Ngày 14-3
Đại lại chơi, nó đề xuất phải gấp rút xóa nạn mù ngọai ngữ cho các cán bộ hướng dẫn du lịch, mình tán thành ngay, và biện pháp là buộc chân nó lại, bắt nó mở lớp. Thằng đó trình bày nhiều vấn đề nghe rất thoáng. Cần chú ý.
Nhớ hồi chiều, mình vừa từ Đặc Khu ủy về văn phòng công ty, ghé qua khách sạn Thanh Thúy, gặp ngay chiếc xe chở bia. Tài xế hình như tên Đông, nó chào mình bằng “bố”. Thằnng đó cũng lính Hải Phòng. Mình hỏi nó” Mỗi chuyến vỡ nhiêu chai? Nó toe toét miệng cười: Thưa bố, nói chung ngon lành, cấp trên cho tài xế nhận khoán chai vỡ. Tụi con. Đứa nào chạy giõi, mỗi chuyến cũng có vài chục chai uống chơi. Mình cũng nghe thằng Bài báo cáo chuyện này. Tình trạng tài xế chạy ẩu đã khiến tỷ lệ hàng hóa thất thóat nhiều quá, nhất là nạn vỡ chai. Từ ngày khoán công, tư lợi cả đôi đường. Cách giải quyết như vậy là thoáng. Nhưng cũng cần chú ý, đã có ý kiến cho như vậy là hữu khuynh.
Con nái của bà răng đen hôm nay đẻ lứa tám con.
Ngày 15-3
Thế liên kết, liên doanh đã có đà. Cogido đã thỏa thuận sản xuất giấy vệ sinh cho ta. ( chuyện giấy vệ sinh lẽ ra chẳng nên ghi chép vào đây. Sao lại không. Thử hỏi, nếu cái nhà cầu thật lịch sự. Lọai Toto của Nhật đi nữa, mà xử dụng lọai giấy báo thì có khác gì nửa tiên cổ còn cà vạt, nửa dưới quần đùi long nhong chơi phố). Có khả năng đủ giấy vệ sinh cung cấp cho toàn nghành.
Sáng nay Như mới đi nhà máy dệt Phước Long. Cần phải bàn cách dệt vải làm khăn bàn, làm ridô, cả giẻ lau nữa cũng cần thiết.
Nhận được thư con Lụa, tội nghiệp, cũng thương nó, xa bố mẹ mấy năm rồi. Lần này, đi Tây Nguyên nhất định phải ghé lại, xin cho nó về dưới này, Vũng Tàu dù sao cũng chưa thừa y tá. Không hiểu mấy ảnh trên đó có bằng lòng?
Giàn chân đế số 2 đã hạ thủy tốt đẹp
16-3
Không được xem thường tính hiệu quả của công tác dịch vụ. Người mình chưa coi trọng việc cắt bộ quần áo, chải bới mái tóc, làm móng tay móng tay, xoa bóp, giặt ủi…nói chung là những dịch vụ phục vụ cho sinh hoạt hàng ngày của con người. Người nước ngòai không thể sống thiếu những khâu dịch vụ này. Cấp bách phải có ngay mạng lưới rộng khắp, bởi mỗi công việc đó đều mang lại tiền đô và tiền rúp. Công việc thăm dò và khai thác dầu khí không thể thiếu đô la và rúp.
Mình tán đồng mô hình du lịch nhà nước và du lịch nhân dân. Ai đời, những tháng du lịch hào hứng như thế này mà người tới Vũng Tàu nghỉ mát phải chịu cảnh nằm Ôten đờ la hiên. Thằng Thuận có nhà rộng, mở du lịch nhân dân, bị chi bộ Đảng khiển cho một mẻ, mình bênh nó, nhưng tập thể chưa thông, bởi đấy là nhà của nhà nước. Thật đúng là suy nghĩ nhỏ trước một vùng biển lớn.
17-03
Mình bay ra giàn khoan. Thu hoạch lớn nhất là ý nghĩa xác thực của bốn chữ lao động và hưởng thụ. Người công nhân lao động trên giàn khoan đã lao động hết sức mình. Họ tắm mình trong gió biển, nắng biển. Đầu óc và tay chân họ hầu như không một phút giây nào buông lơi công việc. Bởi mọi quy trình đều đạt tới khuôn mẫu kỹ thuật tính từng ly, chỉ cần một sai sót nhỏ cũng có thể gây ra tai nạn lớn. để bù cho lao động đô của họ là sự hưởng thụ. Ở đây, người ta không tính điếm bằng bữa ăn. Người công nhân trên giàn khoan được khuyến khích ăn, ăn bất cứ lúc nào người ta muốn. Dọc hành lang giàn khoan, cac loại trái cây tươi được bày ngon lành mời mọc. Các lọai nước uống nhiều chất đạm và các loại bánh ngọt. Chạnh nghĩ, công nhân ta đâu phải non kém về trình độ, đâu phải chây lười mà chỉ bởi họ không được hưởng thụ những gì cần thiết đền bù cho những ca lo họ bỏ ra trong lao động. Muốn nói gì thì nói đảm bảo đời sống cần thiết cho người lao động vẫn là mấu chốt của mọi vấn đề. Chừng nào đời sống của người lao động vẫn bò sát mặt đất, thì chừng đó không thể nói tới năng suất lao động và càng chẳng thể nói tới cái gì…
Xin ca ngợi cái văn minh: Tất cả những gì gọi là rác trên giàn khoan, được đổ xuống một số đan bằng thép, rồi sau đó một cánh tay thép dài chừng trăm mét đưa sọt ra giàn khoan đổ dầu đốt rác. Họ vệ sinh như vậy, còn ta, hàng xóm đổ rác qua nhà nhau coi như nhà mình sạch rồi. Lại nói chuyện thức ăn thừa, được đưa vào một cối xay lớn, nghiền nát ra, đổ xuống một đường ống ăn sâu xuống biển cả trăm mét. Dưới đó cá có thể ăn, không đi nữa, thì khu vực xung quanh giàn khoan cũng đảm bảo vệ sinh môi trường. Vệ sinh công cộng là thuớc đo của nền văn minh…
Trang nhật ký đã bỏ dở với những dấu chấm ấy. Chị Tư sững sờ gấp cuốn sổ lại. Kể từ ngày anh Tư ra giàn khoan tới giờ cũng đã gần một tháng, vậy mà không hiểu sao ảnh không viết nhật ký nữa. chị linh cảm là ảnh rất bận, và sức khỏe của ảnh cũng xuống thấy rõ.
Chị không có cái nao nao của ngày son trẻ chờ anh ngoài mặt trận, hay những chuyến công tác xa. Bây giờ chị có nỗi lo lắng của tuổi già. Cả hai chẳng ai còn trẻ trung gì nữa, đều sắp có cháu nội, cháu ngoại. Số người kêu bằng anh chị thưa đi dần, số người kêu bằng chú, thím, bằng ba má cứ mỗi ngày thêm đông. Như vậy có nghĩa là họ bước sang tầm cỡ một thế hệ khác. Riêng tình yêu mà anh dành cho chị trẻ mãi, lúc nào anh cũng gọi chị bằng một từ ngữ rất hóm: Bà răng đen của tôi. Nghe vậy, ai cũng tưởng chị xưa rồi, cổ rồi, nhưng dẫn chứng mà anh nói lại với mọi người: Bà răng đen của tôi nói thế này…Cái thế này thường là những vấn đề rất lớn thuộc về kinh nghiệm đời sống, kiến thức văn hóa và những tư duy minh mẫn của con người. Vì thế chị không hề là xưa cũ, mà là một cái gì đó của sự âu yếm kính trọng, nghĩa tình.
Ngoài cửa có tiếng ô tô thắng lại, chị biết là anh về. Chị cất cuốn nhật ký vào hộc bàn, chậm rãi đứng dậy. anh mở cửa, ùa vào nhà rất nhanh.
-Bà vẫn chưa đi ngủ sao? Mười một giờ rồi chứ sớm gì?
-Tôi làm sao ngủ được.
Anh vừa để chiếc cặp nơi bàn vừa nói như là rất vô tâm.
-Tôi đâu còn bé bỏng gì nữa mà lúc nào bà cũng thấp thỏm chờ tôi.
-Ông lớn với ai tôi không biết, nhưng mọi người ở trong nhà này thiếu vắng bấ1t kỳ ai tôi đều thấp thỏm cả. Tôi lo cho ông, dạo này tôi thấy sắc ông xuống lắm đó.
Anh ngồi xuống ghế, anh biết là mình không thể vô tâm trước sự chân thành của vợ, anh trở nên quýnh quáng, cái quýnh quáng rất đáng yêu của người có tuổi, anh vừa như muốn xin lỗi chị, anh thay vào đó bằng tiếng cười cầu hòa.
-chừng nào bà còn lo cho tôi, thì chừng đó tôi còn là người trai trẻ, còn bay nhảy.
Ông còn muốn ăn thêm gì không?-Chị chuyển lời mơ mộng của anh sang vấn đề rất thực tế đang ngự trị trong suy nghĩ của chi6.
-Tôi mới đi ăn cơm khách. Đồng chí Tổng Cục trưởng mới ở Hà Nội vào
-Ông có thể ăn thêm tô miến?
-Bà ăn đi, tôi thấy bà hơi ốm.
Chị cười:
-Ông cũng lo cho tôi à?
-Mình ạ, -anh đột ngột cảm thấy mình không thể không nói những lời thân yêu nhất với vợ,- Công việc nhiều quá, anh không chăm sóc được mình, mình đừng giận anh…hôm nay anh muốn nói với mình, công việc sắp tới mà anh phải gánh vác sẽ nặng nề hơn, nếu mình không đồng ý thì anh sẽ từ chối.
-Ông nói sao?
-Tổng cục điều anh Năm Lê ra Hà Nội nhận công tác khác.
chị cắt ngang lời anh:
-Và Tổng cục giao cho anh làm giám đốc công ty phải không?
Anh gật đầu.
Thôi bây giờ anh đi ngủ đi, cả ngày vất vả, còn chuyện đó, tôi sẽ gặp đồng chí Tổng Cục trưởng. Tôi trình bày…
Chị đứng dậy, đóng cửa, và từ từ đi vào phòng trong. Anh hơi bất ngờ về câu nói của chị. anh không hiểu chị sẽ nói gì với Tổng Cục Trưởng, anh chỉ biết rằng chị đã nói điều gì là nhất định làm điều đó.
Nằm xuống bên chị, anh thấy chị nhắm mắt, hơi thở đều đều, anh không dám hỏi chuyện chi, nằm thao thức một lát rồi chìm sâu vào giấc ngủ. Nhưng chị đâu có ngủ, chị đang tính xem phải bắt đầu câu chuyện với Tổng Cục trưởng như thế nào. Trong thâm tâm chị không muốn anh Tư của chị làm giám đốc, bởi chị lo sức khỏe của anh không kham được. Điều quan trọng nhất của chị và các con chị là anh Tư luôn khoẻ mạnh, cống hiến cho cách mạng ít năm nữa, rồi về hưu, tắm biển, nuôi heo, nấu nước mắm và chăm các cháu. Mong ước của chị đơn giản vậy thôi, nhưng với chị là tất cả. Chị thiếp vào giấc ngủ trong dòng suy nghĩ đẹp đẽ ấy.