Tối 30 Tết, chúng tôi nghỉ lại ở Sở chỉ huy Sư đoàn Công binh 470 đóng tại I-a Đrăng. Vài ngày trước, máy bay A.37 của địch ném bom gần chỗ này làm cháy hai xe của ta. Cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn bộ vẫn đón Tết đàng hoàng. Khắp nơi trong cơ quan dùng đèn điện có chụp phòng không. Sáng Mồng một Tết, chúng tôi vui Tết và chúc nhau Năm mới lập chiến công mới. Vào tới Tây Nguyên, chúng tôi lập Sở chỉ huy ở phía tây Buôn Ma Thuột, gần Sở chỉ huy của Bộ Tư lệnh Mặt trận. Chỗ chúng tôi ở là rừng xanh, cạnh một rừng khoọc, lá khô rụng, phủ mặt đất như một thảm vàng. Mỗi lần có người đi giẫm lên, lá dưới chân như tấm bánh đa giòn vỡ làm cả một khoảng rừng xào xạc. Ở đây chỉ một tàn lửa nhỏ có thể gây cháy rừng. Vất vả nhất là các chiến sĩ thông tin.
Mỗi lần cháy, dây thông tin đứt, anh em đi chữa về người đen nhẻm như vừa ở hầm than ra. Lại còn nạn voi đi từng đàn 40-50 con kéo đứt các mạng dây thông tin mắc đã khá cao vắt qua các cây.
Trong cuộc họp với các đồng chí phụ trách Mặt trận, thay mặt Quân uỷ Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh, theo quyết định, tôi tuyên bố việc thành lập Bộ Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên gồm các đồng chí:
Trung tướng Hoàng Minh Thảo, Tư lệnh.
Đại tá Nguyễn Hiệp (Đặng Vũ Hiệp), Chính uỷ.
Thiếu tướng Vũ Lăng và các đại tá Phan Hàm, Nguyễn Lang, Nguyễn Năng, Phó tư lệnh.
Đại tá Phí Triệu Hàm, Phó Chính uỷ.
Chúng tôi điểm lại tình hình mặt trận. Cho đến lúc này, quân chủ lực địch ở Tây Nguyên vẫn gồm có 1 sư đoàn và 7 liên đoàn biệt động quân (tương đương 10 trung đoàn), 4 thiết đoàn, 8 tiểu đoàn pháo và 1 sư đoàn không quân, tập trung giữ bắc Tây Nguyên là chính. Ở bắc Tây Nguyên, chúng để 8 trung đoàn bộ binh, 4 thiết đoàn, còn ở nam Tây Nguyên chúng chỉ để có 2 trung đoàn bộ binh.
Chúng bố trí như thế vì tên Thiếu tướng nguỵ Phạm Văn Phú, chỉ huy Quân khu 2 và Quân đoàn 2, nhận định như sau: nhất định Pleiku sẽ bị đánh vì nó là địa đầu quan trọng nhất của Tây Nguyên, ở đó có Sở chỉ huy Quân đoàn, là bàn đạp thuận tiện để đánh xuống Bình Định, hơn nữa lại gần đường hành lang tiếp tế, gần các căn cứ phía sau của Quân giải phóng. Tên Phú thường bị ám ảnh bởi câu: "Ai làm chủ Tây Nguyên sẽ làm chủ cả miền Nam" và hắn cho rằng đòn quyết định của Quân giải phóng ở Tây Nguyên phải là Pleiku - Kon Tum. Mất Pleiku - Kon Tum thì Buôn Ma Thuột cũng mất.
Tuy địch ở Tây Nguyên phải căng ra phòng giữ nhiều mục tiêu, lực lượng cơ động của chúng trong quân khu có hạn, nhưng chúng vẫn có thể huy động một lực lượng nhất định để đối phó với ta bằng cách điều thêm ở Quân khu 1 và Quân khu 3 đến, nếu ở những chiến trường đó ta không thực hiện được đánh phối hợp chặt chẽ với Tây Nguyên hoặc những điều kiện tăng viện của địch để giữ Tây Nguyên vẫn còn. Chúng rất tin vào khả năng cơ động bằng đường không.
Lực lượng ta tham gia chiến dịch gồm các đơn vị chủ lực của Tây Nguyên, của Bộ Tổng tư lệnh, và của Quân khu 5, được chuẩn bị tương đối tốt, có quyết tâm cao và khí thế sôi nổi, được bổ sung quân số tương đối đầy đủ: Nhiều đơn vị quen thuộc chiến trường và có nhiều kinh nghiệm chiến đấu. Hệ thống đường sá phục vụ việc cơ động trong chiến dịch đã làm xong, bộ đội được tiếp tế về vật chất tương đối tốt, sở chỉ huy các cấp đã lập xong và ổn định. So sánh với địch trên toàn bộ khu vực chiến dịch thì về bộ binh ta không hơn địch nhiều, nhưng, do ta tập trung phần lớn lực lượng trên khu vực chủ yếu của chiến dịch, cho nên trên khu vực này ta đã có được ưu thế so với địch. Về bộ binh, ta 5,5, địch chỉ có l; về xe tăng, xe bọc thép, ta 1,2, địch có 1; về pháo lớn, ta 2,1, địch 1. Tuy nhiên, bộ đội ta vẫn còn một số nhược điểm như trình độ tác chiến tập trung chưa đều, còn ít kinh nghiệm đánh thành phố và tác chiến hợp đồng binh chủng quy mô lớn cũng còn mới đối với một vài binh đoàn.
Khi chúng tôi bàn ở Bộ Tư lệnh Mặt trận, mọi người nhanh chóng thống nhất ý kiến về nhiệm vụ và mục tiêu chủ yéu của chiến dịch, nhưng về cách đánh thì mất nhiều thời giờ thảo luận hơn, cuối cùng nhất trí và có những sự phát triển mới. Trong cuộc Tổng công kích Tết Mậu Thân năm 1968, ta chủ yếu sử dụng lực lượng tinh nhuệ đánh vào tất cả các thành phố và thị xã trong điều kiện so sánh lực lượng quân sự chúng ta còn kém hơn địch, do đó ta không giữ trọn được thành phố, thị xã nào. Năm 1972, ta tiến công trong một tháng tiêụ diệt Sư đoàn 3 nguỵ, giải phóng toàn bộ tỉnh Quảng Trị đúng vào ngày 1 tháng 5.
Sau đó, vào mùa mưa, các chiến trường của ta trên toàn miền Nam giảm hoạt động, địch tập trung các sư đoàn dù, thuỷ quân lục chiến và một số đơn vị khác phản kích với sự chi viện của không quân và hải quân Mỹ để chiếm lại Quảng Trị.
Sau những đợt đánh bại liên tiếp các cuộc phản kích của địch và qua 86 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Thành cổ và thị xã, cuối cùng ta chỉ giữ được phía bắc sông Thạch Hãn. Địch chiếm lại quận Hải Lăng, một phần quận Triệu Phong, Thành cổ và thị xã đổ nát: Lần này ta có rút kinh nghiệm những chiến dịch trước, nhưng chủ yếu là xuất phát từ nhiệm vụ, yêu cầu chiến lược, đặc điểm tình hình ta và điều kiện chiến trường cụ thể. Do đó, cách đánh trong Chiến dịch Tây Nguyên là:
Một mặt, phải sử dụng lực lượng tương đối lớn, cỡ trung đoàn và sư đoàn để cắt các đường giao thông số 19, số 14, số 21, tạo ra thế chia cắt địch, về chiến lược tách rời Tây Nguyên với đồng bằng ven biển và về chiến dịch cô lập Buôn Ma Thuột với Pleiku và Pleiku với Kon Tum. Đồng thời tích cực hoạt động nghi binh giam chân địch, thu hút sự chú ý và lực lượng của chúng về phía bắc Tây Nguyên, tạo điều kiện cho ta có thể giữ bí mật bất ngờ ở phía nam cho đến khi nổ súng đánh chiếm thị xã Buôn Ma Thuột.
Mặt khác và là mặt chủ yếu, thực hiện trận then chốt mở đầu chiến dịch đánh chiếm Buôn Ma Thuột, bằng cách tổ chức lực lượng đột kích binh chủng hợp thành tương đối mạnh cỡ trung đoàn, không để sẵn ở vị trí xuất phát tiến công mà tập kết từ xa vận động đến, bỏ qua các mục tiêu của địch bảo vệ vòng ngoài, bất ngờ thọc sâu vào bên trong thị xã, phối hợp với các đơn vị đặc công và bộ binh đã bí mật bố trí sẵn từ trước, nhanh chóng tiêu diệt ngay các mục tiêu chỉ huy đầu não và vị trí xung yếu, đánh chiếm vững chắc các bàn đạp bên trong xong, mới từ trong thị xã đánh ra ngoài tiêu diệt những cứ điểm cô lập đã mất chỉ huy, đang hoảng hốt. Trong quá trình đó, nhanh chóng hình thành ngay một lực lượng dự bị binh chủng hợp thành rất mạnh sẵn sàng đánh bại các cuộc phản kích của địch hòng chiếm lại Buôn Ma Thuột.
Riêng kế hoạch đánh thẳng vào thị xã Buôn Ma Thuột, ngay từ đầu chiến dịch không thực hiện được vì khi chúng tôi vào đến mặt trận, các đồng chí tại chỗ đã bố trí lực lượng mạnh từ trước ở quanh Đức Lập tới Đắc Soong rồi, nhằm tiêu diệt địch và giải phóng đoạn đường số 14, mở thông hành lang chỉến lược vào Nam Bộ. Điều động quân trở lại vừa mất thời giờ vừa gây thêm nhiều khó khăn, nhất là về giữ bí mật. Cho nên phải quyết định cứ đánh Đức Lập trước rồi đánh tiếp Buôn Ma Thuột ngay ngày hôm sau, khi đã cô lập Buôn Ma Thuột và triển khai lực lượng cài thế bao vây chặt quanh thị xã này.
Chúng tôi tiếp tục nghiên cứu kỹ hơn tình hình thị xã Buôn Ma Thuột. Một cán bộ dẫn đoàn trinh sát đột nhập thị xã Buôn Ma Thuột về báo cáo: "Thị xã này to lắm, to gần như thành phố Hải Phòng". Chúng tôi biết Buôn Ma Thuột không to như Hải Phòng, nhưng là thị xã lớn, bao gồm cả ngoại vi rộng, có nhiều nhà cao, ban đêm đèn nê-ông sáng trưng cho nên anh em đi trinh sát lại càng thấy nó lớn. Một số cơ sở cách mạng trong thị xã được mời ra báo cáo tình hình. Đồng chí Bùi San (Đặng Trần Thi), uỷ viên thường vụ Khu uỷ Khu 5, và đồng chí Huỳnh Văn Mẫn (Cần), Bí thư tỉnh uỷ Đắk Lắk, cũng đến Sở chỉ huy chúng tôi cho, biết tình hình chính trị và phong trào của địa phương, tình hình các cơ sở của ta trong thị xã. Khi gặp đồng chí Võ Chí Công ở Hội nghị Quân uỷ Trung ương ngoài Hà Nội, chúng tôi đã đề nghị Khu 5 cho người đi chuẩn bị trước nắm tình hình để vào Tây Nguyên cùng gặp nhau làm việc cho nhanh. Ta lại vừa bắt được một thám báo của Trung đoàn nguỵ 45, qua khai thác cũng biết thêm được một số tình hình. Trong suốt thời gian chuẩn bị, ta bám sát, nắm vững tình hình đóng quân và chuyển quân của địch từng giờ một. Theo dõi điện đài của địch, chúng tôi bìết bọn chỉ huy của chúng ra lệnh cho trinh sát phải tìm bằng được Sư đoàn 10 của ta. Bộ Tư lệnh chiến dịch ra lệnh phải giữ kín hơn nữa lực lượng của ta; cán bộ, trinh sát viên có lệnh mới được đi và tiếp tục nghi binh để địch cho rằng Sư đoàn 10 vẫn còn đóng ở phía bắc Tây Nguyên.
Suốt mấy ngày liền, địch bắn đại bác quanh khu vực Buôn Ma Thuột yểm trợ cho các toán thám báo, biệt kích hoạt động sâu về phía ta. Máy bay địch ném bom xuống các chốt phòng thủ của ta ở bắc Kon Tum. Máy bay trinh sát địch hàng ngày bay trên Đức Cơ và đông bắc Kon Tum. Chúng lại điều thêm quân tới Pleiku.
Tối ngày 25-2-1975, trong một cánh rừng của Đắk Lắk, giữa tiếng đại bác địch bắn cầm canh, chúng tôi và Bộ Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên họp thông qua phương án đánh chiếm Buôn Ma Thuột gồm phương án đánh địch có tăng cường thêm lực lượng phòng ngự và phương án đánh địch như hiện nay. Tôi thay mặt Bộ Tổng tư lệnh phê chuẩn và ký tên lên bản đồ quyết tâm ghi nhiệm vụ, lực lượng tham gia và các đường tiến quân của ta vào Buôn Ma Thuột, đồng chí Hoàng Minh Thảo, Tư lệnh, và đồng chí Nguyễn Hiệp, Chính uỷ, ký bên cạnh.
Chúng tôi bắt tay nhau, chúc thắng lợi. Tôi phát biểu ý kiến sau khi ký:
- Đánh địch bằng cách và vào lúc mà địch không thể nào nghĩ tới, hết sức bất ngờ là nguy hiểm vô cùng cho chúng. Ta phải bằng mọi biện pháp, mọi hình thức, tập trung suy nghĩ ra sức giữ bí mật, bất ngờ để tranh thủ đánh theo phương án địch chưa có tăng cường thêm lực lượng. Nếu địch đã tăng thêm được lực lượng và đề phòng rồi thì ta sẽ đánh theo phương án thứ hai. Như vậy, có thể có khó khăn hơn nhưng nhất định cũng phải thắng.
Cho đến nay, địch vẫn chưa nghĩ đến việc ta có thể tổ chức tiến công bằng lực lượng quy mô lớn và cũng chưa biết vào thời gian nào. Phía Buôn Ma Thuột này địch chưa biết rõ lực lượng ta, trừ trường hợp ta di chuyển bị lộ. Trong những ngày tới phải tiếp tục làm cho địch vẫn yên trí hướng tiến công chính của ta là Kon Tum, Pleiku. Vấn đề thời cơ là ở chỗ này. Phải đẩy mạnh hoạt động sắp tới ở Kon Tum và Pleiku để củng cố thêm sai lầm của địch.
Bây giờ có mấy vấn đề đặt ra:
- Một là, các hình thức đánh vào thị xã lớn và thành phố thế nào? Thời kỳ cuối của chiến tranh cách mạng, trong điều kiện ta đã mạnh hơn địch, nhất định phải thực hiện đánh tiêu diệt lớn và giải phóng thị xã, thành phố, không có con đường nào khác. Vì vậy, cách đánh vào Buôn Ma Thuột, nói về ưu thế thì ta cũng mạnh hơn địch. Ta có gần 3 sư đoàn, địch chỉ có một trung đoàn chủ lực của Sư đoàn 23 và 3 liên đoàn bảo an, cho nên địch yếu, cô lập. Nhưng địch ở trong thị xã rộng, kiến trúc rất phức tạp, có tổ chức phòng ngự sẵn. Đánh vào thị xã lớn, dùng lực lượng lớn hiệp đồng binh chủng cũng lại là mới đối với ta.
Đó là những điều cần chú ý.
Tiến công vào thị xã Buôn Ma Thuột, ta lấy lực lượng mạnh gấp nhiều lần hơn địch, tổ chức các đội đột kích binh chủng hợp thành mạnh kết hợp với các tiểu đoàn đặc công và bộ binh bí mật triển khai trước, đánh thẳng ngay vào trung tâm thị xã, chiếm hai sân bay, nhanh chóng diệt đầu não chỉ huy của địch rồi mới phát triển trở ra tiêu diệt địch bên ngoài thị xã. Cách đánh này có hai vấn đề khó: một là tổ chức chiến đấu hợp đồng và chỉ huy các cánh thống nhất thời gian và hành động theo kế hoạch, vượt sông, vượt qua được các chốt phòng ngự của địch từ xa đến sát thị xã. Có một điểm nữa là phải giữ được bí mật, làm cho địch bị bất ngờ đến lúc ta nổ súng. Thực hiện được tốt hai vấn đề trên thì địch sẽ bị đánh ngã rất nhanh, không phải từ 7 đến 10 ngày như các đồng chí dự kiến lúc đầu.
So sánh lực lượng ở đây cho phép ta không những tiêu diệt được địch, chiếm giữ được thị xã mà còn có lực lượng dự bị mạnh tiêu diệt các đơn vị quân địch tới phản kích, giữ vững thắng lợi và phát triển tiến công, vì cả Tây Nguyên đã bị cô lập với toàn chiến trường miền Nam, chứ không nêng ở Buôn Ma Thuột. Đấy là chưa nói sự phối hợp hoạt động trên các chiến trường khác của ta với Tây Nguyên càng hạn chế khả năng của địch điều động lực lượng lớn tăng viện cho chiến trường Tây Nguyên.
Cần nói thêm là, trong các trận chiến đấu, tốt nhất là phá được cơ quan chỉ huy, bắt được chỉ huy đầu sỏ của địch thì giải quyết trận đánh nhanh hơn. Dĩ nhiên, việc đó là khó, vì chỉ huy đầu não của địch bao giờ cũng ở trong sâu và được bảo vệ chắc chắn. Chúng ta đã thảo luận kỹ và nhất trí cách đánh mới, táo bạo, bất ngờ trên cơ sở phân tích tình hình một cách khoa học này. Cũng cần phải thấy trận Buôn Ma Thuột là trận then chốt mở đầu chiến dịch, nhanh chóng đánh ngã địch, tiêu diệt nó, giải phóng và giữ vững thị xã, đánh bại quân địch phản kích và phát triển là những mặt rất gắn bó với nhau không phải riêng cho Buôn Ma Thuột mà là cho cả Chiến dịch Tây Nguyên. Giữ được bất ngờ về mục tiêu, về thời gian, về lực lượng, về cách đánh, cô lập được thị xã rồi lại có sức mạnh hơn hẳn địch mà địch không phát hiện được thì càng bảo đảm cho trận đánh ta tổn thất ít hơn, thắng lợi lại nhanh hơn. Thời gian mùa khô của ta rất quan trọng, không được để phí một ngày, một giờ, phải tranh thủ thời gian để liên tục tiến công, liên tục giành thắng lợi. Tóm lại, đây là cách đánh của ta nhằm tiết kiệm thời gian, nhanh chóng tiêu diệt địch và giải phóng thị xã lớn như Buôn Ma Thuột, tạo ra một biến động trên chiến trường, một cách đánh rất sáng tạo, thể hiện tư tưởng và tình thần tích cực tiến công của quân đội cách mạng. Nó lâ kết quả của quá trình điều tra, nghiên cứu kỹ lưỡng, xem xét mọi vấn đề một cách công phu và khoa học để đi đến một quyết tâm chính xác và thể hiện một nghệ thuật chiến dịch phát triển cao. Thực hiện được quyết tâm nói trên thì ta càng có thêm kinh nghiệm để tiếp tục giải phóng các thị xã khác ở Tây Nguyên như Phú Bổn, Gia Nghĩa, Pleiku, Kon Tum.
Hai là, có cách đánh đúng rồi bây giờ phải tổ chức các trận chiến đấu: phải tổ chức cụ thể, chặt chẽ từ trung đoàn, tiểu đoàn đến đơn vị thấp nhất, tổ chức cụ thể cho từng cánh, từng mũi, từng binh chủng, nhất là tổ chức các đơn vị cơ giới đột kích thọc sâu và tổ chức hiệp đồng đánh trong thị xã. Có quyết tâm cao, có tư tưởng mạnh dạn nhưng tổ chức hiệp đồng chiến đấu kém, không chặt chẽ, phân công không rõ ràng thì khi đánh có thể không thắng, dây dưa, bị tiêu hao.
Ba là, thực hiện các chính sách: thị xã Buôn Ma Thuột là trung tâm chính trị, kinh tế, dân tộc, tôn giáo ở Tây Nguyên, có đồng bào người Thượng, đồng bào Thiên chúa giáo, Tin lành, Phật giáo, lại có những nhà tư sản, các chủ đồn điền, các ngoại kiều sống dưới chủ nghĩa thực dân mới mấy chục năm, cho nên rất phức tạp. Bộ đội vào thị xã phải có thái độ, tác phong đúng, phải chấp hành nghiêm các chính sách và kỷ luật đề ra, giúp đơ cấp uỷ địa phương xây dựng chính quyền cách mạng ở cơ sở, tranh thủ lòng dân và mau chóng ổn định đời sống nhân dân sau khi giải phóng.
Bôn là, phải tổ chức quân quản sau khi giải phóng. Có công việc, có cơ quan phải có người đứng đầu, công việc quân quản sẽ rất nhiều, lại mới mẻ, sẽ bàn chuyên vấn đề này với đồng chí Bùi San và Tỉnh uỷ Đắk Lắk, nhưng vấn đề chủ yếu là có tổ chức, có người phụ trách, có quân đội tham gia thì sẽ làm được. Ở đây đồng chí Thượng tá Y Blốc là người dân tộc, vốn có uy tín trong nhân dân, được bà con địa phương yêu mến, kính trọng. Chúng tôi trao đổi ý kiến với Bộ Tư lệnh Khu 5 đề nghị với Quân uỷ Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh, nếu giải phóng xong thị xã sẽ xin thăng cấp đồng chí Y Blốc lên đại tá và cử làm Chủ tịch Uỷ ban quân quản Buôn Ma Thuột.
Năm là, thị xã Buôn Ma Thuột là hậu cứ của Sư đoàn 23, có đủ hậu cứ các trung đoàn, có hệ thống kho lớn, ngoài ra có nhiều xí nghiệp, nhiều cơ sở công nghiệp của tư sản. Phải bảo vệ tốt và đưa các cơ sở hoạt động trở lại.
Tổ chức việc này rất phức tạp. Cái gì là tài sản của công phải thu, tài sản của nhân dân không được đụng tới, tài sản của tư sản phải làm theo đúng chính sách. Đồng chí Nguyễn Năng, Phó Tư lệnh, phụ trách về hậu cần, phải giúp địa phương làm việc này. Xe cộ, phương tiện, trang bị vũ khí, phải thu thập. Lương thực, thực phẩm cái gì dùng được cho quân đội, phải giữ và bảo quản tốt.
Sáu là cần phải vận dụng kinh nghiệm của Phước Long, sau khi giải phóng có thể sử dụng ngay tù binh bắt được nhất là lính các binh chủng như lái xe hơi, xe tăng, xe bọc thép, pháo binh, xe công trình sửa đường. Thế ta mạnh, ta thắng, ta làm được. Tóm lại, chiến lợi phẩm, tù binh phải hết sức chú ý sử dụng ngay cho chiến đấu, tất nhiên phải cảnh giác, có giám sát.
Vấn đề cuối cùng tôi muốn nói với các đồng chí là thời gian để chúng ta bắt đầu đánh Buôn Ma Thuột không còn nhiều: nếu kéo dài công việc chuẩn bị có thể sẽ bị lộ. Phải đánh cho kịp thời gian đã dự kiến, bởi vì các chiến trường khác đều lấy thời gian của ta làm chuẩn để hiệp đồng.
Cần thấy rằng nếu địch phải đối phó trên toàn mặt trận miền Nam là điều sẽ rất khó cho chúng. Buôn Ma Thuột là thị xã quan trọng nhất ở Tây Nguyên, nhưng các nơi khác cũng quan trọng đối với địch vì gần Sài Gòn, gần Đà Nắng hơn. Cho nên, một khi đã bị đánh đồng loạt ở nhiều chiến trường, địch bắt buộc phải nhìn chung, phải xem xét hướng tiến công chiến lược chính của ta là ở đâu. Do đó, chúng chưa tung ngay lực lượng tổng dự bị ra. Trước mắt, đìch sẽ đối phó bằng lực lượng của quân đoàn, mà lực lượng của Quân đoàn 2 thì không nhiều: các đường bộ đến Tây Nguyên và Buôn Ma Thuột đã bị cắt, có đổ bộ bằng đường không cũng hạn chế và càng dễ bị tiêu diệt.
Vì vậy, công việc của chúng ta rất khẩn trương và phải hết sức giữ cho được bí mật. Các đồng chí trên mặt trận phải xuống tận nơi giúp các đơn vị, nhất là Sư đoàn 316, anh em mới vào, chiến trường chưa quen, đánh sớm quá không được, nhưng nếu không khẩn trương chuẩn bị, thời gian kéo dài thì không được.
Quân uỷ Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh nhận định rằng đánh Buôn Ma Thuột thì sẽ làm rung động mạnh toàn bộ thế địch. Thắng lợi của Chiến dịch Tây Nguyên cùng với thắng lợi toàn chiến trường có thể tạo nên một chuyển biến lớn đẩy địch vào thế có đột biến khá lớn. Không có con đường nào khác, địch dùng chiến tranh phản cách mạng, ta phải dùng chiến tranh cách mạng. Địch tiếp tục chiến tranh thì càng suy yếu đi, ta tiến hành chiến tranh cách mạng như thế này thì sẽ càng đánh càng mạnh.
Tôi nghĩ rằng các đồng chí còn rất nhiều công việc. Những ý kiến bàn với nhau như thế này nhất trí rồi, kết luận rồi, trở thành nghị quyết rồi thì hết sức cộng tác với nhau để thực hiện nhiệm vụ cho tốt. Tức là làm sao tiêu diệt được địch, giải phóng được thị xã Buôn Ma Thuột, phát triển tiến công để giải phóng Tây Nguyên, giải phóng toàn miền Nam yêu quý của chúng ta.
Trong Bộ Tư lệnh Mặt trận cần phân công có đồng chí chuyên lo việc chuẩn bị đánh Buôn Ma Thuột, có đồng chí chuyên lo đôn đốc, giúp đỡ chỉ đạo các đơn vị triển khai lực lượng gài thế chia cắt, bao vây chiến dịch theo đúng kế hoạch.
Hôm nay, họp tương đối đông đủ, có đại diện các sư đoàn, các binh chủng, các cơ quan, tôi xin thay mặt Quân uỷ Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh phê chuẩn quyết tâm và Phương án tác chiến của Bộ Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên. Bằng mọi nỗ lực và mưu trí của mình, chúng ta phải làm nhiều việc cho đến khi những quả đạn đại bác tầm xa của ta nổ trên đầu địch ở thị xã Buôn Ma Thuột mà ta vẫn giữ được bất ngờ, đánh nhanh, giải quyết nhanh. Bằng mọi biện pháp và hình thức cần làm cho các cấp uỷ Đảng, tất cả cán bộ và chiến sĩ thấy hết ý nghĩa quan trọng của trận đánh này, nêu cao tinh thần dũng cảm, mưu trí, sáng tạo trong chiến đấu, hiểu và làm đúng cách đánh ta đã bàn, thì nhất định sẽ giành được thắng lợi giòn giã".
Địch vẫn chú ý phòng thủ bắc Tây Nguyên nhiều hơn.
Ta lại tăng cường hoạt động nghi binh: huy động nhân dân vùng giải phóng ở Kon Tum và Pleiku rầm rập kéo đi làm đường, chữa đường, vận tải, bộ đội kết hợp với địa phương tổ chức nhiều cuộc míttình hoan nghênh bộ đội về giải phóng Pleiku, Kon Tum.
Ngày 1 tháng 3, Sư đoàn 968 diệt hai đồn trên đường số 19, phía tây Pleiku, áp sát vào quận Thanh An. Địch lại càng khẳng định ta chuẩn bị địa bàn để đánh Pleiku.
Chúng vội điều Trung đoàn 45 từ Thuần Mẫn (ngã ba đường số 14 đi Phú Bổn) lên Thanh An ngày 3 tháng 3.
Thấy địch đã "mắc câu", tôi nhắc đồng chí Hoàng Minh Thảo chỉ thị cho Sư đoàn 968 đánh mạnh hơn nữa, tăng thêm đạn lớn cho sư đoàn bắn vào sân bay Cù Hanh và dặn đồng chí Thanh Sơn, Sư đoàn trưởng, là phải thực hiện "đánh một, la mười".
Ngày 4 tháng 3, Trung đoàn 95 và Sư đoàn 3 của Quân khu 5 tiêu diệt một loạt vị trí và cắt đứt đường số 19 trên hai đoạn ở phía đông và ở phía tây An Khê. Địch điều 2 trung đoàn của Sư đoàn 22 từ Bình Định lên giải toả đông An Khê và lữ kỵ binh 2 từ Pleiku xuống giải toả tây An Khê. Phạm Văn Phú càng cố sống cố chết tăng cường phòng thủ bắc Tây Nguyên, chủ yếu là Pleiku. Hắn tung các liên đoàn biệt động quân 4 và 6 thọc ra phía tây bắc Kon Tum và tây bắc Pleiku để tìm Sư đoàn 10 và Sư đoàn 320 là hai sư đoàn đã từng giáng cho địch những đòn đau trong những năm từ 1972 đến 1974. Pháo binh và máy bay địch tập trung đánh vào bất cứ chỗ nào chúng nghi ta trú quân hoặc đặt trận địa pháo.
Trong khi đó Sư đoàn 320 vẫn nằm im ở phía tây đường số 14 chỉ cách đường 5 km, đoạn từ cầu I-a Leo đến Chư Xê và ngay ngày 3 tháng 3, sư đoàn đã cho Tiểu đoàn 9 vượt đường số 14 vòng sang phía đông quận ly Thuần Mẫn, sẵn sàng khi có lệnh sẽ ra chốt trên đường từ Thuần Mẫn đi Cheo Reo, không cho địch từ Phú Bổn lên tăng cường cho đường số 14 hoặc từ Thuần Mẫn tháo chạy về Cheo Reo. Phải nói rằng hành động của Tiểu đoàn này rất tích cực, khôn khéo và kín đáo, tách ra hoạt động độc lập xa trung đoàn nhưng vẫn kéo dây điện thoại bí mật chui qua đường số 14 để giữ vững liên lạc với trung đoàn ở cách xa hơn 20 km. Và chính Tiểu đoàn 9 sau này đã là đơn vị đầu tiên của Sư đoàn 320 ra chặn đội hình địch ở phía đông Phú Bổn khi chúng tháo chạy từ Pleiku về Phú Yên theo đường số 7.
Còn Sư đoàn 10 thì đang bí mật dồn binh lực, hoả lực vào sát Đức Lập và Đắc Soong ở phía tây nam Buôn Ma Thuột, khẩn trương chuẩn bị mọi mặt để nổ súng đúng ngày giờ theo kế hoạch.
Ngày 5 tháng 3, Trung đoàn 25 ra cắt đứt đường số 21 trên đoạn phía đông Chư Cúc, diệt một đoàn xe hơn 80 chiếc.
Thế là đến ngày 5 tháng 3, địch ở Tây Nguyên đã bị cô lập với đồng bằng. Nhưng giữa nam Tây Nguyên và bắc Tây Nguyên địch vẫn đi lại được với nhau, vì ta chưa chủ trương cắt đường số 14.
Hàng ngày khoảng 60-80 xe quân sự và dân sự của địch vẫn đi lại bình thường.
Ở đây cần nói rõ một điều: Vì sao ta không cắt đường số 14 cùng một lúc với cắt các đường số 19 và số 21? Trong kế hoạch cài thế, ngoài việc chia cắt chiến lược thì chia cắt chiến dịch có nhiệm vụ chốt chặn đường số 14 để cắt rời Buôn Ma Thuột với Pleiku. Nhưng nên thực hiện vào lúc nào? Nếu cắt đường số 14 sớm thì sẽ có thể bị lộ ý định đánh Buôn Ma Thuột. Và muốn cắt đường số 14 trên hai đoạn phía bắc và phía nam quận ly Thuần Mẫn thì phải đánh chiếm quận lỵ này. Mà đã đánh chiếm thì địch sẽ biết ta có một sư đoàn đứng ở bắc Buôn Ma Thuột. Trong trường hợp đó, địch sẽ tìm cách đưa thêm lực lượng về tăng cường Buôn Ma Thuột và giải toả đường bằng dùng máy bay lên thẳng đổ bộ hoặc đánh thông đường số 14.
Cuộc chiến đấu ở đây có thể sẽ sớm "cộm lên", yếu tố bí mật trước khi đánh Buôn Ma Thuột sẽ không còn.
Ta chủ trương bắt đầu đánh Buôn Ma Thuột thì đồng thời đánh quận lỵ Thuần Mẫn và cắt đường số 14. Nhưng mặt khác lại phải sẵn sàng một lực lượng lớn để trong khi ta chưa cắt đường mà địch đã phát hiện ý định ta đánh Buôn Ma Thuột, tăng cường lực lượng cỡ trung đoàn trở lên từ Pleiku theo đường số 14 xuống, thì lập tức thực hành một trận vận động phục kích tiêu diệt lực lượng này, đồng thời chốt luôn đường số 14. Do có ý định đó, ta đã bố trí ở khu vực này Sư đoàn 320, một sư đoàn quen đánh vận động và có nhiều kinh nghiệm cắt và chốt giữ đường.
Nhưng thực hiện được đúng ý định này không đơn giản, luôn luôn phải theo dõi tình hình, suy nghĩ căng thẳng, nhất là người chỉ huy trực tiếp ở đây là Sư đoàn trưởng Sư đoàn 320. Lúc này trên đường xe cộ của địch vẫn lên xuống bình thường. Trong chiến đấu không phải lúc nào ta cũng nắm chắc được ý định và hành động của địch. Hơn nữa, kẻ địch cũng xảo quyệt và mạnh, chúng còn sử dụng được sức mạnh không quân của chúng. Cho nên thời cơ nào hạ lệnh cho Sư đoàn 320 ra đánh địch và cắt đường là phải cân nhắc và tính toán kỹ lưỡng, nhạy bén lắm.
Một tình huống xảy ra: trưa ngày 5 tháng 3, Sư đoàn 320 dùng một tiểu đoàn diệt một đoàn xe quân sự 14 chiếc và thu 2 khẩu pháo 105 milimét trên đường số 14, đoạn bắc Thuần Mẫn đi Buôn Ma Thuột, thu toàn bộ vũ khí, bắt tù binh, trong đó có vợ chồng viên trung uý pháo binh, và báo cáo lên Mặt trận: hai hôm nay địch tăng thêm một tiểu đoàn của Trung đoàn 45 về Thuần Mẫn, thường xuyên lùng sục phía tây đường số 14 để phát hiện ta. Ta vẫn tránh không nổ súng và vẫn giữ được bí mật. Hàng ngày cường độ vận chuyển trên đường số 14 của địch tăng lên. Chủ trương đánh trận hôm nay là vì phán đoán địch đưa dần Trung đoàn 45 về tăng cường cho Buôn Ma Thuột. Đề nghị cho Sư đoàn ra chiếm lĩnh trận địa chốt chặn trên đường số 14 đánh Thuần Mẫn và diệt luôn cả một tiểu đoàn của Trung đoàn 45 hiện đang tăng cừờng ở đó.
Đồng chí Vũ Lăng báo cáo với tôi tình hình đó và xin chỉ thị. Tôi thông cảm sự lo lắng về trách nhiệm của Sư đoàn 320 và cũng thông cảm sự căng thẳng của một đơn vị lớn buộc phải im lặng để chờ thời cơ phục vụ cho lợi ích chung của toàn Mặt trận, giấu mình tránh những loạt pháo địch bắn thăm dò, những tên thám báo và những đơn vị nhỏ của địch đổ xuống gần khu vực bố trí của bộ đội bằng máy bay lên thẳng hoặc đi bộ. Chúng vừa lùng sục vừa lo sợ.
Nhưng điểm lại tình hình hoạt động mấy ngày gần đây của địch thì thấy chúng đối phó dè dặt, chưa có ý đồ rõ ràng. Chúng vẫn tập trung sự chú ý vào bắc Tây Nguyên và lo giải toả đường số 19, chưa thay đổi nhận định cũ. Ta vẫn giữ được bí mật, cần tiếp tục giữ bí mật nữa, đánh lừa địch thêm để tranh thủ, khẩn trương chuẩn bị cho trận then chốt mở đầu.
Sau khi trao đổi ý kiến thêm với đồng chí Lê Ngọc Hiền, tôi chỉ thị cho Mặt trận: "Sư đoàn 320 tiếp tục im lặng, tránh nổ súng với bọn thám báo lùng sục, không có lệnh không được đánh trên đường số 14, giữ vững quyết tâm đã xác định". Đồng thời tôi lệnh cho Mặt trận cử cán bộ xuống hỏi cung ngay tên Trung uý pháo binh nguỵ vừa bị bắt.
Nửa đêm, đồng chí thư ký của tôi lên báo cáo: tên tù binh khai đoàn xe của chúng chở một đại đội của Trung đoàn 45 và một số nhân viên về hậu cứ ở Buôn Ma Thuột nghỉ và hôm sau sẽ chở tân binh lên bổ sung cho các đơn vị của trung đoàn ở Pleiku. Như vậy là 14 xe từ Pleiku về Buôn Ma Thuột là vận chuyển thường xuyên, chưa phải địch tăng cường lực lượng về Buôn Ma Thuột. Nhưng dù sao, địch đã bị đánh và đã biết ta có lực lượng trên đường số 14, cách Pleiku khoảng 30km về phía nam. Tiếp đó, đồng chí báo cáo thêm: Mặt trận vừa cho biết đoàn cán bộ của trung đoàn pháo binh đi trinh sát địa hình ngày 5 tháng 3 chạm địch ở bắc Buôn Ma Thuột, một chiến sĩ ta bị thương và bị địch bắt, có mang theo người một sổ nhật ký.
Tôi suy nghĩ: Còn bốn ngày nữa nổ súng đánh Buôn Ma Thuột, địch sẽ còn làm gì trong những ngày sắp tới?
Đến nay địch vẫn nhận định sai về hướng tiến công chủ yếu của ta. Nhưng nếu còn xảy ra những hiện tượng lộ bí mật như vừa qua, thì nhất định ta sẽ phải xem xét lại.
Lúc này địch đang cố tìm hiểu ý định và hành động của ta.
Tôi gọi điện thoại cho đồng chí Vũ Lăng nhắc phải kiểm tra từng chiến sĩ để chấp hành thật nghiêm những quy định về giữ bí mật.
Sáng ngày 6 tháng 3, đồng chí cán bộ tham mưu quân báo báo cáo: theo tin của địch mà ta thu được, chúng đã cho Tiểu đoàn 3 của Trung đoàn 53 cùng một chi đội thiết giáp một tiểu đoàn bảo an nống lên Quảng Nhiêu, cách đông bắc Buôn Ma Thuột 11km. Ngay sau đó đồng chí trưởng phòng tác chiến của Mặt trận báo cáo bằng điện thoại cụ thể từng mũi của địch đang lùng sục như thế nào ở khu vực này, những bộ phận lực lượng pháo binh, xe tăng, công binh của ta đang chuẩn bị đường cơ động, khu tập kết, v.v. Ở đây phải lui về phía sau tránh địch để khỏi bị lộ. Nhưng nếu chúng lùng sục kéo dài đến ngày 8 tháng a, thì sẽ ảnh hưởng đến việc chuẩn bị theo cách đánh của ta từ phía bắc vào thị xã.
Có thể do bắt được chiến sĩ của ta có mang theo tài liệu cho nên địch bắt đầu nghi ngờ ở hướng này. Nhưng dù biết là có đơn vị pháo binh ta ở bắc Buôn Ma Thuột cũng chưa chắc địch đã khẳng định được ta chuẩn bị đánh thị xã này. Cũng có thể chúng cho là ta chuẩn bị để pháo kích vào thị xã như ta vẫn làm trước đây, nếu ở đây chúng không phát hiện được gì thêm.
Tôi bàn với các đồng chí trong bộ phận tham mưu tác chiến của đại diện Bộ Tổng tư lệnh, rồi cử đồng chí Lê Ngọc Hiền xuống Bộ chỉ huy Mặt trận cùng anh em triển khai ngay mấy việc sau đây:
- Hướng Quảng Nhiêu tiếp tục tránh địch, không để chúng phát hiện ta, chuẩn bị sẵn lực lượng nếu chúng vào sâu hơn nữa đến vị trí tập kết của ta thì bao vây tiêu diệt gọn từng mũi của địch.
Theo dõi thật chặt hành động của địch ở hướng này để xử lý cụ thể từng tình huống.
Nếu chiều ngày 6 tháng 3 địch không lui về Buôn Ma Thuột (quy luật của địch ở đây thường là khi có nghi ngờ chúng lùng sục một ngày, không phát hiện gì sẽ lui về), thì lệnh cho Sư đoàn 320 chuẩn bị sáng 7 tháng 3 diệt cứ điểm Chư Xê (trên đường số 14, phía bắc Buôn Hồ) để kéo địch về hướng này, tạo điều kiện cho các đơn vị của ta ở hướng Quảng Nhiêu tiếp tục công tác chuẩn bị.
Nếu ngày 7 tháng 3, địch vẫn tiếp tục lùng sục thì ngày 8 tháng 3, Sư đoàn 320 đánh chiếm quận lỵ, chi khu Thuần Mẫn, thực hiện cắt hẳn đường số 14, "hút" địch từ Buôn Ma Thuột lên, đồng thời sẵn sàng đánh địch từ Pleiku xuống.
Đúng như ta đã phán đoán, trưa ngày 6 tháng 3 ta bắt được tin của địch: đồng chí chiến sĩ của ta bị thương nặng, bọn nguỵ đưa đi bệnh viện cưa chân và cứu chữa để đích thân tên Sư đoàn trưởng Sư đoàn 23 xuống khai thác. Nhưng đồng chí chiến sĩ của ta đang mê man chưa tỉnh.
(Sau này được biết chúng chưa kịp khai thác gì thì ta đã giải phóng Buôn Ma Thuột. Và đồng chí này lại được anh em ta đưa từ bệnh viện của địch về đơn vị).
Ngày 7 tháng 3, ta diệt Chư Xê trong 30 phút, tạo thêm điều kiện chốt giữ chắc chắn hơn trên đường số 14, nhưng địch vẫn chưa rút khỏi Quảng Nhiêu.
Sáng 8 tháng 3, Sư đoàn 320 đánh chiếm quận ly Thuần Mẫn, cắt hẳn đường số 14. Đến trưa, lực lượng địch ở Quảng Nhiêu vội vã bỏ cuộc, hành quân rút về Buôn Ma Thuột.
Ngày 9 tháng 3, theo đúng kế hoạch, ta đánh chiếm quận lỵ Đức Lập, Đắc Soong, Núi Lửa, mở thông hoàn toàn đường hành lang chiến lược Bắc Nam, phía đông Trường Sơn. Trên hướng bắc tiêu diệt quận lỵ Thanh An, trên đường số 19, ta đã áp sát vào phía tây thị xã Pleiku.
Thế là đến ngày 9 tháng 3, ta đã triển khai lực lượng cài xong thế chiến lược và chiến dịch, đã chia cắt Tây Nguyên với vùng đồng bằng, chia cắt phía nam với phía bắc Tây Nguyên, đã hoàn toàn bao vây và cô lập thị xã Buôn Ma Thuột.
Cuộc đấu trí giữa ta với địch kết thúc một bước, phần thắng đã về ta.
Nhưng địch vẫn chủ quan và những hành động của ta càng củng cố thêm nhận định sai lầm của địch. Cho đến khi ta tiêu diệt quận lỵ Đức Lập, chúng vẫn cho là ta đánh để mở thông đường số 14 vào Nam Bộ, và chúng vẫn lo đối phó ở phía tây Pleiku.
Đến lúc này, dù cho địch có biết chắc ta sẽ đánh Buôn Ma Thuột thì cũng đã quá muộn rồi, khó cựa quậy được nữa, thế trận ta đã bày ra không gì phá vỡ nổi.
Chiều ngày 9 tháng 3, tôi gửi một bức điện về Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương, báo cáo kết quả chiến đấu từ ngày 1 tháng 3 đến sau khi giải phóng Đức Lập và những nét chính về kế hoạch toàn chiến dịch (Điểm này bây giờ mới báo cáo là để giữ bí mật). Phần cuối bức điện viết:
"Ngày 10 tháng 3, ta sẽ đánh Buôn Ma Thuột, tình hình diễn biến thế nào, có nhận xét gì lớn tôi sẽ điện tiếp.
Chúng tôi vẫn khỏe. Anh Thiện và 559 trợ lực rất tích cực cho chiến dịch này. Mọi yêu cầu đều cố gắng bảo đảm được Quân no, lực lượng lớn, vũ khí, trang bị đầy đủ, tinh thần phấn chấn, khí thế cao, chưa bao giờ mạnh và đánk tập trung lớn ở đây như năm nay.
Chúc các anh trong Bộ Chính trị và Quân uỷ mạnh khỏe.
TUẤN"
Đồng chí Đinh Đức Thiện, sau khi đi đôn đốc xong các kho dự trữ đạn ở hậu phương, kế hoạch tiếp tục vận chuyển đón thời cơ, đã đi dọc phía tây Trường Sơn vào đến Sở chỉ huy và mấy hôm nay đồng chí kiểm tra lại lần cuối cùng các mặt chuẩn bị của hậu cần.
19 giờ ngày 9 tháng 3, chúng tôi lần lượt gọi điện thoại cho các đơn vị. Các nơi báo cáo mọi công tác chuẩn bị đã xong và đã đến đúng vị trí quy định. Phức tạp và khó khăn nhất là đơn vị phải vượt đường số 14, vượt sông Sê-rêpốc bằng bè nứa chở pháo qua. Các đơn vị vào đánh tử phía nam thị xã lên cũng đã vào đủ ở vị trí xuất phát tiến công. Những đơn vị đột kích binh chủng hợp thành phải chờ khi bắt đầu nổ súng mới hành quân bằng cơ giới chọc qua các đồn bốt của địch, cũng đã bố trí xong đội hình. Các đồng chí chỉ huy đều hứa kiên quyết hoàn thành nhiệm vụ Tôi chúc anh em thắng giòn giã, tổn thất ít, đánh nhanh, hoàn thành nhiệm vụ và chuyển lời hỏi thăm đến các chiến sĩ trước khi ra trận.
Đêm mùng 9 tháng 3, chúng tôi ngồi ở Sở chỉ huy, tiếp tục theo dõi tình hình và chờ giờ "G". Các cán bộ tham mưu ngồi quanh đều không giấu nổi niềm vui và niềm xúc động lớn khi giờ phút trọng đại đang đến gần. Đối với người lính chiến đấu, đêm chờ giờ "G" là đêm giao thừa.
Từ cấp trên đến cấp dưới chúng ta chờ đón đêm giao thừa này từ mấy năm nay. Đêm Trường Sơn lúc này tuy yên lặng nhưng hàng chục nghìn con người đang chuyển động về các mục tiêu. Các đồng chí chỉ huy có người trên đầu đã hai thứ tóc đang chụm lại trên những tấm bản đồ, kiểm tra lần cuối kế hoạch của mình. Và cũng đêm nay, chắc bọn nguỵ từ Sài Gòn đến Tây Nguyên chưa phán đoán được ta sẽ hành động thế nào, chưa hình dung được sức mạnh của ta, bị chúng ta dắt dẫn đi từ sai lầm này đến sai lầm khác. Tin tưởng rằng giờ "G" bắt đầu sẽ có nhiều tbuận lợi. Vào giờ này, hậu phương lớn của chúng ta bận rộn lắm và chắc các đồng chí trong Bộ Chính trị, trong Quân uỷ Trung ương cũng đang thao thức theo dõi tình hình ở Mặt trận này. Hậu phương lớn đã bảo đảm đáp ứng mọi yêu cầu và nhu cầu của tiền tuyến để đánh lớn và thắng lớn. Hậu phương anh hùng, hậu phương vĩ đại. Tôi nói chuyện với đồng chí Trung tướng Hoàng Minh Thảo, Tư lệnh Mặt trận, qua dây nói:
"Ta tiếp tục làm theo dự kiến, không có gì thay đổi. Cần bảo đảm thông tin chỉ huy cho tốt để nắm chắc tình hình. Đồng chí liên lạc chặt với tôi bằng cả ba phương tiện để kịp thời trao đổi ý kiến và xử lý mọi tình huống. Nắm được tình hình và đã quyết định là phải ra lệnh cho cấp dưới làm nhanh, dứt khoát, không bàn dây dưa.
Chúc thắng lợi".