Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Cuộc Chiến VN >> ĐẠI THẮNG MÙA XUÂN

  Cùng một tác giả
Không có truyện nào


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 55387 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

ĐẠI THẮNG MÙA XUÂN
Văn Tiến Dũng

Chương 15

Trong quá trình cuộc tổng tiến công chiến lược, Đảng ta theo dõi rất sát sự suy yếu của địch, phát hiện kịp thời những biểu hiện tan rã của chúng để tích cực tạo thời cơ và kịp thời tận dụng thời cơ. Đánh đúng thời cơ thì lực lượng nhỏ cũng thành sức mạnh lớn, lực lượng lớn sẽ thành sức mạnh lớn hơn rất nhiều. Thời cơ chính là lực lượng và là sức mạnh.
      So sánh lực lượng quân sự và tình thế chính trị chuyển biến đưa đến một bước ngoặt hoàn toàn bất lợi cho địch. Rốcpheolơ, Phó Tổng thống Mỹ, ngay từ ngày 2 tháng 4 đã phải thú nhận: "Đã quá muộn để có thể làm bất cứ việc gì nhằm lật ngược tình thế". Nhưng ngoan cố và xảo quyệt vốn là bản chất của đế quốc Mỹ và bọn tay sai. Bọn cuồng chiến Mỹ - nguỵ vẫn còn cố sức bày mưu lập kế hòng cứu vãn tình hình, ngăn chặn "một trận Oatéclô thứ 2" có thể chôn vùi uy danh của tên trùm sỏ đế quốc Mỹ.
      Thời gian càng trôi qua, chiến trường càng thu hẹp, quân lính, tướng tá địch thua trận chạy trốn về Sài Gòn càng làm cho bọn còn lại hoảng hốt, lo sợ. Pho và Kissinger vừa lâm ly, thống thiết với bè lũ Thiệu: "xin chia sẻ nỗi niềm không vui, tiếc hận cho những cuộc rút lui bắt buộc", vừa động viên hứa hẹn: "Mỹ sẽ đứng vững đằng sau Việt Nam cộng hoà"(!)
      Pho và Kissinger ra sức thúc ép quốc hội Mỹ tăng khối lượng viện trợ khẩn cấp lên 722 triệu đô la, yêu cầu được quyền sử dụng lực lượng quân sự gọi là để "di tản và bảo vệ di tản".
      Được quan thầy hà hơi cổ vũ, bè lũ Thiệu ra lệnh cố thủ phần đất còn lại kể từ Phan Rang trở vào. Đến ngày tận số, chúng còn nuôi ảo tưởng coi đế quốc Mỹ như ông chủ đáng tin cậy, sẵn sàng đưa tay ra dắt chúng bước khỏi vũng lầy. "Đại sứ" Mỹ Matin như người thầy thuốc ngồi bên con bệnh nặng là Thiệu, giữ Thiệu sống trong cái ảo tưởng đó.
      Nhưng quân nguỵ "chẳng có mấy thời gian để thực hiện kế hoạch tử thủ, cũng như ổn định vành đai phòng thủ cho một phần ba Nam Việt Nam còn lại". Đó là những lời bàn tán trong nội bộ chúng. Cuộc tổng tiến công chiến lược của ta phát triển rất nhanh về tốc độ, đang tiến tới đỉnh cao mới.
      Quân giải phóng Campuchia đã áp sát vào Phnôm Pênh, Lon Non bỏ cả Phnôm Pênh, chỉ kịp mang theo một tay nải chạy theo chủ Mỹ. Lầu năm góc mở cuộc hành quân "diều hâu" để rút lui. Giôn Đin, "Đại sứ" Mỹ ở Phnôm Pênh, cũng tranh lên một chiếc máy bay chạy sang Thái Lan, tay xách chiếc túi nhựa đựng lá cờ Mỹ vừa hạ ở Sứ quán. Bọn cố vấn Mỹ và bọn tay sai đầu sỏ tranh nhau chạy khỏi Phnôm Pênh. Ngày 17 tháng 4, Quân giải phóng tiến vào thành phố, bọn nguỵ Campuchia đầu hàng không điều kiện. Mỹ tỏ ra hoàn toàn không còn khả năng tham chiến trở lại và cứu bọn nguỵ tay sai. Không phải là do chúng thiếu lực lượng mà chính là do chúng thấy rằng, dù chúng có tung vào bao nhiêu vũ khí, đô la, hoặc liều lĩnh dùng lực lượng quân sự trở lại xâm lược Campuchia và miền Nam Việt Nam thì cũng không sao đảo ngược được tình thế mà chỉ chuốc lấy thất bại lớn hơn. Dư luận thế giới cho rằng cuộc rút lui của Mỹ ở Campuchia là cuộc diễn tập của chúng để chuẩn bị rút khỏi miền Nam Việt Nam.
      Giải phóng Phnôm Pênh, giải phóng Campuchia là chiến thắng vĩ đại, là một bản anh hùng ca của quân và dân Campuchia. Sự kiện đó cho thấy thế suy yếu thảm hại của đế quốc Mỹ ở bán đảo Đông Dương. Điều đó báo trước sự thất bại hoàn toàn của chúng và bọn tay sai ở miền Nam Việt Nam. Nguỵ quyền Sài Gòn nhìn vào tình hình Campuchia với nỗi lo sợ, hoang mang rõ rệt và mối nghi ngờ bọn chủ Mỹ.
      Trong khi đó, tình hình cách mạng Lào đang phát triển tốt đẹp càng cổ vũ cán bộ, chiến sĩ ta ngoài mặt trận. Bọn phản động cực hữu Lào bị nhân dân Lào ở nhiều nơi lên án và trừng trị. Quần chúng hướng về cách mạng, về Đảng nhân dân cách mạng Lào và Mặt trận Lào yêu nước, đòi hỏi thành lập một chính quyền dân chủ nhân dân.
      Mỹ - nguỵ trong bước đường cùng, bề ngoài tiếp tục gào thét tử thủ, bên trong dao động hốt hoảng. "Dinh Độc lập" của Thiệu trở thành một cứ điểm phòng thủ được tăng cường gấp ba lần so với trước đây, cứ 30 đến 40 mét lại có một lô cốt nhỏ, mũi súng liên thanh chĩa ra ngoài, ngay trước Dinh một máy bay lên thẳng túc trực sẵn sàng trên bãi cỏ, xe tăng bố trí dưới những rặng cây.
      Trần Văn Đôn, Bộ trưởng quốc phòng nguỵ, trong báo cáo ngày 18 tháng 4, sau khi đi kiểm tra một số khu vực phòng thủ, đã bi đát kêu lên: "quốc gia đang trong tình trạng nguy ngập thật sự. Sự sống còn chỉ có thể tính từng ngày, từng tuần, không thể tính từng tháng".
      Matin, "Đại sứ" Mỹ, ngày 19 tháng 4, cũng mật báo tình hình tuyệt vọng về Oasinhtơn: "Các đơn vị đối phương đang cùng lúc hội tụ về khu vực Sài Gòn từ mọi hướng với một lực lượng hậu bị to lớn hơn lực lượng chính phủ (nguỵ quyền Sài Gòn) rất nhiều, có khả năng bao vây thành phố và cô lập thành phố này trong vòng một hay hai tuần nữa. Mặc dù phía chính phủ (?) có thể tăng viện một hoặc hai mặt trận bằng cách rút lực lượng từ khu vực Cần Thơ hoặc Mỹ Tho trong châu thổ, nhưng việc này cũng không thể làm gì hơn là kéo dài thêm sự tồn tại của Sài Gòn khoảng một tuần, bởi vì quân đối phương hầu như ngay tức khắc sẽ có khả năng loại trừ những lực lượng tăng cường này với lực lượng gấp bội của họ".
      Ở Đà Nẵng, Quy Nhơn, Nha Trang, Mỹ từng chạy trước và chạy nhanh hơn nguỵ. Đến giờ phút đen tối này, quan thầy Mỹ lại càng nhanh chân phát huy "sở trường".
      Chính quyền Pho - Kissinger mang trong đầu óc biết bao nhiêu tham vọng nhưng không thể tính toán khác được, vì có liều lĩnh cũng không cứu vãn được mà còn chui đầu trở lại con đường hầm không lối thoát và thất bại sẽ càng lớn hơn. Ba mươi sáu chước, chước "chuồn" là hơn.
      Ngày 18 tháng 4, chính quyền Pho - Kissinger ra lệnh di tản gấp bọn Mỹ ở Sài Gòn và cử Đin Brao phụ trách lực lượng đặc nhiệm dưới quyền chỉ đạo của Pho - Kissinger để điều khiển di tản. Một lực lượng lớn không quân, hải quân Mỹ gồm 35 tàu chiến, có bốn chiếc tàu sân bay, chiếm gần một phần ba tổng số loại đó của Mỹ, và hàng trăm máy bay các loại hoạt động nhộn nhịp trong một cuộc hành quân rút chạy hốt hoảng bắt đầu từ ngày 21-tháng 4. Trong cơn lốc kinh hoàng của cuộc di tản mà ngày cuối cùng được mệnh danh là cuộc hành quân "người liều mạng", máy bay lên thẳng Mỹ nhào lộn rối rít trên bầu trời Sài Gòn, đỗ xuống sân thượng sứ quán Mỹ và một số sân thượng khác trong thành phố để bốc đi những người Mỹ đang chen chúc chờ trên nóc nhà. Binh sĩ nguỵ tuyệt vọng trước cảnh Mỹ tháo chạy. Không còn những cuộc hành quân diễu võ giương oai để "tìm diệt", chỉ còn cuộc hành quân "liều mạng" tháo chạy lịch sử của đế quốc Mỹ.
      Trước khi cao chạy xa bay, Mỹ còn gây ra cho nhân dân ta biết bao thảm cảnh đầy máu và nước mắt. Chúng bắt cóc hàng nghìn trẻ em đưa về Mỹ và nước ngoài, với mục đích trước mắt nhằm gây xúc động dư luận, xin thêm viện trợ cho bọn nguỵ Sài Gòn, về lâu dài định làm cho các trẻ em này quên Tổ quốc, chống lại tổ quốc sau này. Những linh hồn bé bỏng, nạn nhân trò bịp lớn của Mỹ - nguỵ, đã phải rời gia đình và Tổ quốc trong tiếng gào thét thảm thiết. Hàng trăm em đã chết khi một máy bay vừa rời sân bay bị hỏng đâm nhào xuống đất. Sự tàn bạo của đế quốc Mỹ chỉ làm chúng tôi ở chiến trường thêm căm phẫn và thêm quyết tâm đánh thắng nhanh nhất, gọn nhất.
      Chúng di tản, tháo chạy, nhưng lại dùng chiến tranh tâm lý lừa bịp, xuyên tạc, khủng bố để còn lừa hàng chục nghìn người gọi là "tị nạn" theo chúng. Đây là những tội ác vô cùng thâm độc, rạch sâu vết thương phân ly trong biết bao gia đình. Cuộc di tản do Mỹ chủ trương nhằm mục đích: tuyên truyền rằng nhân dân không theo cách mạng, chúng tận dụng "chất xám" của một số trí thức và nhân viên kỹ thuật, sử dụng những người làm việc cho chúng vào âm mưu đen tối sau này. Đáng thương cho những người bị lừa bịp và căm ghét thay những kẻ cố tình theo Mỹ quên hết mọi đạo lý của người Việt Nam, quên mất Tổ quốc của mình.
      Báo Tiền tuyến của quân đội nguỵ nêu đầu đề suốt tám cột: "Cộng hoà Việt Nam không bao giờ đầu hàng cộng sản". Nhưng Uâyen ngày 21 tháng 4 đã than thở: "Tình hình quân sự là tuyệt vọng". Và trong một bài diễn văn ở trường đại học Niu Oliân ngày 23 tháng 4, Pho đã ngậm ngùi nói: "Chiến tranh đã kết thúc đối với người Mỹ, không thể giúp đỡ người Việt Nam được nữa, họ phải đương đầu với bất cứ sốphận nào đang đợi họ".
      Nội bộ quan thầy bi đát, rối ren; nội bộ bọn tay sai ở Sài Gòn cũng lâm vào cuộc khủng hoảng cực kỳ nghiêm trọng.
      Chủ nghĩa thực dân mới của Mỹ thường thực hiện chính sách dùng nhiều ngựa. Trong tình hình bình thường, chính sách này có tác dụng kiềm chế lẫn nhau giữa bọn tay sai, vừa tạo ra bộ mặt dân chủ giả hiệu lừa mị quần chúng, vừa che đậy sự thống trị của Mỹ. Song, trong cơn nguy khốn, chính sách này lại sinh phản tác dụng. Các tập đoàn tay sai không chỉ hoạt động theo chiều hướng câu kết để kêu gào "chống cộng" ngăn chặn thất bại, mà còn biến thất bại thành một thứ vũ khí chống lại nhau, thanh toán lẫn nhau, tranh nhau làm "ngựa nòi" cho Mỹ, làm cho bộ máy nguỵ quyền càng suy yếu. Trước sự bất lực của Thiệu, Trần Thiện Khiêm vốn từ lâu mâu thuẫn với Thiệu, vận động "hội đồng tướng lĩnh" ra nghị quyết ép Thiệu từ chức.
      Tướng Nguyễn Cao Kỳ bị Thiệu gạt ra từ lâu cũng nhảy ra với Cao Văn Viên định làm đảo chính lật Thiệu. Mâu thuẫn trong bọn cầm đầu tác động đến tinh thần tướng tá, binh lính nguỵ vốn đang suy sụp, tan rã. Chúng bắn giết lẫn nhau, như tên Trung tướng nguỵ Nguyễn Văn Toàn, Tư lệnh Quân đoàn 3 nguỵ bắn chết tên Thiếu tướng Nguyễn Văn Hiếu, Tư lệnh phó, và "không chấp nhận một mệnh lệnh nào khác ngoài mệnh lệnh di tản".
      Chúng tôi hết sức chú ý theo dõi sát tình hình địch, nhất là tin tức Mỹ di tản. Bộ Chính trị chỉ thị cho chúng tôi chuẩn bị khẩn trương, làm việc hết sức nhanh, đốc các cánh quân sửa soạn gấp, và nhắc chúng tôi chú ý sẵn sàng nắm thời cơ để hành động.
      Đúng lúc các đồng chí Lê Đức Thọ, Phạm Hùng và tôi vừa họp xong để rà soát lại lần cuối cùng công tác chuẩn bị cho Chiến dịch Hồ Chí Minh thì chiều 21 tháng 4, Nguyễn Văn Thiệu sụt sùi tuyên bố rút khỏi cái gọi là "Tổng thống Việt Nam cộng hoà".
      Thế là kết thúc cuộc đời chính trị xấu xa của một tên Việt gian hết sức tồi tệ làm tay sai cho Mỹ, đã gây biết bao tội ác đẫm máu đối với đồng bào ta trong cả nước. Hắn than thân trách phận và oán thầy, chửi tớ bằng một giọng lính tẩy. Hắn tiếc nhất là không có đủ viện trợ, không có sự can thiệp của Mỹ để kéo dài chiến tranh và thách Mỹ có giỏi thì vào một lần nữa để đánh "Việt cộng".
      Thiệu đổ là sự tan vỡ một ảo tưởng của Mỹ mưu toan dùng tập đoàn Thiệu làm công cụ tiếp tục chính sách "Việt Nam hoá chiến tranh". Thiệu đổ không phải vì năm Mèo, hắn cầm tinh con Chuột, cũng không phải do sét đánh đổ tảng đá nhọn như dao (núi Dao hay núi Đá Chồng ở Phan Rang) gần ngôi chùa lộng lẫy trên lưng chừng núi mà hắn đã dùng một tiểu đoàn công binh để xây dựng và một đại đội bảo an thường xuyên canh gác cho mẹ hắn ở đó "tu nhân tích đức". Hắn đổ vì chính sách xâm lược của đế quốc Mỹ hoàn toàn đi ngược lại ý chí độc lập, tự do của nhân dân ta và thất bại hoàn toàn.
      Mỹ đưa Trần Văn Hương, một tay sai đắc lực khác của Mỹ, lên thay Thiệu. Chỗ khác nhau giữa Thiệu so với Hương chỉ là giữa một tên Việt gian quân phiệt tàn bạo với một tên Việt gian dân sự rất nham hiểm. Cả hai đều ngoan cố, tiếp tục chiến tranh, chống lại Tổ quốc, chống lại nhân dân. Chính quyền Hương chỉ là một chính quyền Thiệu không có Thiệu.
      Ai cũng biết là Thiệu đã bị Mỹ vứt vào sọt rác nhưng phe Thiệu vẫn nắm quyền ở Sài Gòn, Thiệu vẫn còn ngồi ở Sài Gòn sau Hương để chỉ huy bọn đàn em. Bọn này động viên nhau: "Chuyện mười mấy sư đoàn Việt cộng bao vây Sài Gòn là con ngoáo ộp do phe đối lập bịa ra", hoặc "làm gì có chuyện mười mấy sư đoàn Việt cộng đã tới Sài Gòn, mà dù có đi nữa, không quân ta cũng đủ sức san bằng tất cả. Hiện ta có loại bom CBU đủ sức diệt một lúc cả một sư đoàn". Một tay chân của Thiệu huênh hoang ở quốc hội bù nhìn: "Nhất quyết không trao quyền cho một chính phủ đầu hàng".
      Cho đến ngày 26 tháng 4, khi Thiệu và gia đình hắn đem 16 tấn vàng bạc, đô la, của cải vội vã chạy sang Đài Loan, bọn chúng mới tỉnh giấc mơ rồi chúng lục tục chạy theo Thiệu.
      Nhiều tên ác ôn, tay sai Mỹ, nhiều kẻ có nợ máu với nhân dân thu vén của cải chạy, không quên mang theo những chứng chỉ, văn bằng, và huân chương do Mỹ cấp.
      Các chi nhánh ngân hàng ở Sài Gòn đông nghẹt người đòi rút tiền ra và trong 48 giờ đã rút tới 40 tỷ đồng, tức là khoảng 60 triệu đô la. Phần lớn các hãng hàng không quốc tế đã huỷ bỏ các chuyến bay đến Sài Gòn. Tổng đài điện thoại Sài Gòn bị ứ nghẹt, do số người gọi nhau hỏi han về tình hình quá nhiều. Một số máy bay địch cất cánh bỏ chạy sang Thái Lan hoặc người lái tự ý lái về quê trốn.
      Matin, "đại sứ" Mỹ, và những nhân vật ngoại giao phương Tây khác, hoạt động tấp nập ở hậu trường sân khấu chính trị Sài Gòn. Nhiều sức ép, kể cả của Mỹ, đòi Trần Văn Hương từ chức, thay bằng một người "dễ tiếp xúc hơn với Mặt trận dân tộc giải phóng". Hương chỉ muốn nhường ngôi cho người của phe Thiệu, và Hương cố bám ghế "tổng thống" để cho các đàn em đủ thời gian bán hộ chiếu chạy ra nước ngoài với giá rất cao và có thời giờ thu vén của cải. Chúng tôi biết rõ có một con bài mới ngấp nghé sau màn chờ ngày ra thay Hương. Nhiều hoạt động ngoại giao phức tạp rộ lên từ nhiều phía. Mỹ, nguỵ dùng mọi thủ đoạn, kể cả những thủ đoạn ngoại giao xảo quyệt, hòng chặn bước tiến quân của ta và hòng cứu chúng khỏi thất bại hoàn toàn.
      Bọn CIA Mỹ ở Sài Gòn, như con rắn độc, luồn lách rình mò với nhiều âm mưu quỷ quyệt, bắn tin: "Hương làm tổng thống chỉ là tạm thời, sẵn sàng đi đến thoả thuận Mỹ chờ đợi sự đáp lại, v.v.".
      Viên tướng Vanuyxem, thầy cũ của Thiệu và cũng là thầy của nhiều tên cai đội khố đỏ trước đây nay là tướng tá nguỵ quân, vội vã từ Pháp đến Sài Gòn. Trong chiến tranh Đông Dương hắn chỉ huy binh đoàn cơ động số 3, thoát chết trong nhiều trận đánh. Hắn đến Sài Gòn làm thầy dùi cho bọn nguỵ trong giờ phút nguy cấp nhất của chúng. Hắn tưởng có một "thời cơ" nào sắp đến với hắn.
      Toàn là một bọn người mê ngủ, ngu muội đến thế là cùng!
      Tình hình diễn ra đúng như nhận định của Bộ Chính trị ngay từ cuộc họp tháng 1 năm 1975. Mỹ đã suy yếu rõ rệt và không còn khả năng cứu vãn sự sụp đổ hoàn toàn của nguỵ quyền Sài Gòn.
      Tất cả những tin tức nhận được cho thấy Mỹ đang công khai xúc tiến việc di tản người Mỹ, bỏ bọn nguỵ Nam Việt Nam như đã bỏ bọn nguỵ Campuchia. Tình hình này làm rung động chiến lược của bọn nguỵ và buộc chúng phải có sự đối phó mới. Có thể chúng đã tính đến khả năng: một là co cụm lực lượng để giữ Sài Gòn: hai là giữ Sài Gòn không nổi thì co lực lượng về giữ Quân khu 4.
      Ta nhận được tin từ hàng ngũ địch cho biết chúng ráo riết chuẩn bị để có thể rút về cố thủ ở Cần Thơ (Quân khu 4), nếu ta giải phóng Sài Gòn. Chúng cho rằng ở Cần Thơ nhiều sông rạch, ta không thể sử dụng xe tăng, xe bọc thép, pháo binh hạng nặng được, tiếp tế hậu cần khó khăn.
      Ngày 21 tháng 4, tên tướng Oenxơn, tùy viên quân sự Mỹ ở Sài Gòn cùng một số cố vấn không quân Mỹ về tận sân bay Bình Thuỷ cùng tên Sư đoàn trưởng Sư đoàn 4 không quân nguỵ nghiên cứu chỗ di tản cho máy bay ở Biên Hoà và Tân Sơn Nhất, tăng thêm thiết bị cho sân bay này nhằm sử dụng vào việc yểm trợ Sài Gòn trong trường hợp sân bay Biên Hoà bị tê liệt. Chúng còn dự kiến cả trường hợp phải di chuyển bộ tư lệnh không quân về Bình Thuỷ để phục vụ kế hoạch yểm trợ lâu dài khi phải rút về cố thủ ở Cần Thơ.
      Nhưng chúng ta nhận định rằng, khi ta đã đánh đòn mạnh mẽ nhất, quyết định nhất, giải phóng Sài Gòn - Gia Định thì toàn bộ quân địch còn lại ở vùng đồng bằng sông Cửu Long sớm muộn cũng sẽ phải hạ vũ khí đầu hàng.
      Sau những buổi giao ban ở Sở chỉ huy trở về lán ngủ, thức dậy trong đêm, hoặc những lần nghe báo cáo một tin tức mới nhất về địch, nhiều ký ức, nhiều hình ảnh, nhiều sự việc lần lượt hiện ra. Chúng tôi nhớ đến đồng chí Nguyễn Chí Thanh, uỷ viên Bộ Chính trị, hơn mười năm trước đây được Bác Hồ và Bộ Chính trị Trung ương đảng cử vào Nam Bộ cùng với các đồng chí trong Trung ương Cục lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Mỹ.
      Lúc đó, trước nguy cơ thất hại trong cuộc "chiến tranh đặc biệt", bọn tay sai Mỹ đang hoang mang dao động, đế quốc Mỹ một mặt ồ ạt đưa quân Mỹ và quân chư hầu vào miền Nam, mặt khác tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân ở miền Bắc. Để thực hiện tích cực chủ trương đó, Mỹ tìm những tên tay sai ngoan ngoãn, trung thành nhất. Một cuộc thay đầy tớ, thay ngựa giữa dòng liên tục xảy ra trong nội bộ tập đoàn tay sai của Mỹ ở miền Nam.
      Đồng chí Nguyễn Chí Thanh ngày đêm lăn lộn trên chiến trường miền Nam, nhìn thấy rất rõ ràng, trực tiếp thế địch, thế ta, và suy nghĩ kỹ về cách đánh Mỹ.
      Khi ra Hà Nội để báo cáo với Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ Chính trị về toàn bộ tình hình của miền Nam, đồng chí thay mặt toàn thể đảng bộ miền Nam, toàn thể lực lượng vũ trang miền Nam, toàn thể đồng bào miền Nam, hứa với Bác, với Trung ương là quyết tâm đánh thắng cuộc "chiến tranh cục bộ" của Mỹ. Với cái nhìn sắc sảo, sâu rộng, với lòng tin tưởng vô hạn về thế đi lên của cách mạng, về khả năng vô tận của quần chúng cách mạng, về sự chi viện to lớn của miền Bắc xã hội chủ nghĩa, đồng chí trình bày dự án kế hoạch chiến lược với Bộ Chính trị.
      Bản Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9 của Trung ương Đảng - phần trong nước - cách đây 11 năm (1975) khẳng định rằng đế quốc Mỹ dù có đưa bao nhiêu quân vào Việt Nam, dù có tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược tàn bạo đến mức nào đi nữa, cuối cùng cũng thất bại.
      Đến nói chuyện ở một lớp nghiên cứu Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9 của Trung ương Đảng ở trường Nguyễn Ái Quốc hồi tháng 9 năm 1964, đồng chí Nguyễn Chí Thanh phân tích: "Ta thường nói: một con ngựa đau thì cả tàu ngựa không ăn cỏ. Đó là ngựa thật. Chứ bọn ngựa người trong miền Nam này, càng được chủ Mỹ cho ăn no bao nhiêu - ăn đô la chứ không phải ăn cỏ - thì lại càng đá nhau hăng bấy nhiêu. Để rồi các đồng chí xem, Mỹ mới vào chúng tranh nhau ăn mà đã đá nhau huỳnh huỵch - hàng chục cuộc đảo chính trong khoảng hơn một năm rồi đó. Sau này, khi ta đánh mạnh lên, đánh thắng to lên thì chúng sẽ phi nước rút - nước rút lui ấy mà - thì không những chỉ ngựa đá nhau, cắn nhau, mà cả chủ ngựa và đoàn ngựa nòi của chúng lúc đó sẽ loạn xị, hí hét om sòm, phá chuồng mà chạy, không phải chạy thi về đích - mà chạy trốn trước đòn trừng phạt của cách mạng".
      Những lúc cùng làm việc, đồng chí thường tâm sự: "Nguyện vọng của Bác Hồ cũng như ước vọng của đồng bào miền Nam là giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, để Bác vào Nam gặp đồng bào, đồng chí. Bác đã mấy lần muốn đi, Bác đã chuẩn bị tập luyện đi bộ rồi đó. Nhưng Bộ Chính trị Trung ương Đảng không muốn Bác đi trong lúc này. Vậy chúng mình phải làm sao đây, đánh thế nào đây cho thật tốt, thắng cho được đế quốc Mỹ thì mới làm Bác vui".
      "Bác nhớ miền Nam nỗi nhớ nhà
      Miền Nam mong Bác nỗi mong cha"
      Hôm nay Bác Hồ và đồng chí Nguyễn Chí Thanh không còn nữa.
      Lòng ham muốn tột cùng của Bác, lời tâm sự của đồng chí Nguyễn Chí Thanh, nguyện vọng của hơn 20 triệu đồng bào miền Nam giờ đây đang được thực hiện với một quyết tâm cao nhất.
      Chúng tôi làm theo lời Bác và chúng tôi đi tiếp bước chân đồng chí Nguyễn Chí Thanh đã đi trên những khu rừng Trị Thiên, Tây Nguyên, trên những đồn điền cao su Lộc Ninh, Dầu Tiếng, Châu Thành.
      Khi hành quân vào Nam Bộ, chúng tôi mắc võng trên những rừng cây đồng chí từng nằm suy nghĩ cách đánh Mỹ, và chỉ mấy hôm nữa thôi, chúng tôi nhất định sẽ vào Sài Gòn, nơi năm 1911 Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước, và nơi 11 năm trước đây đồng chí Nguyễn Chí Thanh đã mặc bộ quần áo bà ba Nam Bộ, quấn chiếc khăn rằn, đội nón lá, ngồi thuyền đến làm việc với các đồng chí Thành uỷ Sài Gòn, bên cạnh một căn cứ địch, chung quanh có cả một lưới dày cảnh sát, mật vụ.
      Ngay từ những ngày đầu mặt giáp mặt với đế quốc Mỹ. Đảng ta đánh giá đúng âm mưu, bản chất và khả năng của Mỹ, hạ quyết tâm đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ.
      Đảng ta biết bắt đầu cuộc chiến tranh, một cuộc chiến tranh chính nghĩa, vì độc lập, tự do của Tổ quốc và nhân dân, vì hoà bình và chủ nghĩa xã hội cho mình và cho chung anh em bầu bạn. Chúng ta có niềm tin chắc thắng ngay trong lúc chúng ta còn nhiều khó khăn, thiếu thốn.
      Đảng ta biết tiến hành chiến tranh, biết giành thắng lợi từng bước, trước một kẻ thù giàu mạnh vào bậc nhất thế giới tư bản chủ nghĩa, biết động viên sức mạnh của toàn dân, dựa vào sức mình là chính, biết tranh thủ sự giúp đỡ của những lực lượng ghét Mỹ, chống Mỹ, ủng hộ, đồng tình với ta. Ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai đi từ thất bại này đến thất bại khác.
      Và đã đến lúc rồi, Đảng ta biết kết thúc thắng lợi cuộc chiến tranh cách mạng lâu dài. Mỹ đã cút, nguỵ phải nhào. Tổ quốc ta sẽ hoàn toàn độc lập, tự do. Đất nước ta sẽ thống nhất, Bắc Nam sẽ sum họp một nhà. Nhân dân ta sẽ cùng nhau xây dựng chủ nghĩa xã hội trên cả nước.
      Ngày 22 tháng 4, đồng chí Lê Duẩn thay mặt Bộ Chính trị Trung ương Đảng điện cho chúng tôi:
      "Thời cơ quân sự và chính trị để mở cuộc Tổng tiến công vào Sài Gòn đã chín muồi. Ta cần tranh thủ từng ngày, kịp thời phát động tiến công địch trên các hướng, không để chậm. Nếu để chậm thì không có lợi cả về chính trị và quân sự. Kịp thời hành động lúc này là bảo đảm chắc chắn nhất để giành thắng lợi hoàn toàn.
      Các anh ra chỉ thị ngay cho các hướng hành động kịp thời, chú trọng kết hợp tiến công quân sự và nổi dậy của quần chúng. Sự hiệp đồng giữa các hướng cũng như giữa tiến công và nổi dậy sẽ thực hiện trong quá trình hành động. Hiện nay thời cơ thúc đẩy chúng ta phải có hành động nhanh nhất. Nắm vững thời cơ lớn chúng ta nhất định toàn thắng".
      Ngày 22 tháng 4, Bộ chỉ huy chiến dịch duyệt lại lần cuối cùng kế hoạch chính thức của Chiến dịch Hồ Chí Minh.
      Bản đồ quyết tâm chiến dịch mang nét vẽ màu đỏ tươi chỉ đường tiến công của các binh đoàn vào Sài Gòn - Gia Định, được trải rộng ra trên bàn.
      Với sự có mặt của đồng chí Lê Đức Thọ, đại diện Bộ Chính trị Trung ương Đảng ta tại Mặt trận, và các đồng chí khác trong Bộ chỉ huy chiến dịch, đồng chí Phạm Hùng, Chính uỷ, và tôi, Tư lệnh chiến dịch, cùng ký vào bản quyết tâm đó.
      Chúng tôi vô cùng vinh dự được thay mặt cho tất cả đồng bào và đồng chí thân yêu, thay mặt cho hàng trăm nghìn cán bộ, chiến sĩ trên Mặt trận Sài Gòn - Gia Định này, và cũng vô cùng vinh dự nhận lấy trách nhiệm mà Bộ Chính trị đã trực tiếp giao cho chúng tôi trong chiến dịch này.
      Quyết tâm đó là quyết tâm của dân tộc Việt Nam anh hùng, của Đảng Lao động Việt Nam vinh quang, của quân đội nhân dân Việt Nam bách chiến bách thắng. Quyết tâm đó định đoạt số phận tập đoàn phản động bán nước Nguyễn Văn Thiệu và bọn đế quốc xâm lược Mỹ.
      Trải qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, nhất là từ khi có Đảng ta lãnh đạo, dân tộc Việt Nam có kinh nghiệm và có năng lực phân biệt rõ ràng hai hạng người đó và cũng đã có truyền thống và tài năng để đối phó, xử lý với hai hạng người đó.
      Hạng người thứ nhất, bằng nhiều hình thức, nhiều mưu mô, nhiều sức mạnh, dù tàn ác đến thế nào đi nữa và dù với thời cơ nào đi nữa cũng không thể thắng được dân tộc Việt Nam. Đế quốc Mỹ giàu mạnh nhất, hiếu chiến nhất của thế giới tư bản chủ nghĩa ngày nay, hơn 20 năm qua, hết chủ trương này, học thuyết nọ, leo hết nấc thang này đến nấc thang khác, đưa phần lớn lực lượng quân sự của bản thân nước Mỹ và kéo theo quân của các nước chư hầu, sau khi nếm đủ mùi thất bại, đã âm thầm cuốn cờ cút về nước với cái gọi là "hoà bình trong danh dự". Xâm lược Việt Nam không được, Mỹ lại chịu một hậu quả to lớn, làm suy yếu nước Mỹ về mọi mặt trong một thời gian dài nữa. Số phận của kẻ đi cướp nước đã được định đoạt rõ ràng. Thật là hẩm hiu, chua chát, đắng cay.
      Hạng người thứ hai là những kẻ bán nước, những kẻ bán mình cho đồng đô la, bán linh hồn cho bọn ngoại bang. Ngày trước có những Trần Ích Tắc, Lê Chiêu Thống, v.v, và ngày nay có những Ngô Đình Diệm, Nguyên Văn Thiệu, Nguyễn Cao Kỳ. Số phận của chúng lại càng ô nhục, xấu xa hơn. Có tên đã thay thầy đổi chủ đến ba lần, cuối cùng lại bị chính chủ giết. Có tên vì tranh nhau mưu bá đồ vương, tranh nhau đô la mà hất nhau, hại nhau. Cũng có những tên cực kỳ ngoan cố trước đòn trừng phạt của nhân dân cuối cùng cũng phải đầu hàng hoặc chạy trốn.
      Bọn chúng không có Tổ quốc, không phải vì Tổ quốc, không vì một lý tưởng gì mà chỉ vì đô la. Tất cả những gì chúng đã làm từ trước đến nay, đều là tội ác đối với dân tộc: rước Mỹ vào, dâng mảnh đất miền Nam yêu quý này cho Mỹ, đem mấy triệu thanh niên của ta làm bia đỡ đạn cho Mỹ, hiến hàng chục nghìn chị em làm đồ chơi cho Mỹ, để di hoạ nhiều mặt cho xã hội miền Nam vốn có thuần phong mỹ tục, đầy tự hào về truyền thống dân tộc, đầy vinh quang về lịch sử và văn minh.
      Tất cả những gì bọn chúng đã nói đều là lừa phỉnh, dối trá, mị dân, phản động.
      Chúng là tội phạm chứ không phải là nạn nhân.
      Giờ cáo chung của chế độ chúng đã điểm.

<< Chương 14 | Chương 16 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 814

Return to top