Khi chiếc xe buýt đang chạy ngang qua đường cành lá xum xuê, tôi thấy vài cô gái đẩy xe đưa trẻ con dạo mát. Tôi nghĩ ngay, nếu bà Hoa lành bệnh, khỏi phải dùng đến xe lăn tay nữa, thì Bạch Lộ cũng có thể đưa bà đi dạo phố, xem phim…
Xưa nay chưa bao giờ cảm thấy sung sướng hơn lần này, tôi ước ao gặp được Robert Lý, nhất định xin hắn thêm vài hộ Vạn Ứng Đơn nữa cho bà Hoa. Có lẽ Lý quen biết bà Hoa đã lâu, nhưng chắc chắn hắn không biết loại thuốc này lại hiệu nghiệm đến thế.
Xe buýt lại đi qua một hẻm nhỏ. Trong hẻm có rất nhiều bà lão trên vai mang đầy quần áo rách rưới, trông như đang chạy loạn vậy. Tôi nhận ra họ chính là người nghèo khó đang cư ngụ trong khu giải tỏa
Lỡ ra căn bệnh của bà Hoa càng thêm trầm trọng, không thuốc nào hiệu nghiệm, mà nghề nghiệp của Bạch Lộ lại gặp nhiều trở ngại, gian nhà gạch bé nhỏ mà họ đã tốn biết bao mồ hôi nước mắt mới tạo nên, cũng gặp phải cảnh này thì khổ biết bao,…Sự tưởng tượng lại khiến tôi nhận thấy đời người biết bao lận đận, lao đao. Khi nghĩ đến bà Hoa, tôi lại liên tưởng đến Chu Ký Trần và Ngô Doãn Trung. Những người đó đã gần đất xa trời, thời gian đã vô tình mang theo tuổi xuân của họ, còn để lại chăng chỉ là sự nghèo khó, hiu quạnh và bệnh tật.
Thông thường khi gặp phải phiền phức, bao giờ tôi cũng trốn vào sách vở và báo chí. Mấy hôm nay, tôi không động đến sách báo gì cả! Tôi thấy ngường ngượng, tôi hiểu sách vở đối với nghiệp viết văn của tôi rất quan trọng, mỗi ngày phải tăng chớ nếu không nó sẽ cạn đề tài, mất nguồn cảm hứng. Tôi hơi hối hận vì đã nghe lời Lưu Triết, lặn hụp trong vòng luẩn quẩn này mãi, cho dù tôi có nhận được những điều hữu ích thì cũng không thể bù đắp được thời giờ tôi đã phí phạm.
Xe buýt ngừng lại một ngã rẽ. Đây cách thư viện không xa lắm, như có một sức mạnh nào đó thúc đẩy, tôi xuống xe.
Thư viện không rộng lắm, sách báo cũng không đầy đủ, nhưng toàn là sách mới và những đặc san định kỳ thì rất đầy đủ, ngày thường tôi chỉ xem thư viện này như một nơi để triển lãm sách vở, chỉ cần xem đại khái thôi để tôi quyết định đi mua, để khỏi phải tiêu phí.
Tôi là một người khách thường tới lui thư viện nên người quản thủ thư viện thấy tôi là mừng rỡ như người bạn thân lâu ngày mới gặp vậy. Tôi mời anh ta một điếu thuốc, anh ta soạn cho tôi vài quyển tạp chí vừa mới ra.
- Gần đây có sách gì mới thuộc về văn học không?
- Thơ và văn nghị luận thì không có. Hôm qua vừa có một quyển tiểu thuyết mới “Mùa thu tại vườn mai quế (tức hoa hồng)”, mà đã có một cô mượn đi rồi. Nhìn theo hướng tay hắn chỉ, tôi trông thấy một vài sinh viên đang làm bài, trong góc có một thiếu phụ mặc áo dài lam, trông như một cô giáo. Tôi trông thấy hơi quen quen, và mãi mới nhớ ra nàng là Dư Uyển Thu.
- À! Cô Uyển Thu! – Tôi đến trước mặt nàng gọi
- Ồ! Ông là… - Uyển Thu ngẩng đầu lên rồi lập tức gập sách lại nhỏ giọng nói - Ồ! Tôi tưởng anh Triết chứ? Anh ấy nhờ anh đến à?
- Không! Tôi tình cờ ghé qua mượn sách đấy thôi! Cô có hẹn với Triết à?
Uyển Thu thất vọng gật đầu:
- Bài báo của anh ấy có một đoạn khó, anh ấy nhờ tôi đến đây tìm tài liệu và hứa nếu rảnh sẽ đến đây. Nàng xem đồng hồ - giờ hẹn đã qua, có lẽ anh ấy không đến được! À! Nói chuyện ở đây bất tiện quá, chúng ta ra ngoài đi.
Ra đến phòng khách, Uyển Thu nhường tôi ngồi trên ghế mây, nàng thì đứng bên cửa sổ, có lẽ để tiện nhìn người qua lại.
- Cô cũng thích xem tiểu thuyết à?
- Tôi không có thì giờ xem, nhưng quyển sách này không xem không được, vì bản thảo của quyển sách này có người nhờ chúng tôi xuất bản, tôi nhận thấy rất có giá trị nhưng ông giám đốc không bằng lòng, mà chúng tôi không thể xuất bản được nếu không có sự chấp thuận của ông ấy, và hơn nữa tác giả lại đòi tác quyền quá cao.
- Cô đã đọc bản thảo rồi à?
- Hắn chỉ gửi có nửa phần – Uyển Thu mỉm cười – Anh có biết tác giả là ai không?
À, Viên Đinh. Bạch Lộ đã hỏi thăm tôi về người này trong giới văn nghệ ở đây, những nhà văn có chút ít tên tuổi tôi đều biết hết, đây chỉ là một bút hiệu liên quan đến tên sách. Tôi lật trang cuối, thấy nơi phát hành là nhà sách của Tiền Bán Tử, nhưng tôi không nghe thấy hắn nhắc đến quyển sách này bao giờ.
- Anh cũng không biết phải không? – Uyển Thu thoáng mỉm cười – Quyển này khá lắm đấy.
- Nếu cần chúng ta có thể đến nhà sách hỏi
- Người ta không biết đâu! Khi quyển sách mới được phát hành ngày đầu thì tôi trông thấy ở sạp báo, đến ngày thứ ba bị thu về mất. Tôi đoán quyển này đã gặp phải vấn đề gì rồi đây.
- Cô đọc rồi có thấy gì không?
- Tác giả đã dùng lối viết tự thuật – Uyển Thư hơi thẹn thùng – Ông ấy viết là thuở thiếu thời có yêu một cô gái lãng mạn, phóng túng, nhưng người con gái đấy đã cùng một lúc yêu cả ông ta và một vài người khác, trong mối tình đa giác đó, tác giả tự biết mình là kẻ bất tài nên đã tự rút lui.
- Đề tài này cũng thông thường
- Nhưng nó được khai thác rất khúc chiết – Uyển Thu trầm ngâm một hồi – Người đàn bà căm hận đàn ông nên đã nhồi sọ đứa con gái được tạo ra do chính người tình phản bội của nàng trêu cợt và làm khổ nhục nam giới. Giới văn nghệ rất ít khi chịu phí một công lao theo đuổi những thứ biến thái, những tâm lý độc địa đó – Tôi chỉ đọc đến đây thôi – Uyển Thu ngượng ngùng – Phải công nhận tác giả này học thứ rất uyên bác, ông đề cập đến nhiều vấn đề luân lý, đạo đức xã hội, vân vân nữa nên tôi rất muốn đọc. Anh cũng thích đọc loại tiểu thuyết này nữa à?
- Tôi không thích hẳn
- Xem xong tôi sẽ đến tìm anh để thảo luận – Uyển Thu bỏ quyển sách vào trong một chiếc túi – Tôi rất hoan nghênh nếu anh viết về loại này, tạp chí của chúng tôi cần những tác phẩm tương tự như vậy.
- Có lẽ tôi cũng nên thử xem. Tại sao cô không khuyến khích Triết viết về thể loại văn này?
- Anh Triết càng ngày càng lười tệ! – Uyển Thu thỉnh thoảng lại nhìn ra cửa – Anh ấy bận bịu suốt ngày nhưng thật sự không hiểu anh ấy bận việc gì.
- Tôi cũng không được rõ lắm! Tôi chỉ biết rằng anh ấy hoạt động luôn, không lúc nào nghỉ ngơi!
- Anh có biết gần đây anh Triết có người bạn gái nào khác không? – Uyển Thu cố tình biểu lộ mối liên hệ giữa nàng và Triết.
Tôi lắc đầu
- Có chứ! – Uyển Thu mỉm cười – Có lần tôi nhìn thấy anh ấy đi xem phim với một cô gái.
Tôi nghĩ cô gái mà nàng nói là Phụng nhưng mặt vẫn tỉnh bơ.
- Cô gái đó rất đẹp, mà cũng thông minh lắm!
- Triết có cho tôi biết anh ta quý mến một cô biên tập.
- Anh Triết bao giờ cũng cho mình là người đa tình – Uyển Thu mỉm cười cởi mở - Anh ấy không nói rõ cô ấy là ai à?
- Không! Trong sở cô có còn cô nào nữa không?
- Chỉ có mình tôi là con gái thôi – Uyển Thu hơi thẹn thùng – Đừng nói đùa chứ!
Tôi thấy sự liên hệ giữa tôi và Uyển Thu chưa có gì nói nhiều mà đâm hớ, có khi còn lộ tẩy nhiều điều không hay cho Triết, và cô ta cũng tế nhị tự động chuyển đề tài:
- Lâu quá không thấy tác phẩm mới của anh xuất hiện?
- Tôi đang tìm đề tài mới trong đời sống thực tế, ý kiến của Triết đấy.
- Anh Triết có biết gì về văn học đâu? Anh nghe lời anh ấy chắc chắn sẽ thất vọng ngay.
- Tại sao vậy?
- Tôi không biết viết văn, nhưng tôi hiểu biết chút ít về nguyên tắc mỹ thuật. Anh không trách tôi múa rìu qua mắt thợ chứ?
- Đừng nên khách sáo cô ạ!
- Vẻ đẹp nào cũng căn cứ theo khoảng cách. Thực tế không đẹp như ta tưởng tượng và mơ ước đâu. Anh mang kính hiển vi mà nhìn người đẹp thì chỉ thấy 1 tế bào cằn cỗi, khô khan.
- Nhưng nó phải phản ánh đời sống thực.
- Không thể được. Có người than rằng thời đại này không thể sinh ra được những tác phẩm vĩ đại. Thật ra, thời đại này chỉ có thể cung cấp đề tài cho đời sau, bởi vì họ trầm tĩnh, khách quan mà điều quan trọng nhất là cái Lý Luận Học phù hợp với cái Mỹ học của họ.
- Thì nó phải mất đi cái chân thật tính.
- Tại sao phải chân thật chứ? Văn học có cần chân thật không? Chẳng hạn thi sĩ ca tụng vầng trăng, mơ tưởng chị Hằng, ý thơ mới ra. Nhưng khoa học gia đã cho biết rằng trên đó chỉ có một đống nham thạch hoang lạnh, bi thương. Cảm hưng đâu mà thơ với thẩn.
- Ý kiến của cô độc đáo lắm. Nhưng tôi cảm thấy dù sao cũng cần phải tìm hiểu tình cảm thật của những nhân vật sống.
- Tâm lý con người phức tạp, làm sao anh hiểu được? – Uyển Thu nhoẻn cười kiêu ngạo – Không ai bằng lòng cho anh biết bí mật trong nội tâm của họ. Cái mà anh muốn hiểu chỉ là một khối luẩn quẩn. Chẳng hạn như Triết; anh và Triết ở chung một nhà mà tâm sự của anh ấy anh biết được gì?
Tôi ngượng ngập lắc đầu:
- Tôi có lẽ biết được một ít! Triết có cho tôi biết là anh ấy quý mến một người con gái, mà người con gái đó đã bị chồng ruồng rẫy, vấn đề hôn thú vẫn chưa được giải quyết ổn thỏa. Tuy nhiên, cô ta cũng rất quý mến anh Triết.
Tôi hơi hoài nghi người con gái đó chính là bản thân Uyển Thu nhưng tôi lại không tiện lên tiếng hỏi nhưng vẫn nói một cách ham hố:
- Tôi nghĩ rằng thế nào cũng giải quyết được!
- Cho dù giải quyết xong cô ấy cũng không chịu lấy Triết đâu
- Tại sao vậy cô?
- Làm sao tưới cho quả tim khô héo phục hồi sinh lực. Hơn nữa, cô ta hiểu rằng cô ta không phải là người lý tưởng của Triết.
- Con gái rắc rối quá.
- Vì thế tôi thành thật khuyên anh đừng đến thư viện này nữa, và cũng đừng tìm đề tài làm gì, hãy thả lỏng mình đi thì hơn – Uyển Thu đừng lên – Có một phim về cuộc sống của nhà văn anh xem chưa?
- Ít khi tôi xem hát lắm vì không tin rằng điện ảnh giúp ích gì cho công việc của tôi.
- Tôi nghĩ anh nên xem phim này! Rất tiếc là tôi đã quên tên phim, nhưng tôi biết nó đang chiếu ở một rạp mới mở - Uyển Thu nhìn đồng hồ, thoáng chau mày lẩm bẩm – Có lẽ Triết không đến nữa đâu! Tôi cũng không thể đợi anh ấy nữa, tôi phải đến nhà in có tí việc.
- Tôi sẽ nói cho Triết biết.
- Cảm ơn anh! Nhờ anh nói với Triết là hai hôm nữa, khi tạp chí phát hành tôi rảnh rỗi rồi. Lúc ấy thì quyển tiểu thuyết này tôi cũng xem xong, nếu anh ấy đến thăm tôi, tôi sẽ nhờ anh ấy gửi lại cho anh!
Bước ra khỏi thư viện, tôi từ giã Uyển Thu, lúc chia tay, nàng còn bịn rịn nhìn thoáng qua một chiếc ghế trống trong phòng đọc sách.