Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Dài >> Cái đầm ma

  Cùng một tác giả
Không có truyện nào


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 12462 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Cái đầm ma
George Sand

Chương 1



Mặt đẫm mồ hôi, ngươi kiếm sống;
    Đời người khốn khổ, chẳng ra chi.
   Lao động, mỏi mòn, như thế mãi,
  Đến ngày thần chết gọi ngươi đi.




Đoạn thơ bốn câu bằng tiếng Pháp cổ đó, đặt bên dưới một bức tranh của Holbein, thật là mộc mạc, mà lại buồn thấm thía. Bức tranh miêu tả một người thợ cày đang cày giữa một cánh đồng. Một vùng quê rộng lớn trải ra xa xa, người ta trông thấy ở đó những túp lều tồi tàn; mặt trời đang lặn sau đồi. Đây là vào cuối một ngày làm việc nặng nhọc. Người nông dân đã già, thấp béo, quần áo rách rưới. Cỗ ngựa bốn con, ông đang đẩy về phía trước, vừa gầy, vừa kiệt sức, lưỡi cày ngập sâu xuống một thứ đất gồ ghề, khó làm. Trong cảnh này chỉ có một sinh vật vui vẻ và nhanh nhẹn. Đó là một nhân vật quái dị, một bộ xương, được vũ trang bằng một cái roi, coi như làm thợ phụ cho ông lão thợ cày, đang chạy trong luống cày, bên cạnh mấy con ngựa đang khiếp sợ, và đuổi đánh chúng.
Tôi vừa xem bức tranh ấy một lúc lâu và thấy buồn thấm thía, rồi tôi ra đồng đi dạo, lan man nghĩ đến đời sống nơi đồng ruộng và số phận người thợ cày. Chắc chắn là vất vả rồi, khi phải tiêu hao sức lực và ngày tháng của mình vào việc cày xới mảnh đất ác nghiệt ấy, mà phần thưởng duy nhất và lợi lộc duy nhất nhận được cuối một ngày làm việc nặng nhọc như thế, chỉ là một mẩu bánh mì loại đen nhất và tồi nhất.
Những tài nguyên bao phủ mặt đất kia, những thóc lúa gặt về kia, những hoa quả kia, những con vật kiêu hãnh được nuôi béo trong đám cỏ cao kia, là tài sản của một vài người và là công cụ làm mệt mỏi và nô dịch số người đông nhất.
Kẻ nhàn rỗi nói chung đâu có yêu những cánh đồng, đồng cỏ, cảnh sắc thiên nhiên, những con vật đẹp, mà tất cả những cái đó phải được đổi ra những đồng tiền vàng để người ấy tiêu dùng.
Kẻ nhàn rỗi ở lại đồng quê để tìm kiếm một ít không khí và sức khỏe, rồi lại trở về các thành phố lớn để tiêu phí thành quả lao động của những kẻ lệ thuộc mình.
Về phần mình, người lao động bị đè nén quá, khổ sở quá, và quá sợ hãi cho tương lai của mình, nên cũng không thưởng thức được vẻ đẹp của đồng quê và những cái thú vị của cuộc sống nơi thôn dã. Đối với người ấy cũng vậy, những cánh đồng vàng óng, những đồng cỏ mượt mà, những con vật tuyệt vời, là đại diện cho những túi tiền, trong đó mình sẽ chỉ được một phần rất nhỏ, không đủ cho nhu cầu của mình, nhưng tuy thế, hàng năm vẫn cứ phải lèn đầy những cái túi chết tiệt đó, để làm vừa lòng ông chủ và trả tiền cho quyền sống dè sẻn và khốn khổ trên đất của ông ta.
ý nghĩ của tôi đã chảy theo dòng ấy, trong khi tôi đi ven theo một cánh đồng mà nông dân đang chuẩn bị cho vụ gieo hạt sắp tới. Diễn trường cũng rộng như trong tranh của Holbein.
Quang cảnh cũng rộng và bao quanh bằng những hàng cây xanh lớn, đã hơi ngả sang màu đỏ vì sắp tới mùa thu, cái thửa đất rộng màu nâu khỏe khoắn kia, nơi các trận mưa vừa qua còn để lại, trong vài luống cày, những dòng nước mà mặt trời chiếu vào, làm sáng lên như những sợi chỉ bạc. Không khí trong trẻo, ấm áp và đất mới được lưỡi cày mở ra, tỏa lên một làn hơi nhẹ.
Phía trên cánh đồng, một ông già, ăn mặc không có vẻ nghèo khổ, đang trịnh trọng đẩy cái areau, một cái cày kiểu cổ; kéo cày là hai con bò lặng lẽ, lông vàng nhạt, hai vị trưởng lão thực sự của đồng cỏ, cao lớn, hơi gầy, sừng dài và quặp xuống, những lao động già mà thói quen lâu ngày đã biến thành anh em ấy - ở quê chúng tôi, người ta thường gọi chúng như vậy - và khi kẻ nọ thiếu kẻ kia, sẽ không chịu cùng làm với một bạn mới và tự để chết dần vì buồn đau. Những ai không biết về đồng quê cho rằng nói đến tình thân của con bò với bạn cùng kéo cày với nó là kể chuyện hoang đường. Xin mời họ đến xem, ở cuối chuồng, một con bò khốn khổ, gầy còm, kiệt sức, đuôi sợ sệt đập vào hai bên sườn trơ xương, mõm thổi một cách ghê sợ và khinh bỉ vào thức ăn người ta đem đến cho nó, hai mắt luôn quay về phía cửa chuồng, chân cạo cạo vào chỗ trống bên cạnh nó, mũi hít hít những cái ách và dây xích bạn nó đã mang, và không ngớt gọi bạn bằng những tiếng rống thảm thiết. Anh chăn bò sẽ bảo: "Thế là mất cả một đôi bò;.người anh em của nó đã chết, còn con này không chịu đi làm nữa. Đáng lẽ phải vỗ béo nó để làm thịt, nhưng nó không chịu ăn, nên chẳng mấy chốc, nó sẽ chết vì đói." ông lão thợ cày làm việc chậm chạp, lặng lẽ, không phí sức. Hai con vật ngoan ngoãn cũng không vội vàng hơn ông; nhưng nhờ lao động liên tục và tập trung, với một sự tiêu phí sức lực đã được thử thách và bền bỉ, luống cày của ông cũng được xới lên nhanh không kém luống cày của con trai ông, ở cách đó một quãng, đang điều khiển bốn con bò không khỏe bằng, trên một thửa ruộng cứng hơn và nhiều đá hơn.
Nhưng sau đó, cái đã lôi cuốn sự chú ý của tôi, thật sự là một cảnh đẹp, một đề tài quý cho họa sĩ. ở đầu bên kia của cánh đồng có thể cày được, một chàng trai tẻ, mặt mũi dễ coi, đang dẫn một cỗ bò tuyệt vời: bốn đôi bò non, lông sẫm, pha màu đen vàng hung lấp lánh màu lửa, với những cái đầu ngắn có lông xoăn còn phảng phất vẻ hoang dại của bò mộng, những con mắt to, dữ tợn, những động tác thô bạo, cách làm việc nóng nảy và giần giật, như còn muốn nổi khùng với cái ách và cái roi, nên chúng chỉ vừa vâng lệnh, vừa run lên vì tức giận dưới sự thống trị mới áp đặt. Người ta gọi chúng là những con bò mới bị buộc. Người đàn ông điều khiển chúng có nhiệm vụ khai hoang một góc trước đây đã bỏ làm bãi chăn nuôi, và đầy những gốc cây cổ thụ, một công việc của lực sĩ mà nghị lực của anh, tuổi trẻ của anh và tám con vật hầu như chưa thuần hóa của anh chỉ mới tạm đáp ứng.
Một đứa trẻ khoảng sáu, bảy tuổi, đẹp như một thiên thần, một tấm da chiên phủ lên hai vai, trên áo choàng, làm cho nó giống cậu bé Thánh Jean-Baptiste của các họa sĩ thời Phục hưng, đang đi trong luống cày, song song với cái cày và chọc nhẹ vào sườn mấy con bò bằng một cái sào dài và nhẹ, đầu hơi nhọn. Dưới bàn tay bé nhỏ của đứa bé, những con vật chồm lên, và vừa làm cho các cái ách và dây đai buộc vào trán chúng rít lên kèn kẹt, vừa làm cho cái càng lắc mạnh. Khi có một rễ cây cản lưỡi cày lại, anh thợ cày quát lên bằng một giọng cáu gắt, gọi mỗi con vật bằng tên của nó, nhưng để khiến chúng nguôi giận hơn là để chọc tức chúng. Vì lũ bò, tức giận vì bị cản lại đột ngột, chồm lên, khơi sâu xuống đất những bàn chân to bè chẻ đôi của chúng, có thể sẽ văng mình sang bên cạnh, mang theo cả cái cày, băng qua các cánh đồng, nếu.bằng tiếng nói và cái roi chàng trai trẻ không giữ vững được bốn con đầu tiên, trong khi đứa bé lèo lái bốn con kia. Nó cũng quát, thằng bé tội nghiệp, bằng một giọng mà nó muốn làm thành khủng khiếp, nhưng giọng nó vẫn còn dịu dàng như khuôn mặt thiên thần của nó. Tất cả những cái đó đều đẹp: cảnh sắc, người đàn ông, đứa bé, những con bò mộng dưới cái ách; và mặc dù đó là cuộc chiến đấu ác liệt trong đó đất đã chịu thua, người ta vẫn thấy có một tình cảm dịu dàng và bình yên sâu lắng bao trùm trên mọi vật. Khi đã vượt qua được vật cản và cỗ bò đã trở lại bước đi đều đặn và trịnh trọng, anh thợ cày, mà sự thô bạo lúc trước chỉ là giả tạo và là một bài tập rèn sức mạnh và tiêu phí năng lượng, bỗng chốc lấy lại vẻ thanh thản của những tâm hồn giản dị, rồi đưa mắt nhìn con mình một cách hài lòng, và nó cũng quay lại cười với bố nó. Rồi giọng đàn ông của người bố trẻ cất tiếng hát khúc ca long trọng và u sầu mà truyền thống cổ xưa của vùng này để lại, không phải cho tất cả các thợ cày, mà chỉ cho những người tài giỏi nhất trong nghệ thuật kích động và giữ vững được nhiệt tình làm việc của các con bò. Khúc ca đó, mà nguồn gốc gô-loa của nó có lẽ được coi là thiêng liêng, và người ta đã cho là chịu nhiều ảnh hưởng bí ẩn từ xa xưa, thì ngày nay, vẫn còn nổi tiếng là có khả năng duy trì được lòng dũng cảm của những con vật ấy, làm cho chúng đỡ bực bội và đỡ buồn chán với công việc kéo dài của chúng. Biết rõ cách dẫn chúng đi để vạch được một luống cày thẳng tắp, biết cách làm chúng đỡ vất vả bằng cách nhấc lên, hoặc ấn sâu lưỡi cày xuống đất đúng lúc, vẫn chưa đủ: người ta chưa phải là một thợ cày hoàn hảo, nếu chưa biết hát cho bò nghe, và đó là một khoa học riêng biệt, đòi hỏi phải có năng khiếu và một số phương tiện đặc biệt.
Khúc ca ấy, thực ra chỉ là một loại hát nói, ngừng lại, rồi lại hát tiếp tùy ý muốn. Hình thức không đều đặn và những cách nhấn giọng sai lệch của nó theo quy tắc nghệ thuật âm nhạc, làm cho nó không thể dịch được. Nhưng không phải vì thế mà nó kém hay, nó lại rất thích hợp với tính chất công việc nó đi kèm, với bước đi của con bò, với sự yên bình của các miền quê, với sự giản dị của những người hát nó, khiến cho bất cứ một thiên tài xa lạ với công việc đồng áng nào cũng không thể sáng tác ra nó được, và bất cứ một ca sĩ nào khác, ngoài một thợ cày giỏi.của vùng này, cũng không thể lặp lại nó được.
Vào những thời kỳ trong năm không có công việc và hoạt động gì khác, ngoài việc cày bừa, thì khúc ca ấy, thật là êm dịu, thật là mạnh mẽ, cất lên với giọng điệu đặc biệt của nó, phảng phất giống giọng một làn gió nhẹ. Âm cuối cùng của mỗi câu, được giữ lại và rung lên bằng một hơi dài và mạnh không thể tưởng tượng được, vừa lên cao một phần tư âm, vừa hát sai đi một cách dứt khoát bằng một chuỗi quãng mà những quy ước âm nhạc của chúng ta không sao đánh giá nổi. Thật là hoang dại nhưng cũng thật là thú vị, không bút nào tả được, và một khi đã nghe quen rồi, thì người ta không tưởng tượng được là một khúc ca nào khác lại có thể cất lên mà không làm rối loạn sự hài hòa vào những giờ đó và ở những nơi đó.
Vậy là tôi đang có trước mắt một bức tranh tương phản với tranh của Holbein, mặc dù đó là một cảnh tương tự. Thay vào một ông già buồn rầu, là một chàng trai trẻ thư thái; thay vào một cỗ ngựa mệt nhoài, là tám con bò khỏe mạnh và hăng hái; thay vào thần chết, là một đứa bé đẹp như thiên thần; thay vào một hình ảnh về tuyệt vọng và một ý nghĩ về hủy oại, là một cảnh tượng về nghị lực và một tư tưởng về hạnh phúc.
Tôi biết chàng trai trẻ và đứa bé xinh đẹp đó, tôi biết chuyện của họ, vì họ có một chuyện - ai cũng có chuyện của mình - và mỗi người đều có thể quan tâm đến cuốn tiểu thuyết về cuộc đời của chính mình, nếu người ấy đã hiểu nó... Mặc dù chỉ là nông dân và thợ cày giản dị, Germain đã hiểu rõ những nhiệm vụ và tình yêu của mình. Anh đã kể cho tôi nghe những điều đó một cách ngây thơ, rành rọt, và tôi đã nghe anh một cách thích thú. Khi tôi đã xem anh cày khá lâu, tôi tự hỏi tại sao lại không viết chuyện anh, mặc dù chuyện đó cũng giản dị, cũng thẳng thắn và cũng ít trang điểm như luống cày anh vạch ra bằng cái cày của anh.
Sang năm tới, luống cày đó sẽ lại đầy lên và phủ bằng một luống cày mới. Dấu vết của phần lớn những người trong những cánh đồng nhân loại cũng in dấu và biến mất như thế. Một ít đất xóa nó đi, và những luống cày mà chúng ta đã xới lên cứ tiếp nối nhau như những ngôi mộ trong nghĩa địa. Chẳng lẽ luống cày của anh thợ cày lại không có giá trị bằng luống cày của người nhàn rỗi, vậy mà người này lại có một cái tên, một cái tên nó sẽ ở lại, nếu như do một sự kỳ cục hoặc vô lý nào đó, người ấy gây được một ít tiếng vang trong xã hội?.Vậy thì ta hãy dứt, nếu có thể được, cái luống cày của Germain, anh thợ cày giỏi , ra khỏi cái hư không của sự quên lãng. Anh sẽ không biết gì đâu và cũng sẽ chẳng bận tâm mấy; nhưng tôi sẽ được một chút thích thú khi thử làm việc đó.


<< Chương 19 |


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 548

Return to top