Hội nghị Bộ Chính trị vừa bế mạc thì hôm sau, ngày 9-1-1975, Thường trực Quân uỷ Trung ương họp, có mời thêm các đồng chí Võ Chí Công, Chu Huy Mân, Hoàng Minh Thảo, Lê Trọng Tấn để quán triệt và thực hiện nghị quyết của Bộ Chính trị.
Chúng tôi nghe báo cáo của Bộ Tổng Tham mưu về mục đích, yêu cầu của Chiến dịch Tây Nguyên. Đang họp thì được tin địch vẫn tiếp tục điều chỉnh sư đoàn dù để phòng thủ khu vực Đà Nẵng. Như thế là địch chưa phát hiện được lực lượng và chuẩn bị của ta ở Tây Nguyên.
Đến cuộc họp của Thường trực Quân uỷ, ý định đánh Buôn Ma Thuột mới thật sự rõ nét. Mọi người đều thấy ý nghĩa quan trọng của trận đánh vào thị xã này, nhưng cách đánh để thắng cho nhanh thì còn phải nghiên cứu thực tế tại chỗ mới đi tới quyết định được.
Cuộc họp vừa bắt đầu thì đồng chí Lê Đức Thọ bất ngờ mở cửa vào và ngồi họp với chúng tôi. Sau chúng tôi hiểu rằng Bộ Chính trị chưa thật yên tâm vì thấy ý định đánh Buôn Ma Thuột chưa được thể hiện rõ ràng trong kế hoạch tác chiến, cho nên đã cử đồng chí Lê Đức Thọ đến tham gia góp ý kiến với chúng tôi là nhất quyết phải đánh Buôn Ma Thuột. Đồng chí Lê Đức Thọ nói sôi nổi: "Phải đặt vấn đề dứt khoát là giải phóng Buôn Ma Thuột. Ta có gần 5 sư đoàn ở Tây Nguyên mà không đánh được Buôn Ma Thuột là thế nào?".
Đồng chí Võ Nguyên Giáp, Bí thư Quân uỷ Trung ương, kết luận xác định khu vực và mục tiêu tiến công, nhiệm vụ chiến dịch, hướng phát triển, sử dụng lực lượng, gợi ý về cách đánh, nhấn mạnh đến phương châm mạnh bạo, bí mật, bất ngờ, phải nghi binh rất nhiều để làm cho địch tập trung sự chú ý vào việc bảo vệ phía bắc Tây Nguyên.
Chiến dịch Tây Nguyên được mang mật danh "Chiến dịch 275".
Lúc này tại Mặt trận Tây Nguyên, đồng chí Thiếu tướng Vũ Lăng, Tư lệnh Mặt trận, cùng một số cán bộ bắt đầu lên đường đến vùng Buôn Ma Thuột nghiên cứu tình hình.
Theo đề nghị của đồng chí Lê Duẩn và đồng chí Lê Đức Thọ, Bộ Chính trị cử tôi vào chiến trường Tây Nguyên, thay mặt Bộ Chính trị, Quân uỷ Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh để chỉ huy trực tiếp tại chỗ.
Cuộc họp lịch sử kết thúc, các đồng chí trong Bộ Chính trị lần lượt ôm hôn, bắt tay tôi và chúc lên đường mạnh khỏe giành thắng lợi lớn. Đối vôi một quân nhân cách mạng, được ra trận chiến đấu là một niềm vui lớn. Được đi thực hiện một nghị quyết quan trọng của Đảng mà mình đã hiểu rõ là một hạnh phúc và là một sự yên tâm lớn đối với tôi, giống như những lần đi Chiến dịch Đường số 9 mùa Xuân năm 1971 và Chiến dịch Xuân - Hè Quảng Trị năm 1972. Sau cuộc họp Bộ Chính trị với đại diện các chiến trường, tôi nói với đồng chí Trần Văn Trà: "Kỳ này vào đánh Tây Nguyên cho đến trước mùa mưa, đánh xong tôi sẽ vào Nam Bộ cùng với các đồng chí nghiên cứu chiến trường và chuẩn bị để đánh lớn trong mùa khô 1975-1976".
Toàn quân náo nức chuẩn bị ra trận. Ngày 26-1-1975, tôi cùng đồng chí Thiếu tướng Phùng Thế Tài, Phó Tổng Tham mưu trưởng, đến thăm Quân đoàn 1 đóng ở Ninh Bình để giao nhiệm vụ cụ thể năm 1975. Quân đoàn được thành lập đầu tiên gồm những đơn vị có nhiều truyền thống oanh liệt và chiến công vẻ vang trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, ngày nay đã trở thành một lực lượng có sức chiến đấu cao, sức cơ động lớn, sức đột kích mạnh. Tôi nói chuyện động viên bộ đội: "Hoạt động của Quân đoàn phải theo sát, phải ăn khớp với hoạt động của chiến trường. Nhịp đập của Quân đoàn phải hoà với nhịp đập của miền Nam. Quả đấm mà Quân đoàn tung ra mạnh, ăn khớp, kịp thời với những quả đấm mạnh khác và nhằm đúng chỗ để làm cho địch phải "đo ván". Mong rằng tiếng trống xung trận của Quân đoàn phải rộn lên và tiếng kèn chiến thắng của Quân đoàn phải vang lên đĩnh đạc hoà đúng nhịp với bản hoà tấu của toàn quân và toàn dân. Vậy xin hỏi: "Các nhạc công có mặt ở đây có làm được không? Nếu các nhạc công đồng ý thì nhạc trưởng là Quân uỷ Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh sẵn sàng nâng chiếc gậy của mình lên đúng lúc, đúng thời cơ".
Toàn thể hàng quân hô vang: "Làm được, làm được! Quyết thắng, quyết thắng!".
Lúc này tại Tây Nguyên ta đã có các sư đoàn 320, 10 và 968 là những sư đoàn có rất nhiều kinh nghiệm chiến đấu ở chiến trường rừng núi và Tây Nguyên. Cuối tháng 12 năm 1974, Bộ Tổng tư lệnh quyết định điều thêm Sư đoàn 316 vào Tây Nguyên. Đây là sư đoàn có truyền thống vẻ vang, chiến đấu từ 20 năm nay, từng đi nhiều và đi xa, đánh thắng trong kháng chiến chơng Pháp. Trong kháng chiến chống Mỹ và tay sai, sư đoàn đi làm nhiệm vụ quốc tế trong một thời gian dài. Trước ngày sư đoàn lên đường vào Tây Nguyên, tôi và đồng chí Thiếu tướng Đàm Quang Trung, Tư lệnh Quân khu 4 đến thăm và nói chuyện với sư đoàn lúc đó đang trú quân ở tây Nghệ An.
Tôi nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ sư đoàn sau khi phổ biến tình hình và quyết tâm của Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương: "Có hai câu thơ luôn luôn nung nấu trong lòng mà trước đây tôi không nhớ tên tác giả, đã nói lên mối hận chung và chua xótmà mọi người Việt Nam cần phải thanh toán: "Đất nước 30 năm cầm súng mà vầng trăng còn xẻ làm đôi". Chiến trường, thời cơ, nhiệm vụ, lúc này chính là lúc chúng ta lên đường để cùng toàn dân đưa vầng trăng trở lại ngày rằm trọn vẹn. Kẻ địch mà chúng ta đã gặp có nhiều cái khác hơn kẻ địch các đồng chí đã gặp trước đây: ngoan cố, tinh ma, có nhiều kinh nghiệm hơn, vũ khí, trang bị nhiều hơn, thủ đoạn tác chiến xảo quyệt hơn. Nhưng vẫn là kẻ địch phi nghĩa có truyền thống bại trận, đang gặp khó khăn về mọi mặt, đang nghèo dần cả về tinh thần và vật chất, đang suy yếu cả về thế và lực. Không có lý gì mà Sư đoàn 316 không đánh thắng được bọn nguỵ đang trong cái thế suy yếu chung của chúng và giữa cái thế đang lên của cách mạng miền Nam".
Cán bộ, chiến sĩ sư đoàn giơ cao tay hô căng lồng ngực: "Quyết thắng, quyết thắng" và hứa: "Đi xa, đi cho đến, đánh cho thắng".
Theo quyết định của Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương, bộ phận đại diện của Quân uỷ Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh tại Mặt trận Tây Nguyên được thành lập gồm có: tôi và các đồng chí Trung tướng Đinh Đức Thiện, chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần, Thiếu tướng Lê Ngọc Hiền, Phó Tổng Tham mưu trưởng, cùng một số cán bộ có nhiều kinh nghiệm của cơ quan Bộ Tổng Tham mưu và các quân chủng, binh chủng.
Trong kháng chiến chống Pháp, đồng chí Đinh Đức Thiện đã có nhiều kinh nghiệm về tổ chức vận tải bảo đảm cho tiền tuyến, đặc biệt là trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Trong kháng chiến chống Mỹ, đồng chí đã chỉ đạo ngành hậu cần vượt mọi khó khăn, ác liệt, bảo đảm vận chuyển, đáp ứng mọi nhu cầu cho bộ đội đánh thắng chiến tranh phá hoại của địch ở miền Bắc và chi viện cho các chiến trường miền Nam, đặc biệt là bảo đảm thắng lợi cho Chiến dịch Đường 9 mùa Xuân năm 1971 và Chiến dịch giải phóng Quảng Trị năm 1972. Đồng chí là một cán bộ tích cực cách mạng, không bao giờ bàn lùi, vui tính, xông xáo, dám làm và biết làm ăn lớn, nhưng do tuổi đã ngoài "lục tuần" dễ xúc động, cho nên việc gì không hài lòng thường hay nổi nóng. Chúng tôi biết nhau và hiểu nhau từ ngày ở trong tù của thực dân Pháp, trước Cách mạng Tháng Tám. Tôi vỗ vai đồng chí Đinh Đức Thiện: "Thời cơ tới rồi, Bộ Chính trị đã phân công, làm trận này thắng lợi thì cái thân già này sau có nhắm mắt cũng yên tâm".
Đồng chí Lê Ngọc Hiền đã cùng chiến đấu với chúng tôi từ hồi mới Tổng khởi nghĩa ở Chiến khu 2 năm 1945 và ở Đại đoàn 320 (Đại đoàn Đồng bằng) đến cuối năm 1953. Đồng chí đã đi nhiều chiến trường đánh Mỹ rồi lại về Bộ Tổng Tham mưu.
Sau khi đã được hướng dẫn và nhận nhiệm vụ, đồng chí Lê Ngọc Hiền lên đường vào Tây Nguyên trước để nghiên cứu chiến trường và chuẩn bị kế hoạch tác chiến.
Các đồng chí cán bộ cơ quan Bộ Tổng Tham mưu và các quân chủng, binh chủng là những đồng chí đã cùng đi với tôi trong các chiến dịch năm 1971, năm 1972, là những cán bộ có kinh nghiệm công tác tham mưu binh chủng hợp thành, năng nổ, tháo vát. Được đi chiến dịch lần này, đồng chí nào cũng hớn hở, phấn chấn.
Đánh giặc, các cán bộ chỉ huy của ta đều theo những nguyên tắc chung. Nhưng mỗi người thường có một cách đánh riêng của mình. Tôi được Đảng cho đi học một lớp quân sự 15 ngày trước Cách mạng Tháng Tám và chỉ sau khi miền Bắc được hoàn toàn giải phóng, tôi mới được đi học tại một học viện quân sự nước ngoài. Nhưng do được Đảng rèn luyện và được trưởng thành trong đấu tranh từ một đảng viên trong chi bộ độc lập thời bí mật, và đã từng chủ động hoạt động cách mạng suốt thời gian đứt liên lạc với Đảng, cho nên quá trình ấy tạo cho tôi tính độc lập và tính táo bạo.
Đầu năm 1952, làm Tư lệnh Đại đoàn 320, tôi cùng các đồng chí trong Bộ Tư lệnh tổ chức và thực hiện trận tập kích vào Phát Diệm, đưa bộ đội luồn qua các vị trí địch ở vòng ngoài trên một chặng đường dài 20km, bất ngờ đánh thẳng vào thị trấn, tiêu diệt đầu não chỉ huy địch, chiếm giữ thị trấn một ngày rồi mới đưa bộ đội trở ra tiêu diệt các vị trí địch ở vòng ngoài. Anh em gọi đấy là lối đánh "Nhảy dù" hoặc "Hoa sen nở".
Chúng tôi suy nghĩ nhiều về chiến trường sắp đến: Tây Nguyên, vùng đất nên thơ và kiên cường, bất khuất của tổ quốc trung thành đi theo Đảng, Bác Hồ và cách mạng từ những ngày chống Pháp, chống Mỹ đầu tiên, cống hiến tất cả cho sự thắng lợi của cách mạng. Tây Nguyên, quê hương của những trường ca bất hủ và của những anh hùng N Trang Lơng, Núp, liệt sỹ Vưu. Phải giải phóng Tây Nguyên và trước mắt là Buôn Ma Thuột, thị xã lớn nhất Tây Nguyên. Nhưng đánh Buôn Ma Thuột như thế nào để thắng nhanh nhất, gọn nhất, bất ngờ nhất. Chiến thắng Phước Long cho thấy năm 1975 ta có nhiều khả năng giải phóng thị xã và thành phố. Chắc chắn là các thị xã ở Tây Nguyên khó đánh hơn so với thị xã Phước Long.
Tây Nguyên hồi đó gồm 5 tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Phú Bổn, Đắk Lắk và Quảng Đức, là một chiến trường rừng núi nối liền với vùng ven hiểm trở. Khi ta chuẩn bị đánh Tây Nguyên thì địch ở đây có một sư đoàn chủ lực, 7 liên đoàn biệt động quân (tương đương 10 trung đoàn) và 4 thiết đoàn xe tăng, thiết giáp. Chúng đã bố trí trong thế phòng ngự hoàn chỉnh. Nhưng do phán đoán sai ý định của ta, cho rằng nếu đánh Tây Nguyên ta sẽ đánh phía bắc, nên chúng tập trung lực lượng giữ lấy Pleiku, Kon Tum; ở nam Tây Nguyên, cụ thể là ở Đắk Lắk, chúng để lực lượng ít hơn. Thị xã Buôn Ma Thuột, tỉnh lỵ Đắk Lắk, với 150.000 dân là một trung tâm chính trị và kinh tế của địch, là nơi đóng sở chỉ huy của Sư đoàn 23. Ở đây địch cũng có sai lầm trong việc đánh giá ta. Chúng cho rằng, năm 1975 ta chưa đủ sức đánh thị xã lớn và thành phố, dù có đánh cũng không giữ được khi chúng phản kích lại. Vì vậy, tuy Buôn Ma Thuột là một vị trí xung yếu, nhưng trước khi ta đánh, địch bố trí lực lượng không mạnh lắm, có nhiều sơ hở, càng vào bên trong thị xã, lực lượng càng mỏng.
Giải phóng được Buôn Ma Thuột thì đập vỡ được hệ thống phòng ngự của địch ở Tây Nguyên, tạo ra một thế trận hiểm và cơ động có thể làm thay đổi nhanh cục diện chiến trường.
Khi quyết định về đánh Buôn Ma Thuột đã dứt khoát, tôi vội điện vào Tây Nguyên dặn đồng chí Lê Ngọc Hiền không cần ra Hà Nội để báo cáo nữa mà ở lại nghiên cứu thêm tình hình thị xã Buôn Ma Thuột rồi trở ra, đến Sở chỉ huy của đồng chí Đồng Sĩ Nguyên, Bộ Tư lệnh 559, tức là bộ đội Trường Sơn, gặp tôi trên đường vào Tây Nguyên.
Tôi đến chào đồng chí Trường Chinh trước khi lên đường. Đồng chí hỏi thăm tình hình bộ đội, công việc chuẩn bị và chúc ra đi mang thắng lợi về.
Những lời dặn dò công việc chỉ đạo chiến dịch của đồng chí lúc chia tay nhắc tôi quán triệt đầy đủ nội dung những ý kiến sâu sắc mà đồng chí đã phát biểu trong cuộc họp của Bộ Chính trị. Tôi nhớ lại lời khẳng định và dự kiến sáng suốt của đồng chí về chiều hướng phát triển tất yếu của cuộc chiến tranh cách mạng. Đồng chí Trường Chinh nói: "Phải có những đòn tiêu diệt chiến lược lớn như Điện Biên Phủ, và cũng chỉ cần vài ba đòn như vậy, kẻ địch sẽ sụp đổ ngay. Phải nắm chắc quyền chủ động, đánh vào những chỗ buộc địch phải đỡ, khi đỡ thì chúng sẽ rơi vào cạm bẫy của ta".
Đồng chí Lê Đức Thọ gặp tôi, bắt tay và nói: "Trận đánh lớn này mà ta thắng thì nhất định sẽ tạo ra một thế mới rất lợi cho ta. Cậu chú ý giữ sức khỏe".
Một ngày cuối tháng 1-1975, tôi đến chào đồng chí Lê Duẩn. Đồng chí nhắc lại tầm quan trọng của trận đánh Buôn Ma Thuột và của cả Tây Nguyên là để tạo ra thời cơ mới, rồi hỏi tôi:
- Lực lượng đã đủ chưa?
Tôi đáp:
- Quân của ta như vậy là được, biết dùng thì tạo ra được ưu thế.
Đồng chí hỏi lại:
- Có cần đưa thêm lực lượng vào nữa không?
Những lần tôi đi chiến dịch mấy năm trước cũng thế, đồng chí Lê Duẩn thường chú ý hỏi việc chuẩn bị lực lượng còn thiếu những gì, cần Trung ương giúp những gì.
Đồng chí Lê Duẩn dặn thêm:
- Nên suy nghĩ nhiều và có cách đánh đúng. Chiến trường Tây Nguyên có thể làm ăn to được, đánh thắng có thể dẫn đến khả năng ta dự kiến là trong năm nay giải phóng miền Nam.
Tôi lần lượt đi thăm và bắt tay tạm biệt các đồng chí Võ Nguyên Giáp, Song Hào, Hoàng Văn Thái, Lê Quang Đạo trong Quân uỷ Trung ương. Ý đã đồng, tâm đã nhất, chúng tôi không nói nhiều với nhau lúc chia tay, nhưng người đi chiến trường và người ở nhà đều tâm đắc một điều là lần này nhất định phải tạo nên một biến chuyển khác hẳn những chiến dịch trước.