Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Dài >> Người thường gặp

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 39285 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Người thường gặp
Trần Đăng Khoa

Nhà văn Hữu Ước - người của hôm nay
Thấy tôi đánh đu với Hữu Ước, nhiều người cứ tò mò hỏi: Này, ông thấy Ước thế nào? Lão thực sự là người thế nào? . Thì còn thế nào nữa. Cứ trông lão đủ biết. Năng động. Thông minh. Nhanh nhạy. Tinh quái. Và đôi lúc cũng hách ra trò? Hữu Ước là người của ngày hôm nay. Hay nói cách khác, anh là người của kinh tế thị trường. Nhớ lại thời bao cấp mà hãi. Ngay ở Liên Xô, nơi được coi là thiên đường mà cũng khổ quá. Ra khỏi thành phố, đi xuống vùng quê, tôi thấy nhiều gia đình nông dân cũng thiếu thốn, đói khổ. Xem ra, họ cũng chẳng hơn gì mình. Có nhà, mùa đông xuống tới âm 30 độ, mà hai mẹ con chỉ có một cái áo bành-tô. Mẹ ra đường thì con phải ngồi ru rú trong nhà. Ngay tại thủ đô Matxcơva, để mua một cân thịt, có khi phải mất đến gần nửa ngày, vì phải qua ba lần xếp hàng. Xếp hàng cân thịt. Xếp hàng trả tiền ở chỗ thu tiền. Rồi xếp hàng lấy miếng thịt ra. ở ta, người nông dân làm ra hạt gạo thì quanh năm đói. Người chịu khó hơn, năng động hơn, có được chút tiền thì lại bị người xung quanh nhìn bằng con mắt nghi kỵ, cứ như đó là kẻ bóc lột kẻ phá hoại đất nước. ở làng tôi, có một lão thợ cày cũng nhờ sự chịu khó và năng động của cả mấy bố con, mà lão có của ăn của để, có nhà ngói cây mít. Lão bị qui là địa chủ. Nhà ngói, nồi đồng, cối xay bột, chum vại, xoong nồi, những thứ gọi là tài sản bất chính của lão đã bị tịch thu, chia cho hai anh bần cố nông. Còn bố con lão thì xuống ở chuồng bò. Bây giờ, nhờ công cuộc đổi mới, làng tôi ấm dần lên. Nhìn đâu cũng nhà ngói cây mít. Làng toàn địa chủ cả. Nhưng mà nếu tìm hiểu kỹ, anh địa chủ cũ cũng vẫn giàu hơn và anh bần cố cũ cũng vẫn nghèo hơn. Người năng động thì ở thời nào cũng vẫn năng động. Trên cái chuồng bò xưa, bố con lão địa chủ thợ cày lại dựng lên một cái biệt thự cao chót vót. Nội thất, đèn kính sáng choang Còn mấy anh bần cố nông được chia nhà kia thì dỡ ngói bán, ăn dần. Căn nhà khang trang của bố con lão địa chủ xưa, bây giờ trông như cái chuồng bò xây dở. Thời ấu trĩ đã qua. Tôi tin chẳng bao giờ chúng ta làm cuộc đảo lộn trật tự đó lần thứ hai. Xin các vị có tài làm giàu cứ yên tâm làm giầu. Bởi tái bản cuộc cách mạng đó, có nghĩa là tự huỷ diệt.
Hữu Ước là một người may mắn. Nếu ở thời trước, không khéo anh xuống chuồng bò ở rồi. Dù trong đời, anh cũng từng có phen lận đận, có phen với anh, ngay cả cái chuồng bò xây dở kia cũng thành một thiên đường mà anh không dám mơ ước tới. Nhưng rốt cuộc, anh vẫn là người may mắn. Bởi anh đã gặp công cuộc đổi mới của Đảng khi vẫn còn trẻ, còn sức lực. Nhà nước đã mở rộng cánh cửa để mọi người dân có được bầu không khí trong lành. Mọi tiềm lực đã được giải phóng. Ai có khả năng gì thì có thể phát huy đến hết năng lực của mình.
Hữu Ước là người có năng lực, lại thêm tính chịu khó của một người vốn gốc nông dân. Bởi thế, với hai bàn tay trắng, anh cũng đã dựng lên được biệt thự ba tầng trên hàng trăm mét vuông đất ở giữa thủ đô Hà Nội. Khi đó, anh đâu đã có tờ An ninh thế giới, một tờ báo ăn khách vào hàng bậc nhất của báo chí nước ta hiện nay. Vậy Hữu Ước kiếm đâu ra tiền? Anh bóc lột ai mà có được nhà ngói cây mít sớm thế? Xin thưa, anh đi nhặt ve chai đấy? Nghĩa là Hữu Ước làm những việc hoàn toàn thủ công. Anh dán bìa các-tông, làm bao bì in nhãn đồ hộp cho các nhà hàng, các xí nghiệp kinh doanh sản xuất. Chỉ nuôi mình với nuôi vợ con thôi thì đâu có khó. Lọ mọ thế mà rồi cũng ra được một cơ ngơi. Hữu Ước biết làm ra đồng tiền, nhưng cũng rất biết tiêu tiền. Làm ra tiền đã khó, nhưng biết tiêu tiền còn khó hơn nhiều. Người biết tiêu tiền chẳng bao giờ ném tiền ra gió. Đồng tiền đến đâu cũng đều có mục đích cả. Nghĩa là đồng tiền phải được đặt đúng chỗ. Nếu chi đúng, có bỏ ra hàng trăm tỷ đồng cũng không phân vân. Còn tiêu vô bổ thì dù chỉ chi một xu thôi cũng tiếc đến đứt ruột. Nhiều anh làm kinh tế mà phải vào tù hay ra dựa cọc, chẳng qua cũng chỉ là những kẻ không biết tiêu tiền.
Hữu Ước có con mắt nhìn vào đâu cũng thấy tiền. Anh viết văn, làm phim, viết kịch, rồi cả hài kịch. Làm cho người ta khóc đã khó. Làm cho người ta cười còn khó hơn nhiều. Bởi muốn cười được phải thông minh và có trí tuệ rất cao. Một đứa trẻ vừa đẻ ra đã biết khóc rồi. Mà khóc rất bài bản, rất nhuần nhuyễn. Nhưng cười thì phải lớn lên, phải từng trải và phải có học mới có thể cười được. Hữu Ước tung ra Sếp rởm, một vở kịch cười dài gần hai tiếng đồng hồ. Đó là một việc làm khá là bạo phổi Cũng may, anh chọn được dàn diễn viên có tài cù thiên hạ, lại thêm một đạo diễn giỏi, có nhiều miếng mẹo. Câu chuyện rất buồn cười mà vấn đề đặt ra lại nghiêm túc, không hề rẻ tiền. Người xem cười ngặt nghẽo từ đầu đến cuối. Người khó tính mấy cũng không thể nhịn được cười. Giá vé thấp nhất 50 ngàn, cao nhất 70 ngàn. Cung Hữu Nghị 1200 chỗ ngồi mà tối nào cũng đông nghịt, kể cả những hôm có bóng đá châu Âu. Ngoài cửa rạp, trước giờ biểu diễn, người ta còn bán chui 300 ngàn một cặp vé. Hữu Ước làm chơi mà hái ra tiền. Nhưng cái việc anh dựng tờ báo mới là chuyện lạ nhất.
Còn nhớ cách đây chừng mấy năm, Hữu Ước tất tả chạy đến Tạp chí Văn nghệ quân đội tìm tôi. Này, ông phải sang giúp tôi? Có một việc rất quan trọng, phải có ông ra tay thì mới xong được! . Quái? Có việc gì thế nhỉ? Một người như Hữu Ước mà lại phải nhờ đến tôi ư? Một anh chàng phất phơ, một gã vô công rồi nghề lại có thể thành nhân vật quan trọng đối với Hữu Ước thì cũng lạ thật. Mà biết giúp gì các ông bạn công an? Tóm gián điệp thì không có nghiệp vụ. Săn bắt cướp thì không có võ, lại nhát gan. Truy lùng kẻ buôn lậu, bọn chứa gái mại dâm thì tính lại cả nể, cứ thấy nước mắt đàn bà là sợ, là rủn hết ruột gan tim phổi rồi, bao nhiêu nhuệ khí đàn ông bay đâu tiệt, Thế thì biết giúp gì? Có việc đấy? Việc này thì ông làm ngon. Tôi đã tính rồi mà. Việc gì vậy?. Ông chỉ ngồi chơi thôi, chẳng phải làm gì cả. Ô hay! Hoá ra bên công an lại có một nghề rất quan trọng, là nghề... không làm gì cả? Thế thì hay quá? Hợp với sở trường của mình quá. Phải xắn tay làm ngay thôi.
Thế là chúng tôi xuống đường giúp Hữu Ước. Cái công việc quan trọng mà anh nhờ là tham gia vào Hội đồng biên tập. Tôi xếp ông vào đấy cho đẹp cỗ ông làm anh bù nhìn canh dưa. Tôi bảo lắc thì lắc, bảo gật thì gật. Thế thôi mà, chứ cái ngữ ông làm báo thế quái nào được
Hội đồng canh dưa của Hữu Ước có đến ngót một tiểu đội. Chỉ có tôi ú ớ, còn toàn là những người thông minh, những nhà văn có tên tuổi: Nguyễn Khắc Trường, Nguyễn Quang Thiều, Xuân Ba, Nguyễn Thị Thu Huệ, Hoàng Nhuận Cầm. Thỉnh thoảng chúng tôi mới gặp nhau. Công việc cụ thể chúng tôi làm làm nâng cốc làm vài vại bia bụi, rồi cười nói hi ha. Chỉ vậy thôi? Hữu Ước dựng cờ tập hợp quân sĩ như thế đấy. Quân sĩ đều bận việc của mình cả. Khắc Trường và Quang Thiều ở báo Văn nghệ. Thu Huệ ở Đài Truyền hình, Hoàng Nhuận Cầm ở Xưởng phim, Xuân Ba ở báo Tiền Phong, tôi ở Văn nghệ quân đội. Việc cơ quan ngập đến tận mặt nên có khi phải đến mấy tuần chúng tôi mới gặp được nhau. Mà gặp nhau rồi thì cũng chẳng có việc gì ngoài mấy câu chuyện phiếm chẳng dính gì tới tờ báo của Hữu Ước. Thì đã bảo hội đồng gật lắc mà. Trụ sở toà báo là cái phòng xép chứa đồ, Hữu Ước mượn ở cơ quan thường trú báo Công an Thành phô Hồ Chí Minh. Cái phòng bé toen hoẻn chừng 5-6 mét vuông. Tôi đã có lần nói vui trên truyền hình, gọi nó là cái nhà tắm không hoàn thiện, vì còn thiếu cái vòi nước nữa thì mới ra cái nhà tắm. Hữu Ước cho kê ở đó một cái bàn, một bộ ghế xa-lông. Mấy ngày sau, anh khuân về hai cây quạt Trung Quốc MD to đùng. Xếp được chỗ cho hai cái quạt thì người phải ra khỏi phòng. Hữu Ước cho dựng ở cửa một tấm biển khá lộng lẫy: Tạp chí Văn hoá-văn nghệ công an. Tôi bảo Này, sao ông không lấy béng luôn cái tên Văn nghệ Công an cho gọn. Quân đội có Văn nghệ quân đội thì ta có Văn nghệ công an. Nhưng như thế, e khó tồn tại được, ông ạ. Người đọc, có phải ai cũng thích văn nghệ cả đâu. Người ta mua cả một tờ báo có khi chỉ vì một cái tin vắn. Chỉ có văn nghệ không, e rất khó bán?
Nhưng rồi, tạp chí cũng đâu có bán ngay được dù nó không chỉ có văn nghệ. Hữu Ước tung hết ra sạp báo, rồi đến đêm, anh lại bí mật thuê người ra mua hết lại, để các ông bà bán báo tưởng báo bán chạy, còn có nhuệ khí mà bán tiếp nữa chứ. Sự thực, tờ tạp chí ấy vẫn đắp chiếu hàng đống. Rồi đại hội Hội Nhà văn khai mạc. Người ta thấy Hữu Ước xuất hiện với một rổ báo chí như một chàng sinh viên đi tiếp thị. Gặp nhà văn nào, anh cũng cười rất tươi rồi dúi cho một tờ. Trong số đầu tiên này, có cái chân dung văn học tôi viết về Lê Lựu. Nhiều nhà văn tỏ vẻ ngờ vực, không khéo mấy thằng cha quê Hải Hưng này quảng cáo cho Lê Lựu, để Lê Lựu nhảy vào Ban chấp hành. Không đâu - Lê Lựu phân bua rối rít. - Báo ế đấy. Chúng nó vác tôi đi bán thì là cái chắc rồi!
Người đọc chưa kịp nhận mặt Văn hoá -Văn nghệ công an thì đứa con của nó, tờ báo An ninh thế giới ra đời. Lần này, chẳng cần quảng cáo, người ta nhao nhao tìm đọc. Tờ báo đã lên đến bốn năm chục vạn bản, một con số kỷ lục mà những người làm báo quái kiệt nhất cũng chẳng dám mơ tưởng. Rồi tổ chức những cuộc thi văn chương, cứu trợ những người nghèo, mở những trại viết để có những tác phẩm hay về người chiến sĩ công an. Rồi tậu trụ sở mới rất khang trang, rộng rãi và sang trọng ở 100 phố Yết Kiêu. Bấy giờ Hữu Ước đã có một đội quân nhà nghề gọn mà tinh nhuệ. Cũng như Hữu Ước họ có thể vừa tự lái xe, vừa viết bài, biên tập, vừa làm cả những việc tạp dịch. ấy là Nguyễn Như Phong, một cây bút phóng sự nhạy bén, văn viết cứ như chơi, mà lại hấp dẫn. Nguyễn Như Phong có khả năng bắt vít người đọc vào các bài viết của mình, đặc biệt là những bài viết đề cập đến những vụ án nổi tiếng, thu hút sự chú ý của dư luận cả nước. Bên cạnh cây bút chủ lực Nguyễn Như Phong là Phan Quế, Đặng Vương Hưng, Đặng Vương Hạnh, rồi nhà thơ Trương Nam Hương, toàn những tay thiên lôi, tầm sét cả. Vậy mà trông bên ngoài, họ cứ nhàn tản cứ đủng đỉnh như không. Tôi hỏi: Thế nào, vẫn gật lắc đều cả đấy chứ?.Gật lắc gì? Chúng tôi làm mửa mật ra đấy, bố ạ. Có hôm, 12 giờ đêm mới lọ mọ về nhà, vợ lại tưởng chui vào xó xỉnh nào, bèn bí mật kiểm tra xem có mùi lạ không thì thấy sặc sụa toàn mùi xăng ô-tô. ở tờ báo này bây giờ, có lẽ chỉ Hữu Ước là người nhàn tản. Trông lão lúc nào cũng phởn phơ như chủ tiệm Karaoke. Phởn phơ gì. Chính lão mới là người vất vả nhất. Lão làm tất mọi việc, tổ chức từng số báo. Lão chỉ buông tay ra là báo sụt xuống hàng vạn số. ở đây, chúng tôi tất bật lắm, chứ có mấy ai được đú đởn như ông. Nói rồi, Như Phong đóng sập cửa xe, phóng đi như ma đuổi. Người ngoài trông anh, chắc tưởng ông xế tắc-xi tư đang vào giờ tranh khách. Nhưng tôi thì biết chắc lại có một vụ án nào đó cần bài phóng sự của anh. Làm báo mà cứ như săn bắt cướp. Hãi thật.

<< Hoạ sĩ Lê Thanh Minh | Nhà báo Hữu Thọ >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 674

Return to top