Thanh Thúy thực sự cảm thấy khó xử. Tình bạn từ xưa tới nay giữa Thanh Thúy và Cẩm Vân sở dĩ không bị sứt mẻ, bởi giữa hai người đã có cam kết với nhau là không bao giờ xen vào chuyện đời tư của nhau. Cẩm Vân đã giữ đúng điều cam kết đó, mới đây nhất, khi Thanh Thúy hỏi ý Cẩm Vân về chuyện Mạnh. Cẩm Vân chỉ kể lại quá trình thờ chồng nuôi con của mình, coi đó như là một mẫu mực để Thanh Thúy tự xem xét. Như hoàn cảnh của hai người đau có giống nhau, một người chồng chết và một người bị chồng ruồng bỏ.
Tối hôm qua, My My tới đây, và đã khóc hết nước mắt trước mặt Thanh Thúy và Mạnh. Cô van nài Thanh Thúy cứu cô, tới khuyên can với má, đừng bắt cô phải vượt biên. Chuyện này làm Thanh Thúy khó nghĩ quá. Giúp My My thì buộc phải vi phạm lời cam kết tình bạn, mà không giúp My My thì tội nghiệp con nhỏ quá, nói theo cách nói của Mạnh, nó đang bị sóng cuốn vào ao xoáy.
Thanh Thúy hết đi vào lại đi ra. Mạnh không hối dục, nhưng mắt nhìn của anh biểu đạt một cái gì đó thực hối hả, bức xúc. Thanh Thúy quyết định tới nhà Cẩm Vân.
Cẩm Vân đang ngồi nơi ghế xa lòng, thu xếp quần áo của My My vào một chiếc giỏ khá lớn. Nếu Thanh Thúy đoán không lầm thì bà bạn đã làm công việc này từ lâu rồi, vì từ lúc Thúy tới tựa cửa trông vào tới giờ, bả hết bỏ vào rồi lại lấy ra vẫn chỉ có chiếc áo lạnh và cái quần gin. Thanh Thúy đánh tiếng, Cẩm Vân vẫn không ngước mắt nhìn mà đáp lại lạnh nhạt câu mời vào. Thanh Thúy hơi sững, nên vừa ngồi xuống ghế đã vào chuyện.
- Cháu My My còn nghĩ tới sức mạnh tình bạn giữa tôi với bà, nên đã đến cầu cứu tôi.
Cẩm Vân chỉ khẽ ngẩn đầu lên, hai mắt sưng mọng, rồi vội cứu xuống, giọng lạnh khô:
- Chúng ta quan hệ với nhau được lâu bền, vì giữa chúng ta có một lời thề…
Thanh thúy tiếp vào câu nói bỏ lững của Cẩm Vân:
- Không can thiệp vào cuộc sống của nhau. Tôi đã nghĩ tới điều này, nhưng tôi không thể đành lòng nhìn thấy cháu chới với trong ao xoáy, - Thanh Thúy nói theo cách nói của Mạnh.
Bà Cẩm Vân tuyệt nhiên chẳng cần chú ý tới cái triết lý ao xoáy đó, vì bà thừa biết là Thanh Thúy tới đây để thuyết phục bà chuyện My My.
- Bà có cái lý gì mới để thuyết phục tôi? – Cẩm Vân khẽ nhếch mét cười, - Nhưng mong là bà đừng mang những ý nghĩa bà mới tiếp thu được từ ngày bà trở lại hợp tác với họ.
- Chính bà đã khuyên tôi không nên để tang cuộc đời quá sớm và cũng chính bà đã cho cháu My My đi làm.
- Về chuyện bà tháo băng tang trên người, tôi đã có lời mừng bà. Còn về chuyện cháu My My đi làm, tôi đã sai lầm và bây giờ tôi phải sửa sai.
- Bằng cách cho cháu chạy khỏi cuộc sống này?
- Dạ, cháu cần phải có một tương lai khác, ở xứ sở khác chứ không phải ở đây.
“Măng kính yêu của con. Bà Cẩm Vân lại như nghe thấy tiếng Hồng Hoa cô con gái lớn của bà, đang ở Cali, và những lá thư cô gửi về từ bển, bà đọc muốn thuộc lòng, - Măng có mạnh khỏe không, trời ơi, sao con chỉ ước ao có đôi cánh của chim để bay về bên măng, mà phải là cách chim đại bàng măng ạ, bởi các loài chim nhỏ khác không thể bay qua nổi hai đại dương đâu. Măng nuôi con lớn khôn, mà giờ này măng đã già, con không được ở bên măng chén cơm ly nước. Măng tha tội cho con nghe măng. Bên này, đêm đêm con nhớ măng, nhớ không nguôi măng ạ, con chỉ còn biết cầu nguyện tất cả mọi đấng thần linh trên cỏi trời phù hộ cho măng. Mong sao măng mạnh khỏe mãi mãi. Còn phần con bên này, mấy thư trước con đã thưa với măng rồi, con sống như một bà hoàng măng ạ, như một bà hoàng, một mình con có những hai chiếc ôtô, có hai tủ lạnh, có… tất cả những gì mà ở bên nhà măng từng ao ước. Vì thế, đừng bao giờ măng lo lắng cho con. Con van măng…!
Câu hỏi của Thanh Thúy cắt ngang dòng thư con gái đang vang lên trong tâm trí Cẩm Vân:
- Tôi nghe nói bà đã quyết định…
Cẩm Vân không muốn nghe nốt cái điều mà bà cho là rất hệ trọng nói ra từ miệng người khác. Bà lạnh lùng, kiên định:
- Tối nay, người ta tới đón cháu đi.
Lúc đó, trong phòng ngủ, My My đang nằm trên chiếc giường với đủ mọi thứ đồ đạc quần áo ngổn ngang, từ con búp bê hồi thơ ấu, đến những tấm hình My My vẽ, đến những cuốn tiểu thuyết. Cô sắp phải xa tất cả những thứ gần gũi thân yên này sao. Đầu óc cô hoang mang bất định. Cô cầm cuốn an bôm lên tay, bức ảnh đầu tiên của cuốn an bôm là bức ảnh ba cô. Ôi sao lúc này con lại không có ba, con thèm được nghe, dù chỉ một lời, ba nói, sao ba cứ im lặng mãi vậy ba?
Ba cô vẫn yên lặng, hai mắt nhìn cô trân trân không chớp. Ba không hiểu cho nỗi lòng con sao ba? Ba ơi, ý nghĩ của má chắc như một trái núi, xô đẩy cách gì cũng không lay chuyển được. Má đã thề sẽ uống thuốc độc tự tử ngay trước mặt con, nếu con không vâng lời. Con phải làm gì bây giờ hở ba? Lòng con đang đứt ra từng đoạn, đau đới vô cùng. Rồi đây con sẽ như thế nào trước sóng gió biển khơi? Cho dù biển cả có thương con, cho con sống, thì con phải sống thế nào? Con sẽ lại như chị Hai, sống không có má, không có ảnh, sống không một nghĩa đời với ba, với căn nhà này, với bờ biển này. Con chỉ là cái bóng vật vờ, một sinh vật thích ăn ngon, và một cái xác không hồn. Ba có thương con không?
Trời ơi, sao ba cứ yên lặng. Con tin là ba thường đêm đêm hằng vẫn trò chuyện với chị Hồng Hoa. Chẳng lẽ ba cũng muốn cuộc đời con đay đớn như cuộc đời chỉ sao ba?
Chị Hai trả lời thư em đây, My My ơi. My My có hỏi chị về quyết định của má. Chị không biết trả lời cho My My thế nào, bởi, chị không biết thời gian chị em mình xa nhau, My My có còn hiểu chị Hai như ngày cùng cắp sách đi học nữa không. Nhưng thôi, chị cũng cứ nói, chỉ có điều chị xin My My không cho má đọc lá thư này, bởi má biết chuyện này, má sẽ đau lòng lắm.
Trong thư gửi má, chị có khoe với má chị có hai ôtô, hai tủ lạnh (Những thứ mà ở ta coi nhử giàu sang ghê gớm đó em!) còn chuyện quần áo, son phấn, giày dép thì khỏi cần bàn. Nhưng con người có thể bôi đủ mọi thứ son phấn hảo hạn lên mặt cùng lúc được không, và có thể mặc cùng lúc hai chiếc quần, hai chiếc áo đẹp có được không? Hai chiếc tủ lạnh của chị là vầy, chị đi làm xa lắm, nên mỗi tháng chỉ đi chợ một lần, tủ lạnh 00 thì để thức ăn hàng ngày, tủ lạnh âm 370 thì đựng thứ ăn dự trữ. Bên này, người có hai tủ lạnh loại đó không phải là sang mà là như bên mình gọi là “dân nghèo thành thị”. Còn hai chiếc ôtô là vầy, trước đây chị chỉ có một chiếc, nhưng khốn nỗi, một buổi sáng kia, nó bị hư bất thường, chị không có xe đi làm, sở làm cách nhà 130km, hôm sau tới sở, chủ đã kêu lên cho nghĩ việc. Sau này lại xin được việc làm chị buộc phải vay mượn tiền mua thêm chiếc nữa để sơ cua. Toàn là xe đề mốt cả em à. Chuyện vật chất là vậy, nếu thiên đường theo nghĩa đó, thì đây đúng là thiên đường.
Nhưng để có được cái thiên đường đó, chị Hai của em từ ngày sang đây, lúc nào cũng sống trong nỗi đe dọi bị thất nghiệp, chị đã chạy tới năm sở làm lận. Và hiện tại chị đang giữ chân bán hàng cho một (Đoạn bị dập xóa bằng bút dạ, My My đã cố đọc, nhưng không tài nào đọc được) Thôi, cũng đành chấp nhận số phận hẩm hiu của mình. Chị lại mới chia tay với người đàng ông thứ ba. Đối với lũ đàn ông này, những người như chị chỉ là thứ đồ chơi. Chị không muốn thân thể ngọc ngà của em lại ra nông nỗi này. Nếu ở bển khổ, chị sẽ ráng làm thêm để gửi về để trợ giúp má và em. Lựa lời nói cho má hiểu. chẳng có thiên đường nào đâu My My ạ, chỉ có địa ngục, địa ngục cho thân phận lạc loài. Thôi chị dừng bút, chị chỉ còn 15 phút để trang điểm, rồi tới sở làm… thằng Tômát đã tới rước chị rồi, cũng có thể chị sẽ lấy nó. Chị hôn em.
Ba là người âm, ở dưới đó ba có phép nhiệm màu nào để tới được với chị Hai con không? Ba nói đi, có phải chị Hai con đang đau khổ và cô đơn lắm không ba? Con linh cảm như là chị con đem chính thân thể của mình bán cho qủy dữ để có cái gọi là thiên đường. Hai tủ lạnh, hai ôtô đó ba. Tội nghiệp chị hai con. Tội nghiệp má, con không dám cho má đọc lá thư này, bởi con không muốn nỗi thất vọng làm má suy sụp. Trời ơi, tại sao con lạih mâu thuẫn đến thế, con cứ để yên cho má ngộ nhận cái thiên đường đang nuôi nấng chị Hai con.
Ba có thương con không? Chị Hai có thương em không? Con đã có ảnh, ảnh thực sự thương con, ảnh nhất quyết không đi khỏi mảnh đất này, và con thấy ảnh có lý. Con đã có công việc và công việc cũng cuốn hút con như ảnh cuốn hút con. Cách mạng đâu có gì khó hiểu, mà sao má cứ cố tình không hiểu. Mọi người xung quanh gọi con bằng đồng chí, con cũng gọi mọi người là đồng chí. Chúng con cùng làm việc bên nhau, cùng ăn với nhau những bữa ăn công trường đạm bạc…
Có tiếng chuông cửa? My My giật thót. Cô vùng chạy xuống sàn, đứng nép mình, đặt tai áp vào cửa. Thì ra cô nhầm, má cô và bà Thanh Thúy vẫn đang nói chuyện. Cô cứ đứng yên lặng như thế dõi nghe.
- Tôi biết là bà đã quyết điều gì thì không ai có thể khuyên nhủ.
- Bởi tôi không phải là hạng người bồng bột.
- Dù vậy, tôi cũng xin lấy làm tiếc cho hoàng cảnh của bà.
- Bà nói sao?
- Bà đang từ chối một hạnh phúc. Tôi đã trông thấy cháu My My và kiến trúc sư Thanh đứng lặng như thế nào trước công trường nơi chúng làm việc.
- Tôi muốn cháu sang với chị nó, để đời chúng có tương lai. Rồi ít lâu chúng sẽ bảo lãnh cho tôi qua bển.
- Tôi cảm động vì bà đã suốt đời hy sinh cho con cái. Nhưng tôi hỏi bà, liệu điều bà mong muốn có phải là điều cháu cũng mong muốn không?
- Con cái phải nghe lời cha mẹ…
My My bưng tai, cô không đủ can đảm để nghe câu chuyện của má, câu chuyện mà cô đã biết phần kết thúc của nó. Cô bước chầm chậm thấy mình hiên ra trong chiếc gương đứng, nơi bàn phấn. Cô ngồi xuống chiếc ghế mà mỗi ngày cô vẫn ngồi chiêm ngưỡng mình, vừa ma ki ê. Nhưng hôm nay, cô bỗng thấy mình nhợt nhạt yếu đuối, vô vị quá.
Ba ơi, có phải con là người hèn yếu như anh ấy nói không ba? Đúng là con hèn yếu thật, nhưng là hèn yếu với má con. Con phải làm gì bây giờ ba ơi? Má đã thề trước hương hồn ba là nuôi con không lớn, nên người, được sống trong hạnh phúc. Ba biết không, con đang rất hạnh phúc, mỗi ngày con được thấy ảnh, được cùng ảnh làm việc. Nghề trang trí nội thất trước đây của ba bây giờ con kế tục. Các mẫu mã mà hồi xưa ba làm, ba dạy con làm, giờ đây con áp dụng, con làm thêm một số mẫu mới. Mỗi khi bước vào căn phòng có xếp đặt những đồ gia dụng sản xuất theo các mẫu mã của mình, lòng con lại dâng lên niềm sung sướng khó tả. Con nhớ lại ánh mắt của ba những lần đưa con đi nghiệp thu phòng ốc, mắt ba sáng lên trước các đồ vật của mình đang được xếp đặt trong các vị trí rất đẹp và tiện lợi, mỗi lần như vậy ba cứ đứng ngây người ra nhìn ngắm… Con đang sống những ngày có ích, có phải ba cũng bằng lòng về cuộc sống của con hôm nay không ba?
My My tự thấy mình cứng rắn hơn.
Ngoài phòng khách, Thanh Thúy đã không còn ngồi đối diện với Cẩm Vân, mà ngồi sát kề, một tay choàn lên vai bạn. Bà vẫn nói, giọng thủ thỉ.
- Bà nghĩ lại đi. Bà sẽ mất My My. Trên biển nếu cháu có mệnh hệ nào thì bà sẽ sống với ai? Cho dù cháu có qua được nguy hiểm sang tới đó, liệu bên đó có phải là đất hứa cho cháu? Tôi với bà đều chẳng lạ gì người Mỹ và lối sống của họ. Bà thương cháu như vậy là hại cháu.
- Tôi…
- Còn về phần cháu, trước tiên cháu sẽ mất bà. Hoàng cảnh bắt nó phải mất, cho dù có sống nhung lụa trên đất người thì cháu nó vẫn không có mẹ. Nếu cháu có muốn đi thì đó là chuyện khác, đàng này, nó chấp nhận hiện tại. Đón nhận hiện tại như đón nhận hạnh phúc.
Bà Cẩm Vân cảm thấy mình bối rối thật sự. Lòng bà ngổn ngang những chiều suy nghĩ, bao nhiêu dự định của bà được xây dựng như những thành trì, tưởng là vững chắc, vậy mà trước những lời lẽ rất bình thường có thể nói là những lời bà nghe đã quen, nhiều người cũng đã nói với bà, bà chỉ bỏ ngoài tai, nhưng hôm nay, bà cảm thấy như lòng mình bị những lời lẽ đó xâm thực, có lẽ cái giờ phút sắp sửa chia tay với đứa con gái mà bà cưng chiều hơn chính bản thân mình, đã khiến bà lay động, ngã nghiêng, dù sao, bà cũnng là người mẹ, bà thấy những lời Thanh Thúy nói với mình trở nên có lý. Nhưng bà không dể dàng thú nhận điều đó, bà vẫn ngồi lặng thinh, và Thanh Thúy vẫn tiếp tục cuộc tấn công của mình.
- Bà Cẩm Vân ạ, tôi với bà là thế hệ khác. Quan niệm về hạnh phúc của chúng ta cũng khác. Nhung lụa, kẻ hầu người hạ, đó là ước mơ của chúng ta. Còn lớp trẻ bây giờ, họ sống có cái lý của họ. Họ coi lao động, coi sự vượt khó khăn lại là hạnh phúc. Tôi xin lỗi vì đã nói với bà điều đó, cái điều mà qua những tháng ngày làm việc với họ tôi đã nhận thấy.
Cẩm Vân thở dài:
- Tôi chẳng thể nào hiểu nỗi bà, bà thay đổi nhiều quá.
Cẩm Vân cứ nghĩ lời nói mát đó của mình sẽ làm cho Thanh Thúy tự ái, nhưng không, Thanh Thúy tự công nhận điều đó.
- Chính tôi cũng cảm thấm mình thay đổi rất nhiều từ cõi chết tôi trở lại cõi sống. Tôi được người ta cứu thoát khỏi ao xoáy. – Lại ao xoáy, Thanh Thúy cười thầm, Thanh Thúy nhớ về Mạnh, - Bà Cẩm Vân ạ, tôi xin nói với bà điều cuối cùng. Cháu My My là giọt máu của bà, chắc chắn nó sẽ giống bà, bà đã ở vậy nuôi hai cháu bao nhiêu người đeo đuổi dạm hỏi bà, bà đều từ chối, tấm lòng chung thủy của bà với ba cháu My cả thành phố biển này ai cũng biết. Như thế có nghĩa là cháu My sẽ yêu kiến trúc sư Thanh dù tới xứ sở nào, có cuộc sống sao đi nữa, nó cũng vẫn thủy chung, như vậy, chính bà đã giết chết tình yêu của nó.
- Bà làm tôi rối trí quá.
Bà Cẩm Vân cuối đầu xuống, tay vẫn mân mê chiếc áo lạnh của My My mà bà bỏ vô giỏ rồi lại mang ra lại gấp, lại bỏ vô không biết bao nhiêu lần.
My My vẫn ngồi trước gương, chỉ khác là gương mặt cô bây giờ tạnh ráo. Cô đã quyết định rồi, phải tự mình chọn cho mình một con đường.
Em sẽ tới với anh. Cô chợt rùng mình, ôm hai tay đầy mặt, một sự xấu hổ chân thực. nhưng rồi cô tự giải thoát mình. Em tin là anh sẽ không coi thườnh em, bởi em yêu anh cơ mà.
Cô đứng vụt dậy, hướng mặt về phía cửa trông ra phòng khách, nơi má cô và Thanh Thúy đang nói chuyện, cô nói thầm trong lòng: Xin má tha tội cho con… Lặng một lát, cô quay lại chiếc bàn cô vẫn ngồi học và đọc sách, cô lấy trong ngăn kéo cuốn sổ, xé một tờ và viết trên đó những lời để lại cho má. Rồi cô lấy hai chiếc túi, nhét vội vào đó, quần áo, giày vớ, sách vở.
Chị Hai, cửa sau. Cô chợt nhớ lại. Nhưng cô sẽ chẳng có cách nào để mở cửa căn phòng mà ra ngoài. Má cô sẽ chẳng bao giờ cho cô ra đi như thế. Làm gì bây giờ? Cô mở ô cửa sổ trông xuống đường. ngoài đường lặng vắng, tối nhờ nhờ trong ánh đèn yếu ớt. Cô cuối nhìn ra cửa sổ. Phải chừng năm thước mới tới đất. Tấm ri đô cô đang nắm một tay chợt gợi ý cho cô. Cô quyết định ngay, tháo ri đô buộc một đầu rất chặt vào khe bản lề cửa, thả ri đô xuống. Cô quăng nhanh lần lược những túi xách của mình, đu mình vào tấm ri đô choài chân vào thành tường nhảy xuống đất.
Cô ngoảnh đầu lên nhìn ô cửa sổ, chiếc ri đô tòn ten. Nhình về phía ô cửa kính phòng khách, ánh đèn dọi ra, trong căn phòng đó câu chuyện của hai người đàng bà vẫn chưa hết. Cô ôm vội khăn gói rồi băng ra đường. Đêm thật tỉnh, chỉ có tiếng dàn đồng ca ri rỉ của dế tiễn chân cô.
Thanh Thúy nhón người đứng dậy, bà hiểu rằng đã nói đến những lời tâm huyết nhất của tình bạn mà vẫn không lay chuyển được quyết định của bà Cẩm Vân thì đành chấp nhận thất bại. Cứu người lạc vào ao xoáy đâu phải sự dể dàng. Bà nắm tay Cẩm Vân:
- Tôi chẳng biết nói với Cẩm Vân thế nào nữa. Bây giờ cho tôi vào thăm cháu một lát, dù sao cũng phải chúc cháu lên đường may mắn.
Bà Cẩm Vân đứng dậy, đưa Thanh Thúy lại phòng con gái mình. Bà nhẹ tay mở cửa. Căn phòng bề bộn, ngổn ngang. Bà cất tiếng gọi: My My. Không lời đáp. Bà linh cảm chuyện gì đó chẳn lành. Bà thét lên thất thanh My My. Vẫn lặng. Bà chạy vào buồn, Thanh Thúy cũng vào theo. Ô cửa sổ trông ra đường và cái ri đô đã tố cáo với bà tất cả. Bà choáng váng, rồi khụy xuống chiếc ghế nơi bàn phấn, gương mặt bà hiện trong gương méo mó đau đớn đến cực điểm.
Thanh Thúy trở về nhà hơn mười giờ. Mạnh vẫn ngồi đọc sách và đợi. Thanh Thúy kể lại cho mạnh nghe tất cả. Anh gật gù, cười, và một lúc lâu sau anh mới tham gia vào câu chuyện.
- Đây là một trường hợp người rơi vào ao xoáy đã bình tỉnh thả trôi mình theo chiều nước chảy mạnh, để giữ sức và tìm người tới cứu. Cô gái đó đã chọn cho mình con đường tự cứu.
Thanh Thúy hoàn toàn đồng ý với nhận định đó với Mạnh. Ngay khi ở nhà Cẩm Vân, nhìn thấy cái ri đô, rồi phong thư My My viết lại cho má, trong thực tế, Thanh Thúy đã phải ngồi lại cả tiếng đồng hồ để an ủi động viên Cẩm Vân, nhưng trong lòng lại tràng đầy cảm giác thư thái, hoan hỉ. Cảm giác đó giống hệt cảm giác bây giờ, sau khi nghe Mạnh nói.
Anh ấy lúc nào cũng nghĩ về cuộc đời qua cái ao xoáy.