Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Cuộc Chiến VN >> ĐẠI THẮNG MÙA XUÂN

  Cùng một tác giả
Không có truyện nào


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 55397 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

ĐẠI THẮNG MÙA XUÂN
Văn Tiến Dũng

Chương 12

Trưa ngày 3 tháng 4, cách Bù Gia Mập quãng 50km về phía bắc, chúng tôi gặp đồng chí Thượng tá Mai Văn Phúc (Tư Phúc), Phó Cục trưởng Cục Hậu cần Miền ra đón. Đứng trên đỉnh đồi thông lưa thưa chung quanh còn nhiều vết tích của những trận đánh ác liệt "vượt biên" của Mỹ năm 1970, chúng tôi tay bắt mặt mừng, niềm vui trong từng khóe mắt. Chúng tôi cảm động vì đây là lần đầu được đặt chân lên đất Nam Bộ, miền đất kiên cường, tiền tuyến anh hùng ở xa Trung ương, mảnh đất thành đồng mà Bác Hồ luôn nhớ, luôn thương và Bác đã chỉ thị cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân cống hiến tất cả cho sự nghiệp giải phóng miền đất Nam Bộ này. Chúng tôi đứng nhìn cảnh vật chung quanh. Xin kính chào miền Nam đi trước về sau, chiến trường gian khổ của Tổ quốc, kính chào tất cả các đồng chí chiến sĩ và đồng bào Nam Bộ đã giữ vững gan vàng dạ sắt suốt mấy chục năm trời liên tục chống chọi với những kẻ thù độc ác và giàu mạnh nhất, nêu lên một tàm gương bất khuất, lạc quan cách mạng và liên tục tiến công.
      Chúng tôi vào nghỉ trưa ở Đoàn 770, một binh trạm của Cục Hậu cần Miền. Đường vào trạm kín đáo, không có dấu bánh xe, nhà cửa vững chãi, kín đáo, có luống rau, vườn chuối, bồn hoa, những dàn phong lan đang nở và có cả một đàn gia súc. Chung quanh nhà có hào giao thông, hầm trú ẩn, trạm gác. Tất cả những gì ở đây tuy nhỏ, còn ít nhưng tiêu biểu cho tinh thần kiên trì bám đất, giữ vững địa bàn, tinh thần tự lực cánh sinh, sẵn sàng chiến đấu của các cơ quan và đơn vị miền Đông Nam Bộ, một trong những căn cứ địa gian khổ và vững chắc của miền Nam.
      Buổi chiều trên đường về cơ quan của Bộ chỉ huy Miền, chúng tôi đã đi qua những rừng cao su, nhiều chỗ bị máy bay địch đánh phá nham nhở, qua những vườn hồ tiêu, sầu riêng, nhìn thấy những quả mít tố nữ, những rặng dừa mới trồng.
      Thị trấn Lộc Ninh đã ở trước mắt chúng tôi. Dấu vết chiến tranh còn lại trên thị trấn nhưng đã thấy nhiều nét thay đổi sau ba năm giải phóng. Đường sá đang được mở rộng, nhà tranh mới làm chạy dài hai bên đường, những bãi sắn, vạt ruộng đang lên xanh tốt, và trong rừng cao su nhiều công nhân đang vun gốc, làm cỏ và hứng nhựa. Lộc Ninh được giải phóng năm 1972 cùng với toàn tỉnh Phước Long được giải phóng đầu năm nay đã trở thành một căn cứ quan trọng của ta và hiện nay trở thành một địa bàn rộng lớn rất thuận lợi cho cuộc tiến công vào Sài Gòn sắp tới.
      Chúng tôi gặp trên đường nhiều đoàn xe chở bộ đội vui vẻ hành quân lên phía trước. Các đồng chí nam nữ du kích Lộc Ninh đứng gác ở các ngã ba đường, kiểm soát kỹ các loại xe cộ đi vào vùng căn cứ. Chào các đồng chí, những chiến sĩ kiên cường. Trong những năm chiến đấu ác liệt, chiến công vang lừng của các đồng chí làm cho chúng tôi rất kính phục và tự hào.
      Nhìn những trảng lớn, những rừng cao su, những vườn trái, những đồi đất đỏ của Lộc Ninh, tôi nhớ lại một đoạn thơ của đồng chí Tố Hữu trong bài "Nước non ngàn dặm":
      Bình Long, Nam Bộ ta ơi
      Buổi đầu mới giáp mặt người sáng nay
      Cầm hòn đất đỏ trong tay
      Trái tim bỗng nghẹn như say rượu nồng
      Ôm anh giải phóng vào lòng
      Đã mơ chạy khắp cánh đồng Cà Mau.
      Gần tối ngày 3 tháng 4, chúng tôi về đến cơ quan của Bộ chỉ huy Miền ở phía tây thị trấn Lộc Ninh. Đồng chí Đinh Đức Thiện đi thẳng vào cơ quan Cục Hậu cần của Bộ chỉ huy Miền.
      Phần lớn các đồng chí Trung ương Cục đều đã tới. Tôi liền sang thăm đồng chí Phạm Hùng, Bí thư Trung ương Cục miền Nam, ở nhà phía bên kia khóm cây. Nhìn vào nhà, dưới ánh sáng ngọn đèn phòng tôi thấy đồng chí đang ngồi bên bàn, áo phanh hở ngực, tay cầm chiếe quạt bằng vải dù. Thấy tôi tới, đồng chí đứng dậy vui vẻ: "Chúng tôi đang chờ đồng chí đây". Chúng tôi bắt tay và ôm hôn nhau, mừng vui xiết bao khi tôi nói với đồng chí là thắng lợi vượt bậc, nhanh quá, cho nên tôi vào đây sớm hơn dự tính như khi họp ở Hà Nội. Sài Gòn chắc chắn sẽ được giải phóng đúng thời hạn Bộ Chính trị chỉ thị. Tôi nói qua về thắng lợi Tây Nguyên, đồng bằng ven biển Khu 5, về tình hình các binh đoàn chủ lực của ta đang trên đường hành quân vào mặt trận này. Sau đó chúng tôi trao đổi ý kiến về chương trình làm việc trong những ngày sắp tới, trước khi đồng chí Lê Đức Thọ đến.
      Văn phòng Bộ chỉ huy Miền đã thu xếp trước nơi làm việc và sinh hoạt của Đoàn A.75. Một số nhà gỗ lợp lá được cấp tốc dựng lên. Hầm hố phòng không được đào thêm. Và để chuẩn bị cho cán bộ đến tiếp sau, một số lều vải được tạm thời dựng chung quanh. Đêm xuống, khu rừng trở nên rộn ràng, tiếng máy nổ phát điện, tiếng động cơ các loại xe đi đi, về về hoà lẫn tiếng đài thu thanh trong các lán. Đây là đêm đầu tiên chúng tôi nghỉ trên đất miền Đông Nam Bộ.
      Đồng chí Trần Văn Trà đi xuống Quân đoàn 4 để kiểm tra kế hoạch của quân đoàn tiến công Xuân Lộc cũng vừa về trong đêm. Trời vừa sáng, đồng chí đã sang chỗ tôi ở.
      Chúng tôi vui mừng kể cho nhau nghe những chuyện vừa qua ở từng chiến trường và bàn sơ bộ về cách tổ chức làm việc giữa Đoàn A.75 với Bộ Tham mưu Miền. Sáng sớm ngày 4 tháng 4, chúng tôi đã liên lạc được bằng điện thoại với Hà Nội. Đây là một cố gắng lớn của tiểu đoàn thông tin vừa ở Tây Nguyên đến và có sự phối hợp chặt chẽ của đơn vị thông tin Miền. Tiểu đoàn thông tin này vừa được tổ chức xong đầu năm 1975 thì hành quân vào Tây Nguyên, bảo đảm cho Sở chỉ huy làm việc suốt thời gian chiến dịch giải phóng Tây Nguyên, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ. Tất cả cán bộ và chiến sĩ lại được lệnh lên đường vào Nam Bộ phục vụ trận quyết chiến chiến lược cuối cùng phối hợp với tất cả các đơn vị và phương tiện thông tin khác của Miền.
      Đồng chí Thượng tá Hoàng Niệm, Phó Tư lệnh bộ đội thông tin, ngày đêm vất vả, vừa tổ chức thông tin cho Sở chỉ huy, vừa huấn luyện cho các chiến sĩ thông tin mới bước vào chiến trường này.
      Xe gắn máy, một phương tiện giao thông độc đáo ở đây, hoạt động liên tục ngày đêm. Các đồng chí lái chở chúng tôi đi trong khu vực của các cơ quan trực thuộc Bộ chỉ huy Miền, đóng phân tán trong một vùng rộng đề phòng máy bay địch đánh phá. Khi chúng tôi còn ở Tây Nguyên, Bộ Tư lệnh B.2 (gồm Nam Bộ và Khu 6) biệt phái một đội xe gắn máy lên giúp, nay cùng trở về miền Đông Nam Bộ với đoàn xe hơi. Các đồng chí lái xe cổ quấn khăn rằn, vai đeo tiểu liên báng gập đi sát đoàn xe chúng tôi, hướng dẫn đi đúng lộ trình, khi thì vượt lên trước với tốc độ cao để bắt liên lạc với xe tiền trạm, khi thì tụt lại sau tìm xe chậm, bị lạc. Đêm đêm, trong các đường rừng gồ ghề, khúc khuỷu, các đồng chí mang các bức điện đến các xe thông tin vô tuyến, thường làm việc về đêm, vì ngày phải hành quân, và bao giờ cũng trú quân ở cách xa chúng tôi để bảo đảm an toàn bí mật cho các đồng chí chỉ huy và hệ thống điện đài, tránh sự trinh sát điện tử của máy bay và biệt kích địch.
      Các đồng chí trong Trung ương Cục và Quân uỷ Miền hoạt động nhiều năm trên chiến trường Nam Bộ, am hiểu sâu sắc về địch và ta, về tình hình Sài Gòn, giúp chúng tôi tìm hiểu được mau tình hình chiến trường Nam Bộ nói chung và tình hình Sài Gòn - Gia Định nói riêng.
      Sau mấy ngày nghe các đồng chí trong Bộ Tham mưu Miền báo cáo, ngày 7 tháng 4, chúng tôi dự họp với Trung ương Cục và Quân uỷ Míền. Trong buổi họp hôm đó có các đồng chí Phạm Hùng, Nguyễn Văn Linh (Mười Cúc), Trần Nam Trung, Trần Văn Trà, Phan Văn Đáng (Hai Văn), Võ Văn Kiệt (Sáu Dân), Phạm Văn Xô (Hai Xô) và các đồng chí Trung tướng Lê Đức Anh, Phó Tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Bộ chỉ huy Miền, Thiếu tướng Nguyễn Huy Tưởng (Hai Lê), phó Chính uỷ Bộ chỉ huy Miền, Thiếu tướng Đồng Văn Cống, Phó Tư lệnh Miền, Thiếu tướng Lê Ngọc Hiền, Đại tá Lương Văn Nho và một số cán bộ tham mưu, chính trị, hậu cần. Đồng chí Trung tướng Đinh Đức Thiện cùng dự họp.
      Ở đồng chí Phạm Hùng, Bí thư Trung ương Cục, cũng như các đồng chí khác, luôn luôn có một tác phong giản dị, một niềm lạc quan sôi nổi, một ý chí quyết thắng sắt đá.
      Phòng họp luôn có tiếng cười hồn nhiên, thoải mái. Hội nghị đã xem xét kỹ tình hình Nam Bộ, đặc biệt là tình hình thành phố Sài Gòn trong thời cơ thắng lợi chúng ta đã tiêu diệt và làm tan rã hai quân đoàn, giải phóng các tỉnh, thành phố trong hai Quân khu 1 và 2 của địch. Hội nghị nghiên cứu quán triệt những chỉ thị của Bộ Chính trị, Quân uỷ Trung ương và bàn các biện pháp cần thực hiện nhằm đẩy mạnh hoạt động quân sự, chính trị, giành thắng lợi mới, tạo thời cơ và điều kiện cho trận quyết chiến tổng công kích và nổi dậy giải phóng Sài Gòn, giải phóng các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.
      Khi bàn đến vấn đề bảo đảm hậu cần, đồng chí Phạm Hùng hỏi tình hình đạn dược của ta đã chuẩn bị đến đâu, đồng chí Đinh Đức Thiện đưa ra bản thống kê số đạn đã nhận được, số đạn đang chở các nơi đến và nói:
      - Xin báo cáo với các anh là đạn của ta đủ bắn để nó sợ đến ba đời.
      Và mỗi lần bàn đến từng thứ cần thiết chuẩn bị cho chiến dịch, có cái đã gần đủ, có cái còn thiếu nhiều, thì đồng chí Phạm Hùng lại chỉ thị biện pháp khắc phục, thỉnh thoảng nhắc lại câu nói của đồng chí Đinh Đức Thiện: làm sao cho có, cho đủ và nhanh "để đánh cho nó sợ đển ba đời" khiến mọi người trong cuộc họp cười rộ lên.
      Trung ương Cục và Quân uỷ Miền họp trong một không khí khá sôi nổi, náo nức của toàn Miền: các huyện, tỉnh ở Khu 9, Khu 8 liên tiếp báo về những thành tích chiến đấu và xây dựng trong mấy ngày đầu tháng 4 năm 1975. Trà Vinh cho biết, trước chỉ có 2 tiểu đoàn bộ đội địa phương, nay đã tăng lên 5 tiểu đoàn rồi. Rạch Giá có xã tuyển trong một ngày được 200 tân binh để lập thêm tiểu đoàn của tỉnh, còn ở mọi xã có một đại đội du kích. Bộ đội địa phương Quân khu 9 đánh chiếm cứ điểm Cái Vồn, Chợ Gạo, Long An đang mở rộng nhanh vùng giải phóng.
      Chiều ngày 7-4, chúng tôi đang họp thì một chiếc xe gắn máy chở một đồng chí người dong dỏng cao, mặc áo sơ mi màu xanh da trời, quần ka ki, đầu đội mũ cứng bộ đội, vai đeo một chiếc xà cột to bằng da màu đen, đến đỗ ngoài sân. Chúng tôi nhận ra ngay đấy là đồng chí Lê Đức Thọ.
      Cả phòng họp náo động, vui lên, mọi người đứng dậy. Chúng tôi ôm nhau hôn, mừng rỡ sung sướng.
      Đây là chuyến đi công tác thứ ba vào Nam Bộ của đồng chí Lê Đức Thọ trong ba mươi năm qua, kể từ khi Nam Bộ bước vào cuộc kháng chiến chống Pháp rồi chống Mỹ. Có lần đồng chí đi bộ, vượt qua những đoạn đường rừng hiểm trở, băng qua những bãi bom B.52, mang theo cơm nắm, lương khô. Lần này đồng chí đi máy bay, đi xe hơi và đi cả xe gắn máy để vào tới đây.
      Đồng chí Lê Đức Thọ tươi cười kể chuyện trong nước, dư luận thế giới trước thắng lợi của ta, chuyện hậu phương miền Bắc xã hội chủ nghĩa và cả chuyện đi đường.
      Đồng chí cho biết: trước khi đồng chí lên đường, Bộ Chính trị và Bác Tôn căn dặn là "Ra đi không thắng thì không được về".
      Ngày 8 tháng 4, trong cuộc họp đông đủ của Trung ương Cục, Quân uỷ Miền và Bộ Tư lệnh B.2, có thêm các cán bộ của Bộ Tổng tư lệnh tham dự, đồng chí Lê Đức Thọ phổ biến nội dung Nghị quyết của Bộ Chính trị họp ngày 25 tháng 3 ở Hà Nội. Đồng chí nói về nhận định của Bộ Chính trị về tình hình địch, ta trên chiến trường, âm mưu Mỹ - nguỵ trước những thất bại vừa qua và nguy cơ sụp đổ sắp đến của chúng. Sau đó đồng chí nói kỹ về quyết tâm chiến lược của Bộ Chính trị, nhấn mạnh đến tư tưởng chỉ đạo để thực hiện bằng được quyết tâm đó.
      Cuối cuộc họp, đồng chí phổ biến quyết định của Bộ Chính trị về việc thành lập Bộ chỉ huy Chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia Định gồm có tôi làm Tư lệnh, đồng chí Phạm Hùng, Chính uỷ, đồng chí Trần Văn Trà, Lê Đức Anh, Phó Tư lệnh. Riêng đồng chí Lê Đức Anh lại kiêm phụ trách chỉ huy cánh quân phía tây nam Sài Gòn, tức là Đoàn 232. Đồng chí Trung tướng Lê Trọng Tấn đang chỉ huy cánh quân phía đông được chỉ định làm Phó Tư lệnh Bộ chỉ huy chiến dịch giải phóng Sài Gòn. Đồng chí Đinh Đức Thiện là Phó Tư lệnh phụ trách về mặt hậu cần, giúp đồng chí Thiếu tướng Bùi Phùng, Cục trưởng Cục Hậu cần Miền. Đồng chí Trung tướng Lê Quang Hoà đang phụ trách Bí thư Ban cán sự cánh quân phía đông được điều động về làm Phó Chính uỷ kiêm Chủ nhiệm chính trị của Bộ chỉ huy chiến dịch. Đồng chí Lê Ngọc Hiền được chỉ định quyền Tham mưu trưởng chuyên trách về tác chiến.
      Bộ chỉ huy chiến dịch sử dụng các cơ quan tham mưu, chính trị, hậu cần vốn có của Miền để làm việc, có tăng cường thêm số cán bộ của Đoàn A.75 vừa ở Tây Nguyên tới và từ Bộ Tổng Tham mưu phái vào, trong đó có các đồng chí Thiếu tướng Doãn Tuế, Tư lệnh bộ đội Pháo binh, Đại tá Nguyễn Chí Điềm, Tư lệnh bộ đội Đặc biệt tinh nhuệ, Đại tá Lê Quang Vũ, Cục phó Cục quân báo, Đại tá Nguyễn Quang Hùng, Phó Tư lệnh bộ đội Phòng không - Không quân, Thượng tá Trương Đình Mậu, Cục phó Cục quân huấn, Thượng tá Lê Xuân Kiện, Phó Tư lệnh bộ đội Xe tăng, v.v.
      Trung ương Cục miền Nam, Quân uỷ và Bộ chỉ huy Miền vẫn tiếp tục nhiệm vụ như trước đối với toàn Miền, chỉ có một số đồng chí trực tiếp tham gia Bộ chỉ huy chiến dịch giải phóng Sài Gòn.
      Và lần này, trong trận quyết chiến chiến lược cuối cùng giải phóng Sài Gòn có ba đồng chí uỷ viên Bộ Chính trị Trung ương Đảng được cử ra phụ trách trực tiếp lãnh đạo mặt trận và nhận chỉ thị thẳng của Bộ Chính trị.
      Từ ngày 8 đến khoảng ngày 20 tháng 4, Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương cũng như chúng tôi ở chiến trường từng buổi, từng ngày theo dõi sự di chuyển của từng sư đoàn bộ binh, từng đoàn xe hậu cần, từng trung đoàn pháo binh hoặc tiểu đoàn cao xạ vào địa điểm tập kết. Trong những buổi giao ban hàng ngày thường nêu lên các câu hỏi: Sư đoàn này bây giờ đến đâu, có bao nhiêu xe vận tải, trung đoàn kia đã kéo theo mấy chục khẩu pháo, đi theo đường nào? Đạn đại bác 130 mi-li-mét có được bao nhiêu, đạn pháo 100 mi-li-mét của xe tăng đã chở được bao nhiêu chuyến rồi?.
      Trên tất cả các đường hành quân đều có những đoàn cán bộ được cử đi đôn đốc các đơn vị tiến quân, đón những đoàn xe hậu cần vào các kho quy định và hướng dẫn các đoàn tân binh đến bổ sung cho đơn vị trước khi bước vào chiến dịch.
      Những trận mưa đầu mùa đã đổ xuống rừng Lộc Ninh.
      Riêng đối với Sư đoàn 10 còn đang ở vùng Cam Ranh, trên đường hành quân vào miền Đông Nam Bộ còn có địch, đường lại vừa xa vừa khó đi không biết có vào đúng thời gian quy định được không? Chúng tôi điện cho đồng chí Hoàng Minh Thảo ở Khu 5 cho quân vào nhanh Cam Ranh để thay Sư đoàn 10 và điện thẳng cho Bộ Tư lệnh Sư đoàn 10 yêu cầu báo cáo một ngày ba lần cho biết đội hình hành quân, lịch hành quân trong ngày và hôm sau, những tình huống phải xừ trí dọc đường; điện cho đồng chí Đồng Sĩ Nguyên đưa xe vận tải xuống thêm để chở nhanh và gọn Sư đoàn 10, nếu thiếu xe thì đề nghị Bộ Tư lệnh Quân khu 5 tìm cách điều xe của quân khu hoặc mượn của dân để giúp Sư đoàn 10.
      Thời gian giục giã. Bộ Chính trị chỉ thị cho chúng tôi làm việc thật khẩn trương để có thể bắt đầu cuộc tổng công kích vào Sài Gòn càng sớm càng tốt.
      Qua kiểm tra tình hình, thấy các sư đoàn chủ lực chưa có thể vào hết trong thời gian đó và để cuộc tiến công có đủ sức mạnh ngay từ đầu, có đủ lực lượng dự bị phát triển liên tục cho đến toàn thắng, Bộ Chính trị cho chúng tôi thêm thời gian để chuẩn bị và quy định là phải mở cuộc Tổng tiến công Sài Gòn chậm nhất là vào hạ tuần tháng 4 năm 1975.
      Về theo dõi địch lúc này, ta đặc biệt chú ý những mặt biến động chính trị trong nội bộ chính quyền Thiệu và ở nước Mỹ từng ngày, từng giờ. Tất nhiên, những hoạt động quân sự của địch vẫn được ta nắm chắc không những trong phạm vi Sài Gòn mà cả trên toàn Nam Bộ, trong khu vực Đông Nam Á, đặc biệt ở Thái Lan và Philíppin. Diễn biến tình hình quân sự ở chiến trường Campuchia trong những ngày đầu tháng 4-1975 được theo dõi chăm chú, và tuy không hẹn mà có sự hiệp đồng chặt chẽ về mặt chiến lược và chiến dịch giữa ta và bạn.
      Bộ Chính trị điện cho chúng tôi: "Kế hoạch tiến công toàn diện cần bảo đảm một khi đã phát động thì phải tiến công thật mạnh và liên tục, dồn dập đến toàn thắng, vừa phát động tiến công ở ngoại vi, vừa có lực lượng sẵn sàng nắm thời cơ thọc sâu vào trung tâm của Sài Gòn từ nhiều hướng, thực hiện từ trong đánh ra, từ ngoài đánh vào, tạo điều kiện cho đồng bào nổi dậy.
      Trong tình hình hiện nay, thần tốc, táo bạo và bất ngờ là ở chỗ đó. Đây là phương án cơ bản và chắc thắng nhất. Cần có dự kiến và chuẩn bị đối phó với tình huống cuộc chiến đấu có thể kéo dài một thời gian".
      Lần lượt các Bộ Tư lệnh quân chủng, binh chủng, quân đoàn đến Sở chỉ huy chiến dịch nhận nhiệm vụ.
      Riêng đối với Quân đoàn 4 và Quân đoàn 2, Sư đoàn 3 của Quân khu 5 đang tác chiến ở cánh phía đông, cách Sở chỉ huy khá xa, Bộ chỉ huy chiến dịch cử đồng chí Đại tá Lương Văn Nho (Hai Nhã), lúc đó làm Tham mưu phó của Bộ chỉ huy, có nhiệm vụ chuyển một bản mệnh lệnh của Bộ chỉ huy chiến dịch trực tiếp giao cho đồng chí Lê Trọng Tấn. Bản mệnh lệnh đó có chữ ký của đồng chí Phạm Hùng và tôi. Mệnh lệnh nêu rõ là tất cả các binh đoàn thuộc cánh quân phía đông đều đặt dưới quyền chỉ huy của đồng chí Lê Trọng Tấn, tác chiến theo kế hoạch thống nhất của Bộ chỉ huy chiến dịch.
      Nhiệm vụ của cánh quân tây nam (Đoàn 232) do đồng chí Lê Đức Anh trực tiếp nhận lệnh sau khi đã thảo luận và quyết định ở Sở chỉ huy chiến dịch.
      Ngày 12-4-1975, đồng chí Vũ Lăng và đồng chí Nguyễn Hiệp (tức Đặng Vũ Hiệp) Tư lệnh và chính uỷ Quân đoàn 3 đến Sở chỉ huy chiến dịch nhận nhiệm vụ.
      Trong buổi họp giữa Bộ Tư lệnh chiến dịch với hai đồng chí đó cùng một số cán bộ cao cấp của Sở chỉ huy, có ý kiến đề nghị lấy tên Bác đặt tên cho chiến dịch giải phóng thành phố Sài Gòn. Đó là sự thể hiện lòng kính yêu vô hạn của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân đối với Bác, là niềm tin và ý chí quyết thắng của quân dân cả nước và đó cũng là sự biểu thị tấm lòng của Bác đối với đồng bào miền Nam ruột thịt, những người luôn "ở trong tim" của Người.
      Bộ chỉ huy chiến dịch nhất trí gửi một bức điện lên Bộ Chính trị xin được đặt tên chiến dịch tổng công kích và nổi dậy giải phóng Sài Gòn, chiến dịch quy mô lớn nhất, có ý nghĩa lịch sử sâu xa nhất trong cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc là Chiến dịch Hồ Chí Minh.
      Cho đến nay mỗi lần hồi tưởng những ngày mang ý nghĩa quyết định thay đổi vận mệnh của cả dân tộc, của hàng triệu người Việt Nam, những ngày xứng đáng để đổi cả cuộc đời, tôi càng ngẫm thấy, việc đặt tên cho chiến dịch thật có ý nghĩa, thật đẹp Hơn mọi tượng đồng, bia đá, nó là một đài kỷ niệm bất hủ, vĩnh viễn tồn tại vôi non sông, đất nước Việt Nam, khắc hoạ vào lịch sử dấu ấn của người con vĩ đại nhất của dân tộc.
      Ngày 14 tháng 4, đồng chí Nguyễn Hoà, Tư lệnh và đồng chí Hoàng Minh Thi, Chính uỷ Quân đoàn 1 đến nhận nhiệm vụ theo điện triệu tập. Qua báo cáo của hai đồng chí Nguyễn Hoà và Hoàng Minh Thi thì ngày 25 tháng 3, Quân đoàn 1 nhận được lệnh tham gia chiến đấu, ngày 2 tháng 4 Sư đoàn 320 lên đường trước, các binh chủng trực thuộc lần lượt lên đường và chậm nhất ngày 7-4 thì đơn vị cuối cùng cũng xuất phát và ước tính đến ngày 25-4 sẽ vào đủ ở khu vực tập kết.
      Sau khi nêu những đặc điểm về địch, những mặt cần khắc phục trong trận này ở chiến trường mới và giao nhiệm vụ cho từng quân đoàn, tôi nhấn mạnh thêm, các đồng chí Tư lệnh phải nhanh chóng đưa đơn vị đến đúng ngày, tổ chức chỉ huy và thông tin cho chắc, giữ được bí mật mọi hành động của đơn vị trước ngày nổ súng. Phải đặc biệt chú ý giáo dục bộ đội về ý nghĩa quyết định của chiến dịch đối với việc bảo đảm thắng lợi của chiến tranh và giữ gìn kỷ luật chặt chẽ, chấp hành nghiêm chỉnh các chính sách khi vào thành phố.
      Đồng chí Phạm Hùng, bằng một giọng chân tình, trìu mến nói chuyện với các đồng chí trong Bộ Tư lệnh các quân đoàn trước khi các đồng chí trở về đơn vị triển khai kế hoạch:
      - Chúng tôi ở B.2 thấy ta thắng to ở Tây Nguyên, ở miền Trung Trung Bộ, chúng tôi mừng lắm, các đồng chí ạ! Và chúng tôi đã thấy thời cơ giải phóng được cả miền Nam ngay trong năm nay. Giải phóng miền Nam rồi đi tới thống nhất thì đế quốc Mỹ vĩnh viễn không bao giờ trở lại được nữa. Các đồng chí sẽ cùng với chúng tôi, Trung ương Cục, Quân uỷ Miền, cùng với quân và dân miền Nam hoàn thành nhiệm vụ cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trong cả nước. Từ khi thành lập Đảng cho đến ngày nay, đây là giờ phút lịch sử vinh quang nhất. Trước kia Quang Trung đánh quân xâm lược cũng thần tốc lắm nhưng có dừng chân, còn quân đội ta từ ngoài Bắc vào, phối hợp với quân và dân trong Nam này thì không phải dừng chân ở đâu hết, đánh đâu được đấy, đánh nhanh, thắng lớn. Sức mạnh của Đảng, của nhân dân yêu nước, của các lực lượng vũ trang nhân dân lớn lắm. Đảng ta có truyền thống đoàn kết, nhân dân và quân đội ta có truyền thống đoàn kết, Nam - Bắc là một nhà, Việt Nam là một nước. Đây là cơ sở để bảo đảm thắng lợi của chúng ta.
      Tôi xin thay mặt Trung ương Cục hoan nghênh nhũng thắng lợi vừa qua của các đồng chí, hoan nghênh sự có mặt kịp thời của các đồng chí trên chiến trường miền Nam, hoan nghênh các đồng chí đã sẵn sàng để tham dự trận quyết chiến chiến lược lịch sử này, đánh vào dinh luỹ cuối cùng của chủ nghĩa thực dân mới ở nước ta. Xin chúc các đồng chí toàn thắng, chúng ta toàn thắng!".
      Bằng giọng rất cảm động, đồng chí Phạm Hùng nhắc: "Làm sao lúc kỷ niệm ngày sinh của Bác Hồ, chúng ta đã có mặt ở Sài Gòn".
      Đồng chí Lê Đức Thọ căn dặn các quân đoàn:
      "Trung ương giao cho Đảng bộ miền Nam, toàn thể các lực lượng vũ trang của ta hoàn thành nhiệm vụ glải phóng miền Nam. Quân đoàn là lực lượng mạnh, đánh hiệp đồng binh chủng lớn, có trang bị hiện đại, lại có sự phối hợp với các lực lượng tại chỗ, có sự yểm trợ của các binh chủng và quân chủng khác, phải hoàn thành tốt nhiệm vụ. Ta đánh Sài Gòn lúc địch đang ở thế tan rã, không còn ở thế mạnh.
      Nhưng đây là sào huyệt cuối cùng của chúng. Chúng không có đường chạy, sẽ cụm lại để đối phó. Chúng có 5 sư đoàn, ta có 15 sư đoàn, chưa kể các lực lượng dự bị chiến lược khác. Như vậy không cho phép chúng ta không đánh thắng. Đó là ý kiến của Trung ương. Lúc tôi đi các đồng chí trong Bộ Chính trị nói: "Phải thắng, không thắng không về". Đó là quyết tâm của Bộ Chính trị.
      Đế quốc Mỹ thì hoàn toàn không có khả năng trở lại. Hiện nay tất cả các tuyên bố của Mỹ đều nói rằng chúng không còn khả năng can thiệp được, và dù chúng có can thiệp đi nữa thì chúng ta cũng quyết đánh và đánh thắng lớn hơn. Tình hình rất thuận lợi, khả năng rất dồi dào, ta phải nắm thời cơ, làm cho nhanh, làm cho chắc".
      Đồng chí Lê Đức Thọ còn dặn các quân đoàn phải chú ý tìm hiều, nghiên cứu kỹ lưỡng địa hình vì các quân đoàn mới đến đang lạ chiến trường, tìm hiểu tính chất phức tạp của cấu trúc trong thành phố Sài Gòn, cách tổ chức thông tin liên lạc trong khi tác chiến, cách tổ chức phòng không khi tiên quân và trú quân, v.v.
      Đồng chí nhấn mạnh tính bất ngờ, dặn các đơn vị cố tạo ra nhiều cái bất ngờ đối với địch, nhằm đánh đúng chỗ hiểm yếu, các cơ quan đầu não địch. Đồng chí nói rất sinh động, dẫn hình ảnh của hai bên đánh nhau, dù kẻ địch còn mạnh, mình đánh trúng huyệt nó thì nó sẽ ngã ngay.
      Đồng chí không quên nhắc cho các quân đoàn biết là nhân dân Sài Gòn có phong trào, có truyền thống đấu tranh cách mạng, tuy tạm thời bị kìm kẹp, nhưng có nhịều khả năng nổi dậy nếu được lực lượng quân sự hỗ trợ tiến công nhanh, mạnh, dồn dập, từ bên ngoài.
      Về thời gian, đồng chí nhắc, mùa mưa sắp đến rồi, cần phải nhanh chóng hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ trước mùa mưa, hoàn thành trong tháng 5 năm 1975 thì càng có nhiều ý nghĩa.
      Trong khu rừng căn cứ Lộc Ninh, giữa tiếng ầm vang của hàng đoàn xe tăng, xe kéo pháo chạy ngoài đường, tiếng chuông reo của hàng chục máy điện thoại, tiếng thảo luận của các cơ quan tham mưu, chính trị, hậu càn. Đêm năm suy nghĩ chúng tôi nhớ đến những lời dạy của Bác Hồ khi Người còn sống, nhớ rõ những lời dặn thiêng liêng trong Di chúc của Người. Nhớ đến cuộc đời của Bác hy sinh tất cả cho sự nghiệp cách mạng, nhớ đến tên Bác đã được đặt cho thành phố Sài Gòn, Bộ chỉ huy chiến dịch nhất tri gửi một bức điện về Bộ Chính trị đề nghị xin được đặt tên chiến dịch tổng công kích và nổi dậy giải phóng Sài Gòn với ý nghĩa và quy mô lớn nhất trong cuộc chiếnn tranh giải phóng dân tộc: Chiến dịch Hồ Chí Minh.
      19 giờ ngày 14-4-1975, bức điện số 37/TK của Bộ Chính trị gửi đến mặt trận, toàn văn như sau:
      "Đồng ý chiến dịch Sài Gòn lấy tên là Chiến dịch Hồ Chí Minh"
      Dưới bức điện ký tên đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng kính yêu của chúng ta.

<< Chương 11 | Chương 13 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 936

Return to top