Người đàn ông ấy, trước khi có vợ con, là sĩ quan trong quân đội, cha mẹ người tỉnh B. Giải phóng miền Nam anh về quê cũ, đem theo người vợ cưới từ miền Bắc. Thời chiến tranh chị là một nữ công nhân có thành tích và họ cưới nhau vì những chiến công, vì tình yêu và sự quý trọng mà hai người đã dành cho nhau.
Hoà bình lập lại, người sĩ quan với những chiến công lẫy lừng đã chuyển ngành vì sức khoẻ không cho phép anh kéo dài cuộc đời binh nghiệp. Hào quang huyền thoại về anh biến mất, trong mắt người vợ ông chồng trở nên tầm thường khi ngày hai buổi đi làm trong cái xí nghiệp chăn nuôi, lương không đủ uống thuốc mỗi khi trái gió trở trời. Năm đó đứa con trai đầu lòng của họ - thằng Độ - lên bốn tuổi, cũng là lúc quan hệ gia đình nó với ông bà nội và cô chú đến lúc tan vỡ, không gì hàn gắn được. Lên bốn, thằng Độ đã nghe vô khối chuyện cãi nhau giữa hai gia đình. Mẹ nó vỗ quần bành bạch, xỉa tay vào ông bà mắng xa xả:
- Bà truyền đời cho biết, cái thời này không có chuyện con dâu đâu. Xã hội chủ nghĩa là mọi người bình đẳng, đừng hòng bắt nạt bà.
Bà nội nó thì giọt ngắn, giọt dài, chấp tay kể lể:
- Cô ơi! Tui xin cô, tui không dám đâu, tui chỉ mong cô hiểu, nhà tui nề nếp, xin đừng đi ngang về tắt mà nhục nhã gia phong.
Thằng Độ chẳng hiểu đi ngang về tắt là sao, nhưng nó thấy mẹ mình đã làm ngược lại những điều trước đây bà dạy bảo nó. Mẹ hung dữ chửi ông bà nội, mẹ còn chửi cả bố, mà bố thì hiền làm sao. Và một chiều, nó ra cảng đón đợi con tàu của bố, đợi mãi đến tối mịt vẫn chẳng thấy bóng dáng con tàu, nó lủi thủi đi về, quên cả hôm ấy là ngày được ở nhà bà nội, nó về thẳng nhà mình để vô tình thấy cái cảnh mà tuổi nó không biết kể lại làm sao cả. Nó cứ đứng như trời trồng. Vừa thấy xấu hổ, vừa phẫn uất vì thương bố. Bất chợt nó oà lên khóc.
Tiếng khóc khiến hai kẻ bất lương hoảng hốt vơ vội lấy áo quần. Gã đàn ông kia chuồn mất và người mẹ lang chạ lặng nhìn con bằng đôi mắt thù ghét, điên cuồng.
Thằng Độ không biết kể chuyện, nhưng năm tháng đã dạy nó hiểu đó là cái gì. Cái đó như bà nội nó nói là “đi ngang về tắt”. Nó cũng cảm nhận mẹ càng ngày càng đối xử bạc bẽo, tệ mạt với nó, chẳng khác gì bà Tào Thị. Và khi bố nó vì sức khoẻ phải thôi việc ở xí nghiệp chăn nuôi thì nó không còn được đi học nữa, nó phải ở nhà giữ ba đứa em để mẹ đi buôn.
Từ dạo đó mỗi buổi chiều xuống, Độ lo rửa ráy, cho em ăn để kịp đêm theo cha đi bắt ốc, mò cua, cất vó tôm, hay đặt lờ. Người cha càng câm nín cam chịu, đứa con càng sống cô độc âm thầm. Tuổi thơ nó đi qua bên người cha giống như chiếc bóng, bên người mẹ đanh đá, tàn nhẫn, không chung tình.
Cái ngày nó về nội ở là ngày nó đã lớn khôn để chua xót đến nghẹn ngào, nhìn cha gục đầu bên song cửa không bước vào nhà, vì vợ đang ăn nằm cùng kẻ khác.
Sau đó là những trận chiến kịch liệt giữa mẹ nó với ba nó và gia đình bên nội. Người đàn bà buôn bán gà chua ngoa, nanh nọc, nổi tiếng nhất chợ ở tỉnh B, đã đem tất cả sự hung dữ cùng lối sống buông tuồng của mình xé nát cả gia phong bên nhà chồng, và đòi cho được thằng con “phản bội” về trừng trị.
Cái điều đáng sợ nhất của thằng Độ không phải là những trận đòn ác liệt khiến nó dở sống, dở chết, mà chính là những lời chửi rủa thô bỉ của mẹ nó dành cho bên nội, cho cha nó và cho cả nó khi đánh. Tất cả đã in đậm vào tâm hồn trẻ thơ biết suy nghĩ, khổ đau của nó.
Thằng Độ nằm liệt, mấy đứa em không đứa nào léo hánh lại gần. Bàn tay cha nó, bàn tay người chiến sĩ hiên ngang trên khắp chiến trường năm xưa, giờ khó nhọc nấu cháo, đổ hời cho con. Rồi từng đêm thằng Độ vờ ngủ, để nghe đôi tay xương xẩu của ba sờ soạng khắp người, để nghe từng giọt nước mắt nóng hổi của ba rơi xuống gương mặt và thân hình chằng chịt những lằn roi của nó.
Buổi chiều ấy trên phố cảng tỉnh B buồn lắm, gió thu thổi hiu hiu làm não lòng người. Đứa con cầm tay cha hỏi:
- Tại sao ba không bỏ mẹ đi?
Người ba trên thân mình chỉ có manh áo bộ đội sờn rách, bạc màu, đưa đôi mắt quầng thâm nhìn ra biển xa, tránh ánh mắt của con. Ông trả lời bằng giọng nghẹn ngào:
- Vì như thế là các em con phải khổ, chúng nó còn bé lắm, cần được chăm sóc thương yêu, mà mẹ con thì sẵn lòng lấy chồng khác. Độ ơi! Khi người đàn bà thương người đàn ông khác, họ không thiết đến những đứa con. Ba đành đau khổ một đời ba, còn hơn để ba đứa con phải khổ vì thiếu cả tình mẫu tử.
Thằng Độ nhìn sững cha, nó muốn gào lên, muốn hét lên hỏi ba nó:
- Thế còn con? Con không là con của ba sao? Sao ba không nghĩ tới con, tới những người đã sinh ra ba trên đời?
Nhưng nó không gào lên được, nó biết như thế là nghĩ tới mình nhiều quá. Nó chỉ nhìn ba nó, nhìn rất lâu, như để khắc hình bóng của ba vào tim mình rồi bỏ chạy, chạy bất kể, miễn sao tránh thoát được tầm mắt nhìn của người cha đang nhạt nhoà nước mắt.
Khi bình minh lên trên đất cảng tỉnh B, thằng Độ đã ở trên chuyến xe đi về phương trời vô định. Nó không có gì mang theo ngoài gương mặt của những người nó thương yêu lẫn thù hận và tiếng gọi thảm thiết đến não cả ruột gan của cha nó trên bến cảng chiều qua.
- Độ ơi! Độ ơi! Tha lỗi cho ba.
oOo
……
Qua ánh đèn, Đông “bác học” thấy thằng Độ mắt nhắm nghiền mà ràn rụa nước mắt, nó nghiến răng cho tiếng nức nở đừng thoát ra khỏi vành môi.
Thằng Đông gạt nước mắt cho bạn, ngẫm nghĩ và hỏi:
- Mày muốn tao giúp gì không?
- Không! Tao không còn biết ước mơ, một thằng vô học trộm cắp, móc túi làm gì có tương lai.
- Mày quên mình đang ở trường Tương Lai à!
Thằng Độ nhìn Đông “bác học”, bật cười:
- Tương Lai thì sao? Có gì cho tụi tao ngày mai? Khi xã hội người ta tiến hoá, xài toàn vi tính, điện tử, tốt nghiệp đại học còn không có việc làm thì ở đây lớp học cao nhất là lớp năm phổ thông. Học nghề, thì chỉ có nghề dệt chiếu, hớt tóc và lắp ráp điện tử. Học may thì cả tháng mới có đồ may đôi ba ngày. Chẳng lẽ trong tương lai tụi tao cứ ngoan ngoãn ngồi đây chờ nhà nước, nhờ vào sự xin xỏ của trường để được ngày ba bữa cơm cho tới già chết?
Thằng Đông nằm ngửa nhìn lên đỉnh mùng:
- Nhưng là lỗi của ai? Của mày, của tao, của xã hội, hay của kẻ sinh ra mình?
Độ chua chát:
- Một thằng dốt nát như tao không biết đến điều đó, tao chỉ biết hận cả thế gian này. Còn mày! Đừng bận tâm tới tao, mày chẳng đang kề bên cái chết hay sao?
- Mày nói chưa đúng lắm, phải nói là tao luôn sống trong cái chết.
Giọng thằng Đông thật lạnh lùng.
Rốt cuộc thằng Đông cũng được ở lại trường sau buổi nói chuyện với thầy Dũng và người thanh niên lạ hoắc từ đâu tới khoảng ba mươi tuổi. Trước khi về phòng, nó lễ phép như thường lệ:
- Cảm ơn thầy đã tha lỗi cho em!
Với người thanh niên, nó càng dễ thương hơn:
- Anh cố gắng giúp em, dạ oan em lắm, em thật sự mới phạm sai lầm lần đầu, em muốn làm lại cuộc đời.
Nó đi khuất rồi, người thanh niên lắc đầu nhìn Dũng:
- Chúng tôi thật sự không có bằng chứng gì để khẳng định nó là Mai Tình. Mà pháp luật thì anh biết rồi, phải có đủ bằng cớ mới kết tội được. Nếu chỉ căn cứ ở vết thẹo, thì nội trong thành phố có đến hàng trăm Mai Tình.
- Hồ sơ về Mai Tình thuộc trọng án sao?
- Gần mười vụ đều trọng án cả, nếu nó đúng là Mai Tình thì không thể ở đây, dù mới mười bảy tuổi. Có điều…
Người thanh niên trầm ngâm một thoáng rồi nói tiếp:
- Lời đồn ở giới giang hồ lại khác hẳn những gì chúng tôi nắm, điều đó cần phải có thời gian xác minh.
Dũng nhìn chăm chú vào người thanh niên.
- Anh rất nổi tiếng về lãnh vực đánh giá tội phạm. Vậy anh có nhận xét gì về nó?
Người thanh niên xếp tập hồ sơ bỏ vào cặp, xong ngước lên thong thả nói:
- Nó có cái gì khiến tôi không ghét được, vì vậy tôi sẽ thuyết phục đội chúng tôi xếp hồ sơ nó, tiếp tục theo dõi.
Khi người thanh niên lên chiếc mô tô rời khỏi trường, thằng Đông đứng trên lầu vẫy tay chào theo ra chiều thân ái. Chiếc mô tô khuất dạng, cái mặt nó đã lạnh như tiền và càng dễ sợ hơn. Ăn trưa xong, nó rời nhà ăn, đến bồn rửa tay đứng sát Tài lùn:
- Mày biết lúc nào nên ngậm miệng chớ?
- Biết! Tài lùn lấm lét.
- Chừng nào mày vạch?
- Dạ!...
- Đợi tao rời khỏi đây nghe chưa?
- Dạ!
Cái mặt thằng Đông hiền lại, với nụ cười trên môi. Nó thong thả đi ra, tay búng dái tai trông trốc, gặp đứa nào cũng toe toét cười chào:
- Ê! Ánh đen, mầy vẫn quan tâm đến con Ngọc và đám bồ câu bằng nhau chớ?
- Xuân! Bụng mày lành chưa?
- Khanh! Mộng tài xế mày tới đâu rồi?
Nó vào thẳng bệnh xá gặp thằng Hào:
- Mày đi bệnh viện chưa?
- Rồi! Nhưng tao xin về đây, mỗi tuần tái khám.
Đông “bác học” gật đầu ra vẻ uyên bác:
- Tốt! Còn chuyện ngoài chợ Cũ…
Nó không nói trọn câu thì thấy Tài nhí đi với thằng Giã vào cho thằng Hào bịch bánh kẹo. Thằng Hào rất lịch sự cảm ơn rồi hỏi:
- Hôm qua vợ vô thăm hả Tài?
Thằng Tài chưa kịp nói, thằng Giã đã hớt lời:
- Đ.M! Vợ nó ngon lắm mày, tên Thuỷ, bán bánh mì mà diện như tài tử.
Đông “bác học” liếc Tài nhí, bụng thắc mắc: thằng ôn con này đến mười lăm chưa mà có vợ kìa? Cái mặt chưa rời sữa mẹ. Tự dưng nó mở miệng hỏi như ghẹo:
- Có vợ mà có con chưa?
- Có rồi! Con tao được mấy tháng! Mặt Tài nhí tỉnh khô.
Đông “bác học” thiếu điều té ngửa:
- Mày không nói với tao cưới vợ hồi mười hai tuổi chớ?
Tài nhí để gương mặt đẹp trai của nó đỏ một chút:
- Không! Hồi mười bốn, năm 1991.
- Cha mẹ ơi!
Cả Đông “bác học” và Hào đều trợn mắt, riêng thằng Giã cười hì hì “ca cải lương”.
- Vợ nó hơn nó hai tuổi lận mày, nghe nói hồi đi tán cũng mòn hết khúc đường con nhỏ đứng bán đó. Con nhỏ không dè cái mặt thiên thần này lại có hồ sơ đen dầy cộm. Giờ lỡ rồi, đếch dám sang sông, đành bấm bụng bán bánh mì đi thăm nuôi ảnh.
Tài nhí nói rất nhẹ nhàng:
- Tao yêu vợ tao lắm, nếu nó bỏ tao, tao trốn đây, về cắt cổ nó liền. Năm nay tao mười sáu tuổi, có hai chục năm ở tù cũng mới hơn nửa đời người, đủ sức tung hoành hai chục năm nữa.
Cái mặt vàng khè của thằng Hào tái lại, thằng Giã tắt luôn nụ cười. Thằng Đông gật gù “ngánh” Tài nhí:
- Tao ngỡ mày là công tử ăn chơi, té ra…
Tài nhí kiêu hãnh:
- Tao dân công tử thứ thiệt đó mày, biệt thự số… đường… là nhà của tao. Có điều tao không thích làm công tử, làm đại bàng oai hùng hơn. Nhà tao, từ bà cố trở xuống bà dì ghẻ, thấy tao là lạnh lùng.
Giọng Đông “bác học” ngọt xớt:
- Nghe mày nói, tao hình dung qua gia tộc họ Nguyễn toàn những công dân gương mẫu sao lại sản xuất ra một thằng như mày?
Tài nhí gãi đầu ầm ừ:
- À! Có lẽ là máu di truyền của má tao. Bả hồi trước là dân “bắn loi”, lại ghiền xì ke, hồi bảy tuổi tao có thời gian đi giang hồ với bả.
Thằng Giã trợn mắt:
- Gì? Ba mày “dậy” mà lấy má mày sao?
- Hồi đó nhà tao diện tư sản, cô chú toàn ở nước ngoài. Ông già tao đi thanh niên xung phong để xây dựng Tổ quốc, còn bả ở trường phục hồi nhân phẩm. Hai người gần nhau có bầu xong ông già tao mới té ngửa, biết người tình trăm năm của mình là dân xì ke có cỡ. Ổng gài số de, vọt qua bộ đội tình nguyện, “vạch” bả luôn. Bả đẻ tao ra, đem bán cho bà cô lấy tiền chích.
Thằng Tài kể chuyện tỉnh như ruồi, thằng Hoà lắc đầu ngán ngẩm. Thằng Giã nhún vai ra vẻ hiểu hết nổi. Chỉ có Đông “bác học”, là muốn biết hết cuộc đời của công tử Tài.
- Rồi sao nữa?
- Bà cô nuôi tao lớn thì ông già phục viên về, có vợ đàng hoàng, nhưng tao đếch ưa nổi bả. Với lại tính tao được bà cô nuông chiều nên ăn xài quen thói, thấy cô tiền nhiều, tao “tiêu dùm” hoài. Thêm nữa cái hồi bảy tuổi, bà già tao tới đòi tiền, đòi bắt tao theo. Một tháng đi với bả và ông dượng ghẻ là xì ke luôn, tao học nhiều thứ quá, nên hồi “vạch” trở về nhà, cái máu ăn cắp, tiêu xài đã đầy trong người tao rồi. Từ đó tao lập băng “Sĩ” tung hoành luôn.
- Mày muốn nói là không thích làm lại cuộc đời? Giã nheo mắt hỏi vẻ không tin được.
Thằng Tài rất thành thật để nói:
- Làm lại con khỉ, tao quen rồi.
Thằng Giã đứng lên phủi quần chán chường:
- Đời thiệt chẳng ra đếch gì, nhà giàu có như mày, lại khoái ăn cướp. Còn tao, ông già chỉ muốn có đủ ngày hai bữa ăn, phải đâm đầu đi mánh thuốc phiện để đến đỗi phải vô tù.
Đông “bác học” đang ngồi nhìn Tài nhí với vẻ nghiên cứu đầy tính “văn học”, bỗng nghe câu nói của thằng Giã, đôi mắt một mí nó mở lớn, đảo vòng rồi cụp nhanh xuống. Nó vỗ vai thằng Hào:
- Rảnh tao xuống chơi với mày.
Nó quay lại Tài nhí, giọng nửa đùa nửa thật:
- Tao chân thành bái phục cái tâm hồn đen tối của mày. Cổ nhân có câu “Đừng trông mặt, mà bắt hình dong”. Tao thấy đúng thiệt. Con vợ mày ấy mà! Chắc cả dòng họ nó hết phước mới gặp mày, đức ông chồng mười bốn tuổi ạ!
Thằng Đông búng dái tai, mồm huýt sáo, làm lơ trước cái nhún vai đầy vẻ đại ca của thằng Tài nhí. Nó đi lên phòng ba gặp cô Lành và chào rất duyên dáng rồi ào tới Độ đang nằm gõ muổng, hát nghêu ngao:
- Mày nói lẹ lý lịch thằng Giã tao nghe coi!
Độ thận trọng:
- Mày đừng kéo nó vô nghe, nó không giang hồ chuyên nghiệp đâu. Ông già nó là sĩ quan cách mạng, mẹ đau ốm hoài. Ổng mới bị nhóm buôn thuốc phiện ở tỉnh T., tỉnh L. gì đó “câu” vô đường dây ôm thuốc đi rải, ai dè bị chụp. Quân đội tước quân tịch, lột lon đưa ra toà án quân sự, họ còn lấy lại nhà, năm mẹ con trở thành những kẻ vô gia cư. Ông già nó bị kết án năm năm tù ở, năm mẹ con nó về Sài Gòn đi lượm rác, xin ăn sống ở hè phố. Nó vô đây vì tội móc túi lâu rồi, nghe nói ông già nó đã ra tù nhưng không thể nuôi nó, đành để nó ở lại trường luôn.
- Mày có chắc đường dây tỉnh T. tỉnh L. không?
- Tao nghe vậy thôi.
Thằng Đông thần người có vẻ nghĩ ngợi.
Thằng Đông ngồi ở góc thư viện nhìn xuống toàn cảnh nghèo nàn của khu trường bằng cặp mắt nhà “nghiên cứu”. Lúc ấy tụi nhóc đang xếp hàng ra lớp học buổi chiều, những tiếng điểm danh, báo cáo, chìm trong tiếng máy cưa chạy ầm ầm ở xưởng gỗ.
Mắt thằng Đông đậu vào chỗ ồn ào đó, rồi liếc qua căn nhà sát lớp học được dựng sơ sài mấy miếng cót và ván mỏng. Môi nó trề ra khi cặp mắt một mí dừng lại ở ngôi trường thấp lè tè, lợp tôn nóng bức, với những cánh cửa sứt, bể.
Thằng Đông buột miệng nói một mình:
- Nơi chứa củi còn chưa được, chớ trường học gì!
Thằng Đông chợt thương mấy thầy cô và đám nhóc ghê gớm, tất cả đã vào lớp rồi. Nó thật không hiểu, để những bài học lọt vào tai học trò, mấy ông thầy, bà cô ấy phải làm gì, khi mà tiếng ầm ầm bên xưởng cưa vang lên suốt ngày. Chưa kể cái mái tôn áp nhiệt sát đầu và lò sấy gỗ nóng gấp mấy lần lò bánh mì hoạt động liên miên. Thằng Đông hừ, tiếng hừ dành cho trí nhớ nó về một toà nhà cao tầng rất sang trọng, lịch sự, một thành quả đáng tự hào của ngành thiết kế, xây dựng. Căn nhà ấy do tiền của một người bỏ ra xây lên để hưởng thụ và che dấu những tội ác qua cái bề ngoài hợp pháp. Và nơi đây một khu nhà do cả xã hội, nhà nước xây dựng với mục đích cao đẹp là đưa những đứa trẻ ngoài hè phố trở về bản chất lương thiện, cho chúng một ngày mai tươi sáng, lại nghèo nàn, khiêm tốn đến vậy. Trời đất ơi! Còn chuyện ăn thì nghe đâu, sở dĩ ăn được khá là nhờ mấy cơ sở sản xuất xung quanh trường đóng góp từ tiền cho thuê mặt bằng. Còn trước đó thì chúng ta chỉ có trưa muối đậu, tối “canh toàn quốc”. Cũng may nhờ ông Hiệu trưởng mới tháo vát chớ không thì…
Thằng Đông thở ra bằng vẻ ngán ngẩm của một người có tâm huyết cho xã hội. Nó đứng lên phủi quần, đủng đỉnh đi xuống lầu, sau khi xin phép thằng gác một cách rất chi là lịch sự. Nó ra nhà vệ sinh, khi đi ngang chỗ hồ nước, một đứa con gái bé tẹo chạy theo rụt rè hỏi:
- Anh Đông!
- Hử!
- Có người đưa cái này!
Đông cầm phong thư dán kín, nhầu nát, bỏ vào lưng quần, rồi nhìn con nhỏ:
- Em tên Bê phải không?
- Dạ! Đôi mắt tròn trên gương mặt thơ ngây đượm buồn, chợt ánh lên vẻ ngạc nhiên.
- Em qua nhà nuôi trẻ thăm hai đứa cháu chưa?
Mặt Bê tươi lên:
- Dạ rồi! Bữa nay chúng nó đẹp lắm, mà sao anh biết?
Thằng Đông cười, xoa đầu con Bê một cái:
- Anh nghe cô Nguyệt nói chuyện và khen em ngoan với thầy Dũng.
Con Bê đỏ mặt, nó được cô Nguyệt khen ngoan? Ôi! Sung sướng quá! Con bé ngẩn người ra, khi sực tỉnh thì thằng Đông đã biến mất rồi.
Nó ở trong nhà vệ sinh đọc thư. Đọc xong cười ngạo nghễ một mình, nó xé vụn thư bỏ vào cầu, xối nước cho trôi sạch rồi qua bệnh xá gặp thằng Hào.
- Hào nè! Tụi anh chị bên chợ Cũ gởi lời xin lỗi mày.
Thằng Hào ngẩn ra, mặt tái đi:
- Mày làm gì chúng rồi?
Đông “bác học” ngạc nhiên nhún vai:
- Làm gì? Tao đâu có làm gì, chúng nó bỗng dưng hiểu biết ra và cảm thấy có lỗi với mày. Chúng nhắn là, nếu mày ở trường cũng tốt, mà nếu ra cũng sẽ thu xếp để có cuộc sống sống thoải mái, đàng hoàng. Ê! Mà nói vậy chớ mày đừng trốn ra, mày không thể sống như tụi nó đâu.
Thằng Xuân đi vào nghe tiếng được tiếng mất liền hỏi Hào:
- Mày định trốn à?
Hào lắc đầu. Đông “bác học” sực nhớ hỏi:
- Phục Tề Thiên và Hoà “Bắc” đâu?
Xuân chỉ tay ra cột cờ:
- Con bồ câu trắng bị què chân, thằng Phục đang băng ở ngoài, còn Hòa “Bắc” trốn rồi.
Đông “bác học” chỉ nghe nửa câu đầu, nó chạy ra ngoài cột cờ. Đúng vậy! Ánh đen và Phục Tề Thiên đang băng bó cho bồ câu trắng. Chúng không thấy mặt thằng Đông nhăn nhó và thẫn thờ nhìn con bồ câu mà nhớ về dĩ vãng xa xăm… “Thằng bé lên sáu, trên tay nó có xác con trăn vằn vện, bên cạnh nó là người đàn bà đẹp kiêu sa. Người đàn bà nhìn nó vẻ hài lòng, giọng thật dịu ngọt…
- Con giỏi lắm, bóp mạnh một cái là nó chết ngay, con muốn má thưởng gì?
- Con muốn đi chơi!
Người đàn bà cau mày vẻ tính toán rồi gật đầu:
- Được! Nếu con giải được cái sơ đồ trốn của ba.
Đó là một bức vẽ chằng chịt những đường đi, trạm gác và nhà tù. Thằng bé lên sáu ngồi mãi bên bức vẽ suốt mấy ngày đêm, cố nhớ những gì má nó nhét vào đầu suốt một năm qua, để rồi buồn rầu nói kết quả:
- Con nghĩ ba không nên trốn!
Người đàn bà vụt cười tươi khen ngợi:
- Khá! Má cho con đi. Đến ngày ba con ra tù, má sẽ cho người đến đón con về.
Nó gật đầu không nói thêm một câu nào, dù với nó hay với hơn năm mươi huynh đệ đồng môn của nó trong ngôi nhà cao tầng ấy thì đó đều là niềm vui to lớn nhất.
Người có bổn phận đưa nó đi chơi là chú ruột nó. Không như ba nó nói tiếng miền Nam, chú nó nói tiếng Bắc, giọng ấm, hơi khàn khàn. Hành trình từ Nam ra Bắc, cả hai là du khách, và nó say mê những câu chuyện, truyền thuyết mà chú kể khi qua từng miền…
Ngôi nhà nó thuộc vùng ngoại ô Hà Nội, trừ giờ tập võ, tập tại nhà, nó được rong chơi khắp chốn. Một đêm chú nó đèo nó trên chiếc xe đạp đi đến nơi khác. Đó là một thôn xóm hiền hoà, nhiều ruộng, nhiều luỹ tre xanh và căn nhà có chuồng bồ câu ngay cổng. Chú nó lần đầu tiên nói với cháu mính như với một người ngang hàng:
- Cháu thương mẹ không? Thật lòng nói chú nghe đi!
Có thương không nhỉ? Nó thành khẩn hỏi kỹ lòng nó. Không! Má nó chẳng yêu thương gì nó, không bao giờ nâng niu chiều chuộng nó, chỉ ra lệnh và bắt làm những chuyện mà nó không thích, hay nói đúng hơn là ghê sợ. Nếu nó không làm, hình phạt sẽ rất khủng khiếp. Vậy mà tuổi lên sáu nó biết phải làm thế nào để được khen, để tránh mọi sự trừng phạt. Thằng bé nói trái ngược với lòng mình nhưng theo đúng bài học mà má nó dạy ngay từ thuở lên bốn:
- Cháu thương má lắm!
Nét mặt người chú mà nó rất ít thấy kể từ khi chào đời lộ vẻ buồn buồn, rồi ông lại hỏi:
- Thương vì cái gì, vì những trò bà ta dạy cháu à?
- Má nói làm được những điều ấy sẽ trở thành người đàn ông ngoại hạng, ai nấy đều cúi đầu nghe lệnh. Chẳng hạng như thầy dạy võ của cháu rất siêu quần nhưng vẫn phải tuân lời má cháu răm rắp.
Người chú ôm đầu gục vào bàn nghĩ ngợi. Tuổi ba mươi Bình có hơn mười năm chiến đấu trên khắp các chiến trường Nam Bộ. Người anh của Bình cũng như vậy. Nhưng vào năm 1973, khi Bình là một sĩ quan thương binh phải rời quân ngũ về an dưỡng ở miền Bắc, thì cuộc đời người anh lại chuyển qua một bước rẽ. Anh ta đã quan hệ bất chánh với phụ nữ, hành hung các chiến sĩ dưới quyền và tội nặng nhất là trong một trận phối hợp với bộ đội biên giới đã đào ngũ ngắn hạn để buôn lậu thuốc phiện. Án gọi tử hình nhưng phạm nhân đào thoát. Từ đó Bình không biết tin gì về người anh nữa. Cho tới ngày thống nhất đất nước, đưa vợ con về thăm chiến trường xưa, thăm những nơi từng chiến đấu, và tại tỉnh B. Bình mới gặp lại anh, đang làm công dân gương mẫu với tên tuổi khác. Tình máu mủ lấn áp nghĩa vụ công dân, tin tưởng anh đã thay đổi, Bình yên tâm cùng vợ chuẩn bị ra Bắc. Không ngờ, người vợ chỉ sau một cơn sốt ác tính đã qua đời. Ma chay được người anh lo đầy đủ, sau đó là lời yêu cầu tha thiết:
- Anh chẳng còn ai, nay chỉ vì một phút sai lầm, anh không dám về quê cha đất tổ. Chú thương anh thì ở lại chơi với anh ít lâu, đợi giỗ đầu thím nó hãy về.
Bình nhận lời, không hề biết cái bẫy đang giăng chờ con mồi sa lưới… Đêm đó người anh đi vắng, đám công nhân xẻ gỗ đổ rượu anh say tuý luý, khi tỉnh dậy anh đã thấy mình đang nằm trong phòng chị dâu. Người anh không hề tỏ ra làm lớn chuyện, chỉ đưa cho Bình xấp hình chụp trong đêm, kèm theo câu nói:
- Chú cưỡng hiếp chị dâu, đầu độc vợ chết, nếu những bằng chứng này đưa về quê, đưa ra pháp luật thì làm sao đây?
Bình cúi mặt, anh đã hiểu tất cả. Từ ngày ấy Bình ở lại với anh, làm những gì ông anh muốn, ngày một hao mòn, câm nín. Cuối năm 1975 Bình đã làm hướng đạo cho đường dây buôn lậu vùng ba biên giới, sống không Tổ quốc giữa vùng biên giới Việt Nam - Campuchia. Ngày nghe tin người anh bị kết án bảy năm tù, Bình trở về đã thấy trên tay chị dâu một thằng bé đỏ hỏn. Thằng bé mang họ mẹ: Mai Tình! Nó đang ngồi trước mặt anh…
Người đàn ông thở dài, cuộc đời anh ngập vào vũng bùn nhơ bẩn, và từ đó anh thấy được những điều không ai có thể thấy. Một năm đôi ba lần, anh về tỉnh S., nhìn thằng bé lớn dần theo năm tháng, nhìn cơ sở Tân Long ngày càng mở mang đồ sộ, nhìn đám công nhân ngày càng đông. Và điều anh âm thầm lo lắng nhất là đám trẻ con không nguồn gốc xuất hiện ở đó. (Với người ngoài, với chính quyền, chúng là con của những công nhân trong xưởng gỗ). Chỉ có anh biết chúng được huấn luyện ngày đêm về võ nghệ và kỹ thuật giết người. Mai Tình có trong số đó, nó phải học nhiều hơn, bởi nó có tới hai sư phụ, một trong hai người là má nó. Người kia dạy nó sức mạnh và sự khéo léo, còn má nó dạy nó làm thằng “đại bàng” con, mất hết tính người.
Thằng bé kiên nhẫn ngồi nhìn chú. Má nó dạy nó cái gì cũng phải kiên nhẫn, kể cả việc ngồi nhìn con mèo ngắc ngoải chết trong tay mình.
Nhưng người chú không nói gì nữa, anh kết thúc câu chuyện ở đây.
Bài học đầu tiên về lòng nhân ái Mai Tình được chú nó dạy vào buổi chiều nó bóp chết con bồ câu trắng, chỉ vì hôm ấy con bồ câu dở chứng không chịu mổ thóc trong bàn tay nó. Nó thấy chú ngồi chết lặng nhìn xác con bồ câu và bỗng dưng nước mắt lăn dài. Mai Tình chưa bao giờ thấy người ta khóc, nó thấy người ta đánh nhau, giết nhau, để được má nó khen mà thôi. Vì vậy nó bối rối đến thừ người ra. Người chú ủ xác bồ câu trắng trong tay mình, hỏi cháu vẻ buồn lặng:
- Con chim có làm gì hại cháu không?
- Nó không chịu mổ lúa ở tay cháu như mọi ngày.
- Con người có lúc vui, buồn, giận, khổ. Từ ngày cháu biết nghĩ, có lúc nào thấy mình như vậy không?
Mai Tình ngẫm nghĩ, bất giác gật đầu.
- Con vật cũng có tâm hồn, biết vui buồn chớ! Hôm qua con bồ câu nâu, chồng nó, bị ai bắn, về đến chuồng thì chết, nó biếng ăn vì thương xót bạn đời, cháu có biết không?
Mai Tình có biết, nhưng nó đâu quan tâm đến chuyện đó, từ nhỏ tới lớn, má nó toàn dạy những điều ngược lại.
- Má cháu có bao giờ biết thương nhớ, dù người đó là ba cháu! Vì ba cháu không có tính người. Chú hỏi thật, có lúc nào cháu thấy buồn vì sự lạnh nhạt của mẹ, vì muốn được nâng niu, yêu thương, chăm sóc, mà không thể có?
Thằng bé theo thói quen muốn chối bỏ sự thật như mọi lần, nhưng nhìn đôi mắt chú đầy vẻ buồn bã, nó lại buột miệng:
- Có nhiều lắm, nhưng cháu không để má biết.
- Nỗi buồn của cháu là một trong muôn vạn điều thuộc về tính người. Sinh ra làm con người thì phải có tình cảm, biết thương yêu, biết cảm thông, biết chia sớt buồn vui. Con bồ câu chỉ là loài cầm thú còn biết thương bạn bỏ ăn, sao cháu làm con người không biết thương xót loài sinh vật bé nhỏ chẳng có sức tự vệ?
Thằng bé im lặng, thật ra nó rất khó chịu, vì những gì nó nghe đều khác hẳn với điều má nó dạy ở sân luyện võ. Nhưng lương tri bé nhỏ của nó vẫn còn le lói một điểm sáng tận cùng ở tâm linh, khiến nó đủ kiên nhẫn thoát ra khỏi đường hầm u tối. Người chú hiểu hết những diễn biến trong tâm hồn của đứa cháu. Anh không nói nữa, chỉ thở dài vuốt tóc nó, nói với giọng buồn buồn, thật nhỏ:
- Không phải lỗi ở cháu, chú không trách, chú chỉ muốn giúp cháu hiểu làm con người phải sống như thế nào. Hãy thông cảm cho chú.
Và nó đứng lặng dưới bóng hoàng hôn, nhìn dáng chú thật lẻ loi lui cui đào lỗ chôn xác con bồ câu trắng bên cạnh chồng nó mới chết đêm qua. Thằng bé buồn! Dù đây không phải là con vật đầu tiên nó bóp chết, má nó đã dạy nó giết hàng trăm con thú nhỏ ngay từ thuở lên ba…”
Thằng Đông sực tỉnh khi có đứa lay vào cánh tay nó, thằng Phục Tề Thiên:
- Anh Đông! Con bồ câu trắng của anh bị thằng nào bắn què rồi.
Mấy tiếng con bồ câu trắng của anh do thằng Phục Tề Thiên nói ra khiến thằng Đông chạnh lòng. Nó lừ mắt:
- Sao lại là của tao?
- Em thấy anh thích nó, còn nó leo lên tay anh ăn lúa hoài.
Té ra thằng này để ý dữ. Đông đỡ con bồ câu từ tay Ánh đen, nó thấy chân đã được băng cẩn thận:
- Thằng nào bắn biết không?
Ánh đen lắc đầu chỉ tay lên dãy lầu:
- Nó từ trên rớt xuống! Chẳng biết phải Tài lùn bắn không? Vì hôm trước thằng Hoà “Bắc” có vô méc là thấy Tài lùn bắn bồ câu.
Đông “bác học” để câu đó vào ruột, nó vuốt ve con bồ câu một lát rồi trả cho Ánh đen:
- Mày xin thuốc thầy Cang cho nó uống để mau lành. Phục! Gọi Hoà “Bắc” cho tao.
Phục Tề Thiên xụ mặt:
- Nó trốn rồi còn đâu!
- Trốn! Thằng Đông sửng sốt.
- Trốn rồi! Phục Tề Thiên khẳng định.
Thằng Đông thấy có cái gì không ổn. Nó thần người nghĩ ngợi, nhưng rồi không nghĩ ra, chỉ lầm bầm:
- Nó trốn để làm cái khỉ gì ngoài đời, cái thằng nhóc đó!
Đông “bác học” lên lầu thấy Hồng từ thư viện đi ra, tay cầm cuốn sách. Con nhỏ hỏi ngay:
- Chẳng phải đi Bà Rịa rồi sao?
Thằng Đông lạnh toát người, nó nhớ thằng Hoà “Bắc” hay ngồi với Hồng. Nó lắp bắp hỏi:
- Mấy người biết Đông đi Bà Rịa?
- Hồng, Huệ, Độ, Hoà “Bắc”, nhưng Đông yên tâm, tụi mình không hé môi.
Tay thằng Đông lạnh ngắt, nó hỏi thêm câu nữa:
- Nó trốn hồi nào?
- Hai ngày sau khi Đông đi, nó trốn ban đêm.
- Sao biết ban đêm?
- Tối nó còn ngủ với Phục Tề Thiên, sáng dậy không thấy nữa.
Thằng Đông đâm bổ xuống lầu, thật trái với tính điềm tĩnh của nó, khiến Hồng ngơ ngác, khi nó trở lên gương mặt như già đi trơ ra lạnh lùng.
Đêm đó thằng Đông không ngủ, nó ngồi ở ghế đá trước bệnh xá, gặp phiên thầy Đàng trực. Đàng nhắc đến lần thứ ba nó vẫn không ngủ, nổi tức quát lên thì cô Nguyệt chạy ra. Cô nhìn nó rồi nói:
- Thôi Đàng! Để nó cho tôi.
Người phụ nữ năm mươi, với hai lăm năm trong ngành, cô hiểu rằng nó đang có chuyện gì đó. Chị ngồi xuống bên nó hỏi:
- Có gì, nói cho cô nghe được không?
Nó không nói mà hỏi:
- Cô mới trực đêm qua?
- Hôm nay cô trực thế cho người khác!
- Tụi con gái vẫn chọc cô la rầy phải không?
- Cô có thương mới lạ! Có điều chúng đỡ lắm rồi.
Thằng Đông nói như ông cụ:
- Một ngày nào chúng sẽ hiểu điều ấy.
Nó im lặng. Cô Nguyệt - người phụ nữ nhân ái, suốt đời coi công tác xã hội là lẽ sống của mình, không chịu nổi sự im lặng đầy thống khổ ấy qua nét mặt cố thản nhiên của nó.
- Đông! Cháu có gì cứ nói đi, cô sẽ giúp cháu!
Nó lắc đầu chậm rãi:
- Không có gì đâu cô, cháu chỉ muốn có phút giây nào nghỉ ngơi sẽ về nơi đây với lòng biết ơn chân thật, dù đây chưa phải nơi lý tưởng để cháu, hay bất cứ ai hy vọng một ngày mai vững vàng về nghề nghiệp khi ra trường.
- Nó sẽ khác đi, nếu được tất cả những ai có lòng yêu trẻ đều quan tâm nghĩ về nó.
- Cô tin điều ấy?
- Cô tin! Dù khi cô chết đi điều ấy vẫn chưa đến.
- Chúng cháu phần đông quá xấu xa!
Người phụ nữ nhìn nó, ánh mắt ấm áp tình mẹ con:
- Không chỉ lỗi ở các cháu, hãy tin như thế để làm lại cuộc đời.
Bàn tay Đông “bác học” chợt nắm lấy tay cô xiết chặt rồi buông ra:
- Chẳng hiểu tại sao cháu không ngủ được, cô có thể kể cháu nghe chuyện gì cho qua đêm không?
- Chuyện gì?
- Chuyện về cô chẳng hạn!
- Chuyện về cô thì không có gì để kể. Lúc xưa cô làm kiểm sát xã hội ở quận S. và coi công tác ấy là lý tưởng của đời mình. Cô gặp vô số chuyện thương tâm, bi đát ngoài đời, cuối cùng mới hiểu sâu sắc một điều: con người không ai muốn mình xấu xa đi, kể cả những kẻ không còn tính người. Cô về đây chưa lâu lắm và trước lúc về hưu chỉ ao ước một điều, nhìn thấy những đứa trẻ của mình nuôi thật sự có được ngày mai.
Năm mươi năm - gần cả đời người mà cô chỉ nói mấy câu đã hết sao?
- Cháu biết chăng, có những con người đến chết, trang sử đời họ vẫn không có được một dòng nào cả.
Thằng Đông cúi đầu ngẫm nghĩ, tư lự nói:
- Như cháu chăng?
- Cô không biết, bởi cháu đã lớn rồi, biết tự đánh giá bản thân mình. Ngay cả những đứa còn thơ dại như con Bê chẳng hạn, cô cũng chưa dám khẳng định điều điều gì được.
- Nó có hai đứa cháu ở nhà nuôi trẻ mồ côi phải không cô?
- Cháu thích nghe không, chuyện của nó?
- Vâng! Để qua hết đêm nay.