Khi Mặt trận Tây Nguyên nổ súng thì ở Trị Thiên quân ta cũng mở đầu hoạt động phối hợp, tiến công địch ở cả giáp ranh và đồng bằng. Lực lượng vũ trang quân khu đã bao vây trên một diện rộng các căn cứ địch, diệt và bức rút một số đồn bốt, đồng thời đẩy mạnh đánh phá các hậu cứ, kho tàng, cắt đường giao thông của địch.
Lực lượng Quân đoàn 2 tiến công địch trên tuyến tây nam Huế ở khu vực Núi Bông, Núi Nghệ, diệt được một số căn cứ của chúng và liên tục đánh phản kích, tiêu diệt một bộ phận, kìm chân lực lượng cơ động, không cho chúng rút khỏi Trị Thiên.
Ở đồng bằng, 7 tiểu đoàn bộ đội địa phương của ta cùng với 100 đội vũ trang công tác thọc xuống vùng sâu cùng lực lượng vũ trang tại chỗ và nhân dân trong cả 8 huyện đồng loạt nổ súng tiến công địch, tiêu diệt quận lỵ Mai Lĩnh, diệt gọn 11 phân chi khu trong số 30 phân chi khu bị tấn công, tiến hành vũ trang tuyên truyền trên một diện rộng gồm 53 xã với trên 2 vạn dân, sau khi địch bị thất bại nặng ở Tây Nguyên, Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương kịp thời chỉ đạo Mặt trận Trị Thiên và Quân đoàn 2 nhận rõ thời cơ nhanh chóng chuyển hướng tiến công.
Ngày 18 tháng 3, phán đoán địch có thể rút bỏ Huế, đưa Sư đoàn bộ binh 1 nguỵ vào Đà Nẵng và tổ chức phòng thủ từ đèo Hải Vân trở vào Nam, Bộ Tổng Tư lệnh chỉ thị cho Quân khu Trị Thiên do Thiếu tướng Lê Tự Đồng làm Tư lệnh kiêm Chính uỷ Quan khu và Quân đoàn 2 phải táo bạo đưa lực lượng thọc qua tuyến phòng thủ bên ngoài cắt đứt đường số 1 và áp sát Huế, nhằm mục tiêu trước mắt là tiêu diệt Sư đoàn bộ binh 1 không cho chúng rút về Đà Nẵng, giải phóng Huế và toàn bộ Trị Thiên.
Ngày 19 tháng 3, các lực lượng vũ trang địa phương Quảng Trị nắm kịp thời cơ chuyển sang tiến công giải phóng thị xã và toàn bộ tỉnh Quảng Trị. Tuyến phòng thủ phía bắc của địch, bị vỡ một mảng lớn, địch co về phòng thủ tuyến nam sông Mỹ Chánh.
Trong lúc đó Ngô Quang Trưởng, Trung tướng Tư lệnh Quân khu 1 nguỵ huênh hoang trên đài phát thanh Huế: "Tôi sẽ chết trên đường phố Huế. Việt cộng phải bước qua xác tôi mới vô được cố đô này", còn Thiệu thì ba hoa trên đài Sài Gòn: "Bỏ Kon Tum, Pleiku để bảo toàn lực lượng, còn Đà Nẵng, Huế, Quân khu 3, Quân khu 4 sẽ phải giữ đến cùng".
Chấp hành mệnh lệnh của Bộ Tổng tư lệnh, ngày 21 tháng 3, từ ba hướng bắc, tây và nam, các lực lượng Quân khu Trị Thiên và Quân đoàn 2 đồng loạt tiến công vượt qua các tuyến phòng thủ của địch, hình thành nhiều mũi bao vây Huế, đánh thiệt hại nặng Sư đoàn 1 bộ binh nguỵ, Lữ 147 thuỷ quân lục chiến nguỵ, cắt đứt Huếvà Đà Nẵng trên đoạn đường số 1 ở Mũi Né - Bái Sơn. Hàng nghìn xe di tản từ Huế vào Đà Nẵng phải quay lại trong cảnh rối loạn.
Pháo binh tầm xa của ta chế áp căn cứ Đống Đa, Mang Cá, bắn phá sân bay Phú Bài. Đường bộ bị cắt, đường không bị triệt, địch chỉ còn một lối thoát là rút chạy ra biển theo cửa Thuận An và cửa Tư Hiền. Con đường Huế - cửa Thuận An là niềm hy vọng cuối cùng của chúng, nhưng thực tế đã biến thành con đường chết đối với chúng.
Nắm vững ý đồ muốn tẩu thoát của địch, pháo ta một mặt khống chế chặt cửa Thuận An và không cho tàu địch vào đón bọn rút lui, mặt khác, bắn tập trung vào đội hình dày đặc của địch còn lại ở cửa Thuận An và cửa Tư Hiền làm cho chúng bị thiệt hại nặng nề. Bộ đội đặc công cũng thả mìn phong toả cửa Thuận An. Xe tăng, xe bọc thép, xe vận tải và hàng chục nghìn lính địch kéo đi kín đường bị pháo ta bắn, đạp nhau mà chạy, bắn nhau để lấy đường chạy.
Ngày 25 tháng 3, các cánh quân của ta đã kịp hợp vây tiêu diệt và làm tan rã quân địch rút lui còn lại ở cửa Thuận An và cửa Tư Hiền, đồng thời từ nhiều hướng, quân ta tiến công vào thành phố. Đúng 10 giờ 30 phút, lá cờ cách mạng được kéo lên đỉnh cột cờ trước Ngọ Môn.
Thành phố Huế hoàn toàn được giải phóng, người dân Huế sau 7 năm chờ đợi kể từ Tết Mậu Thân năm 1968, nay lại được thấy lá cờ cách mạng hiên ngang tung bay trước gió.
Trong quá trình bộ đội tiến hành bao vây chia cắt và truy kích địch, quần chúng đứng lên phối hợp hành động bằng cách dẫn đường cho bộ đội, chỉ đường địch chạy cho quân ta đuổi truy lùng địch lẩn trốn, giúp đỡ bộ đội vượt sông, diệt bắt tề điệp ác ôn làm cho địch càng nhanh chóng tan rã.
Sư đoàn 1 nguỵ từng được Mỹ coi là sư đoàn thiện chiến của quân nguỵ bị tiêu diệt và tan rã. Tiêu diệt Sư đoàn 1 bộ binh nguỵ, giải phóng thành phố Huế và toàn bộ Trị Thiên, ta đã giáng một đòn nặng vào âm mưu co cụm chiến lược của địch, làm suy yếu và uy hiếp nặng nề Quân đoàn 1 nguỵ.
Chiều ngày 26 tháng 3, trong nhà hầm chỉ huy, tôi đang xem xét lại kế hoạch thực hiện lệnh thành lập Quân đoàn 3 của Bộ Tổng tư lệnh và tổ chức lực lượng bảo vệ Tây Nguyên sau khi giải phóng, suy nghĩ về cách tiếp tục phát triển các binh đoàn Tây Nguyên và chuẩn bị cho kế hoạch di chuyển hậu cần, trinh sát đi vào miền Đông Nam Bộ, thì đồng chí Nguyễn Tuyến đến báo cho biết tin Huế được hoàn toàn giải phóng. Tôi không nén được xúc động. Huế được giải phóng vĩnh viễn rồi, không phải ta chỉ làm chủ quyết liệt được 25 ngày đêm như Tết Mậu Thân năm 1968.
Các đồng chí Trần Văn Quang, Lê Quang Đạo, Trần Quý Hai cũng như các anh em trong Bộ Tư lệnh, các đơn vị bộ đội, tham gia cuộc tổng tiến công và nổi dậy trên mặt trận Huế, đường số 9, Khe Sanh, Quảng Trị mùa Xuân 1968 nghe được tin này chắc là cũng vui mừng khôn tả. Tôi châm lửa vào điếu thuốc. Tôi đã "cai" thuốc từ lâu, nhưng mỗi lần giải quyết được một vấn đề gì gai góc, giành được một thắng lợi gì lớn, được tin một chiến thắng xuất sắc thì hút một điếu cho vui.
Hoạt động phối hợp với Mặt trận Tây Nguyên, các lực lượng vũ trang Quân khu 5, do đồng chí Thượng tướng Chu Huy Mân làm Tư lệnh và đồng chí Võ Chí Công làm Chính uỷ Quân khu, ngoài việc dùng Sư đoàn 3 đánh địch và cắt đường số 19, đã giải phóng Tiên Phước, Phước Lâm, đánh bại quân địch phản kích, buộc địch rút khỏi Sơn Hà, Trà Bồng, giải phóng gần hết vùng giáp ranh, đồng thời đẩy mạnh đánh phá bình định ở đồng bằng, nhất là ở Quảng Ngãi và Bình Định.
Sau khi ta giành thắng lợi lớn ở Tây Nguyên, Khu uỷ và Bộ Tư lệnh Quân khu 5, nhạy bén trước thời cơ mới, đã bỏ kế hoạch phát triển về phía nam, chuyển hướng tiến công về phía bắc nhằm tạo điều kiện cho việc giải phóng Đà Nẵng.
Sau ngày 18 tháng 3, Quân uỷ Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh cũng chỉ thị cho Khu 5 nhận rõ thời cơ mới đang xuất hiện, đẩy mạnh tiến công với tinh thần khẩn trương và mạnh bạo, nhanh chóng phá vỡ tuyến giáp ranh, tiến xuống cắt đứt đường số 1, đoạn đường giữa Đà Nẵng và Tam Kỳ, tiêu diệt Sư đoàn bộ binh số 2 nguỵ, không cho chúng co cụm về Đà Nẵng, tổ chức pháo kích Đà Nẵng và chuẩn bị tích cực và khẩn trương cho trận đánh Đà Nẵng.
Chấp hành chỉ thị nói trên, ngày 21 tháng 3, một Trung đoàn thuộc Sư đoàn 2 của ta đánh chiếm Tuần Dưỡng, cắt đường bộ từ Tam Kỳ ra Đà Nẵng, đánh thiệt hại nặng Trung đoàn 5 thuộc Sư đoàn 2 nguỵ, uy hiếp Tam Kỳ, kéo Sư đoàn 2 nguỵ từ Quảng Ngãi ra để tiêu diệt; nhân cơ hội đó dùng một lực lượng khác thọc nhanh, giải phóng Quảng Ngãi.
Ngày 22 tháng 3, Quân uỷ Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh lại nhận định: "Địch đang rút khỏi Huế và cũng không loại trừ khả năng chúng rút bỏ Đà Nẵng", chỉ đạo Khu 5 chuẩn bị tích cực đánh Đà Nẵng theo phương án đã dự kiến.
Ngày hôm sau, trước tình hình Trị Thiên đang phát triển rất nhanh và quán triệt các chỉ thị của Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương, Thường vụ khu uỷ Khu 5 họp mở rộng, hạ quyết tâm mới: "Động viên toàn đảng bộ, toàn dân trong Khu phấn đấu trong thời gian ngắn nhất, giải phóng hoàn toàn Khu 5". Trong hai ngày 24 và 25 tháng 3, Sư đoàn 2 của quân khu phối hợp với bộ đội địa phương tiêu diệt và làm tan rã Trung đoàn 4 và Trung đoàn 5 của Sư đoàn 2 nguỵ, giải phóng Tam Kỳ và Tuần Dưỡng. Lực lượng địa phương Quảng Ngãi phối hợp với quần chúng tiến công và nổi dậy giải phóng phía bắc tỉnh.
Ta phát triển tiến công chiếm căn cứ Chu Lai, đồng thời lực lượng vũ trang, chính trị Quảng Ngãi liên tiếp tiến công và nổi dậy giải phóng hoàn toàn tỉnh Quảng Ngãi. Việc giải phóng Quảng Ngãi, Tam Kỳ, Tuần Dưỡng và tiêu diệt những sinh lực ở đây làm cho thế phòng thủ của địch ở Đà Nẵng bị uy hiếp thêm về phía nam. Thiệu ở Sài Gòn lại kêu gọi "tử thủ Đà Nẵng", Mỹ - nguỵ cũng có ý định nếu chúng không giữ được thì cũng phải "trì hoãn" một - hai tháng để tranh thủ thời gian, bố trí lại thế phòng ngự chiến lược đang tan vỡ từng mảng lớn, đồng thời di tản một triệụ dân hòng gây tác động chính trị xấu cho ta, đẩy mạnh hoạt động ngoại giao hòng gây sức ép để buộc ta ngừng tấn công. Tên Thiếu tướng Tham mưu phó Bộ Tổng Tham mưu nguỵ Nguyễn Xuân Trang được lệnh hoả tốc ra Đà Nẵng kiểm tra tình hình và chuyển từ tổng kho Long Bình ra Đà Nẵng 20.000 khẩu súng để bổ sung cho các đơn vị ở đây. Kế hoạch của địch phòng thủ Quảng Nam - Đà Nẵng được vạch ra nhằm thu hẹp phạm vi phòng thủ, tập trung Sư đoàn thuỷ quân lục chiến, Sư đoàn 3 bộ binh và các đơn vị quân chủng, binh chủng để cố thủ Đà Nẵng.
Ngày 25 tháng 3, Quân uỷ Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh, trên cơ sở nhận định: "Sau khi mất Huế, Tam Kỳ, Quảng Ngãi, Chu Lai, địch dù có muốn giữ Đà Nẵng cũng không thể được", quyết định mở trận tiến công Đà Nẵng với tư tưởng chỉ đạo "kịp thời nhất, nhanh chóng nhất, táo bạo nhất, bất ngờ nhất và chắc thắng", và chỉ thị cho Quân đoàn 2 và Khu 5 "hành động táo bạo, bất ngờ, làm cho địch không kịp trở tay, tập trung lực lượng diệt sinh lực lớn của địch ở Đà Nẵng, chủ yếu là Sư đoàn thuỷ quân lục chiến và Sư đoàn 3 nguỵ, giành thắng lợi lớn trong trận quyết chiến này, tạo điều kiện cho trận quyết chiến chiến lược sau".
Để chỉ huy trận đánh quan trọng này, ngày 25 tháng 3, Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương quyết định thành lập Bộ Tư lệnh Mặt trận Quảng Đà, gồm các đồng chí Trung tướng Lê Trọng Tấn làm Tư lệnh, đồng chí Thượng tướng Chu Huy Mân làm Chính uỷ. Đồng chí Lê Trọng Tấn đáp máy bay từ Hà Nội vào Gio Linh. Lúc đó đồng chí Chu Huy Mân đang chỉ huy một cánh quân ở rất xa, giữa Quảng Tín và Quảng Ngãi. Muốn chỉ huy đánh Đà Nẵng phải lập sở chỉ huy ở phía tây Đà Nẵng. Đồng chí Lê Trọng Tấn tới Quảng Trị liền rẽ lên A Lưới theo đường phía đông Trường Sơn rồi vòng về phía tây Đà Nẵng. Đồng chí dùng tổng trạm điện thoại giữa đường để bắt liên lạc với các cánh quân. Thấy tình hình rất gấp, đồng chí dùng điện đài làm việc với đồng chí Chu Huy Mân, thống nhất cách tác chiến. Bộ Tư lệnh và Đảng uỷ Mặt trận Quảng Đà như thế là vẫn chưa gặp mặt nhau.
Trong những ngày này, tôi cũng rất nóng ruột về tình hình Khu 5. Ở xa, không nắm được tình hình cụ thể, tôi điện cho đồng chí Hoàng Văn Thái, Phó Tổng Tham mưu trưởng, nên chỉ thị cho Quân đoàn 2 gồm các Sư đoàn 304, 324, 325 triển khai ngay pháo tầm xa khống chế sân bay và cảng Đà Nẵng, nhanh chóng cùng với lực lượng Quân khu 5 tiêu diệt tập đoàn địch co cụm ở Đà Nẵng. Làm được như thế thì sẽ đỡ cho chiến trường Nam Bộ trong bước tới. Cũng cần tăng cường chỉ huy đối với trận đánh quan trọng này.
Từ ngày 25 tháng 3, thành phố Đà Nẵng trở nên hỗn loạn. Các lực lượng của ta tiến nhanh áp sát thành phố. Địch buộc phải bỏ kế hoạch co cụm ở Đà Nẵng và bắt đầu dùng máy bay Boeing 727 và máy bay lên thẳng di tản bọn cố vấn Mỹ và một phần lực lượng nguỵ. Chúng tranh nhau lên máy bay, gây ra cảnh huyên náo, ẩu đả ở sân bay. Có những tên bị bánh máy bay đè nát trên đường băng hoặc mắc kẹt trong càng máy bay lên thẳng. Binh lính, sĩ quan nguỵ cùng gia đình chen nhau chạy. Sư đoàn thuỷ quân lục chiến địch trước khi rút chạy gây ra nhiều vụ cướp bóc, bắn nhau và hãm hiếp phụ nữ. 3.200 tân binh địch ở trung tâm huấn luyện Hoà Cầm nổi dậy đấu tranh bỏ ngũ chạy ra với cách mạng hoặc về nhà.
Pháo lớn của ta bắt đầu bắn vào sân bay Đà Nẵng, căn cứ Hoà Khánh, nơi Bộ Tư lệnh Sư đoàn 3 nguỵ đóng, cảng Sơn Trà, Sở chỉ huy Sư đoàn ở Non Nước làm cho địch trong thành phố càng hoảng loạn. Anh em ta bị địch bắt giam ở nhà lao Non Nước vùng dậy phá nhà lao, thoát ra ngoài. Sư đoàn 2 của Quân khu 5 do đồng chí Đại tá
Nguyên Chơn - Anh hùng lực lượng vũ trang - làm Sư đoàn trưởng, sau khi giải phóng Tiên Phước, Phước Lâm, Tam Kỳ, tiến đánh phía nam Đà Nẵng. Ngày 29 tháng 3, bộ binh và xe tăng thuộc Quân đoàn 2 cùng lực lượng vũ trang của Quân khu 5 từ bốn hướng bắc, tây bắc, tây nam và nam nhanh chóng đánh thẳng vào thành phố, chiếm sân bay Đà Nẵng, các vị trí quan trọng khác, nhất là bán đảo Sơn Trà. Trong khi đó một trung đoàn độc lập của quân khu cũng đánh chiếm Non Nước và sân bay Nước Mặn. Một số cơ sở cách mạng và quân biệt động ta ở trong thành phố chiếm cầu Trịnh Minh Thế, cắm cờ ở toà thị chính, tự vệ và nhân dân dẫn đường cho bộ đội chiếm nhanh chóng các vị trí địch và đuổi bắt tàn quân địch.
Trong vòng 32 giờ ta đã tiêu diệt và làm tan rã hơn 100.000 quân địch ở Đà Nẵng, chiếm được một căn cứ quân sự liên hợp mạnh, giải phóng Đà Nẵng, thành phố lớn thứ hai ở miền Nam. Với việc giải phóng Đà Nẵng, ta đã kết thúc quá trình tiêu diệt và làm tan rã toàn bộ Quân đoàn 1, xoá bỏ Quân khu 1 của nguỵ, tạo điều kiện thúc đẩy quân nguỵ nhanh chóng đi tới chỗ sụp đổ hoàn toàn.
Ngô Quang Trưởng, sau khi thoát chết tại cuộc họp ở căn cứ hải quân Sơn Trà, dùng máy bay lên thẳng bay ra tàu chiến chạy một mạch về Sài Gòn, vào nằm ở Tổng y viện cộng hoà.
Chiến dịch Huế - Đà Nẵng thắng lớn có ý nghĩa chiến lược hết sức quan trọng. Cùng với chiến thắng Tây Nguyên, chiến thắng Huế, Đà Nẵng làm thay đổi hẳn so sánh lực lượng về mặt chiến lược hoàn toàn có lợi cho ta, trực tiếp đánh bại âm mưu co cụm chiến lược của địch, làm cho Sài Gòn suy yếu, tạo điều kiện cho ta tập trung lực lượng áp đảo trong trận quyết chiến cuối cùng.
Chúng tôi cũng nhận được tin về chiến trường Nam Bộ qua thư của đồng chí Trần Văn Trà, Tư lệnh bộ đội Nam Bộ và Khu 6 (còn gọi là B2) gửi ra. Ở hướng Long Khánh - đường số 20, sau khi giải phóng Định Quán, Hoài Đức, Gia Rai, ta đưa phần lớn Sư đoàn 7 có pháo và xe tăng đi cùng, nhằm tiến công và giải phóng Lâm Đồng.
Sư đoàn 7 thuộc Quân đoàn 4 nắm vững thời cơ, lần đầu tiên sử dụng binh chủng hợp thành tiến theo đội hình xe bọc thép đi trước, rồi xe tăng, bộ binh, pháo binh, hậu cần đi sau, thẳng đường số 20 tiến quân, gặp địch đâu đánh đấy với khí thế chưa từng thấy. Bọn địch dọc đường ngơ ngác, hoảng sợ, đứa bỏ trốn, đứa chạy lên đồi đứng xem quân ta tiến. Sư đoàn 7 phát triển nhanh, giải phóng tỉnh Lâm Đồng và thị xã Bảo Lộc.
Đồng chí Trần Văn Trà tiếc rằng không có thêm lực lượng để sau khi giải phóng xong Lâm Đồng tiến lên giải phóng Liên Khằng - Đrăng và Đà Lạt.
Ở hướng Dầu Tiếng - đường số 22, sau khi tiêu diệt địch ở chi khu Dầu Tiếng, các vị trí Bến Củi, suối Ông Hùng, Cầu Khởi, ngã tư Đất Sét trên, đường 26, ta cắt đường số 22, cô lập Tây Ninh và kéo quân chủ lực nguỵ ra để diệt, tạo điều kiện cho quân ta có thời cơ sẽ tiến đánh giải phóng Tây Ninh. Ở hướng Sư đoàn 5 và Sư đoàn 3 của ta, quân ta đã mở xong hành lang thông với Khu 8 đồng bằng sông Cửu Long, đang chuyển hướng nhằm tiêu diệt Sư đoàn bộ binh 9 và Lữ đoàn thiết giáp 4 nguỵ ở Mộc Hoá, sau đó chuẩn bị đánh tiếp tiểu khu Mộc Hoá. Ta đã mở rộng khu vực bắc Cái Bè (Mỹ Tho) và đông Kiến Phong, kênh Nguyễn Văn Tiếp.
Ở hướng Khu 9 miền Tây Nam Bộ, Vĩnh Long đánh tốt nhưng Hậu Giang đánh còn hơi sượng. Nhìn chung, địch ở Nam Bộ còn đông, tinh thần đã bị ảnh hưởng lớn trước thất bại lớn ở hai quân khu 1 và 2. Song ta chưa có những trận thắng lớn rung động, do đó, địch chưa có hiện tượng tan rã.
Muốn tạo được thời cơ, cần có những trận đánh tịêu diệt lớn, những đòn bất ngờ gây rung động lớn, đẩy địch vào con đường tan rã, không còn gì để co cụm và cũng không còn chỗ để co cụm. Một trong những quy luật cơ bản của chiến tranh là tiêu diệt lực lượng quân sự của địch, cả sinh lực lẫn phương tiện chiến tranh. Địch có nhiều loại quân, nhiều loại lực lượng. Ta chọn đúng đối tượng, đánh gục những lực lượng chủ yếu của chúng thì mới làm cho địch tan rã nhanh chóng, thay đổi so sánh lực lượng càng lợi cho ta và tạo ra một sự nổ chuyền liên tục, ngày càng lan rộng. Lúc này đối tượng chủ yếu của quân ta là đội quân chủ lực nguỵ, nhất là các cơ quan chỉ huy đầu não của chúng. Đập trúng thì từ đó sẽ kéo theo sự tan rã của toàn bộ hệ thống phòng thủ và nguỵ quyền ở từng chiến trường. Địch không tan rã bỏ chạy nếu ta không giáng cho chúng đòn chí tử, đánn nhanh, đánh mạnh, đánh liên tục.
Tại Sở chỉ huy Mặt trận Tây Nguyên, ngày 18 tháng 3 giữa lúc địch đang rút chạy khỏi Tây Nguyên, chúng tôi cũng đã bàn tới phương hướng phát triển của bộ đội Tây Nguyên.
Chúng tôi phân tích kỹ tình hình địch và ta.
Thắng lợi của ta ở Tây Nguyên tác động rất mạnh đến sự bố trí chiến lược và tinh thần của địch. Ta tiến công mạnh, phát triển nhanh làm cho địch tan rã mau. Để tránh thế cô lập, bị bao vây không tiếp tế nổi, sớm muộn sẽ bị tiêu diệt hết, địch buộc phải vội vã rút khỏi Tây Nguyên. Ý định của địch rút lực lượng ở Tây Nguyên về là để bảo vệ các tỉnh đồng bằng Quân khu 2 đang rất sơ hở.
Ở Bình Định, địch có Sư đoàn 22, còn các tỉnh khác chúng chỉ có bảo an, dân vệ. Chung quanh Sài Gòn, địch vẫn giữ lực lượng như cũ hoặc có thể tăng cường thêm. Trên toàn miền Nam, Quân đoàn 2 của địch là quân đoàn bị tiêu diệt nhiều sinh lực nhất và phải bỏ một địa bàn chiến lược trọng yếu là toàn bộ Tây Nguyên gồm năm tỉnh. Đây là vấn đề chưa từng có từ trước đến nay trong lịch sử chiến tranh ở Việt Nam. Quân đoàn 2 nguỵ cũng là quân đoàn bị mất tinh thần nhiều nhất. Trước mắt, Quân đoàn 2 nguỵ ít có khả năng tổ chức những cuộc phản kích lớn khác lên Tây Nguyên nói chung và Buôn Ma Thuột nói nêng. Thất bại của địch ở Tây Nguyên và các chiến trường khác đẩy thêm chính quyền Thiệu vào thế suy yếu, sa sút.
Nếu chúng thất bại về quân sự thêm nữa thì sẽ dẫn tới khả năng chính quyền Thiệu sụp đổ.
Thắng lợi của ta ở Tây Nguyên là hết sức to lớn, được thực hiện vượt mức kế hoạch. Ta còn nhiều điều kiện tốt để tiếp tục phát triển thắng lợi. Địch đang hoang mang, rối loạn và bị ta đuổi sát. Lực lượng ta qua chiến đấu càng trưởng thành. Tinh thần của bộ đội ta mạnh lên gấp nhiều ỉần. Hậu cần vẫn bảo đảm, không những chỉ mới dùng hết một phần số lượng đạn dược đã dự tính trong kế hoạch mà lại còn lấy thêm được khá nhiều của địch. Đường chiến lược cho xe tải chạy thông và nhanh hơn trước. Thời tiết mùa khô còn khoảng tháng rưỡi để ta tiếp tục hoạt động.
Các chiến trường của ta trên toàn miền Nam đều đã hoạt động phối hợp tốt.
Trước mắt, vấn đề đặt ra là lực lượng Tây Nguyên nên phát triển hướng nào cho liên tục nhất, nhanh nhất, lợi nhất, phát huy được sức mạnh nhất và còn nhiều thời gian để hoạt động nhất. Sự phát triển đó nhằm mục đích tiêu diệt nhiều sinh lực địch, chia cắt chiến lược cả về quân sự và về hành chính lãnh thổ do chính quyền Thiệu tạm kiểm soát ở miền Nam, làm đảo lộn thế bố trí chiến lược và tình thế chiến lược của địch, thúc đẩy thêm sự tan rã về quân sự và sự suy sụp về chính trị của Thiệu.
Nếu dừng lại, tiến công vào một hướng khác, thì địch sẽ co cụm.
Sau khi thảo luận sôi nổi, chúng tôi nhất trí hướng phát triển chiến dịch của lực lượng Tây Nguyên là tiến về phía đông. Cụ thể là chúng tôi phát triển xuống ven biền cùng với bộ đội Quân khu 5 giải phóng tỉnh Bình Định, Phú Yên và một phần tỉnh Khánh Hoà, tiéu diệt nhiều sinh lực địch và giải phóng hơn một triệu dân. Lúc này bộ đội ta đang náo nức muốn thừa thắng tiến nhanh về đồng bằng.
Nhân dân vùng ven biển cũng đang tấp nập đi chữa đường, đắp đường, tải gạo, tải đạn, mong đón bộ đội chủ lực về.
Như vậy, ta sẽ chiếm giữ cả ba đường chiến lược số 7, số 19 và số 21 nối thông vùng rừng núi với đồng bằng, vùng ven biển Khu 5 đông dân với vùng Tây Nguyên thưa dân. Cuộc tiến quân về đồng bằng này còn nhằm tiêu diệt nốt Sư đoàn 22 nguỵ là lực lượng còn lại của Quân đoàn 2, các lực lượng biệt động quân và quân địa phương ở ba tỉnh Bình Định, phú Yên, Khánh Hoà, sẵn sàng tiêu diệt hai hoặc ba trung đoàn địch ở Quân khu 1 hoặc ở Quân khu 3 kéo tới tiếp viện. Làm được như vậy thì cơ bản ta tiêu diệt được Quân đoàn 2 của địch, giải phóng Quân khu 2, cắt rời toàn bộ hệ thống phòng thủ của địch ở miền Nam ra làm đôi cô lập Quân khu 1 của địch ở phía bắc.
Về sau chúng tôi lại bổ sung vào ý định nói trên: ở phía đường số 21, khi giải phóng Khánh Dương xong, phát triển xuống đèo Mơ Đrắc, tạo điều kiện thọc xuống giải phóng Ninh Hoà, rồi tiến vào giải phóng Nha Trang, Cam Ranh.
Lúc này, cần phải giải quyết hai vấn đề: một là nhanh chóng củng cố bộ đội, trang bị thêm vũ khí cho các đơn vị, hai là hướng dẫn cách đánh địch. Còn vấn đề hậu cần thì không lo, vì ta có ba con đường chiến lược xuống đồng bằng, vận chuyển bộ đội và vũ khí đạn dược, lương thực, thực phẩm hoàn toàn bằng cơ giới. Tổng cục Chính trị đã đưa nhiều cán bộ vào, không những để tăng cường sức chiến đấu cho bộ đội mà còn góp phần tích cực vào việc xây dựng chính quyền cơ sở ở các địa phương vừa mới giải phóng. Tổng cục Kỹ thuật điều tới mặt trận thêm 300 kỹ sư và công nhân để dồn lắp và sửa chữa hàng trăm xe tăng, xe vận tải và pháo địch.
Ngày 19 tháng 3, tôi làm việc với các đồng chí Bùi San, Nguyễn Tuấn Tài, Thường vụ khu uỷ Khu 5, và đồng chí Huỳnh Văn Mẫn, uỷ viên khu uỷ Khu 5 kiêm Bí thư tỉnh uỷ Đắk Lắk. Tình hình trong thị xã và vùng ven dần dần ổn định. Hầu hết nhân dân thị xã ở lại với cách mạng.
Chợ họp, bệnh viện hoạt động trở lại. Sau hai ngày, thị xã đã được cung cấp nước. Các tầng lớp nhân dân họp míttinh mừng quê hương giải phóng. Hăng hái nhất là giới công nhân và thanh niên học sinh, nhiều người tự nguyện xung phong đi làm vệ sinh đường phố, sửa chữa đài phát thanh, Bửa chừa điện nước, tham gia giữ gìn trật tự, an ninh.
Trong các cuộc họp, nhân dân thị xã nêu nhiều câu hỏi. Bây giờ dân tiếp tục làm ăn thế nào? Có được đi làm ruộng nương suốt ngày đến tối mới về không? Có được vào rừng xẻ gỗ không? Tiền gửi ngân hàng có được lấy ra không? Công chức, nhà giáo dục có được lĩnh lương không? Các trường học có mở lại không và học theo chương trình nào?
Tôi góp ý kiến với các đồng chí lãnh đạo địa phương và chỉ thị cho Bộ Tư lệnh Tây Nguyên giúp đỡ giải quyết mấy vấn đề lớn: xây dựng chính quyền cơ sở, lực lượng vũ trang địa phương, thi hành các chính sách kinh tế, văn hoá, giáo dục, tổ chức tiếp tế cho 100.000 dân ở thị xã và vùng ven Buôn Ma Thuột cùng hơn 50.000 nhân dân di cư ở các vùng phụ cận, chấp hành đúng các chính sách đối với các dân tộc, các nhà tư sản, các ngoại kiều. Địa phương thiếu nhiều cán bộ và mong các cán bộ người dân tộc đang học ở trường dân tộc ngoài Bắc trở về ngay để công tác, cũng như cán bộ trong cả nước đến giúp. Ta bước đầu lập một quân khu vừa làm nhiệm vụ quân quản vừa lãnh đạo các mặt đối với ba tỉnh ở Tây Nguyên. Thành phần Quân khu uỷ gồm cả cán bộ quân sự và cán bộ dân, chính Đảng; tổ chức này không ra công khai nhưng trực tiếp chỉ đạo việc bảo vệ, khôi phục và xây dựng kinh tế ở Tây Nguyên. Anh em ước tính ở đây có thể khai thác thêm hàng trăm nghìn hécta đất trong một số năm. Có chiến sĩ vui vẻ nói: Đi qua Buôn Ma Thuột nhìn xem đất đai, trời ơi là trời, sướng quá anh ạ. Đất nước mình như thế này mà bảo là nhỏ và nghèo thì không đúng nữa rồi.
Trận tiến công phát triển về hướng đồng bằng ven biển miền Trung từ đầu tháng 3 sang đầu tháng 4 năm 1975 theo các trục đường số 19, số 7 và số 21 mở màn trong khí thế mãnh liệt. Trên đường số 19, Sư đoàn 968 tiến xuống tỉnh Bình Định, cùng với Sư đoàn 3 của Quân khu 5 tiêu diệt và làm tan rã Sư đoàn 22 nguỵ ở Phú Phong, Lai Nghi, Phù Cát. Nhân dân trong thị xã Quy Nhơn nổi dậy cùng lực lượng vũ trang địa phương giải phóng thị xã, giải phóng bán đảo Phước Lý, Phước Hải, làm cho tàu biển địch không vào bờ bốc bọn tàn quân được Cùng ngày, ta đánh chiếm sân bay Gò Quánh, bắt 1.000 tên địch, thu 30 máy bay còn nguyên. Thế là ý định của địch tháo chạy khỏi Quy Nhơn, đưa một bộ phận trung đoàn 41, 42 xuống tàu để vào tăng cường phòng thủ Nha Trang bị phá vỡ. Tại bãi biển Quy Nhơn, hàng nghìn tên không kịp lên tàu đã bị bắt và đầu hàng. Toàn tỉnh Bình Định được giải phóng.
Trên đường số 7, Sư đoàn 320 giải phóng Củng Sơn rồi tiến nhanh xuống giải phóng luôn thị xã Tuy Hoà, Tuy An, Sông Cầu và giải phóng hoàn toàn tỉnh Phú Yên.
Tại khu vực Nha Trang, Bộ chỉ huy biệt động quân nguỵ Quân khu 2 và trung tâm huấn luyện biệt động quân Dục Mỹ được chỉ thị gấp rút tổ chức lại 2 liên đoàn trong đó Tiểu đoàn 72 mới tổ chức xong đã được lệnh tăng cường cho Lữ đoàn 3 dù ở Khánh Dương. Một bộ phận tàn quân các nơi về mới đổ quân lên Cam Ranh buổi sáng thì được lệnh của tên Trung tướng nguỵ Lê Nguyên Khang, Tổng Tham mưu phó, sắp xếp đưa lên tăng cường cho Khánh Dương bị tiến công mạnh. Tên tướng nguỵ Phạm Văn Phú chỉ huy Quân khu 2 lại gào "tử thủ Nha Trang" trong khi lãnh sự quán Mỹ ở đây lo di tản. Bọn sĩ quan, binh lính nguỵ lo thu vén cho vợ con chạy, 3.000 lính nguỵ ở trung tâm huấn luyện Lam Sơn, trường hạ sĩ quan bỏ chạy về thị xã, cảnh sát gác trại giam cũng bỏ chạy. 2.000 lính nguỵ bị tù thoát ra, cướp súng bắn lung tung, cướp bóc bừa bãi, làm cho thị xã thêm hỗn loạn.
Giữa lúc đó trên đường số 21, đồng chí Vũ Lăng và đồng chí Nguyễn Hiệp cùng Sư đoàn 10 đuổi địch chạy về phía ven biển. Đồng chí Vũ Lăng nóng ruột muốn được về giải phóng Ninh Hoà, nơi 29 năm về trước, trong hàng ngũ bộ đội Nam tiến, đồng chí đã chiến đấu gian khổ chống giặc Pháp xâm lược. Khi tới đèo Phượng Hoàng thì đồng chí Vũ Lăng được lệnh phải quay về Sở chỉ huy đại diện Bộ Tổng tư lệnh để nhận nhiệm vụ mới. Sư đoàn 10, sau khi giải phóng Khánh Dương, Ninh Hoà, tiến vào thị xã Nha Trang.
Nhân dân thị xã và một số cảnh sát đi xe máy ra đón bộ đội ta, dẫn đường vào chiếm các vị trí quân sự và các trụ sở chính quyền địch. Bộ đội ta xông vào nơi ở của tên Phạm Văn Phú, mâm cơm mới bày ra, hắn chưa kịp ăn đã bỏ chạy. Một số địch ở Nha Trang chạy thoát về Cam Ranh, một mạch chạy tiếp về Phan Rang. Trong lúc đó, 15 giờ 20 phút ngày 2 tháng 4, Thiệu gửi cho Tư lệnh Quân khu 2: "Giao việc phòng giữ Cam Ranh cho Tư lệnh duyên hải đảm trách". Thừa thắng, Sư đoàn 10 đánh tiếp và tiến vào giải phóng Cam Ranh, một trong những quân cảng lớn và quan trọng, và như thế là giải phóng toàn bộ tỉnh Khánh Hoà.
Phạm Văn Phú chạy về Phan Thiết thì gặp tên Phó Tư lệnh Quân khu 3 ra báo cho biết: Thiệu sáp nhập hai tỉnh cực Nam của Quân khu 2 là Ninh Thuận và Bình Thuận vào Quân khu 3, nhằm phòng thủ Sài Gòn từ xa. Toàn bộ Quân khu 2 nguỵ không còn trên bản đồ.
Cần nói thêm rằng khi thấy lực lượng dự bị của ta ở Tây Nguyên còn đông, chúng tôi đã giao nhiệm vụ cho một đơn vị tiến đánh giải phóng Đà Lạt. Giải phóng Đà Lạt sẽ tạo điều kiện mở đường đưa bộ đội xuống đánh chiếm sân bay Thành Sơn (Phan Rang), một căn cứ không quân quan trọng của địch án ngữ đường tiến của quân ta vào Nam Bộ ở phía đông. Chúng tôi lấy trung đoàn bộ đội đặc công đi làm nhiệm vụ này. Đà Lạt không chỉ là một nơi nổi tiếng về sản xuất rau và hoa quả mà còn là một thành phố nghỉ mát, một trung tâm văn hoá và khoa học. Ở đây có một cơ sở nghiên cứu nguyên tử và một số trường, viện. Phải giáo dục bộ đội tiến công Đà Lạt về tinh thần kỷ luật và tổ chức tốt việc tiếp quản thành phố, giữ gìn và bảo quản tốt mọi thiết bị, phương tiện, mọi cơ sở. Trung đoàn đặc công 198 do đồng chí Thiếu tá Trần Kình chỉ huy được trang bị xe pháo vượt qua tỉnh Quảng Đức và thị xã Gia Nghĩa vừa được quân chủ lực miền Đông Nam Bộ giải phóng để cùng bộ đội Khu 6 tiến về giải phóng Đà Lạt.
Cán bộ cơ quan tham mưu ở mặt trận lúc này phải thốt lên: "Vẽ bản đồ không kịp bước quân đi".
Tất cả các chiến trường đang thừa thắng xốc tới.