Ra viện, Giamin trở lại xưởng cơ khí. Các bạn sung sướng đón cậu. Những bác công nhân lớn tuổi bắt tay, hỏi han về tình hình sức khoẻ và hầu như người nào cũng nói:
- Nghĩa là cậu đã trở lại với bọn mình? Tốt lắm. Chứ không, bây giờ đàn ông còn lại ít lắm, chỉ độc có đàn bà và trẻ con…
Giamin sung sướng nhận thấy mình là người cần thiết đối với xưởng. Cậu lúng túng đáp lại như thanh minh:
- Cháu bị ốm nên người ta để lại…
Giờ giải lao, các cậu khác vây quanh Giamin, tranh nhau kể cho cậu nghe chuyện xưởng. Giamin biết được là bây giờ thợ nguội Nunhikianốp ít khi ở xưởng mà thường đi đây đi đó dạy nghề cho người khác. Anh ta không thích việc này, mà để mất người như thế đốc công Xamôrucốp cũng không lấy làm mừng.
Các cậu rất khoái chiếc xe tải một tấn rưỡi chạy bằng củi và kể về chiếc “Xamôva” tự hành này một cách say sưa với đủ các chi tiết. Người lái nó là Tôlia Xidốp, 16 tuổi, trước đấy lái xe kiểm ray. Cậu thanh niên không lấy gì làm bảnh trai, tóc vàng hoe này đã mấy tháng liền loay hoay với chiếc xe mà người ta đã bỏ đi từ hồi trước chiến tranh, đứng gỉ sau sân xưởng. Để chữa nó, Tôlia đã khéo léo tranh thủ sự giúp đỡ của một số thợ cơ khí, thợ hàn và thợ nguội có kinh nghiệm. Họ làm tất cả những gì Tôlia yêu cầu, nhưng trong bụng có lẽ ít người tin là đống sắt này một ngày nào đó có thể chạy được. Khi chiếc xe được chữa xong thì một vấn đề mới nảy ra: kiếm đâu ra bánh xe? Tôlia đã hỏi tất cả các lái xe, lùng hết mọi ga-ra, nhưng ở đâu người ta cũng bảo cậu: “Thì bọn mình cũng không có!”. Thủ trưởng tuyến đường sắt mà cậu yêu cầu giúp đỡ, đã gửi giấy đi khắp nơi, cho tới khi từ Ircútxcơ người ta gửi đến một bộ bánh xe cũ kĩ, phẳng lì như đầu một anh hói. Nhưng cái đó không hề làm Tôlia buồn. Cậu mỉm cười sung sướng, đưa tay xoa mặt bánh sáng loáng nói:
- Không sao, móc xích vào, chạy cứ gọi là như máy kéo!
Và rồi một hôm, chiếc xe kì lạ kia đã từ ga-ra bò ra, phụt khói vàng sặc sụa. Nhiều người bỏ cả việc chạy ra xem sản phẩm của Xidốp. Còn Xamôrucốp, một người luôn nghiêm khắc, thì đang giấu nụ cười trong bộ ria ám khói của mình, báo cáo bằng điện thoại lên thủ trưởng tuyến đường sắt:
- Xidốp, Tôlia Xidốp đấy, ma lanh thật. Cậu ta đang cho xe chạy trong sân! Có ngộ không?
Mỗi ngày Tôlia ngồi sau tay lái từ 12 đến 14 giờ, nhiều khi còn ngủ ngay ở đấy. Cậu chở than, các thanh ốp cũ, đinh ray cho phân xưởng rèn. Lúc rỗi cậu còn chở cả khoai tây cho công nhân, chở cỏ khô mà cậu đã trực tiếp giúp chất lên xe. Người lớn lấy làm ngạc nhiên trước sức chịu đựng và tính kiên nhẫn của cậu.
Thỉnh thoảng thủ trưởng tuyến đường sắt lại mời Tôlia vào phòng mình. Đầu tiên, ông nói xa xôi như: thế nào, đồng chí Xidốp, khỏe mạnh chứ và không làm việc quá sức đấy chứ, có mua được gì bằng phiếu lương thực không, có chuyện gì cứ trực tiếp gặp tôi… Và cái xe vẫn chạy đấy chứ? Tôlia gật đầu, nói là xe chạy bình thường, mọi việc đều tốt đẹp. Tiếp đó, giọng thủ trưởng trở nên cứng rắn hơn, và ông yêu cầu Tôlia đánh xe đến nơi khó khăn nhất lúc ấy
- Vâng, - Tôlia nói
- Tôi nghĩ, ba ngày về được chứ?
- Vâng, cháu đã đến đấy – Tôlia bình tĩnh đáp
Tôlia được Xtêpan Xôcôlốp đưa vào xưởng cơ khí. Trước đấy, suốt mấy tháng cậu chuyên đi tàu lậu vé tìm mẹ và các em cậu bị lạc ở Kirốp
Xtêpan nhìn thấy Tôlia khi cậu đang đứng cạnh cửa nhà ăn, mắt dán chặt vào những đĩa xúp tầm ma
- Này cậu bé, con ai và từ đâu đến? – Xtêpan cho xe của mình lăn lại gần, hỏi.
- Cháu từ Lêningrat…
- Đi xa đấy… Bố mẹ đâu?
- Bố là dân quân, còn mẹ và các em cháu thì lạc ở Kirốp…
- Thì ra tình cảnh của anh bạn cũng gay nhỉ?
- Vâng…
- Bao nhiêu tuổi rồi?
- Đã 16 rồi ạ…
- Trông bề ngoài có vẻ ít hơn… Có muốn ăn không?
- Ai bây giờ không muốn ăn?
- Cậu nói đúng. Nếu vậy thì đi…
Tôlia kiên nhẫn đứng chờ cô bán hàng dùng kéo cắt ô phiếu của Xtêpan.
- Cô ta không ăn lận của bác chứ? – Tôlia hỏi khi hai người ngồi xuống bàn.
- Không! Sao lại thế?
- Sao cô ta cắt có vẻ nhiều thế?
- À, vì bác đặt cho cháu một lúc hai suất mà.
- Ra thế, cảm ơn bác…
Trong khi ăn, Xtêpan biết được là Tôlia biết lái ô tô; trước kia cậu trong nhóm học nghề.
- À này, cạnh xưởng cơ khí có chiếc xe “Xamôva”, cháu có chữa cho nó chạy được không? Nếu được thì hoan hô giai cấp công nhân Lêningrat!
- Cần xem đã… - Tôlia nói vẻ người lớn.
Người ta ghi tên cậu là học nghề thợ nguội và cho lái máy kiểm ray. Bốn tháng sau cậu đã đi trên chiếc “Xamôva” của mình.
Tất cả những điều này mãi sau Giamin mới biết, khi cậu tiếp xúc nhiều hơn với Tôlia. Còn bây giờ, cậu hơi lơ đãng nghe các bạn tranh nhau kể về những gì đã xảy ra trong khi cậu đi vắng.
- Samiliép, Piốt Pêtrôvích cho gọi cậu đấy, - vừa đổ rác vào thùng, thím lao công Dina bảo Giamin – Mà sao lâu nay không thấy cậu đâu cả?
- Cháu đi công tác…
Khuôn mặt đầy râu xanh đen của Piốt Pêtrôvích có vẻ lo lắng
- Cháu đã thấy người ta gửi kèm cho bác bao nhiêu là chàng trai và cô gái rồi chứ? Cấp trên họ cứ nghĩ là “Xamôrucốp sẽ đảm nhận được. Anh ta khỏe lắm”. Thế mà bác đã bắt đầu thấy sức khoẻ đang suy sụp dần. Kìa, ngồi xuống. Cháu biết đấy, trong bọn họ chưa ai bao giờ biết cầm búa trong tay là gì. Xtêpan Xôcôlốp chuẩn bị dụng cụ cho họ… Công việc thế đấy. Còn cháu thế nào? Vừa rồi làm mẹ cháu cuống lên. Khi cháu vào viện, mẹ cháu chạy lại đây. May mà không sao. Bố trí cháu vào đâu bây giờ nhỉ?
- Đâu cũng được… - Giamin nhún vai, cảm thấy lúng túng, khi thấy đốc công nói về việc của xưởng với cậu một cách tin tưởng như vậy. Cậu rụt rè đặt giấy phép nghỉ việc của bác sĩ lên bàn.
- Đi đâu cũng được… tốt, tốt. Đội cháu bây giờ do Côlia phụ trách – ông vân vê tờ giấy trong tay - Được, hay cháu sang làm bên phân xưởng dụng cụ một hai tháng, giúp Xtêpan. Khi nào khoẻ hẳn ta sẽ xem sau, được không?
- Vâng
- Hôm nay còn nghỉ, mai đi làm. Có điều là không được mất tinh thần đấy.
Ở phòng Xamôrucốp ra, Giamin lại tạt vào chỗ các bạn.
Côlia mải nhặt một thanh ốp đường ray nên không nhận ngay ra bạn. Thanh ốp thuộc cỡ lớn, vụn sắt tuôn ra từ mũi đục, nóng đến nỗi làm sôi cả dầu mỡ. Côlia làm việc nhịp nhàng, say sưa, mỗi lần đóng búa lại khẽ “ự” lên trong cuống họng. Tóc cậu đẫm mồ hôi, bện lại với nhau. Trên tường, bên cạnh có treo một chiếc cờ nhỏ ba góc với dòng chữ vàng in nền đỏ: “Đội thanh niên tiên tiến”.
Côlia ngừng chặt, để chiếc búa sang bên cạnh, lấy tay lau những giọt mồ hôi lớn trên trán, và chỉ lúc này cậu mới nhìn thấy Giamin.
- Đến lâu chưa? - cậu hỏi - Thậm chí bọn tớ không vào bệnh viện thăm cậu được. Suốt cả tháng ở trên mặt đường. Thay ray mà. Hầu như làm suốt ngày đêm. Thế nào, đốc công bố trí cậu ở đâu?
- Tạm thời làm việc với bố cậu, sau sẽ hay, bác ấy bảo thế.
Gôga và Vichia đi lại. Mỗi cậu vác trên vai bảy thanh ốp. Hai cậu ném chúng xuống đất đánh ầm một cái.
Các cô gái làm việc bên những máy khoan và máy tiện tò mò nhìn sang cánh thợ nguội. Khi Giamin sang phân xưởng dụng cụ, một cô hỏi Côlia:
- Ai vừa nói chuyện với cậu đấy? Sao mặt cậu ta xanh như vậy?
- Đội trưởng cũ của bọn mình đấy, Samiliép. Còn da xanh à? Cậu mà bị người ta rạch bụng ra thì da cũng thế. Bây giờ cậu ta sẽ làm việc ở đây.
Hôm ấy Giamin tới trường. Người đầu tiên cậu gặp là Valêra. Vừa chữa lại áo dạ phần dưới dây nịt, cậu ta cười mỉa:
- Nghe nói cậu đã đi cùng đoàn khôi phục rồi cơ mà…
- Mình cũng nghe nói là toàn lớp mười đang làm việc ở nông trang mà cậu thì nhở nhơ ăn diện ở đây, - Giamin đập lại
- Nhưng mình có giấy nghỉ…. Mình ốm… Vừa mới đưa cho hiệu trưởng xong…
- Cứ trông đấy thì biết cậu ốm hay không. Béo mượt như một con lợn con. Có bắt đi kéo cày thì cũng đáng…
- Thì việc gì đến cậu? – hai má Valêra bừng đỏ - Cậu có làm thì cứ việc làm, còn chuyện học tập ở trường thì đừng xỏ mũi vào. Việc của cậu là nhặt cho nhiều, ném cho xa….
- Để bây giờ tao cho mày xe thế nào là “nhặt nhiều ném xa” này! Mọi người đang phải làm thay mày – Giamin nắm chặt nắm đấm, xông lại Valêra.
Cậu căm phẫn đến tột độ, mắt như mờ hẳn đi. Sự bất công được hợp pháp hoá bằng giấy phép của bác sĩ là một lời thách thức, một sự nhạo báng đối với cậu và các bạn!
- Đấy, giấy phép của mày đây! – Giamin tát mạnh vào cái mặt của Valêra – Cho chừa cái thói nhạo người!
Valêra cũng xông vào đối thủ của mình
- Bây giờ tao sẽ cho mày biết tay!
- Về nhà học đấm đi đã! – Giamin khoá trái tay cậu ta lại, đè đập đầu xuống đất.
- Ái! Đau! Buông ra! – Valêra kêu thét lên
Bỗng một giọng nói nghiêm khắc vang lên sau lưng hai cậu:
- Không được đánh nhau nữa ! Valêra, em ốm kia mà? Có chuyện gì thế? – Ruvim Ixacôvích nghiêm khắc hỏi
Cả hai đứng im
- Thế nào, không nghe tôi hỏi gì à? Nếu vậy để tôi nhắc lại; chuyện gì đã xảy ra? - Giọng ông hiệu trưởng vang lên trong hành lang. Ông bực mình nhấc kính khỏi mắt, hấp háy đôi mắt cận thị.
- Dạ, chúng em chỉ… thế thôi ạ - Giamin rụt rè nói
- Cậu ấy đánh em trước, - Valêra cũng lên tiếng.
- Các em thật chẳng khác gì trẻ con. Còn em, Daixép hay đấy… Đã ốm, phải về nhà.
- Thế thầy nghĩ người ta cho em giấy này là không đúng hay sao? Nghĩa là bác sĩ nói dối? – Valêra trâng tráo nhìn ông.
- Tôi đã cho em nghỉ việc ở nông trường theo giấy ấy. Người ốm phải nằm trên giường chứ không phải gây sự đánh nhau.
- Không phải em gây sự mà cậu ấy đánh em trước…
- Tôi không hỏi anh đánh trước, ai đánh sau. Người ốm, một khi được phép nghỉ lao động chân tay, phải có một chế độ thích hợp. Em hiểu tôi chứ? - giọng ông run lên – Thôi, về nghỉ! Còn em, Samiliép, theo tôi.
Valêra khinh khỉnh mỉm cười, như muốn tỏ ra cậu có thể không nghe lời, nhưng rồi cũng miễn cưỡng bỏ đi.
- Em không xấu hổ à, Giamin? – Ruvim Ixacôvích nói khi hai người đến phòng ông - Một công nhân, một người tự lập mà hành động như một đứa trẻ - Ông đi đi lại lại trong phòng, luôn xoa xoa mấy đầu ngón tay thon, nhỏ như muốn giật chúng ra khỏi bàn tay – Thế nào, định ngồi im mãi hay sao?
- Thưa không, Ruvim Ixacôvích ạ, em tiếc là chưa kịp nện cho hắn một trận nên thân!
- Cái gì? - cặp kính của ông tụt xuống gần đầu mũi.
- Vâng, em lấy làm tiếc. Hắn trâng tráo lắm. Thầy cũng biết là hắn khoẻ như vâm, vẫn cho nghỉ theo chế độ nằm giường. Chỗ em làm việc ít khi có ai nghỉ, mặc dù được phép nghỉ, ngay cả khi sốt cũng vậy. Chỉ trừ lúc không thể dậy được mới thôi… Không lẽ thầy lại tin là hắn ốm thật?
- Ngồi xuống… Cậu ấy có giấy chứng nhận là đang ốm… Thôi, không cần nói thêm về chuyện này nữa. – ông gõ gõ đầu ngón tay xuống bàn – Công việc của em ra sao? Việc học hành sẽ ra sao đây?
- Em ốm… Bây giờ khỏi rồi. Ngày mai em sẽ đi làm, - Giamin lơ đãng nói, cố tránh nhìn vào mặt ông hiệu trưởng - Thậm chí tất cả các cô gái cũng đi nông trang, - cậu bỗng nói - Chẳng nhẽ thầy lại chịu thế được, Ruvim Ixacôvích?
- Tôi đã yêu cầu Daixép phải lập tức tới nông trang nhưng cậu ta mang giấy phép bác sĩ lại. Thành ra đành chịu.
- Thế thì còn sự thật thì sao? Chính nghĩa thì sao?
- Sao à, phải đấu tranh, em ạ…
Giamin cảm thấy mình không nên nói tiếp về chuyện này nữa.
Ruvim Ixacôvích phá tan sự im lặng kéo dài:
- Không nên bỏ học, Giamin à. Mà chỉ còn có một năm nữa thôi. Hãy cố lên. Em có nhớ là em đã hứa với Xưrômiachin rồi không?
- Em sẽ học, thưa thầy Ruvim Ixacôvích ạ. Bây giờ đỡ vất vả hơn. Em sẽ làm một ca… Sau này thế nào em cũng sẽ tới Mátxcơva, sẽ thi vào đại học…