Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Dài >> Người thường gặp

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 39284 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Người thường gặp
Trần Đăng Khoa

Ông chủ xe bụi
Ông chủ xe bụi ấy là Lưu Xuân Tình, giám đốc Công ty Điện máy Gia Lâm. Công việc của anh là kinh doanh xe máy, mà chủ yếu là xe máy Trung Quốc. Nói như ngôn ngữ của anh thì đấy là loại xe... bụi, cũng như cơm bụi, bia bụi. Đó là hàng hoá dành cho người nghèo.
Tôi còn nhớ cách đây chừng sáu, bảy năm gì đó, khi tôi từ nước Nga mới chân ướt chân ráo về đến Hà Nội, nhà văn Lê Lựu đã vỗ vai tôi: Này, mày rỗi không, đi chơi với tao!. Đi đâu?. Thăm một nhân vật tiểu thuyết! - Thăm nhân vật tiểu thuyết? - Tôi ngạc nhiên. - Này, bố có say rượu không đấy? Cái thằng cù lần! Tao đâu có nát rượu. Thằng Trường trong tiểu thuyết Mở rừng, mày nhớ chứ. Nó chính là thằng Tình, Lưu Xuân Tình. Tao cứ tưởng nó vùi xác ở chiến trường rồi kia. Tết nào, tao cũng thầm thắp thêm một nén hương cho nó. Hoá ra nó vẫn sống. Bây giờ cu cậu làm giám đốc Công ty Điện máy ở ngay Gia Lâm thôi.
à thì ra thế. Lưu Xuân Trường là nhân vật trung tâm của tiểu thuyết Mở rừng. Cứ như trong tiểu thuyết thì Trường là đại đội trưởng lái xe dũng cảm. Trong một trận chiến đấu đẫm máu, anh mất hết giấy tờ. Nào ngờ giấy tờ ấy lại rơi vào tay địch. Thế là suất gần một tháng trời, địch cứ ra rả đọc tên anh trong buổi phát thanh Nhịp cầu thương yêu. ở làng anh, có ông thợ cắt tóc chuyên nghe trộm đài địch. Thế là tin tức được bung ra. Ai cũng đinh ninh rằng anh đã chết. Thì chính thằng địch đã nói thế. Nói cả tuổi tên, quê quán, con ông nào, bà nào, ở đội nào. Chết lúc nào. Chôn cất ở đâu. Địch nói cụ thể đến thế thì ai mà chẳng tin. Bà mẹ Trường ốm liệt giường, ốm đến rụng hết cả tóc. Bà cứ sụp xuống mà lạy cô con dâu tương lai, cầu xin cô hãy thương bà mà đi lấy chồng. Bà không thể chịu nổi nếu ngày nào cô cũng qua chăm sóc bà. Con gái sinh nở có thì. Nỡ lòng nào bà bắt nó chết già khi nó vẫn còn rất trẻ và đẹp. Cũng vì thương bà cụ khổ tâm bứt rứt như thế mà cô đành ra đi. Cô lấy một anh chồng thương binh cũng do bà cụ dàn xếp. Khi hai người vừa có một đứa con với nhau thì Trường đột ngột trở về. Anh chồng sợ quá, bỏ trốn khỏi làng vì cứ nghĩ mình có tội, là đã vi phạm chính sách Hậu phương quân đội. Trường đã chủ động tìm gặp anh. Người chồng đau đớn xin được trao lại vợ cho anh. Hỡi ôi. Làm sao lại có chuyện thế được. Trường là một người lính. Thằng lính nào cầm súng ra đi cũng là để bảo vệ sự yên ấm cho mọi gia đình. Làm sao lại giành giật hạnh phúc của kẻ khác, nhất đó lại là người anh yêu mến, thương cảm. Lê Lựu viết chương này khá cảm động. Có thể xem như một màn kịch đặc sắc ở thời điểm ấy. Tôi hỏi Lưu Xuân Tình:
- Tất nhiên khi thành nhân vật tiểu thuyết, nghĩa là đã qua sự nhào nặn, hư cấu của nhà văn rồi thì nguyên mẫu không còn nguyên dạng nữa.
Vậy sự thật của câu chuyện còn lại bao nhiêu?
- Còn đến 99%. Tôi chẳng biết ông Lựu lần mò ở đâu ra chuyện của tôi. Thực tình, tôi chỉ gặp ông Lựu chừng mươi phút ở Trường Sơn. Lúc bấy giờ đang mùa khô. Chúng tôi bắt đầu vào chiến dịch vận chuyển. Bận tít mù. Khi ấy, ông Lựu trẻ lắm. Tuổi có thể nhỉnh hơn tôi một chút, nhưng quân hàm lại thấp hơn tôi. Ông Lựu là phóng viên báo Trường Sơn. Còn tôi là đại đội trưởng đại đội vận tải thuộc đoàn 559. Chúng tôi gặp nhau loáng thoáng, nói vài câu bổ bã theo kiểu lính tráng. Tôi không tin ông Lựu viết được văn. Nhà văn phải thế nào kia chứ. Chí ít thì mặt mũi cũng phải sáng sủa. Đằng này ông ấy lại nhếch nhác, trông cũng chẳng hơn gì một thằng lính nhọ đít như mình...
- ừ đúng là tớ chỉ gặp Lưu Xuân Tình có một ít phút trong hội nghị Chiến sĩ thi đua ở mặt trận.
- Nhà văn Lê Lựu xác nhận. - Nhưng gặp là tớ mê ngay. Tình đúng là thằng lính chiến. Lúc ấy cu cậu mới là thiếu uý lái xe. Vậy mà lên diễn đàn hội nghị, cậu ta dám choang luôn ông trung tá cấp trên của mình là hữu khuynh, là nhát gan, chưa thấy bom đạn đã sợ vãi đái. Tình là một đại đội trưởng dũng cảm. Người ta đã định phong Anh hùng, nhưng thấy tính cu cậu cứ ngang cành bứa như thế nên lại thôi. Chuyện riêng của Tình, cả tuyến vận tải đều thuộc vanh vách. Tớ biết được chút nào cũng là nghe cánh lính lái xe kể lại. Lúc bấy giờ, Tình như một nhân vật huyền thoại ở Trường Sơn.
Tôi hỏi giám đốc Lưu Xuân Tình:
- Vậy khi đọc truyện Lê Lựu, anh thấy sao?
- Tôi khóc, ông ạ. Lần nào đọc, tôi cũng khóc. Chuyện thực của tôi thì tôi lại thấy bình thường. Trong chiến tranh, có đến hàng ngàn thằng lính có cảnh ngộ như tôi. Vậy mà khi vào văn thì nó lại thấm thía quá! Nó còn thật hơn cả sự thật. Bởi thế mà cảm động. Người yêu tôi bấy giờ tên là Cù Thị Lộc, quê ở Vĩnh Phúc. Cô là công nhân Nhà máy in Tiến Bộ. Đẹp gái lắm. Trắng trẻo. Cao. Các cô hoa hậu bây giờ không thể so được. Chuyện cô với tôi, đúng như ông Lựu viết. Chỉ khác một chút. Khi tôi đột ngột từ cõi chết trở về thì cô đang viết Thiếp mời. Ông Lựu dựng chuyện cô bế con ra đón tôi. Đấy là ông Lựu bịa. Nhưng bịa thế hay hơn, dữ dội hơn. Còn những gì tiếp theo thì hoàn toàn là chuyện thật đúng như ông Lựu viết.
- Có thể công bố chuyện này cho bạn đọc biết được không?
- Xin ông cứ thoải mái. Vì chuyện thật như thế thì có gì đâu mà phải giấu giếm. Ông cứ viết thẳng tên người yêu tôi là Cù Thị Lộc, chứ đừng Cù Thị L. Viết tắt thế kinh lắm. Bà Lộc có đọc được thì tôi tin bà ấy cũng chẳng nỡ trách. Ai lại đi trách quá khứ vàng son thơ mộng của mình. Còn ông chồng bà ấy có biết thì cũng chỉ tự hào hơn về người vợ tuyệt vời của mình...
- Thế còn bà xã anh...
- ồ bà xã nhà tôi thì lại có một cái đức rất hay mà tôi vô cùng kính trọng. Đó là đức không bao giờ đọc sách báo. Thế nên các ông có viết đến mười cuốn tiểu thuyết về mọi trò yêu đương vụng trộm của tôi thì cũng coi như không viết gì cả...
Nói rồi, giám đốc Tình cười rất khoái chí. - Trông tôi bây giờ xẹo xọ thế này, chứ hồi trẻ tôi rất đẹp giai. Nhiều cô mết lắm đấy...
Tôi lặng lẽ ngắm anh giám đốc đẹp giai Lưu Xuân Tình. Thật tuyệt. Một người hùng từng bôn ba trận mạc, lại trải qua nhiều nỗi đau đớn trong chiến tranh. Vậy mà lại cứ có gì tếu tếu. Trông anh như bức tranh vui vẽ vội của hoạ sĩ Nguyễn Nghiêm. Cặp mắt nhìn hơi lệch. Cái mũi lệch, cái miệng lệch, gương mặt cũng lệch nốt. Cả con người anh trông cứ xiêu xiêu như sắp đổ ụp xuống. Vậy mà không sức mạnh hắc ám nào có thể quật đổ được anh. Bao nhiêu bom đạn của giặc Mỹ xưa cũng không sao giết nổi anh, một con người lúc nào cũng chấp chới, chênh vênh như đi trên miệng vực.
Chiến tranh kết thúc, Lưu Xuân Tình chuyển sang làm kinh tế. ấy là năm 1976. Anh xuất ngũ, xin về Công ty Điện máy, Bộ Nội thương. Thoạt tiên, anh làm quản lý xe. Sau, làm trưởng phòng Kho vận, giám đốc Xí nghiệp Vận tải, rồi giám đốc Xí nghiệp Sản xuất và kinh doanh hàng Điện máy. Công việc chính của anh là kinh doanh xe máy các loại. Nhưng chủ yếu là xe Trung Quốc. Bao gồm cả lắp ráp, tiêu thụ và bảo hành. Xí nghiệp tồn tại theo cơ chế bao cấp mà Bộ cho phép. Nghĩa là vẫn làm ăn như thời kỳ trước đổi mới. Xí nghiệp không hạch toán riêng, không có tài khoản riêng. Lương công nhân vẫn tồn tại theo ba mức như lương cán bộ nhà nước, có bồi dưỡng thêm chút ít nếu làm ngoài giờ. Để xí nghiệp tồn tại được, giám đốc -Lưu Xuân Tình cũng xoay đủ trò. Anh sản xuất thêm cả bia hơi. Cánh bợm nhậu ở thị trấn Gia Lâm vẫn quen gọi là bia Tình, cũng như phở Thìn, thịt chó Tú Béo. Bia Tình dường như không quảng cáo mà vẫn đắt hàng. Các quầy bia hơi quanh quanh đó vẫn tự đến lấy. Có ngày anh xuất đến trên ba ngàn lít. Mùa lạnh ít người uống thì dẹp tiệm, quay ra bán hàng điện lạnh. Cứ thế, xí nghiệp xoay như chong chóng. Miễn là làm sao làm ra được đồng tiền.
- ở cái thời công nghệ hiện đại mà các bố sản xuất lại cứ phải trông vào thời tiết, phụ thuộc vào thời tiết thì cũng lạ thật. Múa theo thời tiết khó không?
Tôi hỏi giám đốc Lưu Xuân Tình. Anh cười:
- Tất nhiên làm ăn thời nào mà chẳng khó. Nhưng giời còn chưa sập thì chúng tôi vẫn tồn tại được. Có thời cao điểm như năm 1993, chúng tôi còn nộp ngân sách lên đến 16 tỷ đồng kia mà. Các ông lưu ý cho rằng, dân mình còn rất nghèo. Xe đạp, xe máy rẻ tiền vẫn là mặt hàng bán chạy nhất, vì nó hợp với túi tiền của người nghèo. Xe Trung Quốc rất rẻ. Trông lại bóng nhoáng, nhìn bên ngoài, cũng oách chẳng kém xe Nhật, xe Thái. Thợ lành nghề cũng còn khó phân biệt. Bởi thế, chỉ cần ngót chục triệu là đã giải quyết xong được khâu oai. Cách mua xe của dân mình mỗi nơi mỗi khác. Dân Bắc bao giờ cũng thích chơi xe xịn. Cái xe như đồ trang sức. Người là nô lệ của xe. Không phải người cưỡi xe mà chính cái xe nó cưỡi người. Còn đối với dân miền Nam thì cái xe chỉ đơn thuần là phương tiện đi lại. Cứ rẻ là mua. Hỏng đâu chữa đấy Không chữa được nữa thì mua cái khác. Dân Bắc mình cũng lắm anh muốn chơi xe xịn, nhưng trong túi lại cóc đủ tiền. Thế là lại đành phải lụy đồ rẻ. Tình trạng này sẽ còn diễn ra khá lâu, nên chúng tôi vẫn tồn tại được dài dài. Tất nhiên, tôi rất muốn thoát ra khỏi bầu khí quyển bao cấp. Làm sao để xí nghiệp tồn tại độc lập, hạch toán độc lập Nhưng vẫn chưa thực hiện được, vì còn bùng nhùng vướng víu nhiều thứ quá.
Tôi rất tin người anh hùng chiến trận này. Chỉ tiếc đại bàng không có trời để bay, cứ đi luẩn quẩn trong sân thì cũng lệt bệt chẳng khác gì gà vịt. Bao nhiêu năm rồi mà xí nghiệp của Lưu Xuân Tình vẫn ngổn ngang như bãi để xe. Phòng làm việc của ông giám đốc vẫn dã chiến như cái lán đại đội trưởng lái xe mặt trận. Chiếc bàn gỗ đã cũ. Chiếc quạt trần Trung Quốc cũng rất cũ. Căn phòng vẫn tềnh toàng như hồi mười năm trước đây tôi ghé qua. Chỉ khác là bây giờ, bốn phía tường nhìn đâu cũng thấy rồng. Những con rồng xanh, rồng đỏ trông như những con giun đất có tua, có mào vẽ trong những tấm gạch men trắng lốp.
- Bác có vẻ rất mê rồng, đúng không?
- Đâu có. Đây là những tấm gạch men lát nền nhà ở trên Tổng công ty còn thừa. Vứt đi thì phí. Tôi bảo anh em tận dụng ốp lên tường làm tranh dân gian. Trông thế nhưng cũng vui mắt ra trò. Tôi ngắm mấy bức tranh dân gian của giám đốc Tình. Lại nhớ đến những căn hầm của lính trận. Căn hầm nhỏ mà có rất nhiều hoạ báo. Không phải tranh rồng phượng mà toàn là ảnh các cô gái. Cô xanh xanh, cô đỏ đỏ. Cô áo dài, cô áo tắm. Rồi câu chuyện làm ăn thế nào lại quay về thời chiến tranh.
Ngày xưa, có bao giờ anh nghĩ là mình sẽ thoát chết, sẽ trở về nguyên vẹn sau cuộc chiến như thế này không?
- Không, không bao giờ đâu, ông Khoa ạ?
Lưu Xuân Tình lắc đầu quả quyết. Đối với anh, những người lính quả cảm thì khó mà thoát được cái chết. Nếu không chết trận này thì sẽ chết trận khác. Chiến tranh dài liên miên như thế, bom đạn mù mịt suốt ngày đêm như thế. Làm sao mà thoát được Thời bấy giờ, chỉ nghĩ đến một giấc ngủ ngon cũng thành chuyện viển vông rồi. Lưu Xuân Tình chỉ huy một đại đội xe luồn sâu. Anh chở quân vào thành cổ Quảng Trị, rồi chở thương binh và liệt sĩ ra ngoài. Ngày nào, anh cũng chôn cất đồng đội. Có khi chôn từ tối đến sáng mà vẫn không hết người chết. Hôm nay mình chôn bạn, chẳng biết ngày mai ai sẽ chôn mình. ở trong những túi bom như thế, sống ngày nào thì biết ngày ấy. Lưu Xuân Tình băng qua mưa bom như một con thoi, mà rồi vẫn chẳng sao cả. Có khi bom ném trúng đội hình xe anh vào đúng nơi anh chỉ huy mà anh vẫn không chết. Anh chỉ bị sức ép, còn thì không có mảnh bom nào sướt qua da. Nói như Lưu Xuân Tình thì anh là người có cái vía xung khắc với bom. Cứ đánh hơi thấy anh là bom nó tránh.
- Chiến tranh có những chuyện rất lạ kỳ. Lạ kỳ đến không thể tin được. Nhưng đó lại là sự thật. Vậy kỷ niệm sâu sắc nhất của đời anh là gì? - Tôi hỏi.
Giám đốc Lưu Xuân Tình cười điềm đạm:
- Đó là lần chúng tôi chở hàng Z vào chiến trường. ấy là một mặt hàng rất đặc biệt. Những năm đó chuẩn bị cho Tổng tấn công. Chiến trường cần một lượng lớn đạn dược và lương thực thực phẩm. Đưa từ ngoài Bắc vào rất cồng kềnh mà nhiều khi lại hư hao. Có khi cần thông đường, lại phải hất cả một xe gạo xuống vực. Xót ruột lắm.
Chúng tôi chuyển một tấn hàng Z vào, rồi đổi hàng thành đô-la, thành súng đạn ngay tại chỗ. Như thế tiện lợi hơn nhiều. Tấn hàng đặc biệt này sẻ ra cho một trăm xe. Mỗi xe mười ký, đóng trong hòm kẽm, ngoài phủ thiếc. Trên là hàng tạp nhạp nguỵ trang. Mỗi xe có một thiếu tá hộ tống. Mệnh lệnh cấp trên là cố gắng đi trong một tháng. Nhưng chỉ 18 ngày sau, chúng tôi đã giao hàng. Đoàn xe chỉ bị cháy một chiếc, nhưng hàng vẫn nguyên vẹn.
Cuộc đời Lưu Xuân Tình là một cuộc đời triền miên đèo dốc bom đạn. Sài Gòn giải phóng rồi mà nửa tháng sau, Lưu Xuân Tình vẫn không biết cuộc chiến tranh đã kết thúc. Khi đó, đoàn xe anh vẫn đang trên đường tiếp tục chở đạn vào chiến trường. Trong xe khi ấy toàn đạn pháo cỡ lớn. Ngày 15 tháng 5, qua Pleiku, anh còn bị tàn quân của Ngô Quang Trưởng chặn đánh. Thế là đêm ấy lại tiếp tục chôn cất đồng đội.
- Vậy anh biết tin chiến thắng lúc nào.
- Lúc về đến nơi giao đạn, nghe anh em nói tôi mới biết nước nhà đã thống nhất.
- Tâm trạng anh lúc đó thế nào?
- Còn thế nào nữa. Hoàn toàn tê liệt. Mệt quá. Khi hồi lại sức thì ý nghĩ trước tiên của tôi là xin ra quân, về quê, dựng lại cho bố mẹ căn nhà, rồi cấy cày, buôn bán, nuôi vợ con. Rồi ra thì làm giàu. Hết giặc rồi. Không lẽ mình lại cứ nghèo khổ mãi. Chướng quá! Bây giờ khi đã bắt tay vào làm ăn thật sự rồi, mới hay việc làm ăn cũng chẳng phải dễ dàng, nhất là khi mình vẫn chỉ được loanh quanh trong cái bị bao cấp.

<< Kể tiếp chuyện lão Chộp | Mẹ và con >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 635

Return to top