Nó không phải là Mai Tình, cũng không phải là Đông “bác học”. Mẹ nó mang giọt máu oan nghiệt vì bị cha nó cưỡng bức bà, theo mụ đàn bà ấy về ở trong căn biệt thự không người? Ngày đứa con chào đời mụ đàn bà hỏi:
- Cô đặt nó tên gì?
- Hận!
Mụ đàn bà lật ngửa bàn tay thằng nhỏ, cả đôi bàn tay đều có một lằn ngang chỉ tay sắc nét. Mụ thốt lên:
- Nó không làm vương thì làm tướng.
Người mẹ cau mày tỏ vẻ chán ghét:
- Tướng cướp!
Nó bú sữa mẹ được ba ngày thì mẹ nó chết, chết một cách tức tưởi bằng dải lụa thắt ngang cổ. Mụ đàn bà ra lệnh cho gã thanh niên mặt đầy thẹo cột đá vào xác thả chìm xuống sông.
Mụ trở thành mẹ nó. Khai sinh mang tên Mai Tình, không có cha.
Hai tuổi, mụ dạy nó giết những con vật mụ đưa cho, bằng tay không. Ba tuổi bắt đầu học võ với gã đàn ông mặt thẹo. Hôm nào học không chuyên cần là bị đánh bằng roi cá đuối.
Năm tuổi nó được gọi anh hai trong năm chục đứa lớn hơn nó từ năm đến mười tuổi, dù ở võ đường hay sân chơi. Một ngày nó phải học từ chín đến mười giờ đồng hồ, đủ các thứ, võ nghệ, mưu mẹo, cách giết người qua loài vật và cách làm thủ lĩnh với đàn em.
Mụ đàn bà hoàn toàn hài lòng về thằng “con trai” của mình. Mụ chỉ không ngờ một điều, gã em trai của chồng dù ở biên giới vẫn biết không thiếu chuyện gì về tổ chức Huyết Long qua người võ sư mặt thẹo và Mai Tình…
- Nó và những đứa trẻ ấy sẽ trở thành những con rồng say máu người.
- Anh hãy đi đi!
- Không được, tôi còn món nợ phải trả, đó là cái mạng của tôi, vả lại tôi đi sẽ có người khác đến.
- Tôi phải làm gì? Người chú đau khổ hỏi.
- Anh hãy trao tặng nó tình máu mủ và trái tim người. Tôi sẽ tìm người bảo vệ nó. Một ngày không xa chúng sẽ thay anh và tôi tiêu diệt mầm tội ác.
Người võ sư mặt thẹo đối xử với tên học trò thủ lĩnh rất khắc nghiệt, khiến mụ đàn bà rất hài lòng. Mỗi khi thằng bé lăn lộn dưới lằn roi có những gai móc vào da thịt và nhìn người thầy dạy bằng đôi mắt căm thù, thì mụ dạy:
- Con thấy đó, sức mạnh và uy quyền đứng trên tất cả. Có hai thứ đó, con không phải sợ bất cứ ai.
Mụ không biết rằng đêm đêm người võ sư trèo tường vào phòng đứa bé dùng thuốc gia truyền xoa lên vết thương và luôn nói:
- Thầy không muốn, nhưng nếu không làm, thầy sẽ bị giết, má con rất tàn ác, vả lại cũng để luyện thân thể con chịu đựng mọi sự đau đớn.
Thằng bé vốn thông minh, bị cô lập trong thế giới tội ác được che đậy khéo léo, nó muốn ra ngoài nhìn xem cái gì khác biệt. Cứ mỗi lần được mẹ khen là nó xin ra ngoài. Mụ đàn bà sắp sửa đón cha nó ra tù và cần có thời gian tổ chức mọi thứ, mụ bằng lòng. Người chú lập tức đưa nó trốn đi. Thời gian nửa năm chưa kịp dạy nó hiểu được thế nào là người, thế nào là thù, thì mụ đàn bà tìm ra tông tích. Mụ cho Đông Dao, cận vệ số bốn nhỏ tuổi nhất, đi chém cảnh cáo hai chú cháu sáu nhát dao. Sáu nhát dao chú nó lãnh hết. Còn nó được trái tim người qua sự hy sinh quên mình của chú. Đông Dao bỏ đi, cha nó đem Ngũ Hành Kinh Thiên (lúc ấy đều trạc mười bốn tuổi) xuất trận lần đầu, chúng hoàn thành nhiệm vụ: đem cả hai chú cháu về.
Ba nó và mụ đàn bà ấy không đụng tới nó, chỉ đem chú nó ra hành hạ. Trong căn hầm tối dưới toà Tân Long, mụ đàn bà bằng những đòn hiểm đã đánh vào thể xác đã rách nát, tả tơi ấy. Thằng bé đứng nhìn, không một tiếng kêu, không một lời van xin cho chú, ngoài câu nói cộc lốc.
- Đừng đánh chết!
Lời yêu cầu được chấp nhận, bởi người đàn bà thấy nó chẳng có gì thay đổi, nó đáng mặt thủ lĩnh tương lai. Còn chú nó khi tự biến thành người không thể lấy vợ sinh con, được ba nó cho ra khỏi hầm, đem theo về vùng ven biên giới.
Lũ người ấy len vào đêm tối, rời xí nghiệp gỗ đi về biên giới. Sáu người sau cùng đi chậm lại, một bóng nhỏ nhắn lao ra từ bụi rậm ôm chầm lấy một người:
- Tình!
- Không! Thù, thù này đã đến lúc báo, ba năm rồi.
Người đàn ông nghe giọng nói của cháu, rùng mình. Ông run lên:
- Đừng cháu ơi! Con người phải có cội nguồn, con chim phải có tổ, có rừng, chú tin có thể giúp ba cháu thay đổi. Chú chỉ xin cháu một điều, những gì nhận ở chú, cháu đừng đánh mất đi.
Đôi mắt thằng bé rực cháy trong tia nhìn:
- Cháu xin hứa! Nhưng cháu không thể tha thứ cho những kẻ nợ máu! Cháu thề!
Nó quay sang năm thằng đứng bên chú nó:
- Chúng ta đã vì nhau hy sinh, thề đồng chí hướng, hãy bảo vệ chú tôi, cố lấy lòng tin ba tôi, hẹn hai năm sẽ gặp.
Nó biến vào đêm tối, cái đêm báo hiệu cuộc đời nó còn nhiều giông tố.
Khi người đà bà vào phòng đã thấy nó ngủ say, trên mình còn bận võ phục, mụ mỉm cười khép cửa đi ra. Nó ngồi bật dậy cười nhạt, tiếng cười của ngọn lửa thù bừng cháy sau ba năm nung nấu trong lòng.
Mười hai tuổi Mai Tình ra biên giới. Mười ba tuổi với Ngũ Hành Kim Thiên quậy nát các vùng biên giới ba nước.
Mười bốn tuổi được gọi là đại ca.
Mười lăm tuổi trở thành Đông “bác học”. Vào một ngày nó ở trong ngôi nhà bí mật thuộc vùng rừng núi Mê Một, thì chú nó đến:
- Tình! Đông Dao chết rồi.
Tuổi mười lăm nó không để lộ cái tôi của mình cho ai thấy, nó chỉ im lặng rất lâu:
- Bả tìm thấy nó à?
- Nó không còn là Đông Dao, nó là chồng, là cha, là một người lương thiện.
- Ảnh chết như thế nào?
- Bị chém, xác đang ở chỗ ổng.
Nó cười gằn:
- Ba muốn nhắc cháu nhớ, thật ra cháu không hề quên. Hừ! Nửa năm nữa thôi, không còn lâu.
Nó không thể chờ nửa năm để nắm biết trọn mọi tuyến đường buôn thuốc phiện, buôn người qua Thái Lan, Trung Quốc vì chú nó bị bắt. Từ vùng biển hồ Tonlesap nó “bay” về. Muộn rồi! Đến cái xác cũng không còn, lần đầu tiên nó hét lên: - _Tại sao? Tại sao?
Ba nó, kẻ mặt người lòng thú nhe răng:
- Nó phản bội!
- Ổng là em ông!
- Mày phản! Tao cũng cho cọp xé xác, thằng thầy mày chắc cũng sắp chết rồi.
Trời đất sụp đổ, nó điên cuồng về Tân long. Người thầy dạy võ chỉ còn chút hơi tàn bên Ngũ Hành Kim Thiên trong căn chòi vắng.
- Thầy nợ bà ta một mạng giờ trả không hối tiếc, thầy tên Học, con nhớ nhé, cả mối thù của chú con nữa. Hãy cùng Ngủ Hành Kinh Thiên tiêu diệt mọi tội ác để thầy và chú yên lòng nhắm mắt.
Thằng Tình rời tổ chức Huyết Long đêm ấy, theo nó là Ngũ Hành Kinh Thiên, cả bọn đã đốt rụi chuyến bạch phiến ở vùng Biển Hồ, chính thức tuyên chiến với tổ chức buôn lậu, buôn người lớn nhất ở vùng ba biên giới…
Nó có vẻ khoẻ lại và cắt ngang câu chuyện của chú kể bằng cái lắc đầu chê bai:
- Đó là chuyện của Mai Tình, của Đông, của Hận, cháu muốn chú kể tâm tình về thằng Bồ Câu kia!
- Cháu kể đi!
- Nó thường hay khóc lắm, nhưng nước mắt tuôn chảy vào lòng. Từ thuở được chú trao tặng trái tim người, được sống bên những con người hiền hoà, bình dị ở vùng quê Bắc xa xôi ấy, nó đã biết thèm khát một ánh mắt, một giọng nói yêu thương.
Có một đêm, sau chuyến đi dài ngày ở vùng ba biên giới về, ngang qua căn nhà lá quạnh hiu nghèo nàn, chợt nghe tiếng người mẹ ru con:
- À, à… à… ơi!
Ví dầu cầu ván đóng đinh.
Cầu tre lắc lẻo gập ghềnh khó đi.
Khó đi mẹ dắt con đi.
Con đi trường học, mẹ đi trường đời…
Nó đứng sững không đi được nữa, ra lệnh cho đám thuộc hạ về trước, nó vào nằm trong đống rạ sực nức mùi rơm thơm úp mặt lên tay lặng lẽ khóc.
Cũng là con người, tại sao nó không được một lần nằm trong vòng tay mẹ nghe tiếng hát ru? Tại sao khi bao nhiêu đứa trong tuổi nó được đến trường, được đi lại ngang nhiên, kiêu hãnh ngoài xã hội, thì nó phải lấy đêm làm ngày, sống trong bóng tối, mỗi phút giây đều đối diện với tù đày, chết chóc? Ôi! Nó không chỉ bước qua mỗi cái cầu tre lắc lẻo, nó đã đi qua bao nhiêu cầu đoạn trường từ thuở mới chào đời, đi vào vực thẳm tội ác, đi trong tận cùng nỗi đoạ đày của lương tri… nhưng nào có thấy mẹ đâu? Dù chỉ một lần mẹ dắt nó đi?
Nó khóc và ngủ thiếp đi trong mùi rơm rạ quen thuộc.
Nó sốt, những chuyến đi rừng quật ngã thằng thiếu niên mới lớn, trong khi nó cần có mặt tại vùng ba biên giới để trừng trị cái kẻ đã giết Đông Dao một cách hèn hạ.
Đà Hoả cương quyết cản:
- Đại ca! Để tôi, nó cũng là thằng đã biến tôi thành kẻ vô dụng, mối, hận nầy tôi xin được rửa.
Nó sực nhớ, trong lòng có chút ngậm ngùi, thằng Lạc Đà chỉ vì một lỗi nhỏ đã bị người đàn bà cho tên vệ sĩ số hai, thiến mất của nó… Trong Ngũ Hành Kinh Thiên, Đà Hoả quả là hung dữ, đa sát nhất.
Và nó nằm một mình ở nhà người quen thuộc vùng ven. Đêm về nó sốt mê man, trong cơn mê nó thấy cha tươi cười đi bên người đàn bà mà nó chưa từng biết, người ấy khóc ôm nó, gọi con, xưng má. Ôi! Nó sung sướng đến nước mắt trào ra và nó uống từng giọt nước mắt của má nó tuôn rơi, nghe cơ thể mình dịu mát. Nó gọi thiết tha:
- Má ơi! Có thật má không?
Má nó không trả lời và nó nghe mặt mình đau nhói, rát bỏng. Nó bừng tĩnh thôi thế là hết. Nó bị trói dang hai tay chân trên chiếc giường tre, mặt nó máu chảy toé đến mờ cả mắt. Và “má nó” mụ đàn bà đứng đó cười tươi, trên tay lưỡi dao mỏng còn đẫm máu:
- Mày dám phản bội?
Nó rất quý sinh mạng mình, bởi mối thù chưa trả, nó vờ đau khổ:
- Tại sao má giết chú Bình? Má không nể mặt con.
- Nó với thằng Bình muốn giết má. Bài học “tiên hạ thủ vi cường” con nhớ chứ? Nhưng con yên tâm, má chưa giết con đâu, má sẽ từ từ cho con hiểu nhưng kẻ phản bội phải chịu đau khổ như thế nào. Rồi sau đó, con sẽ bị cả hai bên, pháp luật và giới giang hồ săn đuổi. Con sống còn khổ gấp vạn lần cái chết, Mai Tình ạ!
Máu từ gò má nó xối xuống, máu trong tim nó trào lên, nó muốn ngất đi vì uất ức, giá nghe lời Quảng Kim để Hắc Thổ ở lại hộ vệ thì nó đến nỗi nào. Mắt nó ngầu máu hận, chợt… Nó cười lên.
Người ấy kề ngay súng vào thái dương mụ, mặt bịt kín bước chân tập tễnh nhưng rất nhanh nhẹn, mụ gục xuống khi bị nện mạnh báng súng ngắn vào thái dương, chỉ hai phút sau nó thoát khỏi dây trói. Người ấy nói nhỏ:
- Giết đi!
Nó sững lại, rồi lắc đầu, nó chẳng thể giết má nó, bởi hôm nay nó mang trái tim người.
Mụ đàn bà nằm thế vào chỗ nó. Người bịt mặt lặng lẽ kéo nó đi qua những bụi rậm, những con đường chưa dấu chân người, thoát khỏi vòng vây bọn thủ hạ mụ ta. Người ấy băng mặt nó bằng bàn tay quen thuộc, nó xúc động đến nghẹn lời, mãi mới thều thào gọi:
- Chú ơi!
Phải! Người đó là chú Bình của nó, vừa thoát qua cái chết trở về. Với sự hậu thuẫn của người nội gián, ông đã kịp thời cứu được đứa cháu mà vết thẹo còn mãi trên mặt nó. Nhưng cũng từ đó những vụ trọng án bắt đầu xảy ra trên khắp miền Nam. Từ cướp của giết người, đến hãm hiếp, không thiếu thứ gì, với nhận dạng tả y như nó, còn xưng danh là Mai Tình trở thành sắc máu.
Giới luật pháp truy lùng nó ráo riết, họ biết chăng người thiếu niên ấy, kẻ tội phạm ấy cũng còn dòng máu nóng, biết tủi nhục, biết yêu thương, biết phân biệt đúng sai, dù nó là một trong những kẻ bất hạnh nhất giữa muôn triệu người bất hạnh trên thế gian này.
Hơn nửa cơ nghiệp Huyết Long tan tành trong tay nó, với sự giúp sức của Ngũ Hành Kinh Thiên và người chú như bóng ma vô hình luôn ở bên cạnh nó. Một đêm trong một ngôi nhà ở rừng, chú nó về cho biết, nếu chuyến này quét sạch, Huyết Long sẽ tan rã mà không cần nó ra tay, bởi đám người vùng tam giác vàng đã có tối hậu thư.
Đêm đó nó không là Mai Tình, không là Đông “bác học,” nó là thằng Bồ Câu đang thèm khát hơi ấm tình người giữa vùng núi non lạnh lẽo, nó nằm trong tay chú ngủ say sưa như chú bé sáu tuổi dạo nào.
Nước mắt người chú âm âm thầm nhỏ lên mặt đứa cháu. Và khi bình minh trở lại, chú kể nó nghe câu chuyện từng đêm trong đời lính. Chuyện một chú chim non xa rừng rồi trở về rừng. Nó gục đầu lên vai chú thì thầm:
- Vâng! Cũng đủ cho cuộc báo thù, cũng đủ trả món nợ cho đất nước, vì cháu đã được sinh ra và lớn lên. Nhưng chú nhớ đừng nhúng tay vào, cháu sợ lắm nếu ngày nào mất chú. Cháu hứa sẽ là thằng Bồ Câu khi xong chuyến cuối cùng.
Nó về Sài Gòn nửa đêm, bị chém ngay khi bước chân vào chỗ trú ẩn mà chỉ nó và Ngũ Hành Kinh Thiên biết. Nó sợ không có cơ hội đánh trận cuối cùng, bèn nghĩ ngay một kế tìm chỗ trú ẩn mà kẻ thù không ngờ tới. Trường Tương Lai…
Thằng Bồ Câu không kể nữa, hơi thở nó nặng nhọc dần, nhưng gương mặt bình thản không có vẻ gì đau đớn. Người thanh niên thuộc đội cảnh sát đặc nhiệm đưa tay nắm lấy bàn tay nó, mắt anh ửng đỏ. Đâu đó có tiếng nức nở khe khẽ. Những tà áo trắng đến gần, họ săn sóc, chích thuốc cho nó trong im lặng, rồi đi ra trong im lặng.
Nó chợt mỉm cười đưa mắt nhìn quanh, đây là chú Bình, người cao quý nhất trong linh hồn nó. Kìa là những chiến hữu còn lại trong cuộc chiến đấu một mất một còn với tội ác. Còn nữa, những bằng hữu nó mới quen ở trường Tương Lai, nơi trú ẩn sau cùng “cánh rừng” nó chọn và những thầy cô của nó, những người có trái tim người. Nó chợt vẫy tay về phía Hoà “Bắc” và thằng Hào, hai đứa bước lại, mắt đỏ. Sưng húp, nó nắm lấy tay hai đứa :
- Trường Tương Lai còn nhiều cái thiếu nhưng rồi có một ngày mọi sự sẽ khác đi, hai đứa hãy ở lại đó, hãy ước mơ đi. Những kẻ biết mơ ước, sẽ được những gì mình mơ ước, bởi đất nước này có đến bảy mươi triệu con tim đầy tình người.
Thằng Hào khịt mũi:
- Mày sẽ ở lại với tao chớ?
Thằng Bồ Câu cười, nó không trả lời, nó, hỏi, hướng mặt về Hoa gấu:
- Tại sao Độ trốn?
- Không phải trốn, nó muốn đi tìm ngày mai. Hoa gấu trả lời trong nghẹn ngào.
Mắt thằng Bồ Câu hướng vào người hiệu trưởng:
- Nếu có ngày Độ trở lại, thầy thay em nhắn giùm nó một câu?
- Em nói đi!
- Thầy nói với nó rằng, nếu khu rừng cũ không còn nơi cho nó trú ẩn, thì dù cánh rừng mới chỉ có một chồi non cũng nên ghé chân vào. Chim xa rừng chim bị người săn đuổi, rừng chỉ một mầm xanh, rồi sẽ có vạn mầm xanh.
Giọng thằng Bồ Câu nhỏ lại như thì thầm, như tự nói với mình:
- Thật ra, chẳng có cánh chim nào muốn xa rừng, chỉ tại rừng không còn xanh lá. Cũng như em muốn làm thằng Bồ Câu đâu có dễ dàng gì…
Đêm đã khuya, đèn phòng sáng rực nhưng mắt thằng Bồ Câu nhìn người thân như những cái bóng xa dần. Nó cảm thấy bình tĩnh sáng suốt vô cùng. Nó biết không còn sống bao lâu nữa. Nó gọi khẽ:
- Chú ơi!
- Chú đây!
Bàn tay chú trong tay nó, gương mặt dạn dày sương gió đầm đìa nước mắt của chú nó áp sát vào mặt nó:
- Có lẽ thằng Bồ Câu không kịp về đất Bắc nhưng chú đừng buồn, dù Nam hay Bắc cũng là đất nước quê hương. Chú hãy ở lại đây, bên những chiến hữu xưa, bên những người bạn cháu mới quen trong ngôi trường này. Nơi ấy có chuồng bồ câu và hàng trăm thằng Bồ câu của ngày mai.
Nó không nói thêm một lời nào nữa, nó cũng không nhìn vào một ai đang đứng bên nó. Bởi trong trái tim thằng Bồ Câu, tất cả đã được khắc sâu rồi…
Thế là hết, nó ra đời trong đêm tối, luôn sống trong đêm tối và vĩnh viễn ra đi trong đêm tối. Nó có thể vượt qua bao nỗi đoạn trường của tuổi thơ để có được trái tim người, để xứng đáng làm người. Nhưng niềm ao ước được nằm trong tay mẹ, nghe lời ru của mẹ nó chẳng thể nào có được. Ôi! Thằng Bồ Câu!
Bầu trời hôm nay ảm đạm. Mưa xuân bay lất phất rải những hạt nước li ti làm ướt đẫm hàng cây hai bên đường vào trường. Cổng trường Tương Lai mở rộng, ba người đàn ông cùng với hơn hai trăm đứa trẻ không gia đình và Ban giám hiệu nhà trường lặng lẽ đưa tang thằng Bồ Câu.
Những hàng người thẳng tắp, nhưng gương mặt buồn bã câm nín, nhưng chiếc áo trắng đính mẩu băng tang di chuyển chậm rãi, âm thầm qua khu chợ nhỏ, vòng ra phía nghĩa trang. Người địa phương lẫn người qua đường đều ngã mũ cúi đầu chào di ảnh của gã thiếu niên không nguồn cội đã vì nghĩa hy sinh. Chào những trái tim biết thoát khỏi bùn lầy tội ác, kiêu hãnh sống và chết.
Người về với đất không phải là hết, bởi trước nấm mồ mới đắp có biết bao trái tim non thì thầm lời hứa SẼ CỐ GẮNG TRỞ THÀNH THẰNG BỒ CÂU. Có biết bao mái đầu đã qua nửa cuộc đời hứa sẽ sống xứng đáng.
Người đứng đầu trường Tương Lai thắp nén hương cuối cùng, trên gương mặt ngăm đen, trầm mặt của anh là nỗi buồn không thể che dấu. Qua làn khói hương nhẹ bay, anh như thấy nó, đôi mắt một mí mở to, miệng còn giễu cợt nụ cười. Nó như muốn hỏi anh:
- Giữa muôn vàn khó khăn, liệu thầy và những đồng đội của thầy có đủ sức đưa những mầm non tương lai trở lại gữa đời thường không?
Tim Dũng nhức buốt , chợt đâu đó vang lên câu nói của Bồ Câu: “ĐẤT NƯỚC NÀY CÓ TỚI BẢY MƯƠI TRIỆU CON TIM ĐẦY TÌNH NHÂN ÁI…”
Dũng chợt mỉm cười với thằng Bồ Câu, anh cũng tin như thế. Sẽ có một ngày, một ngày không xa, những trái tim nhân ái sẽ tìm đến với trường Tương Lai. Họ không chỉ cho vật chất, tình thương mà còn cho chúng nó cả một ngày mai tươi sáng.
Muà xuân 1994. Hết