Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Dài >> Người thường gặp

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 37671 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Người thường gặp
Trần Đăng Khoa

Cùng nhà văn Tô Hoài ngắm phố phường Hà Nội
Tô Hoài là một nhà văn lớn với số lượng tác phẩm đồ sộ. Ông viết đủ các thể loại: từ tiểu thuyết, truyện vừa, bút ký, ký sự, truyện ngắn, hồi ký, tự truyện, tiểu luận phê bình, truyện viết cho thiếu nhi, cho đến cả các bài báo ngắn, các bài điểm sách chỉ bằng một... bàn tay trẻ con. Tô Hoài thực sự là nhà văn chuyên nghiệp. Nghĩa là ông hoàn toàn sống được bằng nghề văn. Ngồi đâu, ông cũng viết được văn, kể cả trong những lúc hội họp. Có người còn kể rằng, trong một hội nghị quốc tế sang trọng, Tô Hoài ngồi ghế chủ tịch đoàn. Người ta ngạc nhiên khi thấy ông cứ lật sổ viết nhoay nhoáy. Tưởng Tô Hoài ghi biên bản hội nghị. Hoá không phải. Ông đang viết tiểu thuyết. Không ít tác phẩm nổi tiếng của Tô Hoài đã ra đời trong những hoàn cảnh đặc biệt như thế. Ta hiểu vì sao Tô Hoài có được một lượng sách thật đồ sộ: 175 tác phẩm, nhiều hơn gấp đôi số tuổi của ông. Đó là một con số ký lục mà không phái nhà văn nào trên thế giớii cũng có thể đạt được. Năm nay, nhà văn của chúng ta đã vượt qua cái tuổi cổ lai hy, nhưng sự sáng tạo vẫn rất trẻ trung và sung sức. Tô Hoài là nhà văn không có tuổi già. ở ông không có dấu hiệu của tuổi già. Một trí tuệ tỉnh táo và thông minh đến mức... tinh quái. Nhung hôm nay, chúng ta chưa bàn đến những cuốn sách ấy của ông. Chuẩn bị kỷ niệm một ngàn năm Thăng Long Hà Nội, tôi lại có dịp lân la hỏi chuyện ông, rồi cùng ông đi dạo quanh... phố phường Hà Nội.
Trần Đăng Khoa: Thưa nhà văn Tô Hoài, có thể xem ông như một nhà Hà nội, mặc dù ông không nghiên cứu. Nhưng với một sự am hiểu khá thấu đáo, cặn kẽ, qua con mắt của một nhân chứng, trong suốt gần một... thế kỷ nay, ông thấy Hà nội xưa thế nào?
Nhà văn Tô Hoài: Tôi không phải là nhà Hà Nội học. Tôi hiểu Hà Nội thì cũng là hiểu một cách rất tự nhiên thôi. Tôi sinh ở hà Nội. Hà Nội trước thế nào thì bây giờ tôi thấy nó cũng vẫn như thế...
Trần Đăng Khoa: Nghĩa là không có gì đổi khác
Nhà văn Tô Hoài: Đúng vậy. Trừ những khu mới mở, như đường Hoàng Quốc Việt chẳng hạn, còn các khu phố cũ vẫn thế. Nhà cửa có thể khác tý chút, có tân trang hơn hoặc nâng thêm tầng, nhưng đường phố vẫn vậy, nên phố phường về cơ bản vẫn không có gì thay đổi. Ngày xưa thế nào thì bây giờ vẫn thế. Tôi có thể nhắm mắt đi đến khu phố nào cũng được. Vỉa hè vẫn là vỉa hè cũ ở các phố Ngô Quyền, Hàng Khay, Tràng Tiền, Hàng Bài, hay Nguyễn Xí, Đinh Lễ, đầu vỉa hè còn bọc đá xanh. Đấy là vỉa hè xưa, vỉa hè đầu tiên của Hà Nội. Đá bọc vỉa hè là đá lấy từ núi Thầy, núi Trầm. Lý do dùng đá ốp vỉa hè thì cũng đơn giản thôi. vì dạo ấy ta chưa có lắm xi-măng. Đi trên đường phố Hà Nội, tôi thấy quen thuộc vô cùng. Cả hệ thống cống ngầm bên dưới cũng thế, cũng là hệ thống cũ. Vì thế, bây giờ mưa, đường Hà Nội ngập úng là tất nhiên, vì quá tải. Ta còn thấy những nắp cống tròn còn nguyên cả dòng chữ Marseille. Đó là nắp cống đúc từ bên Pháp, rồi mang sang bán ở ta. Hồi bấy giờ, ở phố Quán Thánh, ngay cạnh đền Quán Thánh bây giờ, Pháp có mở công ty Sacric. Đấy là công ty gạch ngói Đông Dương. Khu sản xuất khá rộng, đến mấy ngàn mét vuông. Đất sét đóng gạch lấy ở Quán La, bên kia Tây Hồ, rồi dùng chuyên chở sang. Thuyền bè bấy giờ tấp nập lắm.
Trần Đăng Khoa: Ông thấy Hồ Tây thuở ấy thế nào?
Nhà văn Tô Hoài: Bây giờ Hồ Tây bị thu hẹp lại vì trò lấn đất. Trước đây rộng lắm. Ngút ngát cả một vùng trời nước. Xung quanh hồ, um tùm cây lá rậm rạp. Ven bờ, người ta còn thả sen. Nhiều sen lắm. Sau bỏ sen để nuôi cá mè, vì cá mè hay rúc vào bãi sen, tróc vảy chết. Trước đây, ở Hồ Tây không có cá mè đâu. Người ta chỉ thả một loại cá trắm. Cá mè tanh. Dân Hà Nội không ăn, nên chỉ có ở ao quê.
Trần Đăng Khoa: Thế còn các khu phố Hà nội?
Nhà văn Tô Hoài: Địa giới Hà Nội xưa rất hẹp. Đi hết trường Chu Văn An bây giờ đã là đất Hà Đông rồi. Làng Yên Phụ cũng thuộc đất Hà Đông. Người Pháp xưa đặt tên Đường, tên Phố rất rành rẽ. Phố là địa giới nằm trong khu vực nội thị, còn Đường là nối với các tỉnh khác. Cuối Đường đã là tỉnh khác rồi. Ví như Đường Huế nối với Hà Đông, Đường Hàng Bột, hay Đường Bạch Mai cũng thế. Cuối đường là địa phận của tỉnh khác. Về mặt hành chính, Hà Nội được chia ra làm bốn khu. Khu phố cổ, bao gồm địa danh của 36 phố phường xưa, như Hàng Buồm, Hàng Bạc, Hàng Thiếc v.v... Rồi khu phố cũ là khu phố xây dựng từ thời Tây, có những biệt thự kiểu Tây, như phố Hàng Khay, Tràng Thi, Bùi Thị Xuân, Huyền Trân Công Chúa, Phan Đình Phùng, hai bên đường, có vỉa hè xây và trồng cây hai bên, cành lá giao nhau, nói như ông Phạm Quỳnh, và dùng chữ của ông Phạm Quỳnh thì đấy là đường thông cù. Đó là khu ở của những ông Tham, ông Phán hoặc dân nhà giàu...Khu phố mới, là khu phố được nới ra, xây dựng sau này. Còn khu thứ tư là khu dưới bãi, nơi ở của dân cu ly cu leo...
Trần Đăng Khoa: Chắc đó là vùng Nghi Tàm, Yên Phụ bây giờ?
Nhà văn Tô Hoài: Không, từ Yên Phụ trở lên Nghi Tàm xưa là đất trồng dâu, trồng ngô. Còn khu dưới bãi là vùng An Dương, Chương Dương bây giờ...
Trần Đăng Khoa: Ông vừa nói đến phố cổ. Tôi thì lại ngờ ngợ rằng, hình như Hà Nội mình, trừ các chùa chiền và Văn Miếu, một công trình kiến trúc có tuổi thọ ngót một ngàn năm, sau được trùng tu, tôn tạo qua rất nhiều đời, còn thì chúng ta không có phố cổ mà chỉ có phố cũ. Bao gồm cả phố cũ xưa ta xây và phố cũ sau này Tây xây. Đó là Ba mươi sáu phố phường xưa và những khu phố có biệt thự Tây như ông vừa nói. Bởi vì những khu phố đó có rất nhiều nhà chỉ xây cách đây chúng hơn một tràm năm thì sao lại gọi là phố cổ được? ở Nga, có những thành phố cổ như Xuzđan xây dựng cách đây hơn 11 thế kỷ trong đó có những căn nhà gỗ, tường xếp bằng nguyên cả những cây gỗ, mái cũng lợp gỗ. Trong nhà vẫn còn nguyên cả những đồ đạc có cách chúng ta 1200 năm. ở ta, nếu có phố cổ thì đấy chính là Hội An. Một khu phố rất lạ. Kiến trúc khá độc đáo. Hội An có một vùng văn hoá riêng một bầu không khí cũng rất riêng biệt. Hàng tháng, cứ vào đêm 14 là người ta tắt hết điện, thắp đèn lồng. Những căn nhà gỗ trông rất cổ kính. Vào trong nhà không khí khác hẳn, nhiệt độ cũng mát hẳn. Người ta lấy gió tự nhiên làm điều hoà nhiệt độ cho cả căn nhà. ở đó không có AIDS, không có kẻ cắp, trấn lột và những kẻ lừa đảo. Tóm lại, những cái xấu, cái hỗn tạp của chứng đô thị hiện đại không du nhập được vào khu phố cổ này. Người dân sống giữa một bầu không khí trong vắt như ở hồi thế kỷ 17. Ngay cả việc buôn bán của họ cũng rất lạ lùng Tôi mua một cái quần bò. Bà chủ quán hỏi rất cặn kẽ: Chú định mặc một lần hay muốn dùng lâu dài? Khi biết tôi thuộc dân ăn chắc mặc bền, bà chủ quán khuyên tôi nên sang cửa hàng khác. Không xa đâu. Chỉ cách quán bà có ba nhà thôi. Bà bảo đồ của bà không tốt. Chỉ qua vài lần giặt là vải xù ra. Tôi không thấy ở đâu có người bán hàng lạ lùng như thế. Nếu đã mua hàng rồi mà không ưng, hôm sau có thể mang trả lại. Người bán sẽ hoàn lại nguyên tiền, không bớt đi một xu, cũng không hề tỏ vẻ trách móc. Đấy là buôn bán theo lối cổ ở một thời xã hội còn trong veo. Hà nội chẳng bao giờ có chuyện như thế.
Nhà văn Tô Hoài: Nói Hà Nội không có phố cổ thì cũng không hẳn. Tôi nhớ nhà nghiên cứu sử học Dương Trung Quốc hình như cũng nói thế. Hà Nội không có khu phố cổ nhưng có nhà cổ. Ví như nhà số 38 Hàng Đào và 87 Mã Mây. Hai ngôi nhà cổ này đã được Pháp đầu tư tài trợ để bảo tồn. Có thể rất dễ dàng nhận ra nhà cổ. Nhà cổ có hai cửa. Cửa trước dành cho chủ nhà đi. Cửa sau dành cho gia nhân, đầy tớ, hoặc chuyển phân rác và đồ phế thải. Hà nội xưa có những vùng riêng biệt. Thành thị không phải là một từ không đâu. Đó là hai khu cụ thể. Thành là nơi vua quan ở, còn thị là nơi ở của dân chúng, chủ yếu là dân buôn bán phục vụ cho thành. Vua quan trong thành thỉnh thoảng ra đường, nên thường qui định dân chúng chỉ được ở nhà trệt, không làm nhà gác, hoặc nếu có nhà gác thì không được trổ cửa sổ hoặc làm ban-công chìa ra đường, vì vua quan đi ở bên dưới. Không ai được đứng trên đầu vua. Bởi thế, nhà cổ không có ban công hoặc cửa sổ trổ ra đường. Tôi cũng đồng ý với anh Dương Trung Quốc là chúng ta nên xác định rõ đâu là nhà cổ để gìn giữ, trùng tu, còn đâu là những ngôi nhà cũ để cho dân được tôn tạo, nâng cấp hoặc xây dựng lại. Bởi nhiều nhà tối tăm, xập xệ quá. Thực chất đó là những khu nhà ổ chuột. Đã thế, vệ sinh lại không bảo đảm, vừa ô nhiễm môi trường, vừa làm mất cảnh quan đô thị...
Trần Đăng Khoa: ở Hà Nội, trong số 36 phố phường như ông nói, có những tên phố rất lạ: Hàng Đường, Hàng Quạt, Hàng Nón, Hàng Mắm, Hàng Thiếc, Hàng Thùng, Hàng Buồm, Hàng Trống... Nghe cứ như tên các quán hàng. Có cảm giác Hà Nội là một cái chợ. Chắc ngày xưa mỗi khu phố là một nơi sản xuất và buôn bán các mặt hàng riêng biệt. Ví như Hàng Rươi bán rươi, Hàng Mắm bán... mắm chẳng hạn?
Nhà văn Tô Hoài: Không hẳn thế đâu, có rất nhiều mặt hàng, người ta sản xuất ở quê, ở Hà Đông và các vùng phụ cận, rồi đem ra bán ở Hà Nội. Như đồ gò đúc đồng, rồi guốc dép, mũ nón. Trước đây, Hà Nội còn có phố Hàng Tiện và phố Hàng Dép nữa. Đó là hai phố nhỏ. Phố Hàng Tiện ở bên Hàng Gai trông ra phía Bờ hồ, phố Hàng Dép ở đầu Hàng Buồm. Hai phố này, năm 1945 bị phá huỷ trong những cuộc đánh nhau với Pháp, rồi cũng từ đấy bị mất phố luôn.
Trần Đăng Khoa: Thế còn những phong tục tập quán ở Hà Nội?
Nhà văn Tô Hoài: Hà Nội không có phong tục tập quán gì cả. Bởi trước đây, Hà Nội là đất nhượng địa cho Tây. Một anh đi ăn cắp chẳng hạn, nếu bị xử ở Hà Nội có thể sẽ rất nhẹ, nhưng nếu xử ở Hà Đông, trong toà án An Nam thì nặng hơn nhiều. Hà Nội theo luật lệ riêng của Tây. Muốn làm gì cũng phải xin phép Tây. Ngay cả việc dạy học tư, cứ có từ năm học sinh trở lên là đã phải xin phép. Muốn có hội hè đình đám là phải tập hợp rồi. Tây rất ngại sự tụ tập của dân chúng. Nó sợ ta gom quân đánh nó. Vì thế đình đám chỉ có thể tổ chức được ở các làng quê. Mà không phải làng quê nào cũng có hội đâu. Hội hè rước xách còn phụ thuộc vào sự tích của các ông Thánh ở làng. Không phải làng nào cũng có ông Thánh, nên không thể cứ rước xách tùm lum được. Làng Nghĩa Đô quê tôi cùng lắm cũng chỉ làm được một đêm chèo.
Trần Đăng Khoa: Nếu cần nói thật ngắn gọn về tính cách người Hà Nội thì ông sẽ nói thế nào? Thanh lịch hào hoa chăng? Ca dao xưa:
Chẳng thơm cũng thể hoa nhài
Chẳng thanh lịch cũng là người Tràng An
Nhà văn Tô Hoài: Hà Nội do dân tứ phương lập lên. Người Hà Nội gốc có lẽ chỉ là mấy anh đánh cá ở sông Tô Lịch. Chẳng có ai sống ở Hà Nội được đến mười đời. Vì thế muốn hiểu tính cách người Hà Nội, ta phải tìm hiểu tính cách chung của người Việt Nam rồi nghiên cứu cá tính người thành thị thì mới ra tính cách người Hà Nội. Tát nhiên người Hà nội có nét hào hoa phong nhã, nhưng đấy không phải tận gốc mà là tinh hoa của nhiều vùng đất tạo nên. Dân Hà Nội là dân tứ chiếng. Vì thế, ở Hà Nội tuyệt nhiên không có chuyện cục bộ địa phương. Tôi cho đó cũng là một nét rất hay của Hà Nội.
Trần Đăng Khoa. Ông đã nói Hà Nội trước đây thế nào thì bây giờ vẫn thế...
Nhà văn Tô Hoài: Đúng vậy. Ta chỉ bổ sung thêm mà ít thay đổi. Về cơ bản, ta vẫn gĩư nguyên như cách bố trí, sắp đặt của ông Trần Văn Lai.
Trần Đăng Khoa: Xin ông nói rõ hơn được không?
Nhà văn Tô Hoài: Trần Văn Lai là một bác sĩ ông là người tốt, người yêu nước. Chính vì thế, thực dân Pháp đã bỏ tù ông. Tháng Ba năm 1945, Nhật đảo chính Pháp, ông được đa tù và được mời làm Thị trưởng thành phố. Trần Văn Lai chỉ làm Thị trưởng có 5 tháng, từ tháng Ba đến tháng Tám năm 1945, nhưng ông đã làm được hai việc rất cơ bản. Một là đập hết các tượng đài của Pháp, chỉ để lại hai tượng bán thân là tượng Yersin và tượng Pasteur. Hai là thay lại các tên phố. Trước đây phố Hà Nội hầu hết mang tên Tây, hoặc tên những người Việt có công với Tây. Một số danh nhân của ta cũng được đặt tên, nhưng lại ở những phố tồi tàn, bẩn thỉu, hoặc hẻo lánh. Ông Trần Văn Lai thay lại hết. Tất nhiên ông thạo võ hơn văn. Dân văn chương thì ông chỉ biết Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Đoàn Thị Điểm cho đến Tú Xương là hết. Dân võ ông biết nhiều hơn. Tất cả những người ông biết, ông đều đặt hết tên phố. Đặc biệt, ông rất yêu các vị võ tướng. Ngô Quyền, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Trần Nhật Duật, Trần Bình Trọng, Trần Quốc Toản, Yết Kiêu, Dã Tượng, Bùi Thị Xuân, Hoàng Hoa Thám. Nguyễn Thái Học. Toàn là các võ tướng lừng danh cả. Rồi lại cả Ba Đình nữa. Tôi có đọc trong một tờ báo thấy có anh giải thích rằng trước đây ở khi Quảng trường này có ba... cái đình nên Quảng trường mang tên Ba Đình. Làm gì có đình nào ở đấy cơ chứ. Ba Đình là nơi có cuộc khởi nghĩa của ông Đinh Công Tráng ở Thanh Hoá. Quảng trường mang tên cuộc khởi nghĩa ấy. Sau này, ta định đổi thành Quảng trường Độc Lập để ghi nhớ ngày 2-9-1945. Nhưng Cụ Hồ không đồng ý. Cụ bảo, mình đã tuyên bố với thế giới là Tuyên ngôn Độc lập đọc ở Quảng trường Ba Đình rồi, giờ không nên thay đổi nữa. Pháp tái chiếm Hà Nội, chúng thay là Quảng trường Hồng Bàng. Sau khi ta thắng Pháp, Quảng trường trở lại tên Ba Đình, đúng như cái tên ông Trần Văn Lai đã đặt.
Trần Đăng Khoa: Thế còn việc phá bỏ tượng đài?
Nhà văn Tô Hoài: Hà Nội cũ rất lắm tượng. Riêng tượng hoành tráng, tượng toàn thân đã có khoảng hơn chục cái. Còn tượng bán thân thì rất nhiều. Nhưng cũng đều là tượng Tây, hoặc tượng những người có công với Tây, được dựng nhân ngày kỷ niệm gì đó của Pháp. Như ở vườn hoa Inđira Ganđi bây giờ, trước đây có tượng toàn thân ông Toàn quyền Paul Bert. Rồi tượng Nữ thần Tự do. Cái tượng người đàn bà giơ cao ngọn đuốc dựng ở Hoa Kỳ, thành một danh thắng của Mỹ, do Pháp tặng ấy, trước đây đã có ở Hà Nội rồi. Dân mình gọi nôm na là tượng Bà đầm xoè. Cái tượng này thoạt đầu đặt trên nóc Tháp Rùa ở giữa hồ Hoàn Kiếm. Sau báo chí Pháp chửi ghê quá. Họ cho rằng cái tượng lớn như thế mà lại đặt chênh vênh trên bốn cái cọc sắt thì không được bề thế và chắc chắn. Thêm nữa để đàn bà trùm váy lên đền miếu là không tôn trọng phong tục tập quán của người bản xứ. Bức tượng được đưa về đặt ở vườn hoa Cửa Nam, gần chỗ bục Công an ở chợ Cửa Nam bây giờ. Còn một bức tượng hoành tráng rất đồ sộ nữa đặt ở vườn hoa Canh Nông, chính là khu vực bây giờ mình đặt tượng Lênin.
Trần Đăng Khoa: Tôi nghĩ rằng, cụ Trần Văn Lai rất hiểu người Việt và người phương Đông nói chung. Dân mình không mặn mà lắm với tượng đài yêu ai, sùng kính ai thì họ lập chùa chiền đền miếu để thờ, rồi còn hương khói cúng tế. Không ai cắm hương dưới chân các bức tượng đá ngoài trời cả. Dân mình là dân có tín ngưỡng. Đình chùa, đền miếu mới chính là tượng đài của người Việt. Còn những bức tượng đá ngoài trời là công trình văn hóa phương Tây, nó hợp với văn hoá tập quán và khí hậu phương Tây. ở ta bão gió, mưa nắng đều rất dữ dằn, chưa kể chim muông nó đỗ lên, có việc gì mà nó không làm. Vì thế chỉ sau vài năm là tượng sứt sẹo, mốc thếch và rất nhem nhuốc. Các nhà quán lý ván hóa rất nên nghiên cứu kỹ tâm lý, quan niệm của dân ta và khí hậu cũng như các điều kiện khác của ta trước khi dựng tượng đài. Bỏ ra hàng trăm tỷ đồng dựng những bức tượng mà dân không đến thì có nên không? Thế còn vườn hoa Canh Nông Thưa nhà văn Tô Hoài, tại sao lại gọi là vườn hoa Canh Nông?
Nhà văn Tô Hoài: Cái tên ấy cũng do dân gọi mà thành. Đơn giản thôi, vì ở đấy có cái tượng rất lớn. Cái tượng này được dựng nhân dịp Pháp kỷ niệm ciộc chiến tranh Thêm giới lần thứ nhất (1914 -1918). Trên đỉnh là một thằng lính Tây và một thằng lính Ta (lính ngụy) cùng chĩa súng bắn vào cột cờ Hà Nội. Dưới là bốn mặt Sĩ, Nông, Công, Thương. Sĩ là ông thầy đồ cắp cái tráp. Công là một anh kéo cái xe cút kít (loại xe một bánh). Thương là một mụ đàn bà te tái gánh đôi quang thúng. Còn Nông là anh thợ cày đang bước sau con trâu. Cái bụng trâu to đùng và anh nông dân đang cày chiếng ra phía đường, nên ai qua cũng thấy. Còn ba mặt Sĩ, Công, Thương chìm trong cây lá và ở phía sau nên nhiều người không biết. Người ta chỉ thấy ở đấy có anh nông dân đang cày nên gọi là vườn hoa Canh Nông. Đằng sau bức tượng là cái đình tám mái, trong có tấ m bia đá ghi tên những người Việt có công với mẫu quốc. Cái bia ấy, ông Trần Văn Lai cũng đã cho đập đi. Giờ chi còn có mỗi cái đình và một cây đa, trên thân cây đa lại có cây dừa là dấu tích cũ còn lại. ở Hà Nội có khoảng chục cây chồng lên nhau như thế.
Trần Đăng Khoa: Ông bảo, Hà Nội về cơ bản vẫn như cũ. Ta chỉ có bổ sung thêm...
Nhà văn Tô Hoài: Đúng vậy. Ngoại trừ vùng ngoại ô và những khu mở thêm. Còn bên trong vẫn vậy. Thậm chí có cả những tên phố, Pháp để chờ đặt tên từ thời Pháp, giờ vẫn nguyên như vậy. Đó là những phố mang tên một loại các con số, như phố 334, 335, 325, 332, 336... Đấy là phố Pháp gá tạm, chờ có tên mới thì đặt, giờ ta vẫn để nguyên như thế. Ngay cả những phố cụ Trần Văn Lai đã đặt tên rồi ta cũng có thể điều chỉnh cho hợp lý. Phố Nguyễn Thái Học, Hoàng Hoa Thám dài quá, có thể cắt ra được. Đã có phố Hoàng Hoa Thám rồi thì không nên có phố Yên Thế nữa, hay đã có phố Nguyễn Thái Học rồi thì còn thêm phố Yên Bái nữa làm gì.
Điều nhà văn Tô Hoài nói, không phải không có lý. Đặc biệt là việc xác định lại cho chính xác phố cổ để trùng tu, còn nhà cũ, phố cũ tồi tàn và xuống cấp quá thì để dân tôn tạo, sửa chữa, hay như việc chỉnh lại những dãy phố quá dài. Trong khi đó, phố Nam Cao lại chỉ có mỗi một số nhà, sao gọi là phố được. Mấy khu phố Pháp vẫn để chờ từ thời Pháp kia, mấy năm gần đây cũng đã được đặt thành tên mới: Phố 334 thành phố Cảm Hội, phố 335 là Đông Mác, phố 325 là Thể Giao, phố 332 là Chùa Vua, phố 33ớ mang tên Lê Gia Định, phố 337 mang tên Đỗ Ngọc Du, phố 339 vẫn mang tên Yên Bái, phố 358 là Núi Trúc, phố 356 là Thanh Bảo. Bây giờ ở Hà Nội chỉ có một phố mang tên con số. Đó là phố Mồng 8 tháng 3. Đã đến lúc chúng ta cũng cần chỉnh lại cho hợp lý. Chuẩn bị kỷ niệm Một ngàn năm Thăng Long, ta cần gìn giữ, tu tạo làm sao để có được một thành phố, một Thủ đô văn hoá vừa đẹp, vùa hiện đại lại không làm mất đi những vẻ đẹp xưa cũ.

<< Theo Vũ Cao về nguồn |


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 243

Return to top