Cái buồn nào dường như cũng có tính cách truyền nhiễm. Trên đường về, tôi không làm sao quên được mối hậm hực của Cao Mục Địch đối với đời sống. Nhưng tôi cũng phải thừa nhận rằng hắn cũng có lý. Mấy hôm nay tôi gặp nhiều bạn bè, thường thì tôi thấy chẳng có vấn đề gì đáng kể, nhưng bây giờ tôi phải xác nhận là tôi chẳng hiểu bọn họ tí nào. Nói tóm lại, đối với việc sáng tác không những chẳng giúp ích được gì, mà trái lại càng khiến cho đầu óc tôi rối rắm cùng cực.
Tôi rất ân hận là những mẩu chuyện tưởng tượng dễ viết hơn nhiều. Ngay một cô gái trẻ tuổi như Bạch Lộ, tôi cũng không thể hiểu tính nết của nàng. Bực mình, tôi ghé mua một chai rượu và một món nhậu và nhất định tìm Lưu Triết bàn luận.
Về đến vườn Hồng Mai, trên lầu đã bật đèn, và có một bóng đen in trên màn song, có lẽ Lưu Triết về rồi, tôi mừng rỡ nắm kéo chiếc chuông ngoài cửa.
Vân, cô tớ gái, ra mở cửa
- Trời ơi! Các ông đều đi vắng cả ngày, mà ông chủ chắc đêm nay cũng không về nhà đâu.
- Không phải ông Triết đang ở trên lầu sao?
- Lúc trưa ông ấy có gọi điện thoại bảo là đến tối mới về được.
- Thế ai ở trên lầu?
- Anh học sinh bị rụng mất răng cửa đến đây vào tháng trước đấy – Vân lải nhải – May mà có anh ta ở đây đợi ông, trong nhà chẳng có một ai; sợ ghê!
Lâm Việt Sanh, Lâm Việt Sanh thuộc hàng con cháu của tôi, chú hắn là Lâm Phúc Huệ, người cùng xứ của tôi và chúng tôi mới quen biết nhau ở đây thôi. Sau này Huệ nhờ tôi chăm sóc cho Việt Sanh. Thật ra, Việt Sanh là một thanh niên rất siêng năng, hắn đang thực tập ở một ngân hàng thương mại, lúc rảnh rỗi còn giúp tôi chép bài vở, nhưng từ khi tôi dọn nhà, hắn chỉ đến chơi một lần rồi thôi.
Đã khuya rồi mà hắn vẫn còn đợi tôi? Tôi giao rượu và đồ nhậu cho Vân và nhờ cô ta hâm nóng rồi đưa lên sau.
Việt Sanh dường như không nghe thấy tiếng chân của tôi, vẫn đứng xem bên kệ sách. Tôi vỗ nhẹ vai hắn:
- Việt Sanh, cháu đợi lâu quá nhỉ?
Hắn cung kính cúi chào. Tôi nhận thấy gương mặt xanh mét của hắn lại càng ốm hơn xưa kia rất nhiều. Đôi mắt đầy gân đỏ mệt nhọc. Tôi nắm tay hắn:
- Cháu vẫn mạnh chứ?
Hắn e thẹn, nhưng lại lập tức mím chặt môi để che chiếc răng sún.
- Răng cháu vẫn chưa trồng lại à?
- Dạ, bận quá chú ạ.
- Chắc cháu không bị bệnh gì chứ?
- Dạ không, chắc tại cháu đi học đêm thêm.
- Cháu phải tập thể thao nhiều hơn cho khỏe nhé.
- Vâng.
Trông hắn có vẻ bồn chồn.
- Có việc gì không?
- Dạ không, cháu định đến để xem chú có bài vở gì không để cháu chép hộ. Hiện nay cháu làm ở sở bảo hiểm, công việc rảnh rỗi hơn trước rất nhiều. Cháu rất thích chép bài vì nó sẽ giúp cháu quên đi nhiều chuyện không vui.
- Tuổi trẻ như cháu mà có gì không vui chứ? Mấy hôm nay chú bận tìm hiểu chút ít cuộc sống thực tế, nên chẳng viết bài gì cả.
- Cháu biết chú bận lắm, nhưng cháu có việc khác nên mới tìm chú.
- Việc gì thế? – Tôi nhớ ngay đến hoàn cảnh sinh sống của Việt Sanh, và không đợi nó kịp mở miệng, tôi nói ngay – Cháu không nhận được tiền lương à, chú có một ít tiền nhuận bút đây, cháu cứ giữ lấy mà dùng.
- Không, không phải thế - Việt Sanh lắc đầu, tránh khỏi ánh mắt tôi.
- Đừng ái ngại như vậy! Cháu đã giúp chú ghi chép nhiều bài vở như thế, chú cũng phải trả thù lao cho cháu chứ.
- Không phải vấn đề tiền bạc – Việt Sanh lắc đầu lia lịa – Thực tình, số tiền chú cháu gửi cho, cháu đều gửi cả vào ngân hàng, khi nào ông đến Hương Cảng, cháu sẽ lấy tiền đó ra tiếp đãi ông.
- Bao giờ ông ấy đến?
- Có lẽ một tháng nữa. Trong thư chú cháu bảo việc cư trú bên kia đã gặp rắc rối.
- Cháu có chuyện khó khăn khác à?
- Không phải là khó khăn – Việt Sanh lộ vẻ ngượng ngùng, một hồi lâu mới ngập ngừng nói tiếp – Mà là rắc rối…
- Không ai tránh khỏi điều đó, cháu bị rắc rối về phương diện học hành hay nghề nghiệp?
- Dạ lhông, về tinh thần.
- À! – Tôi kinh ngạc đăm đăm nhìn hắn, định đoán tâm sự qua vẻ mặt hắn, nhưng khi tôi nhìn đến bộ ria mép mới mọc của hắn, tôi sực nhớ Việt Sanh nay đã là một thanh niên đến tuổi trưởng thành và cũng liên tưởng đến mình trước đây mười năm, tôi bật cười – Có lẽ cháu đã dùng sai danh từ rồi, đó không phải là rắc rối mà là khổ sở. Nói rõ hơn, là nỗi khổ sở trong thời kỳ đang trưởng thành.
Có lẽ Việt Sanh bị tôi đoán đúng tâm sự, hắn e thẹn và gắt nhẹ:
- Cháu định nhờ chú chỉ dạy về vấn đề này và cũng là vấn đề mà các bạn chúng cháu vẫn hay tranh luận thôi. Theo chú, bọn thanh niên như cháu có thể có bạn gái chăng?
- Dĩ nhiên là được – Tôi trả lời chẳng chút suy nghĩ – Chú cũng đã trình bày ý tưởng này trong một bài báo, đây là hạnh phúc của giới trẻ và cũng là quyền lợi
Có lẽ Việt Sanh nghe giọng nói kiên quyết của tôi khiến tâm hồn nó có vẻ thoải mái hơn.
- Bài đó cháu có chép lại cho chú nhưng cháu tưởng chú biện hộ cho ai chứ…
- Đây không phải vấn đề biện hộ. Trong thực tế, không ai có thể ngăn cấm giới trẻ yêu nhau, cũng như không ai có thể ngăn cấm cây mùa xuân không trổ hoa, và chim mùa xuân không ca hót.
- Nhưng có một số người cho rằng thanh niên trong hoàn cảnh cháu không nên yêu đương…
- Nói nhảm! Cháu có tự do đó. Không nên mặc cảm, tình yêu không phân biệt giàu nghèo, không phân biệt giai cấp. Trong xã hội này, những mối tình không đặt nền tảng trên tiền bạc thì càng trong sạch và đáng quý hơn.
- Nhưng có điều… - Trên nét mặt hớn hở của Việt Sanh bỗng thoáng chút băn khoăn
Để hắn vững niềm tin, tôi lại bổ túc thêm:
- Không có pháp luật nào quy định thằng nghèo không được cưới con gái triệu phú.
- Dĩ nhiên con gái triệu phú không thèm làm bạn với cháu, nhưng… - Việt Sanh mấp máy môi, không thể nói tiếp nữa.
Tôi nói nhanh:
- Bất kỳ điều kiện gì cũng không làm trở ngại sự phát triển của tình yêu, cháu đừng nên lo lắng làm gì.
- Nếu bạn gái của cháu có khuyết điểm thì sao?
- Cháu phải yêu lấy cả khuyết điểm của cô ta.
- Nếu như nàng thấy mới đổi cũ thì sao?
- Cố gắng nắm vững nàng, dùng con tim của cháu đổi con tim của nàng.
- Nếu người khác dùng những thủ đoạn không đường hoàng để mê hoặc nàng?
- Cháu phải đấm ngay vào mũi hắn.
- Không cần biết hắn là hạng người nào?
- Đúng thế!
Việt Sanh cắn môi:
- Hiện nay cháu đang gặp phải rắc rối này.
- Tốt lắm! – Tôi nén cười – Cháu muốn bảo cháu đang có người yêu! Trương Đức Sanh đã cho cháu biết chuyện đó.
Việt Sanh e thẹn gật đầu:
- Cháu không dám đến đây vì ngại gặp ông ấy.
- Có sao đâu! Khi yêu phải can đảm và thành thật, yêu nhau không phải là một điều xấu.
- Nhưng đây là một vấn đề hiện thực.
- Cháu đã nghĩ đến vấn đề cưới vợ à? Vấn đề thực hiện mà cháu nói, nếu là việc đó thì đáng nghĩ ngợi lắm. Cháu có thể cho chú biết đầu đuôi tự sự không?
- Vâng
- Cô bé đó làm chung sở với cháu à?
Việt Sanh lắc đầu:
- Bạn học à?
- Chúng cháu quen nhau từ nhỏ tới lớn, nàng là bà con cô cậu của cháu… - Việt Sanh ngập ngừng – Thật ra chúng cháu thân nhau hơn cả bạn học và bạn chung sở. Vì… vì chiến tranh chúng cháu phải xa nhau, nhưng về sau chúng cháu gặp lại nhau ở Hương Cảng và học chung một trường.
- Cháu phải nắm vững căn bản tình cảm này, chú mừng cho cháu lắm!
- Nàng học cao hơn cháu một lớp, sang năm thì tốt nghiệp rồi.
- Thế thì tốt lắm! – Tôi cười khoan khoái – Cháu tốt nghiệp xong cả hai đều có khả năng tạo dựng gia đình rồi hãy nói đến chuyện kết hôn sau, bây giờ cháu đừng nên lo lắng quá đáng nữa.
- Cháu đâu dám nghĩ đến điều đó – Việt Sanh ủ rũ lắc đầu – Hiện nay chúng cháu đã không còn thân nhau như trước nữa. Thật ra cháu là một kẻ thất tình.
- Thất tình? Sao lại tan vỡ?
- Cháu đã khám phá ra bí mật của nàng.
- Bí mật gì?
- Nàng đã dối cháu để yêu người khác.
Không ngờ tâm sự của Việt Sanh lại có một kết thúc bất ngờ như thế. Tôi hoài nghi sự mẫn cảm của hắn. Trong thực tế, biết bao nhiêu cuộc tình chỉ vì sự đa nghi mà đưa đến tình trạng hiểu lầm trầm trọng. Tôi nghiêm giọng nói:
- Trước khi chưa có bằng chứng chắc chắn, cháu đừng xúc động quá đáng. Cháu cũng nên hiểu rằng người ta hiện nay chưa phải là vợ cháu, cho dù có lấy cháu rồi thì cô ta cũng còn có tự do cá nhân xã giao, đừng nên ích kỷ với tình yêu như thế, phải thế không?
Việt Sanh ngập ngừng nói:
- Cháu có bằng chứng rất chính xác. Cháu có trông thấy bức chân dung của nàng, một bức họa lõa thể không đáng để mắt vào, mà bức họa này lại treo trong phòng ngủ của vị giáo sư cũ của cháu.
- Có thật như vậy à?
- Dạ thật, không ngờ ông ta lại cướp mất người yêu của cháu.
Tôi định tìm hiểu thêm về mối tình tam giác này, nhưng đối thủ của hắn lại là giáo sư của hắn, tôi đành ngập ngừng:
- Nhận xét của cháu chưa hẳn là sự thật.
- Có lẽ họ vẫn chưa đính hôn – Việt Sanh hơi đổi giọng – Nhưng cháu dám cả quyết là ông ấy đang theo đuổi nàng ráo riết. Ông ta giàu có, có địa vị và hãy còn trẻ làm sao các thiếu nữ không thích?
Lối xét đoán của Việt Sanh làm tôi thắc mắc hết sức nhưng tôi không tiện hỏi tiếp, nên kéo câu chuyện trở lại vấn đề chính.
- Vấn đề này rất giản dị, cháu và giáo sư của cháu đều đứng ở một cương vị như nhau, nhưng quyết định yêu ai, đó là quyền định đoạn của người bạn gái của cháu. Giờ đây cháu chỉ cần hết sức yêu nàng, đoán mò như thế không ích lợi gì đâu.
- Nhưng cháu tin rằng nàng yêu cháu – Việt Sanh mặt mày mếu máo, thở một hơi dài thượt – Nàng đã nhận của cháu món quà còn đáng giá hơn cả của giáo sư. Giờ đây cháu chỉ mong hai đằng cùng bình đẳng như lời chú nói. Cháu cốt đến đây để xin ý kiến của chú, cháu phải làm gì để thuyết phục nàng và để đối phó với người kia?
Tôi ngẫm nghĩ giây lát và trì hoãn trả lời bằng cách đòi gặp cô kia, và tôi khuyên hắn chớ nên xử sự bằng tình cảm.
Việt Sanh nghe xong, trầm ngâm một hồi lẩm bẩm nói:
- Đây là lần đầu tiên cháu nếm mùi vị của tình yêu, và có lẽ đó cũng là lần cuối cùng.
- Chú không thích cháu bi quan như thế. Nhìn thẳng vào gương mặt ủ dột của Việt Sanh, - tôi bảo – Cho dù cháu có thất bại, cháu cũng không nên chán nản tình đời như vậy.
- Chú muốn cháu nên bất kể tất cả mà yêu nàng à?
Tôi cảm thấy các ý kiến của mình có chút mâu thuẫn, nhưng tôi đành phải nói:
- Phải rồi, chú cần bổ túc thêm ý kiến của chú ban nãy. Bất kể tất cả không phải là bồng bột, nông nổi, mà là phải sáng suốt, cương quyết, can đảm và nhất là phải trầm tĩnh.
- Có lẽ chú không tin tưởng vào sự nhận xét của cháu – Việt Sanh có vẻ trầm tĩnh được đôi chút – Nếu chú bằng lòng, cháu sẽ đưa bạn cháu đến gặp chú.
- Được rồi! Chú cần phải hiểu rõ vấn đề hơn.
- Cháu xin nghe lời chú.
Việt Sanh đứng dậy chìa tay ra từ giã.
- Trong thời gian này, chú mong cháu đừng nên chuốc lấy phiền não. Tình yêu không phải là tất cả cuộc sống của người thanh niên, cháu không nên phí cả cuộc đời cháu vào một người con gái. Cháu có học thức, có tương lai và còn rất nhiều việc quan trọng hơn cả tình yêu đang đợi cháu.
Việt Sanh ngẫm nghĩ một hồi khẽ gật gù:
- Xin cảm ơn chú, cháu sẽ nghe lời chú, thôi cháu phải về.
Cô Vân mang rượu và đồ nhắm lên, tôi mời hắn ở lại uống với tôi rồi hãy về, nhưng hắn chỉ rót đầy ly rượu, và nốc một hơi cạn sạch.