Trong các tháng 7, 8, 9, 10 năm 1974, các cơ quan Bộ Tổng Tham mưu làm việc nhộn nhịp và căng thẳng. Các đồng chí trong Quân uỷ Trung ương và Bộ Chính trị hàng ngày theo dõi tình hình và chỉ đạo việc nghiên cứu dự thảo kế hoạch tác chiến chiến lược.
Lúc này, một luồng gió mát phấn chấn thổi qua toàn Đảng và toàn dân ta: Cách mạng miền Nam đang trỗi dậy sau Nghị quyết Hội nghị lần thứ 21 của Trung ương Đảng và Nghị quyết của Quân uỷ Trung ương tháng 3 năm 1974.
Cục diện chiến trường đang chuyển biến có lợi cho ta. Quân và dân ta đã chủ động đưa thế và lực cách mạng tiến lên từng bước vững chắc, đã phản công và tiến công địch liên tục giành thắng lợi ngày càng lớn với nhịp độ nhanh.
Khu 9 nắm vững tư tưởng chiến lược tiến công, đánh bại các cuộc hành quân lấn chiếm của địch, xoá hẳn hơn 2.000 đồn bốt địch, giải phóng hơn 400 ấp với gần 800.000 dân. Khu 8 xoá hẳn hơn 800 đồn bốt địch, giải phóng thêm hơn 200 ấp với hơn 130.000 dân. Khu 7 duy trì thế tiến công địch, đánh bại cuộc hành quân giải toả của địch, giữ vững bàn đạp phía bắc Sài Gòn. Vùng ven Sài Gòn đẩy mạnh các mặt đấu tranh giữ vững các lõm giải phóng, đánh thiệt hại nặng quân địch phản kích. Khu 5 đã chuyển lên thế tiến công ngày càng mạnh, mở rộng bàn đạp vùng giáp ranh (Nông Sơn, Thượng Đức, Tuy Phước, Minh Long, Giá Vụt), đẩy mạnh đánh phá địch ở đồng bằng, xoá hẳn gần 800 đồn bốt, giải phóng 250 ấp với 200.000 dân. Ở Tây Nguyên, ta tiến công tiêu diệt và bức rút Đắc Pét, Chư Nghé, Măng Bút, Măng Đen, I-a-súp, mở rộng vùng giải phóng và hành lang chiến lược. Ở Trị Thiên, tiếp tục giam chân sư đoàn thuỷ quân lục chiến, sư đoàn cơ động chiến lược của nguỵ, áp sát vùng giáp ranh và đẩy mạnh chống "bình định" ở đồng bằng ngày càng có kết quả hơn.
Địch thì bị động, sa sút toàn diện. Kế hoạch "bình định" lấn chiếm của chúng bị đánh bại một bước quan trọng trên nhiều khu vực ở đồng bằng, nhất là ở đồng bằng sông Cửu Long. Tinh thần và sức chiến đấu của quân nguỵ giảm sút rõ rệt: 170.000 tên đào ngũ, rã ngũ kể từ đầu năm. Tổng số quân của chúng giảm 20.000 tên so với năm 1973; số quân chiến đấu giảm xuống nhiều. Lực lượng cơ động chiến lược địch bị sa lầy (sư đoàn thuỷ quân lục chiến ở Trị Thiên, sư đoàn dù ở Thượng Đức). Mỹ giảm viện trợ làm cho kế hoạch tác chiến và xây dựng lực lượng của quân nguỵ không thực hiện được theo ý muốn của chúng. Trong tài khoá 1972-1973, Mỹ viện trợ cho nguỵ 1.614 triệu đôla về quân sự. Tài khoá 1973-1974 chỉ còn 1.026 triệu đôla và tài khoá 1974-1975 giảm xuống còn 700 triệu. Nguyễn Văn Thiệu phải kêu gọi quân của hắn chuyển sang tác chiến "kiểu con nhà nghèo": theo tài liệu của chúng thì chi viện hoả lực giảm sút gần 60% vì thiếu bom, đạn; sức cơ động cũng giảm 50% vì thiếu máy bay, thiếu xe, thiếu cả nhiên liệu. Tình trạng đó buộc chúng phải chuyển từ hành quân lớn, tiến công nhảy sâu bằng máy bay lên thẳng, xe tăng sang phòng ngự chốt, lấn dũi, lùng sục nhỏ.
Tóm lại, đặc điểm chủ yếu của tình hình miền Nam sau gần hai năm ta đấu tranh đòi thi hành Hiệp định Paris là: mặc dầu quân Mỹ và quân chư hầu đã buộc phải rút khỏi miền Nam Việt Nam, nhưng ở đây vẫn đang diễn ra một cuộc chiến tranh cách mạng của ta chống chiến tranh thực dân mới của địch, kết hợp tiến công quân sự và đấu tranh chính trị. Nổi bật là cuộc đấu tranh đó diễn ra với quy mô ngày càng lớn mà ta thì ngày càng chủ động và mạnh lên, địch ngày càng bị động và yếu đi, tạo thêm một bước phát triển mới về so sánh lực lượng có lợi cho cách mạng.
Đi đôi với việc phát triển thế và lực trên chiến trường miền Nam, ta còn ra sức xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa vững mạnh về mọi mặt, từng bước khắc phục những hậu quả nghiêm trọng của hai cuộc chiến tranh phá hoại.
Về sản xuất đạt xấp xỉ mức năm 1965, đời sống nhân dân được ổn định. Trong hai năm 1973-1974, hàng chục vạn chiến sĩ đã được động viên ra tiền tuyến, công tác chuẩn bị, sẵn sàng chiến đấu, chủ yếu là từ Khu 4 cũ trở vào và trong quân chủng Phòng không - Không quân được tiến hành rất tích cực.
Tháng 10-1974, trời cuối thu bắt đầu lạnh, gợi cho các cán bộ quân sự chúng tôi nhớ đến mùa chiến dịch sắp đến. Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương họp nghe Bộ Tổng Tham mưu trình bày kế hoạch tác chiến chiến lược.
Cục tác chiến Bộ Tổng Tham mưu chuẩn bị khá đầy đủ mọi mặt tình hình địch và ta, diễn biến trên các chiến trường từ sau khi ký Hiệp định Paris bằng những bản đồ, biểu đồ, bảng so sánh các số liệu, treo khắp bốn bức tường trong phòng họp. Qua nghe báo cáo và thảo luận, hội nghị nhất trí đánh giá tình hình miền Nam gọn trong năm điểm:
Một là, quân nguỵ ngày càng suy yếu cả về quân sự chính trị, kinh tế. Lực lượng ta đã mạnh hơn địch ở miền Nam.
Hai là, Mỹ ngày càng gặp nhiều khó khăn trong nước và trên thế giới, khả năng viện trợ cho nguỵ ngày càng giảm bớt, cả về chính trị và kinh tế. Do đó, Mỹ chẳng những phải giảm bớt viện trợ cho nguỵ mà còn khó có khả năng nhảy vào lại miền Nam và dù chúng có can thiệp thế nào đi nữa cũng không thể cứu vãn được nguy cơ sụp đổ của nguỵ quyền Sài Gòn.
Ba là, ta đã tạo được một thế chiến lược liên hoàn từ Bắc vào Nam, đã tăng cường được lực lượng và dự trữ vật chất, đã hoàn chỉnh được hệ thống đường giao thông chiến lược và chiến dịch.
Bốn là, ở đô thị đã có phong trào đòi hoà bình, dân sinh, dân chủ, độc lập dân tộc, đòi lật đổ Thiệu.
Năm là, nhân dân thế giới đồng tình và ủng hộ mạnh mẽ cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân ta.
Hội nghị lần này có một vấn đề được đặt ra và thảo luận sôi nổi: liệu Mỹ có khả năng đưa quân trở lại miền Nam khi ta đánh lớn dẫn đến nguy cơ sụp đổ của quân nguỵ không? Mọi người đều thấy rõ và rất chú ý là sau khi ký Hiệp định Paris về Việt Nam, buộc phải rút ra khỏi miền Nam Việt Nam, Mỹ lại càng khó khăn và bối rối hơn trước. Mâu thuẫn trong nội bộ chính quyền Mỹ và giữa các đảng phái ở Mỹ lại càng gay gắt thêm. Vụ bê bối Oatơghết giày vò cả nước Mỹ kéo theo sự từ chức của một tổng thống cực kỳ phản động: Níchxơn. Kinh tế Mỹ suy thoái, lạm phát tăng, nạn thất nghiệp trở nên trầm trọng, khủng hoảng nhiên liệu đang tiếp diễn. Những đồng minh của Mỹ cũng kèn cựa với Mỹ và các nước phụ thuộc vào Mỹ cũng tìm cánh quẫy ra khỏi sự khống chế của Mỹ. Viện trợ của Mỹ cho nguỵ quyền Sài Gòn theo hướng ngày càng giảm.
Đồng chí Lê Duẩn kết luận một nhận định quan trọng thành nghị quyết: "Mỹ đã rút ra khỏi miền Nam thì khó có khả năng nhảy vào lại miền Nam và dù chúng can thiệp đến thế nào đi nữa thì cũng không thể cứu vãn được nguy cơ sụp đổ của chính quyền Sài Gòn".
Khi thảo luận kế hoạch tác chiến chiến lược năm 1975, một vấn đề rất quan trọng nữa cũng được đặt ra là chọn chiến trường chủ yếu ở đâu? Trên toàn chiến trường miền Nam, địch bố trí lực lượng theo thế "mạnh ở hai đầu". Cụ thể là ở Quân khu 1 tiếp giáp với miền Bắc xã hội chủ nghĩa, địch có 5 sư đoàn chủ lực; ở Quân khu 3, trong đó có tuyến phòng thủ vòng ngoài bảo vệ Sài Gòn, địch có 3 sư đoàn chủ lực, nhưng chúng còn có thể sẵn sàng cơ động 1 đến 2 sư đoàn chủ lực trong số 3 sư đoàn ở Quân khu 4 về. Còn ở Quân khu 2, trong đó có Tây Nguyên, địch chỉ có 2 sư đoàn chủ lực, lại phải rải ra vừa giữ các tỉnh Tây Nguyên, vừa phải bảo vệ các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ từ Bình Định đến Bình Thuận. Nhưng Tây Nguyên là một chiến trường hết sức cơ động, có nhiều lợi thế để phát triển về phía nam theo đường số 14 hoặc xuống phía đông theo các đường số 19, 7, 21. Địa hình ở đây là cao nguyên, độ cao chênh lệch không đáng kể, tiện việc làm đường, các binh khí kỹ thuật cơ động thuận tiện, phát huy được hết sức mạnh. Tóm lại, đứng về mặt chiến lược, đây là một địa bàn hết sức quan trọng.
Hội nghị nhất trí thông qua phương án của Bộ Tổng Tham mưu, chọn chiến trường Tây Nguyên làm hướng chiến trường chủ yếu trong cuộc tiến công lớn và rộng khắp năm 1975.
Nhưng Bộ Chính trị thấy rằng, để đi đến quyết định cuối cùng về quyết tâm chiến lược, còn phải nghiên cứu tình hình kỹ hơn nữa, bổ sung cho kế hoạch tác chiến chiến lược đầy đủ hơn nữa. Đồng thời quyết định phải gấp rút đẩy mạnh nhiều mặt công tác để thực hiện quyết tâm.
Bộ Chính trị triệu tập các đồng chí lãnh đạo và chỉ huy các chiến trường ở miền Nam ra Hà Nội báo cáo tình hình và bàn kỹ để có sự nhất trí về quyết tâm chiến lược.
Đầu tháng 12 năm 1974, các đồng chí Phạm Hùng, uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Cục miền Nam, Thượng tướng Trần Văn Trà, Phan Văn Đáng, uỷ viên Trung ương Đảng ở Nam Bộ và các đồng chí Võ Chí Công, uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư khu uỷ Khu 5, Thượng tướng Chu Huy Mân ở Khu 5 lần lượt đến Hà Nội.
Bộ Chính trị làm việc riêng với các đồng chí phụ trách từng chiến trường, nghe báo cáo tình hình mọi mặt. Trong các ngày từ 3 đến 5-12-1974, Thường trực Quân uỷ Trung ương lần lượt nghe các đồng chí ở Nam Bộ và Khu 5 báo cáo về ý định và kế hoạch tác chiến".
Đây là những cuộc họp chuẩn bị cho Hội nghị hết sức quan trọng của Bộ Chính trị kéo dài từ ngày 18-12-1974 đến ngày 8-1-1975.
Dự Hội nghị, ngoài các đồng chí trong Bộ Chính trị, còn có các đồng chí lãnh đạo và chỉ huy các chiến trường, các đồng chí trong Quân uỷ Trung ương và các đồng chí Phó Tổng Tham mưu trưởng phụ trách tác chiến.
Tất cả các đồng chí trong Bộ Chính trị đều lần lượt phát biểu ý kiến và thảo luận rất kỹ. Cần nói rằng trong thời gian 20 ngày của Hội nghị, việc nhận định tình hình cũng như những ý kiến của Bộ Chính trị có sự phát triển từng tuẩn, ngày càng rõ nét những ý định chiến lược lớn lao và ngày càng thể hiện một quyết tâm sắt đá.
Giữa lúc Bộ Chính trị đang họp thì một tin vui lớn từ miền Nam đưa tới: bộ đội chủ lực của miền Đông Nam Bộ phối hợp với lực lượng của địa phương mở chiến dịch đường số 14-Phước Long giành thắng lợi lớn. Trong hơn 20 ngày ta đã diệt và bắt trên 3.000 tên địch, thu 3.000 súng các loại, giải phóng thị xã Phước Long và toàn tỉnh Phước Long. Đây là tỉnh đầu tiên ở miền Nam được hoàn toàn giải phóng.
Chiến dịch đường số 14-Phước Long thắng lớn có ý nghĩa hết sức quan trọng. Chiến thắng này đánh dấu một bước suy sụp mới của quân nguỵ. Quân chủ lực của chúng không còn đủ sức hành quân giải toả quy mô lớn để lấy lại các vùng, các căn cứ và thị xã quan trọng mà ta đã chiếm trên các địa bàn rừng núi và giáp ranh. Chiến thắng này còn cho thấy rõ hơn về đế quốc Mỹ trong ý đồ và khả năng can thiệp của chúng vào miền Nam Việt Nam. Điều quan trọng hơn cả là chiến dịch đường số 14-Phước Long thắng to đã nói lên những khả năng mới rất lớn của quân và dân ta. Chiến thắng đó củng cố thêm quyết tâm chiến lược được xác định trong Hội nghị Bộ Chính trị và bổ sung cho phương án giành thắng lợi lớn khi có thời cơ.
Lúc đầu Mỹ hùng hổ cho tàu chở máy bay chạy bằng năng lượng nguyên tử Intơpraidơ dẫn một lực lượng đặc biệt của hạm đội 7 từ Philíppin tiến về phía bờ biển Việt Nam; ra lệnh đặt sư đoàn 3 thuỷ quân lục chiến Mỹ ở Okinawa trong tình trạng báo động khẩn cấp. Bọn hiếu chiến ở Lầu năm góc doạ ném bom trở lại miền Bắc.
Nhưng rồi cuối cùng Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Slesinhgiơ buộc phải bỏ qua "sự kiện Phước Long" và tuyên bố: "Đây, chưa phải là một cuộc tiến công ồ ạt của miền Bắc Việt Nam". Hắn phớt lờ lời kêu gọi thảm thiết của Thiệu. Đại sứ, Mỹ Matin ở Sài Gòn nói với Thiệu: "Việc yểm hộ của Mỹ lúc này chưa được phép". Ngày nay Mỹ đã yếu thế đến mức không thể muốn làm gì thì làm.
Hội nghị Bộ Chính trị phân tích sự suy yếu củạ địch báo hiệu một thời cơ mới đang đến. Nhưng muốn tạo được thời cơ lớn phải có những trận đánh tiêu diệt lớn, rung động lớn, làm cho địch bị tiêu diệt và tan rã lớn.
Tình hình lúc này đối với ta vô cùng thuận lợi. Ở miền Nam có thể sẽ diễn ra một cuộc khủng hoảng đưa đến một thời cơ lớn cho ta. Nếu ta đánh mạnh nhất, gọn nhất, nhanh nhất, thì nhất định sẽ dẫn đến sự sụp đổ của chính quyền Sài Gòn sớm hơn ta dự kiến.
Ngày 8-1-1975, hai ngày sau chiến thắng Phước Long, đồng chí Lê Duẩn kết luận Hội nghị. Đồng chí nói:
"Hội nghị chúng ta rất phấn khởi, nhất trí cao. Lần này có các đồng chí ở Nam Bộ và Khu 5 ra dự. Tình hình đã sáng rõ. Chúng ta quyết tâm hoàn thành kế hoạch hai năm.
Hai năm là ngắn và cũng là dài. Cuộc chiến đấu ở miền Nam được thực lực mạnh ở miền Bắc dấy lên thành sức mạnh cả nước. Bây giờ quân Mỹ đã rút ra rồi, quân đội ta đã có sẵn ở trong Nam, quần chúng lại có khí thế. Đây là nội dung của thời cơ. Ta phải nắm vững và đẩy mạnh đấu tranh trên ba mặt trận quân sự, chính trị, ngoại giao, đó là đặc điểm Việt Nam.
Ở miền Nam ta có sức mạnh mới: giành thế chủ động trên chiến trường, tạo được thế liên hoàn từ Trị Thiên vào đến đồng bằng sông Cừu Long. Ta đã tạo được quả đấm mạnh. Ở Khu 8, Khu 9, quả đấm cũng đang hình thành và phát triển. Ta tạo được bàn đạp quanh đô thị; đô thị có phong trào quần chúng của ta, thế giới ủng hộ ta".
Sau khi phân tích tình thế suy yếu của địch, đồng chí
Lê Duẩn nói tiếp: "Ta phải giáng đòn chiến lược trong năm 1975. Ở Nam Bộ ta phải tạo thế liên hoàn trong toàn miền, áp sát vào Sài Gòn hơn nữa, tiêu diệt quân chủ lực địch nhiều hơn nữa, làm cho các địa phương có sức bung ra khi có thời cơ. Còn ở đồng bằng sông Cửu Long, ta phải áp sát vào Mỹ Tho hơn nữa. Chúng ta đồng ý năm nay mở đầu bằng đánh Tây Nguyên".
Đồng chí chỉ tấm bản đồ treo phía sau lưng nói:
"Cần đánh mở ra ở Buôn Ma Thuột và Tuy Hoà. Ở Khu 5 ta phải giải phóng từ Bình Định trở ra. Ở Trị Thiên, ta phải làm chủ từ Huế đến Đà Nẵng. Thắng lợi lớn như vậy thì làm cho so sánh lực lượng thay đổi lớn. Phải đánh liên tục đến mùa mưa, tạo ra những thắng lợi dồn dập. Ta đánh mạnh, địch có nguy cơ tan rã nhanh hơn. Đánh ở vòng ngoài đô thị thì ta phải đập tan quân chủ lực địch. Khi vào đô thị, ta phải đập nát đầu não của địch. Miền Bắc phải bảo đảm đầy đủ về vật chất và kỹ thuật cho bộ đội. Đây là nhân tố cơ bản để giành thắng lợi.
Bất cứ thời cơ nào ta cũng thắng. Phải xem có cách gì đánh nhanh hơn nữa. Bộ Tổng Tham mưu cần suy nghĩ nhiều hơn về vấn đề đó".
Hội nghị Bộ Chính trị (18-12-1974-8-1-1975) có ý nghĩa lịch sử, đánh giá đúng thực chất tình hình, nắm vững quy luật chiến tranh cách mạng, kịp thời phát hiện những nhân tố mới để hạ quyết tâm chiến lược chính xác.
Rõ ràng về cuối Hội nghị, Bộ Chính trị nhấn mạnh nhiều hơn đến việc cần phải đánh nhanh hơn. Đấy là một mong muốn có căn cứ khoa học sau khi đã phát hiện thời cơ và nắm lấy thời cơ, nếu bỏ lỡ thời cơ thì có tội đối với dân tộc.
Kết luận của đồng chí Lê Duẩn được Hội nghị nhất trí hoàn toàn và biến thành nghị quyết: Chưa bao giờ ta có điều kiện đẩy đủ về quân sự, chính trị như hiện nay, có thời cơ chiến lược to lớn thuận lợi như hiện nay để hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam, tiến tới hoà bình thống nhất Tổ quốc giữa lúc phong trào ba nước Đông Dương đang trên đà tiến công mạnh, giành thắng lợi ngày càng to lớn.
Bộ Chính trị nêu quyết tâm: Động viên nỗ lực lớn nhất của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ở cả hai miền, trong thời gian 1975-1976 đẩy mạnh đấu tranh quân sự, chính trị, kết hợp với đấu tranh ngoại giao làm thay đổi nhanh chóng và toàn diện so sánh lực lượng trên chiến trường miền Nam theo hướng có lợi cho ta, tiến hành rất khẩn trương và hoàn thành mọi mặt công tác chuẩn bị, tạo điều kiện chín muồi tiến hành Tổng công kích - Tổng khởi nghĩa, tiêu diệt và làm tan rã nguỵ quân, đánh đổ nguỵ quyền từ trung ương đến địa phương, giành chính quyền về tay nhân dân, giải phóng miền Nam.
Bộ Chính trị còn nhấn mạnh: Ta vẫn đề phòng khả năng Mỹ có thể can thiệp bằng không quân, hải quân, trong trường hợp quân nguỵ có nguy cơ sụp đổ lớn và với điều kiện chúng có khả năng kéo dài sự chống đỡ. Nhưng dù Mỹ có can thiệp như thế nào ta cũng có đầy đủ quyết tâm và điều kiện để đánh thắng chúng và chúng không thể cứu vãn được nguy cơ sụp đổ của chính quyền Sài Gòn.
Quyết tâm chiến lược của Bộ Chính trị được thể hiện trong kế hoạch chiến lược hai năm 1975-1976: năm 1975, tranh thủ bất ngờ, tiến công lớn và rộng khắp, tạo điều kiện để năm 1976 tiến hành Tổng công kích - Tổng khởi nghĩa, giải phóng hoàn toàn miền Nam.
Ngoài kế hoạch chiến lược cơ bản hai năm, trong kế hoạch năm 1975, Bộ Chính trị còn dự kiến một phương án khác và một phương hướng hành động cực kỳ quan trọng là: nếu thời cơ đến vào đầu hoặc cuối năm 1975, thì lập tức giải phóng miền Nam trong năm 1975.