Ở văn phòng Năm Lê ra, Như tản bộ về nhà. Từ văn phòng công ty về khu nhà tập thể chỉ chừng năm trăm thước, anh vẫn có thói quen đi bộ, hơn nữa cũng chưa có tiền mua xe đạp.
Quả thực tâm trạng Như xốn xang: Tin các đoàn thăm dò dầu khí tư bản rút quân mà Năm Lê vừa phổ biến va đập mạnh vào những suy nghì đã quen thuộc của anh. Cuộc đàm phán giữa các bên đổ vỡ, theo Năm Lê, họ ép ta, còn ta thì không thể nhượng bộ.
Chỉ có điều lạ, là trước một tin quan trong như thế, mà Năm Lê và Tư Lịch vẫn tĩnh như không. Ngày mai Năm Lê đi Hà Nội, Tư Lịch điều hành công việc khẩn trương hơn. Anh yêu cầu xí nghiệp xây dựng chỗ Tấn phải gấp rút hoàn thành các thiết kế tổng thể và ký kết các hợp đồng xây dựng, để tiến hành ngay việc tu sửa và xây dựng mới một số hạng mục công trình. Còn với Như, Tư Lịch yêu cầu phải lựa chọn ngay một trong những đề xuất hàng loạt của anh đưa vào thực hiện. Những đề xuất của Như được Năm Lê và Tư Lịch đánh giá cao, coi đó như là những đề xuất có tínnh chiến lược. Như đề xuất liên doanh, liên kết kinh tế với các đơn vị ngoài công ty. Việc đề xuất này sẽ dẫn tới gia đoạn tự chủ về nguồn hàng và vật tư trong kinh doanh và phục vụ theo chức năng của công ty. Khi nãy, Tư Lịch yêu cầu Như tự lựa chọn và làm luận chứng kinh tế cụ thể một công trình, có thể là xí nghiệp sản xuất nước đá, hoặc trại gà, hoặc cửa hàng đặc sản liên doanh với Long An. Cứ theo cung cách điều hành công việc của giám đốc, thì rõ ràng sắp tới nhiệm vụ của công ty còn nặng nề hơn.
Như bước tới chân cầu thang, đã nghe tiếng Quỳnh khóc. Anh rảo chân chạy lại. Quỳnh khóc chừng như đã lâu, nước mắt hoen đầy má, hai mắt mọng đỏ. Con, sao vậy. Anh chỉ kịp thốt lên câu hỏi ngắn, đã nghe dâng đầy trong lòng một cái gì đó ngùi ngùi, tủi tủi. Anh bồng Quỳnh lên, mở cửa, bước vội vào nhà. Quỳnh thôi không khóc nữa, đưa cặp mắt buồn nhìn cha.
- Ba nấu cơm con ăn nghe.
- Con nấu cơm rồi.
- Trời ơi, con của ba giỏi quá. Vậy thì con dọn cơm ra hai ba con cùng ăn nào.
- Dạ.
Quỳnh chạy xuống bếp, lần lượt bưng thức ăn và chén dĩa lên nhà. Như vừa cởi áo vừa nhìn con. Phải chi gia đình anh đừng tan vỡ...
Mới đây, Như có đọc thấy trong một tạp chí, người ta mổ xẻ và định nghĩa hạnh phúc như thế này: Hạnh phúc là cấu thành của bốn yếu tố: Một là phải duy dưỡng được một gia đình êm ấm và thuận hòa. Hai là phải có một niềm say me cho riêng mình và đi với niềm say mê đó tới đích cuối cùng. Ba là phải có một quần thể bạn bè thương yêu nhau, đồng cảm nhau, chia xớt đau khổ và sung sướng cho nhau. Bốn là phải có môi trường để tung hoành sức sáng tạo bản thân. Hạnh phúc đối với Như đã chết ngay từ yếu tố đầu tiên. Và Quỳnh với cái tuổi mười một đã phải chịu nỗi đau của sự có cha mà thiếu mẹ...
Hồi ấy, tuổi hai mươi Sáu, Như cảm thấy mình đẹp như nhân vật trong truyện của Lecmantốp. Một vẻ đẹp hào nhoáng, có sức lôi cuốn. Đã nhiều hình bóng lưới qua mắt anh, mà chẳng hề đọng lại. Lúc nào anh cũng háo hức chờ đợi một cái gì đó vụt sáng như một ngôi sao. Và sự vụt sáng ấy đột ngột xuất hiện, chói mắt anh và trái tim anh đập như trống trận. Giọng nói anh trở nên lúng búng. Và hai tai cứ nóng lên dần. Buổi chiều hôm ấy, mùa thu Hà Nội, gió có vị cốm thơm, tại nhà người ban, Như đã bị Hải hớp hồn.
Hải không thấp, nhưng dáng người đậm nên chiều cao bị kéo xuống. Gương mặt tròn trăng, nụ cườ lúng liếng. Thực ra Hải không phải loại người đẹp như một nhành lan đuôi áo lộng lẫy giữa một cánh rừng. Nhưng cô có cái duyên thầm. Cái duyên của hương thơm, ở lâu trong không gian hương thơm cứ ăn vào da thịt rồi quyến luyến theo mãi, băt người ta không được quên, bắt người ta phải thao thức bồn chồn.
Ôi, nếu con người ta cứ mãi mãi là tình yêu, đừng có cái sự hôn nhân. Bởi nhừng tháng ngày yêu nhau mới đẹp làm sao. Những hò hẹn công viên. Những chuyện trò thâu đêm. Những cái hôn ngọt như nho chín. Lúc nào họ cũng nghĩ về nhau. Họ mơ tưởng tới cả đất bồng lai tiên cảnh, họ như bay cả vào vũ trụ. Không một vật thể gì, một sự kiện xã hội nào mà mắt họ không nhìn thấy sắc hồng rực rỡ của lý tưởng và sắc lam xanh của hạnh phúc. Họ chăm chút cho nhau đến từng chiếc lược chải đâù, từng cây bút viết, từng chiếc khăn mùi soa ướp một chút nước hoa. Họ trân trọng nhau từng cảm xúc, từng kỷ vật và nhớ nhau giận hờn nhau đến nỗi chỉ cần một ngày không gặp nhau là họ đã nhờ bưu điện chuyển đến cho nhau những lá thư tình đẫm nước mắt và những cái hôn. Lúc ấy, nếu có ai hỏi họ: Hạnh phúc là gì? Chắc chắn cả hai anh chị chỉ cần trả lời bằng nụ cười hoặc song ca một làn điệu quan họ: Yêu nhau cởi áo cho nhau…
Họ đã lấy nhau trong hạnh phúc đầy ắp đó.
Người đàn ông với người đàn bà nhập lại với nhau vào cuộc vợ chồng, chính là hai bánh xe đời cần phải quyện vào nhau. Đã là hai bánh x echo hai dòng cha mẹ khác nhau sản sinh ra thì không thể vừa quyện vào nhau đã khớp hoàn toàn. Nếp sinh hoạt mỗi cá nhân. Ý thích mỗi cá nhân. Thói quen mỗi cá nhân. Thêm vào nữa: con cái. Đứa đầu lòng ra đời, cái tã cái lót. Họ chẳng thể mơ mộng với nhau về truyện vũ trụ trăng sao, càng chẳng thể nắm tay nhau dung dăng dung dẻ. Miếng cơm manh áo đã choán toàn phần trong suy nghĩ và tính toán của họ. Chị sinh thêm đứa nữa. Rồi lại đứa nữa. Đang từ thế giới của hai người, chuyển sang thế giới của năm người yêu nhau…
Lạ lùng nhất là cái anh muốn thì chị phản đôí. Cái chị thích thì anh thờ ơ. Chị gặp người bạn cũ ngoài đường, dừng xe lại hàn huyên đôi câu, anh bắt gặp, nghi ngờ dần anh đến chỗ bỏ nhà đến ở nhà bạn mấy ngày. Phải làm vậy cho bỏ ghét. Ngược lại, chỉ cần anh bình phẩm về sắc đẹp của một nữ diễn viên cũng khiến chị nghiêm nét mặt: Lại phải lòng con đó phải không? Anh đùa thêm một câu: Ước gì gặp lại cô âý một lần. Thế là chén dĩa tự nhiên vỡ và chị nằm quay mặt vào tường, tấm tức khóc. Những rạn nứt ban đầu nghĩ cho cùng cũng chỉ thế thôi. Nhưng những rạn nứt cứ lớn dần, cũng như trên tóc đã xuất hiện vài ba sợi bạc và trên mặt vài ba nếp nhăn. Phải chi cứ một tháng của đời sống vợ chồng đánh đổi lấy một phút yêu nhau, thì những bánh xe đời đã khớp vào nhau và guồng máy chạy đã chẳng có gì trục trặc. Nhưng nếu như vậy, thì nhừng đứa trẻ đã chẳng phải hoặc là thiêú mẹ, hoặc là thiêú cha…
Như sợi giây đàn, lên vừa đủ tiếng đàn nghe ngọt. Chỉ cần lên căng một chút là nó đứt.
Người bạn trai từ thuở nào của chị không biết, bỗng dưng tới thăm nhau. Chuyện lẽ ra chẳng có gì, nếu chị giới thiệu với anh để hai vợ chồng cùng tiếp bạn. Nhưng chị sợ anh bỗng dưng trái tính, trái nết, nên lẳng lặng tiếp bạn. Lỗi của chị, nếu muốn quy kết, thì là lỗi ở sự dấu chồng ấy. Còn anh, lẽ ra nghĩ thoáng hơn, đừng hẹp hòi nông cạn. Cơn giận dữ khốc liệt lẽ ra không nên xảy ra thì đã xảy ra. Nơi má chị, thay vì nhận cái hôn âu yếm của chồng, lại là cái tát. Nơi tai anh, chị hằng rót bao nhiêu lời âu yếm ngọt ngào thì nay là lời tanh tưởi. Và trong cái đêm bi kịch âý, sợi giây đàn đã đứt.
Anh bỏ nhà, đi lang thang trên phố.
Chị chong đèn thức viết đơn ly dị.
Khi anh trở về nhà, cơn giận đã nguôi, thì lại thấy lá đơn ly dị do chị viết đã nằm trên bàn. Chữ ký của chị dưới lá đơn như mũi dao nhọn đâm vào tim anh. Tính tự ái đàn ông xúi dục anh cầm cây bút ký lên tờ đơn đó.
Phải chi, phút giây bi kịch ấy, hai anh chị ngồi điềm đạm nói chuyện với nhau, thì ba đứa con đã không phải chịu cảnh thiêú thốn tình thương. Anh chợt nghe chua chát tiếng khóc của Quynh. Anh biết, nó khóc vì bỗng thấy nhớ mẹ và các em.
Trước tòa, cả hai đều im lặng, họ không đổ lỗi cho nhau, không phiền trách nhau. Đó là điều đáng khen duy nhất. Bởi lẽ họ đã từng đầu gôí tay ấp bên nhau bao năm rồi, đã từng có với nhau ba mặt con. Hơn nữa, họ hiểu rằng, giữa họ vẫn còn một cái gì đó mãi mãi không thể dứt được, đó là sợi rang buộc của các con. Ngay cả trong phút giây âý, họ vẫn không thắng nổi tính kiêu ngạo ở mỗi người. Bởi chỉ cần một người tự gọi tên trước: Em ơi hoặc Anh ơi, là mọi sự đã có thể vãn hồi. Nhưng tính tự ái đã đẩy họ xa nhau. Cả hai đêù khăng khăng một điệp khúc: Chúng tôi không hợp nhau…
Bây giờ, pháp luật không còn ràng buộc họ là vợ chồng, họ laị chơi với nhau như đôi bạn. Thật chẳng thể nào hiểu nỗi họ. Chẳng thế mà thế giới phải lên tiếng báo động: Dịch ly dị đang có nguy cơ bùng nổ. Nêú có cuộc xuống đường để ngăn chặn nạn dịch này, chắc chắn Như và Hải se tham gia…
- Ba ăn cơm chứ ?
Như giật mình khi Quỳnh lay vai gọi anh. Anh cười hề hề rồi cùng con ngồi xuống mâm cơm. Con gái anh, nhất định không chịu theo mẹ, đòi ở với anh để chăm nom anh. Cháu mới mười một tuổi mà đã cảm thấy như người lớn, sẵng sàng chia xớt những vất vả cực nhọc của người cha. Cơm nước, giặt giũ áo quần, nói chung mọi việc trong nhà Quỳnh đều tự làm cả.
- Khi nãy có chuyện gì mà con khóc vậy ?
- Con nhớ má và các em…
Như không nuốt trôi một miếng cơm đã lùa vào trong miệng. Cổ anh như đắng nghét. Như không muốn con anh biết tâm trạng đau khổ của anh lúc nầy.
- Chủ nhật này ba sẽ gửi xe các chú cho con về thăm má.
- Chắc nghe ba.
- Chắc.
Cái tin đó làm cho cô bé vui hẳn. Trẻ nhỏ thật mau quên những nỗu đau của chính nó. Quỳnh lại bắt đâù nói luôn miệng, kể cho ba nghe đủ mọi chuyện ở trường và chuyện mấy con mèo, con chó bên lối xóm. Nếu không phải là tron bữa ăn, thì chắc chắn Quỳnh đã cầm ngay cây đàn tới cho ba và bắt ba đàn cho mình hát. Hai cha con có thói quen tự làm vui cho nhau như vậy. Nhưng bây giờ, những lời trò chuyện bi bô của Quỳnh cũng làm cho lòng Như vơi nhẹ nỗi buồn khổ, mà nhiêù lần anh cứ tự trách số phận, tại sao lại gieo anh vào hoàn cảnh trái ngang như thế. Những lúc như lúc này, phải chi ba đứa con ngồi quay quần xung quanh anh, anh sẽ đàn cho chúng hát. Còn chị chỉ cần nhẩm theo thôi. Căn phòng sẽ đầy ắp âm thanh. Âm thanh ấy tên là hạnh phúc. Nhưng điêù đó không bao giờ có nữa. Con anh thèm một tiếng má ơi. Em có nghe tiếng con gọi không ? Còn anh, anh có lỗi…
Năm Lê xuất hiện đột ngột, khiến hai cha con bôí rối. Như và vội chén cơm dở, rồi đứng dậy. Quỳnh cũng nhanh chóng thu dọn chén dĩa xuống bếp.
- Mình rẽ qua cậu năm phút thôi. Sáng mai mình phải đi sớm, nhưng có chuyện cần nhờ cậu. Năm Lê rút trong cặp ra một tờ giấy, đưa cho Như – Cậu đọc đi…
Như lướt mắt qua tờ giấy. Đó là lá đơn xin nghỉ việc của Châu.
- Cái thằng bậy hết sức, tư tưởng nghỉ ngơi, nó ngỡ bọn tư bản rút quân là mình xả hơi… Bậy thật…
- Tôi xem chừng nội dung lá đơn này còn có những ẩn ý khác.
- Ẩn ý cái gì, nó với thằng Tấn gây nhau. Trẻ con thật, hơi chút gây nhau, mà gây nhau là xin nghỉ việc. Bộ nó tưởng cơ quan là cái chợ ? Bây giờ như thế này, mình giao cho cậu giải quyết.
- Thưa, tôi chưa hiểu ý anh…
- Ý tứ cái gì, hai đứa gây nhau, thì cậu giải hòa, bảo chúng chấm dứt cái trò đó đi. Mình mà không vội đi, thì đã kêu chúng lên sạc cho một trận. Còn nêú nó thực sự nhớ vợ thì cho về nghỉ phép… Bậy thiệt, bảo đưa vợ xuống đây cho yên tâm công tác lại không chịu, để đêm nào cũng nhớ… Còn nếu nó găng thì kỷ luật. Phải dành kỷ luật đảng cao nhất cho những kẻ cố tình bỏ nhiệm sở.
- Lát nữa, tôi sẽ đi tìm Châu…
- Còn cậu, hai cha con sống thế nào ?
- Thưa cũng tạm được ạ.
- Các cô các cậu bây giờ phức tạp quá, động một tý là ly dị. Chuyện ly dị vợ của cậu, tớ không bằng lòng.
Như cười. Anh cảm thấy nhức buốt trong tim. Ai cũng nghĩ là anh có lỗi trong chuyện này. Đúng cũng có thể anh có lồi, vì những ngày sống bên nhau anh đã không yêu chị với cả tấm chân tình. Anh chỉ lên án mình mà không một lời than trách chị. Vì dù sao, anh nghĩ, hoàn cảnh chị lúc nào cũng đáng thương hơn anh. Tuổi trẻ và sắc đẹp xưa còn đâu. Những hẹn hò hồi hộp xưa còn đâu. Cả đến nụ hôn, dù có trao cho ai nữa, thì cũng đã lạnh rồi…
Năm Lê chào tạm biệt. Rõ ràng là anh rất vội. Như tiễn chân anh nơi cửa. Anh định bụng sẽ tới nhà Châu tìm Châu ngay, nhưng khi thấy Quỳnh đang ngồi nơi bàn, mặt hơi xịu, anh hiểu là nếu anh lại bỏ con đó mà đi vào lúc này thì chắc chắn là con anh sẽ không thể nào chịu nỗi cảnh cô đơn trong căn phòng này, trong đêm này, tịch mịch tất cả, chỉ có tiếng sóng biển đầu mùa gió chướng đam gầm gào. Anh ngồi xuống bên con, xoa mái tóc và hôn lên đôi má bầu bĩnh. Dù sao Châu cũng không thể vô kỷ luật bỏ đi trước khi được giám đốc chấp thuận, ngay sáng mai mình sẽ đi tìm cậu ấy.