Chuyện lão Chộp, một ông thợ cày làng An Đoài đã bắt sống viên phi công Mỹ Pete Peterson thì cả thế giới đều đã biết rồi. Tất nhiên, thiên hạ cũng chỉ mới biết tường tận chuyện đó trong vài năm trở lại đây thôi. Còn khi sự kiện ấy đang thực sự diễn ra thì lại không có mấy ai biết. Bởi khi đó đang chiến tranh. Bom đạn mù mịt. Nói như câu nói cửa miệng của dân mình lúc ấy thì giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh. Cả nước thành mặt trận. Cụ già bắn rơi máy bay. Trẻ con cũng thành dũng sĩ. Chỉ bước chân ra ngõ đã gặp anh hùng. Nhìn đâu cũng thấy anh hùng cả. Bởi vậy, việc lão Chộp bắt giặc lái Mỹ trở thành chuyện bình thường. Bình thường nên chẳng có ai để ý đến nữa. Chính lão Chộp cũng đã quên khuấy chuyện đó. Mà quên từ lâu rồi. Chỉ đến khi viên phi công ấy, ngài thượng nghị sĩ Mỹ Pete Peterson trở lại Việt Nam làm đại sứ Hợp chủng quốc Hoa Kỳ thì câu chuyện cũ lại bùng lên thành một sự kiện nóng hổi. Bao nhiêu phóng viên thông tấn báo chí trong nước và thế giới lần về làng An Đoài tìm gặp lão Chộp. Rồi chính Đại sứ Pete Peterson khi vừa đặt chân tới Hà Nội cũng đã đến thăm lão Chộp, thăm lại làng An Đoài. Và nói như lời ngài thì đó là mảnh đất mà ngài có nhiều kỷ niệm sâu sắc. Pete Peterson rất mừng khi lão Chộp vẫn còn sống. Cứ như lời ngài đại sứ thì cuộc chiến tranh đã qua quả là một quá khứ u buồn. Con người ta chẳng ai có thể thay đổi được quá khứ, nhưng hoàn toàn có thể thay đổi được tương lai. Ngài muốn cùng lão Chộp hướng về tương lai. Rồi ngài bảo lão Chộp: Lần trước, để tới được An Đoài, tôi phải nhảy dù. Còn bây giờ thì tôi có thể đến thẳng An Đoài bằng xe ô-tô. Lão Chộp cũng mời ngài, nếu có thời gian rảnh rỗi thì ngài cứ đến lão chơi. Tất nhiên nếu ngài có về An Đoài thì xin ngài cứ đi bằng xe ô-tô cho đàng hoàng, chứ đừng có nhảy dù như mấy chục năm trước. Còn nếu ngài vẫn cứ nhảy dù thì lão Chộp lại đành phải chộp ngài thôi. Tất nhiên, đó là điều bất đắc dĩ mà lão Chộp hoàn toàn không muốn như thế. Và rồi cũng từ đó, lần nào tôi về quê, lão Chộp cũng tới hỏi thăm sức khoẻ đại sứ Mỹ mà lão vẫn quen miệng gọi là ông Bu Sơn. Lão làm cứ như tôi có thể gặp đại sứ Mỹ dễ dàng lắm. Có lần lãoo còn nhờ tôi chuyển đến ngài đại sứ chút quà quê. Đó là nải chuối tiêu với chục trứng gà. Đối với người thôn quê, thì đó là quà quý. Người ta vẫn thường dùng món quà ấy thăm người ốm hay đàn bà đẻ. Chỉ tiếc tôi không sao chuyển được giúp lão món quà đó. Điều ấy lại làm lão rất ngạc nhiên:
- Thế ra gặp ông Bu Sơn mà khó đến thế kia à? Tôi tưởng bác cùng ở Hà Nội với ông ấy. Người cùng làng với nhau thì gặp nhau lúc nào chẳng được.
Tôi đã viết một thiên phóng sự kể khá kỹ về cuộc gặp gỡ giữa lão Chộp và ngài đại sứ Mỹ, rồi đưa chuyện lão vào cuốn Chân dung và đối thoại. Có người tưởng tôi làm thế chỉ để cho cuốn sách thêm dày. Có người trách tôi sao lại để lão Chộp ngồi chồm chỗm trong cái chiếu dành riêng cho các nhà văn. Thực ra, tôi nghĩ mình không nhầm. Tôi trịnh trọng mời lão ngồi chung chiếu với các nhà văn vì lão là một nhà thơ dân gian. Nhưng trong cuốn sách, tôi chẳng nói chút gì về thơ lão mà chỉ bàn đến chuyện đánh giặc của lão thôi. Tài đánh giặc của lão Chộp đã nổi tiếng khắp nước. Còn thơ ca của lão Chộp thì chỉ nổi tiếng trong làng An Đoài Cánh thợ cày thuộc thơ lão vanh vách. Họ bảo: Chúng tôi chỉ thấy mỗi thơ ông Chộp là hay. Cứ làm theo thơ ông Chộp là chúng tôi có tiền. Còn thơ các bác, nói khí vô phép, không thể nào... sực được.
Lão Chộp có đến hàng trăm bài thơ, mà toàn thơ nói về cách làm ăn ở ruộng đồng, vườn tược:
Bà con toàn thể xã ta
Đồng tâm phấn khởi giồng cà dái dê
Dái dê to mập dài ghê
Sang năm ta cứ dái dê ta giồng...
Lão Chộp có vẻ khoái những bài thơ như thế này lắm. Dường như đối với lão, chỉ có thơ ca mới có ý nghĩa, chứ còn chuyện đánh giặc chỉ là chuyện nhất thời. Lão gói tập thơ cẩn thận, vuông vức như một cái bánh chưng. Thế rồi vào một ngày cuối năm, lão đột ngột mang cái bánh chưng thơ ấy đến nhà tôi, gọi là để nhờ bác nếm giúp, nếu thấy nhạt thì bác cứ thêm giấm ớt vào cho nó đậm đà.
Đấy là lần đầu tiên lão Chộp lên Hà Nội. Lão gọi là chuyến đi dối già. Cô cháu gái của lão lấy chồng bên Gia Lâm, giờ làm nghề bán vải, đã bỏ ra cả một buổi chợ để đưa lão đi chơi, thăm danh lam thắng cảnh. Nhưng chỉ đi được một lúc lão đã thấy chán, vì Hà Nội chỗ nào trông cũng giống chỗ nào. Không ngờ thủ đô lại chật chội và ồn ào quá. Người chen người. Nhà chen nhà. Nhìn khắp mọi xó xỉnh, chẳng thấy hở ra một chút đất nào. Thế thì trồng cà dái dê vào đâu? Lão Chộp thấy chán quá. Chưa hết buổi sáng đã chả còn chỗ nào nữa mà đi. Mãi đến lúc ấy, lão Chộp mới chợt nhớ đến một người quen nữa là ngài đại sứ Mỹ, mà lão luôn coi ngài như một thằng em. Vì thực tình thì ngài kém lão đến ngót một con giáp. Hôm chia tay lão ở làng An Đoài, chính ngài cũng có nhã ý mời lão nếu có dịp nào về Hà Nội thì đến ngài chơi. ừ, thế thì lão đến chơi. Đến xem thằng em sống thế nào.
Lão Chộp nhờ cô cháu gái đèo đến cửa Đại sứ quán Mỹ. Rồi lão quay lại bảo cháu:
- Thôi, mày về mà đi chợ đi. Tao vào uống rượu với Bu Sơn. Lúc nào cần thì tao bảo nó đưa về. Cháu không phải đón đâu.
Thế rồi lão đến thẳng toà nhà mà cô cháu gái bảo đó là Đại sứ quán Mỹ. Lão rất ngạc nhiên khi đến toà nhà của Mỹ, lão lại gặp người Việt. Một anh gác cổng người Việt ngăn lão lại:
- Cụ già đi đâu mà vào đây?
- Tôi đến thăm ông Bu Sơn. Đây có phải là Đại sứ quán Mỹ không?
- Vâng. Đây là Đại sứ quán Mỹ!
- Thế thì đúng rồi! - Lão Chộp cười. - May quá, tôi lại cứ tưởng là mình nhầm nhà. Chú cho tôi gặp ông Bu Sơn!
- ở đây không có ông Bu Sơn cụ ạ?
- Quái! Thế ra nó nói dối à? Mà làm sao lại có chuyện thế được...
Thấy lão Chộp có vẻ ngờ vực, anh gác cổng hỏi:
- Ông Bu Sơn là người Việt hay người Mỹ?
- Người Mỹ!
- Thế thì không có rồi. ở đây chỉ có mỗi ông Peterson là đại sứ Mỹ, chứ không có ông Bu Sơn nào cả
- Đúng rồi, ông ấy là đại sứ Mỹ, nhưng ở làng, chúng tôi vẫn gọi là Bu Sơn...
- Thế cụ có giấy tờ gì không?
- Tôi chẳng có giấy tờ gì cả. Mà làm sao lại cứ phải có giấy tờ. Tôi tưởng chỉ có xe máy, xích-lô mới phải có giấy đăng ký. Thế ra người cũng phải đăng ký à?
- Không phải giấy đăng ký mà là giấy thông hành. Cụ có chứng minh thư hay bất cứ một loại giấy tờ gì để đi đường không?
- Tôi chỉ là nông dân. Nông dân thì cần giấy tờ làm gì? Tôi chỉ có mỗi một cái giấy để ở đồng làng thì không thể mang theo được.
- Sao lại có giấy tờ nào để ở đồng làng?- Anh gác cổng bắt đầu ngờ vực. - Đầu óc cụ có làm sao không đấy?
- Tôi chẳng có làm sao cả. Ông Bu Sơn mời tôi đến chơi thì tôi đến chơi thôi. Ông ấy có bảo tôi mang theo giấy tờ đâu. Mà tôi cũng chỉ có mỗi cái giấy dài một mét sáu, sâu đến tận mét ba ở cánh đồng làng thôi. Loại giấy ấy thì đến bố tôi cũng chẳng thể nào vác theo được.
Nói rồi lão Chộp cười hô hố. Cái lưỡi đỏ nhờ nhờ của lão cứ đập đập vào lỗ răng thủng. Anh gác cổng cũng không còn giữ được vẻ nghiêm nghị:
- Thế cụ với ông Peterson là như thế nào?
- Nó là em tôi đấy!
- Là em cụ?- Anh gác cổng trợn tròn mắt - Xin cụ nhớ cho rằng ông Peterson là người Mỹ...
- Thì nó là người Mỹ chứ sao! Tôi nói thực, chú lại cứ không tin. Tôi là anh Bu Sơn thật mà. Chú tưởng tôi là gián điệp hử? Tôi là anh Bu Sơn. Chú cứ vào bảo Bu Sơn, có thằng anh, là lão Chộp ở làng An Đoài đến chơi. Nếu Bu Sơn đi vắng thì tôi về...
Nghe đến tên lão Chộp, anh gác cổng dường như đã nhận ra người nông dân năm xưa đã bắt viên phi công Mỹ. Không ngờ ông lão vẫn còn rất tráng kiện, vẫn đùa nghịch tinh quái như một gã trai làng. Anh mời ông lão ngồi đợi, rồi đi vào gặp thư ký đại sứ Mỹ.
Chỉ một loáng sau, anh đã quay ra:
- Ngài Peterson rất mừng khi cụ đến chơi. Chỉ tiếc cụ đến đột ngột quá, lại không báo trước, nên xin cụ vui lòng chờ. Hết giờ làm việc, ngài Peterson sẽ tiếp cơm cụ. Còn bây giờ con xin mời cụ vào phòng khách đặc biệt của đại sứ...
Một người Mỹ nói rất thạo tiếng Việt dẫn lão Chộp vào một căn phòng khách sang trọng. Trong phòng có xa-lông. Có máy điều hoà. Một dãy tủ kính bày la hệt những rượu đủ các loại hạng. Chưa bao giờ lão Chộp nhìn thấy nhiều chai rượu đẹp và sang trọng đến thế. ở quê, lão chuyên uống mỗi một loại rượu, là rượu nếp nút lá chuối khô. Lão bảo một anh nhân viên người Mỹ:
- Chú có chai rượu ngon nào cho ta mua một chai?
- Thưa cụ, cụ thích loại rượu nào?
Anh nhân viên Mỹ hỏi lại lão Chộp bằng một giọng lơ lớ. Và điều ấy lại làm cho lão Chộp rất đỗi ngạc nhiên.
- Ô, thế ra quê gốc chú ở Hà Tĩnh à?
- Không, tôi không phải người Hà Tĩnh. Tôi là người Hoa Kỳ. - Anh nhân viên Mỹ phân bua. - Tôi cũng đã hai lần qua quê cụ rồi. Quê cụ có bài hát Quê ta từ đất dấy lên(*). Tôi thấy ở đấy dấy lên rất nhiều lò gạch tự tạo. Cụ thích loại rượu nào?
(* ý nói bài hát của Đỗ Nhuận)
- Loại nào ngon nhất, đắt nhất, khoảng một triệu ấy. - Lão Chộp nói với đầy vẻ hãnh diện. - Chả nói giấu gì chú, sáng nay đi vội quá, ta chỉ kịp giắt túi có hơn triệu bạc thôi. Chú cứ tìm cho ta chai rượu trên một triệu...
Lão Chộp nói vậy cho oai. Chứ thực tình, toàn bộ tài sản trong nhà lão, có đem bán hết thì cũng không thể kiếm nổi một triệu bạc. Lão Chộp bảo tôi:
- Thực ra, trong túi tôi lúc ấy chỉ có nhõn một trăm ngàn đồng. Đó là tiền cô cháu gái đưa cho để ông về đi xe ôm. Nhưng mình cứ phải nói cứng lên như thế, để cho bọn Mỹ nó sợ. Nó cần phải biết rằng, nông dân Việt Nam không có xoàng đâu nhé. Cũng ăn chơi trác táng lắm đấy. Mỹ chẳng là cái đinh gỉ gì?
- Thế khi cụ thanh toán thì sao?
- Làm sao mà phải thanh toán? - ông Bu Sơn ông ấy trả cho hết. Tôi biết trước thế. Mà thế là phải. Mình là khách cơ mà. Chính ông ấy đã mời mình đến, chứ có phải kiến tha mình đến đâu. Có ai mời khách đến nhà ăn cỗ lại bắt khách trả tiền rượu bao giờ.
Nói rồi lão Chộp lại cười:
- Tôi cứ tưởng rượu Mỹ ngon thế nào. Hoá ra chả ra cái quái gì. Chai rượu mấy trăm đô mà đắng ngắt như cứt bọ lẹt. Loại rượu ấy so với rượu ta sao được Tôi đổ hết đi, chỉ giữ mỗi cái vỏ chai. Quả là thứ rượu ấy chỉ có mỗi cái vỏ là có giá trị.
Tối hôm ấy, cụ gặp ông Peterson thế nào?
- Mãi tới tối mịt ông Bu Sơn mới đến. Còn suốt buổi chiều ấy, tôi ngủ một giấc đẫy, bác ạ. Khi tỉnh dậy lại không mở được cửa. Chìa khoá chỉ trùng trục một cái cục sắt. Rõ thật khoá cũng chẳng ra khoá. Thế mà nó lại bảo là khoá từ. Khoá từ chỉ áp nhẹ là cửa tự mở. Nhưng tôi không biết, tôi ấn mạnh quá nên từ bị triệt. Thế là cánh của cứ ngậm tịt như tường nhà tù. Tôi nghĩ bụng, bỏ mẹ, không khéo nó diễn biến hoà bình mình rồi. Trước đây mình nhốt nó vào kho lúa. Bây giờ nó nhốt lại mình vào cái lô-cốt lạnh ngắt như l...ma. Tôi đấm cửa rầm rầm, bác ạ. Chỉ tí tẹo nữa, thì tôi đấm vỡ cái toà đại sứ Mỹ.
- Thế hôm ấy, cụ với ngài đại sứ Mỹ nói với nhau chuyện gì?
- Ông ấy lại hỏi thăm bà con An Đoài. Rồi tỏ ý rất tiếc là do bận công việc quá nên chưa trở lại thăm bà con được. Ông ấy tặng tôi nhiều ảnh lắm. Cả một quyển ảnh dày bịch in toàn hình ô-tô. Tôi ngờ không khéo bố này còn làm thêm nghề buôn ô- tô nữa bác ạ. Nhiều ô-tô lắm. Đủ các kiểu loại. Nhưng có lẽ biết tôi không có tiền mua ô-tô nên ông ấy lờ đi, chẳng nói gì đến ô-tô cả, vẫn chỉ muốn cùng tôi nhìn về tương lai. Tôi nghĩ bụng, cái bố này rõ thật buồn cười. Già khú cả một lũ với nhau rồi thì còn tương lai cái khỉ gió gì nữa. Tương lai của tôi với ông ấy là cái lỗ dài mét sáu, sâu mét ba ở đồng làng ấy. Xuống đấy rồi thì còn nhìn thấy cái khỉ gió gì nữa. Tương lai là chuyện của các bác. Mà xem ra bác cũng hết thời rồi. Có chăng là trông chờ ở lớp con cháu bác thôi. Cầu mong cho chúng nó cứ đi làm đại sứ, cứ đi buôn ô-tô, hay cứ dong trâu ra đồng cày. Mệt thì nằm lăn ra bãi cỏ mà ngủ, chứ đừng có săn nhau, quật nhau ở trên đồng, cũng đừng nhốt nhau vào kho lúa như tôi với ông Bu Sơn ngày xưa. Chơi cái trò ấy chán lắm. Mà cũng không hay ho gì đâu, bác ạ?