báo cáo bằng điện thoại kết quả chuẩn bị và triển khai đánh Đồng Dù, thì đồng chí cán bộ tác chiến nét mặt rạng rỡ bước vào báo cáo: lúc 15 giờ 40 phút, một biên đội gồm năm chiếc A.37 do các đồng chí của ta lái, Nguyễn Thành Trung dẫn đường, đã cất cánh từ sân bay Thành Sơn đi đánh Tân Sơn Nhất.
Một trận phối hợp tuyệt đẹp, một trận đánh hiệp đồng quân chủng, binh chủng đầy đủ nhất từ trước đến nay của quân đội ta vào một thời điểm hết sức quan trọng có tác động lớn đến diễn biến chiến dịch. Nhớ tới câu nói với đồng chí Hoàng Ngọc Diêu chiều ngày 25 tháng 4, nhớ tới lời hứa của đồng chí trước khi chia tay, thật đúng là "chỉ có một ngày, chỉ có một lần". Các đồng chí trong Bộ Tư lệnh Phòng không - Không quân đã quán triệt sâu sắc và tích cực thực hiện quyết tâm này. Chính đồng chí Lê Văn Tri, Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân đã đến ngay sân bay Thành Sơn cùng các đồng chí tại đó tổ chức kiểm tra và động viên anh em trước khi cất cánh đi làm nhiệm vụ.
Khi máy bay ta tới vùng trời Tân Sơn Nhất thì đài chỉ huy địch ngơ ngác hỏi: "A.37 của phi đoàn nào? Phi đoàn nào? Phi đoàn nào?". Các chiến sĩ ta trả lời: "Máy bay của Mỹ chế tạo đây!".
Tiếp theo là một loạt, hai loạt và nhiều loạt bom trút xuống dãy máy bay địch. Tiếng nổ rung chuyển Sài Gòn và những cột khói lớn bốc cao. Trận ném bom táo bạo của ta xuống sân bay Tân Sơn Nhất phá huỷ một số máy bay địch, trong đó có cả máy bay của Mỹ đang làm nhiệm vụ di tản, đẩy địch vào cơn hoảng loạn mới. Địch không còn một chỗ nào an toàn và không còn chỗ nào để tránh đòn trừng phạt của ta.
Trong hàng ngũ địch có những tên biết ta dùng máy bay của chúng đánh chúng, nhưng cũng có những tên còn hoang mang cho là bọn không quân của chúng làm đảo chính. Ngay trong Sở chỉ huy của ta, một số đồng chí không được phổ biến việc này, khi được tin Tân Sơn Nhất bị ném bom cũng cho rằng đấy lại là "một Nguyễn Thành Trung thứ hai".
Lúc này, chúng tôi cũng được báo cho biết những hoạt động của quân ta trên biển thu được kết quả tốt.
Sau khi đất liền Khu 5 được giải phóng, được sự chỉ đạo kịp thời của Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương, Thường vụ Khu uỷ và Bộ Tư lệnh Quân khu 5 đề ra nhiệm vụ trung tâm số một cho các lực lượng vũ trang quân khu là tiếp tục phát triển tiến công ra phía các đảo thuộc hải phận của ta. Vùng biển đẹp và thiêng liêng này của Tổ quốc ta là đề tài cho nhiều áng thơ văn hay của ông cha ta và đã chứng kiến nhiều chiến công hiển hách của chiến sĩ và đồng bào ta trong hai cuộc kháng chiến. Vùng biển này là nơi đi lại thường xuyên của những đoàn tàu, thuyền của ta chở vũ khí, đạn dược, lương thực, cán bộ từ Bắc vào Nam và từ Nam Bộ ra Trung Bộ, với những căn cứ trú quân và trung chuyển, hàng hoá là những hòn đảo xinh đẹp. Vùng biển giàu yến, cá và nhiều loại hải sản này chính là một chặng của "đường Hồ Chí Minh trên biển Đông".
Chấp hành chỉ thị của Khu uỷ và Bộ Tư lệnh Quân khu 5, ngày 30 tháng 3, bộ đội địa phương Hội An và du kích phối hợp với nhân dân nổi dậy giải phóng đảo Cù Lao Chàm. Cùng ngày, chi bộ Đảng đảo Củng Sơn (Cù Lao Ré) lãnh đạo nhân dân trên đảo nổi dậy giải phóng đảo và đón bộ đội ra tiếp quản. Ngày 1 tháng 4, nhân dân đảo Cù Lao xanh cũng nổi dậy giải phóng đảo. Ngày 10 tháng 4, một đơn vị đặc công tỉnh Khánh Hoà và một tiểu đoàn thuộc Sư đoàn 968 giải phóng đảo Hòn Tre.
Trước tình hình chung phát triển thuận lợi, đến ngày 9 tháng 4, Bộ Tổng tư lệnh ra lệnh cho Bộ Tư lệnh Quân khu 5 phối hợp với Bộ Tư lệnh Hải quân dùng lực lượng thích hợp bất ngờ tiến đánh và giải phóng các đảo thuộc quần đảo Trường Sa do quân nguỵ chiếm giữ. Chấp hành lệnh đó, từ ngày 10 tháng 4 quân ta đã liên tiếp giải phóng các đảo Song Tử Tây, Sơn Ca, Nam Yết, Sinh Tồn, An Bang, Trường Sa. Ngày 27 tháng 4, ta sử dụng một lực lượng đặc công và một đơn vị bộ binh của Sư đoàn 968 giải phóng đảo Cù Lao Thu, tiến hành giải phóng phần lớn các đảo ven biển và ngoài khơi Trung Bộ.
Việc giải phóng các đảo là một chiến công đặc biệt của các lực lượng vũ trang nhân dân Quân khu 5 và lực lượng hải quân với lối đánh hết sức mưu trí, táo bạo, bất ngờ, với một nghệ thuật chỉ đạo và chỉ huy tài giỏi, nắm vững thời cơ hành động thần tốc, kiên quyết và giành được thắng lợi lớn.
Tối ngày 28 tháng 4, sau khi phân tích tình hình chung, Bộ chỉ huy chiến dịch thấy địch đang hết sức hoang mang, chỉ huy rối loạn, Bộ Tư lệnh Quân khu 3 nguỵ ở Biên Hoà tan biến dần. Trong hai ngày đêm đầu của chiến dịch, các cánh quân ta thực hiện đúng kế hoạch, cho nên Bộ chỉ huy chiến dịch ra lệnh tổng công kích trên toàn mặt trận vào sáng ngày 29 tháng 4 để tiến vào Sài Gòn.
5 giờ sáng ngày 29 tháng 4, khi các cánh quân ta đồng loạt nổ súng tiến công thì chúng tôi nhận được điện của Bộ Chính trị gửi lời kêu gọi và những chỉ thị sau đây:
1. Nhiệt liệt khen ngợi toàn thể các đơn vị đã lập được chiến công lớn trong những ngày qua, đập tan tập đoàn phòng ngự phía đông, bắc, tây bắc và tây nam, cắt đứt đường số 4, tiến công các sân bay lớn của địch, hoạt động tốt ở ven Sài Gòn và nội thành Sài Gòn.
Kêu gọi toàn thể các cán bộ và chiến sĩ, đảng viên và đoàn viên, với quyết tâm lớn nhất, hãy nhanh chóng đánh thẳng vào sào huyệt cuối cùng của địch với khí thế hùng mạnh của một quân đội trăm trận trăm thắng, đập tan mọi sức đề kháng của địch, kết hợp tiến công và nổi dậy, giải phóng hoàn toàn thành phố Sài Gòn - Gia Định.
Đồng thời, phải giữ kỷ luật nghiêm, triệt để chấp hành mọi chỉ thị, mệnh lệnh; bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân; nêu cao bản chất cách mạng và truyền thống quyết thắng của quân ta, hoàn thành nhiệm vụ xuất sắc, giành thắng lợi hoàn toàn cho chiến dịch lịch sử mang tên Bác Hồ vĩ đại.
2. Trong khi tập trung chỉ huy và chỉ đạo để hoàn thành tốt nhiệm vụ giải phóng Sài Gòn - Gia Định, cần có sự phân công kiểm tra kế hoạch và công tác chuẩn bị nhằm nhanh chóng phát triển thế lợi, tiêu diệt và làm tan rã hoàn toàn các lực lượng địch còn lại ở các khu vực khác, nhất là ở đồng bằng sông Cửu Long và các đảo Côn Sơn, Phú Quốc, giải phóng hoàn toàn miền Nam.
Cần động viên tinh thần cách mạng triệt để và chiến đấu liên tục cho đến thắng lợi hoàn toàn, khắc phục mọi tư tưởng thoả mãn.
3. Vào thành phố, cán bộ các cấp phải chú ý ngay đến đời sơng nhân dân lao động. Do chính sách bóc lột của chế độ cũ và sự lũng đoạn của bọn tư sản mại bản, trong các tầng lớp công nhân và nhân dân lao động, nhiều gia đình không còn gạo hoặc không đủ tiền mua gạo. Cần lấy ngay gạo trong các kho của địch để phát cho những gia đình thiếu ăn, nếu cần, bộ đội phải san sẻ phần gạo của mình cho dân.
Chúng tôi biết lúc này các cánh quân của ta đang chấp hành đúng chỉ thị và lời kêu gọi của Bộ Chính trị.
Chúng tôi cũng biết rằng lúc này Trung ương đang chỉ đạo tăng cường cho miền Nam một đội ngũ cán bộ đông đảo của nhiều ngành để kịp phục vụ sự phát triển nhanh chóng của tình hình và đồng chí Lê Văn Lương, Trưởng Ban Tổ chức của Trung ương Đảng cùng các đồng chí phụ trách công tác này đang làm việc rất khẩn trương để đưa cán bộ vào nhanh.
Cán bộ và chiến sĩ trên toàn mặt trận Sài Gòn - Gia Định nhận thức sâu sắc rằng đây là trận chiến đấu quyết liệt nhất, trong giai đoạn cuối của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mùa Xuân năm 1975 để kết thúc cuộc chiến tranh chống Mỹ, cứu nước. Trước mắt là dinh luỹ cuối cùng của bè lũ tay sai ngoan cố, phản động nhất của đế quốc Mỹ xâm lược, là kẻ thù cần phải tiêu diệt. Mấy ngày vừa qua, gian khổ, nguy hiểm, thương vong không làm các đồng chí chần chừ, không làm cho tốc độ tiến công bị chậm và kế hoạch của chiến dịch đến giờ phút này được thực hiện một cách tốt đẹp.
Công tác động viên chính trị, giáo dục tư tưởng trong các lực lượng vũ trang từ trước đến nay được tiến hành một cách liên tục, sáng tạo với những nội dung sâu sắc và hình thức phong phú, làm cho các đồng chí cán bộ, chiến sĩ trở thành những con người toàn diện có thể chất và tâm hồn lành mạnh, có ý chí chiến đấu cao, có trình độ chiến thuật, kỹ thuật vững vàng. Bước vào Chiến dịch Hồ Chí Minh, công tác chính trị giữ một vị trí hết sức quan trọng.
Lúc này, đồng chí Lê Quang Hoà, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị được điều động từ cánh quân phía đông về giúp đồng chí Phạm Hùng chuyên lo công tác chính trị: Đồng chí xông xáo, đi sát các đơn vị và ngay buổi đầu về nhận công tác ở Bộ chỉ huy chiến dịch, đồng chí cùng cán bộ Cục Chính trị khởi thảo ngay bản chỉ thị về công tác chính trị trong chiến dịch. Khi bản chỉ thị được tập thể Bộ chỉ huy thông qua, đồng chí lại cùng với các phái viên của Tổng cục Chính trị trực tiếp đi phổ biến tới từng cánh quân.
Tham gia chiến dịch lần này, tuy có nhiều lực lượng, phạm vi chiến trường rộng, nhiệm vụ cụ thể có khác nhau, thành tích, truyền thống đơn vị có những nét khác nhau, nhưng trên cơ sở đã chuẩn bị tốt từ trước, cộng thêm những bước tiến hành rất linh hoạt và khẩn trương, với hình thức thích hợp, toàn thể mọi người chỉ có một nguyện vọng, một ý chí, một mục tiêu thống nhất: "Giải phóng Sài Gòn, giải phóng miền Nam".
Ngoài những nội dung, hình thức công tác chính trị mà tất cả các cấp uỷ Đảng, các đảng viên, các chi đoàn thanh niên, các đồng chí chính uỷ, chính trị viên tiến hành từ khi nhận nhiệm vụ cho đến trước ngày nổ súng, Bộ chỉ huy chiến dịch còn gửi một "lệnh động viên" cho tất cả mọi người. Lệnh động viên này do các đồng chí ở Cục Chính trị dự thảo, được từng đồng chí trong Bộ chỉ huy chiến dịch bổ sung và cuối cùng đồng chí Phạm Hùng thông qua. Lệnh này được in phát kịp thời xuống các đơn vị.
Lời kêu gọi của Bộ Chính trị Trung ương Đảng và lệnh động viên của Bộ chỉ huy chiến dịch cổ vũ, giục giã mọi người bước vào trận đánh với một quyết tâm rất cao.
Đã hơn ba ngày ba đêm rồi, hàng trăm nghìn chiến sĩ, cán bộ ta vượt qua nhiều khó khăn nguy hiểm thừa thắng xốc tới. Kể từ khi tiếng súng mở màn chiến dịch Tây Nguyên đến nay, có nhiều người con yêu quý của đất nước hy sinh cho thắng lợi. Và lúc này, trước cừa ngõ Sài Gòn, lại có những đồng chí ngã xuống dâng trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng cao cả, có những đồng chí bị thương phải rời tay súng.
Khi gặp các đồng chí lãnh đạo địa phương, cũng như khi giao nhiệm vụ cho các Quân khu, Quân đoàn và các đơn vị, chúng tôi luôn luôn nhắc đến việc phải thực hiện nghiêm chỉnh các chính sách của Đảng đối với liệt sĩ và gia đình liệt sĩ, chăm sóc chu đáo các đồng chí thương binh.
Cần nói rằng, trong công tác này, các bác sĩ và nhân viên ngành quân y đã đóng góp một phần rất quan trọng.
Các đồng chí quân y luôn luôn bám sát bộ đội trong những cuộc hành quân và chiến đấu thần tốc và đã có những bước tiến bộ đáng kể. Bên cạnh những thành tựu về khoa học, nổi lên những tấm gương tận tuỵ phục vụ của người "lương y kiêm từ mẫu"..
Ngồi trong Sở chỉ huy, chúng tôi đặc biệt theo dõi mấy điểm "gút" của từng cánh quân:
Ở hướng đông, Sư đoàn 325 đã làm chủ chi khu Nhơn Trạch, Thành Tuy Hạ và đã phát triển đến phà Cát Lái, đang chuẩn bị cho bộ đội vượt sông đánh vào Quận 9.
Trận địa pháo tầm xa đặt ở Nhơn Trạch bắn một chập hơn 300 quả đạn pháo xuống sân bay Tân Sơn Nhất.
Tiếng pháo nổ lay chuyển cả đường phố Sài Gòn ấy là lời tuyên cáo kết liễu chế độ nguỵ quyền. Pháo binh bắn rất chính xác, phối hợp có súng phóng hoả tiễn của bộ đội đặc công; ta chưa dùng máy bay để hướng dẫn cho pháo binh bắn nhưng với sự giúp đỡ của nhân dân địa phương, ta đã đưa được các đài quan sát luồn vào cạnh địch để chỉ dẫn cho pháo binh ta từ xa bắn trúng đích.
Tiếng nổ của 304 viên đạn pháo hạng nặng vừa dứt ở sân bay Tân Sơn Nhất, thì binh đoàn thọc sâu của Quân đoàn 2 đã tiến tới đông bắc cầu xa lộ Đồng Nai bắt liên lạc được với đoàn 116 bộ đội đặc công đang còn giữ vững đầu cầu sau nhiều lần đánh lui các đợt phản kích của một tiểu đoàn địch.
Ở cánh phải của Quân đoàn 2, Sư đoàn 304 từ mờ sáng tổ chức một đợt tiến công quyết liệt vào quân địch còn lại ở trường bộ binh tại căn cứ Nước Trong. Đến gần trưa, quân ta làm chủ hoàn toàn trận địa và phát triển ra đường số 15 và chập tối đến phía nam căn cứ Long Bình.
Phía Vũng Tàu, chiều ngày 29-4, ta đã làm chủ phần lớn thị xã.
Trong lúc đó, binh đoàn thọc sâu gồm một lữ đoàn xe tăng và một trung đoàn bộ binh tập kết bí mật trong rừng cao su phía nam Dầu Giây chờ lệnh tiến vào Sài Gòn. Các chiến sĩ ta ngồi sẵn trên xe, mặc bộ quần áo mới, chỉnh tề, ai cũng đeo băng đỏ trên cánh tay để dễ nhận nhau khi vào thành phố. Cành lá nguỵ trang trên người, trên xe, toàn đơn vị rùng rùng chuyển đi vào lúc 15 giờ theo lệnh của Bộ Tư lệnh quân đoàn, xe nối xe từng dãy rất dài, hùng dũng tiến đánh về phía nội thành Sài Gòn. Cảnh tượng uy nghi và hào hùng ấy của buổi xuất kích kết thúc cuộc chiến tranh thật là chưa từng thấy.
Ở phía Quân đoàn 4, chiến sự diễn ra ác liệt. Sau khi chiếm một số mục tiêu dọc đường số 1, bằng ba mũi, quân ta phát triển tiến công về Hố Nai, ngoại vi Biên Hoà, vào Bộ Tư lệnh Quân đoàn 3 nguỵ và sân bay Biên Hoà nhưng bị chặn lại. Đấy là điểm yết hầu ở phía đông liên quan đến tuyến phòng thủ của địch ở Sài Gòn cho nên địch liều mạng giữ. Tại đây đã diễn ra nhiều trận chiến đấu vô cùng ác liệt.
Tiến theo sau Quân đoàn 4 có Lữ đoàn 52 thuộc Quân khu 5 mới từ Quy Nhơn hành quân cấp tốc bằng cơ giới vào để kịp tham gia chiến dịch làm đội dự bị cho Quân đoàn 4 và cả cánh quân phía đông. Đây là một đơn vị thiện chiến đã lập nhiều chiến công ở Tây Nguyên, ở các địa phương thuộc Quân khu 5 như Ba Tơ, Suối Do, Tiên Phước, Phước Lâm, Quảng Yên, v.v. Quân của lũ đoàn cũng đã ngồi sẵn trên gần 100 chiếc xe ca lớn vận chuyển hành khách đường dài, đỗ sát nhau trên đường số 1, chờ lệnh tiến về Sài Còn.
Trên hướng bắc và tây bắc, một đơn vị của Quân đoàn 1 đã bao vây căn cứ Phú Lợi, một bộ phận đánh chiếm luôn cả Tân Uyên trên đường tiến vào Lái Thiêu để thọc vào Sài Gòn. Việc đánh chiếm quận ly Tân Uyên thực hiện trong quá trình phát triển tiến công tạo điều kiện cho binh đoàn thọc sâu của Quân đoàn 1 tiến vào hướng Bộ Tổng Tham mưu nguỵ và khu các binh chủng nguỵ ở Gò Vấp.
Quân đoàn 3 đã tiến công quyết liệt và đánh bại các đợt phản kích của địch, đến 14 giờ ngày 29-4 làm chủ căn cứ Đồng Dù, căn cứ Trảng Bàng, Sư đoàn nguỵ số 25 tan rã và bị tiêu diệt. Tên Chuẩn tướng Lý Tòng Bá, Sư đoàn trưởng Sư đoàn 25 nguỵ bị bắt.
Ngay trong đêm 28 tháng 4, bộ đội đặc công đã đánh chiếm cầu Bông, cầu Sáng trên đường số 1, nhờ đó binh đoàn thọc sâu của Quân đoàn 3 nhanh chóng vượt qua Hóc Môn, buộc toàn bộ trung tâm huấn luyện Quang Trung của địch đầu hàng rồi binh đoàn tiến một mạch xuống đến Bà Quẹo. Dọc đường quân ta tiêu diệt nhiều xe tăng, xe bọc thép và bộ binh địch ở bắc Củ Chi, cầu Bông, Hóc Môn. Nghe tiếng pháo ta còn nổ trong Tân Sơn Nhất và theo kế hoạch hiệp đồng chung, binh đoàn chưa đánh ngay trong đêm, tạm dừng lại và khẩn trương chuẩn bị trận đánh vào sân bay.
Trên hướng tây nam, ta đánh chiếm xong thị xã Hậu Nghĩa, diệt quận lỵ Đức Hoà, bức rút Đức Huệ, Trà Cú, mở đường hành lang trên sông Vàm Cỏ Đông. Tàn quân địch từ Hậu Nghĩa chạy về Củ Chi. Ta chặn bắt trên 1.000 tên.
Binh đoàn thọc sâu của Đoàn 232 với các loại vũ khí nặng đã vượt sông Vàm Cỏ Đông, tập kết ở vùng Mỹ Hạnh, một trung đoàn đến khu vực Bà Hom.
Các lực lượng vùng ven, các đội biệt động, các đơn vị đặc công đánh chiếm những cầu qua sông, tiến công căn cứ rađa Phú Lâm đồng thời bắn hoả tiễn vào sân bay Tân Sơn Nhất, bảo đảm sẵn sàng cho quân chủ lực tiến vào Sài Gòn.
Các lực lượng an ninh vũ trang trên nhiều hướng đã cùng nhân dân trừ gian, truy quét tàn binh địch, phối hợp với bộ đội và chuẩn bị sẵn người, phương tiện để dẫn bộ đội vào nội thành. Trên đường số 4, ta tiếp tục cắt đường, đánh lui nhiều đợt phản kích của địch.
Chúng tôi nghe báo cáo tổng hợp tình hình diễn ra trong ngày 29 tháng 4, đều thấy rằng sau một ngày thực hành tổng công kích trên toàn mặt trận, tình huống diễn ra rất tốt, đúng như kế hoạch chiến dịch đã vạch ra. Các binh đoàn trên các hướng đều tích cực phát triển, đánh chiếm các căn cứ, vị trí của địch ở vòng ngoài; cô lập, bao vây, ngăn chặn, tiêu diệt, làm tan rã phần lớn các sư đoàn số 5, số 25, số 18, số 22 và số 7 bố trí ở vòng ngoài và đã chuẩn bị xong các địa bàn ven nội thành, chiếm được các cầu quan trọng quanh Sài Gòn.
Cao Văn Viên, Đại tướng Tổng Tham mưu trưởng nguỵ, ký chưa ráo mực lệnh "tử thủ bảo vệ đến cùng những phần đất còn lại" thì đã bỏ chạy. Vĩnh Lộc, Trung tướng nguỵ, lên thay hắn. Tối 29 tháng 4, bọn đầu sỏ chỉ huy nguỵ quân họp tại Bộ Tổng Tham mưu nguỵ thấy bọn tướng tá bỏ chạy nhiều quá định dùng đài phát thanh kêu gọi chúng trở về trình diện. Tên Sư đoàn trưởng Sư đoàn 18 nguỵ cho biết sư đoàn hắn thương vong quá nặng, tình hình sư đoàn rối ren không thể giữ được quá 8 giờ sáng hôm sau. Tên Lữ trưởng Lữ 3 kỵ binh nguỵ thì cho biết, đơn vị thiết giáp hết đạn, hết xăng không thể chống cự được nữa. Tên tư lệnh Quân đoàn 3 nguỵ và tên Chuẩn tướng Sư đoàn trưởng Sư đoàn 22 nguỵ cũng đã bỏ đơn vị chạy. Chỉ có Quân đoàn 4 nguỵ, các sư đoàn chưa bị tổn thất nhiều còn giữ được hệ thống chỉ huy. Trong thành phố Sài Gòn, chỉ còn hai tiểu đoàn dù nguỵ giữ Ngã tư Bảy Hiền. Tổng thống nguỵ ra lệnh cho quân nguỵ giữ bằng được trung tâm vô tuyến điện Phú Lâm và Quán Tre nhưng chúng không còn đủ quân để giữ.
Sở chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh hoạt động nhộn nhịp trong đêm 29 tháng 4. Ánh đèn pin, đèn bão, đèn pha lóe sáng trong các lán và trên các đường đi. ánh đèn điện rực sáng trong phòng tác chiến. Những mái đầu bạc xen lẫn những mái tóc xanh cặm cụi trên tấm bản đồ, nhìn những mũi tên sắc nét màu đỏ đang được vẽ kéo dài, chỉ thẳng vào các mục tiêu lớn đã chọn sẵn trong Sài Gòn.
Phía sau phòng tác chiến, một dãy máy điện thoại dã chiến làm việc không ngừng.
Các máy vô tuyến điện đang truyền vào không trung những tín hiệu. Đó là chỉ thị bổ sung của Bộ chỉ huy chiến dịch gửi xuống tất cả các đơn vị trước 00 giờ ngày 30-4-1975:
- Cho pháo 130 milimét đặt ở Nhơn Trạch thôi bắn vào sân bay Tân Sơn Nhất.
- Phổ biến lại và kiểm tra kỹ các ký hiệu, tín hiệu hiệp đồng khi đánh trong nội thành.
Giao thêm nhiệm vụ cho Quân đoàn 3 khi đánh vào Tân Sơn Nhất thì cho một cánh đánh sang Bộ Tổng Tham mưu nguỵ phối hợp với Quân đoàn 1.
- Tất cả các binh đoàn thọc sâu tiến gấp, tiến thẳng vào các mục tiêu đã quy định, bỏ qua những mục tiêu khác trên dọc đường, không để bị vướng mắc làm chậm tốc độ tiến quân.
Đến 24 giờ 00 ngày 29-4-1975, toàn thể lực lượng tiến công vào Sài Gòn sẵn sàng như một chiếc búa thần đã vung lên, kẻ địch sắp bị trừng phạt co rúm lại, run sợ nhìn chiếc búa thần đang bổ xuống.