Nó ngồi giữa hai người công an trên chiếc cup 70 màu xanh rêu. Chiếc xe lao vào cổng, không dừng lại sau cái đưa tay ra vẻ thân thiện của người công an lái xe dành cho người bảo vệ.
Xe dừng ngay cửa văn phòng khi vượt qua khu trại gỗ, xưởng làm ván ép và trường phổ cập cấp I Tương Lai.
Đón hai người công an và nó là một thanh niên dáng nhỏ nhắn, đẹp như con gái, quần áo chỉnh tề. Người công an ốm nhách đưa cho anh ra cuộn giấy tròn nhỏ:
- Nặng ký lắm đó, coi chừng nghe Đàng.
Đàng dừng như chẳng quan tâm đến điều ấy, vành môi đỏ chót của anh rạng nụ cười xã giao:
- Dạ không sao, miễn anh lên đây in ít là được rồi.
Sau câu nói cả ba đều cười, thủ tục giấy tờ diễn ra nhanh chóng. Hai người công an bước lại nhìn nó trước khi cho xe chạy. Người mập nói:
- Anh thấy em cũng đàng hoàng, ráng mà làm lại cuộc đời mới.
Nó mỉm cười rất nhã nhặn và lịch sự:
- Dạ rõ! Đồng chí công an, tôi luôn cố gắng.
Khi quay nhìn lại, nó đã thấy bên anh chàng đẹp trai như cô gái có thêm một người nữa. Nụ cười tắt mất, nó cảm thấy con người này có cái gì đó phải e dè.
Cả hai có dăm phút nhìn nhau. Người đàn ông, trong mắt nó, dáng to cao, ăn mặc chỉnh tề, giản dị, với màu da ngâm đen và viền môi mỏng hơi mím lại, nhìn nó không hề dấu vẻ đánh giá.
Bất giác nó nhìn lại mình (cái mặt thì nó chẳng cần phải nhìn, bởi suốt cả tuần nay nằm ở trạm trung chuyển, nó đã nhìn nó chán chê qua miếng gương tròn bằng đồng xu may mắn còn sót trong túi áo). Mái tóc gọn gàng do anh công an ở trạm trung chuyển có cảm tình với nó, nên cố gắng hớt đẹp. Trên vầng trán hơi dô và gương mặt xương dài, nêu không có vết sẹo khá lớn chữ X nằm ngay má, thì đẹp chẳng kém gì Đàng. Đôi mắt một mí sắc lẻm, thường giương to lên khi vành môi sắp nở nụ cười. Giờ nó đã nhìn rõ bề ngoài của mình, đôi dép da chẳng biết màu gì, quần rêu gãy thụng, sọc còn mới nhưng bốc mùi. Với chiếc áo ca rô mờ xanh nhạt, cổ đen thui, sự hào nhoáng của nó đã mất sạch sau một tuần nằm ở trạm trung chuyển.
Nó bất giác nhún vai bày tỏ cử chỉ ngương nghịu về cái bẩn thỉu của mình. Giọng lịch sự như bản chất có từ trong máu:
- Có lẽ ông là hiệu trưởng. Xin lỗi, tôi cũng không muốn để ông khó chịu ở phút gặp gỡ ban đầu.
Đàng nghiêm mặt, bất kể vẻ văn hoa của nó:
- Đây là thầy Dũng hiệu trưởng, cho phép em ngồi để thầy nói chuyện trước khi các bạn đội viên đưa em về phòng.
- Rõ! - Có chút vui trong chữ rõ. Nó ngồi xuống, mắt giương to đảo quanh phòng.
Đàng đưa cuộn giấy nhỏ cho Dũng rồi đi ra. Anh cầm lấy có chút lơ đãng hỏi:
- Em tên gì?
Nó thoáng nở nụ cười, nụ cười như thấu hiểu sâu sắc về cái tên gọi của bất cứ ai khi sinh ra đời.
- Thưa ông Hiệu trưởng, cái tên được pháp luật thừa nhận tôi đã quên mất rồi.
Gương mặt sạm đen rất đàn ông ấy không có vẻ gì bực bội.
- Vậy em có cái tên khác để gọi chứ?
- Những ai biết tôi đều gọi tôi là Đông “bác học”. Riếng giới đại diện pháp luật, trật tự xã hội, cứ khăng khăng gọi tôi là Mai Tình, biệt danh Tình hiệp sĩ.
Dũng đã ngồi đối diện với nó, tuy cùng một phía dãy ghế đặt sát bên chiếc bàn dài bằng mê-ca trắng bóng. Một lần nữa anh nhìn chăm vào nó. 15? 16? 17? Hoặc có thể hơn? Anh không muốn xem hồ sơ bên công an chuyển qua. Anh muốn bằng trực giác cảm nhận nó là thế nào, có gì khác với hơn hai trăm đứa trẻ của anh. Anh thấy nó khác, thứ nhất là cái vẻ “bác học” của nó, thứ hai là nó chẳng có chút gì sợ hãi nơi đây, ngay cả với anh.
- Từ nay tôi gọi em là Đông, em gọi tôi là thầy, là anh cũng được và xưng em.
- Nếu được, tôi xin phép nói là tôi rất hân hạnh.
- Tại sao lại nếu được?
Nó đưa tay làm cái cử chỉ ra vẻ chính nó cũng không hiểu nổi.
- À! Những người đại diện trật tự luật pháp luôn dạy tôi: “Không phải vậy, phải nói dạ rõ, hiểu chưa?”
Nó nói trong tư thế cố ngồi nghiêm chỉnh là vẫn có vẻ uể oải. Nhưng lối giả giọng nói và lối làm bộ trên gương mặt giống y một anh công an nói chuyện với một tên tội phạm hình sự, khiến Dũng suýt cười. Anh vờ nghiêm đứng lên:
- Trước khi em về phòng ba, thầy có vài điều muốn nói. Thứ nhất, ráng quên chuyện ngày trước của mình để làm lại con người. Thứ hai, đừng bỏ trốn. Còn các điều khác có phụ trách phòng và các bạn đội viên khác sẽ nói với em.
Nó đứng dậy:
- Thưa… có phải mọi thứ được gọi bằng kỷ luật?
- Cái đó được gọi là trật tự xã hội.
Nó thấy mặt Dũng nghiêm lại trước bài học đầu tiên, nó ngoan ngoãn đứng thẳng:
- Rõ! Thưa thầy Hiệu trưởng.
Dũng gật đầu, anh nhìn ra cửa gọi lớn:
- Khanh! Đưa bạn Đông về phòng.
Một tiếng “dạ” thật lớn. Một đứa dáng cao, áo quần bảnh bao từ đám trẻ lố nhố ngoài bậc thềm trước cửa văn phòng bước ra, đi vào. Nó chào Dũng nhỏ nhẹ, rồi nắm tay thằng Đông đi ra cửa. Đông hơi ngoái đầu lại:
- Chào thầy! Hẹn gặp lại.
Thằng Đông rời khỏi văn phòng, gương mặt cũng đổi ngay. Nhấp nháy đôi mắt một mí đầy vẻ tinh quái, nó đảo sòng sọc qua đám trẻ đang nhìn nó, qua đám con gái ít ỏi ngồi ở cột cờ, ghế đá, rồi đảo quanh cả trường. Môi nó trề ra, buông câu nhận xét chẳng ăn nhập vào đâu:
- Buồn bỏ mẹ!
Khanh liếc nó, có chút khó chịu của thằng “ma cũ”, hiện đang là trưởng phòng và là đệ tử ruột của thầy Sở tổng giám thị.
- Ở đó mà than buồn, mầy chưa thấy cái buồn hơn.
Hai đứa tới cầu thang lộ thiên, nằm chếch cánh cửa văn phòng độ mươi bước chân. Cái cầu thang xi măng xám xịt, có tay vịn bằng ống típ nước đưa hai đứa lên căn phòng rộng thênh thang trên lối đi lót những viên gạch ô vuông màu tối. Đôi mắt thằng Đông ghi nhận rất nhanh quang cảnh chung quanh. Cầu thang có một thằng ngồi buồn bã, nghĩa là nó đang gác. Lô nhô một đám trạc tuổi nó đứng dọc hành lang nhìn xuống dưới. Nó sực hiểu câu thằng Khanh nói, nghĩa là có những thằng bị quản lý trên lầu và nó cũng chịu chung số phận.
Mọi cảm nghĩ trong thằng Đông bỗng khựng lại khi nó đứng trước người phụ nữ ngoài ba mươi, mái tóc uốn ngắn, gương mặt hiền, bình lặng, không chút phấn son. Chị đang ngồi trên chiếc ghế duy nhất, cạnh cái bàn độc nhất trong căn phòng thênh thang không có cái giường nào, ngoài cái tủ cũ kỹ sờn sứt, cửa long ra vì mất hết bản lề. Chị đang vá áo.
Có chút xôn xao thoáng qua rất nhanh trong trái tim tưởng chừng chai đá của thằng Đông. Nó chưa bao giờ được ai vá áo, vì vậy trong suốt thời gian người phụ nữ nói gì nó đều dạ thưa rất cung kính, dù chẳng nhớ chị nói gì ngoài hai điều: Chị coi phòng ba của nó và có cái tên rất giản dị như mọi người:
“Lê Thị Lành”.
Tiếng kẻng nghỉ trưa vang lên, đúng lúc chị Lành vá áo xong, chị đứng dậy, cẩn thận cất kim chỉ vào hộc tủ rồi hỏi nó:
- Em ăn trưa chưa?
Nó chưa ăn nhưng lại gật đầu:
- Dạ rồi!
Đông đúc bọn con trai tràn vào phòng, chúng chẳng buồn nhìn, chẳng buồn biết cái thằng có tên Đông “bác học” là ai. Chúng nằm lăn ra giữa sàn gạch nâu, lau sạch bóng. Chỉ tích tắc chúng đã nằm đều đặn, thẳng tắp, dọc chân sát tường. Bọn chúng nhắm mắt.
Lành cười mỉm nhìn nó:
- Vậy em đi nghỉ đi! Cô ăn cơm xong sẽ lãnh áo quần về để em tắm gội.
Nó nhìn chị đi khuất thang lầu, rồi đủng đỉnh lại giữa phòng nằm vật ra. Nó không ngủ, dĩ nhiên rồi, nó cũng chẳng thèm nghĩ ngợi. Nó để cặp mắt lang thang khắp phòng, dừng lại một chút ở đám bạn ít nhiều có chung số phận, rồi lại nhìn ra khoảng trời xa thẳm, mênh mông tít ngoài song cửa… Nó mở to mắt… con bồ câu trắng đang ngắm cảnh trời mây như nó trên nóc nhà.
Hỡi con người! Vậy là thế nào? Giống chim cao quý nầy, có thể chung sống một cách hoà bình với những kẻ đầy cát bụi giang hồ như nó sao?
Thằng Đông mon men ra cửa, chú bồ câu trắng đập cánh bay đi. Gã thiếu niên giang hồ lặng nhìn theo, và nó thấy cái chuồng bồ câu đặt nằm sát bên phía trái căn nhà.
Thằng Đông thần người ra, tay trái búng vào dái tai trông trốc, nó biết mình chưa vội rời nơi đây.
oOo
Chị ngắm nó ngủ trong tư thế hơi co ro, cái mền mỏng tanh, cũ xì đạp dưới chân, cái đầu thò ra khỏi mùng. Một vài chú muỗi vo ve, một vài lỗ thủng trên mùng đập vào mắt chị.
Ngày mai vá cho nó cái mùng, chị nghĩ thầm khi đẩy nhẹ nó vào trong và quay trở lại bàn. Cất tập hồ sơ vào tủ, khoá lại, chị nhẹ nhàng xuống lầu. Hôm nay chị trực, phải ngồi trước cửa văn phòng cho đến nửa đêm, sẽ có đồng nghiệp trực tiếp ca. Ở ngôi trường cá biệt này, nhân viên, cán bộ hay thầy giáo, đều phải chia nhau trực, để đề phòng hay giải quyết sự cố xảy ra trong đêm. Tỷ dụ như học viên bỏ trốn gây tai nạn, hoặc chúng đánh lộn nhau, hoặc bọn con trai và con gái rủ nhau tình tự ở góc hẻm nào đó v.v…
Đêm nay mọi việc đều tốt đẹp, chị thảnh thơi để nghĩ về người học viên mới của mình. Hồ sơ công an quận chuyển qua, ông Hiệu trưởng đưa xuống, chị thuộc nằm lòng, bởi nó hầu hết như mọi hồ sơ khác. Cướp giật có băng, gây án nhiều lần nhưng công an không bắt được quả tang, chỉ căn cứ vào hồ sơ lưu của các nạn nhân thưa kiện đã bị giật. Các nạn nhân mô tả hình dáng hắn: cao, trán dô, mắt một mí sắc bén, cười luôn miệng, có vết sẹo mờ chữ thập khá lớn ở má trái, kéo lên tận màng tang.
Lần này bắt được quả tang nhưng nó cương quyết phủ nhận mình là Mai Tình, có biệt danh hiệp sĩ. Nó nói nó tên Lê Văn Đông, rất trí thức trong làng cướp giật nên được tặng biệt danh “bác học”. Xưa nay nó chưa từng như vậy bao giờ. Chẳng qua “kẹt quá” lần đầu tiên xuất chinh đã bị bắt, chớ nó chỉ thích làm “quân sư quạt mo”.
Điều chị băn khoăn là phần lý lịch nó trống trơn, chẳng có chữ nào. Vậy là sao? Ngay đến công an cũng không hỏi được. Nó sinh ra, lớn lên tại đâu? Chị nhớ lại dáng nằm co ro ban nãy, nhớ cái bĩu môi rất nhẹ của nó khi nhìn căn phòng thênh thang không có chiếc giường, rồi nhìn lại đống mùng mền trên tay nó. Chị thở ra, nó như bao nhiêu “đại bàng con” khác, trước khi vào đây đã từng sống huy hoàng, nên ngôi trường này khó lòng giữ chân nó, giúp nó trở lại đời lương thiện.
Chị đứng lên, đảo quanh một vòng. Bao năm rồi cây sứ già vẫn đứng trơ vơ ở góc trường, cây sứ chỉ reo cười khi đám trẻ nhỏ trèo lên hái hoa, ngắt lá. Kia là bóng cây me tây già cỗi, cao ngất trời, nhưng không còn toả mát như xưa. Nó già lắm rồi, đến nỗi trái chín rụng mà cơm còn đắng. Bọn trẻ mỗi ngày hành hạ cây me tây chẳng biết bao nhiêu lần. Ngay cả đám con gái, chúng cũng liệng đá, ném dép bất kể, miễn sao cây me tây cho trái rụng xuống. Và, mỗi chiều về, trong giờ tự do sinh hoạt, bọn trẻ bằng tất cả phương tiện sẵn có ở khu trại gỗ, chúng rang hạt me tây trong lon sữa bò, hay trong cái thau nhỏ bẹp dúm nào đó đến cháy vàng ra. Chúng tụm năm, tụm ba, cắn ăn lách tách luôn mồm. Xót xa dâng lên trong lòng người phụ giáo, những đứa trẻ sống ở nơi đây ăn uống khá hơn nhiều so với những năm trước nhưng những tiện nghi, đời sống bình thường còn quá thiếu thốn. Nếu con chị ở nhà ngày ba bận ăn quà vặt, nào chè, trái cây, bánh kẹo, thì những đứa con nuôi trong vòng tay chị chỉ có hạt me tây, độc thứ hạt me tây hàng ngày mà thôi.
Một nỗi ray rứt chợt trào lên, đưa chân chị đi dọc theo hàng dừa, với những thân loang lổ theo tháng năm, về phía cổng trường. Đêm. Tất cả đều im lặng, từ trại gỗ, xưởng may, lò bánh mì, đến xưởng trường và ngôi chợ cách trường mấy bước chân đều say ngủ. Chỉ có chị và người bảo vệ trường đang ca trực thao thức. Anh ta trẻ, trạc tuổi chị hoặc nhỏ hơn. Thấy chị, anh đứng lên, điếu thuốc trên môi tắt ngấm:
- Chị Lành định ra ngoài?
- Không! Tự dưng tôi thích dạo quanh.
Và im lặng. Người bảo vệ chẳng hiểu được cái cồn cào, nôn nao trong lòng chị… Làm sao khác, ngay chính chị cũng không hiểu… Rồi chị bật nói:
- Tôi mới nhận thêm một đứa!
Anh bảo vệ cười:
- Vậy là dân có máu mặt rồi! Phòng chị là phòng cộm mà!
Lời chị tuôn ra không suy nghĩ:
- Hồ sơ chứng tỏ nó là đại bàng. Anh Dũng nói nó rất khôn ngoan, vậy mà ngay trong tích tắc đối diện, nhìn ánh mắt nó nhìn tôi vá áo, tôi cảm giác nó đang đau khổ và xúc động.
Anh bảo vệ đã đi quá nửa cuộc đời, nên chợt hiểu sự xao động trong tâm hồn người phụ giáo. Tất cả chỉ vì gã thiếu niên mới nhập phòng. Anh nói rất thực tế:
- Chị gần nó nhất, như người mẹ. Nếu nó có thể trở thành đứa con ngoan, thì chị cố gắng đừng bỏ qua cơ hội.
Tự dưng chị thấy nhẹ nhõm, chị hiểu ý người đồng nghiệp vừa nói và bất giác cười bẽn lẽn:
- Ừ! Tôi sẽ ráng, thôi nghe.
Chị xoay người đi nhanh qua hàng dừa. Bước chân đầy linh tính lao lên cầu thang, chị còn kịp xoa đầu thằng đội viên gác một cái rồi mới vào phòng. Bước vội lại chỗ nó ngủ và… tim chị như ngừng đập… Nó biến mất rồi. Cái mùng trống không.
Chị muốn kêu lên, báo động, để người ta tìm bắt nó về, nhưng chẳng hiểu sao chị cứ đứng lặng, tay ghì lấy lồng ngực. Nó ra lối cổng hay nhảy lầu? Hay từ bồn chứa nước cao hơn sáu mét? Nó gãy chân? Bể đầu? Tim chị thắt lại, đầu choáng váng.
- Cô làm sao vậy?
Tiếng nói rất gần, mà chị nghe như quá xa xôi, nhưng chị vẫn quay đầu lại. Nó! Nó đứng đó, trong chiếc quần xà-lỏn, phô đôi chân dài nghều, phanh nút ngực cái áo trường may, đôi mắt một mí sắc bén, có chút ngỡ ngàng khó hiểu.
Chị lặng đi trong nỗi mừng, và bồi hồi khá lâu.
- Cô sợ em trốn à? Đôi mắt một mí của nó trở nên tinh quái.
Nó đã hiểu. Chị không chối cãi:
- Em khiến cô sợ quá! Em có thể bể đầu, gãy tay.
- Chớ không vì sợ trách nhiệm? Nó hỏi nhẹ. Chút mỉa mai vướng ở đầu lưỡi, tia mắt sắc lại ngạo nghễ.
Chị nổi giận, dù hiểu rất nhanh không nên như vậy. Nó có cái gì đó, nhưng nó vẫn là “đại bàng con”. Chị quay đi:
- Em ngủ đi, mai cô giúp em vá mùng.
Chị bước đi, không hề biết đôi mắt nó chẳng còn vương lại chút gì chị đã thấy, trừ màu đỏ rực căm thù. Nỗi căm thù ma quái, lây lan mãi từ khi còn rất bé và hôm nay dâng cao. Nó đã vượt qua bức tường lịch thiệp, lễ phép mà nó đã tốn bao công phu tạo nên. Hừ! Cái gì của nó, chỉ mình nó biết thôi.
Nó trở về phòng với vẻ mặt kín như bưng. Hàng mi dầy cụp xuống. Nó đến ngồi một góc, làm lơ trước cái nhìn như muốn hỏi của cô Lành.
Thằng Khanh thấy bực, máu anh chị và chức trưởng phòng khiến nó muốn dằn thằng mặt thẹo này một trận. Kẹt cái giờ này là buổi sáng, lại thêm cô Lành ngồi đó. Khanh đến bên cô Lành:
- Cô! Nó dấu lý lịch, chắc thuộc loại ghê gớm.
Chị nhìn Khanh hỏi lại:
- Nếu nó thuộc loại ghê gớm sao em không biết?
Thằng Khanh không bối rối - nó là thằng thông minh, láu cá, từ lần trốn trường sau cùng.
- Vì em ở đây lâu rồi!
- Vậy sao cả đứa mới vô cũng không biết nó?
Khanh có chút ngần ngừ:
- Có lẽ nó trùm nên tụi cắc ké không biết mặt.
Chị nhìn sững Khanh:
- Em nói có suy nghĩ không Khanh? Nó cỡ bao nhiêu? Giỏi lắm là mười lăm, nhỏ hơn em, làm sao là tay trùm bí mật?
Thằng Khanh liếc nhanh về góc phòng, giọng nói nhỏ hơn:
- Cô nhớ thằng Tài không? Chín tuổi nó vào đây, mười ba tuổi trở ra, đã là đệ tử thân tín một tay trùm và là tay buôn lậu khét tiếng vùng biên giới. Cô biết không, nó đi tận Xiêm, Lào. Bây giờ ngoài đó nức tiếng nó, cao ngang ngực em đã cầm đầu băng “sĩ”.
Lành cau mày:
- Khanh! Đừng dùng tiếng lóng, cũng đừng đem chuyện đó so sánh với thằng Đông. Em chưa biết gì về nó thì đừng đánh giá vội.
Lành bực dọc bỏ ra ngoài, chị bực Khanh thì ít, bực bản thân thì nhiều. Cả chị và ban Giám hiệu trường, ba hôm rồi không biết gì về thằng Đông cả, ngoài cái tên khai và cái tuổi mười lăm gì đó. Trong khi nó cứ như vậy, lao động bình thường, tuân thủ mọi nội quy trường, cả việc ăn, ngủ nhưng cứ nín khe. Sổ lý lịch phòng chị nắm, chỉ vỏn vẹn mấy dòng.
Lê Văn Đông (bác học). Mai Tình (hiệp sĩ) ???
Sinh: 1978 ? Cha mẹ: Không ???
Địa chỉ liên lạc: Không ??? (bị bắt tại khu A quận X).
Từ nhỏ đến lớn sống với ai:
- Với người ăn xin chợ Bến Thành, đã chết năm một chín tám lăm, không biết tên, thường gọi là chú Hai. Toàn bộ đều là dấu hỏi hoài nghi về việc khai lý lịch, đến sợi tơ nhỏ cuối cùng để chị có thể tìm hiểu về nó cũng chết từ năm 1985. Chết là hết và tên chú Hai ở chợ Bến Thành có cơ man nào là người.
Bên trong, thằng Khanh đi lại ở góc phòng, nơi Đông “bác học” đang ngồi bó gối mơ màng nhìn qua khung cửa. Nó đá nhẹ chân vào thằng Đông, rồi ngồi xuống cạnh:
- Lý lịch mày giống Tôn Ngộ Không quá!
- ...
- Mày định đi học thêm không?
- ...
- Sao ngoài đó tụi nó gọi mày là “bác học” ?? Mày học tới lớp mấy rồi?
- ...
Đến nước này, thằng Khanh hết chịu nổi. Nó là trưởng cái phòng cộm nầy, thằng nào cũng né mặt ngán sợ, thêm nữa, nó được sự đỡ đầu của một vài thầy cô nên oai càng lớn tợn. Nhiều khi nó ngang nhiên cãi nhau với thầy cô trong trường, vẫn được họ có một đôi phần nhịn. Vậy mà thằng lỏi này không thèn nhìn, cũng chẳng thèm trả lời một câu hỏi. Thằng Khanh sôi giận đứng lên:
- Đ.M. Mày câm à?
Bây giờ thằng Đông mới ngước lên, nó chẳng buồn mở miệng, chỉ lặng ngắm Khanh từ đầu đến cuối: Áo ca-tê Mỹ xanh nhạt, sọc thẳng nếp, chỉ gài cúc dưới, quần xanh lá cây sọc vàng thụng mới tinh. Gương mặt điển trai với chút hách dịch, đang bừng đỏ dưới mái tóc vừa phủ kín gáy, gợn quăn. Người đối diện nó không ra dáng một thằng bụi đời đang thụ giáo ở trường Tương Lai chút nào. Đôi mắt một mí lại nhìn quanh phòng và bây giờ nó cười, tay trái khều khều dái tai:
- Anh ở phòng cảnh sát hình sự mới qua à?
Khanh ngẩn ra… Đông “bác học” lại hỏi:
- Không à? Vậy anh là công tử ở nơi nào ghé thăm trường để làm công tác từ thiện à?
Tụi phòng ba thấy có chuyện để xem đã xúm quanh hai đứa. Khanh lờ mờ hiểu, nó chưa tìm ra câu đốp chát đã bị hỏi tiếp:
- À! Hay anh là giáo viên mới về trường?
Khanh đổ quạu, nó chưa từng bị quê:
- Tao chẳng là con c. gì hết, tao là trưởng phòng.
Đông “bác học” đưa gương mặt thẹo đầy vẻ ngơ ngác, nhìn quanh, như muốn hỏi điều gì:
- Làm trưởng phòng có nhiều quyền lợi không anh?
Tụi phòng ba ngó nhau, chúng không biết thằng Đông “bác học” dẫn câu chuyện về đâu.
Bên dưới cửa sổ nãy giờ có một thằng im lặng, gục đầu vào gối, chợt ngẩng lên nói trổng trổng:
- Có vẻ như không được quyền lợi gì.
Đông “bác học” nhìn nhanh thằng mới nói, môi nó chỉ cười một nửa, vẻ đểu giả ai nấy đều nhận thấy:
- Có vẻ như… nghĩa là nó ở phần chìm.
Đông “bác học” đứng lên, tay phủi vào cái quần đùi trường mới phát, mắt nó lấp loé:
- Tỷ dụ cái quần anh rất xịn, còn quần tụi em chỉ ngần nầy. Tỷ dụ anh có quyền hỏi và bắt em trả lời. Tỷ dụ như tối kia, anh đi bắt mấy thằng trốn vào nhà vệ sinh hút thuốc cho thầy Sở phạt, nhưng lại cho phép thằng đệ tử anh hút thuốc ngay tại bàn cô phụ trách trong sự che chở của anh. Hoặc là khi vui, anh rất tốt với tụi em, nhưng khi buồn thì có thể “quại” vài thằng trong tụi em mềm người, mà chẳng đứa nào dám hó hé…
Mặt thằng Khanh trắng nhợt:
- Ngay cả mày, nếu mày quờ quạng.
Đông “bác học” vô cùng lễ phép:
- Dạ thưa anh Hai, em tuyệt nhiên không dám quờ quạng, nhưng em có điều muốn thưa với anh.
Vẻ mặc nó đểu giả cùng cực, vết thẹo trên má nhăn nhúm lại và đôi mắt long lên đỏ ngầu. Nó đổi ngay giọng nói:
- Tao không thích mày lên mặt với tao, hay bất cứ ai mỗi khi mày buồn hay vui. Tao không thích chuyện mày “lấy bóng đèn” một thằng nào ở đây. Mày phải nhớ điều nầy, mày có thể lột xác trở thành trong trắng như tờ giấy bằng nghị lực bản thân. Mày có thể bán rẻ mày bằng cách nịnh bợ để được những gì muốn có, nhưng tuyệt đối không được bán rẻ những đứa đã từng có số phận như mày, hay dùng nó làm viên gạch lót tiến thân. Nếu có một lần nào đó, chỉ một lần thôi, mày cũng đủ hối tiếc, rõ chưa!
Tụi phòng ba lặng ngắt. Bọn chúng đa số là những đứa có hồ sơ dầy cộm về đủ mọi thứ tội phạm hình sự. Chúng đã từng đối mặt với các tay trùm tàn nhẫn, vô lương tâm và cả với những người đại diện luật pháp, có những người đã quên luật đối với trẻ phạm pháp vị thành niên. Hôm nay, lần đầu tiên trong đời chúng thấy một vẻ mặt trí thức, hiền hoà, bỗng chốc biến dạng kinh khiếp, man rợ đến vậy. Chúng sợ!
Thằng Khanh bàng hoàng, nó chưa đủ bản lãnh đối phó, thật ra nó chẳng phải là thằng “đại bàng” con gì. Lai lịch nó hiền hoà lắm: ba nó đi lính bị thương chạm thần kinh phải nằm bệnh viện tâm thần, mẹ nó vội vã bỏ lại nó cho bà nội và người cô đi lấy chồng khác. Nó lớn lên trong tình yêu thương của nội và sự đùm bọc giúp đỡ của cô dượng. Nhưng cô dượng nó ở cao nguyên lâu lâu mới về, còn bà nội lại già. Nó học đến lớp tám thì hư hỏng, chỉ vì đám bạn nhà giàu và tính hay tô vẽ để tự thương tâm về nỗi bất hạnh “quá lớn lao của mình”. Nó đã bỏ nhà ra đi sau nhiều lần trốn học du hí với một đám bạn bè, thế rồi lỡ kẹt phải về nhà nẫng nhẹ số tiền của nội. Nội nó giờ mới hiểu, tình thương không đủ để giáo dục một đứa trẻ lớn lên trở thành người đàng hoàng. Bà và cô dượng nó đành báo công an, tìm nó về, đem đến gởi trường Tương Lai vào cuối năm 1989. nó trốn trường nhiều lần, làm những chuyện mà mọi đứa trẻ sống lề đường phải làm để kiếm sống và cuối cùng trở về đây, khi nó nghĩ ra, đây là nơi nó có thể làm lại từ đầu mà không phải nhờ đến cô dượng.
Năm nay thằng Khanh mười tám tuổi, quả thật nó có tranh thủ được cảm tình một số cô thầy trong trường để được lưu tâm giúp đỡ, mong đạt tới những gì mình từng bỏ trôi đi. Nó cũng có khi thấy mình ngon lành một chút để làm oai với tụi trong trường, hoặc lý sự cãi lại với vài thầy cô khác. Tóm lại những gì thằng Đông “bác học” kể về nó không sai, nhưng cái chuyện nịnh bợ, bán cả bạn bè, dùng bạn làm viên gạch tiến thân thì oan cho nó quá, nó đã đến nỗi nào!
Đứng sững, mặt thoắt đỏ rồi tái lợt đi, thằng Khanh chỉ thấy đôi mắt Đông “bác học” lung linh đỏ ngầu man rợ. Nó lắp bắp:
_Tao… tao… có… tồi vậy… đâu.
Rồi nó bỏ đi trong tâm trạng đau khổ, oan ức và phẫn nộ vì thấy rõ mình không phải là đối thủ. Gian phòng trở nên nặng nề, mỗi đứa tản ra một phía, bọn chúng từ lâu đã chia thành hai phe, phe ủng hộ Khanh và phe phản đối Khanh, nhưng giờ đây chúng cùng một ý nghĩ: “Cái thằng Đông “bác học” nầy đáng sợ làm sao”.
Tiếng kẻng tan học của trường vang lên, Lành trở lên phòng. Chị lạ lùng, ngơ ngác trước cảnh bọn chúng không như mọi ngày: chúng xúm nhau trước hiên nhìn xuống chọc ghẹo, phá phách, cười đùa, chờ giờ ăn trưa. Giờ chúng đang nằm la liệt, tất cả đều nhắm mắt, trừ Đông “bác học”.
Ban giám hiệu trường bỗng dưng quan tâm tới Đông “bác học” ghê gớm. Ngày, đêm không biết bao nhiêu lần, các thầy cô hỏi thăm nó, gián tiếp, trực tiếp.
Đông “bác học” như không biết điều ấy. Nó vẫn là nó của những ngày nào vào đây, rất lịch sự, lễ phép, ra dáng công tử con nhà đàng hoàng. Đối với các nhân vật nữ trong trường nó lại càng lễ phép, hào hoa. Và cứ như thế, chẳng ai từ lớn tới nhỏ biết gì hơn về nó, ngoài cô quản lý thư viện phát hiện, nó chưa bao giờ vào thư viện đọc sách. Thế là có màn tranh cãi xôn xao. Thằng Khanh thì cho Đông “bác học” chẳng biết chữ mẹ gì cả, chỉ tung hoả mù ngáo ộp. Thằng Nhân trưởng phòng bốn cãi rất hăng, đến sùi cả bọt mép trên gương mặt đẹp trai như mấy chú tài tử tý hon cinéma:
- Ít ra nó cũng “ngon” hơn mầy, nó nói chuyện không ai cãi nổi, nó rất “bác học” cả trong xử thế với tất cả mọi người, mày có được vậy không?
Khanh tắt họng, thằng Từ phó phòng ba nhảy vô vòng:
- Nhưng thư viện thì bất cứ thằng nào cũng phải tới, vì đó là nơi để giải trí lành mạnh duy nhất. Nhất là tụi phòng mình, đâu có được tự do chơi ở dưới.
Thằng Ánh đen ở bệnh xá được phân công coi về tổng quát đang đem thóc cho bồ câu ăn, đi ngang chỏ miệng vô:
- Có mầy mới đọc ba cái truyện tranh đó, còn nó học tới cái gì gì rồi thì thèm vào!
Vậy là cuộc chiến tranh thầm lặng diễn ra quanh thằng Đông “bác học”. Cứ tụ lại là chúng cãi nhau búa xua, nhưng chẳng thằng nào chịu hỏi ngay nhân vật chính.
Chiều nay như mọi chiều, thằng Đông “bác học” lễ phép xin thằng trực cầu thang cho nó đi vệ sinh. Chẳng hiểu nó có biết mấy thằng trại viên phòng ba lúc nào cũng nuôi viễn cảnh là nó sẽ trốn trường và một pha đuổi bắt ngoạn mục xảy ra không, mà nó ở miết trong nhà vệ sinh nửa giờ, đến kẻng họp phòng cũng chưa ra. Khanh quát thằng Giả (chung đội với Đông “bác học”):
- Thằng Đông đâu? Mầy tìm nó coi!
- Nó đi cầu!
Thằng Từ nghếch gương mặt không ai hiểu độ bao nhiêu tuổi của mình lên nói:
- Lâu lắm rồi!
Tụi phòng ba nhìn nhau. Một thằng đứng lên, (nó là cái thằng nói câu độc nhất với Đông “bác học” hôm nổ ra vụ Khanh):
- Để tao gọi nó!
Nó đi ra cửa, thằng Khanh gọi theo:
- Độ! Nói với nó là họp phòng.
Độ không ừ hữ, nó với Khanh không hạp lắm về tính tình và trong ba mươi đứa phòng ba, nó là thằng ít nói nhất, tính tình trầm lặng, kiên cường. Nếu người ta chỉ lá dừa bảo nó nói lá cau, sẽ cho cả thế gian, nó chỉ cười lạt lắc đầu. Lá dừa là lá dừa, chân giá trị như nó vậy đó.
Đi vội vào nhà vệ sinh. Giờ nầy tất cả bọn trẻ đã tập trung sinh hoạt phòng, không thằng nào ở đây, chắc thằng Đông biết điều nầy. Độ vừa nghĩ thầm vừa đi vào nhà vệ sinh cuối cùng. Một cảnh tượng hãi hùng đập vào mắt Độ: thằng Đông đang cởi trần, vết thương bên ngực trái đang toác ra, chảy máu thành dòng. Độ nhăn mặt buột miệng:
- Đông!
Đông ngẩng lên, mặt nó rắn lại, dữ dội rít lên:
- Mày ngậm miệng cho tao nghe chưa!
Độ gật đầu nói:
- Đi bệnh viện đi Đông, vết thương mày không thể lành.
Thằng Đông vừa gấp miếng giẻ cẩn thận, áp sát vào miệng vết thương, vừa nói:
- Chẳng ăn thua gì với tao, có khi nặng hơn nhiều.
Độ cố thuyết phục:
- Thầy Cang ở bệnh xá tốt lắm, khi đưa mày đi thầy thừa sức bảo vệ mày.
Mặt thằng Đông xám xanh vì nén đau đớn, tay nó run run gỡ miếng băng keo ở cửa nhà vệ sinh dán vào vết thương, miệng nói qua hơi thở dập dồn:
- Cuộc đời dạy tao không nên nhờ bất cứ ai bảo vệ mình, mày có học được bài học đó chưa?
Độ im lặng, nó quay ra rút từ áo chiếc khăn nhỏ nhúng vào hồ nước, vắt khô nói:
- Lẹ lên! Tụi nó chờ mày họp phòng.
Đông đã mặc áo khác vào tề chỉnh, những miếng băng thấm máu được nhét vào sọt rác riêng cái áo, nó cầm khư khư ở tay. Độ giật lấy nhét vội vào thau nước:
- Để đó, chút tao xuống giặt cho, giờ lên kẻo tụi nó nghi.
Độ vội vã dùng khăn của mình lau hết máu ở tay thằng Đông. Khi hai đứa rời nhà vệ sinh, nét mặt đã thản nhiên, tỉnh rụi. Thằng Đông còn cười tươi, nói lời xin lỗi họp trễ với trưởng phòng khi thấy thằng này nhăn nhó. Suốt cả giờ đồng hồ họp rồi sinh hoạt, hát hò, chạy nhảy với những trò chơi, thằng Đông chẳng hề thua thằng nào, trước cái nhìn lo âu của Độ.
Cuối buổi, Độ vội xuống lầu. Khi trở lên, nó đến góc thằng Đông nằm thì thầm:
- Xong rồi!
- Cảm ơn!
Tụi phòng ba đã tản hết ra lan can và xuống đất, chỉ còn trong phòng hai đứa. Độ nằm xuống bên Đông:
- Lâu chưa?
- Trước khi bị bắt.
- Bên trung chuyển (nơi tiếp nhận các tội phạm để phân loại) không biết à?
Thằng Đông ngần ngừ, những gì của nó đều phải là của riêng nó, nhưng thằng Độ đã rất “ngon lành”:
- Họ không biết, nhưng bạn bè tao biết.
Hai thằng nín thinh khá lâu.
- Sao bị toác ra vậy?
- ...
- Mày có thể nói đau đầu, để không chơi trò chơi, tao sẽ nhờ thầy Cang xin thuốc trụ sinh để ngừa làm độc.
- Không cần!
- Mày yên chí, chân răng tao cứ bị làm mủ hoài, giờ tao xin thuốc, ổng không nghi đâu.
Thằng Đông ngồi dậy bỏ đi ra ngoài. Độ bó gối nhìn theo, nó cũng là thằng cô độc lạnh lùng, ít bạn bè, nhưng so với Đông “bác học” nó thua xa, và trong ý nghĩ nó muốn biết tại sao thằng Đông lại xây nên bức tường ngăn cách. Hay vì nó đúng là “Đại bàng” có rất nhiều kẻ thù?
Độ gục mặt, nó chợt thấy mảnh giấy xếp rất nhỏ ở ngay chỗ Đông nằm. Không nghĩ ngợi, nó mở ra xem. Không có chữ nào, chỉ có một con rắn hay rồng gì đó, được vẽ nguệch ngoạc bằng chì màu đỏ, trên miệng con vật có gắn lưỡi dao nhỏ máu. Độ lạnh người, nó biết ngay bằng trực giác, vì mảnh giấy nầy vết thương thằng Đông toác lại. Chắc Đông trèo tường để nhận liên lạc bên ngoài và việc nó ở đây với kẻ thù đang là bí mật. Điều Độ bán tín bán nghi là tại sao chỉ vẽ hình mà không ghi chữ nào? Đàn em Đông “bác học” không biết chữ, hay chính nó không biết chữ?
Suy nghĩ, nhưng tay Độ vẫn như máy, xếp lại tờ giấy vào chỗ cũ, nó vờ như không thấy gì, cứ gục mặt vào chân chờ đợi. Nó biết thằng Đông sẽ trở vô, quả nhiên vậy. Thằng Đông khéo léo nằm xuống, tay lẹ như chớp vơ tờ giấy lận vào lưng quần rồi nghiêng người vờ nhắm mắt như ngủ. Thằng Độ thi gan ngồi đó… ngồi mãi… cho tới lúc Đông buộc phải lên tiếng:
- Chuồng bồ câu của ai?
- Của trường.
- Cái thằng cho bồ câu ăn tên gì vậy?
- Ánh đen.
- Thằng đó cho bồ câu ăn như chuyện bị bắt buộc, làm chim bữa đói bữa no.
Độ liếc Đông và tự lấy làm kỳ cho mình, tại sao cứ muốn biết về nó chứ? Như chuyện bồ câu.
- Mầy thích bồ câu lắm hả?
- Tao chỉ thích chim sống ở rừng.
- Vậy sao mầy chỉ để ý đến bồ câu?
- Có những người khi sinh ra, số phận đã định sẵn. Bồ câu cũng vậy, đó là chim, nhưng lại phải sống ở chuồng, có người nuôi ăn uống, tao ghen tỵ với nó, tao thương nó chớ không yêu thích nó.
Độ ngẩn người, vậy là sao cà? Độ không chỉ ngạc nhiên về triết lý bồ câu, nó ngạc nhiên về lối nói rất “bác học” của thằng Đông. Nó chắc học nhiều lắm, nói như văn, thật khác với thằng Đông hôm trước, có đôi mắt của một tên giết người.
Cô Hiền coi thư viện là một phụ nữ trẻ, dịu dàng, hơn hai trăm đứa ở trường, đứa nào cũng thương cô, vâng lời tăm tắp mỗi khi cô nhờ vả hay la rầy. Thằng Độ rất được cô quý mến, dù nó đang là diện cộm ở phòng. Thật ra chẳng có gì, nếu công bình nhận xét về cái tính quân tử của nó (lời của Độ). Chẳng là Độ thuộc diện kỳ cựu ở trường, từ thời trường còn là một trại giáo hoá, có cả phòng K (phòng giam). Mà nó vốn dĩ không là đứa trẻ hư hỏng. Nó trôi nổi giữa cuộc đời rồi vào đây chỉ vì hoàn cảnh gia đình. Cách sống, cách giáo hoá của Ban giám hiệu hồi đó khiến nó kinh sợ. Nó trốn trường, bị bắt về giam vô phòng K. Ở đó có vô số đại bàng lớn, đại bàng bé, thẳng tay trấn lột, mượn đám nhóc tụi nó làm bao cát dợt võ khi buồn. Ra khỏi phòng K, nó trốn nữa - nó thề sẽ trốn đến hơi thở cuối cùng. Cùng thời gian đó Ban giám hiệu cũ ra đi. Ban giám hiệu mới về, Hiệu trưởng là một phụ nữ ngoài bốn mươi, dáng trí thức từ trong ra ngoài, biết cách chinh phục đám “ngựa chứng” tụi nó bằng trái tim người mẹ. Bà lập tức giải tán phòng K, hứa hẹn với chúng nó một tương lai như chốn thiên đường trong mơ mà chúng hằng ao ước, với điều kiện cho bà thời gian và bầy ngựa non nhiều tật phải giúp bà, bằng cách trở thành những cộng tác viên đắc lực, ngoan ngoãn. Điều kiện ấy khiến thăng Độ mềm yếu trái tim. Nó càng tôn thờ cô Hiệu trưởng hơn khi đại bàng lớn, đại bàng bé lần lượt biến mất theo phòng K, và tụi nó được đối xử trân trọng.
Ngày nó được bà Hiệu trưởng ký giấy phép cho về thăm gia đình theo lời yêu cầu của ông giám thị, thì bà và những người cộng sự trở thành thánh nhân trong trái tim của nó. Nó trả phép đúng ngày, cương quyết làm thằng Độ của tương lai huy hoàng. Nó sẽ đi học cấp hai bên ngoài, sẽ được học nghề mình muốn, sẽ vươn cao kiêu hãnh với đời, sẽ… Đùng một cái, mọi ước mơ của nó sụp đổ tan tành. Bà Hiệu trưởng bị thanh tra vì công quỹ gì đó, bị đình chỉ công tác chờ hầu toà. Một số trong ban giám hiệu bỏ nhiệm sở hoặc bị mất việc và thiên đường trong mơ của thằng Độ cũng theo họ rã tan. Nó chịu không nổi cú sốc nầy, nhất là khi Giám đốc mới cộng tác chặt chẽ với vài người nó không thích.
Nó với hai mươi đứa cả trai lẫn gái “ra đời” trở lại, ngày làm đủ “nghề” kiếm sống, đêm mượn nhà hát Hoà Bình làm chỗ ngủ. Một thời gian ông Hoàng giám thị cũ bắt gặp, ông bèn đưa cả bọn về khu nhà mở (dành cho trẻ bụi đời), tìm việc làm cho từng đứa. Riêng với Độ chưa có việc làm phù hợp thì cùng hai đứa con gái tên Huệ, Hoa, in lụa, có người đích thân truyền nghề. Nhưng công việc chưa quen thì đất bằng đã nổi sóng (hay tại số thằng Độ không rõ), dân quanh khu nhà mở đưa đơn thưa kiện vì lý do đám thiếu niên khu nhà mở quậy phá, làm rối loạn an ninh, giờ nghỉ ngơi của người lao động.