Bẩy giờ sáng, Như tới tìm Châu, nhưng đã không kịp. Mấy người lối xóm kể lại rằng, từ năm giờ sáng, anh ấy đã khoác trên vai, chiếc ba lô con cóc và đi rồi. Cô Liên, vợ tài xế Tám vì phải dậy sớm lo cho chồng đi công tác, còn gặp Châu ngoài cửa. Châu chia tay cô Liên và còn móc túi lấy ra tờ giấy mười đồng nhờ cổ lát nữa mua bịch kẹo chuối cho nhỏ Sương, con cô, mà Châu rất quí nó. Cô liên hỏi khi nào Châu trở về, anh ta chỉ cười.
Như vậy là mọi chuyện đã trở nên phức tạp hơn. Giờ này chắc Năm Lê cũng đã đi Sài Gòn để đáp máy bay ra Hà Nội, Như đành gõ cửa phòng Tư Lịch.
Anh trình bày vắn tắt nội vụ cho Tư Lịch nghe. Vừa trình bày, anh vừa chăm chú theo dõi những diễn biến trên gương mặt Tư Lịch, vì anh hiểu những diễn biến đó sẽ rất quan trọng. Thái độ của người thủ trưởng bao giờ cũng có tính quyết định đối với số phận một người cấp dưới. Nhưng Tư Lịch không một mảy may biểu lộ thái độ khác thường nào. Chiếc bút bi trên tay anh vẫn gõ đều đều lên cuốn sổ mà trong đó anh ghi chép cái tì đó bằng những nét nhỏ ly ti.
-Nó với Tấn đụng nhau phải không ?
Tư Lịch đột ngột ngắt lời Như.
-Tôi nghĩ đó là nguyên nhân chính. Tư Lịch gật gù. Nó đáng trách mà cũng không đáng trách, dòng suy nghĩ chảy ào ào trong đầu anh. Mình trách nó là con người ham địa vị cũng được, mà không trách cũng được. Đàn ông có ba tham vọng lớn nhất trong cuộc đời. Địa vị, tiền bạc và gái. Trong cả ba tham vọng này, địa vị đứng hàng đầu, bởi có địa vị, người ta có thể đạt được hai điều sau. Nó đang là trưởng ban quản lý công trình, dù một ban nhỏ nó cũng là trưởng ban, vậy mà bây giờ nó phải chị làm phó dù xí nghiệp có lớn cũng là phó. Nói thật đúng quy tắc đạo đức, thì nó phải có cái đạo của người làm phó. Nó chưa được cái đạo đó, lỗi nó một phần mà cái lỗi của người làm trưởng, của người là cấp trên nó một phần. Thường khi đã có địa vi, người ta thấy mình không thể dứt ra được. Mọi sợi dây chằng chịt níu kéo. Người ta có thể làm tất cả mọi điều để giữ cho yên cái địa vị mà họ đang có, đồng thời vươn tới địa vị cao hơn. Thật khó có một người can đảm tự nguyện rứt bỏ địa vị và quyền lực của mình. Vì lẽ vậy mà không nên trách nó nhiều. Hơn nữa, nó là người làm được việc. Xét trên mọi phương diện thì nó vẫn xứng đáng làm giám đốc xí nghiệp hơn là Tấn. Cái đáng trách là sự vô kỷ luật. Ngay cả sự vô kỷ luật của nó cũng có điều đáng khen. Nó không thích làm việc nữa nó xin nghỉ, chứ nó không cố tình ngồi trên cái ghế phó của nó mà phá. Nhưng dù sao, vấn đề vẫn phải có cái gút của kỷ cương. Buông cho nó rơi xuống vực, hay kéo nó lên, chỉ no nó thấy cái đẹp đẻ vốn là bản chất của cuộc đời này.
-Ý kiến của cậu thế nào ?
Như không chờ đợi một câu hỏi như thế ở người thủ trưởng vì trong suốt quá trình làm việc, anh đã tiếp xúc với nhiều loại, nhiều cấp thủ trưởng khác nhau, bao giờ những phán quyết cũng bắt đầu vang ra từ họ và cấp dưới chỉ có bổn phận thi hành. Anh nhìn Tư Lịch lần nữa, cố tìm ý nghĩa chân thành của câu hỏi trên gương mặt người thủ trưởng của mình. Hơn một phút sau đó, anh mới chậm rãi:
-Thưa anh, tôi chưa tiếp xúc nhiều với anh Châu. Nhưng linh cảm của tôi có thể không sai.
-Cậu linh cảm thấy gì ? Tư Lịch cười đôn hậu.
-Tính cánh cậu ấy hơi khác thường, tôi cho là hiếm. Trong một xã hội công nghiệp thì tính cánh đó có tính phổ biến, người ta có thể thích làm việc ở nơi này hoặc không thích làm việc ở nơi khác. Ý thích cá nhân được tôn trọng. Nhưng ở ta thì đó lại là chuyện khác. Các tổ chức đoàn thể, các luật lệ lao động trói buộc, vì thế trường hợp bỏ việc của Châu chỉ có thể xử theo hai cách. Một là buộc thôi việc, hai là đưa anh ấy trở lại làm việc.
-Nhưng cậu vẫn chưa trả lời thẳng vào câu hỏi của tôi.
-Tôi muốn xin phép anh cho đi tìm Châu.
-Vậy hả ? Cậu năm nay bao nhiêu tuổi ? Bay bẩy, ba tám chứ mấy.
-Thưa anh Tư hỏi tuổi tôi có chuyện gì ạ ?
Tư Lịch cười. Nụ cười rất hóm. Nụ cười nói thay anh tất cả những suy nghĩ thường trực trong lòng. Chú em ạ, người ta không phải sinh ra là đã khôn ngay đâu. Dần dà người ta sẽ khôn, sẽ giỏi, sẽ đảm nhận những trọng trách lớn. Nhưng tấm lòng nhân hậu thì cha mẹ ban cho. Ngay từ ngày mình còn đi học, ông già đã dặn đi dặn lại, từ chuyện cái gì không phải của mình thì đừng lấy, không phải của mình thì đừng cho, đối với người trên phải kính trọng, đối với người dưới phải nhường nhịn. Tất cả những điều đó nghe thật giản đơn, nhưng thật khó. Con người ta không dễ gì thắng được chính mình. Nào là lòng tham lam, nào thói ích kỷ, đố kỵ, nào là sự ganh ghét. Người nào ít những thói xấu đó là người có lòng nhân, là người ươm hạt giống tốt cho con cháu sau này. Mình hỏi tuổi tác cậu là bởi mình thấy con người cậu từng trải, là người có tấm lòng. Sống ở cõi đời này mà không có tấm lòng với nhau thì chính mình phải chịu cái khổ trước nhất, lương tâm mình lúc naò cũng không yên ổn, lúc nào cũng bị dày vò. Con người ta có thể học hành để trở nên thông minh, trở nên uyên bác, bằng cấp nọ này, nhưng mình nghĩ không cái bằng nào giá trị bằng cái bằng lòng. Đối xử xâú với con người bao giờ cũng dễ, còn chuyện sống tốt với nhau mới thật khó, mới là điều phải nói cậu ạ.
-Cậu hãy bằng tình bạn, tình đồng chí mà nói với Châu...
-Em hiểu, - Như đột ngột xưng em trong một trạng thái xao xuyến xúc động, - Em định sau khi ở chỗ Châu về, em sẽ tới tham quan trại gà Ân Phước trước khi chính thức mở trại gà của ta.
-Mình chấp thuận đề xuất đó của cậu.
Tư Lịch nói một cách mạch lạc, dứt khoát. Vấn đề xây dựng trại gà, thực ra là nhỏ, nhưng lại hóa lớn trong tư duy của khá nhiều người ở đây. Nhiêù quan điểm cho rằng, công ty phục vụ dầu khí mà đi nuôi gà chẳng khác gì cầu thủ bóng đá mà bắt ép tham gia bơi lội. Không, chuyện đó không thể ví von như vậy. Thành phố Vũng Tầu với số dân gần chục vạn, vài cái chợ lèo tèo, chỉ nguyên việc, những nhân viên các nhà hàng của công ty đổ ra chợ mua gà về phục vụ cho khác, cũng đủ khiến những người dân ở đây, coi công ty như là một cái ách mà họ phải mang trên cổ. Bao nhiêu gà, trứng gà mà những người dân chăn nuôi được, bị vơ vét hết, gíá cả cứ như thế mà tăng vọt lên. Đấy là chưa nói tới những bữa mưa gió thất thường, chợ không có gà, khách muốn ăn, không kiếm đâu ra phục vụ. Đã nhiều lần phải chở gà từ Sài Gòn về. Đường xa, gà chết dọc đường, lãng phí tiền bạc của nhà nước.
Lại có những ý kiến cho rằng, mà những ý kiến này xem ra rất xát thực, vì nó căn cứ trên những thí nghiệm khoa học, là Vũng Tầu không thể nuôi được gà công nghiệp. Vì ở đây gà không thể thích hợp với gió biển, nắng biển và không khí biển. Tư Lịch đã nhấn mạnh ý kiến này với Như và coi đây là một ý kiến phải xem trọng. Bởi, nêú quả thực Vũng Tâù không nuôi được gà công nghiệp, mà công ty cứ cố tình đầu tư nuôi gà, kết quả thua lỗ, thật không thể thanh minh thanh nga cách gì với những ý kiến phản đối việc làm này. Nhưng đã lặn lội tới nhiều trại gà hỏi ý kiến nhiều chuyên gia và cuối cũng đi tới kết luận, có thể nuôi được gà công nghiệp ở Vũng Tầu. Nhưng kết luận đó dù sao cũng chỉ mới là lý thuyết. Còn cần phải được chứng minh qua thực tế.
-Cậu hoàn toàn đảm bảo là có thể nuôi gà công nghiệp thành công ?
-Thưa anh Tư, tôi chọn đề xuất này để khởi đầu cho hàng loạt các công việc liên doanh liên kết của chúng ta, thắng lợi của việc này là tiền đề. Tất nhiên thất bại thì sẽ kéo theo hành loạt đỗ vỡ. Nhưng tôi nghĩ là chuyện thất bại không thể xảy ra.
-Thôi được, cậu nhớ về sớm đó nghe.
Như bước ra khỏi phòng Tư Lịch đã chạm trán ngay với Lan, rõ ràng là cô thư ký giám đốc này đã có ý chờ anh từ lâu. Như cố nép người tránh cô. Giữa anh và cô chưa quen biết nhau nhiều. Anh chỉ gặp cô trong các cuộc họp giám đốc , thế thôi. Nhưng cô đã không để anh vuột khỏi tay mình.
-Tôi muốn gặp anh ít phút.
-Tôi ? - Như hơi ngỡ ngàng chỉ tay vào mình. Lan gật đầu.
Họ đi dọc hành lang. Như đang chờ xem cô nàng sẽ bắt đầu câu chuyện với Như thế nào. Anh hiểu rằng đây chắc chắn không phải là việc cơ quan, mà là chuyện riêng. Chỉ có chuyện riêng cô nàng mới lúng túng như vậy.
-Tôi nghe cô nói đây.
Như nói như có ý hối dục. Anh bận thực sự, chỉ muốn về nhà ngay, thông báo mọi chuyện cho cô con gái, rồi ra xe. Trong cả hai việc mà anh nhận với giám đốc việc nào cũng cần phải gấp cả.
-Cả công ty ai cũng nói anh là người dịu dàng, tôi cũng cho là như vậy... Nhưng tôi thấy anh còn khách sáo.
Cô nàng bắt đầu câu chuyện gì đây. Để nói được những lời ỡm ờ như thế này, hẳn cô nàng đang định dăng cái bẫy nào đó mà rất có thể chính mình sẽ bị xập.
-Nhiều người cũng nói là tôi khách sáo. Đặc biệt là giới nữ.
-Sao vậy ?
Như cười:
-Nói chung là... đối với giới nữ không nên quá tự nhiên...
Anh có định nói huỵch toẹt ra là, đối với giới nữ phải luôn luôn cảnh giác, bởi lẽ có khi chỉ vì một câu nói mà người ta suy diễn ra bao nhiêu là chuyện, câu nói dịu dàng, thì họ cho là nịnh, câu nói thân mật, thì họ bảo là đang có ý đồ gì đó. Còn câu nói làm duyên một chút, họ có thể khẳng định ngay là mình đang được theo đuổi, đang được yêu. Nói về sự ngộ nhận tình yêu thì giới nữ ngộ nhận nặng nề hơn giới nam. Giới nữ luôn luôn có linh cảm là mình có rất nhiều người theo đuổi. Đôi khi vì một món quà nhỏ, một bông hoa, một bài hát, mà kẻ trao người nhận, tức thời người nhận cảm thấy mình được yêu. Do thế, người ta vẫn nói giới nữ nhẹ dạ. Người nhẹ dạ cũng đáng trách, nhưng người cứ làm mặt kên kên là mình có nhiều người si mê cũng đáng trách, trước hết là chính họ bị thiệt thòi, bởi không thiếu gì những cô gái kiểu này, ngoài ba mươi mà vẫn sẵng sàng chờ đợi...
-Thôi, bây giờ ta vào chuyện...
Như hoàn toàn không ngờ là Lan lại có lối lái câu chuyện một cách hơi Tây như thế. Chỉ qua một câu nói, tỏ rằng cổ không phải là người kém bản lĩnh. Như hiểu là mình không nên xem thường cô gái này. Đó cũng là một dĩ nhiên, Như nghĩ, bởi dù sao cổ cũng phải có một cái gì đó mới được tuyển chọn là thư ký của giám đốc.
-Anh đi giải quyết công việc của anh Châu phải không ?
-Sao cô biết ?
-Hôm qua, chính tôi đã đem lá đơn xin nghỉ việc của anh Châu nạp chú Năm Lê, và cũng chính tôi đề nghị chú Năm giao việc này cho anh giải quyết.
-Cô đề nghị giao việc này cho tôi ? - Như ngước cặp mắt nhìn Lan hơi phật lòng.
-Lúc đầu, chú Năm định giao việc này cho anh Phước trưởng phòng tổ chức cán bộ ...
-Tại sao cô lại đề xuất oái ăm như vậy ?
Lan lặng đi không nói. Cô hiểu là nếu nói thẳng ra những suy nghĩ của cô về người đàn ông này, thì rất có thể anh ta sẽ có nhiều ngộ nhậ về cô. Cô và anh biết nhau chưa bao nhiêu. Vấn đề hiểu nhau, bao giờ cũng đòi hỏi phải có thời gian. Nhưng trong quan hệ này, anh chưa hiểu cô thì đúng hơn, còn cô, cô tự cảm thấy là mình hiêu ảnh khá rõ rệt.
Cô bao giờ cũng tôn trọng những cảm tình ban đầu của mình. Lần đầu tiên khi anh thấy cô, ánh mắt nhìn của anh, đã lôi cuốn và thức dậy trong cô một cái gì đấy vừa của tò mò lại vừa của ấn tượng. Nói thiệt chính xác thì anh có cái nhìn giống hệt người mà cô đã từng yêu. Cô muốn nói tới Huy, người bạn học cùng trường. Họ đã chia tay nhau trong cái hôn đằm thắm và lời hẹn hò trở về. Nhưng anh đã không bao giờ trở về, cuộc chiến tranh đã cướp mất anh. Anh chôn ở nơi nào trên đất nước cô cũng không được biết, vì thế cứ mỗi năm cô lại lấy ngày 27 tháng bảy để thắp nén nhang trước tấm ảnh của anh. Như có cái nhìn của anh ấy. Cái nhìn mà cô tin là rất con người, ấm áp, chân thành và quả cảm.
-Việc của anh Châu nhất định phải giao cho một người có thiện chí, nếu không sẽ hỏng hết.
Như cười:
-Cô đánh giá tôi hơi cao đấy.
-Tôi nghĩ là mình không nhầm. Tâm địa con người thế nào hiện cả vào đôi mắt anh ạ. Anh Châu là người có tâm địa tối, nhưng nóng nảy, đứng trên mặt y học thì gan của ảnh không bình thường, còn đứng trên lẽ đối nhân xử thế thì nóng nảy có thể làm hư việc.
-Còn tôi ?
Lan cười.
-Không ai hiểu mìnnh hơn chính bản thân mình anh ạ, - Cô nhẹ đưa cặp mắt nhìn đi chỗ khác. Anh ta cũng tự biết về mình, nhưng ở đời, người ta vẫn thích nghe người khác nhận xét. Tất nhiên người ta thích nghe những lời mật ngọt. Anh này cũng vậy, xong được cái anh ta cũng có những cái đáng để mình cảm tình, - Anh cũng là loại người tốt bụng, nhưng hơi đa cảm.
-Không phải hơi đa cảm, mà là rất đa cảm, - Như cười vui vẻ, - Hồi nhỏ ba má tôi kêu tôi là mau nước mắt.
-Vậy có nghĩa là tôi đã không lầm. Trong trường hợp của anh Châu mình phải xem xét trên cả hai mặt lý và tình. Tôi nói, nếu không phải xin anh bỏ qua, tôi rất có thiện cảm với ảnh, dù ảnh với tôi đã một lần đụng độ với nhau, ảnh làm tôi phát khóc lên được nhưng rút cuộc lại không thể giận ảnh, bởi vì ảnh đúng.
Như vậy có nghĩa là cô nàng phải lòng anh chàng Châu ? Như tự hỏi mình. Nhưng rồi chính anh lại giải đáp, không thể như vậy, mình đã nghĩ không đẹp về một tấm lòng. Bởi lẽ, Châu đã có vợ, và hình như có tới ba đứa con. Không có lẽ ai cũng buông thả như vợ mình. Mà đã là hạng người như thế, thì khó lòng có thể có những ý nghĩ sâu sắc, đàng này, cô ta là một con người rất sâu sắc.
Lan linh cảm thấy Như đang nghĩ về điều đó. Cô cười bỏ lững với dáng vẻ hơi buồn buồn.
-Anh đừng nghĩ là tôi với anh Châu có quan hệ riêng tư với nhau. Tôi chỉ muốn nói về ảnh như một người anh, mà lúc này tôi nghĩ là ảnh rất cần có những người bạn như anh. Tội lắm anh Như ạ, nếu chúng ta cũng quay mặt đi, thì ảnh sẽ lạc vào đảo bơ vơ và rồi chính ảnh sẽ mất phương hướng. Con người như ảnh, tôi biết, lòng tự trọng cao hơn lòng nhẫn chịu, vì vậy, tôi mong anh.
-Cô nghĩ là tôi có thể làm được cái gì đó cho ảnh sao ?
-Tôi nghĩ như vậy. Bởi anh sẽ tìm tới với ảnh và rồi chính anh sẽ trở về báo cáo lại với chú Năm Lê và chú Tư Lịch, những ý kiến đề xuất của anh sẽ an bài cho số phận của ảnh.
-Cô còn định giao thêm cho tôi nhiệm vụ gì nữa không ?
Như háy háy cặp mắt hỏi. Qua ít phút nói chuyện với Lan, Như cảm thấy như mình đã hiểu khá nhiều về cô gái này, tình cảm tự nhiên xích lại và ngay cả sự khách sáo cũng tự nhiên mất đi. Con người, khi đi được từ trạng thái nghiêm trang sang trạng thái hóm hỉnh pha trò, có nghĩa là con người đã tiến được một bước trong quan hệ. Như tự bằng lòng với mình, và anh không cho phép mình dửng dưng trước nồi băn khoăn của Lan, mà anh hiểu rằng nỗi băn khoăn hiện ra trên khuôn mặt trái soan, nếu không có vài mụn trứng cá thì rõ ràng là rất sáng giá.
Kỳ thiệt, tại sao mình lại đã hằn sâu gương mặt của cổ trong tâm trí. Những mụn trứng cá thì có ăn nhập gì vào câu chuyện này. Lẽ ra mình phải nhớ nụ cười của Lan, nụ cười có cái gì đó có vẻ triết học, nụ cười nhiều nghĩa, nhưng chỉ cần chịu khó nghĩ là hiểu được ngay có ngụ cái ý gì. Mình sẽ mang theo nụ cười...
-Mong là anh sẽ sớm trở về với mọi sự tốt lành.
Lan đã làm cho Như không thể im lặng mà tư duy. Anh đáp lời cho Lan yên tâm.
-Tôi nghĩ, cũng sẽ chẳng có chuyện gì không hay xảy ra đâu.
-Thiệt không anh ? - Lan hỏi lại, câu hỏi lý ra không nên có ở cô, bởi nó hồn nhiên pha chút trẻ con.
-Tôi đi chuyến này, chậm là ba ngày, tôi muốn nhờ Lan, mỗi ngày đảo qua nhà tôi, xem cháu Quỳnh ăn học thế nào. Cháu có biết làm đủ mọi thứ, đi chợ, nấu ăn, thu vén nhà cửa, nhưng dù sao nó cũng mới mười tuổi. Tôi biết làm như vậy phiền cô, nhưng... Hay là thôi vậy, sợ Lan bận công việc...
Lan sẽ kịp xua tan sự khách sáo, sự làm duyên chợt có hay là cố ý của Như.
-Anh khỏi cần nói điều đó, chính tôi cũng đã nghĩ tới, bởi hai cha con anh sống khá vất vả. Tôi sẽ tới thăm cháu mỗi ngày hai lần, sau mỗi buổi làm việc.
-Cảm ơn Lan.
-Tôi không phải người thích sự cảm ơn suông đâu nghe, - Cô vừa nói xong vừa chạy biến vào lối rẽ nơi hành lang, tiếng đôi dép của cô nhón nhẹ, vọng xa dần.
Như ngỡ ngàng trông theo. Anh chẳng hiểu chính tâm trạng của mình lúc này nữa. Tiếng dép cứ xa dần, xa dần cho tới khi trái tim anh đập thật khẽ, thật khẽ cũng không sao nghe thấy. Anh nhún vai, tức cười với dáng vẻ ngỡ ngàng của mình, cũng vội chạy xuống cầu thang ra đường ...