Đêm nay, đêm thứ hai Đức thức trắng theo dõi bệnh Hoài. Việc ra vào hạn chế, anh chỉ nhìn Hoài qua ô cửa kính. Cô đã tỉnh, nhưng bác sĩ bắt phải nằm yên trong giường nệm, cô bất động như đã chết, thân thể ốm gầy trong bộ đồ bệnh viện rộng thùng thình.
Hai tay cô vẫn hai bình dịch truyền, báo hiệu sự sống còn hiện diện, thỉnh thoảng có vài tiếng ngực phập phồng theo tiếng ho. Đức quặn thắt lòng nhìn cô gái anh yêu như ngọn đèn trước gió. Hoài, tên cô anh thường gọi thầm ở bất cứ nơi đâu anh một mình. Hoài, tên cô gái anh gọi trong những giấc mơ thấy cô gật đầu nói yêu anh.
Ba năm rồi, từ ngày anh đổi qua lái xe cho công ty Vệ sinh thành phố, lại lái chiếc xe của đội dì Lành, ngay buổi đầu tiên gặp mặt, anh đã ngẩn ngơ hồn, trước cô gái dáng mảnh mai, đôi mắt rượi buồn, cô ít nói, rất ít nói, thường trả lời mọi câu hỏi của anh bằng nụ cười ngại ngùng không trọn.
Tình yêu đến với anh như tiếng sét, anh yêu trong thầm lặng, đau khổ vì cô gái hững hờ. Anh muốn quên, lại không thể quên, muốn đi nơi khác mà lòng chẳng nỡ. Anh đành lấy việc gặp nhau hằng đêm làm điều an ủi cho mình.
Ba năm rồi, tuổi xuân cứ tàn nhẫn đi qua, dường như cô không để tâm đến điều ấy. Cô ngày một xanh xao, gầy yếu, cô chẳng để tâm đến điều ấy, mà chỉ để tâm đến điều duy nhất là làm mọi việc kiếm tiền mua thuốc cho cha.
Anh nhớ mọi người lên tiếng giúp đỡ, cô cũng từ chối, bằng một câu thôi:
- Ai cũng có làm mới có ăn, Hoài không dám lạm dụng lòng tốt của các chú, dì, anh, chị.
Và bây giờ cô nằm đây, lá phổi bị tàn phá vì lao lực, lao tâm. Cha cô ở nhà cũng trên giừơng bệnh, cô hẳn không còn cách chối từ sự giúp đỡ của anh, nhưng anh biết, khi cô đứng dậy được trên đôi chân mình, cũng là ngày cô từ nan mọi sự, như đã từng từ chối tình yêu anh dành cho cô.
Bạch Hoài ! Bạch Hoài ! Tên em nghĩa là nhớ đến màu trắng, màu tang tóc hay màu tinh khiết hả em? Đã có lần vô tình cha em nói với anh "Cái tên của nó là nó tự đặt lấy". Anh ngạc nhiên, bởi làm sao em tự đặt tên mình khi mới nằm nôi? Anh hỏi - Cha em không trả lời, lại lảng qua chuyện khác. Nhưng anh cũng hiểu tên em có một ý nghĩa nào: Em nhớ gì? Đến mẹ em ư? Hay đến nỗi đau khổ trong đời em phải chịu? Tuổi xuân em đi qua theo năm tháng. Em chưa một lần ngó thẳng mặt đàn ông, có phải ngày mới lớn, em gặp một kẻ sở khanh nào?
Có người con gái nào như em đâu chớ Bạch Hoài? Quyết chôn đời mình trong cô đơn thầm lặng.
Bạch Hoài ơi ! Em đừng chết nhé! Hãy sống, dù chỉ để từng đêm anh nhìn thấy mặt em. Hoài ơi !
Bàn tay ai đặt lên vai Đức, khiến anh rời mắt khỏi ô kính quay lại. Nhân, bạn anh, chuyên viên quang tuyến của Bài lao Hội An, choàng tay anh đi lại chiếc giường xếp Liên Xô, anh mang tới để ngả mình nếu mệt. Đức hỏi bằng giọng mệt mỏi:
- Sao mi ở đây?
- Đêm nay tao trực quang tuyến.
Nhân đưa bạn điếu thuốc nói tiếp:
- Hút đi cho đỡ buồn ngủ, nếu cần sẽ kiếm tách cà phê, mi yên chí đi, cô ấy không sao.
- Cô ấy ốm yếu quá, tao sợ!
Nhân vỗ vai bạn:
- Đã lao tâm lao lực ai cũng vậy, nhất là đàn bà, bệnh này thật ra không khó chữa. Mi yên chí, chỉ cần nhiều tiền để bồi dưỡng và phải lạc quan, vui sống.
Đức rên rỉ:
- Mấy điều mi nói, cô ấy không có một điều nào, tiền tao không ngại, cũng lắm bán xe, vay mượn, có chuyện tâm hồn rất khó, cô ấy sống trầm lặng, u buồn, thêm ba cổ cứ đau yếu triền miên.
- Rứa thì gay, phải tìm cách đi thôi.
Đức ôm đầu than thở:
- Tao biết tìm cách chi ? Ông già lo cho cổ lại bệnh, cổ lo cho cha càng đau. Còn tâm hồn cô ấy cứ khép kín, tao không hiểu chút gì.
Nhân lõ mắt ngó bạn:
- Rứa mi yêu cái chi ? Yêu mà không hiểu người yêu chút nào, tao lạ mi quá.
Đức cay đắng thú nhận với bạn:
- Tao yêu cô ấy, còn cô ấy không yêu tao thì làm sao có chuyện thố lộ tâm tình.
Nhân sửng sốt ngó bạn:
- Nghĩa là yêu đơn phương? Trời thần ơi ! Mi có ấm đầu không Đức? Rứa mà thí mạng ra lo, còn đòi bán xe, vay mượn. Rồi cô ta lành cũng không ngó tới mi. Ê! Cô ta yêu người khác à?
- Tao không biết, nhưng chắc không phải vậy, bởi biết cô ấy ba năm rồi, không thấy cổ có bạn trai, năm nay cô ấy hai mươi tám rồi.
Nhân đứng lại, quàng tay qua vai bạn, đi dọc theo hành lang:
- Đời có người lạ hè! Hai mươi tám tuổi, không xấu, tính rất dễ thương theo lời mi kể, rằng không yêu ai? Tại nghèo hay tại đã từng ôm mối hận tình? Ê Đức! Tao nghĩ đời hiếm có người chung tình tới rứa! Mi có hỏi cha cổ không?
- Ông ấy không hở môi.
Nhân đưa tay lên trời:
- Rứa tao chịu cho tình yêu của mi.
Có tiếng người gọi Nhân, anh nói với bạn:
- Có việc, ta về, nhưng cần nói với mi một câu, tụi tao tận tình giúp đỡ, chỉ khuyên mi nên thực tế một chút. Đời không thiếu con gái. Cô ta đã quá lứa, lại có bệnh, mi đeo đuổi mối tình ni thật không đáng. Mi nên nhớ, bệnh này trị lành, nếu lao tâm lao lực nữa, bệnh sẽ trở lại nặng hơn. Đừng có ôm đồm gánh nặng này, khó trôi lắm.
Đức cười đau khổ không nói, Nhân đi, anh trở lại ô cửa kính nhìn Hoài. Câu nói ấy đã nhiều người nói với anh, anh chỉ làm thinh bởi biết mình không làm được điều ấy.
Người nữ y tá bước ra, Đức đi nhanh lại:
- Bạch Hoài đỡ không cô?
- Cô ấy ngủ yên rồi, anh đừng lo quá.
Đức cảm ơn cô y tá, anh nhìn Hoài lần nữa. Quả thật cô đã ngủ. Anh về nằm ở giường xếp, giấc ngủ chập chờn đến sáng.
Cả ngày hôm ấy nữa, Đức ở lại Hội an đến trưa, phóng xe về làm đơn xin nghỉ phép thường niên và ghé qua báo cho ông Tài biết là Hoài đã bớt. Anh mua thuốc cho ông theo toa bác sĩ, gởi tiền để bà con hàng xóm nấu thức ăn dùm.
Anh không về nhà cho đến chiều hôm sau, bà Lành và anh chị em trong tổ vào thăm, khuyên anh về nhà để mẹ anh đỡ lo và tắm rửa cho tỉnh táo con người. Họ sẽ thay anh trông chừng Hoài, đợi anh vào mới về làm việc ca tối.
Bước vào cửa, Đức đã thấy mẹ ngồi bên mâm cơm, bà nghiêm mặt hỏi anh:
- Mấy bữa nay con đi suốt đêm ngày, đi đâu vậy?
Biết mẹ đã rõ, vẫn vờ như không, Đức không dấu, ngồi xuống bên mẹ:
- Con về Hội An trông chừng Hoài, cô ấy không có ai, bác Tài cũng bệnh.
Bà Lan chì chiết con:
- Con chỉ biết nó, không coi mẹ ra gì, tối ngày cứ Hoài. Nó ho lao ho tổn, con định rước về nhà này để lây bệnh phải không?
Đức khổ sở:
-Mẹ! Bệnh ấy chữa dễ thôi mà, chỉ vì cô ấy nhiều cực khổ.
Bà Lan là người đàn bà yêu con bằng thứ tình thương vị kỷ. Bà góa chồng khi còn trẻ, lấy đó làm niềm hãnh diện vì ở vậy nuôi con. Trong mắt bà, con gái làm dâu bà chẳng đáng mấy người, cô này xấu cái này, cô kia khiếm khuyết cái kia. Vậy mà thằng con bà đã yêu một con nhỏ hốt rác còm khom khốn khổ, si dại suốt ba năm trời vẫn không được đáp lại tình yêu. Giờ còn ho lao nữa chứ. Bà giận run, vẫn phải cố điềm tĩnh, bởi biết thằng con đã ba mươi rồi, tuổi ba mươi nó không còn dễ dạy.
- Đức! Mẹ không bằng lòng, bệnh đó nó truyền nhiễm, lại nữa, nó chẳng yêu con, tại sao con khăng khăng a đầu vào.
Đức bực vì sự thiển cận của mẹ.
- Mẹ! Dù cô ấy không yêu con, con cũng vì tình người giúp đỡ đến lúc Hoài lành bệnh, con không thể bỏ cổ trong lúc này.
Anh bỏ vào phòng mặc mẹ gọi, lấy quần áo bỏ vào xách, tắm rửa thay đồ rồi đi ra.
- Mẹ! Con không đói, mẹ cứ ăn rồi mở tivi ra coi, từ nay con không về, nhớ ở nhà đóng cửa cẩn thận.
- Con làm gì gấp gáp dữ vậy? Nó chưa chết đâu.
Đức nén giận:
- Mấy người bên tổ chờ con vào để họ về đi làm. Hoài có một mình. Con đi !
Đức nổ máy xe đi ngay, không muốn nhìn, nghe mẹ đay nghiến chì chiết.
Thành phố đã tắt nắng rồi.